HT Thích Trí Quang dịch giải: Luận Khởi Tín
5. Ghi Chú
Ghi Chú (1)
Là bác sĩ Lê đình Thám, vốn là bậc thầy của tôi. Bản dịch giải của bác sĩ được chính bác sĩ giải thích theo luận Thích ma ha diễn. Bản này chưa in.
Ghi Chú (2)
Nhan đề The Awakening of Faith, do Timothy Richard dịch.
Ghi Chú (3)
Hai bản này chứng tỏ có 1 nguyên bản Phạn văn, vì nhiều chỗ rõ ràng bản sau không đồng ý với cách hiểu của bản trước.
Ghi Chú (4)
Vạn 71/391B của đại sư Pháp tạng, Vạn 72/38B của đại sư Đức thanh, Chính 45/6 của đại sư Cát tạng, Chính 50/189 của ngài Chân đế, Chính 50/183 của ngài La thập, Chính 50/314-317 của Phú pháp nhân duyên, Phật học nghiên cứu bài 14 và 16 của Lương Khải Siêu.
Ghi Chú (5)
Vị này, ngài Huyền tráng ghi trong Tây vức ký rằng cùng hoàng đế Ca nị sắc ca tổ chức kiết tập Đại tỳ bà sa (Phật học nghiên cứu bài 14 dẫn).
Ghi Chú (6)
và
Ghi Chú (7)
Chính xác nhất thì phải nói là duy nghiệp, dầu duy nghiệp là một cách nói để nói duy tâm.
Ghi Chú (8)
Tài liệu để viết đoạn này, đặc biệt phải ghi là Chính 41/1 của đại sư Khuy cơ, Chính 45/8 của đại sư Cát tạng, Chính 50/250 của ngài Huyền tráng, Chính 50/307 của Phú pháp nhân duyên, Chính 25/30, 32 và 34 của Công đức luận, Chính 49/1-4 của Ca diếp kiết kinh, Chính 49/15 của Dị tông luận, Phật học nghiên cứu các bài 3, 11, 12, 14 và 16, của Lương Khải Siêu, quí và đáng khen là Nguyên thỉ Phật giáo thánh điển chi tập thành của Ấn thuận.
Ghi Chú (9)
Tiêu chuẩn chọn lấy và lựa bỏ rõ ràng là quả vị La hán, tạng Paly cho thấy rõ như vậy.
Ghi Chú (10)
Có thể còn lựa bỏ phần lớn Tạp tạng (bản sinh, nói Bồ tát hạnh của Phật). Tạp tạng văn nhiều hơn 3 tạng (Công đức luận, Chính 25/32).
Ghi Chú (11)
Đại sĩ tạng (Bồ tát tạng) nói Phật là Phật, không phải cũng chỉ là 1 vị La hán.
Ghi Chú (12)
Ví dụ Tăng nhất a hàm vốn có 100 sự, ngài A nan truyền cho ngài Ưu đa la. Mười hai năm sau ngày được tụng ra (trong kiết tập 1, do ngài Ca diếp chủ trì) thì ngài A nan nhập diệt. Bấy giờ chư tỷ kheo chỉ thích tu thiền định, không ưa học thuộc lòng, sau đó ngài Ưu đa la cũng nhập diệt, do vậy mà kinh này mất 90 sự. Thầy trò truyền cho nhau là khẩu truyền, không cho chép ra văn bản, nên bấy giờ khẩu truyền chỉ còn 11 sự; riêng của Thuyết hữu bộ không có tự văn và sự 11. Đệ tử ngài Ưu đa la là ngài Thiện giác, do thầy khẩu truyền mà học thuộc lòng kinh này, được 11 sự thì ngài Ưu đa la nhập diệt. Nay 3 tạng hiện hành toàn là của ngài Thiện giác khẩu truyền (Công đức luận, Chính 25/34). Ngài Thương na hòa tu (đệ tử của ngài A nan) nói với đệ tử của mình là ngài Ưu ba cúc đa (thầy của A dục vương): 77.000 (bài tụng) về bản sinh, 10.000 (bài tụng) về luận tạng, 80.000 (bài tụng) về luật tạng, các pháp như vậy ta nhập diệt thì cũng diệt theo ta (Phú pháp nhân duyên, Chính 50/304).
Ghi Chú (13)
Dị tông luận có 2 vị cùng tên Đại thiên. Thế hữu bồ tát, tác giả Dị tông luận, đối với vị trước thì không nói gì, đối với vị sau thì nói là đa văn tinh tiến (Chính 49/15). Công đức luận cũng nói chỉ có ngài Đại thiên là bậc đại sĩ (Chính 25/32). Đại tỳ bà sa (cuốn 99) phản tuyên truyền ngài Đại thiên là đại ác, chỉ phản chứng ngài là vị rất quan trọng trong việc đề cao đại thừa (nghĩa là chống Thượng tọa bộ).
Ghi Chú (14)
Thường nói 5 sự của ngài Đại thiên đưa ra là nguyên nhân phân chia ra các bộ phái Phật giáo. Xét ra không hoàn toàn đúng như vậy. Rõ ràng 5 sự là nói sự bất toàn của quả vị La hán: vấn đề nghiêm trọng là ở đó. Còn nguyên nhân phân chia bộ phái thì chính là cái cách triệu tập kiết tập 1 của ngài Ca diếp. Sau đó, phát triển thì phân hóa, thông lệ mọi tư tưởng sử là như vậy. Ngoài ra cũng phải nói đến ảnh hưởng của sự thống nhất toàn Ấn của A dục vương và sự xâm nhập đất Ấn của đại đế A lịch sơn đại.
Ghi Chú (15)
May mắn là 3 tạng chép bằng ngữ văn Paly này được con (hay em) của A dục vương mang đến Tích lan, nên còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Ghi Chú (16)
Như vậy ngữ văn Paly cũng chỉ là 1 trong những ngữ văn địa phương, không phải là ngôn ngữ của Phật như ngài Giác âm (hay Phật âm) giải thích, không nhiều thì ít, bắt chước ngoại đạo bảo ngữ văn Chanda (Chandaso: Phạn ngữ) là ngôn ngữ của Phạn thiên.
Ghi Chú (17)
Trước ngài Mã minh có ngài Na tiên. Na tiên là gọi tắt Na dà tê na, dịch ý là Long quân, là 1 trong 16 vị Đại la hán, thầy của Di lan đà vương (người Hy lạp, thời đại ở giữa A dục vương và Ca nị sắc ca vương). Na tiên tỷ kheo kinh của ngài tuy là giáo lý tiểu thừa, nhưng ngài còn có Tam thân luận, nay mất, nhưng từ sự thuật lại của các đại sư Khuy cơ và Viên trắc, có thể đoán định ngài là người đã học lý hóa đại thừa (Phật học nghiên cứu, bài 16). Tôi cho rằng có thế đi nữa thì ngài Na tiên cũng chỉ là vị mở đầu nói đến học lý đại thừa mà thôi.
