Jawaharlal Nehru | HT Thích Quảng Độ dịch: Giáo lý của Đức Phật

“Hãy đi khắp nơi mà truyền bá đạo của ta. Hãy nói cho mọi người hiểu rằng giàu, nghèo, sang, hèn tất cả chỉ là một; rằng mọi giai cấp đều quy tụ trong đạo của ta cũng như tất cả các sông ngòi đều chảy ra biển.”

“Ở đời này, không bao giờ hận thù xóa bỏ được hận thù, chỉ có tình thương mới xóa bỏ được hận thù.”

“Người ta có thể thắng được vạn kẻ địch trên chiến trường, nhưng kẻ nào tự thắng mình mới là kẻ  chiến thắng vĩ đại nhất…”

“Chẳng phải đẻ ra đã là kẻ tiện dân hay Bà la môn, mà chính là do hành vi của mình làm cho một người trở thành hạ tiện hay cao quý…”

“Chiến thắng nuôi dưỡng hận thù, vì kẻ chiến bại thấy mình khổ nhục.”

Tất cả những lời dạy trên đây của Phật đều không mang một màu sắc tôn giáo nào, không có liên hệ gì đến một đấng siêu nhiên hay nhân cách thần, hoặc đến một thế giới nào khác mà liên hệ đến một lối sống lí tưởng, một lối sống đạo đức và tự giác. Phật đã dựa vào lí trí, luận lí và kinh nghiệm và bảo mọi người hãy tự tìm chân lý ngay trong bản tâm của mình. “Đừng vì kính nể mà tiếp nhận giáo pháp của ta, nhưng hãy thí nghiệm đi như vàng được thử lửa vậy”.

Vô minh, ngu nguội là nguồn gốc của mọi khổ đau. Có một ông Trời hay một cái gì Tuyệt đối hay không thì Phật không nói đến. Ngài không xác nhận mà cũng không phủ nhận. Người ta không nên xét đoán cái gì mà tri thức không thể biết tới. Để trả lời một câu hỏi, Đức Phật đã nói:

“Nếu tuyệt đối là cái gì không liên hệ đến tất cả sự vật hiện hữu thì người ta cũng không thể dùng bất cứ tình tự suy lý hiện hữu nào để biết được nó. Làm sao ta biết được sự tồn tại của một vật hoàn toàn cô lập với những sự vật khác? Toàn thể vũ trụ là một hệ thống duyên khởi, trùng trùng điệp điệp: không một vật gì cô lập, tách rời mà có thể tồn tại”.

Bởi vậy ta phải tự giới hạn ở những cái gì ta có thể thấy và nhận thức một cách rõ ràng, xác thực. Chính vì thế nên Phật cũng không đề cập đến sự tồn tại của linh hồn, Ngài không phủ nhận, cũng không xác nhận. Phật không chịu thảo luận về vấn đề này và đây là một điều rất kỳ lạ, bởi vì, vào thời Phật, người Ấn Độ chỉ miệt mài trong những vấn đề tự ngã, đại ngã, nhất nguyên luận, nhất thần và những giả thuyết siêu hình khác. Nhưng Phật thì, trái lại, chống đối tất cả mọi hình thức siêu hình. Tuy nhiên, Phật tin có nhân quả phổ biến và tất cả khổ, vui, họa, phúc v. v… đều quan hệ (nhân duyên) với nhau một cách có tổ chức.

