Minh Đức Triều Tâm Ảnh: Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ

Tổng quan Sử Phật Giáo Thế Giới

 

Khái quát, hiện nay, trên thế giới cùng tồn tại và phát triển hai dòng Phật học chính là Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông.

Phật giáo Nam tông được hình thành từ kinh điển Pāḷi văn, đi xuống miền Nam Ấn Độ, sang các nước Srilaṅca, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thailand, Campuchia, Laos. Truyền thừa này được gọi là Theravāda (Thượng tọa bộ) hay Phật giáo Nguyên thủy.

Phật giáo Bắc Tông được khai sinh từ kinh điển ngữ hệ Sanskrit, đi qua các nước Tiểu Á, Trung Á; vượt Hy Mã Lạp sơn qua nhiều nước ở Tây Vực, đến Đôn Hoàng, sau đó tản mác sang Tây Tạng, Mãn Châu, Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên. Truyền thừa này được gọi là Mahāsaṅghika (Đại chúng bộ) – sau biến thành Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna).

Từ hai nhánh ban đầu ấy, nó không hợp lưu mà phân lưu; phân lưu để rồi nhanh chóng chảy ra mọi miền đất, mọi ngõ ngách tâm hồn, tâm thức các tộc người trên khắp thế giới. Phật giáo đi đến đâu cũng với đôi cánh chim bồ câu trắng, bên sau không giấu kín gươm đao lẫn những ước vọng thế tục, thế quyền. Chỉ với những gót chân lấm bụi và những trang kinh thắp lửa trong đầu; chẳng có hành trạng, tư lương gì; Phật giáo không chỉ mọc chùa tháp, tu viện, Phật học viện, tự viện, tịnh xá, đi vào các trường đại học, nơi các đô thị tiện nghi vật chất xa hoa – mà còn nẩy mầm tươi tốt ở núi cao, rừng sâu và cả miền duyên hải, thị trấn, hải đảo xa xôi của các nước Anh, Đức, Pháp, Canada, Australia… nữa.

Điều quan trọng hơn là Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng trong mọi sinh hoạt tư tưởng, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, xã hội, chính trị, khoa học… của nhân loại. Đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ, mát mẻ và trong lành cho những miền đất tâm linh khô cỗi, mà, các giá trị nhân văn, đạo đức và lẽ phải đã đến hồi báo động. Sở dĩ được như vậy là vì Phật giáo với thông điệp thiêng liêng, đi đến đâu là mang theo “hiểu biết” (trí tuệ) và “tình thương” (từ bi) để thắp sáng vô minh và xoa dịu nỗi đau cho trần thế.

Trong bước đi lịch sử của mình, trải qua gần ba thiên niên kỷ, Phật giáo để lại vô vàn dấu ấn, di chỉ tuyệt vời. Với một nền tảng triết học thâm uyên, quán thông và vững chắc; với một cái nhìn minh triết, thấu thị vào các định luật biến thiên, dịch hóa của trời đất; với một nhân sinh quan bao dung và cảm thông chan chứa; với một cái tâm mỹ học rạng ngời – nền tảng của các loại hình nghệ thuật như văn chương, thơ ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc kỳ tuyệt, phong phú và đa dạng – Phật giáo đã dần dần chinh phục mọi miền đất, mọi tín ngưỡng khó tính, mọi tâm hồn cô lập; xóa nhòa mọi phân cách về địa dư, khí hậu, chủng tộc, văn hóa và cả những đối lập chính trị nữa.

