Lê Mạnh Thát chủ biên: Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam

TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA
PHẬT GIÁO VIỆT NAM

H.T. THÍCH TRÍ THỦ
Chủ trương
LÊ MẠNH THÁT
Chủ biên


TỰA

 

Phật giáo truyền vào nước ta đã hai nghìn năm, được nhân dân ta tiếp thu và vận dụng vào đời sống của dân tộc mình. Cho nên nói đến văn minh văn hoá Việt nam, mà không kể đến vai trò Phật giáo là một thiếu sót lớn. Nói đến văn học Việt nam, lại càng không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo đã có một vị trí vai trò nhất định trong lịch sử dân tộc. Vì thế, nghiên cứu lịch sử dân tộc, không thể không nghiên cứu lịch sử Phật giáo.

Nhưng để nghiên cứu Phật giáo, tất phải có những công cụ dùng cho người nghiên cứu, trong đó tự điển giữ một vai trò hết sức quan trọng. Từ hậu bán thế kỷ thứ 18 khi viết Kiến văn tiểu lục, Lê Quí Đôn đã nhận ra sự cần thiết phải có một bộ tự điển Phật giáo. Ông sơ bộ ghi lại khoảng gần hai trăm danh mục những thuật ngữ, tạp ngữ Phật giáo, để làm cơ sở cho việc nghiên cứu Phật giáo của mình. Sống cùng thời với Lê Quí Đôn, thiền sư Pháp Chuyên Diệu Nghiêm cũng cảm thấy yêu cầu đó, nên đã để lại cho ta hai pho tự điển nhan đề Tam giáo danh nghĩaTam giáo pháp số. Đây có thể nói là những pho tự điển triết học Việt nam xưa nhất hiện còn. Pháp Chuyên biên soạn những bộ tự điển ấy trên cơ sở những qui tắc và thể lệ biên soạn được ý thức và tuân thủ một cách nghiêm chỉnh. Qua đến thế kỷ thứ 19, công trình của Pháp Chuyên chỉ được kế tục một cách nửa vời với bộ Đạo giáo nguyên lưu của An Thiền và bộ Tam bảo sự loại của một tác giả Minh hương.

Như thế, yêu cầu có một bộ tự điển Phật giáo để làm công cụ cho những người nghiên cứu vẫn chưa được đáp ứng. Yêu cầu đó càng trở nên cấp bách hơn vào lúc này khi nền học thuật nước nhà đang trên đà phát triển mạnh. Không thể nào nghiên cứu lịch sử dân tộc, văn học dân tộc, nghệ thuật dân tộc, thậm chí khoa học kỹ thuật dân tộc mà không biết đến Phật giáo. Khoan nói chi tới những thời xa xưa, khi Khương Tăng Hội viết Lục độ tập kinh, hay Đạo Cao thảo ra những lá thư xưa nhất của văn học hiện còn, và hoàn thành bộ tự điển chữ quốc âm âm hiện biết tên. Chỉ kể từ Nam Việt vương Đinh Liễn và Lê Đại Hành trở xuống với những tràng kinh mới phát hiện ở Hoa Lư, biết bao những anh tài của đất nước đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo. Đọc đến lời thơ của vị anh hùng dân tộc Trần Nhân Tôn hai lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông hung hãn:

Biết chân như, tin bát nhã
Chớ còn tìm Phật Tổ tây đông
Chứng thực tướng, ngộ vô vi
Nào nhọc hỏi kinh thiền nam bắc

Hay đọc những câu thơ sau của người trí thức Nguyễn Trải suốt đời vì nước vì dân

Vuỗn sinh lẫn thẫn mấy già
Mọi sự đều nên thuấn nhã đa

Hay nghe nhà thơ lớn Nguyễn Du nói lên những câu sau:

Nghìn xưa âu cũng thế này
Từ bi âu liệu bớt tay cho vừa

Nếu không có những kiến thức về Phật giáo, thì làm sao mà lý hội thông cảm với tiền nhân, làm sao mà giải thích, mà hiểu được những từ ngữ Phật giáo như thế? Ấy là chưa kể tới những tác phẩm tư tưởng lớn của Trần Thái Tôn, Ngô Thì Nhiệm v.v… Cho nên, tìm hiểu Phật giáo là một bước quan trọng để tìm hiểu lịch sử dân tộc, để tìm về truyền thống cố hữu của cha ông. Mà muốn tìm hiểu Phật giáo thì phải có những công cụ để thực hiện công trình tìm hiểu  ấy. Từ điển là một trong những công cụ thiết yếu vừa nói.