Trong cái thế giới kinh nghiệm này, chúng ta thường dùng những danh từ và sự miêu tả để nói “” hay “không“. Nhưng, có lẽ chẳng tiếng nào đúng cả khi ta đi vào chiều sâu của sự vật và ở đây ngôn ngữ của ta không đủ để diễn tả cái gì thật sự đang xảy ra. Chân lý có thể nằm ở giữa khoảng “có” và “không” hay vượt ra ngoài “” và “không“. Dòng sông chảy liên tục và trên bề mặt thì tựa hồ như lúc nào cũng như lúc nào, nhưng những dòng nước thì không bao giờ đứng yên ở một chỗ. Ngọn lửa cũng thế. Nó cứ cháy và giữ nguyên hình trạng ấy, nhưng không bao giờ là cùng một ngọn lửa mà luôn luôn thay đổi biến dịch. Sự vật lưu chuyển không ngừng và cuộc đời, với tất cả hình trạng của nó, là một dòng sông chảy siết. Thật tại không phải là cái thường còn, bất biến nhưng là một năng lực di động một sự tiếp nối không ngừng. Lý tưởng về thời gian chỉ là một “ý niệm được rút ra từ sự sử dụng một biến sự này hay biến sự kia mà thôi”. Ta không thể nói có một cái gì độc nhất thường còn làm nhân cho sự vật phát sinh. Tính chất của một sự vật là luật quan hệ hỗ tương nội tại của nó với những sự vật khác. Thân thể và tâm thức của ta thay đổi từng giây từng phút; chúng diệt đi để nhường chỗ cho những cái gì khác, cũng như chúng nhưng cũng lại khác, xuất hiện rồi biến đi. Theo một ý nghĩa nào đó, luôn luôn chúng ta đang chết đi và đang tái sinh và cái dòng chết đi sống lại ấy lưu chuyển nhanh quá đến nỗi ta không cảm nhận và cứ tưởng như ta là một thực thể đồng nhất, bất biến. Vạn vật là một dòng sông, di động, biến dịch.

Tất cả những điều trên đây rất khó lĩnh hội đối với tâm trì chúng ta là vì ta đã quá quen với những phương pháp suy tưởng và giải thích những hiện tượng vật chất. Tuy vậy, một điều thích thú và kỳ lạ là ta thấy cái triết lý trên đây của Đức Phật đưa ra đến gần những quan niệm của vật lý học và tư tưởng triết học hiện đại.

Phương pháp của Phật là phương pháp phân tâm học và điều này lại khiến cho ta ngạc nhiên khi thấy Đức Phật bằng cách nào mà đã đi sâu vào những khoa học hiện đại nhất này. Trong con người không có cái gì được gọi là “ngã thể thường còn” cả, mà cho dù có một cái thường ngã như thế tồn tại đi nữa thì người ta cũng không thể hiểu được. Tâm thức là một phần của thân thể, do những năng lực tinh thần cấu tạo. Như vậy là con người trở nên một vật hợp thành của những trạng thái tinh thần, ngã thể chỉ là một dòng ý tưởng. “Tất cả những cái ta hiện hữu đều là kết quả của những điều ta đã tư tưởng”.

Đức Phật có nhấn mạnh về những nỗi khổ đau của cuộc đời, và Tứ đế chính là giáo lý căn bản nói rõ nguyên nhân, sự chấm dứt và cái phương pháp chấm dứt khổ đau ấy. Có lần Phật đã nói với các đệ tử: “Nếu đem nước mắt của hết thảy chúng sinh trong vòng luân hồi từ thời vô thỉ tích chứa lại thì cũng nhiều bằng nước của bốn đại dương”.

Chấm dứt được những khổ đau thì đạt tới cái trạng thái gọi là “Niết Bàn”. Về Niết Bàn là gì thì có nhiều ý kiến bất đồng, bởi vì ngôn ngữ cũng như quan niệm giới hạn của tâm thức chúng ta khó có thể miêu tả được một trạng thái siêu việt. Có người cho đó chỉ là một trạng thái tuyệt diệt hư vô nhưng Phật đã phủ nhận điều đó và bảo nó là trạng thái hoạt động mãnh liệt và tích cực. Nó là trạng thái trong đó không có sự hiện diện của những dục vọng giả dối, nó không phải là trạng thái hư vô nhưng ngoài những danh từ tiêu cực ra, ta không còn cách nào khác để diễn tả được.

