Nguyên Giác: Mùa dịch: tôn giáo, khổ đau, và thi ca
Nhân loại đang đối phó với một trận dịch bệnh vô cùng nguy hiểm. Những mong manh của đời người hiển lộ ra rõ ràng hơn. Những khổ đau không còn là chuyện nghe nói của ký ức hay chỉ đọc trong sách vở, nhưng là những gì hôm nay chúng ta nhìn thấy ngay ngoài phố, góc chợ và màn hình điện thoại. Giữa các khổ đau trùng trùng của phận người như thế, tôn giáo đã trở thành nơi nương tựa thiết thân cho nhiều người, trong đó các lời cầu nguyện và than khóc được ghi vào âm nhạc và thi ca như các bậc thang hướng về cõi an lành, nơi đó đi song song với khổ đau là hy vọng. Bài này sẽ khảo sát về bốn tôn giáo lớn của nhân loại qua mắt nhìn thi ca về khổ đau và hướng tới hy vọng, sẽ viết theo thứ tự đông tín đồ nhất — Thiên Chúa Giáo nhiều hệ phái (31.5% dân số thế giới), Hồi Giáo (23.2%), Ấn Độ Giáo (15.0%), Phật Giáo (7.1%) — trong đó 3 tôn giáo lớn nhất tin vào Đấng Sáng Tạo, duy chỉ Phật Giáo nói rằng không hề có Thượng Đế nào trên đời này cả.
Các chuyên gia y tế định nghĩa dịch bệnh bằng 3 từ tiếng Anh: outbreak, epidemic, pandemic. Chữ “outbreak” chỉ cho sự bùng phát bất ngờ nhiều trường hợp bệnh dịch, có thể là một cộng đồng dân số nhỏ, hay trong một hay nhiều quốc gia, có thể kéo dài vài ngày và ngay cả vài năm. Như loại dịch cúm (influenza) trở đi trở lại thường niên, được xem là “outbreak” — tức là mức độ nhẹ nhất trong các dịch bệnh. Chữ “epidemic” chỉ mức độ nghiêm trọng hơn, khi dịch bệnh lây nhanh chóng tại một nước hay nhiều nước. Năm 2003, dịch bệnh SARS lây lan nhiều nước, làm chết gần 800 người toàn cầu, được xếp loại là “epidemic.” Nhưng COVID-19 (tên cũ là coronavirus) là “pandemic” — tiếng Việt dịch là “đại dịch” — như đại dịch cúm 1918-1919 làm chết khoảng từ 20 triệu tới 40 triệu người toàn cầu.
Có một điểm cũng nên ghi nhận: trong tháng 4/2020 khi dịch bệnh COVID-19 lên tới cao điểm hay gần cao điểm tại nhiều quốc gia, tháng 4 hàng năm là Tháng Thi Ca Hoa Kỳ (National Poetry Month). Một trùng hợp có vẻ tình cờ, phải chăng thơ là một trong những lời than khóc định mệnh nhất của phận người chúng ta… Tính tới tuần lễ thứ nhì của tháng 4/2020, sau ba tháng dịch bệnh tàn phá, thống kê Liên Hiệp Quốc cho thấy nhân loại có thêm 190 triệu người thất nghiệp, đó là số người làm việc toàn thời gian bị sa thải trong thời gian ba tháng qua. Trong khi đó, 2.7 tỷ người làm việc toàn cầu bị ảnh hưởng vì kinh tế bị thiệt hại vì dịch bệnh. Tại nhiều quốc gia như Việt Nam, có lẽ các con số thống kê không chính xác được, nhưng hiển nhiên là khổ đau đã tới gần trong xương tủy và bao trùm trên mọi hoạt động xã hội.
Thiên Chúa Giáo: Kinh Thánh và Dịch Bệnh
Thời xa xưa, kinh hoàng nhất là Dịch hạch (plague). Các nhà nghiên cứu tìm thấy chữ “plague” khoảng 100 lần trong Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo, phần lớn trong sách Cựu Ước. Trận dịch được các nhà thần học nhắc tới nhiều nhất là tại Ai Cập, trong thời sinh tiền của ông Moses. Lúc đó Kinh Thánh viết rằng Thượng Đế đưa dịch bệnh xuống cho loài người để trừng phạt tội bất kính và thờ ngẫu tượng (sách Exodus 32:35). Tuy nhiên, quan điểm về dịch bệnh dưới mắt Thiên Chúa Giáo đang có một phần thay đổi, như trường hợp Đức Giáo Hoàng Francis mới tuần trước nói rằng đại dịch coronavirus nhân loại đang gặp hiện nay là một trong các “phản ứng của thiên nhiên” đối với một nhân loại không giữ gìn cân bằng sinh thái. Ngài cũng nhắc tới tai họa do nhân loại tàn phá thiên nhiên, như cháy rừng Úc Châu, như hiện tượng băng tan vùng Bắc Cực.
