Lễ Đại tường Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN

Y cứ theo Thông bạch số 13/VTT/VP của Văn phòng Viện Tăng Thống công bố ngày 22/02/2022, “Lễ Đại tường Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, theo truyền thống dân tộc, nhằm ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu. Nhưng do ngày cận Tết, và cũng do đại dịch nên lễ Tưởng niệm sẽ được cử hành tại Tổ đường chùa Từ Hiếu, vào lúc 9 giờ sáng ngày 29 tháng Giêng Nhâm Dần (tức 01/03/2022 dương lịch). Qua đó, Chư Tôn Đức, nguyên thành viên Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo, được thỉnh cử trong Đại hội Nguyên Thiều (2003), và Chư Tôn Túc Trưởng Lão cùng với chúng đệ tử đã vân tập về chùa Từ Hiếu vào thời gian trên, đồng tham dự Lễ Đại tường Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN.

Trong buổi lễ tưởng niệm, HT Thích Minh Tâm thay mặt Ban tổ chức tuyên đọc Thông bạch của Viện Tăng Thống thay cho lời tuyên bố lí do, để “tưởng niệm công hạnh và ân đức của vị Xuất trần Thượng sĩ, suốt một đời, trong giai đoạn đen tối đảo điên của Dân tộc và Đạo pháp, đã cùng Chư Tôn Trưởng Lão giữ vững con thuyền Giáo Hội vượt qua sóng gió hiểm nghèo của thời đại, bằng tinh thần hy sinh vô úy, đã không dao động trước những bức bách của cường quyền bạo lực, không bị quẫn bức, thoái chí bởi giam cầm lao lý. Y chỉ trên giáo nghĩa Phật tính bình đẳng trong mọi loài chúng sinh, bằng ánh sáng Bi Trí của các Đấng Giác Ngộ, Ngài đã kiên trì nêu cao phẩm giá con người trước cộng đồng nhân loại văn minh, trong cứu cánh giác ngộ, kiên trì vận động cho các quyền tự do, bình đẳng, vốn là những phương tiện tất yếu để thể hiện nhân cách và giá trị của con người.”

Tiếp sau đó, HT Thích Thái Hòa đã cung tuyên tiểu sử Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, tán dương công hạnh của Ngài:

Hòa thượng đạo hiệu Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928, tại Thái Bình. Ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Đức Hải, Trụ trì chùa Linh Quang và được ban pháp danh Quảng Độ, sau đó được Bổn Sư gởi đến tu học tại Phật học viện Quán Sứ, Hà Nội. Năm 1944 Ngài thọ giới Sa di và năm 1947 đăng đàn thọ Cụ túc giới.

Năm 1952, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam cử Ngài đi du học ở Tích Lan, theo học tại Phật học viện Kelaniya Pirivena. Đến năm 1958, Ngài trở về Sài Gòn, chuyên dạy học và dịch Kinh sách.

Trong cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963, Ngài bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, Ngài và cư sĩ Cao Hữu Đính bị tra tấn dã man, trị bệnh suốt ba năm mà vẫn không dứt. Năm 1966 phải sang Nhật giải phẫu phổi. Đến năm 1967, Ngài mới bình phục trở về nước. Trên đường về Ngài ghé qua các nước Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện để khảo sát tình hình Phật giáo Á châu. Về nước Ngài tiếp tục dịch Kinh sách và giảng dạy tại các trường: Phật học viện Từ Nghiêm, Phật học viện Dược Sư, Viện đại học Vạn Hạnh (Saigon), Viện đại học Hòa Hảo (An Giang)… v.v.

Với GHPGVNTN, Ngài từng giữ các chức vụ: Phát ngôn nhân kiêm Thanh tra của Viện Hóa Đạo, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. Trong Đại hội GHPGVNTN tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, Đại hội cung thỉnh HT Thích Huyền Quang vào ngôi vị Tăng Thống, còn Ngài được cung thỉnh ngôi vị Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Sau khi HT Thích Huyền Quang viên tịch (năm 2008), Ngài được cung thỉnh Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, rồi vào tháng 11 năm 2011, Ngài được Hội Đồng Lưỡng Viện suy tôn Đệ Ngũ Tăng Thống.

