Nguyên Giác: Đọc “Zen Poems from Early Vietnam”: Bản dịch Thơ Thiền Lý – Trần

Nhan đề sách là “Thơ Thiền Lý-Trần – Zen Poems From Early Vietnam” (sẽ viết tắt là “Tuyển tập”). Đây là một tuyển tập dịch 30 bài thơ Thiền thời Lý – Trần. Tuyển tập thơ dịch này viết trong ba ngôn ngữ: thơ Thiền thời Lý – Trần viết trong chữ Hán, được chuyển dịch sang tiếng Việt của những năm đầu thế kỷ 21, và rồi được dịch sang tiếng Anh. Tuyển tập thực hiện rất mực công phu, vừa có tính uyên bác của những người nghiên cứu, vừa có nét đẹp thi ca được ghi trong ba ngôn ngữ, và là sự hợp tác thơ mộng của nhà thơ Nguyễn Duy với hai dịch giả nổi tiếng Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen. Cũng hy hữu như thế cho tuyển tập: Lời Tựa (Foreword) của Giáo sư Lê Mạnh Thát nơi các trang 7-12 của sách. Cũng do một duyên kỳ ngộ, người viết trong mấy tuần qua có được một ấn bản sách này, sau khi Tuyển tập đã phát hành từ 17 năm về trước. Sách in năm 2005 với 2.000 ấn bản, sách khổ vuông 10 inches (25,4 centimeters) mỗi chiều, dày 146 trang, bìa dày, giấy có hoa văn, phát hành tại Sài Gòn.

Tuyển tập rất chọn lựa, tất cả những người liên hệ tới sách này đều là những người nổi tiếng trong giới văn học. Tổng cộng là 30 bài thơ sáng tác của những vị cột trụ Thiền Tông Việt Nam như Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Vạn Hạnh, Thường Chiếu… cho tới của một số cư sĩ thấm nhuần ý Thiền của khoảng một thiên niên kỷ trước. Nhìn theo thời gian, tất cả 30 tác giả trong thi tập trải dài từ năm 915 (năm sinh của Thiền sư Pháp Thuận, người có bài thơ đầu Tuyển tập) cho tới năm 1390 (năm từ trần của Trần Nguyên Đán, người thứ 30 trong tuyển tập).

Nếu có ai hỏi, người viết ưa thích bài nào trong tuyển tập, hẳn là không trả lời nổi. Tất cả thơ Thiền thời Lý-Trần có thể nói là từ các bậc đại ngộ, từ những vị đi đứng nằm ngồi đều tương ưng với pháp tánh, đều luôn nhìn thấy lý duyên sinh hiển lộ trước mắt không nhầm lẫn, nên chữ nghĩa chỉ là mượn ngón tay mà chỉ trăng, đời thường nếu thuần vin vào chữ sẽ ngộ nhận.

Riêng bài Lời Tựa của Giáo sư Lê Mạnh Thát cũng là bản tóm tắt, ghi lại một số khám phá cổ sử, trong đó cho thấy Phật Giáo đã tới Việt Nam từ thời các vua Hùng Vương, tức là thế kỷ thứ 2 hay 3 trước Tây lịch, với hai Phật tử đầu tiên rất nổi tiếng: Chử Đồng Tử và Công Chúa Tiên Dung. Nghĩa là, Phật Giáo vào Việt Nam trước khi tới Trung Hoa. Và khi quân Trung Hoa tấn công Việt Nam trong thế kỷ thứ 1, chính các Ni sư đã trở thành các vị tướng tụ tập dân làng đi theo Hai Ba Trưng ra trận, và có khoảng 8 vị Ni sư còn được người dân dựng đền thờ tưởng niệm nơi các tỉnh phía Bắc.

