Huỳnh Kim Quang: Đọc ‘Triết Lý và Thi Ca’ của Thầy Nguyên Siêu để ‘Nghe Dòng Sông Nói’

Nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Đức Hermann Hesse có lần viết trong tác phẩm “Siddhartha” rằng:

“Cả hai đều lắng nghe dòng nước, đối với họ đó không chỉ là dòng nước, mà còn là âm ba của cuộc sống, tiếng nói của cái đang là, tiếng nói của cái sắp là.”

Cùng một cảnh trạng như vậy, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu viết rằng:

“Ngồi một mình trên tảng đá, bên cội tùng bờ sông. Nhìn dòng nước lặng trôi. Êm đềm, không mảy động. Ngồi để nghe dòng sông nói.”

Đó là một đoạn được trích từ trang 27 trong tác phẩm “Triết Lý và Thi Ca” của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu (từ đây trở xuống xin được gọi là Thầy cho thân mật) đã được Phật Việt Tùng Thư xuất bản tại California, Hoa Kỳ vào năm 2021.

Chỉ bằng một loại bút pháp đơn giản và ngôn ngữ dung dị như thế thôi, Thầy Nguyên Siêu đã diễn bày được bao ý nghĩa sâu lắng của triết lý và thi ca vốn là chủ đề bao la rộng lớn khôn cùng.

Tôi tâm đắc bốn chữ “nghe dòng sông nói.” Để nghe dòng sông nói là một việc tưởng như dễ mà không dễ chút nào. Thầy Nguyên Siêu không gọi dòng sông chảy mà gọi là dòng sông nói. Nhìn dòng nước sông chảy thì chỉ thấy nước sông đang chảy, chậm hay xiết, một cách tự nhiên như bản chất thiên nhiên của dòng nước sông là thế từ ngàn đời. Nhìn như thế thì người nhìn chỉ thấy tình trạng nước sông đang chảy mà không phải là dòng sông đang nói. Chữ “nói” biểu thị cho một hành động phát ngôn có chủ ý, giống như khi chúng ta nói điều gì đó. “Dòng sông nói” tức là dòng sông đang thổ lộ bằng một thứ ngôn ngữ riêng biệt của nó về một điều gì đó. Trong cách nói của dòng sông ắt phải có cái chủ ý hay cái tình ý của nó, vì nếu không như vậy thì Thầy Nguyên Siêu đã không gọi “dòng sông nói.”

Nhưng bằng cách nào Thầy Nguyên Siêu nghe được tiếng nói của dòng sông? Trong đoạn trích trên Thầy đã cho chúng ta biết một ít chi tiết làm sao Thầy nghe được dòng sông nói:

“Ngồi một mình trên tảng đá, bên cội tùng bờ sông. Nhìn dòng nước lặng trôi. Êm đềm, không mảy động.”  

Thầy cho chúng ta biết rằng Thầy: ngồi một mình, trên tảng đá, bên cội tùng ở bờ sông, nhìn dòng nước lặng trôi, không mảy động. Thầy viết “ngồi một mình” mà không viết ngồi cô đơn một mình. Đây chắc chắn là một chủ ý, bởi vì Thầy “ngồi một mình” mà không cảm thấy cô đơn, buồn tẻ. Có lẽ Thầy còn muốn mô tả cuộc sống độc cư của một vị Tỳ-kheo ở chốn rừng núi cô tịch. Đó là lối sống vốn được Đức Phật khuyến khích những đệ tử xuất gia của Ngài nên thực hành để có thể tu tập thiền định và chứng đắc đạo quả. “Ngồi một mình” như thế cũng có nghĩa là ngồi với sự rũ bỏ những ràng buộc của thế sự đảo điên, cũng có nghĩa là ngồi với các tâm rỗng lặng không vướng mắc, điều mà Thầy viết là “không mảy động.” Bằng tư thái sống tịch lặng như thế, Thầy đã mở cái tâm rỗng lặng và bình an vô sự đến vạn cảnh chung quanh để lắng nghe từ sâu thẳm từng tiếng nói của các loài hữu tình và vô tình, mà trong đó có tiếng nói của dòng sông.