Ghi Chú (18)
Làm thì hơn hết, làm, chính văn là nghiệp, có nghĩa là việc làm, động tác, hành vi.
Ghi Chú (19)
Thân thì vô hạn, dịch sát và đủ là sắc thân thì vô ngại tự tại. Vô hạn là thân Phật thì biểu hiện đủ cả và khắp cả.
Ghi Chú (20)
Biển pháp tánh chân như phi ngã. Pháp tánh là bản thể của các pháp; bản thể ấy là chân như, sâu rộng như biển cả, có đủ vô lượng phẩm chất tốt đẹp, nên gọi là biển pháp tánh chân như. Còn phi ngã là lấy Đường dịch mà bổ túc; Đường dịch: vô ngã cú nghĩa pháp (pháp tánh chân như phi ngã). Chữ phi ngã ở đây rất quan trọng, vì pháp tánh chân như thì không phải biến dạng của khái niệm bản ngã dưới bất cứ dạng thức nào. Biển pháp tánh chân như phi ngã là bản thể của thân Phật, là bản thân của Phật.
Ghi Chú (21)
Tu tập chính xác, chính xác, chính văn là như thật, dịch sát là đúng như sự thật.
Ghi Chú (22)
Kho tàng công đức, công đức là phẩm chất, thuộc tính, đặc tính, thành quả tốt đẹp.
Ghi Chú (23)
Pháp là thể tướng… của Pháp nói trên, 8 câu này căn cứ Đường dịch mà phân câu và dịch. Dịch như vậy hơn phân câu và dịch như sau: Pháp là thể tướng của chính thân Phật, thể là biển cả Pháp tánh chân như, tướng là kho tàng vô lượng công đức. Tăng là các vị tu tập một cách đúng như sự thật của Pháp nói trên.
Ghi Chú (24)
Đức tin, chính văn là chánh tín, dịch sát và đủ là tin một cách chính xác.
Ghi Chú (25)
Đại thừa: cỗ xe vĩ đại.
Ghi Chú (26)
Đức tin đại thừa, đức tin ở đây chính văn là tín căn, 1 trong 5 căn (5 thiện căn: 5 điều lành căn bản, là tín, tiến, niệm, định, tuệ). Thường nói thiện căn, hay nói các căn lanh chậm, căn ấy là 5 căn này.
Ghi Chú (27)
Cách tu, dịch sát và đủ là chỉ cách tu tập đức tin đại thừa.
Ghi Chú (28)
Khuyên tu, dịch sát và đủ là khuyên tu tập bằng cách chỉ lợi ích.
Ghi Chú (29)
Khéo giữ tâm trí, Đường dịch: thuần hóa tâm mình.
Ghi Chú (30)
Bao sự tác hại, tác hại, chính văn là tà võng, là như chính văn c4 nói rõ: quỉ quái gây rối, việc đời bận rộn, bịnh tật hành hạ.
Ghi Chú (31)
Lầm lỗi của tâm trí người thường và nhị thừa. Nhị thừa: thường chỉ cho Thanh văn và Duyên giác, nhưng có lúc chỉ cho Thanh văn mà thôi. Các vị Thanh văn là cấp hai, đối với Bồ tát là cấp một, nên gọi là nhị thừa. Người thường thì bám víu cuộc đời mà không làm việc thiện, nhị thừa thì khiếp sợ cuộc đời mà không có đại bi, toàn là những lầm lỗi cần sửa chữa bằng đại thừa.
Ghi Chú (32)
Thân và tâm đều siêu việt, nói cách khác là 3 nghiệp thân miệng ý đều hơn hết. Thân tâm hay 3 nghiệp của Phật là biểu tượng của Pháp, nên nhìn vào sắc tướng hay cử động của ngài, nghe âm thanh hay lời chữ của ngài, thấy ánh sáng hay từ bi của ngài, đều có thể tiếp nhận và lý giải về Pháp.
Ghi Chú (33)
Âm thanh toàn hảo: viên âm.
Ghi Chú (34)
Tâm chúng sinh, nói Tâm không cũng được, chữ Tâm viết hoa, không phải chữ tâm bình thường. Nhưng nói Tâm chúng sinh thì có nghĩa Tâm ấy đang ở trong lĩnh vực mê, Tâm ấy mới đủ để biểu thị tất cả thể tướng dụng của Tâm, trong mê cũng như trong ngộ, nơi Phật đà cũng như nơi chúng ta. Thêm nữa, nói Tâm chúng sinh thì có cái ngữ khí trực chỉ: đại thừa là gì? là chính cái Tâm của anh đó.
Ghi Chú (35)
Pháp thế gian và pháp xuất thế: lĩnh vực mê và lĩnh vực ngộ, nhiễm pháp và tịnh pháp (ô nhiễm và trong sáng).
Ghi Chú (36)
Chân như, sinh diệt: mặt bất biến, mặt chuyển biến.
Ghi Chú (36b)
Chân như, sinh diệt: mặt bất biến, mặt chuyển biến.
Ghi Chú (37)
Thể tướng dụng: thực thể, thể trạng, hoạt dụng. Thể của Tâm được gọi là chân như, tướng của Tâm được gọi là Như lai tạng, dụng của Tâm được gọi là thiện nhân quả (ác nhân quả là nghịch dụng, cái dụng thác loạn, nên không được nói đến).
Ghi Chú (38)
Chân như, tạm dịch: trung thật như thế (vì chân như là bản thể mà không pháp nào, người nào và lúc nào mà không siêu việt mọi sự khái niệm).
Ghi Chú (39)
Nhất quán bất biến, chính văn là bình đẳng, bất tăng bất giảm.
Ghi Chú (40)
Như lai tạng, tạm dịch: kho tàng Như lai, bào thai Như lai (vì sung mãn tánh đức : nên Như lai tạng chính là nghĩa Có của chân như).
Ghi Chú (41)
Tánh đức: thuộc tính tốt đẹp mà sẵn có, vốn có.
Ghi Chú (42)
Hết thảy Phật đà đã vận dụng và hết thảy Bồ tát đang vận dụng cái Tâm như vậy mà đạt đến địa vị Như lai,câu này cắt nghĩa cái căn bản nghĩa Tâm là đại thừa: Tâm vĩ đại, được các bậc vĩ đại (đại) vận dụng mà đạt đến địa vị vĩ đại (thừa) nên gọi là Tâm-đại-thừa.
Ghi Chú (43)
Phân tích sắc thái phát huy về Tâm, chính văn là phân biệt phát thu đạo tướng, dịch sát và đủ là phân tích (phân biệt) những sắc thái của Bồ tát (tướng) phát huy mà đi mau đến (phát thu) tuệ giác của Phật đà (đạo) chứng ngộ về Tâm. Do vậy cũng có thể dịch tắt là phân tích sắc thái phát tâm.
Ghi Chú (44)
Pháp tánh đồng nhất, chính văn là nhất pháp giới.
Ghi Chú (45)
Cơ sở của tiết mục giáo pháp Phật dạy, chính văn là pháp môn thể.
