Nguyên Giác: Hội thảo sách Quan Âm Tế Độ – GS Nguyễn Văn Sâm chú giải
Viện Việt Học tại trụ sở Westminster, California, hôm 3/9/2022 đã có buổi Hội thảo giới thiệu công trình chú giải sách Nôm nhan đề Quan Âm Tế Độ — do GS Nguyễn Văn Sâm phiên âm và chú giải dựa vào bản khắc hơn một thế kỉ trước. Bản gốc là Quan Âm Diệu Thiện (Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Kinh), theo bản khắc năm Mậu Thân 1908 năm thứ 34 niên hiệu Quang Tự (nhà Thanh). Do Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Hiền Tâm phiên âm từ chữ Nôm ra quốc ngữ.
Mở đầu chương trình, MC là chị Nguyễn Kim Ngân, cũng là Giám Đốc Viện Việt Học, nói rằng sau hơn 2 năm Viện ngưng các buổi sinh hoạt đông người vì đại dịch COVID-19, bây giờ mở đầu các công trình là tác phẩm Quân Âm Tế Độ do GS Nguyễn Văn Sâm phiên âm và chú giải. Một điểm đặc biệt của chương trình sẽ là hiện diện của 2 vị Giáo sư uyên thâm khác — GS Đỗ Quý Toàn và GS Trần Huy Bích — sẽ nói chuyện về tác phẩm độc đáo này. Dự kiến GS Đỗ Quý Toàn sẽ giới thiệu tác phẩm Quan Âm Diệu Thiện (mà GS Nguyễn Văn Sâm đặt nhan đề Quan Âm Tế Độ), và GS Trần Huy Bích sẽ giới thiệu về đóng góp của GS Nguyễn Văn Sâm với việc bảo toàn văn học chữ Nôm. GS Trần Huy Bích được GS Đỗ Quý Toàn nhường nói trước, vì lý do nội dung của sách sẽ cần nói dài dòng hơn.
GS Trần Huy Bích nói rằng tiếng Việt bây giờ có chữ quốc ngữ rất tiện lợi, dễ học, dễ nhớ. Nhưng mỗi thế hệ, trong học giới cũng cần có một số học giả về chữ Nôm, có thể là 5% dân số Việt nên chuyên ngành về chữ Nôm để nắm được cái hồn của văn học xưa.
Thí dụ, câu thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…
GS Trần Huy Bích nói rằng có một học giả nói rằng bản nguyên gốc của Nguyễn Du có lẽ là:
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trang điểm một vài bông hoa…
mà đời sau viết nhầm thành “Cành lê trắng điểm…”
Cuộc tranh luận kéo dài, cho tới khi có người tìm được bản chữ Nôm của Truyện Kiều, cho thấy cụ Nguyễn Du viết chữ Nôm là “Cành lê trắng điểm...” Tức là, màu trắng, chứ không phải chuyện làm đẹp.
GS Trần Huy Bích nói rằng GS Nguyễn Văn Sâm đã rất công phu khi phiên âm và chú giải bản Quan Âm Diệu Thiện (Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Kinh). Theo bản khắc năm Mậu Thân 1908 năm thứ 34 niên hiệu Quang Tự (nhà Thanh). Phiên âm từ chữ Nôm ra quốc ngữ là: Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Hiền Tâm.
GS Trần Huy Bích nhận xét rằng GS Nguyễn Văn Sâm đã có những chú giải rất cần thiết. Bởi vì, nếu, không có chú giải, chúng ta không hiểu được chữ của tiền nhân.
Thí dụ như câu 87-88:
Thiên Tôn Vô Cực tòa tiền
Từ Hàng quì gối phút liền tâu qua.
Chú giải rằng: Vô Cực Thiên Tôn theo dân gian Nam Bộ là Diêu Trì Kim Mẫu hay Tây Vương Mẫu, nhân vật truyền thuyết của Đạo Giáo. Còn Từ Hàng là hình ảnh Quan Âm Bồ Tát trong Phong Thần Diễn Nghĩa. Tức là trong tác phẩm, những niềm tin dân gian pha trộn nhau để thành tiểu thuyết chữ Nôm, như một phương tiện đem giáo lý nhà Phật tới cho người bình dân Nam Bộ.
Cái pha trộn đó cũng hiển lộ ở câu 100, 101:
Chỉ ư chí thiện tiền trình đâu riêng
Lập công phản bản, hoàn nguyên.
Nhóm chữ “Chỉ ư chí thiện” là từ sách Đại Học của Nho Giáo, trong khi “phản bản hoàn nguyên” là từ sách Thiên Thai Chỉ Quán của nhà Phật. Nếu không có chú giải sẽ khó nắm ý tác giả.