Trong Tuyển tập, sau mỗi bài thơ chữ Hán của cổ đức, là phần dịch nghĩa bằng văn xuôi, rồi dịch thành thơ lục bát, và phần dịch nghĩa và thơ đều được dịch sang tiếng Anh. Do vậy, với 30 bài thơ Hán tự của các Thiền sư Lý-Trần, nhà thơ Nguyễn Duy dịch 18 bài sang thơ lục bát, GS Nguyễn Bá Chung dịch 6 bài sang thơ lục bát, và hai người cùng dịch chung 6 bài còn lại sang thơ lục bát. Tất cả đều ghi lại thành thơ lục bát, nơi tự vần điệu đã có hồn dân tộc. Phần dịch sang tiếng Anh do hai Giáo sư Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen thực hiện. Cả ba vị thực hiện đều là những cổ thụ trong lĩnh vực riêng.

Thơ Thiền để lại cho đời sau đều là những bài pháp tuyệt diệu. Hầu hết đều chỉ thẳng vào các pháp ấn. Đời sau hiểu được sẽ thấy được thực tướng các pháp, từ nơi đó sẽ biết cách an tâm, xa lìa lậu hoặc. Khi trước mắt và bên tai hiển lộ minh bạch lý duyên khởi, tự nhiên không còn bận tâm chuyện Có với Không, chuyện Hữu với Vô, chuyện Sắc với Không, thì tham sân si sẽ rơi rụng y hệt như giấc mộng đêm qua.

Nếu có bạn nào nói, vì không có thì giờ, xin chọn giùm một bài thơ điển hình nào để tu học, thì người viết xin phép dẫn ra bài thơ của Thiền sư ni Diệu Nhân (1041-1113) nơi các trang 46 tới 49 trong Tuyển tập. Bài thơ nhan đề Thị Tịch Kệ, gồm 2 đoạn, mỗi đoạn 4 dòng, và mỗi dòng gồm 4 chữ. Ngài Diệu Nhân cũng là vị Tổ Sư Ni của Thiền Tông Việt Nam. Như thế, bài thơ dài 8 dòng như sau.

Thị Tịch Kệ
Sinh lão bệnh tử
Tự cổ thường nhiên
Dục cần xuất ly
Giải phược thiêm triền
.
Mê chi cầu Phật
Hoặc chi cầu Thiền
Thiền Phật bất cầu
Đỗ khẩu vô nghiên (ngôn).
(Tuyển tập, trang 46)

Nguyễn Duy dịch nghĩa, nơi trang 48, như sau.

Bài Kệ Đọc Lúc Mất
Sinh, già, bệnh, chết
Tự cổ xưa là lẽ thường
Muốn cầu thoát khỏi
Càng cởi trói thì càng buộc thêm
.
Vì mê nên cầu Phật
Vì lầm nên cầu Thiền
Thiền Phật chẳng cầu
Mím miệng ngồi lặng im.

Nguyễn Duy dịch thơ, trang 48, như sau.

Bài Kệ Đọc Lúc Mất
Sinh, già, bệnh, chết… thế thôi
Xưa nay vẫn vậy, lẽ đời tự nhiên
Cầu cho siêu thoát về tiên
Càng cầu càng trói buộc thêm phận người.
.
Vì lầm cầu Phật… thế thôi
Cầu Thiền bởi trót mê lời u mê
Cầu Thiền cầu Phật mà chi
Ngồi im chả nói năng gì là hơn.

Nơi đây, chúng ta lược bỏ phần dịch nghĩa tiếng Anh, chỉ ghi phần dịch thành thơ tiếng Anh do Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung thực hiện, như sau.

Farewell Advice to Disciples
Birth, old age, sickness, death
We can never escape them
The more we fight
the more their nets tangle.
.
In confusion we chase after Buddha
In error we seek the Way of Zen
Seek neither the Way nor the Buddha.
Lips pursed, say nothing.

