Kiêm Đạt: Phật giáo Phù Nam

Về vấn đề tôn giáo đất Phù Nam trong giai đoạn lập quốc, sách Lương Thư có chép: “Người Phù Nam theo Bà La Môn giáo, trước khi Phật Giáo du nhập. Đạo Bà La Môn được xem là quốc giáo. Thứ đến là Phật Giáo”. Sách Tục Cao Tăng Truyện (q.1) chép: “Vị sư Tăng Già Bà La (Sanghapala), dịch là Tăng Dương hay Tăng Khải là người Phù Nam. Xuất gia từ nhỏ, sớm tinh thông Phật Pháp, đến tuổi đi học thì xuất gia, chuyên nghiên cứu “A Tì Đàm Luận”, tiếng tăm lừng lẫy, vang vọng đến đất Hải Nam. Ông đã dịch bộ “A Dục Vương Kinh” và bộ “Giải Thoát Đạo Luận”.

Ngoài ra, một vị cao tăng Phù Nam khác là sa môn Mạn Đà La (Mandra), người Hoa dịch là Hoằng Nhược đã phiên dịch nhiều kinh sách, trong đó nổi tiếng là “Pháp Giới Thể Tính Kinh”, “Bản Vân Kinh” và “Văn Thù Bát Nhã Kinh”.

Sách “Lịch Đại Tam Bảo Kỷ” nói về giao lưu Phật Pháp giữa Phù Nam và Trung Quốc (năm 524) cho biết: “Nước Phù Nam đã phái (Tăng Già Bà La) mang sang Trung Quốc dâng tặng những bộ kinh: A Dục Vương Kinh, Khổng Tước Vương Kinh, Văn Thù Sư Lợi Kinh, Bồ Tát Tạng Kinh, Cát Tường Kinh… tổng số lên đến 100 bộ kinh. Hai vị sư Tăng Già Bà La và Mạn Đà La đều là người Phù Nam, dưới thời vua Sadabatma được mời sang Trung Quốc hoằng Pháp. Họ cũng mang nhiều kinh điển sang dâng tặng (theo Lịch Đại Tam Bảo Kỷ). Theo “Phù Nam Phật Giáo khảo” thì: “Về mặt tôn giáo của đất Phù Nam, trước tiên theo đạo Bà La Môn, về sau Phật pháp cũng được thịnh hành; hơn thế nữa, Phù Nam lúc bấy giờ là một trạm chuyển dịch lớn của Phật Giáo di chuyển về phía đông”.

Cho đến năm 540 trở về sau, thủ đô Phù Nam bị Chân Lạp công phá, trở thành một thuốc quốc. Đến lúc nầy, Phù Nam đã suy vi. Những vị vua sau cùng kéo thêm một thời gian (khoảng 10 năm nữa) thì mới bị Chân Lạp tiêu diệt.

Phật Giáo thời kỳ Chân Lạp

Chân Lạp với là một nước ở phía bắc của Phù Nam, chiếm cứ vùng hạ lưu sông Mékong, trọng tâm sớm nhất là Bassak; đất đai bao gồm miền bắc Kampuchia và phía nam của Lào hiện nay. Năm 604, Chân Lạp dưới quyền thống trị của triều đình vua Bhavavarman I (550-600). Người Chân Lạp thời đó theo đạo Bà La Môn cho nên khi đánh chiếm Phù Nam vẫn chủ trương đưa tôn giáo nầy lên hàng đầu. Phật Giáo chỉ còn giữ trong dân gian. 

Sử liệu thời nầy chỉ nhắc trong vài biến chuyển. Chẳng hạn như “Nam Hải Quy Truyện” của Pháp sư Nghĩa Tịnh có chép: “Chân Lạp dưới triều vua Bhavavarman I và Mahendravarman đều theo đạo Bà La Môn. Phật Giáo từng bị bức hại”. Sách “Tùy Thư (q.28) chép: “Kinh đô Chân Lạp có đền thờ thần; 2 vị thần chính là Shiva và Bhandna. Khi cúng tế thì dùng thịt người. Nhà vua hàng năm giết người đem tế thần, lễ tế cử hành ban đêm, có hàng vạn người túc trực. Họ tôn thờ quỷ thần; cũng tôn phụng Phật Pháp, lại tin vào đạo sĩ…”

Xem như thế Phật Giáo chỉ là cái bóng mờ nhạt trong thời kỳ nầy. Sự hỗn dung tôn giáo (Bà La Môn và đạo Phật) thịnh hành trong dân gian. Nhà vua kế ngôi là Bhavavarman II; ông chính thức đưa thần Shiva (Thấp Bà) của Bà La Môn thành tín ngưỡng quốc gia; sau lại thờ thêm thần Vichnou. Phật Giáo Đại Thừa chỉ lưu hành trong dân gian.