I. Thử điểm qua bước đi của dòng Phật giáo Bắc truyền.

Khởi đầu trước Công nguyên, từ Ấn Độ, Phật giáo đi vào các nước Tiểu Á và Trung Á. Các nhà sư Trung Hoa vĩ đại như Pháp Hiển, Huyền Tráng – những nhà hành hương Tây du nổi tiếng – đã để lại trong thiên ký sự của mình, khái quát rằng: “Khoảng 200 năm trước Công nguyên, đây là xứ sở của một nền Phật giáo cực thịnh. Riêng tại Khotan, Phật giáo có gần 4000 cơ sở gồm các tu viện, đền chùa”. Rồi từ Khotan, Phật giáo lan tỏa đến các bang phía Nam và phía Bắc, đặt dấu ấn tại hàng chục tiểu quốc miền Tây vực nằm trên “Con đường tơ lụa”.

Biên niên sử Trung Hoa cũng nói rằng: “Riêng tại Kucha – thuộc Turkestan – có gần 1000 đền chùa và bảo tháp”. Và hiện mới đây, các phương tiện thông tin đại chúng cho thế giới biết, là hai tượng Phật bằng đá vĩ đại, cổ xưa tại Afghanistan đã bị bom của Taliban hủy hoại. Ấy là bằng chứng Phật sử còn tồn tại ở xứ sở của Hồi giáo này.

Ở Trung Hoa, nhiều tư liệu lịch sử cho biết là nước này tiếp nhận Phật giáo của các bộ tộc du mục từ phía Bắc khoảng thế kỷ I trước Tây lịch. Tại đây Phật giáo phải đương đầu với hai nguồn tư tưởng lớn là Khổng giáo và Lão giáo. Suốt thời kỳ nhà Hán (65 – 220), một số tu sĩ từ Ấn Độ đến Trung Hoa, đã cùng một số học giả của nước này, phiên dịch một số kinh từ Phạn ngữ Sanskrit sang tiếng bản địa. Tuy thế, đối với triều đình nhà Hán, trong con mắt của họ – đạo Phật chỉ là một tôn giáo man di. Chỉ riêng giới trí thức và học giả mới thấy được tầm mức tư tưởng của Phật, cao siêu hơn Khổng, Lão nên họ mới cực lực bênh vực. Tiêu biểu cho trí thức tiến bộ thời ấy là Mâu Tử. Ông ta đã viết một thiên luận văn, có tên là “Lý hoặc luận”, so sánh giữa ba hệ thống tư tưởng rồi đi đến kết luận là Phật giáo phong phú, toàn diện và ưu việt hơn nhiều.

Cũng có nguồn sử liệu khác, nói rằng: “Có Sa-môn Khương Tăng Hội tinh thông ba tạng, sáu kinh, từ Giao Chỉ đến Kiến Nghiệp dựng lập chùa, tháp từ thời Ngô Tôn Quyền (Tam Quốc)”. Dù sử liệu nào đi nữa, ở quốc độ này, mấy ngàn năm nay, cả ba hệ thống tư tưởng cùng tồn tại hài hòa và cùng chịu chung những bước thăng trầm của lịch sử. Và điều mà sử gia nào cũng cảm nhận, như một sự thật hiển nhiên, là Phật giáo không những biến đổi nếp sống, nếp nghĩ của tộc người này, mà còn biến cải cả văn hóa và phong cách sáng tạo nghệ thuật nữa. Những nguồn cảm hứng bất tuyệt có được từ tín ngưỡng tôn giáo, từ các giá trị thiêng linh, từ nhân cách vĩ đại của Phật, Bồ-tát… đã để lại cho xứ sở này hàng ngàn công trình chùa, tháp, tượng… có tầm vóc vượt mọi thời đại. Các di chỉ nghệ thuật mang đậm phong cách dân gian ở Vân Cương, Đôn Hoàng… với giá trị bất tử đã xác minh điều ấy.

