Minh Đức Triều Tâm Ảnh: Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ
Phật Giáo Ấn Độ Qua Các Thời Đại Kế Tiếp
Tổng Quan Sử Phật Giáo Thế Giới
Bối Cảnh Văn Hóa, Tín Ngưỡng Ấn Độ Thời Tiền Đức Phật
Đức Phật Xuất Hiện (623 Tr. Cn)
Tình Hình Phật Giáo Sau Khi Đức Phật Nhập Diệt
Phật Giáo Thời Đại Đế Asoka
Các Bộ Phái Đương Thời
Phật Giáo Ấn Độ Qua Các Thời Đại Kế Tiếp
Các Vị Luận Sư Ấn Độ
Phật Giáo Ấn Độ Suy Tàn
Phật Giáo Ấn Độ Thời Phục Hưng
Phật giáo thời đại đế Asoka phát triển rực rỡ như vậy nhưng không mấy chốc cũng lụi tàn, kéo theo nhiều biến động, cũng thịnh, cũng suy như là cái gì tất yếu vào các thời đại đi sau.
1. Vương triều Khổng Tước (Moriya) sụp đổ, triều đại Suṅga lên ngôi
Đại đế Asoka băng hà, vương quyền trao lại cho hai người cháu trai là ông hoàng Sampadi và ông hoàng Dasarathi, một cai trị Đông Ấn, một cai trị Tây Ấn. Vốn trước đây cả hai đều bực mình vì ông nội đã sùng mộ Phật giáo thái quá nên họ tìm cách triệt hạ Phật giáo, gây khó khăn cho Tăng chúng không phải ít. Họ thuộc giáo phái Nigaṅtha nên tìm cách xây chùa, lập tịnh xá cho phái tà mạng ngoại đạo này.
Có vị quan đại thần là Bà-la-môn Pussamitta trước đây phục vụ cho đức vua Dasarathi, dựa thế lực quân đội lật đổ vương quyền Moriya lập nên hoàng triều Suṅga, vào năm 358 Phật lịch.
Vốn Bà-la-môn xuất thân, Vua Pussamitta dùng một vị Bà-la-môn làm quốc sư, tìm cách phục hồi lại Bà-la-môn giáo; và phục hồi lại những gì mà trước đây pháp luật của Asoka cấm chế, kể cả các hình thức tế lễ, thờ thần lửa và giết hại súc vật.
Theo “A Dục vương truyện” và “Xá-lợi-phất vấn kinh” của Bắc truyền – đề nghi là Nhất thiết hữu bộ – có nói với đại ý rằng:
“- Ông vua triều đại Huân-Ca (Suṅga) muốn danh tiếng của mình ngang bằng Asoka nên cái gì Asoka dựng lên thì ông đập phá. Do vậy, y đã hủy tháp, diệt pháp, tàn hại tứ chúng. Có những cuộc tàn sát tập thể tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, sa-di, sa-di-ni, bất kể già trẻ, máu chảy thành sông… Đốt phá 800 ngôi chùa. Các vị sư hoặc tín chủ trung kiên, bất khuất thì bị họ giam cầm đánh đập. Đã có 500 vị A-la-hán trốn về phương Nam nên tránh họa sát thân”.
Đấy là chuyện ở Pāṭaliputta (Hoa Thị Thành).
Sau đây là ở Ca-thấp-di-la mà “Đại-tỳ-bà-sa luận” chép lại:
“- Xưa có ông vua Bà-la-môn tên là Bổ-sa-hữu (Pussamitta) căm ghét Phật pháp, đốt kinh, hủy tháp, phá Tăng-già, hại bật-xô (Bhikkhu) chúng. Chỉ riêng trong nước Ca-thấp-di-la đã có 500 Tăng-già-lam (chùa) bị phá, chưa nói nơi khác”.