Trong khi Công Giáo cho rằng linh mục và giáo hội là trung gian giữa Thượng Đế và con người, các hệ phái Tin Lành nói không có trung gian nào cần tới vì Chúa Trời trực tiếp tới với từng người trên địa cầu. Theo thống kê của báo Pittsburgh Post-Gazette trên một bản tin ngày 3 tháng 2/2020, ghi rằng trong khi tín đồ Thiên Chúa Giáo suy giảm tại Mỹ, vẫn có hơn 17% người thành niên tại Mỹ tham dự trong một ca đoàn nhà thờ, tức là khoảng 1/6 người thành niên tại Mỹ. Do vậy, một hoạt động truyền thống nổi bật trong nhà thờ Tin Lành là âm nhạc, vì xem nghệ thuật như chiếc cầu trực tiếp giữa Trời và người. Nhiều nhạc sĩ và ca sĩ Hoa Kỳ nổi tiếng từ thời thơ ấu đã hát trong ca đoàn nhà thờ, như các ca sĩ sau đây hát cho nhà thờ Tin Lành từ thuở nhỏ: Whitney Houston, Britney Spears, Diana Ross, Tina Turner… Riêng Tina Turner (sinh năm 1939, thắng 12 giải thưởng âm nhạc Grammy Awards) về sau quy y theo Đạo Phật, và từ 1973 trở thành một thành viên tích cực của Nichiren (một hệ phái Phật Giáo xuất phát từ Nhật Bản).
Ca khúc “All the People Said Amen”
Nhạc sĩ Matt Maher , tên đầy đủ là Matthew Guion Maher, sinh tại Canada năm 1974, hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ. Maher nổi tiếng với các ca khúc ngợi ca Thượng Đế và tình yêu. Các đĩa ca khúc của ông được nhiều giải thưởng. Ca khúc phổ biến của ông là “All the People Said Amen” trong đó chữ Amen là chữ thường đặt cuối các bài kinh, bài cầu nguyện của Thiên Chúa Giáo. Amen có nghĩa là “xin được như nguyện.”
Ca khúc này tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt như sau.
Tất Cả Mọi Người Nói Lời Amen
[ca khúc của Matt Maher]
Bạn không đơn độc, nếu bạn cảm thấy cô đơn
Khi bạn thấy sợ hãi, bạn không là người duy nhất
Chúng ta tất cả đều như nhau
khi cần được xót thương
để được tha thứ và để được tự do
đó là tất cả những gì bạn cần dựa vào
Tạ ơn Chúa, đó là tất cả những gì bạn cần
và tất cả mọi người nói lời Amen
và tất cả mọi người nói lời Amen
Hãy gửi lời tạ ơn tới Thiên Chúa
vì ngài là tình yêu bất tận
và tất cả mọi người nói lời Amen.
— —
Ca khúc Even If
Ca khúc nhan đề “Even If” (Ngay cả nếu) là sáng tác của MercyMe, một ban nhạc chuyên về nhạc thánh ca Ky Tô, thành lập năm 1994 từ thành phố Edmond, Oklahoma. Ban nhạc gồm các nhạc sĩ Bart Millard, Robby Shaffer, Nathan Cochran, Michael Scheuchzer và Barry Graul.
Ca khúc “Even If” ra đời năm 2017, liên tục nhiều tuần lễ đứng đầu danh sách các ca khúc Ky Tô trên danh sách chấm điểm của Hot Christian Songs. Nơi đây sẽ trích dịch.
