Huệ Trân – Hạnh Chi: Cây xanh trên triền núi

Trên đường xuống núi, hành giả dừng chân trước một chòi lá đơn sơ, dường như ai đó dựng vội ven đồi. Nhìn quanh, chỉ có ta-với-ta, hành giả bước vào chòi, và nhẹ nhàng ngồi xuống một tảng đá tương đối bằng phẳng.

Bên ngoài, gió vẫn rạt rào, tuy mây xám như đang chuyển mầu, trong và xanh, không như mới đây, mây cùng gió lớn báo hiệu cơn mưa đang tới khiến hành giả không thể tiếp tục ý muốn sáng sớm nay, là lên núi toạ thiền và đọc sách. Gió đã mạnh tới mức bước chân xuống núi ngả nghiêng, chao đảo vậy mà những cây xanh trên núi vẫn an nhiên đứng vững. Gió chỉ khiến cây đong đưa như vũ điệu hoà cùng âm giai hợp tấu mùa xuân.

Lạ! Hạt mầm nào từ đâu mà tìm nơi non cao gieo xuống! Không đất, không cát, hạt có nẩy mầm thì rễ bám vào đâu mà đứng vững với phong ba!

Trong vạn hữu bao la, không có chi là tình cờ mà dường như từ ngữ “tình cờ” chỉ để tạm diễn đạt những gì chưa đủ duyên hiển lộ. Đã chọn nơi non cao khắc nghiệt, hẳn hạt mầm biết sinh lộ, là rễ nhú chừng nào phải bám sâu vào sỏi đá chừng nấy. Muốn bám sâu vào sỏi đá, rễ phải có quyết tâm và dũng cảm.

Thấu rõ điều kiện và hoàn cảnh thì phương tiện sẽ đáp ứng.

Thế nên, trước cùng một sự việc, có người “Không! Không thể được!” nhưng lại có người “Được! Được chứ sao không!”

Một chút quán chiếu cây xanh khiến hành giả chợt nhìn thấy tâm mình, vì sao sáng nay khởi ý muốn lên núi toạ thiền và đọc sách. Đó là hình ảnh đường lên núi Yên Tử mà hành giả thoáng thấy trên mạng lưới thông tin.

Thông thường, đó chỉ là giới thiệu những địa danh để tham quan, nhưng có lẽ, với hành giả, duyên may vào đúng sát na kỳ diệu nên không chỉ nhìn những hình ảnh đó là đồi núi bình thường. Đó là Linh Địa, là nơi đã in dấu bước chân của một vị vua, quyết từ bỏ quyền uy, ngai vàng điện ngọc. Đó là vua Trần Thái Tông, âm thầm rời cung điện, lên núi Yên Tử tìm Thiền sư Phù Vân với ý định đi tu, cầu làm Phật.

Ý nguyện đó chưa thực hiện ngay được khi Thiền sư Phù Vân khai giải cho nhà vua, là Phật ở trong tâm, không ở trên núi, không ở đâu khác, ngoài tâm. Nếu tâm thanh tịnh, trí huệ hiển bày thì đó chính là Phật. Nay, trách nhiệm giữ nước, an dân của vua chưa trọn, làm sao tâm thanh tịnh, an lạc mà đi tu!

Vua Trần Thái Tông như chợt tỉnh cơn mê, tạ ơn Thiền sư rồi xuống núi, trở lại triều đình, chấp nhận sự đau khổ Vô Thường của thế gian mà trong phút giây quá đau đớn, ngài đã tưởng là Thường!

Những oan khiên nhà vua phải nhận chịu, nào dễ mấy ai vượt qua! Từ một cậu bé mồ côi được sắp đặt để làm vua, mở đầu triều đại nhà Trần, đến Hoàng Hậu Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Công Chúa vì chậm có con nối dõi, rồi Thuận Thiên Công Chúa lên ngôi Hoàng Hậu vì đang mang thai… Nếu ngộ ra thì tất cả cũng chỉ là những hạt cát vô thường, biến động trong biển cát vô thường mênh mông bất tận của tam thiên đại thiên thế giới.