Năm 705, dưới triều vua Thần Long, đất Chân Lạp chia làm 2: Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Lục Chân Lạp ở vùng núi non phía bắc, Thủy Chân Lạp ở vùng đồng bằng và ven biển ở phía nam, bao gồm đất đai cũ của Phù Nam,vùng trung du sông Mékong đến rặng núi Dagret. Chính trị của Lục Chân Lạp phía bắc tương đối ổn định, nhưng tại Thủy Chân Lạp ở phía nam thì thường xuyên gặp nhiều biến động, rối ren. Cả hai miền đều tiếp thu văn hoá và tôn giáo Ấn Độ. Việc thờ phụng đạo Shiva được phát triển, trong khi Phật Giáo Tiểu thừa cũng bành trướng mà không gặp trở ngại nào.

Dựa vào những di tích, di chỉ còn lại, có thể nhận định các đặc trưng như sau:

1- Phong cách Ta Phom (Tháp Phổ La): Xuất hiện vào cuối thế kỷ VI. Tiêu biểu cho văn hoá và tôn giáo của Phù Nam trước kia. Những công trình điêu khắc gồm tượng đạo Bà La Môn lẫn đạo Phật, với đường nét Ấn Độ. Còn thấy được dấu ấn của nghệ thuật Angkor.

2- Phong cách Sambor Prey Kuk (Tam Bi Lị Cổ): Xuất hiện vào thế kỷ VII. Đa số là di tích chùa chiền Phật Giáo Tiểu Thừa. Vết tích kinh thành Y Xa La là nét đặc trưng nhất. Nhiều trụ đá khắc kinh Phật Giáo với hoa văn mỹ thuật. Cũng chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn.

3- Phong cách Prei Kmeng (Ba Lị Mẫu): Xuất hiện thế kỷ VIII. Kiến trúc, điêu khắc và đồ họa không khác gì mấy 2 thời kỳ kể trên. Những pho tượng thần Vichnou và Siva nổi bật nhất, trong khi đó tượng đức Quan Thế Âm Bồ tát (Avalokitesvara) khá phổ biến. Qua những phong cách các giai đoạn trên cho thấy: Tượng Thần của đạo Bà La Môn và tượng Phật của đạo Phật khá phổ biến. Nhiều bi ký ghi khá rõ văn hoá Phật Giáo. Điêu khắc phong phú, tuy nhiên vẫn không đặc sắc bằng thời kỳ Phù Nam trước đó.

IV- Thời kỳ Angkor

Đây là thời kỳ phát triển mạnh nhất của Vương Quốc Kampuchia.Vua Xà Da Bạt Ma là người khai sáng Vương triều nầy. Angkor là tên kinh đô được xây dựng phía tây bắc Biển Hồ (Tonlésap), nay là tỉnh Siemrap. Những nhà vua kế tiếp đã xây dựng Angkor với những đền tháp đồ sộ, với những công trình kiến trúc và điêu khắc cực kỳ hoành tráng mà vết tích còn lưu lại đến nay. Phần lớn những công trình nầy đều mang vết tích và tinh thần của Bà La Môn giáo.

Ngay từ khi xây dựng kinh đô nầy, nhà vua đã cho mời một tăng lữ đạo Bà La Môn là Hiranyadema đến triều đình chủ trì nghi thức tôn giáo, xoá bỏ những vết tích của triều đình Trảo Oa trước đó. Phải đợi đến khi vua Yasovarman (889-900) lên ngôi mới bắt đầu cho phát triển một tôn giáo. Phật Giáo được phát triển mạnh từ đó. Nhiều Tăng viện Phật Giáo được kiến tạo tại Angkor và các địa phương trong cả nước. Đứng đầu Giáo Hội Phật Giáo có vị Tăng trưởng lãnh đạo.

Vào nửa đầu thế kỷ XI, vua Suryavarman trị vì (1002-1050) có khuynh hướng phát triển hòa đồng tôn giáo sâu rộng hơn, đưa Phật Giáo về vùng nông thôn. Sau khi ông qua đời, được đặt tên thụy là “Niết Bàn Già” (Nirvanaprati). Vua Suryavarman VII cũng như vua cha là một tín đồ thuần thành Phật Giáo. Nhà vua cho xây chùa, điện tháp Phổ Long và chùa Neak Pean ở Ta Proym. Chùa Banteay Chonan được xây dựng cùng thời với Angkor Thom và chùa Bayon. Đó là 3 công trình vĩ đại trong giai đoạn nầy, còn bảo lưu đến nay.