Nơi đây nghiệm ra, thể thơ 4 chữ đọc như tụng kinh. Khi Nguyễn Duy chuyển thành thơ lục bát, âm điệu trầm bổng hơn, tự nhiên như lời ru tiếng hát trên những cánh đồng quê nhà. Rồi khi dịch sang tiếng Anh, ý Thiền không bị trôi lạc. Rất minh bạch ý Thiền: càng cầu càng xa, càng tìm càng lạc. Trong bài thơ lục bát, có một chữ cần ghi chú: chữ “tiên” không nên hiểu là một cõi nào của Lão Giáo, chỉ nên hiểu theo truyền thống truyện cổ tích Việt Nam: cõi “tiên” là thoát khổ, bởi vì trong truyện cổ tích Việt, trong nhiều truyện, Đức Phật được dân gian hóa để trở thành một Ông Bụt hiền lành, nơi một cõi tiên trên núi hoặc trên mây.

Bài kệ này là lời dạy của Ni sư Diệu Nhân về pháp ấn vô thường. Chúng ta có thể nhớ rằng sinh, già, bệnh, chết là lẽ vô thường. Đức Phật nhiều lần dạy rằng tất cả pháp hữu vi đều vô thường, là khổ, là bất như ý, rằng cần phải thường trực nhìn thấy vô thường đang chảy xiết qua thân tâm mình, còn gọi là nhìn thấy vô thường chảy xiết qua sắc-thọ-tưởng-hành-thức của mình. Đức Phật dạy phải thấy mắt là vô thường, cái được thấy là vô thường, tai là vô thường, cái được nghe là vô thường… tương tự phải thấy như thế, với toàn thân tâm mình. Cảm nghiệm được vô thường trôi chảy xiết qua thân tâm mình thì sẽ thấy vô ngã, sẽ thấy không có cái ngã nào hết.

Lời dạy trong bài kệ của Ni sư Diệu Nhân có thể hiểu rằng với người cảm nghiệm trận gió vô thường đang chảy xiết qua thân tâm mình thì sẽ thấy không có cái ngã nào bị trói để phải cầu xin cởi trói. Nhìn thấy thường trực pháp ấn vô thường thì sẽ thấy rằng không có Phật nào để phải cầu, không có Thiền nào để tìm, vì chính cái thường trực nhận biết và cảm nghiệm pháp ấn vô thường thực sự đã lìa tham sân si, và đó là trí tuệ giải thoát. Các Thiền sư thời xưa diễn ý này bằng chữ mạnh hơn, như “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ,” bởi vì khi sống với cái hiện tiền, với cái ở đây và bây giờ, thì sẽ thấy tất cả những cái ngày hôm qua chết đi, cho dù đó là Phật hay Tổ. Với người cảm nghiệm thường trực trận gió vô thường chảy xiết qua thân tâm mình thì sẽ không thấy có ngôn ngữ nào để nói, vì tất cả ngôn ngữ đều là những sản phẩm của nhiều ngàn ngày hôm qua. Còn cái làn gió vô thường được cảm nghiệm là cái rất mới, là cái luôn luôn tự mới, là cái hiện tiền, là cái vừa mới sinh là tự diệt độ, là cái liên tục chưa từng được biết, là cái xa lìa ngôn ngữ, là cái không tên, là cái không hình tướng. Do vậy, thấy thường trực vô thường tức là thấy tịch diệt tướng hiện tiền, tức là thấy Niết Bàn. Do vậy, đó cũng là nghĩa vô ngôn, là nghĩa tịch lặng cảm nghiệm vô thường. Bất đắc dĩ mới mượn chữ để trình bày. Cảm nghiệm thường trực vô thường như thế sẽ thấy, như bản Anh dịch viết, “The more we fight, the more their nets tangle.”  Hai dịch giả Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen đã dịch rất sát nghĩa, rất minh bạch, hiển nhiên là sẽ giúp được giới trẻ muốn tìm hiểu về thơ Thiền, ý Thiền của cổ đức Lý-Trần. Bất kỳ ai cảm nghiệm thường trực vô thường, tức là thấy các pháp tịch diệt liên tục từng khoảnh khắc, cũng sẽ thấy hoàn tất Tứ Diệu Đế, vì thấy các pháp sinh liên tục, tức là thấy Khổ Đế (thấy bất như ý, thấy không thể hài lòng), cũng liền thấy ngay Tập Đế (tức nguyên nhân của khổ, tức là khi thấy pháp sinh mà khởi tâm níu kéo tham ái), cũng liền thấy ngay Diệt Đế (thấy các pháp tịch diệt, vắng lặng, an vui), cũng liền nhận ra Đạo Đế (con đường thoát khổ, khi lìa tâm níu kéo tham ái)…

