Mai Xuân Hải: Suy nghĩ nhỏ về một tiêu chuẩn lớn
Chúng ta ai cũng nhận thấy rằng dù ở phương Đông hay phương Tây, xưa kia hay ngày nay, rồi cả sau này nữa, từ khi công việc dịch thuật xuất hiện, tồn tại và phát triển, thì rất tự nhiên, người ta đã phải quan tâm tới vấn đề quan hệ giữa nguyên bản và bản dịch rồi. Hay nói cụ thể hơn, quan tâm tới vấn đề tiêu chuẩn của một bản dịch. Có nhiều cách nói về những tiêu chuẩn ấy. Người thì nói bản dịch phải “tín, đạt, nhã”, người thì nói bản dịch phải “chân, thiện, mỹ”, người thì nói bản dịch phải “có tính khoa học và nghệ thuật”, phải “đúng và hay” v.v… Đi theo với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thực tiễn dịch thuật, lý thuyết dịch thuật cũng phát triển theo. Ngày nay, người ta còn phân định những tiêu chuẩn rất khái quát trên thành những tiêu chuẩn cụ thể tùy theo đặc trưng của từng ngành khoa học riêng lẻ nữa.
Những tiêu chuẩn rất khái quát trên, chúng chỉ khác nhau ở cách nói, nhưng giống nhau ở nội dung biểu đạt. Và đã là người dịch, thì hầu như ai cũng mong mỏi bản dịch của mình đạt được những tiêu chuẩn ấy.
Trong bài viết này, chúng tôi thử trình bày một vài suy nghĩ của mình về tiêu chuẩn rất chung, có tính cách truyền thống Đông phương mà nhiều người đã quen biết đó là tiêu chuẩn “tín, đạt, nhã”:
Ai cũng biết, tiêu chuẩn “tín, đạt, nhã” đã được Nghiêm Phục[1] nêu ra lần đầu tiên khoảng một thế kỷ nay. Tiêu chuẩn có tính cực kỳ khái quát này, tưởng như ai cũng dễ dàng chấp nhận không cần phải chứng minh như định đề “qua hai điểm ta kẻ được một đường thẳng” vậy, ấy thế mà khi đi sâu vào cụ thể, trả lời câu hỏi “thế nào là tín, đạt, nhã”, là đã phát sinh những quan niệm khác nhau rồi.
Chẳng hạn trong cuộc tranh luận dịch tác phẩm văn học trên Tạp chí văn học năm 1960, ý kiến nào cũng tán thành bản dịch phải đạt tiêu chuẩn “tín, đạt, nhã” cả. Nhưng đi sâu vào thảo luận vấn đề “thế nào là tín, đạt, nhã”, mối quan hệ giữa chúng với nhau v.v… thì ý kiến rất phong phú, phong phú trong sự thống nhất và mâu thuẫn.
Xin nêu một vài ý kiến điển hình: “dịch không thể sao lục nguyên văn từng dòng, từng chữ, từng câu mà phải sáng tạo”. Nhưng phải sáng tạo với điều kiện để đạt yêu cầu trung thành đến mức tối đa với tác phẩm”. Hoặc: “Một bản dịch đạt là phải trung thành với cả nguyên ý và nguyên văn của tác phẩm, truyền đạt được những tư tưởng tình cảm của tác phẩm cho người đọc nước mình”. Hoặc: “Một bản dịch tốt là một bản dịch kết hợp được cả ba tiêu chuẩn tín, đạt, nhã”.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: “Dịch phải tôn trọng nguyên bản, từ mọi hình ảnh diễn tả, mọi chữ dùng, từ cách làm văn, lời văn cho đến cách chấm câu, ngắt quãng” v.v…
Tựu trung lại có hai loại ý kiến khác nhau:
1 – Một bên nặng về trung thành (tín) với nguyên ý.
2 – Một bên nghiên về trung thành với nguyên bản.
Những ý kiến thảo luận trên cũng rất bổ ích đối với chúng tôi, những người làm công tác dịch tuật những tác phẩm viết bằng chữ Hán của cha ông. Bởi lẽ đã là một công việc dịch thuật, thì nó cũng đòi hỏi bản dịch phải đạt được tiêu chuẩn “tín, đạt, nhã”, cho dù thứ chữ Hán mà cha ông ta dùng trước đây có những đặc trưng riêng khác với các thứ tiếng khác thế nào đi nữa.