Hơn 20 năm qua, Hoà Thượng Viện Trưởng Viện Hoá Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thích Trí Thủ đã ước mơ hoàn thành một bộ từ điển Phật Giáo Việt Nam nhằm làm cơ sở tra cứu cho những ai muốn tìm hiểu Phật giáo. Chúng tôi may mắn được Hoà Thượng chỉ đạo và giúp đỡ trong công tác biên soạn bộ từ điển vừa nêu. Nay tập I của bộ từ điển ấy hoàn thành gồm từ chữ A đến A DI ĐÀ và được xuất bản, chúng tôi thay mặt những người cộng tác biên soạn, viết lời tựa này, trước để ghi lại công ơn của Hòa Thượng, và sau để biểu lộ lòng cảm kích trước sự chỉ bảo khích lệ tận tình của Ngài đối với chúng tôi.

Tất nhiên, với một công trình như bộ từ điển đây, không thể nào không có những sai sót lầm lộn. Chúng tôi hy vọng các bạn đọc vui lòng góp ý kiến phê bình để lần sau được in lại, nó sẽ hoàn chỉnh hơn.

Trong khi thực hiện tập I của từ điển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam, chúng tôi có sự giúp đỡ tận tình của các bạn bè, và đặc biệt của anh em tra cứu viên trong ban biên soạn từ điển.

Vạn Hạnh
Ngày đản sinh đức Quan Thế Âm 1980.


LỜI GIỚI THIỆU

 

Kể từ hậu bán thế kỷ thứ XVIII, khi Lê Quí Ðôn viết Kiến văn tiểu lục, tình hình học thuật nước ta đã vươn lên những nấc thang mới, trong đó có cả Phật giáo. Cho nên, yêu cầu sự có mặt của một bộ từ điển làm cơ sở tra cứu về Phật giáo càng trở nên cấp bách. Chính Lê Quí đôn trong Kiến văn tiểu lục 9 đã thiết lập một bảng danh từ Phật giáo gồm 197 hạng mục “gọi là để nghe biết cho thêm rộng”, bởi vì ông dẫn trường hợp của Vương An Thạch chú giải chữ tam muội trong kinh Kim cang để làm điển hình cho tình trạng thiếu hiểu biết về danh từ Phật giáo có thể dẫn người ta đến chỗ nào.

Sống đồng thời với Lê Quí Ðôn, Pháp Chuyên Diệu Nghiêm (1726-1798) ở Nam hà cũng cảm thấy yêu cầu đó cấp bách. Do thế, ông đã để lại cho ta hai bộ tự điển Phật giáo và ngoài Phật giáo tương đối xưa nhất của dân tộc, đó là Tam giáo pháp sốTam giáo danh nghĩa. Tam giáo pháp số gồm cả thẩy 4 quyển, tổ chức và xây dựng dựa trên cơ sở số chữ của từng từ, bắt đầu từ chữ mang số 1, cho đến chữ mang số tám vạn. Còn Tam giáo danh nghĩa thì không dựa vào số của từng từ, mà dựa vào số lượng chữ của từng từ. Nó bắt đầu từ những từ có hai chữ cho đến từ duy nhất cuối cùng dài tới mười hai chữ. Nó gồm cả thảy ba quyển, và phạm vi thu thập từ vựng giống như trường hợp của Tam giáo pháp số bao trùm lên không những Phật giáo, mà còn cả Nho giáo và Lão giáo. Có thể nói với Tam giáo danh nghĩaTam giáo pháp số, một nỗ lực xây dựng một bộ từ điển triết học Việt nam đã nghiêm chỉnh hình thành.

Nỗ lực này bước sang thế kỷ thứ 19 đã không được triển khai và kế tục. Bộ Ðạo giáo nguyên lưu in vào năm Thiệu trị thứ 5 (1845) của An Thiền thể hiện một phần nào nỗ lực ấy, nhưng đã không thành công cho lắm. An Thiền đã làm việc một cách tùy tiện thiếu hẳn khái niệm thể lệ và qui cách làm tự điển. Cùng thời với An Thiền còn có một tác giả Minh hương viết bộ Tam bảo sự loại khoảng vào những năm 1850. Nhưng vì nó đang ở vào tình trạng viết tay, nên ngày nay chỉ còn 4 cuốn. Sự thực, Tam bảo sự loại cũng chưa hẳn là một bộ từ điển trong ý nghĩa đích thực của nó, mà chỉ là một tác phẩm phân loại những vấn đề Phật giáo.