Ghi Chú (46)
Khái niệm vĩ đại và tổng quát, chính văn là đại tổng tướng.
Ghi Chú (47)
Hết thảy các pháp, pháp ở đây có thể đổi ra khái niệm, như đại sư Thái hư và học giả Lương Khải Siêu đã nói.
Ghi Chú (48)
Phân biệt, chính văn là vọng niệm (hay niệm), ngài Huyền tráng dịch là phân biệt, và có thể thay bằng chữ khái niệm.
Ghi Chú (49)
Các pháp chỉ do phân biệt mà có sai biệt, đối chiếu với chính văn nói về không của chân như dưới đây, biết câu này có nghĩa là do phân biệt mà có những phạm trù đối kháng nhau.
Ghi Chú (50)
Gọi là chân như thì cũng không phải là một đối tượng: nói chân như thì không phải là đối tượng hóa chân như.
Ghi Chú (51)
Phi phạm trù đối kháng nhau, siêu phân biệt không chính xác, những phạm trù phân biệt ấy là như chính văn nói tiếp theo câu này.
Ghi Chú (52)
Khẳng định, phủ định, dịch sát là có, không.
Ghi Chú (53)
Đồng nhất, biệt lập, dịch sát là một, khác.
Ghi Chú (54)
Do Như lai tạng mà có tâm sinh diệt. Tâm sinh diệt là a lại da thức. Do Như lai tạng mà có a lại da thức là như nói do cánh tay chỉ lên mà có cánh tay chỉ xuống. Như đã nói, Như lai tạng là thực thể sung mãn tánh đức; thực thể ấy như cánh tay có khă năng chỉ lên, nhưng khi chưa chỉ lên mà đang chỉ xuống thì đó là cánh tay chỉ lên mà đang chỉ xuống: như vậy gọi là do Như lai tạng mà có a lại da.
Ghi Chú (55)
Bất diệt và sinh diệt, do chính văn h2 sau đây mà biết bất diệt với sinh diệt ở đây nên hiểu là tịnh pháp (vô thỉ mà vô chung: sinh diệt mà không đoạn diệt) và nhiễm pháp (vô thỉ mà hữu chung: sinh diệt mà đoạn diệt). Hiểu như vậy, hoặc hiểu như Thích ma ha diễn luận nói là vô vi với hữu vi, hơn là hiểu như thường hay nói bản thể với tướng dụng.
Ghi Chú (56)
A lại da thức: thức Không mất. Thức ở đây là căn bản của các thức, hơn là một trong các thức. A lại da thức là căn bản y – là căn bản mà từ đó các pháp nhiễm tịnh được bao quát và phát sinh, nên gọi là Không mất.
Ghi Chú (57)
Các pháp: ở đây vẫn là các pháp tịnh nhiễm (tuệ giác và bất giác).
Ghi Chú (58)
Pháp thân, ở đây, như chính văn đã nói: Tâm thể tách rời phân biệt ấy chính là pháp tánh…, là pháp thân… Chính pháp thân này được gọi là tuệ giác vốn có. Lời này cho thấy vì sao thân Phật được gọi là pháp thân (hay trí thân). Tuệ giác của Phật mà ví như đèn đuốc to lớn chiếu soi vạn vật thì thật không bằng ví như khối thủy tinh trong suốt vạn vật ảnh hiện đủ cả. Cái khối trong suốt ấy là tâm thể bản giác, với những tên gọi khác nữa là pháp tánh, là pháp thân. Ý nghĩa ở đây là như vậy. Vậy pháp thân có nghĩa là Phật lấy tâm thể bản giác làm thân, và pháp thân ấy cũng gọi là trí thân.
Ghi Chú (59)
Do tuệ giác mà có bất giác, nói giản dị thì do chính cái khả năng biết (tuệ giác) mà có cái biết, nhưng biết mà biết sai thì gọi là bất giác (vô minh).
Ghi Chú (60)
Chế ngự phân biệt sau không cho nổi lên là trạng thái hủy diệt (diệt tướng). Phân biệt bị chế ngự đó là phiền não.
Ghi Chú (61)
Phân biệt mâu thuẫn với tâm thể là trạng thái dị biệt (dị tướng). Phân biệt này là các phạm trù mà căn bản là ngã chấp.
Ghi Chú (62)
Phân biệt bám trụ tâm thể là trạng thái tồn tại (trụ tướng). Phân biệt này là đối tượng hóa mà nắm lấy tâm thể.
Ghi Chú (63)
Thích ứng tối hậu nên giác ngộ khởi điểm nơi tâm thể là trạng thái phát sinh (sinh tướng). Phân biệt này được giả thiết là phân biệt khởi điểm, thấy được khi tách rời phân biệt.
Ghi Chú (64)
Tâm thể vĩnh viễn trong sáng là như Phật đã ví dụ ở chỗ khác: vàng đã lọc hết quặng thì vĩnh viễn là vàng ròng.
Ghi Chú (65)
Nói khởi điểm thì chính là sự không còn phân biệt: sự tách rời phân biệt cho thấy chính cái phân biệt cuối cùng là khởi điểm, chứ không có khởi điểm nào cả.
Ghi Chú (66)
Phát sinh, tồn tại, dị biệt và hủy diệt là 4 trạng thái sinh trụ dị diệt của bất giác mà được thỉ giác đối trị.
Ghi Chú (67)
Sức mạnh của Pháp, Pháp ở đây là chân như và giáo pháp xuất từ chân như.
Ghi Chú (68)
Thức hóa hợp là a lại da thức — là sự hóa hợp với nhiễm pháp của thức ấy.
Ghi Chú (69)
Tâm liên tục là nhiễm pháp của a lại da thức, nói cách khác là ý và ý thức sẽ nói ở 12.
Ghi Chú (70)
Tâm dụng (hay tâm tướng) là nhiễm pháp nói trên; đó là nghịch dụng của Tâm, vô thỉ nhưng hữu chung.
Ghi Chú (71)
Công đức ở đây là phẩm chất và thành quả do tu hành mà phát huy và thu đạt.
Ghi Chú (72)
Nhân tố huân tập và (72A) Duyên tố huân tập, huân tập nghĩa đen là xông ướp cho ăn nhập vào. Đó là chữ ví dụ (như áo xông hương gì, dầu ướp hoa nào, thì áo và dầu có hơi của hương và hoa ấy) để nói sự tác động và hỗ trợ mà ở đây là của tuệ giác và của Phật đối với tâm thức chúng sinh. Sự huân tập có yếu tố chính và yếu tố phụ; yếu tố chính là phần tác động (gọi là Nhân tố huân tập), còn yếu tố phụ là phần hỗ trợ (gọi là Duyên tố huân tập) — 2 chữ tác động và hỗ trợ là dịch sự huân tập của nhân tố và duyên tố.