Ở Nhật Bản, Phật giáo đã đến muộn hơn Khổng, Lão. Khoảng thế kỷ 6-7, lúc đến đây, Phật giáo phải đương đầu với các giáo phái Thần đạo dân tộc. Mãi cho đến thế kỷ sau nữa, Quảng Pháp đại sư, được xem như Mâu Tử của Trung Hoa, đã viết tác phẩm “Sự biểu hiện giáo lý của Tam Giáo”, trong đó so sánh các đặc trưng giáo lý của Khổng, Đạo và Thích, nhằm xác định tư tưởng tối cao của Phật. Quảng Pháp đại sư còn được xem là khai tổ của Phật giáo Chơn Ngôn (Mật tông) đầu tiên của xứ sở Thần Mặt Trời này. Ngôi sao sáng thứ hai là đại sư Đạo Nguyên (Denyo) lại khai mở dòng Phật giáo Thiên Thai học được từ Trí Khải ở Trung Quốc.

Từ những điểm mốc ấy, các tông phái khác của Phật giáo Đại thừa được xiển dương, đó là Luận tông, Thành thật tông, Pháp tướng tông, Hoa nghiêm tông…

Điều đáng lưu ý ở đây, Nhật Bản là miền đất màu mỡ của Đại thừa, mãi cho đến thế kỷ 19-20, Nhật Bản mới biết đến Theravāda qua các công trình nghiên cứu nổi tiếng của Chizen-Akanuma (1884-1937) về văn hệ Pāḷi.

Điều khác nữa, là một đặc trưng, dầu Nhật Bản cùng tồn tại và phát triển nhiều tông phái, nhưng Thiền Đông Độ từ Trung Hoa sang Nhật Bản (Zen) vẫn chói sáng vô địch ở xứ sở này. Zen đã đi qua các triều đại, vua chúa, tướng quân; thổi hồn cho Thần đạo dân tộc, đi vào các sinh hoạt dân gian, thắp lên các loại hình nghệ thuật, biến tất cả chúng thành “đạo” cả; như: thư đạo, võ đạo, họa đạo, hoa đạo, trà đạo, kiếm đạo…

Điểm đặc trưng cuối cùng, Zen Nhật Bổn, mục đích là giác ngộ giữa cuộc đời, sống với cuộc đời; nên hiện nay, sự phân cách đạo đời, xuất gia, tại gia không còn nữa. Các vị Thiền sư Nhật Bổn vẫn có gia đình, vợ con. Họ sống tương tự mục sư của Tin Lành. Xứ sở này rất hiếm người sống theo luật Tỳ-kheo đích thực như các quốc độ khác.

Tại Triều Tiên, Phật Giáo đến từ thế kỷ thứ tư, qua các vị sư người Trung Hoa và Trung Á. Xứ sở này dường như đóng vai trò trung gian giữa Trung Hoa và Nhật Bản; các tông phái Phật giáo cũng có mặt tương tự.

Đến thế kỷ thứ 11, Phật giáo mới đạt được đỉnh cao thế lực khi được sự hỗ trợ của vương triều. Vài thế kỷ sau, Phật giáo đã nhanh chóng trở thành chỗ dựa tinh thần cho các triều đại và trở thành tín ngưỡng của quần chúng. Hai tông phái chính ở đây là Thiền tông và Tịnh độ tông.

II. Thử điểm qua một vài bước đi của Phật giáo Nam truyền.

Truyền thừa này dường như không gặp một kháng cự nào đáng kể về văn hóa, tư tưởng cũng như tín ngưỡng bản địa, nên dễ dàng chinh phục các cư dân và các tộc người.

Srilaṅca (Tích Lan, Đảo quốc, Đảo Sư tử) có mặt Phật giáo sau kỳ kết tập Tam Tạng kinh điển lần thứ ba vào thời vua Asoka, do trưởng lão Moggallīputtatissa cử ngài Mahinda (hoàng tử con vua Asoka) sang truyền giáo; và ngay lập tức, được sự quan tâm đặc biệt của triều đình.