Bước sang tiền bán thế kỷ 20, phong trào nghiên cứu Phật giáo lại càng trở nên rộng rãi. Vấn đề do đó được đặt ra một lần nữa là làm thế nào để có một bộ từ điển tiêu chuẩn về Phật giáo để cung cấp tri thức và tư liệu cho những người muốn tìm hiểu. Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Trí Thủ, bấy giờ vào những năm 50 đang còn giữ chức vụ Giám đốc Phật Học Ðường Bảo Quốc Huế, rồi Giám đốc Phật Học Viện Trung phần ở Nha Trang đã khổ công gắng sức lãnh đạo và bảo trợ cho một số những học tăng của hai viện ấy thực hiện việc biên dịch một bộ từ điển Phật giáo.

Hơn hai mươi năm qua, nhiều công sức đã đổ dồn vào công trình ấy, nhưng vẫn chưa  đem lại một kết quả nào. Nguyên do gây ra sự tình này chủ yếu xuất phát từ khả năng giới hạn của những người được giao trách nhiệm thực hiện sự nghiệp biên dịch. Bây giờ, trông lại những quyển vở chép tay còn sót của công trình vừa nêu, ta có thể thấy sự giới hạn đó đã lên tới mức nào. Nhận thức được điều này, Hòa thượng Viện Trưởng đành phải ôm ấp hoài bảo của mình.

Sau khi ở ngoại quốc về, chúng tôi có may mắn được lui tới thăm viếng và hầu chuyện với Hòa Thượng. Từ đó chúng tôi mới biết được hoài bảo và nguyện vọng của Hòa Thượng. Chúng tôi hứa sẽ làm Hòa Thượng vui lòng và thỏa nguyện. Từ năm 1977, nhân lễ kỷ niệm Cổ hy mừng Hòa Thượng thọ 70 tuổi, chúng tôi dự định cho ra tập đầu của bộ Từ điển Bách Khoa Phật Giáo. Song vì cơ duyên chưa thuận lợi, sự việc đã không xảy ra như ý muốn. Ðến giữa năm 1979, chúng tôi quyết định tiếp tục mọi việc đã bỏ dỡ và dự định cho ra đời tập thứ nhất vào khoảng cuối năm. Nhờ sự khích lệ chỉ bảo và giúp đỡ vô cùng lớn lao của Hòa Thượng, tập Một của bộ Bách Khoa Từ Ðiển Phật Giáo Việt Nam hôm nay được ra đời.

I. PHƯƠNG THỨC TIẾN HÀNH BIÊN TẬP

Lúc bắt đầu, chúng tôi nghĩ để biên tập môt bộ Từ Ðiển Phật Giáo Việt Nam thì chỉ cần tham khảo các bộ Từ điển Phật giáo lớn của những nước Nhật Bản và Trung Quốc, rồi thiết lập nên một bảng những hạng mục cần thiết đối với những người Phật Giáo Việt Nam để làm cơ sở cho việc biên tập bộ Từ điển ấy. Tuy nhiên khi đã đi vào công việc nhiều vấn đề mới đã xuất hiện, và việc biên tập tỏ ra không phải đơn giản tí nào.

