Huyền Không: Câu chuyện về Thi Ca

Lời giới thiệu: Sau hơn hai mươi năm từ lần hạnh ngộ ấy, trở lại thăm chùa xưa mái ngói cũ, hình ảnh cây sào kéo rụng bao nhiêu sao trong Trẻ Thơ (*) ngày nào, nay đã hóa thành cây gậy trúc an nhiên theo thiền sư xuống núi. Cảm khái sau tuần trà, Người cao hứng cất tiếng ngâm đôi bài thơ trong thi tập Mây Trắng Thong Dong. Đời sống nơi đây an tịnh quá, khiến kẻ hậu sinh lạc bước, sung sướng thẫn thờ cứ muốn nắm chặt lấy tay Người, như muốn được đền đáp mối duyên tri ngộ. “CÂU CHUYỆN VỀ THI CA”, đã được đọc từ hơn hai mươi năm trước đây, quả vẫn mãi là những áng mây trắng thong dong, lãng đãng trong trí nhớ của kẻ hậu sinh. Xin được phép trích đoạn đôi phần và giới thiệu trong Đặc San Ba Mươi Năm Nhìn Lại của Hội Cựu Sinh Viên Du Học Nhật Bản với tất cả lòng biết ơn sâu xa. – Phùng Quân, Mạnh đông 2003


“Khách lai bất vấn nhân gian sự
Chỉ bạng lan can khán thúy vi”

Ngày xưa, có một người khách đã đến với cuộc đời không một câu thăm hỏi như thế. Người khách đến chỉ là để nhìn ngắm mây trời. Bởi hơn bất cứ ai, người khách biết rằng, có thăm hỏi, mở lời nói năng thì cũng chẳng biết thăm hỏi, nói năng sao cho cùng. Thôi thì chỉ còn IM LẶNG. Nhưng ai dám bảo, ẩn sau cái im lặng kia, người khách đã không gởi lại cho đời cả một tấm lòng?

Nghệ thuật, thi ca rồi cũng sẽ đi trên con đường về của Im Lặng. Nhưng trên đường về của Im Lặng này, nghệ thuật, thi ca đích thực rồi sẽ còn mãi những âm hưởng vô cùng của cả một tấm lòng mà hơn một lần, nó đã được đem dâng hiến cho đời.

“CÂU CHUYỆN VỀ THI CA” ở đây chỉ là câu chuyện về những tấm lòng đó đây mà người trao đổi đã từng gặp gỡ cũng bằng cả cái tấm lòng của mình. Hay là bởi cái rung động của tấm lòng kia vốn chân thành thi thiết mà không hay, thì đó do cái vụng về của người trao đổi vậy.

Trước khi phân tích thi ca, chúng ta hãy thử cùng minh định lại vấn đề THI CA LÀ GÌ? Trong khuôn khổ của phần này thì quả thực đây chỉ là thủ tục, nhưng đồng thời cũng là một thủ tục cần thiết, như thủ tục chiếu khán nhập nội đối với một du khách trước khi đi vào một xứ lạ vậy.

Thi nhân đi vào đời với cảm nghĩ… “một con chim đến từ xứ lạ, ngửa cổ hát chơi.” (X.D.) Chúng ta cũng sẽ đi vào thế giới thi ca với đôi mắt tò mò, tra hỏi về những tiếng hát lạ của những con chim lạ.

ĐỐI TƯỢNG CỦA THI CA

Nhắc đến thi nhân, người ta vẫn thường liên tưởng đến những kẻ lêu bêu không tưởng, những người chỉ nói lên những chuyện đâu đâu. Homère nói đến thế giới huyền thoại với những tác phẩm trường thiên: Illiade và Odyssée. Dante nói đến thiên đàng và hỏa ngục với Comédie Divine. Nguyễn Du với văn tế Thập Loại Chúng Sanh ảo dị. Phái Dada ở Pháp làm thơ bằng cách xổ số ngôn từ: Viết trên mỗi miếng giấy một chữ, vò lại và bốc ra gặp chữ nào thì ghi chữ ấy kết lại mà thành “câu thơ” bất kể ý nghĩa. Bích Khê thích nói về Tinh Huyết. Huy Cận trước kia muốn đốt cháy cả cuộc đời để có áng Lửa Thiêng.