Chúng ta sẽ thấy mỗi bài thơ trong Tuyển tập cũng nói lên được phong cách riêng của từng vị Thiền sư thời Lý-Trần. Trong khi Thiền sư Ni Diệu Nhân dạy vào cửa bằng pháp ấn vô thường, ngài Lý Thái Tông (1000-1054) dạy vào cửa bằng pháp ấn vô ngã. Bài thơ “Thị Chư Thiền Lão Tham Vấn Thiền Chỉ” của nhà vua họ Lý ở trang 26 của Tuyển tập, bản Việt dịch của GS Nguyễn Bá Chung ở trang 28, bản Anh dịch ở trang 29. Bài thơ viết theo thể ngũ ngôn, chỉ thẳng rằng phải thấy “không người” và cũng “không ta” – và như thế là thấy chung một Pháp tính — như sau.

Bát nhã chân vô tông
Nhân không ngã diệc không
Quá, hiện, vị lai Phật
Pháp tính bản tương đồng.

Bản dịch theo thể thơ lục bát “Trả Lời Các Thiền Lão về Yếu Chỉ Thiền” của GS Nguyễn Bá Chung như sau.

Bát nhã chả thuộc tông nào
Lối người không, lối ta vào cũng không
Phật thời quá, hiện, mai, đồng
Bao la một trái tim hồng cổ kim.

Nơi dòng thứ ba trong bài dịch thơ vừa dẫn, nên hiểu là ba đời chư Phật của quá khứ, hiện tại, vị lai. Bản Anh dịch “Response To the Old Masters On the Fundamental Point of Zen” của Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung như sau.

The Mindful Wisdom belongs to no school
Neither “I” nor “Not I.”
The Buddhas of past, present, and future
Share the same heart.

Cũng nên thấy rằng chữ “Not I” trong câu thứ nhì có nghĩa là người khác, tức là tha nhân. Chúng ta quen với cách nói: không ta, không người. Nơi đây 2 dịch giả nơi câu thứ nhì cho thấy thêm một nghĩa khác, nghĩa tương liên giữa “ta” (tự ngã) và “không ta” (không phải tự ngã) và chiếu rọi vào bằng ánh sáng của Bát Nhã. Trong cách lý luận, Đức Phật thường tách rời từng phần để nói rằng trong cái được chấp là thân tâm là gồm “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” rồi Đức Phật nói từng phần rằng sắc là vô ngã, rằng thọ là vô ngã… Có một lý luận thường được Đức Phật nhắc tới để nói lý vô ngã là cũng như nghe tiếng nhạc, vốn là do nhiều nhân duyên hòa hợp mà thành (từ gỗ rừng, thợ rừng chặt xuống, cưa rồi đóng thành cây đàn, trong khi người chơi nhạc phải học đàn nhiều năm…) thế rồi có chẻ cây đàn làm trăm mảnh cũng không thấy tiếng đàn ở đâu. Có một đối chiếu khác: không ai có thể chỉ ra cái gì là cỗ xe, trong khi có thể thấy cỗ xe chỉ là hợp thể của mui xe, càng xe, bánh xe, căm xe, vân vân.