Quốc Vương Srilaṅca, đức vua Devānampiyatissa, đã chứng tỏ là một Phật tử thuần thành, ngài khuyến khích giới quý tộc cũng như dân chúng xuất gia và xây dựng rất nhiều chùa tháp. Đức vua Phật tử này còn cử phái đoàn sang Ấn Độ thỉnh cầu đức vua Asoka gửi phái bộ Ni chúng sang nước mình để tế độ cho phụ nữ xuất gia. Ngay giới đàn đầu tiên đã có em dâu của vua và 1000 thị nữ xuất gia tỳ-khưu-ni. Cây bồ-đề còn được chiết nhánh từ cây mẹ bên sông Nerañjarā, đến nay vẫn còn.

Điểm mốc lịch sử đáng ghi nhận, là cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ IV tại thủ đô Anurādhāpurī, với số lượng chư Thánh Tăng là 63 vị cùng với 500 vị tỳ-kheo. Sau đó, vào thời vua Vaṭṭhagāminī-Abhaya, 437 năm sau Phật Niết-bàn, một hội nghị kết tập Tam Tạng được tổ chức tại Alavihāra, núi Abhaya (gần Kandy) với sự tham dự của 500 vị Thánh Tăng và 500 vị phàm Tăng uyên thâm Phật pháp. Chính hội nghị này chép Tam Tạng Pāḷi và chú giải Tam Tạng bằng tiếng Srilaṅca lên lá bối; từ đây đã phổ cập khắp thế giới, nhất là các xứ Phật giáo Nam truyền.

Nước Miến Điện, lãnh thổ của tộc người Môn, Phật giáo dường như cũng đến đây cùng thời kỳ với Srilaṅca. Sách Đảo sử của Srilaṅca có nói rằng: “Hai vị trưởng lão Soṇa và Uṭṭara thời vua Asoka tại ngôi (272 – 231 trước Công nguyên), được trưởng lão Moggallīputtatissa cử đến xứ Kim Địa (Suvaṇṇa bhūmi) để truyền bá Phật Pháp”. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà sử học cũng chưa xác định rõ Kim Địa là vùng đất nào. Người thì nói là vùng Hạ Miến Điện. Nơi thì bảo là vùng Nagara Paṭṭhāma của Thái Lan. Có nhà lại quả quyết, Kim Địa là vùng có phạm vi tương đối rộng lớn thuộc Đông Nam Á thời cổ, trong đó bao gồm Miến Điện, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, cả Lào và Campuchia nữa.

Lúc Phật giáo đến đây thì dân bản xứ người Môn – là cư dân sớm nhất – đã có tín ngưỡng phiếm thần bản địa cùng đạo Bà-la-môn. Qua hiện vật khảo cổ được tìm thấy, thì Phật giáo đến đây đầu tiên là Theravāda, do những “kim diệp” và “điêu bản” được khắc kinh Phật bằng Nam Phạn Pāḷi văn. Không có dấu hiệu, chứng tích của Đại thừa, mãi cho đến thời đại của luận sư Thế Thân (chừng 1000 năm Phật lịch). Sau đó, khoảng đến thế kỷ 11 P.L, mới thấy xuất hiện lác đác một vài tông phái Đại thừa, rồi sau đó nhanh chóng biến mất.

Điều đặc biệt của lịch sử Phật học xứ sở này là sự hiện hữu ngôi đại tháp Shwedagon, hiện nay tại Rangoon (Ngưỡng Quang). Tương truyền là sau khi Phật thành đạo, có hai thương nhân người Miến Điện đầu tiên đến bái yết Phật, dâng vật thực cho ngài. Đó là hai anh em Ṭapussa và Bhallika. Đức Phật đã ưu ái ban cho họ 8 sợi tóc; và hiện nay đang tôn trí tại đại tháp này, đã trở thành bảo vật quốc gia, chốn kính ngưỡng lễ bái thiêng liêng cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới.