Những vấn đề ấy có thể thu vào hai mục chính sau. Thứ nhất, những hạng mục do các bộ Từ điển ngoại quốc kê ra, chứng tỏ là không đầy đủ. Thứ hai, việc giải thích các hạng mục đó đã thiếu chính xác, thậm chí đôi khi còn sai lầm nữa. Lấy thí dụ bộ Phật Giáo Ðại Từ Ðiển của Vọng Nguyệt Tín Hanh (Mochizuki Shinko) thường được coi là bộ Từ điển tiêu chuẩn của Phật Giáo ở Nhật Bổn. Trong bộ Từ điển này, có những hạng mục đã không được đưa vào. Ví dụ: Hạng mục A BA KHÂM MÃN đã không được đề cập tới. Những hạng mục được kê ra thì sự giải minh không được đầy đủ. Ví dụ, về nguồn gốc chữ Avadana, Vọng Nguyệt chỉ đạo xuất được một từ nguyên là ava + (/dai, trong khi nó còn có thể đạo xuất từ một số những ngữ căn khác. Ðôi khi, có những vấn đề cần phải để vào cùng một hạng mục, Vọng Nguyệt lại chia thành hai hạng mục khác nhau, do thế không cho thấy sự liên hệ và ý nghĩa của vấn đề. Trường hợp “A ba la nhĩ đa” làm một thí dụ. Vọng Nguyệt đã có hạng mục A BA LA NHĨ ÐA và hạng mục VÔ NĂNG THẮNG MINH VƯƠNG, trong khi đúng ra thì nên để vào hạng mục A BA LA NHĨ ÐA mà thôi. Góp lại như vậy, người đọc mới thấy hết vị trí và vai trò của Vô Năng Thắng Minh Vương trong toàn bộ tư tưởng Phật giáo.

Trường hợp bộ Phật Giáo Ðại Từ Ðiển của Vọng Nguyệt là thế. Bây giờ nếu khảo đến bộ Phật Học Ðại Từ Ðiển của Ðinh Phúc Bảo thì sự tình trên càng trở nên bi đát hơn nữa. Không phải bộ Phật Giáo Ðại Từ Ðiển của Vọng Nguyệt không có những sai lầm tư liệu. Sự thực, nó đôi khi cũng có, chẳng hạn, ở mục A LA CA HOA t. 98 Vọng Nguyệt có dẫn Phiên dịch danh nghĩa tập quyển thứ 8, nhưng Phiên dịch danh nghĩa tập chỉ có 7 quyển mà thôi. Song sai lầm tư liệu vừa nói xuất hiện một cách khá thường xuyên ở trong Ðinh Phúc Bảo. Có những hạng mục ghi ở quyển này ở kinh này, thì lại phải đi tìm ở quyển khác mới gặp. Thậm chí, đôi khi ghi ở quyển đó mà lại không bao giờ tìm thấy, khi cần phải khảo lại tư liệu.

Thí dụ cho những trường hợp trên, người ta có thể kiếm ra một cách dễ dàng. Mục A LA BA ÐỀ MUC KHƯ được Phật Học Ðại Từ Ðiển ghi là xuất xứ từ quyển 9 kinh Hiền ngu trong khi ta phải tìm nó ở quyển 11. A KỲ ÐA XÍ XÁ KIỂM BÀ LI, nó bảo tìm ở quyển 55 Trung a hàm kinh, nhưng ta phải tìm ở quyển 57 mới thấy. Những sai lầm tư liệu loại này trong Phật Học Ðại Từ Ðiển còn nhiều nữa. Không những thế, nó còn ghi xuất xứ ở những kinh luận, mà  ta không bao giờ tìm thấy cả. Hạng mục A PHÁN NA được bảo là xuất xứ từ A tỳ đàm kinh quyển hạ. A tỳ đàm kinhA tỳ đàm bát kiền độ luận, như chính Ðinh Phúc Bảo đã đồng nhất, thì A tỳ đàm kinh không thể nào có quyển hạ được, bởi vì A tỳ đàm bát kiền độ luận có tới đến những 30 quyển.

Ngoài ra, Phật Học Ðại Từ Ðiển còn phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn, đó là không giải thích đúng từ nó muốn giải thích. A BÀN ÐÀ LA làm một thí dụ. Nó giải thích đó là kiết giới, trong khi A BÀN ÐÀ LA thực sự chỉ là một đơn vị đo lường của Phật giáo Ấn độ thời xưa.

Sau khi phát hiện những thiếu sót và sai lầm trong các bộ Từ điển lưu hành rất phổ biến ở trong nước cũng như nước ngoài, chúng tôi bắt buộc phải tính toán kế hoạch dự định của mình. Chúng tôi đã đi đến kết luận là không thể dựa vào bộ Phật Giáo Ðại Từ Ðiển của Vọng Nguyệt cũng như bộ Phật Học Ðại Từ Ðiển của Ðinh Phúc Bảo, để làm cơ sở cho một bộ Từ Ðiển Phật Giáo Việt Nam. Từ đó công trình tiến hành biên tập Từ điển phải bắt đầu lại. Mọi tư liệu phải tra cứu lại. Mọi từ vựng phải khảo đính lại và thu tập thêm. Chính trong quá trình biên tập này, chúng tôi càng phát hiện thêm những sai trái của không những các bộ từ điển ngày nay, mà còn của những bộ từ vựng ngày xưa, chủ yếu là bộ Nhất thiết kinh âm nghĩaPhiên phạn ngữ.

