Minh Đức Triều Tâm Ảnh: Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ
Các Bộ Phái Đương Thời
Tổng Quan Sử Phật Giáo Thế Giới
Bối Cảnh Văn Hóa, Tín Ngưỡng Ấn Độ Thời Tiền Đức Phật
Đức Phật Xuất Hiện (623 Tr. Cn)
Tình Hình Phật Giáo Sau Khi Đức Phật Nhập Diệt
Phật Giáo Thời Đại Đế Asoka
Các Bộ Phái Đương Thời
Phật Giáo Ấn Độ Qua Các Thời Đại Kế Tiếp
Các Vị Luận Sư Ấn Độ
Phật Giáo Ấn Độ Suy Tàn
Phật Giáo Ấn Độ Thời Phục Hưng
Như chúng ta đã biết, sự phân phái manh nha từ lần kết tập thứ I, qua lần thứ II thì đã đâm rễ, mọc mầm; và qua lần thứ III thì đã đâm cành, mọc nhánh…
Tuy nhiên, sau gần hai ngàn năm, chúng ta muốn tìm hiểu về lịch sử, tư tưởng của từng bộ phái quả thật là khó khăn, phức tạp. Tư liệu lịch sử thì Tích Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng… chẳng ai giống ai. Lần dò theo truyền thuyết của từng bộ phái thì phái nào cũng muốn suy tôn mình lên, kể cả phần sắp xếp hệ thống cũng như kiến giải tư tưởng.
Sau đây là những nguồn tư liệu khác nhau về sự phân chia và sắp xếp các bộ phái thuộc thời kỳ thứ I:
– Truyền thống Tích Lan.
– Truyền thống Kashmire.
– Truyền thống Chánh lượng bộ (Sammatīyavāda).
– Truyền thống Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda).
– Truyền thống của Trưởng lão bộ (Sthāviravāda).
Rồi còn sự phân chia thời kỳ thứ II, khoảng thế kỷ 6-7 TL; sự phân chia thứ III từ tư liệu Trung Quốc và Tây Tạng…
Theo truyền thống Tích Lan thì chỉ có hai phái chính là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Các bộ phái khác khởi từ hai bộ phái chính này mà tách ra.
Các tư liệu khác, dù Ấn Độ, Trung Quốc hay Tây Tạng đều không tìm thấy Thượng tọa bộ, mà dường như một phái gần như chính thống lại được đề cập, đó là Trưởng lão bộ. Nói cách khác, ở đây cũng có hai bộ phái chính là Trưởng lão bộ và Đại chúng bộ; các bộ phái khác thì được tách ra từ hai phái này.
Từ những chứng lý ấy, ta có thể đưa ra kết luận:
– Hệ phái Theravāda là một dòng đi riêng biệt, không liên hệ gì đến 18 bộ phái được tách ra từ Trưởng lão bộ và Đại chúng bộ của Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Tây Tạng. Vậy thì các Kinh, Luật và Luận xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Tây Tạng có nhắc đến 18 bộ phái Tiểu thừa hoặc Đại chúng – cũng không liên hệ gì đến Theravāda – mà do người ta nhầm lẫn Thượng tọa bộ với Trưởng lão bộ.
– Phái Theravāda phát xuất từ Tích Lan, có nguồn gốc từ phái đoàn truyền giáo của Trưởng lão Mahinda và Trưởng lão ni Saṅghanimitta (con trai và con gái vua A-dục), lập cơ sở ở Mahāvihāra (Đại tự hay Đại tịnh xá), rồi sau đó đi sang Myanmar, Thailand, Campuchia và Lào. Các sử gia cũng ghi nhận rằng, nguồn tư liệu có từ kinh điển Pāḷi, các biên niên sử được tìm thấy ở Tích Lan thời đại đế Asoka là nguồn tư liệu phong phú, đáng tin cậy hơn cả.
Do vậy, chúng ta chẳng có cách gì khác hơn là dựa vào truyền thống Tích Lan để tìm hiểu về các bộ phái đương thời.
I. Thượng tọa bộ (Theravāda)
Hiện nay, kinh điển Pāḷi văn của phái này được phổ biến lan tràn khắp thế giới do giá trị văn học, lịch sử cũng như tư tưởng chính thống được xem là gần gũi nhất so với lời dạy nguyên thủy của đức Phật.
Tam Tạng kinh điển của Theravāda gồm có: Kinh, Luật và Abhidhamma được lưu hành thống nhất ở các quốc độ Tích Lan, Myanmar, Thailand, Lào, Campuchia và Việt Nam. Cũng nhờ bộ Kathavatthu (trong 7 bộ Abhidhamma) của phái này, trong lần kết tập thứ III, do ngài Moggallīputta Tissa chủ trì kết tập, cho ta biết được tình trạng giáo pháp rối ren của các bộ phái thời bấy giờ. Chính Theravāda đã đứng ra phủ bác cả 18 bộ phái có tư tưởng lệch lạc để giữ gìn sự trong sáng cho giáo pháp nguyên thủy.