Song, suy nghĩ thêm một chút, những ý kiến trên dù là có khác nhau, nhưng vẫn chỉ là nêu lên những điều, những tiêu chuẩn bản dịch cần phải vươn tới, có điều nó cụ thể hơn mà thôi. Chứ chưa nêu ra được những nguồn gốc, những nguyên nhân, những cơ chế lập luận của mình để xác định xem ý kiến của mình là đúng đắn hay không.
Sau đây, chúng tôi thử tìm hiểu nguyên nhân gây nên sự khác nhau giữa hai loại ý kiến trên.
1. Bắt nguồn từ quan niệm khác nhau về cơ chế dịch thuật.
Nếu chúng ta quan niệm cơ chế của dịch thuật chỉ đơn thuần là sự chuyển mã từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, thì chúng ta nghiên về ý kiến bản dịch phải “trung thành với nguyên bản, phải tôn trọng nguyên bản từ mọi hình ảnh diễn tả, lời văn, cho đến cách chấm câu, ngắt quãng”. Quan niệm này dẫn đến việc người dịch quan tâm tới việc đi tìm những tương đương tuyệt đối, chuyển y nguyên những từ ngữ, hình ảnh, cách nói của nguyên tác sang bản dịch, bất chấp việc những từ ngữ, hình ảnh, cách nói ấy có phù hợp với thứ tiếng mà mình dịch ra hay không. Chẳng hạn: “Vong dương bổ lao” phải dịch là “mất dê mới lo làm chuồng” chứ dịch “mất bò mới lo làm chuồng” là không tín. “Nhục nhãn phàm thai” phải dịch là “mắt thịt thai phàm”, nếu dịch “người trần mắt thịt” cũng là sai.
Quan niệm dịch thuật như thế tất phải dẫn đến cách dịch như thế. Cách dịch này khó mà có “nhã” được. Như vậy, bản dịch vô hình chung đã tách rời “tín” ra khỏi “đạt, nhã” rồi.
Nếu người dịch quan niệm cơ chế của dịch thuật là tái hiện lại hiện thực được thể hiện trong văn bản gốc bằng văn bản dịch, theo những đặc trưng của thứ tiếng mình dịch ra thì theo chúng tôi điều này có thể là con đường dẫn tới “tín, đạt, nhã” chăng? Tái hiện lại hiện thực được thể hiện trong văn bản gốc sẽ dẫn tới “tín”. Theo những đặc trưng riêng của ngôn ngữ dịch sẽ dẫn tới “nhã”. Phải chăng chỉ có như vậy bản dịch mới có thể đạt được cả ba tiêu chuẩn “tín, đạt, nhã”. Những bản dịch được coi là mẫu mực, là hay xưa nay như Tỳ bà hành, Chinh phụ ngâm, một số bài thơ Đường v.v… đều đã tái hiện lại được hiện thực trong nguyên tác (đứng trên quan điểm toàn thể) và đã thể hiện chúng bằng những từ ngữ, hình ảnh, lối nói, lối diễn đạt rất Việt Nam.
Mỗi một dân tộc nhìn nhận sự vật khách quan theo cách riêng của mình. Do vậy nhiệm vụ của người dịch là đi thu những lối nói, hình ảnh, từ ngữ có trong tiếng Việt tương đương với trong nguyên tác để chuyển đổi. Việc này dẫn tới, nếu nhìn từ hiện tượng, từ bộ phận, từ chi tiết, thì có khi hai từ, hai hình ảnh, hai lối nói của bản gốc và bản dịch tương đương hoàn toàn, tương đương một phần, hoặc đôi khi khác nhau, hoặc tăng hoặc giảm, hoặc thêm hoặc bớt v.v… Nhưng nhìn từ góc độ của cái toàn thể, cái tổng hợp thì chúng vẫn tương đương nhau. Cái lôgic của sự dịch thuật là như thế. Nhiều khi hai với hai không phải là bốn, mà lại là năm hoặc ba vậy.