Phật Học Ðại Từ Ðiển có hạng mục A SA PHẢ NA DÀ (t.1422b) và được giải thích là đến từ Kim cang đảnh sớ 2 rồi có chua thêm chữ phạn â÷vàsaa pànaka. Cách một tờ sau, nó lại có hạng mục A BÀ PHẢ NA DÀ (t.1445b) và xuất xứ từ Huệ lâm âm nghĩa 26. Bây giờ, khảo lại Huệ lâm âm nghĩa 26 thì quả có hạng mục A BÀ PHẢ NA DÀ, nhưng Huệ lâm lại nói xuất xứ từ Kim cang đảnh kinh 1. Khảo Kim cang đảnh kinh 1 thì thay vì có A BÀ PHẢ NA DÀ ta có A SA PHẢ NA DÀ. Thế rõ ràng A BÀ PHẢ NA DÀ là một viết sai của A SA PHẢ NA DÀ. Do không cẩn thận trong việc khảo đính và tra cứu tư liệu, Phật Học Ðại Từ Ðiển đã sai lầm trong khi đưa vào hai hạng mục khác nhau của cùng một chữ. Tiếp đó, cũng vì do thiếu cẩn thận trong việc khảo cứu tư liệu, Phật Học Ðại Từ Ðiển lại chua thêm chữ Phạn â÷vàsaapànaka. Chữ Phạn đó chắc chắn là một chữ do suy đoán, mà không có căn cứ tư liệu nào cả, bởi vì nếu chịu khó tra cứu, A SA PHẢ NA DÀ đúng là một phiên âm của âsphànaka tiếng Phạn. Chữ này xuất hiện trong Quảng diệu (Lalitavistara 183), mà Phương quảng đại trang nghiêm kinh 7 phiên âm là A sa bà na và Phổ diệu kinh 5 dịch là “Khứ vô sở chí”. A SA PHẢ NA DÀ nói đến trong Kim cang đảnh kinh 1 tức chính là âsphànaka của Quảng diệu,  chứ không gì khác.

Vạch ra những sai lầm trên của Phật Học Ðại Từ Ðiển nhằm cho thấy không những bản thân Phật Học Ðại Từ Ðiển sai lầm, mà các nguồn tư liệu nó dùng làm điển cứ cũng chứa đựng những sai lầm, mà ta cần phải cảnh giác. Ngoài trường hợp A BÀ PHẢ NA DÀ của Huệ lâm âm nghĩa 26, Phiên phạn ngữ cũng có những trường hợp tương tự. Nó có kê hạng mục A BÀ CA và nói xuất phát từ Ma ha tăng kỳ luật. Khảo toàn bộ Ma ha tăng kỳ luật trong Ðại tạng kinh điển hiện nay, ta không bao giờ tìm thấy một từ như thế. Ngoài ra, do vấn đề truyền bản, chữ này viết lộn thành chữ kia tương đối rất nhiều. Ðâu sa kinh viết thành Hưng sa kinh. Cầu Phật bản nghiệp kinh thì viết thành Cầu Phật bản diệp kinh

Như thế, khi bắt tay vào công việc biên tập Từ điển, chúng tôi đã gặp ngay những trở ngại tư liệu cần phải vượt qua. Chúng tôi quyết định là trong khi thu tập từ vựng, phải tra cứu  và khảo đính lại toàn bộ những từ vựng, mà các bộ Từ điển khác đã cung ứng. Chính trong quá trình tra cứu và khảo đính lại này, chúng tôi đã phát hiện thêm nhiều từ mới, mà thí dụ điển hình là A BA KHÂM MÃN chưa từng được một bộ từ vựng hay Từ điển nào nói tới. Dù công tác tra cứu và khảo đính lại này được tiến hành trong một tinh thần lề lối làm việc nghiêm chỉnh, nó vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sơ hở. Vì thế, có thể một số các từ đã bị thoát lạc. Tuy nhiên, những từ nào đã được tra cứu, chắc chắn tư liệu liên hệ nó là có thể tin được.