Tuy nhiên, do thời này còn truyền khẩu, lại còn do sự hòa trộn giáo pháp của các bộ phái nên chúng ta khó tìm ra chân tướng nguyên thủy của Phật ngôn. Ngay Theravāda được xem là chính thống nhưng cũng có nhiều học giả nghi ngờ là xuất thân từ Trưởng lão bộ hay có vay mượn của Hóa địa bộ[1]. Những kết luận như vậy thật là khó xác chứng, nhưng dẫu sao cũng cho chúng ta một cái nhìn khách quan hơn lúc nghiên cứu sử để khỏi bị rơi vào quan kiến cục bộ hoặc tự tôn hệ phái rất nguy hiểm vậy.
Các bộ phái Phật giáo được tách ra từ Thượng tọa bộ[2]; sau đây, cũng trong một chừng mực nào đó khá tương đối. Nó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khái quát hơn là một tư liệu chính xác. Có một điều mà các sử gia đều thừa nhận là những bộ phái này còn giữ được ít nhiều căn bản của giáo pháp truyền thống. Lại nữa, đa phần họ không chấp nhận 5 điều của Mahādeva (Đại Thiên ngũ sự); chỉ Kinh và Luật có sai khác chút ít. Phái nào có người thông bác, biện tài, phân tích ngữ nghĩa sâu sắc thì được truyền bá rộng rãi, có uy tín trong quảng đại quần chúng, nhiều đệ tử, lắm tín đồ, phát triển mạnh. Trái lại thì co cụm dần, suy tàn rồi mất hẳn.
2. Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda)
Phái này gần với Thượng tọa bộ nhất, có một đôi nơi người ta đã lầm tưởng các kinh A-hàm của Nhất thiết hữu bộ tương đồng với các Nikāya của Thượng tọa bộ. Lại còn đôi nơi, ví như André Bareau[3] xem Nhất thiết hữu bộ thuộc phái chính thống. Theo tư liệu này họ nói rằng Nhất thiết hữu bộ được tách ra từ Trưởng lão bộ. Lý do Trưởng lão bộ chú trọng Kinh còn Nhất thiết hữu bộ chú trọng Abhidhamma.
Dẫu thế nào, sau khi Theravāda ra khỏi Ấn Độ, rồi hưng thịnh ở Tích Lan thì Nhất thiết hữu bộ lại phát triển rất mạnh ở Kashmire, Mathura, Sthanesvara, Peshawer, Sravasti.
Mặc dầu Thượng tọa bộ đả phá tư tưởng “nhất thiết hữu” của phái này; nhưng chính họ lại là kẻ đứng đầu để luận chiến với một vài bộ phái của Đại chúng bộ với quan niệm “nhất thiết không”. Nổi bật nhất của phái này là luận sư Thế Thân (Vasubandhu), người viết cuốn Abhidhamma Kosa (A-tì-đạt-ma Câu-xá) để minh định lập trường của Hữu bộ. Luận thư quan trọng này đã đả phá kịch liệt các quan niệm không – những tư tưởng manh nha thời của ông – sau này phát triển cao độ thành tư tưởng của Đại thừa (Mahāyāna) bởi luận sư xuất sắc của họ là Long Thọ (Nāgārjuṇa).
Phái Nhất thiết hữu bộ còn xuất hiện nhiều bậc long tượng khác nữa như ngài Thế Hữu (Vasumitra), Upayutta, Hiếp Tôn giả (Par’sva) đều là những học giả kỳ tài, uyên thâm cả. Lại còn có sử liệu nói rằng, ngài Mã Minh (Aśvaghoṣa)[4] cũng là chân truyền Y Bát của phái này, đã trước tác những soạn phẩm nổi danh như:
– Đại thừa khởi tín luận (Mahāyānas’raddotpada’ śāstrās)[5].
– Phật sở hành tán (Buddhacarata-kavāya).
– Đại trang nghiêm kinh luận (Mahālaṅkāra-sūtra-śāstrās)
Một vài bộ sách của ông, người đương thời đánh giá là ngang hàng với nhiều kiệt tác bất hủ của Ấn Độ như Ramayana của Walmiki và Meghadūta của Raghavamsa…
Thời cực thịnh của Nhất thiết hữu bộ là vào thời vua Kanishka II, nó chiếm ngự vùng Tây Bắc Ấn, Punjab sang tới Java, Malayu…
Trong du ký của Huyền Tráng, vào thế kỷ thứ 7 có ghi nhận vào khoảng 16.000 tu sĩ Hữu bộ sống trong 300 tu viện ở nhiều xứ, nhiều vùng. Trong số ấy, tại Ấn Độ chỉ có khoảng 5.000 tu sĩ sống trong 50 tu viện. Như vậy, là Hữu bộ phát triển rực rỡ ở các xứ Tiểu Á, Trung Á và các nước xứ Tây vực – trên “Con đường tơ lụa”.
