HT Thích Trí Chơn dịch Việt: Những thử thách của Tăng già trong thế kỷ XXI
Nguyên tác: T.T. Bodhi
Thử Thách Của Thời Ðại
Tăng già, một đoàn thể gồm các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, là hình ảnh đại diện cho đức Phật trên thế gian này trải qua hơn 25 thế kỷ, đã duy trì sự tiếp nối tồn tại của Phật Pháp trong nhân loại bằng sự truyền trao giới luật và hoằng pháp để bảo đảm sự kế thừa di sản cũng như hiện hữu của Ðức Thế Tôn.
Tăng Già Của Ðức Phật Sẽ Tiếp Tục Tồn Tại Trong Bao Lâu?
Tam Bảo ngày nay còn có mặt rõ ràng là nhờ vào sự hiện hữu của Chư Tăng, tượng trưng cho Ngôi Báu thứ Ba, là đoàn thể của các hiền nhân cao quý, đã nhận thức được chân lý tối thượng và siêu việt.
Tăng già đã tồn tại hơn 2.500 năm qua. Thời gian đó đã kéo dài hơn sự thống trị của đế quốc La Mã, tất cả những triều đại vua chúa Trung Hoa và đế quốc Anh. Tăng già đã được duy trì mà không cần có sự bảo vệ của sức mạnh vũ khí, quân đội hay ủng hộ của nguồn tài chính nào, mà chỉ tồn tại, nhờ vào sức mạnh của trí tuệ và giới luật.
Tuy nhiên, không có gì bảo đảm cho sự trường tồn của Tăng già, hay Tăng già sẽ tiếp tục có thể đóng góp đầy sinh động và hữu ích cho đời sống con người. Ðây là trách nhiệm của chính các thành viên trong Tăng già và tùy thuộc vào mỗi thế hệ mới của chư Tăng Ni. Ðó là một công tác hết sức quan trọng vì tương lai của Phật giáo tùy thuộc vào tương lai của Tăng già.
Như chúng ta đã biết, Tăng già tồn tại luôn luôn nhờ vào sự hỗ tương gắn bó với cộng đồng Phật tử tại gia. Sự liên hệ giữa hai đoàn thể này là mối liên hệ của tương quan và cộng tác.
Theo truyền thống Phật giáo, người Phật tử tại gia cúng dường tứ sự cho chư Tăng như y áo, thức ăn, chỗ ở, thuốc men và các vật dụng cần thiết khác trong khi chư Tăng hướng dẫn, dạy dỗ giáo lý cho hàng Phật tử và nêu gương mẫu đạo đức của những người trọn đời phụng sự cho Phật Pháp. Vì sự tiếp nối tồn tại của Tăng già, mối quan hệ này phải được duy trì dưới nhiều hình thức. Nhưng khi xã hội thay đổi, vai trò của hai giới xuất gia và tại gia trong sự tương quan trên dĩ nhiên cũng sẽ có những thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Yếu tố căn bản nhất trong mối liên hệ giữa chư Tăng và Phật tử đang có sự chuyển biến, trước hết từ thay đổi trật tự xã hội truyền thống đến hiện đại và sang xã hội kỹ thuật công nghệ. Hiện nay, dấu hiệu đặc biệt của sự thay đổi ấy là từ sự chú tâm sản xuất công nghiệp đến việc thu thập và phổ biến thông tin. Sự chuyển đổi này đang xảy ra tại khắp các nước Tây Phương và hầu hết ở các tầng lớp xã hội tiến bộ trong mọi quốc gia trên thế giới.
Ðôi khi, đặc biệt người ta bảo rằng Tăng già đang chuyển từ kỷ nguyên công nghiệp sang thời đại thông tin, từ nền văn minh sản xuất đến nền văn minh trí thức. Sự chuyển đổi sang xã hội “mạnh mẽ thông tin” sẽ làm thay đổi bản chất mối quan hệ gốc rễ giữa Tăng già và cư sĩ. Ðiều đó sẽ thách thức Tăng già phải đi tìm những giải pháp cụ thể để bảo vệ sự tồn tại của chánh pháp.