Nhà vua rời Yên Tử, trở về triều, làm một vị vua anh minh, nhân hậu, anh hùng, đem lại thái bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân. Khi “những gì cần làm, đã làm” vua Trần Thái Tông bèn nhường ngôi ngay cho Thái Tử rồi về rừng Vĩ Lâm, đất Hoa Lư, lập am Thái Vi, dốc tâm tu học.

Trang sử vàng son đời Trần có được chính là nhờ vị vua đầu tiên đã biết đem trí tuệ Bát Nhã, gieo hạt Bồ Đề trong tâm kiên cố.

Trước bao oan khiên nghịch cảnh bủa vây, nếu không như những cây xanh trên triền núi, quyết bám rễ sâu trong lòng sỏi đá thì tránh sao không bị bão giông tàn khốc kia quật ngã! Nói chi tới đứng vững, dựng nên cả một triều đại huy hoàng, cả một thời hưng pháp với những vị vua tâm thành mộ đạo, nhất là vua Trần Nhân Tông – đời vua thứ ba của nhà Trần – đã khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm trên núi thiêng Yên Tử, như nguồn suối vi diệu chảy mênh mang bất tận đến ngày nay.

Tưởng niệm Người Xưa muôn một! Lại xin tri ân Người Nay biết bao!

Trong chòi lá hoang vu giữa rừng núi xứ người, hành giả mở túi vải, lấy ra những cuốn sách mang theo, của cùng một tác giả.

Ngước nhìn những cây xanh trên triền núi với niềm cảm xúc đang trào dâng, hành giả tự biết là phút giây này sẽ không đọc bằng mắt, mà sẽ hướng về quê hương, đọc bằng tâm, với lòng tri ân vị thầy khả kính.

“…Sự thành tựu của một cơn mưa như thác lũ khi con bướm mùa hè đã chịu khép lại đôi cánh mỏng để lắng nghe trong thầm lặng, hơi thở của cỏ nội. Chờ đợi kiên trì và dừng lại trong sự bế tắc của một thời chỉ còn ánh sáng vĩnh cửu của mặt trời. Kiên trì và dừng lại để chờ đợi trong sự bế tắc là liều lĩnh ký thác mình cho một cuộc chơi ngoạn mục của thiên nhiên, là liều lĩnh đứng lại giữa dòng thác đổ của vạn hữu …”

Đó là tư tưởng triết lý Tánh Không, được viết bằng ngôn ngữ của Thầy Tuệ Sỹ. Thầy viết về Tánh Không hay Thầy đang chia sẻ những bước ngoặc bi thảm của lịch sử mà không những Thầy là chứng nhân mà còn là nạn nhân của thời đại “người-không-có-quyền-làm-người”. Thầy đã nhận bản án tử hình vì tội đã dám nói, cho những người-không-còn- được-nói; đã dám làm, cho những người-không- còn-được-làm!

Bản án tử đã trở thành Bất Tử khi khắp năm châu đều có những tiếng nói có tầm vóc quốc tế, đồng loạt lên tiếng phản đối bản án và yêu cầu trả tự do cho Thầy.

Điều khiến thế giới ngạc nhiên và kính phục hơn nữa là khi giới chức đương thời – dưới áp lực của thế giới – vào phòng giam, đưa một bản văn họ soạn sẵn với nội dung xin ân xá, bảo Thầy chỉ cần ký tên là sẽ được trả tự do ngay!

Thầy nhẹ nhàng từ chối vì Thầy có tội đâu, mà phải xin ân xá! Rồi Thầy quay về phòng giam và bắt đầu tuyệt thực!