Lúc Nghĩa Tịnh sang đây, Hữu bộ vẫn còn phát triển rực rỡ ở Kashmire, Māgadha, Bengal, Gujerat, Malva, Dekkhan, đảo Sonde, Champā và toàn miền nam Trung Quốc.
Tam Tạng kinh điển của Hữu bộ gồm có: Tạng Luật (10 bộ), Tạng Kinh (4 A-hàm – không có Tiểu A-hàm), Tạng Luận (7 bộ – khác với Thượng tọa bộ).
Sau này, tai Ấn Độ còn xuất hiện phái Tân nhất thiết Hữu bộ (Mula-Sarvativāda) nữa và phát triển cũng mạnh. Cả Hữu bộ và Tân Hữu bộ đều sử dụng ngôn ngữ Saṅskrit (có người đề nghi – ban đầu là ngôn ngữ Parkrit).
2. Tuyết sơn bộ (Hemavantavāda)
Rất nhiều sử gia cho rằng Tuyết sơn bộ được tách ra từ Trưởng lão bộ để vào ẩn tu ở Himalaya, không tiếp xúc với bên ngoài. Họ là học phái cực lực lên án “Đại thiên ngũ sự”, chỉ muốn giữ lại nguyên vẹn giáo pháp cổ xưa của đức Phật.
Theo tư liệu của Tích Lan – Dīpavaṃsa (Đảo sử) – thì phái này có mặt sau lần kết tập Phật ngôn lần thứ III dưới thời đại đế Asoka. Thế Hữu (Vasumitra) luận sư của Hữu bộ cũng xác nhận như vậy.
Tuy nhiên, các học giả đi sau đều có vẻ lúng túng, không xác định rõ Tuyết sơn bộ có nền tảng giáo pháp gần với chính thống, gần với Hữu bộ hay có điểm gần giống với Đại chúng bộ?
Tam Tạng của Tuyết sơn bộ không còn giống với Theravāda mà gần giống với Pháp Tạng bộ, nhất là Tạng Luật. Còn Tạng Kinh thì Thế Hữu (Vasumitra) cho là gần giống với Hữu bộ vừa giống với Đại chúng bộ vì những quan điểm sau đây:
– Có thân trung ấm (Antarabhava).
– Vô dư Niết-bàn là thực hữu.
– Ý nghĩa của Niết-bàn là thực hữu.
3. Hóa địa bộ (Mahisāsakavāda)
Học phái này được xem như tách ra từ Trưởng lão bộ gần như đồng thời với Hữu bộ, Tuyết sơn bộ và Độc tử bộ.
Theo tên gọi của phái này thì có nhiều giải thích khác nhau:
– Người cai quản, dạy dỗ và tu chỉnh đất (Mahisāsaka).
– Người học tập nhiều (Mahāsāsaka).
– Người có thức ăn của trâu (Mahisāsaka)…
Có người thì cho rằng, giáo chủ phái này là một vị vua, cai trị một lãnh thổ nên được gọi là “cai quản đất” (Mahisasaka); sau đó, ông từ bỏ vương vị, xuất gia, đi khắp nơi truyền bá giáo pháp. Vì muốn cho lãnh thổ mình cai trị được thấm nhuần chánh pháp nên nhà vua được mọi người gọi là “người chỉnh hóa đất” (Hóa địa)
Chân Đế (Paramattha) lại nói vị sáng lập Hóa địa bộ là một Bà-la-môn cải đạo, đã tô điểm văn học Phật giáo bằng văn phong Vệ-đà và văn phạm Saṅskrit.
Phái này rất gần với Thượng tọa bộ. Dưới thời Đại đế Asoka, Hóa địa bộ sống trong vùng đồng bằng Narbada cạnh người của Thượng tọa bộ (trước khi chưa có phân biệt). Ngoài ra, tại Tích Lan, Pháp Hiển lại tìm thấy Tạng Luật của Hóa địa bộ.
Hiện tại, Tạng Luật của Hóa địa bộ được dịch ra Hán tạng, rất gần giống với Luật Pāḷi của Theravāda. Về Kinh, họ cũng có 5 bộ A-hàm, nhưng lạ lùng là không có Tạng Abhidhamma. Thế Hữu có biết đến Hóa địa bộ miền Bắc, và Phật Âm (Buddhaghosa) thì biết đến Hóa địa bộ miền Nam. Và giáo thuyết của họ gần giống với Theravāda, lại còn có vẻ cổ xưa hơn. Người ta còn tìm thấy họ có những điểm tư tưởng giống với Hữu bộ:
– Quá khứ và vị lai đều thực hữu.
– Có thân trung ấm.
– Chỉ có ý nghiệp (cetanā – tư tác), không có thân nghiệp và ngữ nghiệp…
Phái này khá hưng thịnh tại các xứ Avantī, Vānavasī, Mahisamandala, Kerala và lan sang tận Tích Lan.
4. Ẩm quang bộ (Kassapapikavāda)
Phái này rất gần với Theravāda, ra đời từ sau lần kết tập Phật ngôn vào cuối thế kỷ III sau Phật Niết-bàn.