Nói tắt, trong khi tiến hành công tác thu tập từ vựng, chúng tôi đã phát hiện những sơ hở của những bộ từ vựng, Từ điển xuất hiện trước. Ðiều này giúp chúng tôi cảnh giác và cẩn thận trong công tác biên tập, dù đôi khi cũng gây những trở ngại vô cùng phức tạp. Phương thức tiến hành thu tập bao gồm việc tra cứu lại những bộ từ vựng, Từ điển đã có, rồi trực tiếp đi vào các nguồn tư liệu gốc để thẩm tra và đôi khi phát hiện thêm những từ mới. Phạm vi thu tập từ vựng do thế rất rộng, bao gồm các nguồn tư liệu từ Phạn văn, Palã, Tây tạng cho đến Hán văn, Nhật văn và tiếng Việt Nam ta. Ấy là không kể đến các bộ từ vựng Từ điển xưa nay cần phải tra cứu.

II. PHƯƠNG THỨC BIÊN TẬP

Sau khi đã tiến hành thu tập từ vựng và đã kiểm tra thẩm định tư liệu, công tác biên tập tất phải bắt đầu. Ðây là một công tác phức tạp nhất do điều kiện đặc biệt của hệ thống kinh điển Phật giáo Việt Nam. Phật giáo truyền vào đất nước ta tuy rất lâu và chắc chắn phải có những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ dân tộc rất xưa, nhưng cho đến nay về số lượng, vẫn chưa chiếm lĩnh địa vị ưu thế tuyệt đối. Do đó, số từ vựng tập hợp được trong quá trình thu tập, chủ yếu gồm phần lớn những từ chữ Hán. Vì vậy, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là làm thế nào để xử lý số lượng những từ chữ Hán ấy.

Tiếp theo, mỗi một từ trong Phật giáo thường có một quá trình biến thiên và thủ đắc nội dung. Bởi vậy, nó không đơn giản cho phép lý giải một cách máy móc tùy tiện, trái lại đòi hỏi phải đi tìm nguồn gốc và quá trình biến thiên thủ đắc đó. Ðấy là vấn đề lựa chọn một nghĩa tương đối gần nhất, xác nhất để cắt nghĩa từ mình muốn.

Ðể giải quyết những vấn đề vừa nêu, chúng tôi đã chấp nhận biên tập từ điển theo quan điểm chủ nghĩa đại hạng mục. Biện pháp cụ thể để thực hiện chủ nghĩa ấy là chọn một từ thông dụng nhất rồi tập hợp với nó tất cả những từ vựng liên hệ cũng như những vấn đề liên hệ thiết thân với nó. Ví dụ, dưới hạng mục A, chúng tôi tập hợp tất cả những tiểu hạng mục và vấn đề liên hệ như ÁT, A TỰ NGŨ CHUYỂN, A TỰ BỐ TÂM, A TỰ THẤT NGHĨA, A TỰ QUÁN, A TỰ TỨ TÁC DỤNG v.v… để giải thích và trình bày. Phương thức này cho phép một mặt trình bày vấn đề một cách liên tục, và mặt khác, giúp ta Việt hóa một cách dễ dàng những tổ từ bằng chữ Hán, mà không sợ bị cách trở. Ai cũng có thể thấy rằng nếu không áp dụng phương thức vừa nói thì A TỰ QUÁN chắc chắn phải để vào dưới hạng mục Quán chữ A. Và như thế, tất nhiên sẽ tạo nên những ngăn cách không cần thiết.

Chính vì chấp nhận chủ nghĩa đại hạng mục đây, chúng tôi phải thay đổi phương thức biên tập. Từ ý định ban đầu là làm một quyển từ điển tương đối ngắn gọn có điển cứ bằng cách phối hợp hai bộ Phật Giáo Ðại Từ ÐiểnPhật Học Ðại Từ Ðiển, chúng tôi đã xoay qua phương thức Từ Ðiển theo lối Bách khoa. Nghĩa là cố tập hợp và huy động càng nhiều càng tốt những tư liệu thiết yếu liên hệ tới một vấn đề. Trong tình hình nghiên cứu Phật giáo hiện nay ở nước ta, một sự tập hợp như thế sẽ cung cấp những kiến thức vững chắc cho những người mới bước vào lãnh vực tìm hiểu về một vấn đề nào đó trong Phật giáo. Nó đồng thời báo cho biết tình hình nghiên cứu trên thế giới đã đạt đến điểm nào đối với vấn đề ấy. Như thế, nó sẽ tiết kiệm thời gian và công sức cho việc dùng vào những công trình có lợi hơn.