Thầy chia sẻ thực tâm bình an đó bằng những vần thơ, thể chữ Hán, viết trong phòng giam, như đoạn ngắn, tựa là:

Trách Lung

Trách lung do tự tạo
Tản bộ nhược nhàn du
Tiếu độc thoại ảnh hưởng
Không tiêu vĩnh nhật tù.

Hành giả xin tạm dịch:

Lồng Hẹp

Nhà tù chật, khó giam lòng tự tại
Khách nhàn du, ta thả bộ thong dong
Ta cười nói, mình ta nghe thanh thản
Ngày tù dài, trôi nhẹ tựa như không.

Thầy khí khái như thế, những người bên ngoài từng can thiệp cho Thầy, làm sao có thể để yên! Nên sau nhiều diễn biến, cửa nhà tù đã mở rộng, mời Thầy ra. Biết bao nơi xin bảo lãnh Thầy xuất ngoại nhưng Thầy đều nhẹ nhàng từ chối “Đây là quê hương tôi”.

Thầy tình nguyện ở lại chỉ vì “Đây là quê hương tôi”. Ôi ! Tinh thần con Rồng cháu Tiên! Năm mươi con theo cha lên núi, năm mươi con theo mẹ xuống biển cũng không thể không từ một bọc trăm trứng mà ra! 

Thầy đã ở lại quê hương, như cây xanh trên triền núi, thấu rõ rằng dù khó khăn nhưng đã quyết thì phải bám rễ sâu vào lòng sỏi đá mà ứng phó với bão táp mưa giông.

Hình ảnh những cây xanh dũng mãnh trên triền núi là sức mạnh của động lực từng mang niềm tin, tạo điểm tựa cho bao cảnh đời khốn đốn.

Niềm tin có thể giúp người tuyệt vọng vươn tới hy vọng. Điểm tựa có thể giúp người khổ đau thấy nẻo hạnh phúc.

Thời gian luôn tìm cách đánh bại và xoá nhoà mọi thứ, nhưng với những gì không xoá được thì nó lại lưu giữ thiên thu.

Từ nhiều thập niên qua, hàng Phật tử khắp năm châu đã hướng về Thầy như một vị Bồ Tát hoá thân. Từng đêm, nơi Thị-Ngạn- Am, Thầy đã “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn” mà hoàn tất những quà tặng đẹp đẽ cho đời, từ sáng tác tới dịch thuật. Đó là những trang cảo thơm giúp khai mở Giới, Định, Huệ cho những ai đủ duyên chạm tới, như Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, tuyển tập Nikàya A Hàm, Triết Học Tánh Không, Thành Duy Thức Luận, Thiền Luận, Ngục Trung Mị Ngữ, Huyền Thoại Duy Ma Cật, Thắng Man Giảng Luận, Giấc Mơ Trường Sơn… Ôi, cơ man nào trong thế giới mênh mông biển Tuệ mà Thầy Đã và Đang hiến tặng, chưa từng ngưng nghỉ.

Bản chất đam mê học hỏi đã bộc phát từ khi Thầy mới chỉ là một chú điệu, sinh trưởng ở xứ Lào. Không biết bên xứ đó chú điệu gốc Việt được dạy kinh bằng ngôn ngữ gì nhưng chính những vị Tăng thân cận đã kể lại, là ngoài thì giờ phải lo công việc của một chú điệu thì Thầy thường chui dưới bệ thờ Phật, cắm cúi học, tự sưu tra để hiểu nghĩa kinh, rồi ghi ghi, chép chép, không màng tới ăn, ngủ.

Chư Tăng bên đó thương tình, bèn thỉnh ý Quý Thầy bên Việt Nam xin gửi chú về Huế, để chú được hướng dẫn đúng mức.