Theo Đại Tạng Kinh Nhật Bản và tư liệu của Rhyds David thì người sáng lập ra phái này chính là Trưởng lão Kassapagotta mà ngài Moggallīputta Tissa cử đi truyền giáo trong khu vực Himalaya sau lần kết tập thứ III. Vài nhà nghiên cứu cũng xác nhận điều này.
Về Tam Tạng, thì Kinh và Abhidhamma của Ẩm quang bộ rất gần giống với Pháp tạng bộ, còn Luật thì rất gần với Tuyết sơn bộ.
Phái này không phát triển được. Vào khoảng thế kỷ 7-8, Huyền Tráng và Nghĩa Tịnh sang đây thấy họ đã suy tàn, một số hậu duệ của họ đã sáp nhập vào các chi phái của Đại thừa ở Uddiyana, Kharachar và Khotan…
5. Kinh lượng bộ (Sotratikavāda, Suttantikavāda, Suttavāda)
Theo các tư liệu Saṅskrit thì phái này đi ra từ Nhất thiết hữu bộ. Các tư liệu Pāḷi thì bảo họ bắt nguồn từ Ẩm quang bộ.
Theo các tư liệu miền Kashmire thì đây là phái cuối cùng trong số các học phái cổ xưa nhất được tìm thấy vào thế kỷ thứ 4 sau Phật Niết-bàn.
Vì họ chuyên trì Kinh nên người ta gọi là Kinh lượng bộ (Sotratika-Sautrantika); và vì học phái này quan niệm 5 uẩn đều chuyển trú từ thân này sang thân khác, nên còn có tên là “thuyết chuyển trú” (Sankranti).
Đạo Sư của phái này có người nói là Ānanda (họ tôn xưng ngài làm tổ), có người nói là Utara – là vị sáng lập sau khi ly khai với Hữu bộ.
Ngài Huyền Tráng khi sang đây, ở Srughna, gần Sthanesvara đã theo học một năm với vị Trưởng lão của Kinh lượng bộ. Ngoài ra, các sử liệu đều không rõ biết sự thịnh suy và các trú xứ của phái này.
6. Độc tử bộ (Vajjiputtavāda)
Theo tư liệu Tích Lan thì đúng như tên gọi, gốc tích của phái này rõ ràng là từ nhóm tỳ-kheo xứ Bạt-kỳ (Vajji) tách ra trong lần kết tập Phật ngôn lần II do thọ trì 10 điều sai phạm về giới luật. Vì bất đồng quan điểm nên họ chủ trương chỉ kế thừa Abhidhamma của tôn giả Sāriputta rồi giải thích, bổ sung thêm một số tư tưởng phóng khoáng hơn.
Độc tử bộ chia Abhidhamma ra làm 5 thời: Quá khứ, hiện tại, vị lai (thuộc hữu vi pháp), vô vi (vô vi pháp) và bất khả thuyết. Tư tưởng “bất khả thuyết” này dễ rơi vào “bản thể luận” hoặc “duy tâm siêu hình”.
Theo tư liệu khác – Saṅskrit, Độc tử bộ là lấy tên vị Đạo Sư sáng lập môn phái, ông là một Bà-la-môn có tên là Vatsīputra (Vatsa: Độc tử) – nên gọi phái này là Vatsīputiya; do vậy, tư tưởng của họ về “thực ngã, tự ngã” chính là quan điểm của Bà-la-môn giáo; một vài quan điểm khác lại tương tợ Kỳ-na và Ấn Độ giáo sau này.
Họ có phát triển mạnh một thời gian, lập cước ở Māgadha, qua miền Tây Ấn sau lan xuống cả Tích Lan – mặc dầu rất nhiều bộ phái xem họ như ngoại đạo.
7. Pháp tạng bộ (Dhammaguptavāda)
Phái này tách ra khỏi Hóa địa bộ chỉ do một điểm khác biệt đơn giản thôi, đó là: Cúng dường Phật và Tăng, ở đâu có công đức, phước báu nhiều hơn? Pháp tạng bộ bảo là Phật, Hóa địa bộ nói là Tăng.
Theo tư liệu Pāḷi và cả Saṅskrit thì phái này vừa ảnh hưởng Hữu bộ vừa ảnh hưởng Hóa địa bộ.
Tổ sư của phái này, do bởi tên gọi, người ta đề nghi là Trưởng lão Dhammagupta. Theo học giả Suzuki, vị trưởng lão này người Hy Lạp nên người ta gọi là Yonakadhammarakkhita (Yonaka là chỉ dân Hy Lạp), chính là đệ tử của trưởng lão Moggallīputta Tissa, cử đi hoằng pháp tại xứ Aparanta (Bombay ngày nay).
Cũng bởi nghĩa của tên: Dhammarakkhita hay Dharmagupta – đều có nghĩa là “giữ gìn Pháp, hộ trì Pháp” – mà các tư liệu còn tồn nghi là tên của một vài vị nổi danh vào thế kỷ 5, 6 hay 7… khá phức tạp. Và ngay thầy của ngài, Trưởng lão Moggallīputta Tissa, chủ tọa kết tập Phật ngôn lần thứ III, mà một vài học giả lại lầm với ngài Moggallāna thời đức Phật; rồi bảo là vì vậy mà phái này chú trọng pháp thuật!