Tôi không phải là nhà tiên tri và cũng không thể dự đoán trước tương lai điều gì sẽ xảy ra, nhưng từ xu thế hiện tại, tôi sẽ cố gắng phát họa những thử thách quan trọng mà Tăng già phải đối đầu qua cách nhìn của riêng mình.
Vai Trò Của Giáo Dục
Trong thời đại thông tin, một tỷ lệ cao dân số tại các nước đòi hỏi trình độ học vấn đại học. Ngày nay dân chúng có khả năng về kiến thức và thông tin nhiều hơn ngày xưa. Sự hiểu biết của họ về những vấn đề thế tục và ngay cả Phật giáo cũng sâu sắc hơn các thế hệ trước.
Do đó, người cư sĩ tại gia mong chờ Phật Pháp cần được nâng cao đến trình độ như những điều họ đã học hỏi ở đại học và họ không đơn giản dễ dàng chấp nhận lời dạy của chư Tăng Ni cũng như hoàn toàn tin tưởng không một chút nghi ngờ như ngày xưa trong xã hội Phật giáo truyền thống.
Họ được giáo dục trong môi trường của chất vấn và điều tra, cho nên họ sẽ dùng phương pháp đó để nghiên cứu Phật Pháp. Do vậy, chư Tăng Ni phải sẵn sàng để trả lời các câu hỏi. Họ không thể mong chờ sự ngưỡng mộ từ các Phật tử tại gia mà quý vị xuất gia cần tranh thủ sự kính trọng bằng cách giảng giải giáo lý một cách rõ ràng, thuyết phục và hấp dẫn.
Chính các Tăng Ni cần có một trình độ học vấn cao, trước tiên là thông hiểu Tam Tạng kinh điển, sau đó là những môn gián tiếp liên quan đến Phật Pháp như triết lý và tâm lý học hiện đại hay các lãnh vực kiến thức khác. Thực tế là làm thế nào vận dụng sự hiểu biết thế gian để giải thích Phật Pháp, đó là vấn đề rất khó khăn. Công việc này đòi hỏi sự đóng góp tiếp tay của những người có trách nhiệm đối với nền giáo dục Phật giáo.
Vai Trò Của Việc Xuất Bản
Việc xuất bản kinh sách đóng vai trò quan trọng nhằm tạo cơ hội nâng cao trình độ hiểu biết giáo lý cho hàng Phật tử tại gia. Vào khoảng thế ký thứ hai trước tây lịch, người ta đã chép tay kinh sách để truyền bá Phật giáo và bắt đầu giữa thế kỷ thứ 20, việc in ấn phát triển và được thương mại hóa, đã góp phần tích cực trong công tác xiển dương rộng rãi chánh pháp của đức Thế Tôn.
Hiện nay, có hàng ngàn tác phẩm Anh ngữ viết về đủ mọi lãnh vực của Phật giáo phổ thông cũng như bác học. Ngoài ra, các kinh sách Phật đã được viết và dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Cho nên bất cứ một sinh viên học Phật nào siêng năng đều có thể thu thập qua sách báo một sự hiểu biết rộng rãi bao la về Phật Pháp.
Chiếc máy vi tính đã thực hiện một cuộc cách mạng trong việc nghiên cứu Phật học. Bất cứ sinh viên nào với một máy vi tính ghi chép có thể lưu giữ toàn cả một thư viện sách Phật bao gồm các bộ Ðại Tạng Kinh trong ổ dĩa cứng của mình. Thông qua internet người ta cũng có thể tìm thấy được nguồn tài liệu đồ sộ về Phật giáo và tham dự các nhóm thảo luận về những chủ đề liên quan đến Phật Pháp.