Ngài từng được Tổ chức People in Need, Cộng hòa Czech trao giải thưởng Homo Homini vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền, tự do dân chủ và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời tu tập và hành đạo của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, dù phần lớn thời gian bị quản thúc trong chốn lao tù, và bận rộn quá nhiều Phật sự quan trọng của Giáo Hội, nhưng sự nghiệp trọng đại của Ngài vẫn là hoằng dương Chánh pháp để cứu độ chúng sanh qua việc thuyết giảng, phiên dịch kinh luận và giáo nghĩa Phật học để truyền bá giáo lý thậm thâm vi diệu của đức Thế Tôn.

Vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 22 tháng 2 năm 2020, nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý, Phật lịch 2563, Ngài đã thâu thần tịch diệt, trụ thế 93 năm và 73 hạ lạp.

Để thể hiện lòng thành của Tăng Ni – Phật tử Việt Nam, HT Thích Thiện Minh, thay mặt HT Thích Nguyên Lý cung đọc cảm niệm kính dâng Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, ôn lại cuộc đời hành đạo của Ngài, trong đó nêu bật sự nghiệp văn hóa, giáo dục. Khi Viện Tăng Thống GHPGVNTN thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng kinh điển với 18 vị Tôn Túc, Ngài đảm nhận Chánh Thư ký để làm sở y tuyên dương chánh pháp, dẫn đạo cho tứ chúng đồng tu. Trong suốt 73 năm phụng sự Tam bảo, dân tộc và đạo pháp, với bao biến thiên của lịch sử, đã khiến những ước nguyện của Ngài chưa thành, trọng nhiệm còn dang dở.

Năm 2003, Ngài cùng với HT Thích Huyền Quang triệu tập Đại hội GHPGVNTN, phục hoạt Giáo hội, tuyên dương  sứ mệnh: “GHPGVNTN không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt, mà đặt sự tồn tại trong sự tồn tại của Nhân loại và Dân tộc.” Đại hội đã được sự tán trợ của HT Thích Trí Quang, Chư Tôn Đức Tăng Ni và Cư sĩ Phật tử, thiện hữu tri thức trong và ngoài nước.

Năm 2020, trước khi về cõi Phật, Ngài ủy thác trọng trách điều hành Viện Tăng Thống cho HT Thích Tuệ Sỹ. Sau đó HT Thích Tuệ Sỹ đã thừa hành di chúc của Ngài, điều hành Viện Tăng Thống, thành lập Hội đồng Hoằng PhápHội đồng Phiên dịch Tam tạng lâm thời để tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp, phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam do Viện Tăng Thống GHPGVNTN đề ra năm 1973. Như vậy, ước nguyện khi xưa của Ngài tuy chưa thành nhưng nay đã có hậu lai tiếp nối.

Sau lời cảm niệm của HT Thích Thiện Minh kính dâng Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, Chư Tôn Đức đã niêm hương tưởng niệm, và cung thỉnh tôn linh của Ngài an vị tại linh đường mới, cũng được đặt tại Tổ đường chùa Từ Hiếu.

“Trải suốt cuộc đời gần một thế kỷ, từ khi xuất gia, hành đạo cho đến lúc viên tịch, Đức Đệ Ngũ Tăng thống đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc xiển dương đạo pháp. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh, và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài xứng đáng cho Tăng Ni và Phật tử noi theo. Đặc biệt tinh thần vô úy của một vị Bồ Tát tại nhân gian. Mặc dù sắc thân của Ngài không còn nữa nhưng pháp thân và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở hiện tại và mai sau.”

Hiển thị thêm
Back to top button