Các triều đại vua kế tiếp của hoàng triều Suṅga đều là những vị vua khét tiếng hung ác, tàn bạo. Với Phật giáo thì tìm cách tiêu diệt, với dân chúng thì cai trị bởi một chính sách hà khắc, với súc vật thì giết hại bằng những hình thức rất dã man để cúng tế, để ăn uống, tiệc tùng, vui chơi… Hoàng triều kéo dài được 10 đời, tồn tại được 112 năm (185 – 74 trước TL).
2. Triều đại Suṅga sụp đổ, hoàng triều Kānava đăng cơ.
Đến vị vua cuối cùng là Devabhūmi, có lẽ là do không còn chịu đựng được nữa chính sách hà khắc, cay nghiệt, dã man của triều đại Suṅga, một người Bà-la-môn khác tên là Vāsudeva nổi lên cướp ngôi, lập nên hoàng triều Kānava. Triều đại này có vẻ cũng trời yên, biển lặng nhưng cũng chỉ kéo dài được 45 năm thì mất. Đức vua Sirimukkha – xứ của Phật giáo – kéo quân về đánh chiếm Māgadha, tính theo Phật lịch là khoảng năm 516.
Điểm cần lưu ý là vào các thời đại này, Phật giáo đã lụi tàn, không phát triển ở nước Māgadha cùng các xứ Đông Ấn, do pháp nạn. Nhưng có ba nơi phát triển mạnh. Có lẽ là nhờ một số chư Tăng khá lớn trốn khỏi Māgadha lên miền Tây Ấn, Tây Bắc Ấn và Nam Ấn để hoằng pháp:
– Tại kinh đô Amaravatī của nước Andhara, Theravāda phát triển mạnh, có rất nhiều chùa tháp và Tăng lữ. Còn Mahāsaṅghika chiếm ngự các vùng Pallava, Cola, Paṇdaya, Karasa. Để đánh giá thời kỳ Phật giáo vàng son ở đây, các sử gia thường gọi là: “Phật giáo thời Amaravatī”. Thời này phát triển chùa, tháp, tượng… nổi tiếng mà nghệ thuật kiến trúc mang đậm dấu ấn Hy Lạp – Ấn Độ nên các sử gia thường gọi là “kiến trúc thời Amaravatī”.
Điều đáng nói ở đây là chư Tăng thủ đô Amaravatī đa phần là Theravāda nhưng các vị sư đã tham gia tích cực những công tác xã hội như làm y sĩ, thầy giáo, cứu tế, chẩn bần… đã gieo những đóa hoa trí tuệ và từ bi vô cùng dịu dàng và nhân ái.
– Nhất thiết hữu bộ đâm rễ, nẩy cành sum suê ở miền Tây Bắc xa xôi. Còn Đại chúng bộ thì sau này cực thịnh ở miền Nam Ấn.
Trong cuộc hoằng pháp khó khăn, gian khổ kèm theo những biến động thời cuộc, đôi khi nguy hại đến chính bản thân – các thế hệ của Như Lai sứ giả vẫn âm thầm, lặng lẽ lên đường với đôi mắt sáng ngời hạnh nguyện ba-la-mật. Có lẽ đã xảy ra hàng trăm, hàng ngàn cuộc tranh luận, lý giải giáo pháp trước hằng chục bộ phái ngoại giáo cả bên trong và bên ngoài truyền thống Vệ-đà. Tam Tạng kinh điển lúc này của Theravāda và Mahāsaṅghika đã qua kỳ kết tập thứ III, đôi nơi manh nha đã có chữ viết nhưng chắc còn giới hạn. Trước sự tranh biện được thua, muốn giữ nguyên vẹn giáo lý chính thống tưởng không phải dễ. Sự lai tạp đan xen nhau giữa các bộ phái, đôi chỗ lẫn lộn ngoại giáo là điều nhất định phải xảy ra. Ký ức, trí nhớ để lập biện đâu phải là vũ khí khả toàn.
Thời Amaravatī thịnh rồi lại suy. Các miền Phật giáo có căn cứ địa vững chắc như Nam Ấn, Tây Bắc Ấn sau đó cũng chiến tranh xảy ra, rồi lại phải thiên di sang xứ khác.