Trong Kinh SN 5.10, Ni sư Vajirà trả lời Ác ma bằng bài kệ giải thích về lý vô ngã, rằng không hề có cái gì gọi là chúng sanh, rằng không hề có cái gì gọi là chiếc xe mà chỉ có tên xe thôi, theo bản dịch của Thầy Minh Châu: “Sao Ông lại nói hoài, / Ðến hai chữ chúng sanh? / Phải chăng, này Ác ma, / Ông rơi vào tà kiến? / Ðây quy tụ các hành, / Chúng sanh được hình thành, / Như bộ phận quy tụ, / Tên xe được nói lên. / Cũng vậy, uẩn quy tụ, / Thông tục gọi chúng sanh. / Chỉ có khổ được sanh, / Khổ tồn tại, khổ diệt, / Ngoài khổ, không gì sanh, / Ngoài khổ không gì diệt.”[1]

 Nghĩa là, không hề có cái gì gọi là “ta” hay “người” hay “chúng sanh” và hễ thấy là có, tức là rơi vào tà kiến. Cũng y như “cái xe” cần phải thấy với chính kiến là “không hề có xe” nào cả, do vậy thân tâm chỉ là một khối lung linh nơi các uẩn quy tụ, và trong thực tướng không gì sanh, không gì diệt. Lấy thí dụ tiếng đàn nêu trên, trong thực tướng vô ngã (chân đế), không hề có tiếng đàn nào sinh ra, không hề có tiếng đàn nào diệt đi, chỉ có trong thế giới quy ước (tục đế). Hễ nghe tiếng đàn, nhận ra thế gian thường trụ tịch diệt tướng, tức là Niết bàn hiển lộ. Do vậy, bất kỳ ai, hễ thường trực thấy vô ngã là đã tức khắc hoàn tất Tứ Diệu Đế, vì khi thấy pháp sinh khởi là thấy Khổ Đế (thấy bất như ý, thấy không hài lòng)… tương tự, lý luận như phần nói trên về pháp ấn vô thường.

Lời dạy trong Kinh SN 5.10 nhiều thế kỷ sau được ghi lại qua văn phong rất mực mãnh liệt của Ngài Long Thọ, với bản dịch của Thầy Thiện Siêu (Trung Luận, phẩm Nhân Duyên, bài Kệ 1): “Chẳng sinh cũng chẳng diệt, / Chẳng thường cũng chẳng đoạn, / Chẳng một cũng chẳng khác, / Chẳng đến cũng chẳng đi.

Bài thơ của Ngài Lý Thái Tông tuyệt vời hay, các bản Việt dịch và Anh dịch cũng tuyệt vời xuất sắc, làm lợi cho rất nhiều người.

Trong dòng lịch sử Thiền Tông Việt Nam, một nhân vật thường được nhắc tới là Vua Trần Nhân Tông (1258-1308), cũng là người khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm. Bài phú thường được nhắc tới trong Thiền Tông là bài Cư Trần Lạc Đạo Phú, do ngài Trần Nhân Tông sáng tác, trong đó bốn dòng thơ cuối bài phú thường được trích ra và thường được đặt tên cho gọn là Cư Trần Lạc Đạo.

Trong Tuyển tập, bài thơ Cư Trần Lạc Đạo ở trang 103, bản Việt dịch của nhà thơ Nguyễn Duy ở trang 104, bản Anh dịch của Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung ở trang 105. Trong khi bài thơ “Thị Tịch Kệ” của Ni sư Diệu Nhân dạy vào cửa bằng pháp ấn vô thường, bài thơ “Thị Chư Thiền Lão Tham Vấn Thiền Chỉ” của Lý Thái Tông dạy vào cửa bằng pháp ấn vô ngã, bài thơ “Cư Trần Lạc Đạo” của Trần Nhân Tông sẽ dạy vào cửa bằng cách nhận ra pháp ấn Không, tức là nhận ra bản tâm vốn là Tính Không, cũng gọi là Thấy Tánh. Bản phiên âm Hán tự nơi trang 103 như sau.

