Minh Đức Triều Tâm Ảnh: Đọc yếu chỉ của Thiền sư Viên Chiếu
“Tham đồ hiển quyết” của thiền sư Viên Chiếu là một tác phẩm văn học thiền, hàm tàng nhiều ẩn ngữ khó giải mã nhất trong số thiền ngữ, thiền thoại của nước ta.
Ví dụ như khi học Tăng hỏi: “Hiên đêm một cửa vắng, thong thả gõ ai hay” (Dạ hiên nhất thâm hộ, thùy thức đẳng nhàn sao).
Sư đáp:
Kim cốc đìu hiu hoa cỏ rối
Mà nay hôm sớm thả trâu dê
(Kim cốc tiêu sơ hoa thảo loạn,
Như kim hôn hiểu nhậm ngưu dương).
Hoặc: “Qua sông phải dùng bè, đến bến chẳng cần thuyền, nếu không qua thì sao?”
(Độ hà tu dụng phiệt, đáo ngạn bất tu thuyền, bất độ thời như hà?)
Sư đáp:
Ao khô cá lên cạn
Sống cả vạn năm xuân.
(Hạc trì ngư tại lục, Hoạch hoạt vạn niên xuân).
Những câu đàm thoại như thế, dường như Thầy và trò họ đang ở trong một vòng tròn khép kín, một thế giới riêng mà người ngoài không thể hiểu, không thể dự bàn. Điều ấy đúng. Vì ngoài việc đối trị căn cơ còn tùy thuộc hoàn cảnh ngoại tại tương quan lúc ấy nữa. “Thực tại” không lập lại hai lần. “Thiên thu” cũng vậy. Đóa hoa nở rồi tàn đã đi vào vĩnh cửu. Dùng hình sương bóng khói của ý niệm để giải mã sự-sống-sinh-động-đang-là… quả là điều bất khả!
Phần “ẩn” ấy bao giờ cũng ẩn mật. Còn phần “hiển” thì sao?
Mai Viên Chiếu là một nhà sư đọc rộng, biết nhiều. Là học trò của Định Hương trưởng lão, thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông. Đọc tiểu sử và “tham đồ hiển quyết” của ông, ta thấy nổi bật hai đặc trưng:
– Sư “rõ phép tam quán, sâu rõ ngôn ngữ tam muội”. “Tam quán” là ba pháp tu thiền định trong kinh Viên Giác. “Ngôn ngữ tam muội” là mượn cách nói của Đại Trí Độ luận. Thông tin ấy cho ta biết rằng: Viên Chiếu không còn tuân theo yếu chỉ “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” của Đạt-ma; ông đã tham cứu nhiều kinh luận trong thời gian tu học, và sau này, để giáo huấn môn đồ.
– Tư tưởng thiền của Viên Chiếu, qua phương pháp, lập ngôn, khẩu khí… có cái gì đó rất riêng, rất sáng tạo; không hề bắt chước, lập lại, nói theo các ngữ lục của chư tổ thiền tông Trung Quốc. Ông đã sử dụng một hình thức thi ca bác học; câu cú, đối luật nghiêm túc, nghệ thuật tu từ lão luyện; và nhất là nghệ thuật hình tượng đa dạng, phong phú, tạo ấn tượng mạnh mẽ, chắt lọc cảm xúc, va động vào chiều sâu tâm linh của thiền giả.
Chúng ta hãy tìm hiểu một vài điều.
Vào thời đầu triều Lý, Vạn Hạnh đã là nhà kiến trúc sư bậc thầy, xây dựng quy mô cho triều đại, đã lấy Phật giáo làm tâm tông trị nước, đồng thời muốn dung hòa Khổng, Lão để trở thành cái dụng chung để kiến quốc. Các vị thiền sư đi sau, cũng từ chiến lược quốc sách ấy mà lập ngôn, lập thuyết. Viên Chiếu là người hiểu rõ điều đó hơn hết khi tuyên bố:
Trăm sông đổ về đông hề, muôn dòng đua chảy. Ngàn sao chầu bắc đẩu hề, thiên cổ quy tâm. (Chúng thủy triều đông hề, vạn phái tranh lưu. Quần tinh củng bắc hề, thiên cổ quy tâm).
Trong số môn sinh của ông, có người đã đến từ Khổng Nho nên thắc mắc giữa Phật và Thánh (Chu, Khổng), giống nhau, khác nhau ra sao từ nền tảng giáo thuyết ích dụng cho nhân sinh, xã hội?