3. Phật giáo vào thời Hy Lạp chiếm Ấn Độ
Cuộc kết tập thứ III xẩy ra thì vùng Tây Bắc Ấn đã đi qua nhiều triều đại. Dấu ấn đậm nhất là sự xuất hiện của đức vua Milinda, người Hy Lạp. Ông vốn là viên thống tướng được A-lịch-sơn Đại đế cử ở lại để cai trị thuộc địa. Quốc độ của vua Milinda bao quanh thượng lưu sông Gaṅgā, lên đến Tây Bắc giáp ranh giới Hy Lạp. Ông đóng đô tại Sācala, một địa danh trù phú nơi tiếp giáp 5 con sông (Ngũ Hà) lớn.
Cuộc đời của vị vua này thật ly kỳ. Vương quyền, địa vị không làm ông thỏa mãn, ông nghiên cứu đủ loại triết học đương thời – các giáo phái trong và ngoài truyền thống Vệ-đà, cả những bộ phái thuộc Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ – nhưng ông vẫn chưa tìm ra ý nghĩa tối hậu của cuộc sống. Những hoài nghi của đức vua sau được tỳ-kheo Nāgasena giải đáp một cách gãy gọn và súc tích, được người đời sau chép lại thành tựa sách Milindapañha (Mi-lan-đà sở vấn). Nam hay Bắc truyền đều xem trọng sách này như kinh. Bản lưu truyền Nam tạng gần với truyền thống, rất phong phú nhưng lại hơi dài dòng, rườm rà. Bản lưu truyền Bắc tạng cô đọng, súc tích, mạch lạc nhưng đôi chỗ giải thích hơi sai lạc (Bắc truyền thường lấy tựa đề Na-Tiên tỷ kheo kinh).
Sau khi được đạo Phật “giác ngộ”, ông trở thành một Phật tử và để trọn đời mình hộ trì cho Phật giáo. Dân chúng vùng thượng lưu sông Gaṅgā, Tây Bắc Ấn với thành phần đa sắc tộc của đất Ấn-Hy này, có lẽ là được sống ấm cúng và an bình trong khí hậu văn hóa đạo Phật một thời gian, tuy không lâu lắm, nhưng có lẽ là có chất lượng. Bằng chứng là trưởng lão Yonaka Dhammarakkhita là người Hy Lạp đã đắc quả A-la-hán, sau đại hội kết tập, được trưởng lão Moggallīputta Tissa cử đi truyền giáo ở vùng Aparanta.
Tương truyền, vua Milinda đắc quả A-la-hán, giao vương quyền cho con rồi đi xuất gia. Ông mất trong một ngôi lều nhỏ ở trong rừng, mà xá-lợi của ông đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp trong các thành phố. Vua băng, nước “Đại Hạ” – gọi theo Hán tạng – của ông bị phân liệt thành hai nước, rồi bị một tộc người Mông Cổ đánh chiếm, lập nên triều đại mới cai trị miền đất này. Theo với chiến tranh, có lẽ Phật giáo ở đây cũng suy tàn, bằng chứng là trưởng lão Mahārakkhita, phái đoàn truyền giáo của vua Asoka lãnh trách nhiệm hoằng pháp tại Trung Á, miền bắc Iran mà xưa gọi là xứ Yonaka[1].
4. Phật giáo Ấn Độ dưới thời Mông Cổ
Sau Milinda, Ấn Độ lại xuất hiện một khuôn mặt khác cũng sáng giá không kém trong lịch sử Ấn Độ nói chung và lịch sử Phật giáo nói riêng, đấy là vua Kanishka lập nên vương triều Kushana. Ông là người thuộc bộ tộc Yueh-chi, lúc đầu sống tại một phần đất thuộc Turkestan (nay là Tân Cương).
Vua Kanishka, thường được gọi là Kanishka I, buổi đầu theo đa thần giáo của Hy Lạp, nhưng sau đó lại sùng mộ đạo Phật. Ngài cho đúc tượng Phật và cử người đi truyền bá Phật giáo khắp Châu Á, khoảng năm 485 Phật lịch[2].