Cư Trần Lạc Đạo
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Sau đây là bản dịch nghĩa và dịch thơ của Nguyễn Duy, trang 104.

Sống Đời Vui Đạo
Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo
Đói thì ăn, mệt thì ngủ
Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác.
Đối diện với mọi cảnh giới mà vẫn vô tâm, thì cần chi hỏi thiền nữa.

*

Sống Đời Vui Đạo
Sống đời vui đạo tùy duyên
Đói thì ăn mệt ngủ liền sá chi
Nhà ta châu báu thiếu gì
Vô tâm với cảnh, biết khi nào thiền.

Và sau đây là bản Anh dịch của Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung, nơi trang 105.

Joyful Practice
Living in the world, practice quietly with joy.
When hungry eat. When tired sleep.
Don’t look for it elsewhere, the jewel lies within.
An empty mind facing the world, what use is Zen?

Bài thơ vừa dẫn thường được tóm tắt bằng câu cuối cho dễ nhớ, “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền,” rằng trước tất cả những cảnh xao động thăng trầm được mất thắng thua, lúc nào cũng vô tâm (tâm tỉnh thức và tịch lặng) thì không cần gì phải hỏi về các Thiền pháp nữa. Sáu thế kỷ sau, bài thơ vừa dẫn của ngài Trần Nhân Tông được trình bày bằng ngôn phong khác của Hòa thượng Thích Phước Hậu (1866 – 1949) qua bài thơ sau.

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tính lại đà quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như
.

Bài thơ chữ Như này cũng là bài thơ chỉ pháp Thấy Tánh. Tất cả đều bắt nguồn từ Kinh Bahiya (Bahiya Sutta – Ud 1.10) và Kinh Malunkyaputta (Malunkyaputta Sutta – SN 35.95). Trích Kinh Ud 1:10 như sau: “Thế này, Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya.”

Nơi đây, có thể hình dung như thế này: giả sử, chúng ta đang xem một trận bóng đá gay cấn trên màn hình TV. Tất cả những cái được thấy là hình ảnh sân cỏ, hình ảnh các vận động viên của hai đội tuyển, hình ảnh quả bóng chuyển động trên sân, hình ảnh khán giả ngồi chung quanh sân vận động. Tất cả những cái được thấy chuyển động từng khoảnh khắc. Chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả hình ảnh đó chuyển động trên một nền tảng là Tính Không Bất Động, nên mới có thể thay đổi hình ảnh xanh đỏ trắng vàng, mới có thể thay đổi hình ảnh chạy nơi này nơi kia tranh bóng. Nếu không có nền tảng Tính Không đó, tất cả hình ảnh không thể chuyển biến sôi động như thế, Và, giả sử, bất chợt, vì lý do gì đó, làn sóng trên nhà đài bị mất khoảng nửa phút hay một phút, tất cả những cái được thấy trở thành màn hình đen của máy TV. Cái được thấy lúc đó là màn hình TV đen hay xám, chớ không hề mất đi cái Tánh Thấy. Nghĩa là, Tánh Thấy không hề biến mất, dù là làn sóng TV mất điện hay gì đó. Nhận ra cái bất động tâm đó, thì sẽ không còn bận tâm [tham ái] níu kéo hình ảnh nào của những cái được thấy. Và nhận ra, Tính Không đó, chính là cái Như Thị hiển lộ trước mắt. Nghĩa là, chúng ta trở thành biển, mà không còn là sóng nữa.

