HT Thích Nguyên Siêu: Lời thưa cho tác phẩm “Triết Lý và Thi Ca”
LỜI NÓI ĐẦU
Triết lý như nhụy hoa mà Thi ca như ong bướm. Nhụy hoa cho hương thơm, mật ngọt để nuôi lớn bướm ong. Triết lý như mặt trời mà Thi ca như tia nắng. Tia nắng có từ mặt trời, để sưởi ấm, nuôi lớn vạn vật. Triết lý như mặt trăng, mà thi ca như ánh trăng huyền diệu làm mơ hồ, huyễn hoặc, nên thơ, mộng tưởng bao thi nhân mặc khách. Triết lý là không lời mà thi ca thì đa ngôn, mỹ ngữ để chuyển tải ý thơ mà tác giả muốn nói. Vậy Triết lý và Thi ca là hai khung trời ẩn và hiện. Có và không. Chủ thể và đối tượng. Nhưng không hẳn là vậy mà là ước lệ của thi nhân gán ghép, dệt thành những phẩm tính hư ảo, lệ ngôn.
Triết lý khô như vách đá. Thi ca ướt như sương đầm. Vách đá nhuốm hơi sương. Sương đầm tươi vách đá, cả hai hỗ tương nhau tạo thành sức sống như năng lượng phù trầm, tương dung tương nhiếp, một mực không rời.
Nhơn duyên nào để Triết lý gặp Thi ca mà thành chuyện tư duy, trải nghiệm suốt một chặng đường dày dạn, luân lưu của cuộc sống. Có lẽ tâm thức đã góp phần vào cái tư duy, trải nghiệm ấy để tác thành một mẫu huyễn hoặc, phù trầm của kiếp nhân sinh. Những hình ảnh đơn sơ, dung dị; những tiếng cười, tiếng khóc hãy còn lảng vảng đâu đây. Lảng vảng như là một thứ Triết lý nhạt như sương và một thứ Thi ca mềm như sữa. Sương và sữa nương nhau để hiện hữu, để sinh tồn, để có, để không như một huyễn tượng trên đỉnh núi cao, trong lòng biển sâu. Triết lý và Thi ca như một cuộc đùa giỡn của ngôn ngữ từ thời xa xưa; từ thuở măng tơ của con người có mặt trên trái đất. Từ đó, con người có đời sống Triết lý như một thực tại và Thi ca là những lời nói, sự diễn đạt qua ý vị, tâm tình muôn thủa của con người. Thi ca như tiếng khóc của em bé và Triết lý như Mẹ cho con bú. Như thị Tướng. Như thị Tánh. Như thị Thể. Như thị Dụng… Như thị Cứu Cánh Bổn Mạt. Như thị là Như thị.
Những gì được gởi gắm trong Triết lý và Thi ca chỉ như là một bông hoa khế ở lưng đồi. Một gác chuông quạnh hiu trên triền núi. Hay trong chiếc cốc của Ôn chơ vơ theo tháng năm mòn mỏi. Chiếc cốc còn đó mà Ôn giờ ở đâu? Một cội tùng già trên bờ sông lởm chởm đá, luôn che chở dòng nước đổ xuống từ nguồn suối cao, rì rào bất tận. Một chiếc tháp rêu phong. Thầy ung dung trong chiếc áo bạc màu nắng gió; thời gian phôi pha, mỏi mòn chẳng đợi chờ. Thầy đã ra đi như bao người đã ra đi. Ai còn lại như những bóng mờ hương khói, để biết thương yêu mà gìn giữ. Xin đừng tàn phá cơ đồ nước non…
Xin được gởi gấm trong Triết lý và Thi ca một tấm lòng, một niềm tin yêu to lớn của thời măng tơ lên ngôi vô thượng giác. Một niềm tin yêu bất hoại, luôn được sống trăm kiếp, ngàn đời nơi đó.
Cuối cùng như là một món quà được trao tặng cho bằng hữu, huynh đệ thân thương một cách khiêm tốn nhất.
Cho phép để được cảm ơn quí Phật tử tận tình giúp đỡ về mọi phương diện. Cảm ơn Đạo hữu Diệu Kim, Nguyên Đức đã bỏ nhiều công sức, thời gian để dịch sang tiếng Anh. Hồi hướng tất cả đều được vuông tròn trong đời sống thánh thiện.
Ba Mẹ, hai vị Đại thí chủ thân thương nhất đời của con.
Chùa Phật Đà, Tu Viện Pháp Vương
Ngày 15 tháng 01 năm 2021
NGUYÊN SIÊU
_______________________________
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU | 9
TƯ TƯỞNG | 15
HẠT MẦM VƯƠN LÊN TỪ ĐẤT | 19
NGỒI ĐÂY MỘT MÌNH | 25
HỒI CHUÔNG CỔ TỰ | 35
CÁI KHÓ KHUYÊN TÔI | 39
NGỌN ĐÈN BẠCH LẠP | 45
TRIẾT LÝ CON ĐƯỜNG MÒN | 51
MẸ TÔI | 57
CÁI CHUM ĐẤT | 65
HAI TƯ TƯỞNG HAI CÁCH TU | 71
QUÊ HƯƠNG CÓ MÁI CHÙA LÀNG | 77
ĐỈNH ĐỒI KIM THÂN | 85
LÊN ĐIỆN PHẬT | 93
TRONG CÕI VÔ CÙNG | 101
LÒNG TRONG SAO TẠC | 107
MÂY NGÀN BAY THÁC GHỀNH CHẢY | 115
THỊ HIỆN ĐỘ SANH | 123
HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ | 179
KHÚC GỖ TRÔI SÔNG | 191
QUA BỜ KIA | 203
LỜI THƠ HIỆN TỪNG TRANG
TRĂM NĂM THOÁNG CHỐC MƠ MÀNG PHÔI PHA | 209
CA TỪ | 259
– Trăng Nước Đều Không 259
– Lên Thăm Chùa Tôi 261
– Hãy Thương Nhau 263
– Tình Đồng Như Biển 264
– Em Hãy Tập 265
– Niệm Kim Cương 266
– Phật – Con Một Nhà 267
– Đêm Rừng Lửa Cháy 269
– Điện Phật Chùa Tôi 270
– Thiền Thất Tịch Liêu 272