Tất nhiên, chủ nghĩa đại hạng mục cũng có những giới hạn của nó. Thứ nhất, vấn đề tài liệu tập hợp tới mức nào thì gọi là thiết yếu? Thứ hai, nếu chấp nhận chủ nghĩa đại hạng mục, vấn đề đặt ra là phải bảo đảm cho người đọc biết được điển cứ của những tiểu hạng mục. Ðây là những câu hỏi không dễ gì giải đáp. Trong lối làm từ điển hiện nay, có hai cách để xử lý vấn đề. Một là chấp nhận chủ nghĩa tiểu hạng mục. Hai là phải châm chước chủ nghĩa đại hạng mục với những nhân tố tích cực của chủ nghĩa tiểu hạng mục. Nếu đã không chấp nhận chủ nghĩa tiểu hạng mục, thì đương nhiên chỉ còn có cách xử lý vấn đề thứ hai thôi. Nói cụ thể ra, nếu tiểu hạng mục cho phép ta biết chữ A BA TẤT MA RA xuất xứ từ đâu bằng cách dẫn một câu từ Ðà la ni tập kinh 4, thì bây giờ chủ nghĩa đại hạng mục nên châm chước, để có thể hiểu câu ấy cũng trực tiếp từ Ðà la ni tập kinh 4.

Bằng vào chủ nghĩa đại hạng mục, ta có thể tránh được tính tản mạn trong chủ nghĩa tiểu hạng mục, mà đa số các bộ từ vựng và từ điển trước đã vấp phải. Chính vì thấy được tính tản mạn ấy, một số những vị làm từ vựng xưa đã đề xuất những biện pháp sửa sai qua việc áp dụng phương pháp sự loại, chẳng hạn. Song họ vẫn chưa vượt lên trên những giới hạn của thời đại và nhận thức chủ quan, nên chưa tiến xa trên con đường sửa sai ấy.

Phương thức biên tập như vậy dựa hoàn toàn vào chủ nghĩa đại hạng mục, trong khi tiếp thu những yếu tố tích cực của chủ nghĩa tiểu hạng mục.

III. PHƯƠNG ÁN TIẾN HÀNH

Nếu đã chấp nhận chủ nghĩa đại hạng mục, vấn đề bây giờ là tổ chức và xếp đặt số từ vựng đã thu tập được như thế nào. Từ vựng Phật giáo thông thường được chia làm nhiều loại khác nhau, từ thuật ngữ, tạp ngữ, tên trời, tên thần, tên Phật, tên kinh cho đến vật danh, tạp danh, động vật, thực vật v. v… Ở đây chúng tôi không sử dụng cách thức phân loại vừa nói vì thế chúng không cần thiết cho lắm. Dẫu sao mỗi một hạng từ ngay từ đầu cũng được qui định nó thuộc hạng nào, mà không cần phải ghi tên lối phân loại đó. Từ vựng Phật giáo cũng thường được qui định theo số lượng đứng trước những từ vựng. Có cả một cao trào nghiên cứu Phật giáo về khía cạnh từ vựng có số lượng ấy, gọi là cao trào nghiên cứu pháp số. Kết quả là sự ra đời một số từ vựng pháp số, mà đỉnh cao là Ðại minh tam tạng pháp số. Bộ từ điển Phật giáo Việt Nam hiện còn cũng dựa trên cơ sở pháp số để tiến hành biên tập. Ðó tức là Tam giáo pháp sốTam giáo danh nghĩa của Pháp Chuyên Diệu Nghiêm. Phương thức biên tập trên pháp số này, ở đây chúng tôi cũng không chấp nhận, vì tính tản mạn của nó.