Pháp tạng bộ ban đầu chỉ có ba Tạng, sau họ phát triển dần thành 5 Tạng: Kinh, Luật, Abhidhamma, Đà-la-ni Tạng và Bồ-tát tạng. Sau này, Mật tông ảnh hưởng Đà-la-ni tạng; và lý tưởng Bồ-tát của Đại thừa ảnh hưởng Bồ-tát tạng của phái này.
Căn cứ địa của Pháp tạng bộ có thể là vùng Khương Cư (Sogdian), An Tức (Parthia) và Kế Tân (Kashmire).
8. Mật lâm sơn bộ (Sannagarikavāda)
Nhiều học giả cho rằng phái này được đi ra từ Độc tử bộ, chuyên nghiên cứu Abhidhamma, cụ thể là Sāriputtabhidhamma (Thắng pháp Xá-lợi-phất) hay Dhammalakkhaṇabhidhamma (Pháp tướng A-tì-đàm).
Dị bộ tông luận của Bắc truyền thì nói rằng, vì giải thích một câu kệ với lý nghĩa khác nhau mà Độc tử bộ phải phân chia thành 4 phái: Mật lâm sơn bộ, Chính lượng bộ, Hiền trụ bộ và Pháp thượng bộ.
Về tên của học phái, vì có chữ Sanna, Sanda (sâu, dày) và Giri (rừng, núi) nên người ta cho là họ ở ẩn trong rừng sâu, rừng rậm nên y cứ trú xứ mà đặt tên cho bộ phái.
9. Chính lượng bộ (Sammatīyavāda)
Học phái này cũng đi ra từ Độc tử bộ sau lần kết tập kinh điển lần III, cũng do sự tranh cãi từ một câu kệ mà ra.
Theo Thế Hữu (Vasumitra) và Khuy Cơ, câu kệ ấy tương ưng 4 quả vị và 6 hạng người sau đây:
– Hạng Dự Lưu: Đã giải thoát được các tham muốn liên hệ cõi dục.
– Hạng hướng đến quả vị thứ hai: Còn đi từ “gia tộc” này sang “gia tộc” khác – tức là sau quả Dự Lưu.
– Hạng thứ ba: Người đạt quả Nhất Lai.
– Hạng thứ tư: Chỉ người còn ở giai đoạn trung gian giữa Nhất Lai và Bất Lai.
– Hạng thứ năm: Không còn trở lại đời này nữa, gọi là Bất Lai.
– Hạng thứ sáu: A-la-hán.
Do người ta không đồng ý với nhau ở các hạng người và các cấp độ – nên họ phân thành 4 phái với 4 cách hiểu khác nhau.
Vào khoảng thế kỷ VII, phái này phát triển rực rỡ bởi có những pháp nghĩa rất sâu sắc.
Năm 423, lúc Phật Âm (Buddhaghosa) sang Tích Lan để dịch Tam Tạng chú giải ngôn ngữ Tích Lan sang Pāḷi thì tại Ấn Độ – Chính lượng bộ đang phát triển mạnh, đã lấn át tất cả các học phái khác – kể cả Độc tử bộ (phái mẹ) và Hữu bộ (phái chiếm ưu thế nhiều thời đại).
Huyền Tráng bảo rằng, các thung lũng lớn nhỏ thuộc lưu vực sông Hằng, họ có 12.000 tu sĩ sống trong 80 tu viện. Ở hạ lưu sông Hằng, họ có 5.000 tu sĩ sống trong 15 tu viện. Ở vùng Malava, họ có 20.000 tu sĩ sống trong 100 tu viện. Ở vùng Valabhi, họ có 6.000 tu sĩ sống trong 100 tu viện. Và tại đồng bằng sông Indus, họ có 20.000 tu sĩ sống trong 100 tu viện. Theo đúc kết của nhà du ký – thì nếu Tăng sĩ Ấn Độ có chừng 220.000 tu sĩ thì Chính lượng bộ đã chiếm hết 60.000.
Nghĩa Tịnh đến Ấn Độ sau đó cũng xác nhận là Chính lượng bộ rất mạnh, họ phát đạt nhất so với những học phái khác. Họ chiếm cứ Māgadha, miền đông Ấn, đông nhất là ở Lāta và Sindhu miền Tây Ấn. Ở Nam Ấn, họ có số lượng ít hơn; và không có mặt ở Tích Lan và Bắc Ấn. Họ còn chiếm ưu thế ở Champā.
Cũng theo Nghĩa Tịnh, ba Tạng giáo điển của Chính lượng bộ có khoảng 200.000 bài tụng. Do giáo nghĩa sâu sắc nên từ vua chúa, quí tộc, xứ nào, vùng nào cũng sùng mộ họ một cách đặc biệt. Chính lượng bộ có hai phái – gọi tên theo địa danh. Một phái thì mất dạng ở cuối thế kỷ thứ 7; một phái thì còn tồn tại đến thế kỷ 9 – 10, rồi dần dần bị ảnh hưởng bởi các học phái Đại thừa.