Chỉ cần đọc một đoạn như thế, chúng ta thấy Thầy Nguyên Siêu đã rải ra trên trang sách bao nhiêu là triết lý, bao nhiêu là văn chương!

 Nhưng đâu phải chỉ có chừng đó. Tác phẩm “Triết Lý và Thi Ca” của Thầy Nguyên Siêu, dày 577 trang với hai thứ tiếng Việt và Anh (bản tiếng Anh do Diệu Kim và Nguyên Đức thực hiện), còn chứa đựng nhiều triết lý và thi ca hơn nữa. Đặc biệt, trong tác phẩm này còn có 205 đoạn thơ 4 câu và phần Ca từ gồm nhiều bài thơ như lời nhạc.

Thầy Nguyên Siêu có một quan điểm về triết lý và thi ca khá đặc biệt. Thầy không triết lý theo kiểu triết học cao siêu của những triết gia kinh viện. Triết lý của Thầy Nguyên Siêu là nhìn sâu thẳm vào bản chất của những hiện tượng, những sự vật, những thứ hiện hữu chung quanh trong cuộc sống của Thầy để liễu ngộ bộ mặt thật của mọi hiện hữu, mà đôi khi rất đơn giản, rất gần gũi, chứ chẳng xa xôi hay cao siêu diệu vợi gì cả. Chẳng hạn như trong Lời Nói Đầu, Thầy viết:

“Triết lý khô như vách đá. Thi ca ướt như sương đẫm. Vách đá nhuốm hơi sương. Sương đẫm tươi vách đá, cả hai hỗ tương nhau tạo thành sức sống như năng lượng phù trầm, tương dung tương nhiếp, một mực không rời.” (Sđd., tr. 9)

Sao mà dung dị và gần gũi, nhưng không thiếu sự sáng tạo và chiều sâu hun hút của trực quan nhìn thấu suốt vào một hiện tượng rất mực đời thường! Trong cái nhìn hàm ngụ triết lý và thi ca ấy của Thầy còn chuyên chở cả tư tưởng sâu thẳm của triết lý nhà Phật về mối tương quan, tương duyên, tương tức, tương nhập của giáo nghĩa trùng trùng duyên khởi.

Lại một lần khác, khi quán sát chiếc lá của hoa ngọc lan rụng và nằm yên trên phiến đá giữa trưa hè nắng cháy, và rồi héo úa vào buổi chiều, Thầy Nguyên Siêu trực nhận ra ngay nơi ấy cái “triết lý sống và chết” của vạn hữu. Thầy viết:

“Chiếc lá ngọc lan rụng về cội. Nằm yên gác đầu trên phiến đá. Nắng về trưa đốt cháy ngọc lan, khô dòn như bao chiếc lá trên rừng, mang sắc thắm ban mai, chiều trở thành héo úa. Như sự vận chuyển của thời gian đến đi vô tận. Nuôi sự sống. Đốt cháy sự sống. Một triết lý sống và chết, thiên thu bất tận.” (Sđd., tr. 21)

Phải có một tâm hồn bén nhạy và trí tuệ tỉnh giác thì mới có thể nhìn ra được bản chất của các pháp xảy ra chung quanh Thầy như thế.

Trong “Triết Lý và Thi Ca,” Thầy Nguyên Siêu cũng kể lại những ký ức của Thầy về quê hương, mái chùa làng và tình mẹ. Nhớ về tuổi thơ ở quê nhà và ảnh hưởng của ngôi chùa làng lên tâm hồn trong trắng, Thầy viết:

“Nơi tôi lớn lên giữa một cánh rừng miền núi. Xa vắng xóm làng, thưa thớt dân quê. Thỉnh thoảng mới có con trâu đi trên đường đất khúc khuỷu. Cứ mỗi chiều về là buồn da diết. Một nỗi buồn ủ kín dưới những lớp lá mục quanh đây, mà trải qua bao nhiêu mùa mưa nắng cũng chừng ấy.” (Sđd., tr. 77)

Về ngôi chùa làng, Thầy kể:

“Trong làng có một ngôi chùa quê. Từ nhà tôi đi bộ đến chùa mất khoảng 45 phút hay một tiếng. Mỗi tháng Mẹ, Ba và anh tôi đi chùa hai lần. Rằm và mồng một. Sinh hoạt dưới mái chùa quê ấy. Chùa có Thầy trụ trì, mới gặp loáng thoáng đâu đó cũng thấy quê quê. Chiếc áo tràng bạc mầu. Chiếc y hậu mòn cũ. Da mặt sạm nắng. Đôi tay hơi chai săn. Nhưng trong dáng dấp quê quê ấy, tôi thấy mà cảm nhận được có một cái gì đó ẩn nét từ bi, tấm lòng hiền hòa trong Thầy.” (Sđd., tr. 77)

Ở một đoạn khác, Thầy kể tiếp về ảnh hưởng của ngôi chùa làng đối với cuộc sống đạo đức, tâm linh của người dân quê:

“Chùa làng tôi có con đường đất nhỏ cỏ mọc hai bờ xinh tươi. Có gió mát, mưa rào, làm duyên quê tu Phật. Nhờ vậy mà xóm làng yên vui, thái hòa. Chùa làng tôi có tình thương Mẹ hiền Quan Âm, ngàn mắt ngàn tay cứu độ. Rưới nước cam lồ. Xoa dịu nỗi đau. Cành dương nước tịnh nhiệm mầu. Bình đẳng vô phân biệt, cơ cầu, cảm ứng tùy duyên. Chùa làng tôi thiêng liêng như tiếng chuông chiều về, rạt rào, tình tự rót vào cỏ, vào hoa, vào lòng người dân dã, dập tắt nỗi oan khiên, muộn phiền. Thầm nhớ về chùa làng, một quê hương diệu vợi.” (Sđd., tr. 82, 83)

Tác giả cuốn “Triết Lý và Thi Ca” đã cảm nhận được ý nghĩa của một thứ triết lý sống trong chính “mái chùa xưa,” và “tiếng chuông cổ tự” có khả năng làm “vơi đi bao điều tang thương dâu bể.” Thầy Nguyên Siêu đã viết:

“Nếu ai kia đã từng lặn lội, bôn ba trên trường danh lợi; và nếu ai kia đã bao lần trải qua những đắng cay thử thách của cuộc đời thì giờ đây trong khung cảnh trầm mặc, u tịch này tấm lòng như vơi bớt đi bao điều tang thương dâu bể, lắng dịu tâm tư sạm nắng của gió táp mưa sa. Quỳ đó, chắp tay quý kính. Mắt nhìn Phật. Miệng lâm râm Bồ Tát Quan Âm, hay Địa Tạng Vương, mà cảm thấy lòng thanh thản, yên vui. Đây là triết lý sống hay ý vị thi ca của quê hương, đạo pháp.” (Sđd., tr. 36, 37)

Tình mẹ cũng đã được Thầy nói đến một cách trịnh trọng, chân thành, tha thiết và cảm động. Trong ký ức còn sống động của Thầy về người Mẹ thương yêu:

“Bóng  Mẹ chiều nay, trong chiếc áo bà ba đen, đầu đội nón, tay bưng cái rổ nhỏ đi chợ, chú nhìn Mẹ thấy rõ niềm vui trên khuôn mặt, thì ra vì có tôi về thăm Mẹ. Cứ mỗi lần như thế là Mẹ vui. Mẹ hết đau, hết bịnh. Như thường ngày, mỗi tối Mẹ xúc một trách than lửa rồi phủ tro để dưới giường cho ấm. Xong buổi cơm tối, Mẹ tôi ngồi bên cửa sổ nói chuyện gia đình. Mẹ nói: “Tui biết ông ở bên tui là ông khổ, nhưng tui không muốn ông đi xa tui, cho đến khi nào tui chết, thì ông tự do đi và chừng ấy ông mới hết khổ.” Nguyên văn lời nói của Mẹ là vậy. Tôi luôn nhớ cho đến hôm nay. Khi nghe Mẹ nói, tôi nhìn Mẹ cầm tay xoa xoa:

“- Mẹ cho con đi tu 20 năm rồi mà, đâu có phải một sớm một chiều nữa đâu mà nói được ở bên cạnh Mẹ. Sao khi xưa Mẹ bắt con lên chùa ở, dù nhớ Mẹ, muốn về thăm mà Mẹ cũng không cho. Đi tu là phải xa nhà, xa Mẹ mà.