Những sự kiện vừa nêu ra đã tạo cho chúng ta ấn tượng: Cuộc đời của thi sĩ khác hẳn cuộc đời của thế nhân bình thường và thi sĩ nhìn thấy những đối tượng mà đôi mắt trần tục của những con người thường như chúng ta không hề nhìn thấy, không thể nhìn thấy.

Quả thực đó chỉ là một cách thần tượng hóa nhà thơ, thần tượng hóa thi ca. Trước khi LÀ một thi sĩ, thì thi nhân ĐÃ LÀ một người. Trước khi ngôn ngữ trở thành tiếng thơ thì ngôn ngữ ĐÃ LÀ tiếng người.

Thơ không phải là điều từ trời cao rơi xuống, là một thiên ân phú bẩm hay một quà tặng của “Nàng Thơ”. Thi nhân không phải là kẻ bị phát vãng xuống trần vì phạm tội trên thiên cung. Nhà thơ là một người, và đối tượng của thơ, hay ít ra chất liệu của thơ là cuộc đời. Không sống thì không có thơ, không có cuộc đời thì cũng không có thơ, dù thơ có thể là một cách bạo hành với đời, một cách chạy trốn cuộc đời, một cách vượt thoát hiện hữu.

Nói như vậy không có nghĩa là xác nhận “nghệ thuật vị nhân sinh” hay phủ nhận “nghệ thuật vị nghệ thuật”, nghĩa là làm sống lại cuộc cãi vả chẳng đi đến đâu từng kéo dài bao thế hệ qua: “Thơ mà chỉ muốn vì đời sống thì tức là đã cực đoan đẩy thơ đến chỗ hò vè, hò bài chòi, hò giã gạo, văn công, thi công”. Thơ mà chỉ muốn vị nghệ thuật tức là đã ly khai khỏi hiện hữu, tự trừu tượng hóa cuộc đời. Có thơ vì có hiện hữu, nhưng không phải làm thơ là chỉ vì hiện hữu, chỉ cho hiện hữu thường thái này.

Đối tượng của thơ và đối tượng của hiện hữu thường phái, từ căn bản thực hữu, chỉ là một. Đối tượng đó chính là “muôn sự của chung” là “kho trời chung” vậy.

Những đối tượng của thi ca và nói chung của nghệ thuật lại cũng không phải chỉ là đối tượng của tri giác thông thường. Nếu chỉ có “kho trời chung” mà không có “vô tận của mình riêng” (NCT) thì sẽ không có thơ, không có nghệ thuật.

Sống là ở đời, nghĩa là mặc nhiên tạo nên những quan hệ giữa tự ngã với người đời.

Quan hệ đó có hai đặc điểm, quan hệ sống mặc nhiên và quan hệ tra hỏi.

Chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật hay quan niệm “bài thơ hay nhất là bài thơ không bao giờ được viết ra” chẳng hạn là những chủ trương và quan niệm đã bỏ quên cái quan hệ hiện hữu mặc nhiên đó. Thi sĩ chẳng phải là kẻ trời sai xuống, chẳng phải là kẻ có một sứ mệnh thiêng liêng hoặc ân thiên khải nào. Thi ca cũng chẳng phải là một món quà ngoại thế, nhưng chính là sản phẩm của một cách thế ở đời, một cách thế nhìn đời khác thường. Một cách thế nhận thức về cái “kho trời chung” theo quan điểm “vô tận của mình riêng”.

Thi sĩ chính là người có cái nhìn vô tận, những ước vọng vô cùng khác thường đó. Khả năng lãnh hội, khả năng nhận thức vô tận, vô cùng đó đã biến những đối tượng thông thường của tri giác và cảm giác thông thường thành đối tượng của thi ca, thành đối tượng của thơ. Thi ca chẳng nói điều gì khác đời, không phải của đời. Đối tượng của thơ cũng chẳng gì khác hơn là trăng, là gió, là mây nước, là nhớ thương, là người yêu, người ghét, người buồn, người giận.

Tuy nhiên, trăng được đem vào thơ thì không còn là trăng thường nữa. Và gió, và mây và người yêu, người ghét cũng thế. Chẳng vì thi sĩ có chiếc đũa thần hay có một huyền lực nào đó làm cho đối tượng thông thường trở thành khác thường. Đối tượng trước sau vẫn là đối tượng đó. Khác chăng chỉ là cái nhìn về đối tượng ấy mà thôi. Thi ca là một CÁI NHÌN BIỆT THUỘC về những đối tượng, những tương giao bình thường.