Tương tự, khi chúng ta nghe một ca khúc, trên làn sóng TV. Làn điệu lúc cao, lúc thấy, lúc yểu điệu, lúc mạnh như giông bão, lúc dịu dàng như gió mùa xuân. Tất cả các âm thanh đó (những cái được nghe) hiển lộ bên tai chúng ta là vì chuyển động trên một nền tảng là Tính Không Bất Động, nên mới có thể thay đổi lúc trầm, lúc bổng. Giả sử có lúc TV mất điện, hay nhà đài bất chợt tắt sóng khoảng một hay hai phút, những cái được nghe không còn là tiếng nhạc, nhưng rằng chúng ta đang nghe cái tịch lặng khi TV im tiếng. Nghĩa là, Tánh Nghe không hề biến mất, dù là làn sóng TV mất điện hay gì đó. Nhận ra cái bất động tâm đó, thì sẽ không còn bận tâm [tham ái] níu kéo âm thanh nào của những cái được nghe. Và nhận ra, Tính Không đó, chính là cái Như Thị hiển lộ bên tai. Nghĩa là, chúng ta trở thành biển, mà không còn là sóng nữa. Thiền Tông còn gọi đây là ngộ nhập Tính Không, hay là nhận ra pháp ấn Không.

 Nơi đây, chúng ta vừa dẫn ra ba bài thơ điển hình của Thiền Tông Việt Nam, cho thấy ba cửa trực chỉ, ba cửa đốn ngộ, khi trực nhận pháp ấn Vô thường, Vô ngã, Không. Tuy nói là trực chỉ và đốn ngộ, nhưng dù ngộ được lý, sau đó cũng cần phải dày công tu tập – tức là, ngộ trước, rồi tu sau — nhưng cả ba cửa này đều không gọi là tu tập, vì xa lìa tất cả phương tiện, còn gọi là không cửa vào, vì bản tâm không thể nào mài giũa. Chỉ là, khi tâm tương ưng với các pháp ấn, thì đó là bản tâm vốn lìa tham sân si.

Nhiều bài thơ khác trong Tuyển tập cũng có nhiều lý đạo, cũng là những lời dạy an tâm trong truyền thống Thiền Tông Việt Nam. Mỗi bài thơ và mỗi bản dịch đều mở ra một chân trời đạo lý và nghệ thuật. Rất khó để nói bài thơ nào hay hơn bài thơ nào. Trong Tuyển tập, có những bài thơ tuyệt tác mà người viết trước giờ vẫn ưa thích đặc biệt, như bài thơ “Tầm Hưởng” của Thiền sư Minh Trí (? – 1196) nơi các trang 78-81, hay bài thơ “Ngẫu Tác” của Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291) nơi các trang 94-97. Các bản Việt dịch và Anh dịch trong Tuyển tập  đều tuyệt vời, cực kỳ xuất sắc.

Nói ngắn gọn, Tuyển tập là một công trình lớn của cả ba vị: Nguyễn Duy, Nguyễn Bá Chung, Kevin Bowen. Hy hữu mới làm được tác phẩm lớn như thế, và Tuyển tập sẽ giúp được cho rất nhiều độc  giả quan tâm về Thiền Tông và văn học thời Lý-Trần. Tuy nhiên, có một lỗi trong sách, đó là trang 61, nhà in đã in nhầm, nên để sót bản dịch tiếng Anh của bài thơ “Ngôn Hoài” của Ngài Không Lộ. Sách có kèm theo một tờ rời để in bản Anh dịch “Reflection Revealed” của bài thơ.

Thôi thì, lỗi in sót nơi trang 61 cũng là một nhắc nhở của Khổ Đế vậy. Dù vậy, lỗi in sót quá nhỏ, so với một công trình văn học quá lớn, quá công phu. Công đức chuyển dịch sang.thơ tiếng Việt và tiếng Anh hiển nhiên là không thể nghĩ bàn. Vô lượng công đức vậy.

NGUYÊN GIÁC


[1] Kinh SN 5.10: https://suttacentral.net/sn5.10/vi/minh_chau

Hiển thị thêm
Back to top button