Đến đời vua Huvisaka của triều đại này, Phật giáo được tôn sùng đặc biệt. Ông đã cho xây dựng nhiều chùa tháp ở Kashmire, và đẹp nhất là ngôi đại tự Huvisakavihāra. Ông cử các nhà truyền giáo sang tận Trung Hoa, nhằm triều đại nhà Hán, khoảng năm 541 Phật lịch.
Các triều đại kế tiếp, các nhà vua đi sau theo Bà-la-môn nên Phật giáo càng ngày càng xuống dốc. Phải đến thời vua Kanishka II, Phật giáo mới hưng thịnh trở lại, khoảng 653 Phật lịch.
Đôi Nét Đặc Biệt Về Phật Giáo Dưới Thời Hoàng Đế Kanishka II
Triều đại này là một điểm mốc lịch sử quan trọng của Phật giáo Ấn Độ dưới thời Mông Cổ. Nếu như vua A-dục là người có công lớn với đường lối, chính sách lấy Phật giáo làm mẫu mực – thì hoàng đế Kanishka II cũng tích cực ủng hộ Phật giáo một cách triệt để.
Lúc Huyền Tráng sang Ấn Độ, ông đã viết về vị vua này như sau: “Vua ở đâu thì phải có chùa chiền ở đó. Ngài thường xuyên cúng dường tứ sự đến chư Tăng và thường thỉnh các vị trưởng lão của nhiều bộ phái vào hoàng cung thọ thực và thuyết pháp”.
Nhưng Phật giáo lúc này đã bị phân hóa trầm trọng, với quá nhiều bộ phái kiến giải bất đồng, làm cho nhà vua đâm ra hoài nghi. Trong “Tây Vực ký” của Huyền Tráng có kể lại là nhà vua đem tâm sự của mình kể lại với trưởng lão Pārasava (Hiếp Tôn giả) – một vị bác học thuộc Nhất thuyết hữu bộ (Sarvāstivāda). Rồi hai vị đồng tâm quyết định tổ chức một cuộc kết tập Tam Tạng tại xứ Kashmire.
Theo ngài Huyền Tráng thì cuộc kết tập này, trưởng lão Pārasava (Hiếp Tôn giả) làm chủ tọa, và trưởng lão Vasumitra (Thế Hữu) làm phó chủ tọa[3].
Trong kỳ kết tập này, được gọi là cuộc kết tập của phái Nhất thuyết hữu bộ. Theo tài liệu của ngài Thế Thân để lại thì có 500 vị A-la-hán và 500 Bồ-tát tham dự[4]. Thành quả là các vị A-xà-lê kết tập sư của Nhất thuyết hữu bộ đã tạo ra được ba bộ chú giải về Tam Tạng: đó là Luật tạng (Vinayabhāsā), Kinh tạng (Upadesasastra) và Luận tạng (Vibhāsāsastra).
Kết tập xong, mỗi tạng có 10 vạn bài tụng; ba tạng là 30 vạn bài, 660 vạn lời, khắc lên từng tấm bảng đồng bằng ngôn ngữ Saṅskrit.
Vua Kanishka II (Ca-nhị-sắc-ca II) sau đó, cử chư Tăng đi hoằng giáo khắp các xứ Trung Á, phần lớn đều thuộc bộ phái Nhất thuyết hữu. Đây là thời hoàng kim của Phật giáo, không những được hưng thịnh trong nước mà còn phát triển vững chắc ở Trung Á, qua Tây Vực rồi đến Trung Hoa. Người ta đã xem công đức của vua Kanishka II sánh ngang công đức với vua Asoka là vì vậy.
5. Phật giáo Ấn Độ dưới thời hoàng triều Gupta
Vương triều Gupta (Cấp-đa) do Candagupta (Chiên-đà-cấp đa) xây dựng năm 320 sau TL, đóng đô ở Pāṭaliputta (Hoa Thị thành) – thuộc Māgadha (Ma-kiệt-đà).