Ngay cả nếu
[ca khúc của MercyMe]
… Lời nói rằng chỉ cần một chút đức tin có thể di chuyển cả núi
Vâng, như thế là tốt
bởi vì một chút đức tin là tất cả những gì con có bây giờ
Nhưng Thượng Đế, khi ngài quyết định để ngọn núi bất động
xin cho con sức mạnh để hát
với trọn linh hồn con
Con biết Ngài có quyền năng và con biết Ngài có thể
hãy đưa tay quyền năng của Ngài cứu con qua trận cháy
nhưng ngay cả nếu Ngài không
niềm hy vọng của con là riêng Ngài…
Bài thơ “Lockdown”
Linh mục Richard Hendrick là một sư huynh trong dòng tu Capuchin Franciscan, hiện cư ngụ và làm việc ở Ireland. Bài thơ nhan đề “Lockdown” (Phong Tỏa) của tu sĩ này phổ biến tuần qua và được nhiều cộng đồng Thiên Chúa Giáo ưa chuộng tức khắc. Thi sĩ Richard Hendrick nhiều năm hướng dẫn Thiền chánh niệm trong truyền thống Thần Bí Ky Tô, và cũng là tuyên úy trong nhiều bệnh viện và nhà tù Ireland. Chữ OFM sau tên tu sĩ này là chỉ về dòng tu. Trong bài thơ có chữ thường dùng của Thiền chánh niệm, như thở và lắng nghe. Bài thơ sẽ được dịch đầy đủ như sau.
Phong tỏa
[thơ của Richard Hendrick, OFM]
Vâng, có sợ hãi
Vâng, có cô lập
Vâng, có kinh hoảng mua hàng
Vâng, có bệnh đau
Vâng, có ngay cả chết.
Nhưng,
Người ta nói như thế tại Vũ Hán sau quá nhiều năm ồn ào
Bạn có thể nghe lại tiếng chim
Họ nói như thế sau chỉ vài tuần lễ vắng lặng
Bầu trời không còn dầy đặc khói
Để bây giờ là xanh và xám và trong trẻo.
Họ nói như thế trên đường phố thị trấn Assisi
Người ta đang hát cho nhau nghe
Vọng qua những quảng trường vắng
Với cửa sổ mở ra
Để những ai cô đơn
Có thể nghe âm thanh của gia đình quanh họ.
Họ nói rằng một khách sạn ở phía Tây Ireland
đang tặng miễn phí các bữa ăn, giao tận nhà cư dân.
Hôm nay một thiếu nữ tôi quen
đang bận rộn trao tờ rơi với số điện thoại của cô
tới khắp nhà khu phố
để các cụ cao niên có thể gọi khi cần.
Hôm nay, các nhà thờ Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo
đang sửa soạn mời vào
và cho nơi cư ngụ cho người vô gia cư, người bệnh, người mệt mỏi
Khắp thế giới mọi người chậm lại và tự xét mình
Khắp thế giới mọi người nhìn sang hàng xóm trong một cách mới
Khắp thế giới mọi người thức dậy thấy một thực tại mới
để xem chúng ta cao thượng ra sao
để xem chúng ta bé nhỏ xiết bao
đối với những gì chúng ta thiết thân
đối với Yêu Thương.
Như thế chúng ta cầu nguyện và nhớ rằng
Vâng, có sự sợ hãi
nhưng không có giận ghét.
Vâng, có sự cô lập
nhưng không phải là cô đơn.
Vâng, có kinh hoảng mua hàng
nhưng không có sự kém tử tế
Vâng, có đau bệnh
nhưng không có dịch bệnh trong linh hồn
Vâng, có cả sự chết
nhưng luôn luôn có sự tái sinh của yêu thương.
Hãy thức tỉnh với chọn lựa của bạn để sống bây giờ
Hôm nay, hãy thở
Hãy lắng nghe, phía sau tiếng ồn từ nỗi sợ của bạn
Các con chim đang hát trở lại
bầu trời đang trong trẻo
mùa xuân đang tới.
Và chúng ta luôn luôn được Tình Yêu bao bọc.
Hãy mở cửa sổ linh hồn bạn
và dù bạn không thể
chạm xuyên qua quảng trường vắng kia,
Hãy cất tiếng hát.