Những cuốn sách viết về Phật giáo hiện nay không còn là đặc quyền sáng tác của chư Tăng. Muốn thấu triệt Kinh Tạng giáo lý Phật đà giờ đây người ta không nhất thiết phải tìm đến chùa hay tu viện để học hỏi như thời xưa trong xã hội Phật giáo truyền thống. Bởi lẽ ngày nay nhiều trường đại học có mở phân khoa Phật học dạy giáo lý cho các sinh viên và có rất nhiều học giả không phải tu sĩ uyên thâm Phật Pháp đang nghiên cứu các đề án chuyên môn về những lãnh vực Phật giáo.
Với chúng ta, câu hỏi đặt ra là chư Tăng phải làm gì để phục vụ chúng sanh. Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của Tăng già là không cần phải ganh đua với các học giả Phật tử trí thức. Chúng ta cố gắng nghiên cứu thấu đáo, thông suốt càng nhiều kinh điển Phật giáo càng tốt, và nếu cần chúng ta có thể học hỏi thêm kiến thức nơi các vị cư sĩ tại gia uyên bác.
Nhưng điều mà đời sống Tăng già tại các tu viện có thể đóng góp là tạo cơ hội ứng dụng đạo Phật vào thực hành, đó là môi trường để kết hợp việc nghiên cứu học tập kinh điển với công việc hành trì lời Phật dạy trong cuộc sống hằng ngày xây dựng trên niềm tin, lòng sùng đạo và tôn kính ngôi Tam Bảo.
Chúng ta cần phối hợp sự hiểu biết sâu xa giáo lý với hành động tu tập, kiến thức Phật học với đức tin và sự thực hành. Chúng ta không thể chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu, thông suốt Phật Pháp mà không bao giờ thực hành, hay mù quáng tu tập mà thiếu sự hiểu biết giáo lý.
Vai Trò Của Sự Tu Tập
Giáo pháp của đức Phật chinh phục con người không phải chỉ vì quá thậm thâm vi diệu hay do bởi chứa đựng những lời khuyên răn đạo đức mà đặc biệt là vì nó đã trình bày cả một hệ thống giáo lý hướng dẫn con người tu tập có thể giải thoát luân hồi sinh tử. Sự khác biệt căn bản giữa Phật giáo và các tôn giáo khác, đó là Phật giáo đề cao vai trò của tâm trong vấn đề xây dựng hạnh phúc hoặc gây đau khổ cho con người cùng lúc trình bày một phương pháp tu hành để nhiếp phục, làm chủ cái tâm.
Cho nên, cánh cửa quan trọng hướng dẫn mọi người đến với ngôi nhà Phật Pháp, là tu tập thiền định. Ðây là cửa ngõ đặc biệt dành cho những ai sống ngoài truyền thống Phật giáo, nhất là hạng người đang ở Tây Phương. Nhưng thiền cũng là cánh cửa của các Phật tử thuần túy muốn tiếp xúc tìm hiểu Phật giáo từ nền tảng kiến thức khoa học với tâm trạng tò mò và hoài nghi.
Tôi không nghĩ rằng Thiền là câu trả lời duy nhất và trong lãnh vực này, tôi phê bình các giáo sư Tây Phương thường muốn trích dẫn Thiền để nói về Phật giáo mà chối bỏ những học thuyết Phật giáo và niềm tin tôn giáo. Tôi cho rằng cần có sự cân bằng giữa ba lãnh vực: lòng sùng kính mộ đạo, nghiên cứu Phật Pháp, và tu tập thiền định.
Niềm tin mang lại công đức lành, nghiên cứu đưa đến sự hiểu biết chân chính, và thiền định giúp tâm con người sáng suốt và an lạc. Nhiều người hiện nay qua thiền định đã chú tâm tìm hiểu Phật giáo. Một khi có được sự an lạc nhờ thiền định họ sẽ quan tâm đến Phật Pháp và dần dần thấu hiểu được triết lý nhà Phật nhờ học tập kinh điển, phát khởi niềm tin, hâm mộ đạo, và cuối cùng là chọn đời sống xuất gia.