Những tâm trí bất thường, những người điên, những người bị bệnh thần kinh cũng có thể có những cái nhìn biệt thuộc như thế. Và như vậy thì phải chăng những hạng người đó cũng là thi sĩ? Rất có thể. Trang Chu có thể là kẻ đã mộng thấy mình là bướm. Nhưng ai dám chắc là không phải bướm đã mộng thấy mình là Trang Chu? Lý Bạch lầm trăng dưới lòng sông là trăng thật nên mới chết đuối, hay chính vì Lý Bạch đã thấy rõ trăng trên trời và bóng trăng dưới lòng sông cũng đều là trăng giả, và tất cả mọi sự đều là ảo hóa, giả tạm. Hiểu như vậy, thì cái chết của Lý Bạch lại chính là một hành đng “tự tử” tuyệt đối phủ nhận cuộc đời chứ chẳng phải Lý Bạch đã chết vì say, vì nhận lầm.

Giữa say với tỉnh, điên với không điên, mộng với thực… biên giới quả là mong manh. Thi ca nằm ngay trên biên giới đó. Những điểm đặc sắc của thi ca, điều làm cho thi ca không phải là một chuyện điên khùng, ảo hoặc chính là ở chỗ thi ca cần có sự THÔNG CẢM, THƯỞNG THỨC của kẻ khác. Giá trị của thi ca không phải chỉ tùy thuộc vào bài thơ, hoặc chỉ tùy thuộc người thưởng thức hay độc giả nhưng là tùy vào TƯƠNG QUAN GIỮA BÀI THƠ VÀ NGƯỜI ĐỌC THƠ. Thi sĩ có thể là một người cô đơn, nhưng thi ca không thể tồn tại trong sự cô độc, thơ không phải là một cách độc thoại mà là một cách truyền đạt kinh nghiệm cho tha nhân. Giá trị của thi nhân là một giá trị cần được tha nhân bảo chứng. Thiên tài có thể là người nhiều kiêu hãnh và tự đắc. Không có niềm kiêu hãnh và tự đắc đó thì cũng không có thi ca, không có nghệ thuật, nhưng kiêu hãnh và tự đắc không phải là điều kiện tất yếu của thiên tài.

Không thiếu gì những thi sĩ chán ghét tha nhân, thù hằn với hiện hữu của chính mình, cũng không thiếu gì những thiên tài chỉ sống với niềm kiêu hãnh của sáng tạo, và đã tự xem như là Thượng Đế của thế giới kinh nghiệm và cảm xúc của riêng mình. Nhưng kiêu hãnh, hận đời, yếm thế và tự hào đến bao nhiêu chăng nữa thì thi nhân cũng không thoát khỏi lệ định của sự sáng tạo: sự vật được sáng tạo phải CÓ, nghĩa là phải tồn tại. Và bài thơ, cũng như bất cứ một sự vật nào khác, cũng chỉ TỒN TẠI CÓ Ý NGHĨA với một ý thức, nghĩa là với tha nhân, với độc giả, với người thưởng ngoạn mà thôi. Đây là điều kiện vinh quang mà cũng là nguyên ủy sa đọa của thi sĩ, nhưng đây cũng là điều bất khả kháng. Nghệ thuật hay riêng thi ca, không phải là tất cả những gì đã được sáng tác, trái lại là những sáng tác đã được thưởng thức và còn được nhớ đến, nhắc nhở đến. Có những thiên tài lịm chết hay qua đi trong lãng quên là vì vậy.

Nếu với nhà thơ “trăng gió” chỉ là trăng gió theo nghĩa thông thường được ghi trong tự điển hay trong các sách khoa học thì trăng gió TRONG thi ca sẽ không phải là trăng gió CỦA thi ca. Nhưng thi sĩ lại cũng không phải là kẻ có toàn quyền sáng tạo ra những Ý NGHĨA hoàn toàn mới cho ngôn ngữ thông thường, hoặc sáng tạo ra những NGÔN NGỮ hoàn toàn mới. Nỗ lực của thi nhân là khám phá ra những ý nghĩa còn đang bị che dấu, những khía cạnh còn đang bị khuất mờ của thực tại chứ không phải là sáng tạo một thực tại mới mà những quan điểm, những bận tâm, những chú ý khác đã không khám phá ra được. Giá trị của thi nhân tùy thuộc ở nỗ lực vượt thoát và cố gắng khám phá vừa kể.