Suốt mấy thế kỷ trước và sau Tây lịch, Phật giáo của đế quốc người Môn phát triển rất huy hoàng. Sau đó, do nạn cướp biển, do chiến tranh với các tộc người lân bang, do dịch họa, thiên tai… đế quốc rộng lớn do người Môn xây dựng lần hồi suy tàn. Mãi đến thế kỷ 11, thời đại Pagan, Phật giáo mới thịnh đạt trở lại.

Hiện nay, Myanmar lấy Phật giáo làm quốc giáo, họ ở chung hòa bình nhiều tộc người; và tính nhân văn, nhân ái, chơn chất thể hiện rõ trong nếp sống hiền lành giản dị của họ. Đương thời, ở đây xuất hiện nhiều Thiền sư nổi tiếng, các rừng Thiền, trường Thiền, Đại học Phật giáo, bệnh viện Phật giáo, hàng trăm ngàn tu sĩ tam y, nhất bát; tạo cho quốc độ một nét đặc trưng không thể nhầm lẫn của Phật giáo Theravāda đang hồi cực thịnh.

Sử Phật giáo Thái Lan liên hệ mật thiết với sử Phật giáo Miến Điện. Khi Phật giáo đến Miến Điện thì Thái Lan chưa lập quốc, họ còn đang ở trong vòng thống trị của người Môn, và sau đó là người Khờ-me. Tuy nhiên, những sử liệu của xứ này nói rằng, Phật giáo Theravāda cũng đến đây theo chân hai trưởng lão Soṇa và Uṭṭara thời vua Asoka – trên vùng đất Kim Địa – cũng không thể phủ nhận. Chứng tích Đại Tháp Phật Thống mang kiểu kiến trúc thời Asoka, đồng thời, ở chung quanh còn lại tấm bia văn chép kệ duyên khởi bằng tiếng Pāḷi, như là sự thật hiển nhiên vậy.

Đến thế kỷ XIII, các tộc Thái, qua vị lãnh tụ anh hùng Bang-khang-thay mới nổi lên dành lại chính quyền, lập nên vương triều Xụ-khổ-thay. Buổi đầu lập quốc, ở đây có cả Theravāda và Mahāyāna. Đến thời vua Ram-khăm-hẻng (1277-1317) có tài năng trác việt, đã thôn tính các tiểu quốc lân cận và lập nên một vương triều lớn mạnh, thâu tóm tất cả các tộc người Khờ-me, Môn, Lào… vào trong thế lực của mình. Đây là thời cực thịnh của vương triều Thái, phát triển rực rỡ về nội chính, ngoại giao, văn hóa, nghệ thuật. Dấu son huy hoàng về văn hóa của thời kỳ này là sáng tạo chữ viết. Năm 1283, nhà vua đã triệu tập học giả khắp cả nước, nghiên cứu chữ viết người Môn, Khờ-me để đặc chế ra chữ viết của riêng mình. Thái ngữ có mặt vào thời này.

Vốn theo Phật giáo Nam truyền, mà, lúc này ở đây đã bị mai một, đức vua chủ động đề xướng mời Phật giáo Srilaṅca đến quốc độ ngài để hoằng dương Phật Pháp. Đức vua Srilaṅca, cũng là một Phật tử tín thành, đã hào sảng hiến cúng đức vua lân bang một pho tượng Phật sư tử bằng vàng nổi tiếng (Hiện nay, đang còn tôn trí tại Phật điện viện bảo tàng hoàng gia Thái). Từ đây, Tam Tạng Pāḷi và các sách chú giải bằng tiếng Thái lần lượt được hoàn chỉnh (trước đó chưa có bộ nào hoàn chỉnh, có số bị mất mác, có số lẫn lộn kinh điển Đại thừa và cả Bà-la-môn giáo).