Nhiệm Vụ Của Tăng Già
Bổn phận của chư Tăng là tôn kính và bảo vệ truyền thống cao quý của Phật giáo, sống đời khắc khổ, xa lìa các thú vui trần tục. Bằng cách này, Tăng già luôn đề cao đời sống thanh tịnh, tôn trọng các giá trị Phật giáo truyền thống và chăm sóc, bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Trong thế giới ngày nay những cuộc xung đột bằng bạo lực đang xảy ra giữa các sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Họ luôn tìm cách giải quyết mọi sự tranh chấp bằng vũ lực. Nhưng đời sống Tăng già được xây dựng trên nền tảng bất bạo động với niềm tin rằng sự nhẫn nhục, đối thoại và thông cảm là điều căn bản thiết yếu giúp con người sống hòa hợp, thân hữu với nhau.
Do vậy, Tăng già cần cổ võ, khuyến khích mọi người trong xã hội nên tìm phương cách giải quyết các vấn đề mâu thuẩn xung đột qua sự hiểu biết với lòng bao dung, tha thứ và tình thương.
Ðể bảo vệ, duy trì giáo pháp thậm thâm vi diệu của Ðức Phật trên thế gian, Tăng già có nhiệm vụ xây dựng một đời sống thanh tịnh cho thế giới. Nhờ đó, Tăng già mới có thể giúp cho con người nhận thức được trí tuệ tuyệt đỉnh và giải thoát siêu việt để xây dựng một đời sống hòa đồng không biên giới.
Tiếng Nói Của Lương Tâm
Ðây là một trách nhiệm chính yếu khác mà chư Tăng phải đối đầu trong thế giới ngày nay. Những vấn đề khủng khiếp đang giày xéo đời sống của hàng triệu người và đe dọa gây tai hại cho vô số kẻ khác. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm nhất là sự xung đột giữa các sắc tộc và những cuộc chiến tranh tàn phá hủy diệt gây nên cảnh chết chóc thảm khốc cho hàng ngàn người dân vô tội trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Tôi nghĩ đến các chính quyền đang đàn áp, giam cầm, hành hạ và tra tấn những người dân lương thiện mà không có lý do cũng như ngày đêm theo dõi, đe dọa và khủng bố những kẻ tình nghi khiến họ thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi âu lo.
Tôi nghĩ về khoảng cách giữa những người giàu và nghèo, giữa các quốc gia phát triển và kém mở mang. Tôi nghĩ đến những cơn bệnh đói khát của hàng triệu người nghèo khổ trên thế giới, một căn bệnh có thể dễ dàng giải quyết với một giá rất rẻ.
Tôi nghĩ về sự suy đồi đạo đức mà hàng triệu phụ nữ trên thế giới đang phải chịu nhục nhã làm nghề mãi dâm vì sự nghèo khó hay phải nuôi gia đình.
Tôi lại nghĩ về hàng trăm tỷ đô la đang tiêu lãng phí hàng năm khắp nơi trên thế giới, để sản xuất các loại vũ khí tàn phá trong khi một nửa dân số trên quả đất đang thiếu thốn mỗi ngày không có miếng ăn. Và cuối cùng tôi nghĩ về các hành động của những người vô trách nhiệm đang hủy diệt môi sinh như không khí, nước uống, đất đai, và thực phẩm. Họ không quan tâm gì đến các thế hệ tương lai. Theo ý tôi, nhiệm vụ của Tăng gìa cần thực hiện là nên đánh thức nhân loại bằng tiếng nói lương tâm của người Phật tử khắp nơi trên thế giới.
Như thế, các thành viên của Tăng già phải là những con người xuất sắc để có thể gánh vác công việc truyền bá những giá trị đạo đức Phật giáo hầu góp phần giải quyết những vấn đề trọng đại mà nhân loại ngày nay đang phải đương đầu.
Trích Lanka Daily News phát hành ngày 19-07-2006 tại Colombo, Sri Lanka (Tích Lan)