Thi ca không làm cho đời vui thêm hay buồn thêm. Thi ca chỉ làm cho đời thêm “mới lạ”. Và mỗi sự mới lạ đều chỉ là mới lạ khi được so sánh với các cái cũ, cái đã có sẵn mà thôi.

Khám phá điều mới lạ của cuộc đời không phải là chạy trốn đời nhưng là đến gần đời hơn, sống nhiều với đời hơn, để có thể yêu đời hơn. Cũng như yêu một người thì phải làm cho người yêu không còn là người thường nữa. Thi ca và thi nhân cũng thế. Thấy sự khác lạ của cuộc đời và làm cho cuộc đời trở nên mới lạ là căn bản sáng tạo của thi ca và của nghệ thuật nói chung vậy. Theo nghĩa ấy mà xét thì ai cũng có thể là thi sĩ cả. Tuy nhiên điều khác biệt ở đây chính là chỗ thi nhân đã quyết định và lựa chọn một “KỸ THUẬT” biệt thuộc để diễn tả kinh nghiêm khác lạ và mới lạ của mình. Kỹ thuật đó là kỹ thuật thi ca vậy. Mặt khác, thơ cũng chỉ là thơ khi kẻ thưởng thức hay người đọc muốn nhìn thơ như là thơ chứ không phải như văn hay những hình thức diễn đạt khác không phải là thơ.Nói cách khác thơ chỉ là thơ khi nào thi nhân muốn tôn trọng kỹ thuật của thơ, và độc giả cũng muốn nhìn thơ theo nhãn quan kỹ thuật đó.

Tóm lại, đến đây thì chúng ta có thể xác nhận vài điểm như sau về sự dị đồng giữa thi nhân và thường nhân, giữa cái nên thơ và cái bình thường: Giống nhau về ĐỐI TƯỢNG và KINH NGHIỆM, khác nhau về CÁCH NHÌN và LỐI DIỄN ĐẠT cái nhìn đó, kỹ thuật diễn đạt kinh nghiệm đó.

BẢN SẮC CỦA THƠ

Điều gì làm cho một bài thơ LÀ một bài thơ, một bài thơ KHÁC một bài văn? Thơ là những nghệ thuật, nhưng thơ KHÁC VỚI NHỮNG NGHỆ THUẬT KHÁC như thế nào?

Trước tiên hãy nói đến thơ văn. Phải nhận rằng thơ chỉ là thơ khi người làm thơ tự nhận mình là nhà thơ và mình làm thơ chứ không phải làm văn. Mặt khác, thơ cũng chỉ là thơ khi nào người đọc nhận cái điều mình đang đọc là thơ chứ không phải gì khác. Bản sắc của thơ do đó mà tùy vào một sự XÁC QUYẾT và đồng thời, một thừa nhận. Thơ là một quy ước để diễn tả một kinh nghiệm, và đồng thời để lãnh hội sự diễn tả một kinh nghiệm.

Ngày xưa người ta có rất nhiều cách xác quyết hay định nghĩa về thơ, nhưng tiêu chuẩn chính của sự xác quyết ấy thì trước sau vẫn là NIÊM LUẬT. Niêm luật là định chuẩn, là khuôn thước của thơ, không có niêm luật thì không có thơ.

Nhưng niêm luật để làm gì? Bằng trắc để làm gì? Đã hẳn người ta có thể trả lời để cho bài thơ được nhận như là bài thơ. Thế nhưng đó chỉ là một định nghĩa vụ hình thức. Rất nhiều bài thơ dùng niêm luật nhưng lại không nhận là một bài thơ. Và đã là thơ mà không hay thì cũng chẳng cần đến thơ hay kỹ thuật thơ làm gì nữa!

Niêm luật không phải là tiêu chuẩn thiết yếu để định nghĩa thơ là thơ vì lẽ dễ hiểu là không hề có một niêm luật đơn nhất tuyệt đối. Có rất nhiều thể thơ, nghĩa là có rất nhiều loại niêm luật. Mà đã có nhiều loại niêm luật thì cũng không còn là niêm luật nữa.