Các vua thuộc triều đại Gupta đều đi theo đường lối của vua Asoka, tức là giao hảo thân thiện với các nước lân bang, lần lượt thu hồi các vùng đất bị ngoại xâm chiếm đóng, thống nhất toàn cõi Ấn Độ, hàn gắn lại sự đoàn kết của quốc dân đã một thời rạn vỡ.
Điều đặc biệt, các vị vua này đều là tín đồ Bà-la-môn, nhưng đối với Phật giáo – lúc này là 18 bộ phái cả Thượng tọa bộ lẫn Đại chúng bộ – ông cũng dành cho một sự ưu ái đặc biệt. Vua Samudragupta – vị minh quân thứ hai – triển khai sự nghiệp của cha mình, hết lòng giúp đỡ các thành phần trí thức, học giả; quan tâm chăm lo nhiều về mặt kinh tế, xã hội. Các lãnh vực tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật đều được phát triển.
Ngài Pháp Hiển từ Trung Hoa đến Ấn Độ vào thời kỳ này, xác chứng rằng đâu đâu cũng thấy Phật giáo hưng thịnh. Đặc biệt là các xứ Uddhiyana, Gandhāra, Mathurā, Kanauj, Kosala, Māgadha và Taṃralipti. Riêng tại Afghanistan có hơn 3.000 ngôi tịnh xá. Việc xây dựng các tu viện ở Nālanda cũng nhờ sự bảo trợ của hoàng triều này.
Song song với sự hưng thịnh của Phật giáo, Bà-la-môn giáo cũng qua một chuyển biến mới. Hoàng triều Gupta vốn là Bà-la-môn giáo nên chữ Phạn cổ điển được phục hưng, đồng thời với sự phục hưng của các hệ phái Bà-la-môn vốn đã bị chìm khuất từ thời Asoka. Điều cần lưu ý ở đây là, Bà-la-môn giáo tuy phát triển nhưng càng ngày càng biến chất. Niềm tin về thánh thư Vệ-đà đã bị lung lay, họ quay qua thờ các ngẫu tượng sinh thực khí. Họ tán dương vị thần này, hạ bệ vị thần khác. Cũng từ thời đại này mà xuất hiện thuyết hóa thân như Rāma, Krishṇā là hóa thân của thần Viṣṇu. Để lôi kéo Phật giáo về phía mình và cũng nhằm “tự tán, hủy tha”, họ bảo đức Phật là hóa thân thứ chín của thần Viṣṇu. Ngoài ra, họ còn vay mượn, thêm thắt tư tưởng từ nhiều hệ phái – kể cả Phật giáo – để tô điểm cho giáo lý của mình thêm phong phú, rồi họ tự xưng là Ấn giáo.
Từ triều đại này trở đi, các hệ phái thuộc Mahāsaṅghika cũng đạt được đỉnh cao về chùa chiền, Tăng lữ, tín đồ. Bộ phái này cũng dốc sức tranh giành ảnh hưởng với Bà-la-môn. Họ bắt đầu rời xa nội dung giáo lý, nghiên tầm, tĩnh tu – mà đề xướng ra nhiều nghi thức tụng niệm, thờ cúng, cầu nguyện, ỷ lại vào tha lực (một cách cầu nguyện như Bà-la-môn giáo) để lôi kéo quần chúng, tín đồ. Cũng nhờ vậy mà Mahāsaṅghika đã thành công trong việc quảng bá, chiếm được lòng sùng mộ của nhiều người, nhiều xứ.
Khắp Ấn Độ, đâu đâu cũng là dấu tích của những bộ phái – phát triển. Thượng-tọa-bộ dần dần mất ảnh hưởng, chìm khuất ở Ấn Độ, chỉ còn một cứ điểm duy nhất là Bodhi-Gayā[5] quê hương của nhà chú giải Buddhaghosa, và ngài cũng ra đời trong thời này.