10. Hiền trụ bộ (Bhadrayaniyavāda)
Học phái này cũng đi ra từ Độc tử bộ. Họ cũng thọ trì Abhidhamma, thuộc nhóm trú xứ ở rừng sâu, có thể là vùng rừng núi Nasik và Kamheri ở Bombay.
Rất ít tư liệu nhắc đến bộ phái này vì có lẽ họ không được phát triển. Họ kiến giải câu kệ khác với những phái trên, ví dụ, hạng cuối họ cho là bậc Chánh Đẳng Giác.
11. Pháp thượng bộ (Dhammamotriyavāda)
Đây cũng là phái ẩn tu trong núi lớn, rừng rậm và cũng đi ra từ Độc tử bộ do bất đồng tri kiến tư một câu kệ (đã dẫn).
Tên học phái lấy tên của vị Trưởng lão sáng lập là Dhammamottara, nguyên là một luật sư uy tín.
Các tư liệu biết rất ít về học phái này, người ta thấy họ có mặt ở Karle và Soparaka, gần Bombay.
Tóm lại, như vậy là có 11 học phái được đi ra từ Trưởng lão bộ hay Thượng tọa bộ – nếu gọi cuộc kết tập Phật ngôn thứ III là của Thượng tọa bộ. Ta có thể biểu thị sự phân chia ấy thành họa đồ như sau:
II. Mahāsaṅghikavāda (Đại chúng bộ)
Ban đầu chỉ do bất đồng một vài điểm về giới luật – tương tự như phái Vajji – còn tri kiến thì không khác biệt với phái truyền thống bao nhiêu. Nhưng do dòng nước tách nguồn, tự động phải phân ra nhiều nhánh, các bộ phái cũng vậy, lần hồi đi sâu vào dị biệt tri kiến. Đáng tiếc là, kể từ sau “quả bom Đại thiên ngũ sự” của Mahādeva, sự cách biệt, dị biệt mới bắt đầu đi xa.
Dường như các bộ phái Đại chúng đều chấp thuận quan điểm của Mahādeva, theo đó, quả vị A-la-hán còn giới hạn và thấp thỏi, họ bắt đầu nhiệt tình cổ súy cho “lý tưởng Bồ-tát” vì lý do: “Bồ-tát vừa cao cả hơn A-la-hán lại khỏi bị gò bó trong luật nghi của Tỳ-khưu”. Họ nhiệt tình bênh vực cho quan điểm của mình nên sẵn sàng sửa đổi giới luật cho hợp với chủ thuyết của mình. Không dừng lại ở đó, họ còn tận tụy sắp xếp lại Kinh, Luật và luận giải chúng một cách thông minh và bài bản. Còn nữa, họ viết thêm một số kinh mới và cho rằng, đấy chính là lời Phật dạy!
Đi xa hơn nữa, họ bắt đầu bác bỏ một số Kinh và Luật trong lần kết tập thứ I và thứ II mà, họ bảo là không do Phật thuyết: Parivara (là phụ chú của Luật tạng) một phần Jataka, một phần của Abhidhamma; còn Patisaṃbhida, Niddesa… họ loại hẳn.
Vì những lý do đó nên họ kết tập lại Tam Tạng. Bộ kết tập này của Đại chúng bộ được mang tên là A-xà-lê bộ (Acariyavāda) để phân biệt với Thượng tọa bộ, bằng ngôn ngữ Saṅskrit pha lẫn Prākrit (?). Thời Huyền Tráng sang đây, Đại chúng bộ đã có một giáo điển cho riêng họ, gồm 5 tạng: Kinh, Luật, Abhidhamma, Đà-la-ni tạng (Dhāranī) và Tạp tạng.
Nói chung, Đại chúng bộ cũng còn giữ lại những giáo lý tinh yếu như Thượng tọa bộ, đó là: Tứ đế, bát chánh đạo, vô ngã, nghiệp báo, 12 nhân duyên…cũng như các giai đoạn chứng đắc đạo quả. Nổi bật khác biệt với Thượng tọa bộ, là:
– Xiển dương lý tưởng Bồ-tát.
– Biến Đức Phật Thích-ca lịch sử thành hiện thân của Đấng Siêu Việt, oai lực vô biên, vô lượng gần với Thượng đế.
– Phần triển khai bản thể của tâm, họ rơi vào thường kiến hoặc triết lý duy tâm của trường phái Du-già (Yogacara).
Khái quát chung là vậy nhưng Đại chúng bộ vẫn có những bất đồng về Kinh, Luật, Abhidhamma nên họ cũng chia ra nhiều hệ phái.
1. Nhất thuyết bộ (Ekavayahārikavāda)
Học phái này từ nội bộ Đại chúng mà đi ra, thời gian chừng cuối thế kỷ thứ II PL.