Niêm luật không phải là bản sắc của thơ, mà chỉ là điều kiện làm cho bản sắc của thơ có thể hiển lộ. Bản sắc đó chính là NHẠC TÍNH của thơ, nội dung của thơ vậy. Nhạc tính là một HÌNH THÁI ÂM THANH của thơ, là nhịp điệu, tiết điệu và âm điệu của thơ. Không có tiết điệu và âm điệu thì thơ không còn gì là thơ nữa.Thơ viết ra để mà ngâm chứ không phải để mà đọc, như một bản nhạc được viết ra để mà hát, mà trình tấu chứ không phải để mà đọc vậy. Thi nhân ngày xưa thường đi đôi với “cô đầu”, ca kỹ là vậy.

Tiết điệu, âm thanh, nhạc tính là bản sắc của thi ca. Niêm luật là một phương thế làm cho bản sắc ấy được hiển lộ. Cũng như những kỹ thuật tập luyện thể dục đã tạo điều kiện cho bản sắc một lực sĩ đẹp được hiển lộ vậy. Do đó, làm thơ mà cứ bo bo bám lấy niêm luật, để cho niêm luật ám ảnh thì cũng chẳng khác gì một người vừa cúi nhấc cặp tạ vài cái mà đã ngỡ mình là lực sĩ đẹp vậy. Thơ bảo đảm cho sự hiệu dụng của niêm luật, chứ không phải niêm luật bảo đảm cho sự thành công của thơ. Bảo đảm cho sự thành công của thơ chính là âm thanh, tiết điệu và nhạc tính của thơ vậy. Bảo đảm ở chỗ đó là những CHỈ SỐ, những dấu hiệu cho thấy được sự thành công của nhà thơ, của bài thơ. Thành công cái gì? Điều gì? Vì quên mất hiện hữu uyên nguyên, kinh nghiệm uyên nguyên về cuộc đời cho nên nhiều lúc người ta cũng quên luôn bản chất của thơ là một kinh nghiệm, và cụ thể là một cách diễn tả kinh nghiệm về cuộc đời. Thơ là một cách hiểu, một cách sống với đối tượng, sống với hoàn cảnh. Có nhiều cách thế hiểu biết, hiểu biết thường nghiệm, hiểu biết thực nghiệm, hiểu biết siêu nghiệm. Hiểu biết gần với bản năng, hiểu biết thực nghiêm liên hệ với trí huệ, hiểu biết siêu nghiệm gần với linh giác, trực giác. Hiểu biết thường nghiệm chỉ là một cách né tránh hay sở hữu đối tượng, nghĩa là một cách kinh nghiệm trong đó CHỦ THỂ chiếm ưu thế. Hiểu biết thực nghiệm như khoa học là một kinh nghiệm trong đó ĐỐI TƯỢNG chiếm ưu thế. Hiểu biết siêu nghiệm thì chẳng còn ưu thế của đối tượng mà cũng chẳng còn ưu thế của CHỦ THỂ. Bergson gọi đó là trực quan. Trực quan hay linh giác là một hiểu biết trong đó chủ thể và đối tượng đã không còn một biên giới ngăn cách cụ thể nào. Connaitre la co-naitre (hiểu là cùng sanh thành). Hiểu biết đích thực không phải là biết mình, biết người nhưng là hiểu được “mình với ta tuy hai mà một” vậy. Nói cách khác, hiểu biết đích thực là một sự hòa đồng, hòa hợp vươn khỏi bản năng trí huệ vậy. Mình với ta tuy hai mà một, có nghĩa là không còn mình, cũng không còn ta. Trong trình độ hiểu biết này, chủ thể đã tự xóa mình là chủ thể, để xóa luôn những ngăn cách trí huệ, bản năng, thành kiến, lý luận giữa chủ thể và đối tượng.

Không xóa được những ngăn cách đó thì cô thôn nữ sẽ không thể nào “múc ánh trăng vàng”, thì Huy Cận sẽ không thể nào mời gọi:

“Chiều ơi hãy đến thăm ta với
Thiên hạ đìu hiu đời trống không”

Người ta vẫn thường gọi những cách hiểu nên thơ ấy là “nhân cách hóa”, là tỉ dụ, hoán dụ… Thực ra, đó là một sự hòa đồng, hòa hợp. Không có được sự hòa đồng, hòa hợp đó, không có được tình trạng đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu đó thì thơ khó mà còn là thơ nữa.