GS Trần Huy Bích cũng ca ngợi về chỗ chú giải câu thơ 909:
Hay đâu cứng cổ việc tu
Bản Nôm viết là “cheo” nhưng GS Nguyễn Văn Sâm nhận ra là in nhầm vì nên là chữ “hay” do cách viết 2 chữ rất gần nhau.
Tiếp theo là phần GS Đỗ Quý Toàn góp ý. nhận xét về Quan Âm Diệu Thiện. GS Toàn nói, sách này tuy là do 2 tín nữ Nguyễn Từ Ngươn và Hoàng Diệu Trước quyên tiền khắc in, nhưng nhà in hẳn là ở Trung Hoa, cho nên thợ khắc chữ người Trung Hoa không hiểu hết chữ Nôm, nên đã có vài chữ sai, như GS Trần Huy Bích đã nói. Bởi vì, có thể chưa có nhà in nào lớn tại miền Nam VN lúc đó.
Điểm cho thấy in ở Trung Hoa là, nơi đầu sách ghi là năm Quang Tự (nhà Thanh) thứ 34. Thêm nữa, lúc đó mấy ông thợ khắc Tàu ghi tên nước Việt cũng sai, qua câu nơi trang đầu sách:
“Hai tín nữ nước Đại An Nam quyên tiền, kính khắc in: Nguyễn Từ Ngươn, Hoàng Diệu Trước.”
GS Toàn nói, sách Quan Âm Diệu Thiện khác với sách Quan Âm Thị Kính, một phần cũng vì truyện Quan Âm Thị Kính được các nghệ sĩ Việt Nam soạn thành tuồng, thành chèo, thành kịch nên mức độ phổ biến tăng. GS Đỗ Quý Toàn nói, tác giả Quan Âm Thị Kính là cụ Đỗ Dự, ông tổ 4 đời của GS Toàn.
GS Đỗ Quý Toàn nói rằng tác giả Quan Âm Diệu Thiện hẳn là một người miền Bắc di cư vào Nam, vì văn phong còn ảnh hưởng giọng Bắc. Thí dụ, trong bản Nôm viết là “rửa bát” như người Bắc, chứ không viết “rửa chén” như người Nam. Tương tự, vài chữ khác trong sách Quan Âm Diệu Thiện. Thêm nữa, sách này không thấy ảnh hưởng Lục Vân Tiên, trong khi Lục Vân Tiên trước đó ở miền Nam đã được ngâm nga phổ biến rộng rãi.
GS Đỗ Quý Toàn nói rằng tác phẩm Quan Âm Diệu Thiện (Quan Âm Tế Độ) là viết để tuyên truyền cho Phật Giáo. Cô bé nhân vật chính từ bé đã ăn chay, mới 13 tuổi đã dạy cho bố mẹ rằng cô bé không muốn dính chuyện lấy chồng như đời thường (cô bé trong truyện ghi là hóa thân của Bồ Tát Quan Âm xuống cõi trần để hoằng pháp). Cô chỉ chính thức thọ giới năm 15 tuổi là khi gặp Đức Phật Nhiên Đăng (một vị Cổ Phật trước cả Đức Phật Thích Ca) bay tới dạy pháp cho cô.
GS Đỗ Quý Toàn nói rằng sách Quan Âm Diệu Thiện rao giảng Đạo Phật bằng ngôn ngữ Đạo Nho. Thí dụ, như mượn câu “Chỉ ư chí thiện” trong sách Đại Học của Nho Giáo để nói về tâm cực thiện. Tiểu thuyết này là giả tưởng, chủ yếu viết cho gay cấn, nên có những chi tiết không thể có trong đời thực, như chuyện 500 nhà sư tuân lệnh vua tới thuyết phục công chúa hãy lấy chồng, hay là hình ảnh công chúa giảng về giáo lý nhà Phật cho các vị sư Chùa Bạch Tước.
Khi GS Đỗ Quý Toàn nói xong, GS Trần Huy Bích xin lên đọc một đoạn trong bài giới thiệu của Cư sĩ Huỳnh Kim Quang, nơi trang 18, trích: “Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm là một trong số hiếm hoi các học giả có thẩm quyền về chữ Hán-Nôm của Việt Nam trong và ngoài nước hiện nay đã nỗ lực không ngừng để chạy đua với tuổi già sức yếu mà hoản thành việc phiên âm sang chữ quốc ngữ nhiều tác phẩm văn học chữ Nôm.”