Phật giáo Theravāda, đến các vương triều đi sau, mặc dầu có thịnh suy, có can qua; nhưng đã trở thành tín ngưỡng thiêng liêng của nhân dân cả nước. Họ đã có Tăng vương, Tăng-già tôn trưởng, có Đại trưởng lão… qua nhiều triều đại. Cũng giống như Miến Điện, Thái Lan lấy Phật giáo làm quốc giáo. Các tộc người lân cận hai bên dòng sông Mê-Kông, theo đó, cũng lấy Phật giáo Nam truyền làm tín ngưỡng chung. Và cũng lần lượt trở thành quốc giáo như Lào, Campuchia.

III. Vài nét sơ lược của Phật giáo Âu, Mỹ.

Hiện nay, Tây phương đang nhìn về Đông phương – các xứ sở tâm linh huyền bí – để học hỏi các giá trị tinh thần, hầu quân bình nếp sống do nền khoa học trục vật đã đi quá đà.

Sự lan truyền của Phật giáo, có lẽ được bắt đầu từ thế kỷ 19, do công của các học giả người Anh, người Pháp, người Đức. Ví dụ những công trình nghiên cứu về Phật học thuộc ngữ hệ Sanskrit của B.H. Hodgson, Engene-Burnouf; các công trình thuộc ngữ hệ Pāḷi của George-Turnour, Vincent-Fausboll… Đặc biệt là tiến sỹ Rhys Davids – người Anh – cùng một số thiện hữu trí thức trong Hội Nghiên Cứu Kinh Thư Pāḷi (Pāḷi Text Society) của ông, đã xuất bản hàng chục dịch bản, dịch phẩm các văn hệ Pāḷi từ Luật tạng, Kinh tạng, Vi diệu pháp tạng và cả Milindapañha công bố trên khắp thế giới. Năm 1881, giáo sư Rhys Davids được mời sang giảng dạy tại Châu Mỹ, tại đây, ông công bố sự ra đời Hội Nghiên Cứu nổi tiếng của ông. Và sau đó, như đồng thanh tương ứng, nhiều học giả kiệt xuất đã sốt sắng giúp đỡ ông tiếp tục sự nghiệp cao quý này.

Theo trào lưu phổ cập Phật giáo sang Âu Mỹ còn phải kể đến nhiều tác phẩm của tiến sỹ Suzuki, như: Thiền luận Phật giáo, Sổ tay Thiền Phật giáo, Thiền Phật giáo và ảnh hưởng của nó với văn hóa Nhật Bản…

Tiếp tay cho cuộc “tấn công ồ ạt” vào các xứ sở khác dòng văn hóa này, Phật giáo Tây Tạng đi theo gót chân lưu vong của đức Đạt-lai Đạt-ma, đã mang bí truyền Mật tông, khơi mở một thế giới vượt ngoài thẩm quyền của khoa học, lại càng làm cho trí thức Âu Mỹ gia công tìm hiểu, nghiên cứu.

Thiền tông, Mật tông, kinh văn từ Sanskrit và Pāḷi truyền sang Âu Mỹ thì dòng Thiền Nguyên Thủy – Vipassanā – xem trọng tâm linh đạt ngộ… cũng lần lượt góp mặt bởi các đệ tử chân truyền của các vị Thiền sư Thái, Myanmar nổi danh đương đại.

Hiện nay, khắp mọi nơi trên thế giới, đang có hiện tượng “bùng nổ Thiền Phật giáo”, nó “xâm lăng” khắp mọi miền đất, mọi ngõ ngách văn hóa, xã hội, nghệ thuật, y học, khoa học… dường như đã đảo hóa tận căn mọi nhận thức của lý trí nhị nguyên được truyền thừa từ vài triết gia sau cùng của Cổ Đại Hy Lạp – là cha sinh của tư tưởng Tây phương – đã thống trị một phần hai quả địa cầu hơn hai ngàn năm nay.