Với bản chất cầu tiến như vậy, nên ngay ở tuổi niên thiếu, Thầy đã là ngôi sao sáng trên bục giảng các Đại Học Phật Đường. Thầy Nguyên Siêu từng chia sẻ là buổi đầu khi đến Phật Học Viện Hải Đức, tỉnh Nha Trang, Thầy đã đứng trên bục giảng mà tăng sinh ngồi dưới vẫn ngỡ ngàng, không biết đây có phải là vị giảng sư mới, mà Học Viện vừa thỉnh mời bổ sung không, vì Thầy quá trẻ và quá đơn giản trong bộ áo nhật bình !

Tại Đại Học Vạn Hạnh thì Thầy là giảng sư nòng cốt, không chỉ phụ trách những chương trình gay go về Giáo Pháp như Triết học Tánh Không, Trung Quán Luận, A Tỳ Đạt Ma …v…v… mà Thầy còn khai mở trí tuệ tăng sinh, dẫn dắt họ tìm về triết học Tây Phương qua các tư tưởng Henry Miller, Jean Paul Sartre, Platon … Rồi từ phương Tây, Thầy lại đem kiến thức Kinh, Luật, Luận, Tam Tạng kinh điển để dẫn tăng sinh về phương Đông với những triết học Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Kinh Dịch, Kinh Thi; rồi văn học Trung Hoa qua Đào Tiềm, Hàn Dũ, Tô Đông Pha… Không chân trời nào Thầy không soi dọi, dẫn dắt cho những ai cầu học.

Thầy quan tâm tới từng cảnh huống, và luôn là người cho, mà không chờ nhận lại. Tình huynh đệ, nghĩa thầy trò không ranh giới, không ngằn mé khi bất ngờ có lần hành giả được nghe một vị thầy, đọc hai câu đối khá dài, bằng Hán tự, mà Thầy Tuệ Sỹ gửi cho huynh đệ phương xa. Câu thứ nhất:

“Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp đằng la thử ngạn”

Dịch nôm:

Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn, chiếc lá thuyền nang, vá áo chép kinh đất khách.

Câu thứ hai:

“Đức hành thế khoác tham phương, tỷ triêu lộ hàm huy diệu cảnh, không hoa thuỷ nguyệt, huyền hà bích lạc thần châu”

Dịch nôm:

Đức tu mấy kiếp mù sa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng, hoa trời trăng nước, ngân hà dằng dặc quê cha.

Được nghe đọc lần đầu, hành giả như kẻ phàm phu nghe chim thuyết pháp, không kịp nhận gì cả! Nhưng bốn tiếng “Vá áo chép kinh” bỗng như lằn chớp, chợt loé sáng trong cái đầu u tối, để hành giả tạm hiểu những gì tha thiết mà Thầy Tuệ Sỹ muốn nhắn gửi huynh đệ, là nơi xứ lạ quê người, hãy nhớ “biết đủ” như lời Phật dạy và giữ đạo tâm bền vững. “Vá áo” có phải là tượng trưng cho sự an bần và “Chép kinh” là nhắc nhở một lòng giữ đạo?

Những gì Thầy hiến tặng cho đời như mưa nắng rải xuống đồng đều. Mưa tiếp sức cho rễ tăng trưởng. Nắng vỗ về cho nụ đơm hoa. Trên con đường Bồ Tát xuất thế gian mà không rời thế gian pháp, Thầy như mưa nắng, không ngưng nghỉ, tất cả tài năng, trí tuệ đều mang tâm từ mà cung hiến trọn vẹn cho Đạo, cho Đời.

Vào khoảng tuần lễ cuối, tháng 11 năm 2021, không ít người đã cảm động đến rơi lệ khi ngồi trước màn hình theo dõi buổi tường trình một sự kiện lịch sử về dự án phiên dịch Đại Tạng Kinh sang Việt ngữ thuần tuý với dân tộc tính, được nhị vị là Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ và giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đồng chủ tọa. Dự án này, với đầy đủ chuẩn mực hàn lâm mà thời điểm tháng 10 năm 1973, mười tám vị trưởng lão trong Hội Đồng Trung Ương thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã đồng tâm thực hiện Pháp sự quan trọng này. Nhưng chỉ một năm sau đó, nhiều diễn biến và bao biến cố lịch sử đã là những trở ngại khiến dự án không thể tiến hành!

