HT Thích Trí Thủ giảng thuật: Yết-ma yếu chỉ
Karmavacanābindusāra
YẾT-MA YẾU CHỈ
KARMAVACANĀBINDUSĀRA
HT. THÍCH TRÍ THỦ
Giảng thuật
Tỳ-kheo THÍCH ĐỖNG MINH
Tỳ-kheo THÍCH NGUYÊN CHỨNG
Biên tập
___________________
TỰA
Theo quan điểm Bộ phái Đàm Vô Đức, tức các vị thọ trì Luật Tứ phần thì một trong các dấu hiệu về sự diệt tận của chánh pháp là các pháp yết-ma hoàn toàn không được thực hiện, không có pháp yết-ma sẽ không có các Tỳ-kheo đắc giới như pháp, bản thể của Tăng không thành tựu. Không có sự tồn tại của Tăng thì chánh pháp mà Phật giảng dạy không có người tu và chứng. Như vậy có nghĩa là Chánh pháp sẽ không tồn tại. Cho nên việc học hỏi các học xứ trong giới Kinh và thông suốt các pháp yết-ma là phận sự hàng đầu của Tỳ-kheo trong suốt 5 năm đầu kể từ khi đắc giới cụ túc. Đây là điều kiện căn bản tác thành tư cách bậc thầy hàng Thượng tọa trong Tăng chúng. Nếu Tỳ-kheo không hoàn tất phận sự học hỏi này thì không bao giờ được phép rời Y Chỉ sư dù cho tuổi đời 80 và tuổi hạ 60, nghĩa là luôn luôn phải sống nương tựa vào bậc Thượng tọa, không được phép thế độ người xuất gia. Đây là điều qui định trong tất cả Luật Tạng, cần phải nghiêm cấm chấp trì vì sự tồn tại bền vững của Phật pháp.
Về các nguyên lý căn bản của yết-ma, tất cả các bộ Luật đều đồng nhất, nhưng sự tác pháp có rất nhiều khác biệt, do điều kiện lịch sử và địa lý nơi mà Tăng đoàn sinh hoạt. Nếu không có sự lý giải về các nguyên tắc căn bản, tất sẽ khó có thể hội thông các điều sai biệt này. Do đó việc nghiên cứu và học hỏi, các phép Yết-ma cần phải hội đủ hai mặt: nắm vững sự lý giải và thông suốt tác pháp, tổng quát mà nói, có hai bộ phận chính của tất cả pháp yết-ma. Một bộ phận chi phối các sinh hoạt tập thể của Tăng, tức gồm các luật yết- ma như kết giới, truyền thọ cụ túc, thuyết giới, tự tứ v.v… Bộ phận khác chi phối sinh hoạt cá nhân một Tỳ- kheo, tức các yết-ma trị phạt như sám Tăng tàn, ba dật đề….
Bộ luật này ra đời là do kết quả nhiều năm giảng dạy luật cho Tăng chúng tại các Phật học viện: Báo Quốc, Hải Đức, Quảng Hương Già Lam. Nhưng sự biên tập được hoàn thành là do công đức đóng góp của các thầy ĐỔNG MINH và NGUYÊN CHỨNG. Hai vị đã cố gắng rất nhiều trong công việc ghi chép lại những điều tôi đã giảng giải, tham khảo các luật bộ, đối chiếu và thảo luận đả thông những điểm sai biệt giữa các luật bộ.
Ở đây tôi ghi nhận công đức đóng góp của hai vị và cùng hồi hướng công đức này cầu nguyện chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian để lợi lạc hữu tình.
Quảng Hương Già Lam,
Mùa hạ, PL. 2527 – 1983
Tỳ-kheo THÍCH TRÍ THỦ
TIỂU DẪN
Tôi dự định hoàn tất tập Yết-ma yếu chỉ này trước khi bắt đầu mùa an cư để làm tài liệu cho các thầy tân tỳ-kheo tu học. Nhưng ngoại duyên không thuận, cho nên phải tạm thời dừng lại chỉ mới ở chương hai. May mắn, sau đó còn có thể tiếp tục để hoàn tất trong mùa an cư 2545 này.
Bản thảo được biên tập cách đây đúng hai mươi năm. Lần xuất bản đầu tiên, tôi không may mắn được biết và được thấy. Trong đó có nhiều sai sót, hoặc cắt bỏ. Phần lớn là vì lý do kỹ thuật. Ngoài ra, còn lý do gì nữa thì tôi không biết. Nó không xứng đáng với ý định của người biên tập. Cho nên, tôi tự hứa, phải cố gắng khắc phục những chướng ngại để sách có thể hữu ích trong nhiều trường hợp. Và rồi, chướng ngại vẫn chưa được khắc phục.
Tuy đạo Phật được truyền bá trên một phạm vi không gian rất rộng, hoà nhập với nhiều trưyền thống dân tộc khác nhau, với nhiều bộ phái học thuyết khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau như hai thái cực; nhưng nhìn vào giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, và đặc biệt là các pháp yết-ma được hành trì trong nhiều bộ phái Phật giáo khác nhau, người nghiên cứu đạo Phât sẽ thấy có một nền tảng không thay đổi trong suốt nhiều thế kỷ, trên nhiều khu vực địa lý khác nhau. Chính trên nền tảng này, người nghiên cứu và học Phật mới có thể tìm ý nghĩa chân thật trong Giáo pháp của Đức Thích Tôn.