Để kết luận,

Người ta nói rằng: “Thế kỷ 21 là thế kỷ của tâm linh”. Chúng ta nên nói lại cho đúng với ước nguyện: “Là thế kỷ của tâm linh giác ngộ”. Một sự giác ngộ sau cùng, trước khi trôi theo áng mây chiều của lẽ thành và hoại, trụ và diệt. Dẫu sao, Phật giáo cũng đã hoàn thành sứ mạng trong những bước đi tà huy mênh mang của cuộc lữ, hạo nhiên giữa miền khổ đế để hóa độ nhân quần, xã hội.

Bước chân của các nhà sử học thường lạnh lùng, vô tình; họ thường dạo qua, bước qua những phế tích để thu nhặt những sự kiện, sử liệu, ghi chép từng biến cố xảy ra qua từng niên đại. Họ phán đoán, suy luận dựa trên cơ sở hiện vật để xác chứng cho một nền văn minh, một thời đại đã mất tích trong quá khứ. Họ làm việc rất nghiêm túc, rất khoa học.

Nghiên cứu sử Phật giáo, bước đầu, ai cũng làm như vậy, cũng có những bước đi như vậy. Đấy là những bước đi cần thiết để dọ dẫm, tìm đường, khám phá từ sau lớp khói sương để truy nguyên một vài sự thật lịch sử trải qua mấy ngàn năm truyền giáo.

Như vậy, sự suy đoán về lịch sử có thể gần đúng, gần sai hoặc đúng, sai. Nhưng dẫu thế nào, bất cứ sự kiện nào, sử liệu nào liên hệ đến Phật giáo… như ngôn ngữ, bi ký, phù điêu, hoa văn, họa tiết, mô-típ kiến trúc, chùa, tháp, tượng Phật, tượng Bồ-tát… đều phải được sàng lọc, kiểm tra tinh xác.

Các nhà khảo cổ, các nhà khoa học họ làm được điều ấy và là thẩm quyền của họ. Còn chúng ta, người học Phật, nghiên cứu sử Phật giáo, có phải chăng là để học bài học thịnh suy, hưng phế của cuộc đời, của thế gian pháp? Có lẽ đúng cũng không kém gì, là chúng ta sẽ học được cái tâm lớn, cái trí lớn của hằng đoàn, hằng đoàn sứ giả Như Lai, với những bước chân trần rướm máu, tam y nhất bát, không cửa, không nhà…; nhưng chỉ vì mục đích tối thượng, đem giáo lý trí tuệ và từ bi đến chân trời, góc bể chẳng nệ hà, gian khổ, đói rét, nắng mưa… Cũng có thể là bài học tự nhắc nhở chính mình. Rằng là trong cuộc hoằng dương thiên nan vạn nan ấy, nếu không có tâm nguyện, mật hạnh, nếu không có các pháp ba-la-mật làm hành trang thì ai ai cũng dễ ngã gục giữa đường trường. Rồi còn danh lợi, địa vị, quyền lực…, những hấp dẫn của “ngũ dục công đức”, các ngài phải vượt qua, đi qua, rũ áo, phất tay! Đấy là chiến tranh lạnh, kia là chiến tranh nóng – trong mỗi hơi thở, bước đi, trong trái tim phập phồng – với hằng sa chánh niệm, tỉnh giác. Sử Phật giáo thì không ghi được điều ấy, nhưng chúng ta là lớp Tăng sinh hậu duệ sứ giả Như Lai, chúng ta phải đọc được điều ấy giữa hư vô trùng trùng, giữa “linh hồn” của di vật, sử liệu, ngôn ngữ còn lại.

Vả chăng, thời nào cũng thế, con người, tộc người nào cũng vậy – không có ngoại trừ – và, nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan, duyên khởi tính của nó đều tương tợ nhau. Chúng ta cũng vậy, muốn đem đạo Phật vào đời, phải học những bài học lịch sử để kiện toàn nhận thức, kiện toàn tâm, kiện toàn trí trên con đường tự giác, giác tha vốn khó khăn từ muôn thuở.

Previous page 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11Next page
Hiển thị thêm
Back to top button