Theo “Chân Lạp Phong Thổ Ký” của Chu Đạt Quan thì “Chùa Bayon bao gồm 54 tòa tháp đá, tháp chính ở trung tâm cao 43 mét, có toà tượng Phật ngồi, đằng sau tượng Phật có tượng Long Vương Naja hộ vệ. Chung quanh các tòa tháp đá đều có những công trình điêu khắc Phật Giáo”. Trong “Ấn Độ Chi Na văn minh sử” có chép: “Vua Suryavarman VII do chịu ảnh hưởng của Phật Giáo, cho nên rất nhân từ, đức hậu. Vuaquan tâm sâu sắc đến phúc lợi của xã hội thời đó. Nhà vua cho xây nhiều y viện để chữa trị cho dân; một y viện đều có tượng đức Dược Sư Quang Vương Phật. Chùa Bayon có tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát rất lớn; kế cận có tượng Vichnou. Angkor thời đó là trung tâm của Phật Giáo Đại Thừa. Tôn trọng Phật Giáo, đồng thời cũng tôn trọng Bà La Môn Giáo, nhà vua đã tạo được thế hoà hợp tuyệt diệu…”

Thành thử sau khi nhà vua băng hà, được triều đình biểu hiện tên thụy của ngài là “Phật Giáo Đồ tối cao vĩ đại” (Maha Paramasugata). Chân Lạp Phong Thổ Ký cho biết: “Đây là thời kỳ huy hoàng nhất của triều Angkor. Mọi tôn giáo đều được coi trọng. Người theo đạo Nho được gọi là “Pandita”; sư tăng Phật Giáo được gọi là “Chaukou”, đạo sĩ Lão Giáo được gọi là “Tanpassin”. Những danh xưng nầy nhấn mạnh đến đạo hạnh của mỗi tôn giáo. Mọi ngôi chùa đều lợp ngói, chỉ có 1 pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (gọi là Prah). Chư tăng mặc áo vàng để hở vai, đi chân đất, cạo tóc, quần vàng”. Qua tài liệu trên cho thấy: đạo Phật Kampuchia thời đại Angkor đã phát triển theo hướng Nam Truyền, khác với Phật Giáo Bắc Truyền như các thời đại trước đây (thời kỳ Phù Nam và thời kỳ Chân Lạp). Sử liệu trình bày về nhiều cao tăng người Môn của Miến Điện và Tích Lan sang hoằng pháp trong thời đại Angkor vào thế kỷ XIII và XIV.

Trên một văn bia khai quật được năm 1821 cho thấy: “Vào khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều cao tăng từ Lục Khôn đến truyền giáo tại Angkor. Lục Khôn thuộc quyền thống trị của vua Mã Lai”. Nhưng rồi tình hình nầy đã thay đổi lớn vào thế kỷ XIV. Bi ký tìm thấy ở Kapilapura cho biết: “Trong thời kỳ nầy (1330), Bà La Môn Giáo và Đại Thừa Phật Giáo triều Angkor dần dà bị suy thoái. Trong khi đó, Phật Giáo Thượng Tọa Bộ du nhập từ Tích Lan sang”. Trong “Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới” của Tịnh Hải Pháp Sư nhấn mạnh: Phật Giáo Thượng Tọa bộ (Tiểu Thừa) truyền vào Kampuchia bắt đầu từ thời kỳ vua Jayavarman VIII, 1243-1295 của Vương triều Angkor. Vì rằng khi phái đoàn của Chu Đạt Quan đến Kampuchia vào 1296-1297 nhìn thấy tình hình Kampuchia đã là Phật Giáo Thượng Tọa bộ từ Tích Lan truyền sang.

Việc sùng bái Phật Giáo trong thời điểm nầy phải kể đến sự kiện nhà vua Srijayvarman đã bỏ ngôi báu để nhường cho người em, xuất gia tu hành theo Phật Giáo. Những chứng tích và bi ký khai quật cho thấy: Phật Giáo trong thời kỳ nầy bành trước rất sâu rộng trong quảng đại quần chúng; còn đạo Bà La Môn thì chỉ còn lưu chứng tích tại cung đình mà thôi. Sử Lào cũng chép: Năm 1345, vua Phà Ngừm của Lào Quốc đã lễ thỉnh 22 vị cao tăng Phật Giáo Thượng Tọa Bộ từ Angkor sang Lào hoằng dương Phật pháp. Cuộc dời kinh đô từ Angkor trở về Phnom Penh được thực hiện năm 1434, do vua Bang Cáp Da Đặc thực hiện. Mục đích chính là để tránh nguy cơ xâm lược của Thái Lan.

Trong khoảng thời gian 1516-1566, vua Ang Chan của Kampuchia đã nhiều lần đánh bại sự xâm lược của quân Thái Lan, thu phục những phần đất bị mất trước đây. Trong lịch sử Kampuchia, nhà vua được coi là một nhân vật vĩ đại sau thời kỳ Angkor. Vua Ang Chan cũng là một tín đồ Phật Giáo; nhà vua cho xây dưng nhiều chùa tháp Phật Giáo tại kinh đô và các vùng phụ cận.

Hiển thị thêm
Back to top button