“Tình Mẹ là vậy đó, đã cho con đi tu, nhưng luôn canh cánh bên lòng.” (Sđd., tr. 62, 63)

Chỉ một câu nói của người Mẹ mà Thầy nhớ cho đến hôm nay đã đủ cho thấy tình Mẹ dành cho Thầy bao la, lai láng đến mức nào. Nó không màu mè, khách sáo. Nó thật mộc mạc, đơn sơ. Đó là tình thương tuông chảy ra một cách tự nhiên từ trái tim yêu thương không bờ bến của người Mẹ.

“Mẹ đi nhổ mạ ngoài đồng
Cấy vào thửa ruộng đơm bông trĩu đầy
Bát cơm bốc khói chiều nay
Công lao của Mẹ cấy cày của Cha.”

Đó là đoạn thơ thứ 130 trong phần thơ ca tiếp theo những bài viết ngắn kể chuyện ngày xưa tuổi trẻ của Thầy trong “Triết Lý và Thi Ca.” Phần thơ này có tất cả 205 đoạn, mỗi đoạn 4 câu mà Thầy sáng tác theo thể tự do, không theo thể loại quy luật thơ nào cố định và cũng không thống nhất trong một chủ đề nào, nghĩa là tùy cảm hứng.

Có những đoạn thơ trong phần này làm cho tôi dừng lại và đọc tới đọc lui vài lần để thưởng thức ý vị của thi ca. Chẳng hạn xin trích một vài đoạn như sau:

“Hương phấn hoa cau vương mùi hương khế bưởi
Mái rạ la đà đun từng sợi khói lam
Ngồi ru con Mẹ hát bài ca dân tộc
Dân tộc này quê hương ngàn dặm nước non.” (đoạn 87)

Hoặc là:

“Trên triền núi đứng nhìn hoàng hôn tắt
Dòng sông xa ẩn dưới rặng dừa xanh
Nước vẫn chảy đám lục bình trôi nổi
Xuôi về đâu hởi một kiếp nhân sinh.” (đoạn 30)

Còn nữa, nhớ về thời hành điệu, tức là thời thơ ấu mới vào chùa cạo tóc đi tu:

“Tôi hành điệu dưới mái chùa xưa nho nhỏ
Quanh hàng dừa xanh rợp bóng mát mù u
Khi chiều về nghe vang vọng tiếng công phu
Lúc sáng sớm ra đứng nhìn dòng sông chảy.” (đoạn 85)

Và đây là đoạn lục bát rất hiếm trong phần thơ này. Đoạn thơ phản phất triết lý vũ trụ và nhân sinh theo quan điểm vô thường biến dị của nhà Phật:

“Lê chân mỏi gót phong trần
Rừng cây thay lá nhuộm màu đất khô
Dế giun làm những nấm mồ
Nằm nghe sương rụng mơ hồ đêm khuya.” (đoạn 181)

Nói tóm lại, còn rất nhiều điều đáng để đọc và thưởng thức từ triết lý đơn sơ, mộc mạc của cuộc sống chung quanh mà Thầy Nguyên Siêu cảm nhận được đến những áng văn chương làm rung cảm lòng người đọc trong “Triết Lý và Thi Ca.” Rất tiếc trong khuôn khổ của một bài viết giới thiệu ngắn nên không thể đi xa hơn và đào sâu vào từng khía cạnh để cống hiến cho bạn đọc.

Bạn đọc có thể liên lạc về Chùa Phật Đà, 4333 30th Street, San Diego, CA 92104, để có một cuốn “Triết Lý và Thi Ca” trong tủ sách gia đình và từ từ đọc để thưởng thức.

Xin kính cảm ơn tác giả Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu và xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn “Triết Lý và Thi Ca.”

Hiển thị thêm
Back to top button