Âm thanh, tiết điệu, nhạc tính, niêm luật… chính là những điều phát xuất từ kinh nghiệm hòa đồng hòa hợp ấy, và mặt khác, là những phương tiện mở đường cho người đọc thơ sống với, và sống lại kinh nghiệm hòa đồng hòa hợp đó của thi nhân.

Làm thơ không chỉ là thấy sông LÀ sông, núi LÀ núi, nhưng là thấy được sông núi HỮU TÌNH, nghĩa là sông núi có một mối giao hòa với con người, với thi nhân. Thể nghiệm được mối giao hòa đó là SỐNG THƠ, diễn đạt được mối giao hoà là LÀM THƠ, truyền đạt được kinh nghiệm giao hòa đó cho kẻ khác tức thành công của thơ. Âm thanh, tiết điệu, nhạc tính giữ một vai trò tối quan trọng trong sự thành công đó.

Nếu văn, họa, điêu khắc cột chặt người thưởng ngoạn vào tác phẩm, thì trái lại, thơ và nhạc lại đưa người ta vào một thế giới không còn nghệ phẩm, không còn nghệ sĩ, không còn chủ thể thưởng ngoạn nữa. Bản sắc của thơ do đó cũng là siêu thực. Siêu thực không phải không tưởng nhưng là sống với thực tại bằng một ý thức cao hơn ý thức duy sinh, duy dụng, duy lý. Ý thức cao hơn là thấy được sự vật NHƯ LÀ sự vật, không theo một thành kiến, một nhãn quan thực tiễn nào, hoặc chỉ theo thành kiến của “con tim” nghĩa là của cảm xúc, của rung động mà thôi.

Siêu thực không phải là phủ nhận sự vật nhưng chính là thấy được sự vật như là sự vật vậy. Có thể nói chính hiện hữu thường nhật, chính sự tính toán, suy luận, phân tích, đo lường thực nghiệm, thực dụng mới là những cách phủ nhận sự vật. Với cuộc sống thường nhật, cái bàn chỉ ĐỂ MÀ viết, ghế ĐỂ MÀ ngồi, với cái nhìn thực nghiệm thì không bao giờ có cái hoa ĐẸP, vì theo quan điểm thực vật học chẳng hạn, hoa chỉ là một cơ quan sinh dục.

Muốn thấy được sự vật như là sự vật thì phải ly khai với cái nhìn thường nghiệm, thực nghiệm nghĩa là với thành kiến này hay thành kiến khác. Thơ là một nỗ lực ly khai ấy. Một sự ly khai gần như phú bẩm, tự nhiên. Chính khả năng siêu thực hóa thực tại, khả năng ly khai ấy đã giúp cho thi nhân biến “kho trời chung” thành “vô tận của mình riêng” vậy.

Càng sống, càng lớn, càng già, con người càng xa nguồn sống, càng xa thế giới uyên nguyên, hiện hữu uyên nguyên. Thế giới đó đã bị “tiến bộ” vượt bỏ, lý trí phủ nhận, nhưng thế giới đó vẫn tồn tại trong ký ức của mỗi người, mỗi dân tộc: thế giới huyền thoại, nguyên thủy, trong đó người, cỏ cây và muôn thú đều hữu tình, hữu ngôn. Thi ca chính là một cách phục hồi khả năng tái hoạt thế giới ấy, một cách gọt giũa lại cái cảm xúc, rung động đã chai lỳ, cùn nhụt của kiếp người chỉ còn biết những gì là hữu ích, hữu dụng, hữu lý mà thôi.

Vì muốn phục hồi và có khả năng phục hồi thế giới đích thực và uyên nguyên ấy, phục hồi tính cách tự tại của sự vật, tính cách thường hằng của đối tượng nên thi ca đã trở nên siêu thực, thi ca phải ly khai. Ly khai với thành kiến, với chấp kiến, vốn là những hàng rào ngăn cách con người với thực tại đích thực, không cho con người thấy được bản chất đích thực của thực tại. Thành bại hay giá trị của thi ca tuy thuộc ở khả năng siêu thực, khả năng ly khai, và đồng thời là khả năng giao hòa như vừa nói vậy.