Nhất thuyết bộ đã có sự tranh cãi với Đại chúng bộ về tính chân thực của các pháp. Họ bảo rằng: “Tuyệt đối cũng chỉ là khái niệm giả danh, không thực hữu”. Theo họ: “Pháp thế gian (tại thế) và pháp xuất thế gian (siêu thế), chỉ khác nhau tên gọi; nhưng nó giống nhau vì cùng một tính chất bản thể; nói cách khác, chúng đều ở trong một “thực tại nhất nguyên”. Do vậy, tất cả pháp chỉ cần áp dụng một thi thiết chung, một giả thi thiết để “duy nhất lập thuyết”.
Từ kiến giải ấy – họ lấy tên cho học phái là “Nhất thuyết!”.
Có vài học giả cho đây chính là nền tảng “vô bản thể” để các nhà đại thừa sau này lập nên thuyết “tính không”. Đấy chỉ là quan điểm, kiến giải – đúng, sai không biết, nhưng rõ ràng, bắt đầu từ đây, họ lý luận, họ luận suy “thực tại” tương tợ năm người mù sờ voi vậy. Ai cũng hay, ai cũng giỏi trong lập biện của mình!
2. Thuyết xuất thế bộ (Lokuttaravāda)
Học phái này cũng từ nội bộ Đại chúng mà đi ra do bất đồng một số quan điểm. Không những họ tranh cãi một số với Đại chúng bộ, mà còn có quan kiến sai khác với Nhất thuyết bộ. Họ nói: “Đồng ý pháp thế gian (tại thế, tục đế) là hư ngụy, giả lập, rỗng không, phi thực tánh; nhưng các pháp xuất thế gian (siêu thế, chân đế) thì chúng là chân thể, là thực tánh”. Từ đó, họ phê phán Tứ đế: “Hai đế khổ, tập là sai, là giả, không phải thực; chỉ có hai đế diệt và đạo là đúng và chân thực”.
Từ luận điểm này, họ lấy tên học phái là “Xuất thế”.
Phái này cũng có quan điểm tương tợ các học phái của Đại chúng:
– Phật siêu việt trần thế.
– Phật nói đều là thực nghĩa, yếu nghĩa.
– Sắc thân, thọ mạng, quyền năng của Phật đều vô lượng
– Phật là bản thể nền tảng…
3. Kê dẫn bộ (Gokulikavāda)
Bộ phái này coi Kinh và Luật là pháp phương tiện, chỉ có Abhidhamma mới là chân Phật giáo.
Các vị khai tổ và hậu duệ của phái này vốn xuất thân từ Bà-la-môn, sau khi tu theo Phật giáo, cảm thấy thích thú tạng Abhidhamma nên tự động tách riêng. Vì quan niệm thoải mái Kinh và Luật chỉ là phương tiện nên họ “tùy nghi che thân”, mặc gì cũng được, “tùy nghi ăn uống”, ăn uống lúc nào cũng được, “tùy nghi trú ngụ”, ở đâu cũng được. Và, “kết giới hay không kết giới cũng được”. Tất cả chúng đều là không tánh. Vấn đề của họ là tu làm sao để mau thành Phật (tư tưởng đốn ngộ) chứ đừng để ý ba lăng nhăng những hình thức tiểu tiết… Họ sinh hoạt tự do, không nệ giáo điều. Ở Ấn Độ đương thời, phái này nổi tiếng nhờ tư tưởng mới, tiến bộ, cách mạng!
4. Đa văn bộ (Bahussutivāda)
Tuy phát xuất từ Đại chúng bộ nhưng có một quan điểm tri kiến khác với phái gốc, là: Vô thường, khổ, không (vô ngã) và Niết-bàn đều là pháp siêu thế.
Bộ luận chủ yếu của phái này là Thành thật luận của Harivarman (Ha-ly-bạt-ma), phát triển tư tưởng Nhân vô ngã, Pháp vô ngã[6]. Ông cũng giải thích lại Abhidhamma, cũng dựa vào chân lý quy ước (sammuti-sacca) và chân lý tuyệt đối (paramattha-sacca); nhưng phần phân chia các yếu tố tâm, tâm sở, sắc pháp có khác với phái Thượng tọa bộ. Ông cũng tin vào thuyết Phật thân và Pháp thân (Buddhakāya và Dhammakāya) vì ở đấy có Giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến..
5. Thuyết giả bộ – Thi thiết bộ (Paññattivāda)
Theo ngữ nghĩa mà lập phái. Tương truyền bộ phái này được hình thành bởi một nhóm đệ tử của trưởng lão Mahākaccāyana (Ma-ha-ca-chiên-diên).
Ngay như tên gọi “paññatti-khái niệm” nên bộ phái này còn có tên là “Thi thiết luận bộ”. Họ chủ trương rằng, khái niệm chỉ để gọi tên cái thực, chụp bắt cái thực; nên khái niệm là “giả”; cái thực mới là “chân”. Tư tưởng ban đầu đúng với truyền thống Thượng tọa bộ; nhưng sau này họ đi xa hơn khi phân tích hai mặt “giả và chân”, cái chân này lại rơi vào cái tròng của bản thể luận[7].