Truyền thuyết nói, Luật tạng được kết tập ngay lần kết tập đầu tiên do Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp làm Thượng thủ, và Trưởng lão Ưu-ba-ly trùng tuyên. Nhưng người nghiên cứu Luật tạng cũng dễ dàng tìm thấy dấu vết phát triển theo thời gian qua những giải thích các học xứ của tỳ-kheo của các bộ phái khác nhau. Cho nên, trên một phương diện, các pháp yết- ma không đơn giản chỉ là vựng tập dùng trong sinh hoạt nội bộ của tỳ-kheo. Sự phát triển của các định chế chính trị, xã hội qua các thời đại, trong các Vương quốc cát cứ, trên lãnh thổ mà từng cộng đồng tỳ-kheo cư ngụ và hành đạo, đã có những dấu vết nhất định trong các pháp yết-ma. Vì ý nghĩa lịch sử này mà người nghiên cứu yết-ma không thể quan niệm các thủ tục hành sự như là những nguyên tắc tiên thiên, hay thần bí, được quy định bởi chính đức Phật, một lần nhưng vĩnh viễn.
Ngày nay, xã hội phương Đông đã chuyển dịch khá dài, có nơi gần như bật rễ, theo hướng định chế xã hội phương Tây. Tuy cho đến hiện đại, các nhà tư tưởng lớn của phương Tây cũng chưa nhất trí với nhau về chiều hướng phát triển của các định chế xã hội này, nghĩa là, chúng sẽ đưa toàn thể nhân loại đến đỉnh cao nào hay đang đi dần đến chỗ sụp đổ khốc hại; nhưng điều hiển nhiên không thể không thấy trong hiện tại, đó là chứng dẫn đến sự phồn vinh kinh tế, phát triển vật chất để hưởng thụ. Những vị bảo thủ truyền thống phương Đông, xem như hướng đi xã hội ở đây là sự thăng tiến tinh thần, giảm thiểu lạc thú vật chất, khi nhìn thấy xu hướng chuyển dịch về phía Tây, đã không ngớt báo động. Thế nhưng, chiều hướng phát triển xã hội này khó có thể xoay chuyển, tuy có nhiều dấu hiệu rằng phương Tây đang tìm về cội nguồn tâm linh.
Trong bối cảnh xã hội ấy, cộng đồng Tăng lữ nếu bảo lưu được truyền thống thì ít phải chịu những thay đổi nhức nhối. Những nơi mà do hoàn cảnh lịch sử, cộng đồng Tăng lữ phải chịu sự trì kéo giữa hai xu thế, thì những khủng hoảng là điều tất nhiên.
Trong mấy thập kỷ trở lại, từ khi tiếp cận nền văn minh dân chủ phương Tây, với mặc cảm tự ty của một dân tộc nô lệ, xã hội Việt nam có xu hướng bứt rễ truyền thống để đuổi kịp người. Các học thuyết triết học phương Tây được mô phỏng một cách vội vã, từ chủ nghĩa Duy linh nhân vị, cho đên Duy vật vô thần, thật sự đang để lại trên cơ thể Việt nam những rạn nứt vô cùng đau nhức. Trong bối cảnh xã hội đó, chưa thấy cộng đồng Tăng lữ ở quốc gia Phật giáo nào chịu nhiều rạn nứt như ở Việt nam. Và cũng dễ thấy tại sao những nước láng giềng, cùng chia xẻ những giá trị tinh thần truyền thống, cùng chung số phận nhược tiểu và nô lệ, nhưng Việt nam triền miên chìm đắm trong hận thù, phân hóa dân tộc, để được liệt vào số những nước nghèo nàn, lạc hậu nhất; trong khi đó, các nước mà ảnh hưởng các học thuyết chính trị và tôn giáo phương Tây không sâu đậm như Viêt nam lại có nhưng bước tiến mà người Việt rất thèm muốn. Điều nên lưu ý ở đây là, trong các nước Phật giáo đang trên đường phát triển văn minh vật chất, các định chế Tăng già hầu như không bị thay đổi bởi mô hình tổ chức xã hội phương Tây. Đây là bài học cần suy gẫm, không chỉ cho đạo Phật, mà còn cho cả ý nghĩa tồn vong của dân tộc.
Tôi không hy vọng tập Yết-ma yếu chỉ này là cơ sở tư tưởng cho định chế tăng già cần thiết để có thể nhận định rõ hơn về cơ cấu sinh hoạt hiện tại của cộng đồng tăng lữ Việt nam, để rồi từ đó một tỳ-kheo sống giữa Tăng mà không bị tụt hậu so vớ thời đại nhưng cũng không vì vậy mà mất phẩm chất tỳ- kheo; phẩm chất mà chính Đức Thích Tôn đã tâm truyền.
Xin hồi hướng công đức đến sự thanh tịnh và hoà hiệp của Tăng-già.
Quảng Hương Già-lam,
Mùa An cư, Phật lịch 2545
Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng