HT Thích Trí Chơn: Lòng từ bi hóa độ của Đức Phật đối với các vị Bà-la-môn ngoại đạo

Vào thời đức Phật còn tại thế, trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng pháp, Ngài đã hóa độ hàng trăm ngàn người xuất gia lẫn tại gia. Đệ tử của đức Phật gồm đủ thành phần từ các vị Bà-la-môn (Brahmins), vua chúa đến thứ dân, giàu sang phú quý đến hạng cùng đinh nghèo khổ. Ngay cả hạng gái điếm lẳng lơ, những tên cướp giết người không gớm tay cũng đều được đức Phật cứu độ nếu họ có duyên với Ngài. Nói tóm lại, lòng từ bi của đức Thế tôn bao trùm khắp mọi chúng sanh, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo hay chức vị.

Trong bài viết này, tôi xin ghi lại dưới đây, qua các kinh điển Phật giáo, một số trong nhiều vị Bà-la-môn theo ngoại đạo nổi danh được đức Phật hóa độ trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh của Ngài. Những vị đó là đạo sĩ Sonadanda, Kutadanta, Pokkharasati, Sela và Sundarika Bharadvaja v.v…

1. Đạo sĩ SONADANDA

Anga (nay là thị trấn Bhagalpur, thuộc tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ), là một trong những vương quốc lớn vào thời đức Phật còn tại thế. Anga thời xưa, ngoài kinh đô đóng tại Campa (gần Bhagalpur ngày nay) còn có các thành phố quan trọng khác là Bhaddiya và Assapura. Đây là những nơi đức Phật thường đến thuyết pháp cho dân chúng. Anga lúc ấy được đặt dưới sự bảo vệ của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara), trị vì vương quốc Ma Kiệt Đà – Magadha (nay gồm quận Patna và Gaya, tiểu bang Bihar, Ấn độ). Bấy giờ cả hai quốc gia chung sống hòa hợp đoàn kết như cùng một dân tộc.

Một hôm, đức Phật đến kinh thành Anga hoằng pháp và Ngài ở lại trên bờ hồ Gaggara (gần thành phố Campa). Hay tin, dân chúng lũ lượt kéo đến đảnh lễ và nghe Ngài thuyết pháp. Lúc ấy, có vị Bà-la-môn tên Sonadanda rất giàu có và thông bác kinh điển Phệ-đà (Veda) của Ấn độ giáo cũng muốn đến yết kiến đức Phật; nhưng các đệ tử của Sonadanda bảo rằng với kiến thức uyên bác của ông, đức Phật chẳng có gì đáng cho ông đến gặp. Tuy nhiên, Sonadanda vẫn không nghe lời khuyên của các đệ tử mình, và ông đã đến tìm gặp đức Phật. Sonadanda được đức Thế tôn giảng cho nghe kinh Sonadanda (thuộc Trường Bộ Kinh – Digha Nikàya). Đại ý Ngài dạy rằng không phải do sự sanh trưởng con người trở thành hạng cùng đinh thấp hèn nhất hay giai cấp Bà-la-môn cao quý nhất, mà quan trọng là ở hành động đạo đức, xấu hoặc tốt của con người quyết định cho thấy họ là thành phần giai cấp hạ tiện hay cao quý.

Nghe xong, đạo sĩ Sonadanda lòng rất hoan hỷ, phát tâm cầu xin đức Phật cho phép được quy y Tam Bảo và hôm sau, ông đã cung thỉnh đức Phật và các đệ tử của Ngài về nhà thọ trai.

2. Đạo Sĩ KUTADANTA

Thời Phật còn tại thế, Kutadanta là một vị Bà-la-môn thông bác kinh điển Phệ-đà, có rất nhiều đệ tử và tín đồ. Ông được vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) sùng kính và nhà vua đã hiến cúng cho ông ngôi làng Khanumata trong nước Ma Kiệt Đà. Ngày nọ, đức Phật đến hóa duyên tại làng này. Lúc ấy, Kutadanta đang chuẩn bị giết các thú vật gồm một số lớn bò đực, bò cái, cừu con và dê để tế thần. Khi hay tin đức Phật đến ở tại vườn xoài trong làng mình, Kutadanta muốn đến yết kiến để thỉnh vấn Ngài về phương thức tế lễ thế nào cho có nhiều kết quả.