6. Chế đa sơn bộ (Cetiyagirivāda)
Do Mahādeva (một Đại Thiên khác) sáng lập cuối thế kỷ thứ II, sau Phật Nhập diệt. Là một tu sĩ khổ hạnh, thông thái, xuất gia theo Đại chúng bộ, sau lập ra Chế đa sơn bộ. Vì sống trên một ngọn núi có bảo tháp thờ Xá-lợi Phật – nên lấy Cetiya đặt tên phái. Chính bộ phái này sinh ra Tây sơn trụ bộ (Aparaseliya) và Bắc sơn trụ bộ (Uttaraseliya).
Nói chung, họ theo tư tưởng Đại chúng bộ, nhưng có những quan kiến riêng:
– Xây dựng bảo tháp thờ Xá-lợi có công đức lớn (kể cả trang hoàng, cung kính, cúng dường hoa hương hay chỉ đi quanh bảo tháp).
– Có phước sự gì thì hồi hướng cho ân nhân, cha mẹ , quyến thuộc.
– Đức Phật là đấng quyền năng siêu việt vì có thập lực.
Phái này cũng do tranh luận “Đại thiên ngũ sự”, bất đồng ý kiến về chỗ nào đúng, chỗ nào sai mà phân thành hai phái khác nữa như đã đề cập ở trên.
Cả trong Kathāvatthu và nhiều sử liệu khác, có đề cập đến những bộ phái khác nữa, họ đã góp mặt vào khu vườn trăm hoa tư tưởng không phải ít.
7. Phái Andhakāvāda
Đây là tên một xứ sở, ở đó phát triển khá mạnh cả bốn bộ phái: Pubbaseliya, Aparaseliya, Rājagiriyavāda, Siddatthikavāda. Nội dung giáo lý đan xen khá phức tạp. Tư tưởng phát triển tha hồ nẩy nở, đôi điểm đi khá xa với truyền thống.
8. Phái Uttarapathavāda
Trường phái này thịnh hành ở phía Bắc và các quốc gia Tây Bắc (bao gồm cả Afghanistan), đề xướng thuyết “chân như” (thatāgata), sau này trở thành quan điểm của Đại thừa. Đặc biệt, họ thần thánh hóa đức Phật – cũng là chủ trương của Đại thừa sau này – đến nổi họ cho rằng, chất thải của Ngài cũng thơm tho.
9. Phái Vetulyakavāda
Họ cho rằng đức Phật và Tăng-già chỉ là khái niệm trừu tượng, không có tồn tại trong thực tế. Đã vậy, họ lại còn nói tu sĩ có thể quan hệ tình dục mà không có vấn đề gì (không biết có ảnh hưởng gì đến Mật tông tả phái sau này không).
10. Phái Hetavadinvāda
Bộ phái này có thể nằm riêng hoặc đồng nhất với Nhất thuyết hữu bộ. Quan điểm của phái này cho rằng người thế tục không thể có tuệ giác, và, sự an lạc có thể trao từ người này sang người kia.
Cuối cùng, còn phái Vajiriya, nằm trong Đại chúng bộ nhưng không có tư liệu.
Trong bài tường thuật của Huyền Tráng và Nghĩa Tịnh sau này, nói rằng, Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ sinh hoạt đôi chỗ độc lập, đôi chỗ đan xen, thậm chí có nhiều tu sĩ thuộc nhiều bộ phái cùng ở chung trong một tu viện. Đến đây, ta có thể kết luân rằng: Có một hệ Theravāda phát triển lên miền Bắc Ấn, lẫn lộn với 18-20 bộ phái khác. Riêng nhánh Theravāda của trưởng lão Mahinda xuống Srilaṅca thì phát triển độc lập, có lẽ là còn nguyên vẹn với chính thống hơn.
Tóm lại, các bộ phái của Đại chúng bộ, gồm có:
[1] Tạng Luật của Theravāda rất giống với Hóa địa bộ (Mahisasakavāda).
[2] Đây là Trưởng lão bộ tại Ấn Độ mà người ta hay gộp chung với Thượng tọa bộ và lưu ý rằng, Trưởng lão bộ ở Ấn Độ đã bị đồng hóa hoặc bị xen tạp với các hệ phái khác.
[3] Xem “ Các bộ phái Phật giáo tiểu thừa” của André Bareau – Pháp Hiển dịch – NXB Tôn giáo, năm 2003.
[4] Có nơi kê khai có 6 Mã Minh cả thảy!
[5] Nếu có tác phẩm này thì không phải là Mã Minh của Hữu bộ.
[6] Điểm lập cước của các nhà Đại thừa sau này.
[7] Tư tưởng giả và chân này đến thời “Khởi tín luận” đã trở thành thế giới quan của Đại thừa với hai mặt chân, vọng (Lịch sử PG thế giới của pháp sư Thánh Nghiêm).