Nói đến thành bại, giá trị đó của thơ là điều rất khó. Bài thơ hay đã hẳn không phải là bài thơ chưa hề được viết ra. Nhưng bài thơ hay cũng chưa hẳn là bài thơ từng được số đông nhận là hay, hay bài thơ đã được trúng giải này giải nọ. Đó chẳng qua cũng chỉ là những lệ định. Hội đủ tất cả những điều kiện cụ thể của một bài thơ hay chưa hẳn là đã có được một bài thơ hay. Thơ là một kinh nghiệm sống thực chứ không phải là một sự kiện, sự vật. Vấn đề tiên quyết đặt ra là kinh nghiệm sống thực đó có giúp thi nhân, và kẻ thưởng ngoạn về sau đạt đến cùng đích của hiện hữu là giao hòa với vũ trụ, với cuộc đời, với môi trường sống hay không. Nói đến giá trị của thơ do đó là nói đến một giá trị TƯƠNG ĐỐI, không phải là tương đối theo nghĩa TƯƠNG QUAN với hoàn cảnh sống thực của nhà thơ khi sáng tạo cũng như của người thưởng ngoạn khi đọc, khi ngâm hay được nghe ngâm bài thơ đó vậy.

Càng sống thực thì thơ càng hay, và thơ càng hay thì càng cho người đọc nhiều cơ hội sống thực. Sống thực không phải là sống với cái cụ thể, mà đồng thời cũng là cái phù ảo. Sống thực chính là sống với cái thường hằng, siêu thực, vĩnh cửu. Sống thực là hòa tình người với tình núi sông, cây cỏ, là hòa tiểu ngã với đại ngã, là hòa hợp hồn cá nhân với hồn vũ trụ. Sự hòa hợp đó cũng chính là sự hòa hợp có tính cách tín ngưỡng vậy.

SỰ CHÂN THÀNH CỦA THI NHÂN

Đời không có thơ, đời vẫn có. Thơ không có đời, thơ không có. Nhưng bám chặt cuộc đời với đôi mắt thế nhân thường tình thì cũng không có thơ, ngay cả khi thi nhân hướng nhìn những cảnh thông thường, bình dị nhất như thi nhân vô danh nhìn người thôn nữ tát nước tưới ruộng. Người thôn nữ có thể đẹp nhưng đối tượng của thơ chính là những “ánh trăng vàng” bị người thôn nữ múc đổ đi.

Đời, do đó chỉ là chất liệu cho thi nhân tô điểm, làm cho hồng thành hồng thắm, xanh thành xanh biếc, âm u trở thành hắc ám. Tắt một lời, làm cho đời trở thành một sự kiện tuyệt đối, một sự kiện đáng sống, đáng yêu, và do đó, cũng có thể trở thành đáng chán, đáng ghét. Thi ca là một cách sống, một cách nhìn, và hơn nữa, thi ca là một cách sống tuyệt đối, là một cái nhìn bản thể. Thi nhân là kẻ lật mặt nạ cuộc đời, để tô thêm hồng thắm, mà cũng có thể để bôi thêm lem luốc. Nhưng gì đi nữa thì thái độ tất yếu của thi nhân vẫn là sự chân thành. Sự chân thành của thi nhân là chân thành với đời và với chính mình.

Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
(Phùng Quán)

Không còn sự chân thành đó thì thi nhân sẽ không còn là thi nhân, và đời cũng chỉ là đời đã bị phóng thể vì ý thức hữu dụng. Ý thức đó làm cho con người không còn mơ mộng, nghĩa là không còn thơ, làm cho cuộc đời trở thành thực, nghĩa là không còn nên thơ nữa. Và như vậy cũng sẽ không đủ khả năng để thúc dục con người dám liều:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
(Xuân Diệu)

Cuộc đời hôm nay, con người hôm nay đang đi vào những lo sợ của Aldous Huxley, của George Owens, của Alain Toffer. Phải chăng, đến lúc và đã có lúc con người phải lựa chọn giữa “Người máy và hoa sen”, giữa kỹ thuật và thi ca?

Trở lại với thơ, nếu không phải là điều tất yếu thì ít ra cũng là một điều cần thiết để còn có thể tiếp tục dấn thân, để khỏi chai đá, để khỏi trở thành máy móc giữa một khung cảnh đang ngập khói xe và tiếng động cơ giới.

HUYỀN KHÔNG
Los Angeles, Cuối xuân Tân Dậu

Hiển thị thêm
Back to top button