Ghi Chú (72A)
Nhân tố huân tập và (72A) Duyên tố huân tập, huân tập nghĩa đen là xông ướp cho ăn nhập vào. Đó là chữ ví dụ (như áo xông hương gì, dầu ướp hoa nào, thì áo và dầu có hơi của hương và hoa ấy) để nói sự tác động và hỗ trợ mà ở đây là của tuệ giác và của Phật đối với tâm thức chúng sinh. Sự huân tập có yếu tố chính và yếu tố phụ; yếu tố chính là phần tác động (gọi là Nhân tố huân tập), còn yếu tố phụ là phần hỗ trợ (gọi là Duyên tố huân tập) –2 chữ tác động và hỗ trợ là dịch sự huân tập của nhân tố và duyên tố.
Ghi Chú (73)
Phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não chướng chính là những tâm lý xấu và ác, làm chướng ngại cho giải thoát niết bàn. Sở tri chướng cũng gọi là trí chướng. Sở tri là các pháp, đối với các pháp ấy mà không biết được là vì ngu si, nên gọi ngu si là sở tri chướng. Nhưng không biết hay biết sai thì bị gọi là ngu si, mà biết chưa hoàn toàn lại tự mãn đã đủ, thì chính sự tự mãn ấy cũng chướng ngại cho sự toàn giác, nên cũng gọi là sở tri chướng, và vì vậy mà sở tri chướng cũng gọi là trí chướng (trí ở đây là trí biết chưa hoàn toàn). Sở tri chướng, như vậy, là chướng ngại cho tuệ giác bồ đề.
Ghi Chú (74)
Vì có phương hướng mới có sự lạc đường, như vì phía mặt trời mọc là hướng đông nên đi về hướng tây là lạc đường.
Ghi Chú (75)
Do sự phân biệt của bất giác có cái khả năng biết danh từ và ý nghĩa, nên được nói cho về tuệ giác. Câu này rất quan trọng. Chủ trương ý thức là khả năng văn tư tu chánh pháp, nói rõ rệt như Nhiếp luận và luận Chỉ quán, là do câu này.
Ghi Chú (76)
Do sự phân biệt… có thể nói đến. Trọn câu này Đường dịch gọn hơn, dầu không đủ ý bằng, như sau “nên đối với bất giác mà nói tuệ giác, không bất giác thì tuệ giác cũng không”.
Ghi Chú (77)
Tâm, ý, ý thức (hay tâm ý thức) ở đây cũng chỉ các thức thứ 8, thứ 7 và thứ 6.
Ghi Chú (78)
Ba, tên là hiện thức…, lúc nào cũng tự chuyển động liên tục, câu này có nghĩa là hằng thẩm tư lương ngã tướng tùy. Thức thứ 7 có luôn, không cần chú ý, khêu gợi. Thức ấy là sự tự ý thức về tự ngã, tự ngã là đối tượng thường trực của nó, là chính nó. Do đó mà tất cả tâm thức đều là phản ảnh tự ngã ấy: đều thành ô nhiễm.
Ghi Chú (79)
Bốn, tên là phân biệt thức, là phân biệt cái đáng ghét cái đáng ưa, phân biệt, chính văn là trí, cái đáng ghét cái đáng ưa, chính văn là nhiễm tịnh. Cả 2 chính văn này đều không chỉnh nên phải chuyển dịch. Chuyển dịch như đã dịch thì có nghĩa câu này nói về ngã ái của thức thứ 7. Vì ngã ái nên thấy cái này đáng ưa vì hợp với ngã, cái kia đáng ghét vì trái với ngã. Ưa ghét này dẫn đến chiếm đoạt hay chống cự, nghĩa là ái dẫn ra thủ.
Ghi Chú (80)
Mọi sự phân biệt, ở đây chính yếu là phân biệt tâm vật, tự tha, v/v.
Ghi Chú (81)
Ý thức: thức của ý.
Ghi Chú (82)
Phân ly thức: thức thứ 6 mà phần chính là ngũ câu ý thức (ý thức đi đôi với 5 thức trước), nên ngoài ý căn còn 5 căn trước nữa: cái thức có từ 6 căn khác nhau, gọi là phân ly thức.
Ghi Chú (83)
Phân biệt sự thức: cái thức nhận thức mọi sự: cả 6 đối cảnh.
Ghi Chú (84)
Kiến và ái: kiến là tất cả kiến thức sai lầm (mà phần chính là ngã kiến), ái là tất cả phiền não xấu ác (mà phần chính là ngã ái).
Ghi Chú (85)
Nhiễm tâm ở đây chỉ cho 3 tế 6 thô mà lược lại thành 6 nhiễm tâm.
Ghi Chú (86)
Bồ tát từ khi sự tin hoàn hảo, sự tin hoàn hảo, dịch đủ là phát huy tâm thể bằng sự tin hoàn hảo (gọi tắt là phát tâm bằng sự tin); địa vị của các vị Bồ tát này là hết tín thứ 10, nghĩa là vào trú thứ 1.
Ghi Chú (87)
Địa vị Bồ tát sự tin hoàn hảo: hết tín thứ 10.
Ghi Chú (88)
Địa vị Bồ tát tuệ giác trong suốt: địa thứ 1.
Ghi Chú (89)
Địa vị Bồ tát giới pháp hoàn hảo: địa thứ 2.
Ghi Chú (90)
Địa vị Bồ tát phương tiện vô tướng: địa thứ 7.
Ghi Chú (91)
Địa vị Bồ tát tự tại với cảnh: địa thứ 8.
Ghi Chú (92)
Địa vị Bồ tát tự tại với tâm: địa thứ 9.
Ghi Chú (93)
Địa vị Bồ tát tận cùng địa vị: địa thứ 10.
Ghi Chú (94)
Có thích ứng… cũng bất đồng. Có thích ứng (tương ưng) là loại nhiễm tâm dễ thấy; khi tâm dơ bẩn thì nó có, khi tâm trong sáng thì nó không. Không thích ứng (bất tương ưng) là loại nhiễm tâm khó thấy; tâm dơ bẩn, trong sáng hay trung tính, khi nào nó cũng có và làm dơ bẩn cả. Loại sau chính là bất cọng vô minh của Nhiếp luận.
Ghi Chú (95)
Nhiễm tâm thì gọi là phiền não chướng…, nhiễm tâm thì năng kiến, năng hiện, cố thủ đối cảnh… ; còn bất giác thì gọi là sở tri chướng… Câu này cho thấy năng động (động thức) là bất giác, là nhiễm tâm căn bản. Cái trí căn bản là trí hội nhập chân như : như lý trí biết như sở hữu tánh, nói cách khác là đại niết bàn. Cái trí sự dụng là trí toàn giác vạn hữu: như lượng trí biết tận sở hữu tánh, nói cách khác là đại bồ đề.
Ghi Chú (96)
Vì bất giác mà vọng động, vọng động ở đây là nhiễm tâm, tức 3 tế 6 thô của bất giác mà đã lược thành 6 nhiễm tâm.
Ghi Chú (97)
Tâm tướng diệt, tâm tướng ở đây là nhiễm tâm, cũng gọi là tâm dụng.