Các đệ tử của Kutadanta cố gắng khuyên ông đừng đi, nhưng ông đã nói cho họ biết đức Phật là một đấng Giác ngộ vĩ đại, và sau cùng ông đã thuyết phục được họ cùng đi đến viếng thăm Ngài. Đức Phật giảng cho Kutadanta và các đồ đệ tử của ông nghe kinh Kutadanta (thuộc Trường Bộ Kinh) nhằm giải thích cho Kutadanta hiểu rõ lợi ích của đời sống tu hành, không giết hại sinh vật và sau đó, Ngài hướng dẫn ông ta đi sâu vào giáo lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo v.v…

Kết thúc bài pháp, Kutadanta liền chứng quả Tu-đà-hoàn, quả đầu tiên trong bốn quả Thánh. Đạo sĩ Kutadanta cũng từ bỏ ý định giết các sinh vật để tế lễ và ngày hôm sau ông đã cung thỉnh đức Phật cùng chư Tỳ kheo về nhà để cúng dường trai Tăng.

3. Đạo sĩ POKKHARASATI

Ukkattha thời đức Phật, là một thành phố thuộc vương quốc Kiều Tát La – Kosala (nay thuộc quận Gorakhpur, tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn). Thị trấn Ukkattha được nối liền với Satavya, một thành phố khác trong nước Kiều Tát La thẳng đến thành Tỳ Xá Ly- Vesali, thủ đô của xứ Vajji (nay là làng Basarh, quận Muzaffarpur, tiểu bang Bihar). Đức Phật thường đi hoằng pháp ngang qua con đường này. Pokkharasati cũng là một tu sĩ thông bác kinh điển Bà-la-môn giáo nên được vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) nước Kiều Tát La hiến tặng cho thành phố Ukkattha nói trên. Ông ta rất đẹp trai và trông giống như một đóa hoa sen màu trắng.

Một hôm, trên đường du hóa đức Phật ghé vào ở khu rừng gần thành phố Ukkattha, đạo sĩ Pokkharasati nghe tin liền yêu cầu vị đệ tử của ông là Ambattha đến gặp đức Phật để xem Ngài thực sự có đủ ba mươi hai tướng tốt của một bậc Giác ngộ tuyệt luân như mọi người khắp nơi tán thán hay không. Ambattha đã đến yết kiến đức Phật và tỏ thái độ trịch thượng, tự cao tự đại. Nhưng đức Phật vẫn trầm tĩnh hoan hỷ thuyết giảng cho ông nghe kinh Ambattha (thuộc Trường Bộ Kinh).

Sau đó, Ambattha trở về kể lại cho Pokkharasati nghe rõ đầu đuôi câu chuyện gặp gỡ cũng như thái độ cư xử không đẹp của mình đối với đức Phật; tuy nhiên ông xác nhận rằng đức Phật quả đúng có những tướng tốt của một đấng siêu phàm. Nghe xong, Pokkharasati bực mình và tức giận về thái độ bất kính của Ambattha đối với đức Phật. Ông liền trách mắng người đệ tử vô kỷ luật và đã đích thân đến xin lỗi đức Thế tôn về thái độ vô lễ của Ambattha đối với Ngài trước đây. Rồi đạo sĩ Pokkharasati cung thỉnh đức Phật về nhà cúng dường trai Tăng. Sau khi thọ trai, đức Phật đã thuyết giảng cho ông ta và các môn đồ của ông nghe kinh Pokkharasati. Nghe xong, ông liền chứng đắc quả Tu-đà-hoàn và trở thành đệ tử của đức Phật. Tất cả môn đồ của Pokkharasati, ngoại trừ Ambattha, đều phát tâm quy y Tam Bảo.