Sư đáp bằng thơ:
Mùa thu, hoa cúc nở dưới dậu
Mùa xuân, tiếng oanh hót đầu cành.
(Ly hạ trùng dương cúc.
Chi đầu thục khí oanh)[1]
Tiết nào hoa nấy, thời nào dụng nấy. Tùy thuộc quốc độ, tùy thuộc đặc trưng tư tưởng, văn hóa, sẽ xuất sinh nhân vật tương thích. Khi học đồ chưa hiểu, sư nói thêm:
Ngày thì ác vàng dọi
Đêm đến thỏ bạc soi.
(Trú tắc kim ô chiếu.
Dạ lai ngọc thố minh).
Còn gì rõ ràng hơn thế nữa!
Rồi khi môn sinh thắc mắc giữa Phật và Tổ cũng được sư giải thích rộng nghĩa, bác học hơn môt tí:
Tối sáng, tượng trời do quạ thỏ,
Lõm lồi, hình đất tạc núi sông.
(U minh càn tượng nhân ô thố.
Khuất khúc khôn duy vị nhạc hoài).
Tượng trời là “càn tượng”, hình đất là “khôn duy”, được lấy từ thuật ngữ của Chu Dịch, có nghĩa là trời cao, đất thấp định ra càn và khôn. Ở trên trời là tượng (mặt trời, mặt trăng). Ở dưới đất là hình (núi, sông).[2] Câu trả lời ấy hàm ý Phật như mặt trời, mặt trăng; tổ như núi, sông của quả địa cầu.
Còn đối với những môn sinh hỏi với đại ý: chúng sanh từ đâu đến, chết rồi chúng đi về đâu! Sư sẽ có câu đáp rất ấn tượng:
Rùa mù chui vách đá
Trạch què bò núi cao.
(Manh quy xuyên thạch bích,
ba miết thướng cao sơn).
“Rùa mù” và “trạch què” có làm được thế không hay chỉ là ước muốn vô ích, ngu si? Cũng vậy, nếu không tu, không học, cứ hỏi những câu vớ vẩn như vậy, thì thiền sư sẽ nói khá nặng lời đấy!
Đôi lúc, thiền sư cũng “vi tiếu” dí dõm, nhẹ nhàng. Khi có một môn đồ hỏi về cái dụng của “chân như”, sư đáp:
Tặng anh ngàn dặm xa
Cười mang một bình trà!
(Tặng quân thiên lý viễn,
tiếu bả nhất âu trà!)
Đấy không là cái dụng của chân như sao?
Để đối trị với những môn sinh biết rằng “chúng sanh đều có Phật tánh”, do vậy, hơi lơ là trong việc tu tập, sư đã chí tình dạy bảo:
Nông tang hãy gắng chăm chuyên nhé.
Đợi thỏ người kia chớ nhọc theo.
(Khuyến quân thả vụ nông tang khứ.
Mạc học tha nhân đãi thố lao).
Hình ảnh người nước Tống ôm cây mà đợi thỏ hoặc ngồi mà đợi Phật tánh đến thì quả thật là người ngu.
Đôi nơi dường như có chút ảnh hưởng tư tưởng “nhàn” của Lão Trang:
Chống gậy đường mây khi thích chí
Mệt buông rèm trúc ngủ giường tre”
(Hứng lai huề trượng du vân kính,
Khốn tức thùy liêm ngọa trúc sàng).
Có câu với hình tượng nghệ thuật tu từ rất mới, không ai nghĩ là nó có tuổi thọ đã ngàn năm:
Theo gió, tiếng còi xuyên trúc đến
Đội trăng, ngọn núi vượt tường sang”.
(Giác hưởng tùy phong xuyên trúc đáo,
Sơn nham đới nguyệt quá tường lai).
Nói tóm lại, “tham đồ hiển quyết” mang giá trị văn học thiền vào loại sớm nhất ở nước ta, ảnh hưởng nhiều thời đại đi sau. Nó phong phú và đa dạng, vừa ẩn vừa hiển đan xen nhau, lại còn lúc hư lúc thực rất khó nắm bắt ý nghĩa. Và cũng nhờ cái đẹp “u huyền” ấy tạo nên sự cảm nhận đa tầng, đa biểu. Là khu vườn thiền mà ta chưa bao giờ khám phá hết, và yếu chỉ của nó còn bập bùng cháy tỏ đến ngàn sau…
Viết tại am Mây Tía, mùa mưa lũ Ất Dậu
[1] Trùng dương: mùa thu; thục khí (khí ấm): mùa xuân
[2] Nhạc: chỉ núi; Hoài: sông Hoài.