Tiếp theo, MC Kim Ngân giới thiệu chị Phan Dụy, cựu sinh viên Văn Khoa Sài Gòn trước 1975, có bài “Thầy Tôi” viết về GS Nguyễn Văn Sâm. Bài chị Phan Dụy đọc trích như sau:
“Thầy Tôi, thầy Nguyễn Văn Sâm
Kính thưa quý bậc trưởng thượng, quý học giả, quý quan khách, và ban tổ chức,
Thật là một niềm Hạnh Phúc hiếm quý, được tham dự buổi ra mắt sách của Thầy Tôi, trước một cử tọa chọn lọc và ít nhiều cũng cùng chung một niềm thao thức là quý trọng và âu lo cho sự sinh tồn của chữ nghĩa tiếng Việt nói riêng và Văn Hóa Việt Nam nói chung.
Trên cương vị là một người học trò, chúng tôi không dám và chắc chắn là không đủ khả năng, để bàn về, phân tích, hay có ý kiến về cuốn sách mà quý vị đang hay sẽ có trong tay hôm nay. Vì đây là điều mà chính cá nhân chúng tôi cũng đang háo hức mong đợi để được nghe từ quý vị thức giả trong hội trường này. Trên cương vị là một người học trò, mỗi khi nhận được sách Thầy cho, chúng tôi nhận lấy như đứa con nhận những món ăn từ cha mẹ kèm theo lời khuyên: “ rán ăn cho mau lớn”.
Nếu trên đường đời, dù lớn tuổi bao nhiêu chúng ta cũng vẫn thấy mình bé bỏng trước tình thương của cha mẹ, thì trên đường trường dù thành đạt bao nhiêu, chúng ta cũng cảm thấy nhỏ nhoi trước kiến thức, công lao dạy dỗ và một hoài bão to lớn mà các vị thầy cô đã chăm chút, gởi gắm cho từng đứa học trò. Và mỗi người học trò có những kỷ niệm cá biệt với một số thầy cô.
Với chúng tôi, khi vào ngưỡng cửa đại học, 3 vị thầy đã cấy lên 3 yếu tố góp phần quan trọng trong tiến trình định hướng thành nhân của tôi, Thầy Lê Hũu Mục dạy tôi phải giữ tinh thần lạc quan tươi vui sẵn sàn đón nhận mọi thử thách của cuộc đời, Thầy Đặng Phùng Quân, dạy tôi, học triết không phải chỉ để suy tư mông lung, hay để khoe mẻ, mà là biết để chọn cho mình một lối sống. Với thầy Nguyễn Văn Sâm, không bằng những lời răn đe hay lý thuyết từ sách vở, mà bằng cuộc đời chân thật hiền hòa, đầy nhân ái, một tinh thần thoải mái và một tấm lòng rộng mở đối với học trò cũng như với mọi người như những cánh đồng ruộng lúa thẳng cánh cò bay miền Tây. Nhưng bên cạnh những êm ả của đồng lúa là niềm thao thức cuồn cuộn đến say mê trong sứ mạng bảo tồn và phát huy chữ nghĩa và văn hóa Việt Nam. Niềm thao thức cuồn cuộn đến say mê, vì thời gian không đứng đợi, như nước sông Cữu Long ngày nay đã dần dà khô cạn vì không tránh được ảnh hưởng của thời cuộc và hoàn cảnh của môi sinh. Thầy đã dạy tôi, sống hết lòng và sống với một mục đích và biết đam mê cho mục đích đó!
Phải thú thật, nếu không có cuộc đổi đời, làm sao tôi có thể quen biết được một vị giáo sư vốn là một dân biểu của thời Đệ Nhất Cộng Hòa, được tiếp tục nghe vị giáo sư dày kinh nghiệm khảo cưu viết sách, giảng dạy về văn chương chữ nghĩa và kinh nghiệm sống ở đời không phải ở giảng đường hay trong sân trường đại học mà là trong những bữa cơm gia đình, trong những ngày tháng đầu đời của cuộc đời tỵ nạn tha hương!