Ghi Chú (98)
Cái khổ sinh diệt, sinh diệt, có bản chép sinh tử: sai. Cái khổ sinh diệt, sau này hay gọi là biến dịch sinh tử.
Ghi Chú (99)
Cái khổ nghiệp buộc, sau này hay gọi là phân đoạn sinh tử.
Ghi Chú (100)
Động thức, chính văn là nghiệp thức, là 1 trong các tên của ý, nhưng được nói đến mỗi khi nói về ý là vì nó là bản thân của ý.
Ghi Chú (101)
Phân biệt sự thức là 1 trong 3 tên của ý thức, nhưng được nói đến khi nói về ý thức là vì nó là năng lực đặc thù của ý thức.
Ghi Chú (102)
Tuệ giác vô thượng (vô thượng đạo), niết bàn vô thượng (vô thượng niết bàn), tuệ giác niết bàn (niết bàn đạo), 3 từ ngữ này lắm khi ở 1 chỗ mà không đi với nhau, thì chỉ là viết văn cho khỏi trùng lặp và cho có vế mà thôi, chứ không có nghĩa được cái này mà không được cái kia. Nói cho cùng, như Pháp hoa (chỉnh cú số 103 và 104 của phẩm 3) đã nói, thì đại thừa không tách 2 chuyển y này biệt lập với nhau.
Ghi Chú (103)
Do vậy mà làm cho người có tin, người không tin, và trước sau khác nhau, câu này lấy Đường dịch mà bổ túc.
Ghi Chú (104)
Chỉ dạy, thuyết phục, khuyến khích và tán thưởng, chính văn là thị giáo lợi hỷ, cần thì coi chú thích số 123 của Pháp hoa.
Ghi Chú (105)
Từ khi họ mới phát tâm cầu được toàn giác, cho đến lúc họ được thành bậc toàn giác, trong thì gian ấy chư vị Phật đà Bồ tát… Câu này, đối chiếu với Đường dịch, tôi lược bỏ 1 câu chính văn mà xét ra vừa trùng lặp vừa non nghĩa đến trái nghĩa. Nếu không lược bỏ thì phải dịch:… thành bậc toàn giác, trong thì gian ấy họ thấy hay nghe (chư vị Phật đà Bồ tát), chư vị Phật đà Bồ tát…
Ghi Chú (106)
Hoặc hiện làm 4 sự nhiếp hóa, 4 sự nhiếp hóa (nhiếp pháp) là bố thí (cho tiền của) ái ngữ (nói dễ thương) lợi hành (làm lợi ích) và đồng sự (làm cùng nghề).
Ghi Chú (107)
Thấy nghe hay hoài niệm, chính văn là kiến văn, niệm; có khi chỉ nói thấy và nghe thì hơi thiếu.
Ghi Chú (108)
Tuệ giác đồng thể, đồng thể là bản thể chân như. Bản thể ấy thì chư Phật với chúng sinh đồng nhất. Tuệ giác hội nhập bản thế ấy, hay ít nhất là lý hội bản thể ấy, thì gọi là tuệ giác đồng thể.
Ghi Chú (109)
Tín lực, pháp lực, ở đây là năng lực chính tín chân như và năng lực hội nhập chân như.
Ghi Chú (110)
Cái trí vô phân biệt: tuệ giác siêu việt khái niệm.
Ghi Chú (111)
Cái tu vô công dụng, vô công dụng (không cần dụng công nữa) cũng gọi là nhiệm vận (vẫn tiến hành tự nhiên), có nghĩa sự tu tập đã thuần thục, tự nó thường xuyên diễn tiến, không gián đoạn, không cần chú ý hay được kích thích. Cái trí và cái tu này phải đến địa thứ 8 trong 10 địa mới thuần.
Ghi Chú (112)
Thường lạc ngã tịnh, tạm dịch: vĩnh viễn, yên vui, tự chủ, trong sáng.
Ghi Chú (113)
Trong mát, không bị biến thể, không bị chi phối, chính văn là thanh lương, bất biến, tự tại.
Ghi Chú (114)
Với sự nhận thức này làm một phương tiện lớn lao, chính văn là đại phương tiện trí, đó là danh từ, nên dịch sát thì phải là với tuệ giác phương tiện lớn lao.
Ghi Chú (115)
Pháp thân, trí thân, chính văn trong đoạn kkl nói về tuệ giác, đã nói pháp thân được gọi là bản giác. Như vậy chính bản giác là pháp thân, là trí thân.
Ghi Chú (116)
Chân lý tuyệt đối: thắng nghĩa đế.
Ghi Chú (117)
Chân lý phổ thông: thế tục đế.
Ghi Chú (118)
Ứng thân, cũng gọi là biến hóa thân, là những thân được Phật biểu hiện theo các loại chúng sinh. Trong ứng thân có cái gọi là liệt ứng thân, tức là thân Phật trong lịch sử, 1 trong những thân Phật biểu hiện cho loài người.
Ghi Chú (119)
Báo thân, cũng gọi là thọ dụng thân, là thân Phật được kết quả bởi các pháp ba la mật.
Ghi Chú (120)
Thế giới của thân ấy cũng vô lượng trang nghiêm, là báo độ (cũng gọi là trang nghiêm độ, thọ dụng độ). Thường nói tịnh độ là chỉ báo độ này.
Ghi Chú (121)
Vô giới hạn, vô cùng tận, siêu việt cục bộ – sự thấy phù hợp như vậy nên thấy thân Phật thường trú bất diệt, chính văn là tức vô hữu biên, bất khả cùng tận, ly phân tề tướng, tùy kỳ sở ưng, thường năng trú trì, bất hủy bất thất. Đường dịch: vô lượng, bô biên, vô tế, vô đoạn, phi ư tâm ngoại, như thị nhi kiến. Dịch theo Đường dịch là vô giới hạn, vô cùng tận, siêu việt cục bộ, thường trú bất diệt; không phải (thấy mọi cái được thấy) là ở ngoài tâm, nên thấy được như vậy. Dịch như đã dịch ở trên là hội ý cả 2 bản dịch mà dịch. Còn thấy thân Phật (và thế giới của thân Phật) thường trú bất diệt thì ở đây nói đúng như Pháp hoa (phẩm 16) đã nói.
Ghi Chú (122)
Còn thân Phật mà Bồ tát mới phát huy tâm sắp lên được thấy: thân Phật ở đây là báo thân; nói Bồ tát sơ phát tâm (trú thứ 1) được thấy báo thân của Phật là nói theo kinh Hoa nghiêm.
Ghi Chú (123)
Do vậy, nếu tách rời động thức thì không có sự thấy thân Phật… theo Đường dịch thì trước câu này còn có: thân Phật này là cái dụng vi tế, tức là thọ dụng thân, nên do động thức mà thấy thọ dụng thân ấy; nếu tách rời…
Ghi Chú (124)
Nghĩa là bản lai sắc với tâm không phải là hai phạm trù đối lập… vì đó là cái dụng tự tại của chân như, đoạn này đối chiếu Đường dịch mà dịch. Trong đoạn này có 2 câu : sắc thể là tâm thể nên gọi là trí thân, tâm thể là sắc thể nên gọi là pháp thân. Pháp thân và trí thân mới ghi chú ở trước, nên nói như 2 câu này thì chỉ là biến dạng chỉnh vế mà thôi. Thường nói pháp thân là chân lý sở chứng, trí thân là chân trí năng chứng, thì cũng đã biến dạng hơn nữa. Cũng trong đoạn này có câu : vô lượng thọ dụng thân với vô lượng trang nghiêm độ, đó là báo thân với báo độ.