Con đường của Đức Phật là con đường trung đạo, giữa hai cực đoan hành hạ thể xác và phóng túng hình hài. Do kinh nghiệm bản thân, Phật cho rằng một người không có sức khỏe thì không thể tiến tới trên con đường chính đạo. Trung đạo là tám con đường chính đáng: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm và chính định. Tất cả chỉ là sự tự cải tạo, tự giác chứ không liên hệ gì đến ân huệ nào ở ngoài con người. Và nếu một cá nhân nào thành công trên con đường tự cải tạo này và tự thắng mình thì người ấy không còn biết thất bại là gì nữa. “Ngay đến ông trời cũng không thể chuyển bại thành thắng cho một người đã tự đầu hàng”.

*
*      *

Phật giáo có phải thụ động và yếm thế không? Nhiều người giải thích Giáo lý Phật giáo có thể nghĩ như thế, và ngay cả một số Phật tử thuần thành cũng có thể đã nghĩ như thế. Riêng tôi, tôi không đủ khả năng để phán đoán những giáo lý tinh tế và những sự khai triển có tính cách siêu hình phức tạp sau này của Phật giáo. Nhưng khi nghĩ đến Đức Phật, tôi không thấy có ý niệm ấy trong tôi và tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng một tôn giáo chủ yếu được xây dựng trên nền tảng thụ động và yếm thế lại có thể ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến một số lớn nhân loại, trong đó cũng có những người cực thông minh cực lỗi lạc, như thế.

Từ xưa, đã có không biết bao nhiêu bàn tay trìu mến đã nặn lên hình tượng của Phật bằng thạch cao, bằng đá, bằng cẩm thạch và bằng đồng. Ngồi trên đóa sen, bình thản, bất động, vượt lên trên mọi tham lam, dục vọng giữa biển đời, đứng ra ngoài vòng tranh giành của nhân thế, đức Phật hình như xa ta lắm, xa đến nỗi ta không thể với được, không thể đạt tới. Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ lại, ta sẽ thấy đằng sau những hình tượng bình thản, bất động ấy thoát ra một khát vọng, một tình cảm còn kỳ lạ và mãnh liệt hơn cả những khát vọng và tình cảm mà ta đã từng biết. Đôi mắt Ngài nhắm lại nhưng sức mạnh tinh thần vẫn phóng ra và toàn thân tràn đầy sinh lực. Thời đại cứ trôi qua và cuối cùng Đức Phật hình như không xa ta lắm; tiếng nói của Ngài vẫn còn thì thầm bên tai ta và bảo ta đừng chạy trốn cuộc phấn đấu nhưng hãy bình tĩnh mà đối phó và hãy nhìn thẳng vào cuộc đời để nhận ra những cơ hội lớn hơn cho công cuộc phấn đấu để tiến bộ và giải thoát.

Ngày nay người ta vẫn tôn sùng nhân cách như bao giờ và một người đã ảnh hưởng sâu xa đến tư tưởng nhân loại như Đức Phật, để cho đến nay, khi nghĩ về Ngài, người ta vẫn còn thấy một cái gì sống động, rung cảm, thì hẳn phải là một nhân vật kỳ diệu – một người, như Barth đã nói, là “cái mẫu hoàn toàn nhất của sự bình thản, dịu dàng, của tình thương bao la đối với tất cả mọi loài đau khổ, của trí tuệ tuyệt vời và của từ bi vô hạn”. Và một dân tộc đã có thể sản xuất được một mẫu người hùng tráng như vậy phải là một dân tộc có một nguồn trí tuệ sâu xa và một sức mạnh tinh thần bền bỉ.

(Trích trong cuốn “The Discovery of India”, THÍCH QUẢNG ĐỘ dịch)

(Tư Tưởng Số 3 – Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh – Xuất bản 1971)

Hiển thị thêm
Back to top button