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua! Mười tám Chư Tôn Đức trong Hội Đồng Phiên Dịch năm xưa nay chỉ còn hai vị, Hoà Thượng Thích Thanh Từ (hiện trong tình trạng vô ngôn) và Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng đã bước qua ngưỡng cửa “Bát thập cổ lai hy”.

Nhưng tuổi tác không là rào cản khi tâm lực và trí lực vẫn còn khả năng hiến tặng, như Thầy từng diễn tả về con Chim Hồng: “… Như những đợt nhảy của con Chim Hồng: nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy trên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng, bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời…”

Thầy Đã và Đang tận dụng thời gian còn lại để khởi tiếp Pháp sự quan trọng phải ngưng trệ từ nửa thế kỷ qua.

Việc phiên dịch Đại Tạng Kinh với đầy đủ chuẩn mực hàn lâm cho dân tộc Việt Nam không chỉ là việc không đơn giản mà còn là việc phải kiên trì, liên tục, trong nhiều tháng, nhiều năm. Do vậy, song song với những gì Chư vị có thể tiến hành bây giờ, còn là việc phải đào tạo nhân sự có khả năng học, hiểu, tiếng Hán, tiếng Phạn, để bánh xe pháp-sự được quay đều.

Chỉ khoảng chưa đầy một năm, sau buổi thuyết trình và thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, quý Ngài đã làm việc ngày đêm và hoàn tất phiên dịch Thanh Văn Tạng giai đoạn 1, phần 1, tổng cộng 29 tập, trong đó có:

  • Kinh Bộ (16 tập) gồm Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm.
  • Luật Bộ (6 tập) gồm Luật Tứ Phần và Luật Tứ Phần Tăng Giới Bổn.
  • Luận Bộ (5 tập) gồm A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Luận, A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc Luận.
  • Tạp Bộ (2 tập) gồm Lục Độ Tập Kinh và Kinh Hiền

Quý Ngài đã y giáo tâm từ bi vô lượng của Đức Thế Tôn khi Bậc Giác Ngộ muốn Giáo Pháp được rải đồng đều mọi tầng lớp, mọi sắc dân; như mưa xuống thì mọi cỏ cây đều thấm nhuận. Muốn được vậy, Đức Thế Tôn đã khuyến khích, là “Hãy để cho mọi người được nghe và học Chánh Pháp theo ngôn ngữ địa phương của chính mình”

29 tập Thanh Văn Tạng đã được phân phối khắp năm châu, theo sự hoan hỷ thỉnh cầu của Phật Tử Việt Nam. Có nơi nhận được, quá cảm động, đã ôm thùng kinh sách mà oà khóc!

Nhìn chặng đường Thầy Đã và Đang đi, hàng hậu học chúng con thấy được bước chân Thầy như từng in dấu 1250 bước chân xưa.

Với hạnh nguyện Bồ Tát vào đời cứu độ chúng sanh.

Với đại nguyện “Đời ác ngũ trược, con xin thề vào trước”. Với tâm nguyện trao truyền Đạo Pháp cho những ai cầu học.

Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ Đã và Đang đi trên con đường Phật đi.

Từ phương xa, hướng về quê hương, chúng con xin năm vóc sát đất, chí tâm đảnh lễ bậc Cao Tăng Thạc Đức, viên ngọc quý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, của Phật tử Việt Nam khắp năm châu bốn biển.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

(Tào-Khê tịnh thất – ngày gió chớm Thu)
TN Huệ Trân-Hạnh Chi
Cẩn bái

Trích: Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ | Hội đồng Hoằng Pháp ấn hành tháng 10/2023

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button