Ghi Chú (125)
Năm hợp thể, chính văn là ngũ ấm, nhưng ấm nên đọc là âm, đồng nghĩa với uẩn, nghĩa là hợp thể.
Ghi Chú (126)
Nhân ngã, pháp ngã. Nhân là dịch, mà dịch tạm thôi, chữ bổ đặc đà la (khái niệm linh hồn hay khái niệm tái sinh theo kiểu âu tây).
Ghi Chú (127)
Tuệ giác Như lai, dịch đủ là tuệ giác quảng đại của đức Như lai. Nhưng nói tuệ giác Như lai là lấy nghĩa trí thân mà dịch. Đường dịch pháp thân Như lai thì sát hơn.
Ghi Chú (128)
Không có dưới mọi dạng thức là mọi phạm trù được khái niệm như có, không, v/v.
Ghi Chú (129)
Nói ngoài chúng sinh có 1 kẻ cũng mới có và có trước, đó là lời nói của nhất thần giáo, xưa cũng như nay. Có 1 đấng có trước mà tự có, rồi sinh ra tất cả: các nhất thần giáo đều nói như vậy, na ná như nhau.
Ghi Chú (130)
Đương sinh bất sinh, đương diệt bất diệt là chính nơi sự sinh và sự diệt mà thấy không thật sinh không thật diệt.
Ghi Chú (131)
Bản lai niết bàn là tánh tịnh niết bàn- là ngũ uẩn thực chất đã tự niết bàn, không đợi diệt đi mới là niết bàn. Tánh tịnh niết bàn thì thành vô trú niết bàn: vì đại bi nên không ham niết bàn, vì đại trí nên không mắc sinh tử, do đó mà ở trong sinh tử để quảng độ chúng sinh.
Ghi Chú (132)
Phát tâm, đại khái có 2 nghĩa: Một, phát là lập, tâm là chí nguyện: lập chí nguyện mong cầu tuệ giác vô thượng (mà ở đây là chứng ngộ về Tâm), gọi là phát tâm. Hai, phát là phát huy, phát kiến, tâm là tâm thể chân như, là Tâm: phát huy cho đến phát kiến Tâm ấy gọi là phát tâm. Ở đây nói phát tâm theo nghĩa thứ hai nhiều hơn, nên đã dịch tắt là phát huy về Tâm.
Ghi Chú (133)
Phát tâm bằng sự tin, sự tin, dịch đủ là sự tin hoàn hảo (tín thành tựu): do sự tin hoàn hảo mà phát huy Tâm, gọi là phát tâm bằng sự tin. Địa vị sự phát tâm này là hết 10 tín, vào trú thứ 1.
Ghi Chú (134)
Sự chứng, chứng là cái biết mà chính mình, tự làm chứng lấy, chứ không phải cái biết nghe thấy, suy luận. Uống nước mới tự biết lấy lạnh hay nóng, sự chứng thường được ví dụ như vậy, và thường định nghĩa là khế hợp: tuệ giác với chân lý ăn khớp với nhau. Nên chữ chứng hay dùng chữ kép: thân chứng, thực chứng, khế chứng, chứng ngộ.
Ghi Chú (135)
Bất định tụ, chánh định tụ. Mọi người có thể chia ra 3 nhóm (tụ): nhóm theo chánh pháp gọi là chánh định tụ, nhóm theo tà thuyết gọi là tà định tụ, nhóm chưa theo bên nào gọi là bất định tụ. Đó là thường nói. Còn ở đây thì sự phát tâm đã cố định, đã vào dòng giống của Phật, gọi là chánh định tụ; sự phát tâm chưa cố định, chưa vào dòng giống của Phật, gọi là bất định tụ. Khởi tín luận chỉ chia chúng sinh ra 2 loại như vậy, ngoài chánh định tụ ra thì toàn là bất định tụ cả. Bởi vì bất cứ chúng sinh nào cũng có chân như và có sự huân tập của chân như, nên thế nào đi nữa rồi ra cũng sẽ được đứng vào chánh định tụ. Như thế mới thật là chủ trương ai cũng có Phật tánh, ai cũng sẽ làm Phật.
Ghi Chú (136)
Thiện căn, đã ghi chú là tín, tiến, niệm, định và tuệ.
Ghi Chú (137)
Tin nghiệp và hậu quả của nghiệp là tin nghiệp báo: tin mọi hành vi sẽ có hậu quả (nếu không sửa bỏ). Mười điều thiện: sửa chữa toàn thể con người của mình qua 10 điều nơi thân, miệng, ý.
Ghi Chú (138)
Thời kỳ dịch chữ kiếp (kiếp ba: thì gian dài).
Ghi Chú (139)
Hạt giống nhân thiên: nhân tố của hạnh phúc trong nhân loại hay chư thiên.
Ghi Chú (140)
Các vị nhị thừa dạy cho: các vị Thanh văn cũng có thể chỉ dạy cho người phát tâm đại thừa, mặc dầu bản thân các vị ấy không thích đại thừa.
Ghi Chú (141)
Nhân tố và duyên tố bất thiện: sự không tốt nơi con người của mình và nơi cảnh ngộ của mình.
Ghi Chú (142)
Tâm ngay thẳng là chánh định Chân như, được nói đến trong c4 phần cách tu sau đây.
Ghi Chú (143)
Không trú ở là không ham, không vướng.
Ghi Chú (144)
Niết bàn hoàn toàn: vô dư niết bàn (đối lại, hữu dư niết bàn là niết bàn chưa toàn).
Ghi Chú (145)
Bất phân bỉ thử: bất phân mình với người, thân với thù.
Ghi Chú (146)
Sự phổ biến chúng sinh, sự bất phân bỉ thử, và sự vắng lặng tuyệt đối là đối chiếu với Đường dịch mà dịch.
Ghi Chú (147)
Các vị ấy đã có thể tùy sức mạnh của đại nguyện mà biểu hiện… nhập niết bàn. Ghi chú câu này phải có mấy điều. Một, nói các vị này đã có thể thì các vị trên đó còn có thể hơn nữa. Hai, nói biểu hiện trong thế giới loài người bằng 8 hình thức là thường nói bát tướng thành đạo đó. Ba, cái thân được biểu hiện là thân trượng lục, tức liệt ứng thân (mà nay nói là đức Phật trong lịch sử đó). Bốn, trong 8 hình thức, ở đây, đại thừa, bỏ sự hàng ma, vì đại thừa không cho có ma phải dẹp, nhưng thêm sự ở thai, vì đại thừa không cho Phật có cái gọi là cách ấm mê. Năm, nói bồ tát phát tâm bằng sự tin hoàn hảo mà đã làm được như vậy là nói theo kinh Hoa nghiêm; dầu vậy, sự làm được này vẫn rất hạn chế (như kinh ấy đã nói), và cũng chỉ là cách học làm việc Phật làm mà thôi. Sau hết, nói biểu hiện, bất cứ Phật đà hay Bồ tát biểu hiện, bất cứ biểu hiện cái thân loài nào, thì cũng có đủ cả quá trình của thân loài ấy, chứ biểu hiện không có nghĩa như ảo thuật, ma thuật.
Ghi Chú (148)
Hành vi sai sót, sai sót, hay sơ hở, chính văn là lậu hay hữu lậu. Sát nhất là phải dịch là rỉ lọt: rỉ lọt ra tội ác, rỉ lọt mất chân lý, rỉ lọt lại trong 3 cõi.
Ghi Chú (149)
Huống chi còn e sợ sa vào các nẻo đường dữ là lấy Đường dịch mà bổ túc.
Ghi Chú (150)
Thời kỳ vô số: a tăng kỳ kiếp.
Ghi Chú (151)
Từ khi đạt được sự tin hoàn hảo sắp đi, cho đến lúc thời kỳ vô số thứ nhất sắp đầy đủ: từ khi hết 10 tín mà bước vào trú thứ 1, là bắt đầu thời kỳ vô số thứ nhất; cho đến lúc sắp hết 10 hướng mà bước vào địa thứ 1, là sắp hết thời kỳ vô số thứ nhất ấy. Như vậy phát tâm bằng sự tin là hết 10 tín mà vào trú thứ 1, phát tâm bằng sự hiểu và sự làm là hết 10 trú, 10 hành và 10 hướng mà vào địa thứ 1: 2 sự phát tâm này là thời kỳ vô số thứ nhất; phát tâm bằng sự chứng là 10 địa: thời kỳ vô số thứ hai và thời kỳ vô số thứ ba (địa thứ 1 đến vào địa thứ 8 là thời kỳ vô số thứ hai, địa thứ 8 đến hết địa thứ 10 là thời kỳ vô số thứ ba).
Ghi Chú (152)
Các vị biết chân như… mà làm trí độ, đoạn 6 độ này dịch lược, nhưng lược văn chứ không lược ý, trái lại, vì xét thấy lược như vậy mới đủ nghĩa hơn, chứ không cốt lược cho chỉnh văn.
Ghi Chú (153)
Từ địa vị tuệ giác trong sáng đến địa vị cùng tận địa vị: từ địa thứ 1 đến địa thứ 10.
Ghi Chú (154)
Nói đối cảnh là nói như chuyển thức cho dễ hiểu. Chuyển thức (tên thứ 2 của ý) là nhận thức; nhận thức thì hình thành đối tượng nhận thức. Nói nôm na, hễ biết thì có nghĩa biết cái gì.
Ghi Chú (155)
Tuệ giác chân như, gọi là pháp thân, Đường dịch: các vị Bồ tát này đem cái trí vô phân biệt mà chứng cái chân như pháp thân siêu việt ngôn ngữ.
Ghi Chú (156)
Thỉnh cầu như vậy là để mở mắt dẫn đường cho chúng sinh, chứ không phải cần đến ngôn ngữ văn tự, chính văn là duy vị khai đạo chúng sinh, bất y văn tự. Đường dịch: duy vị chúng sinh nhi tác lợi ích, bất cầu thính thọ mỹ diệu âm từ.
Ghi Chú (157)
Ba thời kỳ vô số: mới ghi chú trong e3 ở trên đây. Thì gian của 3 thời kỳ này tuy nói là vô số, nhưng tùy trường hợp mà vẫn có lâu mau chứ không định số.
Ghi Chú (158)
Tại Sắc cứu cánh thiên, biểu hiện cái thân cao cả nhất thế gian. Sắc cứu cánh thiên: tầng trời tột đỉnh của cõi Sắc mà cũng của cả thế giới hình sắc. Cái thân cao cả nhất thế gian: thắng ứng thân (hay tha thọ dụng thân, biểu hiện của bình đẳng tánh trí). Có thân này là đã có báo thân (hay tự thọ dụng thân, biểu hiện của đại viên cảnh trí) và đã chứng pháp thân (pháp tánh thân), lại có liệt ứng thân (biến hóa thân, gồm tùy loại hóa thân, biểu hiện của thành sở tác trí và diệu quan sát trí).
Ghi Chú (159)
Phật đà siêu việt cái nhận thức như vậy, tuệ giác xác thực của các ngài chính là tâm thể phổ biến, nên chứng ngộ bản tính đồng nhất của các pháp và soi rõ đặc tính dị biệt của các pháp. Câu này cũng có thể dịch: Phật đà siêu việt cái nhận thức như vậy nên tuệ giác phổ biến tất cả: cái tuệ giác xác thực này chính là bản tính của các pháp, nên tự thể soi rõ hết thảy các pháp sai biệt.
Ghi Chú (160)
Có cái hoạt dụng vĩ đại là thành sở tác trí biểu hiện liệt ứng thân và tùy loại hóa thân.
Ghi Chú (161)
Tuệ giác Biết tất cả (Nhất thế chủng trí). Tuệ giác của Phật có 3. Một, tuệ giác Biết toàn thể (nhất thế trí), biết về bản thể. Hai, tuệ giác Biết đạo pháp (đạo chủng trí), biết về đạo pháp. Ba, tuệ giác Biết tất cả (nhất thế chủng trí), biết về bản thể, hiện tượng, đạo pháp.
Ghi Chú (162)
Tác ý: chú ý, để ý.
Ghi Chú (163)
Nhiệm vận (hay tự nhiên) là tự động, không gián đoạn, không cần tác ý hay kích phát.
Ghi Chú (164)
Cách tu: cách tu để có được sự tin hoàn hảo. Sự tin này đã nói là căn bản của tất cả sự phát huy về Tâm. Sự tin này là đức tin đại thừa mà Khởi tín luận rất quan tâm và có mục đích phát khởi. Nhan đề Đại thừa khởi tín luận là mục đích ấy.
Ghi Chú (165)
Người chưa đứng vào chánh định tụ là những người chưa cố định trong sự phát tâm (mà h2 của đoạn tư cách phát tâm bằng sự tin đã nói). Trong thỉ giác, những người giả danh giác và một phần trong tương tự giác cũng được phần này dành cho.
Ghi Chú (166)
Công đức siêu việt, chính văn là vô lượng công đức: công đức siêu việt số lượng. Công đức ở đây là phẩm chất và thành quả.
Ghi Chú (167)
Tuệ giác hoàn hảo của ngài, chính văn là nhất thế trí. Danh từ này ở đây chỉ cho cả 3 tuệ giác của Phật.
Ghi Chú (168)
Các pháp ba la mật là 6 độ mà gồm lại trong 5 sự tu (dầu 5 sự ấy chưa được gọi là ba la mật).