Một câu thơ quen thuộc trong kinh Thi: “Đào chi yêu yêu, chước chước kỳ hoa” (桃之夭夭, 灼灼其華). (Kinh thi – Đào yêu). Nếu dịch đúng thứ tự theo lối nói của nguyên tác phải là: “Cái vẻ (hay cái sự) mơn mởn của cây đào, rực rỡ hoa của nó”. Người Trung Quốc ngày xưa, khi viết rất thích dùng chữ “chi”, dùng nhiều đến nỗi người ta gọi thứ tiếng của họ là thứ tiếng “chi hồ giả dã 之乎者也”. Chữ chi ở câu thơ này đã biến một kết cấu chủ vị “Đào – yêu yêu”: cây đào mơn mởn, thành một kết cấu chính phụ “đào chi yêu yêu”[2] – Vẻ mơn mởn của cây đào. Người Trung Quốc thích nói kiểu như vậy thì mặc họ. Nhưng khi dịch sang tiếng Việt, thiết tưởng nên theo cách nói của người Việt. Nhập gia phải tùy tục chứ! Câu thơ trên nên dịch là: “Cây đào mơn mởn, hoa nở rực rỡ”. Vế trên người dịch đã biến một kết cấu chính phụ ở bản gốc sang một kết cấu chủ vị trong bản dịch. Vế dưới: bỏ từ “kỳ” là đại từ chỉ thị có nghĩa là “ấy” hay “của nó”, mà theo cách nói Việt Nam là không cần thiết phải dịch ra – Câu thơ dịch “tín, nhã” hẳn lên.
Cái tương đương ở đây không phải là cái tương đương của những chi tiết, những từ riêng lẻ được cô lập ra, mà là cái tương đương có tính cách toàn thể cả về nội dung và hình thức.
Đương nhiên có những trường hợp người dịch trung thành với nguyên bản từng câu từng chử, khi dịch họ giữ nguyên cả trật tự như trong nguyên bản, không thêm không bớt từ ngữ mà câu dịch vẫn đúng, vẫn hay, vẫn đạt. Chẳng hạn câu thơ của Thôi Hộ:
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
mà Nguyễn Du dịch là:
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Hoặc câu thơ của Viên Mai:
Lập thân tối hạ thị văn chương,
mà Phan Bội Châu dịch là:
Lập thân hèn nhất ấy văn chương.
vân vân và vân vân.
Theo chúng tôi đó là những trường hợp ngẫu nhiên thôi, một sự tương ứng may mắn khiến dịch giả đỡ phải mệt óc suy nghĩ, đỡ phải trăn trở, tìm tòi. Những trường hợp như vậy không nhiều
2. Một số người dịch mới tín, mới trung thành ở cấp độ từ, chưa xem xét ngữ nghĩa của từ ấy trong cả câu và một ngữ cảnh cụ thể:
Theo chúng tôi nguyên nhân này cũng dẫn đến sự khác nhau trong những quan niệm về tín, đạt, nhã.
Chúng tôi nhận thấy những người dịch chỉ biết tín ở cấp độ từ là những người chỉ quan tâm tới nghĩa của riêng từ đó. Ngoài ra, họ không quan tâm đến việc từ đó đặt trong mối quan hệ của cả câu, của ngữ cảnh cụ thể thì nó mang một ngữ nghĩa, một sắc thái riêng biệt nào. Vì vậy họ không bận tâm đi tìm một ngữ nghĩa riêng biệt trong một câu và một ngữ cảnh riêng biệt, để sao cho câu văn mình dịch ngoài “tín” ra, còn có cả “đạt” và “nhã”. Họ tưởng chỉ quan tâm tới từ là đủ, không cần chú ý tới câu và ngữ cảnh. Quan niệm như vậy, khi cứ tưởng là “tín” mà lại không “tín”, đặt riêng từng từ ra thì là “tín”, nhưng đặt vào trong câu, trong ngữ cảnh thì đôi khi lại cảm thấy tối nghĩa, ngô nghê. Hệt như câu chuyện vui về một thầy đồ nọ dạy học, thầy mang câu: “Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc” ra cho học trò tập làm câu đối. Nhưng thầy cho học trò đối từng từ riêng lẻ một. Đến khi học trò đối từng từ riêng lẻ xong, thầy ghép lại, thành ra một câu đối cực kỳ ngô nghê, nghe như là câu đối của người máy: “Thành sâu gươm quan gừng tam cò”.
Cách dịch chỉ tín ở cấp độ từ, mà không đặt từ ấy trong cả câu, cả ngữ cảnh cụ thể, về mặt phương pháp luận cũng từa tựa như thế. Cách dịch này xuất hiện rất sớm. Ở nước ta những loại sách diễn âm, giải âm trước kia thường dịch theo cách này. “Vu” là chưng, bất kể trường hợp nào cũng dịch là chung, “kỳ, sở” là thửa, trường hợp nào cũng dịch là thừa cả.
Đến hiện nay, trong giới dịch thuật tiếng Hán cổ chúng ta cũng vẫn còn nhiều người theo cách này. “Không” là luống, câu thơ nào cũng dịch là “luống”.
Thốn thiệt đãn tồn không tự tín
寸舌但存空自信
(Nguyễn Trãi – Ký hữu)
Dịch là: Tấc lưỡi miễn còn luống những tự tin.
Chẳng cần biết những lớp trẻ hiện nay mấy người hiểu nghĩa của từ “luống” là gì, chỉ biết tín ở cấp độ từ riêng lẻ thôi nên họ rất ngại thêm bớt từ ngữ, cứ từ nào nghĩa nấy mà dịch ra. Câu thơ:
Kiền khôn kim cổ vô cùng ý.
Khước lại thương lang viễn thụ yên.
乾坤今古無窮意,
卻在滄浪遠樹煙
(Nguyễn Trãi – Quan Hải)
Nếu có ai dịch là:
Cái ý vô cùng của trời đất xưa nay,
Lại là ở chỗ làn khói trên rặng cây xa xa bên dòng nước trong xanh kia.
là có khi họ dễ dàng gạch bỏ những từ “cái”, “làn”, “rặng”, “bên”, “kia” ngay, bởi lý do đơn giản: nguyên bản không có những từ đó!
Quan niệm tín như vậy, mới chỉ là tín ở cấp độ từ riêng lẻ, cô lập từ tách ra khỏi câu và ngữ cảnh cụ thể. Do đó khi họ chỉ chú ý tới nghĩa trong từ điển, không quan tâm tới nghĩa ngữ cảnh, giữ tiêu chuẩn tín một cách cứng nhắc, không linh hoạt, vì vậy câu dịch đã không mà còn bất tín nữa là đằng khác. Một thí dụ khác. Trong truyện Tây du ký có đoạn tả Tôn Ngộ Không đánh nhau với Trư Bát Giới. Bát Giới khoe vũ khí – cây đinh ba của mình thật là tuyệt vời, kẻ nào bị đập một phát thì người sẽ nát vụ như cám. Ngộ Không nghe nói cười nhạt, rồi đứng im cho Bát Giới nện vào đầu. Bát giới lấy hết sức bình sinh nhằm vào đầu Ngộ Không bổ xuống, cứ nện mạnh đến nỗi tay Bát Giới đau ê ẩm, thế mà đầu Ngộ Không không sướt một vẩy da nào, Bát Giới kinh ngạc nói: – “Hảo đầu liễu 好頭了!”. Bản tiếng Việt dịch là: “Đầu tốt quá! Đầu tốt quá!”[3] Theo chúng tôi, câu dịch như vậy là mới dừng ở mức độ tín ở cấp độ từ (hảo là tốt) và tách từ “hảo” ra khỏi câu và ngữ cảnh, do vậy câu dịch không đạt, nhã, đương nhiên. Hơn nữa câu dịch “đầu tốt quá” dễ có người sẽ hiểu nhầm rằng do đầu Tôn Ngộ Không tóc quá dài, nên Bát Giới đánh không sượt được da đầu (!?). Nếu người dịch quan tâm tới việc đạt tiêu chuẩn tín ở cấp độ câu và ngữ cảnh thì câu trên hoàn toàn có thể dịch là: “Chà, đầu cứng quá!” mà không hề ngại rằng dịch như thế là không tín, mặc dù ta có tra hàng loạt từ điển Trung Quốc hay Việt Nam, không hề thấy cuốn từ điển nào giải thích “hảo” có nghĩa là cứng cả.
Trong dịch thuật, theo chúng tôi, cũng phải xem xét nghĩa của từ cụ thể nằm trong câu và trong ngữ cảnh cụ thể, chứ không thể chỉ tìm hiểu nghĩa chung chung, cơ bản như đã ghi trong từ điển là xong, câu nói của Lê-nin dạy chúng ta khi nhìn nhận sự vật: “Phải xem xét sự vật cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể”, vẫn hoàn toàn chính xác đối với công việc dịch thuật. Cái nghĩa ngữ cảnh bao giờ cũng mang lại cho chúng ta những thú vị, và nó khiến chúng ta không thể nhầm với nghĩa khác được. Chân lý chỉ có một, trừ những trường hợp tác giả chơi chữ.
Cũng trường hợp như vậy, đố ai trong số chúng ta biết được “cái tỉnh tình tinh”, cái mang đầy chất âm thanh nhạc điệu ấy là cái gì? Phải chăng là cái đàn, khi nó đứng riêng một mình? Thế nhưng đặt nó trong câu ca dao:
Người xinh giọng nói cũng xinh.d
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn.
thì ai cũng tủm tỉm cười, hiểu ra ngay đó là cái gì rồi.
Nói tóm lại, nếu chúng ta khi dịch, quan tâm tới việc chọn nghĩa của từ sao cho chính xác nhất, xem xét nó trong mối quan hệ của câu và ngữ cảnh, thì đó cũng là một trong những việc làm giúp chúng ta đạt được cả ba tiêu chuẩn “tín, đạt, nhã”, chúng ta không còn khỏi băn khoăn như vậy là tín hay không tín, chúng ta đảm bảo tín nhưng không phải tín ở cấp độ từ riêng lẻ, mà là chúng ta tín ở cấp độ cao hơn: xem xét nghĩa của từ ấy ở cấp độ câu và ngữ cảnh. Điều đó, theo chúng tôi, cũng là một phương pháp khoa học; nó xem xét các bộ phận (từ), xem xét mối quan hệ giữa các bộ phận (từ) với nhau, và xem xét mối quan hệ giữa bộ phần (từ) với toàn thể (câu, ngữ cảnh) để tìm ra, chọn ra một cách dịch tối ưu.
Đương nhiên, nghĩa của một từ không phải lúc nào gắn vào ngữ cảnh thì người ta mới hiểu được. Song nếu chú ý vào nghĩa ngữ cảnh, thì nói chung người ta thường đã đạt được tiêu chuẩn “tín, đạt, nhã” một cách tự nhiên, hữu cơ, gắn bó, không lo rằng được tín thì mất nhã, hoặc được nhã thì mất tín nữa.
Sau chót, sẽ là không đầy đủ nếu chỉ cho rằng muốn đạt tiêu chuẩn “tín, đạt, nhã”, người dịch chỉ cần “tín” ở cấp độ câu và ngữ cảnh như đã trình bày ở trên là đủ. Đó mới chỉ xét ở phương diện từ vựng thuần túy. Muốn “tín”, “đạt”, “nhã”, người dịch còn phải sử dụng nhiều thủ pháp trong lĩnh vực tu từ, phải tìm hiểu, lý giải nhiều vấn đề xung quanh tác giả và tác phẩm. Những vấn đề ấy chúng tôi chưa dám bàn đến ở bài viết nhỏ này.
MAI XUÂN HẢI
____________
[1] Nghiêm Phục 嚴復: Một dịch giả thời cuối Thanh, Trung Quốc. Ông đã dịch ra tiếng Trung Quốc nhiều tác phẩm triết học Âu tây, trong đó có những tác phẩm gây ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc như: Thiên diễn luận của Huxley (Thomas Henry Huxley), Nguyên Phú của Adam Smith, Pháp ý của Montesquieu (Baron de Montesquieu).
[2] Có ý kiến cho rằng chữ “chi” ở đây là một tiếng đệm.
[3] Tây du ký, bản tiếng Việt, tập 2, tr.171. Nhà xuất bản Phổ thông, Hà Nội, 1961.