Tuy nhiên, đối với pháp số có vấn đề cần chú ý. Có người chủ trương rằng muốn hiểu Phật giáo mà không dựa trên pháp số là điều không thể được. Ðối với họ pháp số là một bộ phận chính yếu và thiết thân của tư tưởng Phật giáo, mà nếu không nắm vững, thì không cách nào mở được kho tàng tư tưởng ấy. Dĩ nhiên, pháp số có một vị trí nhất định của nó trong toàn bộ Phật giáo, nhưng không nhất thiết, phải giữ một vai trò xung yếu. Vì vậy, trừ những pháp số nào đã trở thành quen thuộc, thông dụng thì được đưa vào hạng mục, còn tất cả pháp số còn lại thì không kể đến. Thí dụ, ngũ căn sẽ không được đưa vào hạng mục. Chữ được đưa vào hạng mục là CĂN. Ðây chính là một thể hiện của quan niệm đại hạng mục, bởi vì khi giải thích CĂN là gì ta không những có vấn đề năm CĂN, sáu CĂN, tám CĂN v. v… cho đến 22 CĂN, mà còn cho thấy khái niệm CĂN đã biến thiên và phát triển như thế nào trong quá trình tồn tại của nó qua lịch sử.

Thế thì, phương án trực tiếp biên tập Từ Ðiển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam ra sao? Bộ từ điển này được qui định có hai nhiệm vụ chính. Một, cung cấp tư liệu cho việc tra cứu hay tìm hiểu một vấn đề Phật giáo. Hai, làm cơ sở cho việc tra cứu những tư liệu Phật giáo khác. Với hai chức năng đó, tiêu chuẩn để thiết lập và giải minh các hạng mục là khả năng và nội dung truyền tin của các hạng mục đó trong toàn bộ Phật giáo. Nói cụ thể ra, nếu nhiều hạng mục mà chỉ có một khả năng và nội dung truyền tin, thì vẫn kể như một hạng mục mà thôi. Nếu một hạng mục mà có khả năng và nội dung truyền tin của nhiều hạng mục, thì nó sẽ được đánh dấu theo thứ tự 1, 2, 3, v. v…, mà không thiết lập ra những hạng mục riêng biệt.

Khi đã dựa vào khả năng và nội dung truyền tin để qui định hạng mục, việc giải minh các hạng mục đòi hỏi mang tính chất tổng hợp để có thể nói lên tính chất phong phú và đa dạng của khả năng và nội dung truyền tin đó. Ðây là cơ sở cho việc tập hợp càng nhiều càng tốt những mẫu tin thiết yếu liên hệ đến một hạng mục nói ở trên. Tất nhiên đây chỉ là nêu lên những nguyên tắc chung, còn đôi khi cũng có những trường hợp ngoại lệ.

IV. SỰ THỰC HIỆN

Từ điển thường là một công trình tập thể. Khi bắt đầu vào năm 1977, chúng tôi đã có sự hợp tác chặt chẽ và liên tục của một số thân hữu, đặc biệt là có sự chỉ đạo và giúp đỡ hết lòng của Hòa thượng Viện trưởng. Sự thật, nếu không có sự chỉ đạo và giúp đỡ tận tình của Hòa thượng thì chắc hẳn Tập I của Từ Ðiển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam đã không thể chào đời hôm nay.

Sự chỉ đạo và giúp đỡ thể hiện đầu tiên qua việc thành lập một ban soạn biên từ điển bao gồm chủ yếu quí thầy Minh Tuệ, Ðức Chơn, Nguyên Hồng và Nguyên Giác do Hòa thượng chủ trì và chúng tôi làm thư ký.

Qua quá trình biên soạn, dần dà quan niệm biên soạn và phạm vi thu tập tư liệu đã thay đổi do sự phát hiện những thiếu sót và sai lầm trong các bộ từ điển Trung quốc và Nhật bản, nên ban biên soạn dần dần được tăng cường, bao gồm phần lớn các thầy thuộc Viện Cao Ðẳng Phật Học Nha Trang: Thiện Tu, Chơn Trí, Quảng Ba, Huệ Nhật và Hạnh Hưng. Với tư cách những tra cứu viên, các thầy đã làm việc không biết mệt mỏi, để thẩm định những hạng mục cũ cũng như phát hiện những từ mới.

Ngoài ra, chúng tôi có sự may mắn được Thượng Toạ Viện Trưởng Viện Cao Ðẳng Phật Học Nha Trang đọc qua bản thảo và góp ý sửa đổi những sai lầm sơ hở và thiếu sót.

Vậy, Tập I này là kết quả của một nỗ lực tập thể, mà chúng tôi chỉ là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Do thế, nếu còn có những gì sơ sót, mà chúng tôi chắc chắn thế nào cũng phải có, chúng tôi xin nhận hết mọi trách nhiệm.


TẬP 1

TẬP 2

Hiển thị thêm
Back to top button