Ghi Chú (169)
Bồ tát tăng, chính văn là Bồ tát chúng, có thể chỉ là chúng Bồ tát, nhưng ở đây phải dịch Bồ tát tăng: tỷ kheo mà thọ Bồ tát giới. Bồ tát tăng mới có trong Tăng bảo.
Ghi Chú (170)
Thí: biếu tặng.
Ghi Chú (171)
Giới: giữ giới.
Ghi Chú (172)
Nhẫn: chịu đựng.
Ghi Chú (173)
Tiến: siêng khó.
Ghi Chú (174)
Chỉ và quán: tập trung và quán sát. Chỉ và quán là bước trước của định và trí.
Ghi Chú (175)
Làm 3 sự cho như vậy và
Ghi Chú (176)
Không ham quả báo trong phạm vi thế gian, 2 câu này lấy Đường dịch mà bổ túc.
Ghi Chú (177)
Tà kiến hay u mê, là kiến thức và chủ thuyết phi chánh pháp.
Ghi Chú (178)
Ít ham muốn là đối với những thứ chưa có (về ăn, mặc và ở). Biết vừa đủ là đối với những thứ đã có (cũng về ăn, mặc và ở).
Ghi Chú (179)
Được sự vừa ý… sung sướng vui vẻ, chính văn là lợi suy, hủy dự, xưng cơ, khổ lạc. Tám điều này, 4 thuận 4 nghịch, luôn luôn xao động cả thân lẫn tâm con người, nên được gọi là 8 thứ gió. Chịu đựng 8 điều này, chữ chịu đựng hàm nghĩa tự chế (đối với 4 điều thuận).
Ghi Chú (180)
Đối với thiện pháp, đủ thì phải nói đối với sự tu hành thiện pháp và sự đối trị ác pháp. Bởi vì siêng năng có 4: ác pháp đã có thì siêng làm cho không còn, chưa có thì siêng làm cho không có; thiện pháp chưa có thì siêng làm cho có ra, đã có thì siêng làm cho lớn lên.
Ghi Chú (181)
Tà ma quỉ quái, ngoài ma quái bình thường, ở đây còn nói, mà nói nhiều, đến ma vương (chúa tể của dục vọng) và ma dân (những kẻ cản trở phá hoại sự tu hành).
Ghi Chú (182)
Ngày đêm 6 buổi là cách nói 24 giờ trên 24 giờ, nói sự thường xuyên. Nhưng có lúc ngày đêm 6 buổi là đầu ngày giữa ngày cuối ngày và đầu đêm giữa đêm cuối đêm.
Ghi Chú (183)
Vô thượng bồ đề: tuệ giác tối thượng.
Ghi Chú (184)
Đình chỉ sự phân biệt đối cảnh: tập trung tâm trí lại.
Ghi Chú (185)
Tương quan chuyển biến: nhân duyên sinh diệt.
Ghi Chú (186)
Trước hết tu tập riêng ra, kế đó dần dần thêm lên, sau hết nhiệm vận song tu mà không còn rời nhau là đối chiếu Đường dịch mà dịch. Nếu dịch sát thì: tu tập dần dần thì không còn rời nhau mà lại song song biểu hiện.
Ghi Chú (187)
Không, không sắc tướng và không ưa thích là 3 giải thoát môn không, vô tướng, vô nguyện (vô tác).
Ghi Chú (188)
Đồng loại ngoại đạo, dịch rõ: đứng chung vào hàng ngũ ngoại đạo.
Ghi Chú (189)
Đồng loại ngoại đạo. Do vậy, nếu tách rời sự giữ gìn của các bậc Thiện tri thức thì dễ sinh kiến thức ngoại đạo. Thiện tri thức hay thiện hữu, nghĩa đen là người quen biết tốt, tức là thầy giỏi, bạn hay, hơn nữa, như ở đây là các đức Phật đà, các vị Bồ tát. Tu thiền thì phải có thiện tri thức như vậy hướng dẫn, nâng đỡ, giữ gìn và truyền cảm hứng cho. Câu chính văn trên đây, Lương dịch đã chuyển mà dịch, cốt ý đề cao yếu tố Thiện tri thức, và điều này rất đúng. Nếu không dịch theo sự đã chuyển dịch ấy, thì có thể dịch như sau, cũng vẫn khá sát Lương dịch: đồng loại ngoại đạo, hoặc tách rời sự giữ gìn của các bậc Thiện tri thức mà sinh ra kiến thức ngoại đạo. Đường dịch đoạn này như sau: Hết ngồi thiền thì tà kiến và phiền não vẫn không hiện hành, vì sức mạnh của chánh định làm hư chủng tử của chúng, thiện căn siêu việt thì thuận theo mà liên tục, mọi chướng ngại tai nạn đều thoát ly cả, sự tinh tiến lớn lao thì nổi lên và thường xuyên không gián đoạn. Không tu tập chánh định này thì không thể nhập vào dòng giống của đức Như lai, bởi vì những thiền định khác đều có thấy, có được, đồng loại ngoại đạo, không gặp chư Phật, Bồ tát.
Ghi Chú (190)
Sự giữ gìn, chính văn là hộ niệm, nghĩa đen là giữ cho, nhớ đến, nên sự hộ niệm còn là truyền cảm hứng cho.
Ghi Chú (191)
Chín mươi lăm loại ngoại đạo, chính văn nói 95 loại ngoại đạo quỉ thần, nhưng thành ngữ không có chữ quỉ thần; 95 loại ngoại đạo là tổng số lớn về các phái phi Phật giáo.
Ghi Chú (192)
Lúc không ngồi thiền, lúc ngồi thiền, là chữ của Đường dịch, xác hơn chính văn vị đắc định (chưa được chánh định) và đắc tam muội (đã được chánh định).
Ghi Chú (193)
Thiện pháp ở đây là phước đức lợi tha.
Ghi Chú (194)
Thêm nữa, nếu chỉ tu tập sự quán thì không xuất sinh tuệ giác vô phân biệt là lấy Đường dịch mà bổ túc.
Ghi Chú (195)
Quán đến chân như pháp thân của đức A di đà phật là tu sự chỉ như trên.
Ghi Chú (196)
Đối với kho tàng bí mật ấy là dịch cho ăn văn khí. Nếu dịch cho sát thì phải là đối với lĩnh vực cực kỳ sâu xa ấy của đức Như lai.
Ghi Chú (197)
Được Phật phán quyết làm Phật, dịch sát là được Phật thọ ký.
Ghi Chú (198)
Nghĩa lý căn bản là lấy chữ chính yếu của luận văn này, nằm ngay trong phần 1. Dịch sát thì phải là nghĩa lý cực kỳ sâu xa rộng lớn của chư Phật.
Ghi Chú (199)
Con đã tùy thuận, chữ con cũng có thể dịch là tôi.
Ghi Chú (200)
Con nguyện hồi hướng, nói rõ là con nguyện hồi hướng công đức này.