Nói về Thầy tôi, không thể không tỏ lòng cảm mến, biết ơn và cảm phục cô Ngọc Ánh, người phụ nữ này nếu không là con cháu của Bà Trưng Bà Triệu, thì cũng là đồng đội tâm huyết của Cô Giang Cô Bắc. Cá nhân chúng tôi, cô Ngọc Ánh, là người phụ nữ chịu:đứng mũi chịu sào” cho chuyến đò dọc, chở Thầy tôi, và sự nghiệp của người đã dày công xây dựng suốt cả một đời người, kể từ tác phẩm “Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam” năm 1969, cho đến ngày nay, một gia tài kếch sù về bộ môn biên khảo đặc biệt về Chữ Nôm và Chữ Hán, mà tôi có thể rất tự hào thiên vị-chủ quan để nói rằng khó có ai sánh kịp, đó là chưa kể những tác phẩm sáng tác, tập truyện, thơ, bày tỏ tình cảm nổi lòng của mình cũng như nói dùm cho kiếp nhân sinh trong những “Ngày Tháng Bồng Bềnh”.
Ca dao người Huế có câu: “Đói lòng ăn nữa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương”, tôi có cảm tưởng đó là hình ảnh của thầy tôi, thầy Nguyễn Văn Sâm với người tình Văn Hóa VN, trong đam mê biên khảo, trong niềm trân quý, trang trọng, yêu mến gốc gác, cội nguồn kho tàng văn hóa đặc thù của Việt Nam. Thầy tôi đã có những chuyến đi thật xa qua tuốt bên trời Tây, “la lết” nhiều ngày trong thư viện của nước Pháp để tìm tài liệu. Thầy Tôi, cũng đã lặn lội về bên trời Á để “bới móc” tìm toài những tài liệu đã bị dập vùi bởi thời cuộc và bởi sự thờ ơ của người đương thời.
Nếu người đương thời thờ ơ, xem nhẹ đến giá trị chữ nghĩa văn chương, văn hóa VN, thì tại sao Thầy tôi phải khổ công sống với niềm thao thức tim kiếm xây dựng đó? Người trồng cây ăn quả, không chỉ làm đẹp cho khung cảnh hiện tại, mà mục đích là mong thế hệ về sau được hưởng những đơm hoa kết trái, vì chính Thầy tôi cũng đã ân sủng nhận được những kho tàng tài lệu quý giá người xưa để lại.
Cuối cùng, trong sự nghiệp sáng tác, biên khảo, trong tiến trình đóng góp để gìn giữ Văn Hóa Việt nam cho đời sau của Thầy Tôi, sẽ không sao thành công được nếu không có sự nâng đỡ của các cơ quan tổ chức như Viện Việt Học, sẽ không thành hình được nếu không có sự hổ trợ vô điều kiện và chăm sóc của người bạn đời Ngọc Ánh, sẽ không có cơ hội trình làng để được khôn lớn, nếu không có những vòng tay rộng mở, đón tiếp của ánh mặt trời độc giả, như quý vị trong hội trường ấm cúng này.
Do đó, là người thuộc thế hệ sau, là người được thừa hưởng công trình của người đi trước, là cương vị một học trò, chúng tôi xin chân thành cảm tạ Viện Việt Học, cô Ngọc Ánh và nhất là quý bằng hữu, quý độc giả đã tiếp tay, thương mến, yểm trợ Thầy Tôi Thầy Nguyễn Văn Sâm trong sự nghiệp bồi đắp Văn Hóa Việt Nam. Kính cảm tạ!”
Tiếp theo, GS Nguyễn Văn Sâm được MC Kim Ngân mời lên. GS Sâm đã cảm ơn GS Đỗ Quý Toàn và GS Trần Huy Bích, và nói rằng cô Phan Dụy vừa khen quá lời. GS Nguyễn Văn Sâm nói rằng GS nhận được bản Nôm từ một cơ duyên lạ, cho nên tự thấy “tôi phải phiên âm và chú giải, vì nếu tôi không in ra thì không ai biết có bản Nôm này.” Trong khi tác giả gửi gấm tấm lòng trong bản Nôm, đáp ứng đúng niềm tin dân gian, khi cho Công chùa Diệu Thiện tu thành chánh quả rồi xuống địa ngục để độ cho thân phụ. GS Nguyễn Văn Sâm cũng cảm ơn Cư sĩ Huỳnh Kim Quang đã viết Lời Tựa cho sách Quan Âm Tế Độ đã phân tích nhiều về Phật học trong truyện. GS Nguyễn Văn Sâm nói, “Tâm tình của tôi là chú ý tới văn hóa, tới bản văn cần lưu truyền để tạo ra động cơ cho đời sau sẽ nghiên cứu, chứ không tập trung chú ý tới nội dung. Chủ yếu là chính xác, rồi sẽ có nhiều cuốn khác nữa.”