Trong khi Bà-la-môn giáo thi nhau xây dựng những công trình kiến trúc tinh xảo, hoành tráng khắp xứ Ấn Độ – thì Phật giáo phát triển cũng không chịu thua: những đền tháp, chùa chiền có giá trị mỹ thuật mọc lên như nấm. Các ngôi chùa tại các thánh tích động tâm cũng ra đời trong thời này. Như vậy, nền nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ đã đi qua ba thời kỳ. Đó là thời Gandhāra, thời Amaravatī và bây giờ là thời Gupta. Nền nghệ thuật Phật giáo thời Gupta là thời đỉnh cao, đã trở thành cái nôi cho mọi nền nghệ thuật khác, ảnh hưởng sang Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia…
6. Phật giáo Ấn Độ dưới thời vua Sīladicca
Vua Sīladicca còn được gọi là hoàng đế Hashāvaddhana, vốn là tín đồ Ấn Độ giáo, sau theo Phật giáo nhưng cũng ủng hộ các giáo phái khác một cách công bằng.
Sīladicca là vị vua vĩ đại cuối cùng của Ấn Độ, vừa đa tài, đa nghệ, vừa có tâm lo cho mọi mặt phát triển của đất nước rộng lớn trong quyền lực cai trị của ông. Mặc dù chỉ ở ngôi được 38 – 41 năm, nhưng nhà vua đã làm được một số việc như sau:
– Theo đường lối của vua Asoka, nhiệt tình ủng hộ Phật giáo cùng các tôn giáo khác. Ngài cho cất đền tháp, chùa chiền, bệnh xá, những cơ sở từ thiện xã hội để cứu giúp những kẻ khốn khó. Ngoài ra, pháp lệnh “không được giết”, chỉ dùng “tam tịnh nhục” của vua Asoka cũng được thấm nhuần trong dân chúng.
– Triệu mời tất cả những bậc thức giả, học giả nổi danh; mong họ đóng góp công sức và tâm huyết cho sự phát triển phồn vinh của đất nước.
– Tổ chức đại hội tôn giáo, bằng cách thỉnh mời tất cả đại biểu của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ-na giáo… đến một địa điểm đã được quy định. Ở đây, họ được quyền tự do và bình đẳng thảo luận với nhau về các quan điểm giáo lý. Có khoảng 20 vị vua từ 20 nước đến tham dự nghị hội nầy.
– Cứ 5 năm một lần, nhà vua tổ chức một cuộc lễ cúng lớn (đại tế đàn), và trong dịp này, vua đem bố thí toàn bộ của cải, tài sản của mình đã tích lũy được suốt trong 5 năm qua (Vào năm 643, ngài Huyền Tráng đến đây, được đức vua Sīladicca mời làm “đàn chủ”). Chính nhờ đại hội tôn giáo và những lần bố thí rộng rãi, không phân biệt của đức vua mà tất cả mọi tôn giáo nối được sợi dây thân ái, đoàn kết. Trong đời mình, nhà vua đã tổ chức được 6 lần đại tế đàn. Cuối đời, nhà vua không còn một chút tài sản nào, mỉm cười nhắm mắt ra đi.
Vua băng, Ấn Độ rơi vào cảnh đen tối, các giáo phái Phật giáo cũng lần lượt suy tàn.
[1] Yona hay Yonaka là chỉ chung người Hy Lạp ( Cả gốc bản địa và thuộc địa).
[2] Trước đó, người Ấn không dám tạc tượng Phật. Việc đúc tượng Phật lần đầu tiên này là do ảnh hưởng nghệ thuật Hy Lạp trong buổi đầu giao lưu văn hóa.
[3] Có nơi bảo Thế Hữu chủ trì cuộc kết tập này.
[4] Tư liệu Tây Tạng nói có thêm 500 học giả nữa.
[5] Đây có một ngôi chùa của Theravāda do vua Meghavanabhaya của Srilaṅca xin vua Samudragupta được xây dựng đẻ cho các sư Srilaṅka ở, đồng thời cũng là chỗ nghỉ chân của Phật tử Srilaṅca khi sang Ấn Độ chiêm bái Phật tích.