4. Đạo sĩ SELA

Anguttarapa, thời đức Phật tại thế là một phần của vương quốc Anga (nay là quận Bhagalpur, phía đông tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ) có kinh đô đóng tại thị trấn Apana. Một hôm đức Phật đến trú tại rừng trên bờ sông Mahi trong thành phố Apana. Sela, một đạo sĩ thông bác kinh điển Phệ-đà (Veda), có nhiều bạn hữu và tín đồ, cũng cư ngụ ở thị trấn này.

Ngày kia, Sela đến thăm Keniya, một đạo sĩ Bà-la-môn giàu có, chung sống với gia đình tại một ngôi tịnh thất khang trang rộng rãi. Sela ngạc nhiên thấy Keniya và bạn bè đang sửa soạn tổ chức nấu tiệc linh đình, liền hỏi thăm thì được Keniya cho biết rằng ngày mai ông sẽ mời đức Phật và chư Tỳ kheo về nhà để cúng dường trai Tăng. Khi Sela vừa nghe đến danh từ “Phật”, ông ta liền phát tâm kính phục và muốn đi ngay đến để gặp Ngài. Sau khi yết kiến đức Phật, nghe Ngài thuyết giảng kinh Sela, ông ta và các đệ tử đã xin theo Phật xuất gia làm Tỳ kheo. Trải qua một thời gian tinh tấn tu hành, sa môn Sela đã chứng đắc quả A-la-hán.

5. Đạo Sĩ SUNDARIKA BHARADVAJA 

Thời đức Phật tại thế, có một đạo sĩ Bà-la-môn tên Sundarika Bharadvaja thường ra tắm ở sông Sundarika, một con sông thiêng liêng chảy ngang qua vương quốc Kiều Tát La (Kosala), vì ông tin rằng nước sông ấy có thể rửa sạch hết mọi tội lỗi của con người.

Một hôm, trên đường du hóa đức Phật ghé lại ở trên bờ sông này, gặp lúc đạo sĩ Sundarika Bharadvaja đang làm lễ cúng thần lửa. Khi buổi lễ kết thúc, vị Bà-la-môn nhìn xung quanh mong tìm xem thử có ai ở gần đó xứng đáng được thừa hưởng các lễ vật còn lại sau khi cúng xong hay không. Bấy giờ ông ta thấy đức Phật, trên đầu Ngài được phủ khăn che kín, đang ngồi dưới một gốc cây. Khi nghe bước chân của vị Bà-la-môn đến gần đức Phật liền tháo lấy khăn trên đầu xuống. Thấy đức Phật, Sundaraka Bharadvaja hỏi Ngài là ai, thuộc giai cấp nào? Đức Thế tôn liền giảng cho ông ta nghe kinh Sundarika Bharadvaja được ghi chép trong Kinh Tập (Sutta Nipata) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikàya). 

Nội dung của kinh này đức Phật chỉ dạy cho vị Bà-la-môn trên thấy rằng không phải giai cấp mà là đạo đức tu hành, sự nghiêm trì giới luật và biết kiềm chế ái dục của con người mới thực sự quan trọng. Nghe xong, Sundarika Bharadvaja liền xin đức Phật xuất gia làm Tỳ kheo và sau một thời gian tinh tấn tu hành, ông ta đã giác ngộ, chứng đắc Niết-bàn.


Tài liệu tham khảo:

  1. Digha Nikàya – Trường Bộ Kinh (Dialogues of the Buddha), I, translated from Pali into English by Dr.T.W.Rhys Davids, The Pali Text Society, London, Reprinted 1977.
  2. Sutta Nipata – Kinh Tập (Woven Cadences of Early Buddhists), translated from Pali into English by E.N Hare, Sacred Books of the Buddhists, Lon- don 1945.
  3. Historical Geography of Ancient India (Lịch Sử Địa Danh Thời Cổ Ấn Độ) by B.C. Law, Delhi (India), 1984.
Hiển thị thêm
Back to top button