GS Nguyễn Văn Sâm kể tiếp: “Khi tôi vượt biên lần thứ nhì, máy ghe chết. Chủ ghe nói, ai có đạo gì thì cầu nguyện xin cứu nha. Lúc đó tôi xin Phật Bà cứu chiếc ghe vượt biên thoát. Tôi chết cũng được, 39 tuổi rồi, nhưng tội nghiệp những người khác, đàn bà, con nít trên ghe. Nhiều tiếng đồng hồ sau, chủ ghe tìm ra lỗ hổng của ghe để lấy áo quần vo lại, nhét vào để nước không tràn vào ghe. Sách truyện có 2 tiểu thuyết cho 2 nhân vật: Quan Âm Diệu Thiện và Quan Âm Thị Kính, nhưng Quan Âm Thị Kính gần đời thường hơn, phổ sang làm cải lương, hát bội nên đồng bào biết nhiều hơn. Còn Quan Âm Diệu Thiện chưa được biết nhiều.”
Tiếp theo, GS Tôn Thất Côn thay mặt nhóm biên tập thế hệ “48-55 Khải Định” đã trao tặng bộ sưu tập 25 năm với mỗi năm một ấn bản, từ năm 1996 đến năm 2000, do nhà văn Ngự Thuyết Tôn Thất Ngự chủ biên và nhiều học giả khác góp bài. GS Nguyễn Văn Sâm đã thay mặt Viện Việt Học nhận bộ sưu tập Khải Định để lưu trữ làm tài liệu.
Trong phần văn nghệ, MC là chị Diệu Trang, giới thiệu các ca sĩ Thu Vàng, Kim Phương và Đạo Tâm trình diễn xuất sắc nhiều ca khúc.
Trường hợp độc giả muốn tìm mua sách Quan Âm Tế Độ, có thể liên lạc với:
GS Nguyễn Văn Sâm
samnguyen20002002@yahoo.com
Hoặc trả tiền qua Zelle:
714-332-9086
Tham dự trong buổi hội thảo có nhiều học giả và văn nghệ sĩ, như GS Nguyễn Trung Quân, nhạc sĩ Võ Tá Hân, các nhà văn Lê Lạc Giao, Tô Đăng Khoa, Phan Tấn Hải…
Đặc biệt, hai ngày sau buổi hội thảo, GS Nguyễn Văn Sâm có ghi trên trang Facebook cho biết chương trình làm việc:
“Trong buổi Mạn Đàm về cuốn sách Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Ca, ngày 03 tháng 09 vừa qua có một vài vị lớn tuổi hỏi tôi vậy chớ có còn tác phẩm Nôm Phật giáo nào sẽ ra mắt công chúng hay không, tôi đã trả lời là trong quá khứ về mặt nầy tôi đã in vài ba cuốn như:
- Trương Ngáo hay Người đi Đòi Nợ Phật, 2008
- Tội Vợ Vợ Chịu 2010
- Hứa Sử Truyện, tức Tỉnh Mê Một Cõi, 2015
Trong tương lai gần nếu hoàn cảnh thuận lợi tôi sẽ cho in các thơ Nôm:
- Quan Âm Thị Kính (thơ 6/8)
- Lưu Hương Bảo Quyển (thơ 6/8)
- Du địa Ngục (tuồng, quốc ngữ)
Xin giới thiệu trước một đoạn ngắn tức 10 điều răn của nhân vật Lưu Hương trong cuốn Lưu Hương Bửu quyển:
«Một là tin tưởng Phật trời
Thờ cha kính mẹ hiếu thời vi tiên
Hai là tu đức hồi thiên
Từ bi nhẫn nhục cố kiên tinh thần
Ba là rượu thịt chớ gần
Ăn chay niệm Phật ân cần thiện vi
Bốn là sắc dục đọan ly
Trừng tâm thanh tịnh lễ nghi vẹn tòan
Năm là hòa thuận xóm làng
Bần dân ân xá bạc vàng đừng tham
Sáu là tu tạo chùa am
Ngân tiền bố thí chớ cam một mình
Bảy là an dưỡng tín thành
Đê tâm hạ khí từ thìn nết na
Tám là chớ nói sai ngoa
Cố ngôn cố hạnh gần xa yên vì
Chín là lập chí tu trì
Kiên tâm luận đạo thần kỳ kính khâm
Mười là chẳng đặng tà dâm
Sát sanh hại vật sắc âm chớ gần.»
Xin trân trọng biết ơn GS Nguyễn Văn Sâm. Tuổi của Giáo sư mấp mé 90 rồi, nhưng Giáo sư vẫn ra sức làm việc liên tục để bảo toàn nền văn học chữ Nôm đang có cơ nguy biến mất. Xin trân trọng biết ơn.