Hồi Giáo: Yêu thương và hy vọng
Các nhà thần học Hồi Giáo vẫn bất đồng về môt số giáo lý. Nhưng tất cả tín đồ Hồi Giáo đều tin rằng Thượng Đế tạo ra vũ trụ và tiếp tục điều hành các chuyện trần gian. Do vậy, xuất hiện một vi khuẩn hay siêu vi khuẩn là hành vi sáng tạo của Thượng Đế, để cảnh cáo hoặc trừng phạt. Do vậy thái độ đối với dịch bệnh là phải vâng phục, nương tựa vào Thượng Đế bảo vệ người công chính, như lời dạy của nhà Tiên Tri Muhammad: “Trước tiên, hãy buộc con lạc đà lại, và rồi tin cậy vào Thượng Đế.” Bỏi vì “Thượng Đế tạo ra dịch bệnh là sẽ tạo ra thuốc chữa trị, chỉ trừ một bệnh: tuổi già.”
Nhà Tiên Tri Muhammad đã dạy về cách ly khi có dịch bệnh: “Nếu ngươi nghe dịch bệnh bùng phát nơi nào, chớ vào đất đó; nếu dịch bùng phát nơi ngươi đang cư trú, chớ rời nơi ngươi đang ở.”
Lịch sử Hồi Giáo có ghi về trận dịch hạch “The Plague of Emmaus” còn gọi là “Plague of ‘Amwas,” nguyên nhân dịch hạch từ bọ chét chuột, bùng phát năm 639 tại thị trấn Emmaus (Amwas) tại Palestine, làm chết khoảng 25,000 người, trong đó có nhiều người từng thân cận với Giáo chủ Muhammad.
Nhưng nói tới Hồi Giáo là phải nói tới nhà thơ Rumi, tên đầy đủ là Jalal ad-Din Muhammad Rumi (1207 –1273), cũng là nhà thần bí khuynh hướng Sufi, chủ trương hòa bình và yêu thương. Những bài thơ tình của ông có thể hiểu chữ “you” là “em” hay là “bạn” và cũng có thể hiểu là “cuộc đời” hay “Thượng Đế.” Như bốn dòng thơ sau:
Đây là cách tôi sẽ chết
trong tình yêu tôi có cho em:
Như các vầng mây
tan vào ánh nắng.
(Thơ Rumi)
Tương tự, bài thơ sau, nhan đề “A Moment Of Happiness” (Một Khoảnh Khắc Hạnh Phúc) cũng thường được tín đồ Hồi Giáo trích dẫn, kể về hai người yêu thương nhau và trở thành một.
Một Khoảnh Khắc Hạnh Phúc
Một khoảnh khắc hạnh phúc
em và tôi ngồi nơi hàng hiên
hai người, em và tôi, nhưng là một trong hồn.
Chúng ta cảm nhận dòng nước đời sống nơi đây
em và tôi, với vẻ đẹp ngôi vườn
và các con chim đang hát.
Các vì sao đang nhìn chúng ta
và chúng ta sẽ chỉ cho họ thấy
cái gì là một miếng trăng lưỡi liềm gầy.
Em và tôi, không còn gì riêng, sẽ cùng nhau
không khác gì một giả thuyết ngưng đọng, em và tôi.
Các chim vẹt trên thiên đường sẽ say sưa
như chúng ta cười bên nhau, em và tôi.
Trong một thân trên trái đất này
và trong thân khác trên đất ngọt ngào vô tận.
(Thơ Rumi)
Một bài thơ khác của Rumi cũng thường được nhắc tới để trấn an khi hoang mang lo sợ, mang cả tính thần học và tình yêu, có tên là “Quatrains” (Các đoạn bốn câu).
Các Đoạn Bốn Câu
Đừng để cổ họng em co lại
vì sợ hãi. Hãy nếm từng hơi thở
cả ngày và đêm. Trước khi cái chết
khép miệng em lại.
Không có tình yêu trong tôi, nếu không có em đời này
không hơi thở nào trong tôi mà không có em đời này. Tôi từng nghĩ
tôi có thể buông bỏ ước mơ này, rồi dù như thế
nhưng tôi không thể tiếp tục làm người.
(Thơ Rumi)
Ấn Độ Giáo: Kiến Tạo và Hủy Diệt
Ấn Độ Giáo là tôn giáo xưa cổ nhất thế giới, khởi phát từ hơn 5 ngàn năm trước Tây lịch, gồm nhiều tôn giáo chia sẻ chung một số giáo lý. Tên gọi Ấn Độ Giáo (Hinduism) chỉ có từ thế kỷ thứ 6 Tây lịch do người Ba Tư gọi về nhóm tôn giáo của người sống bên kia sông Indus River. Đầu thế kỷ thứ 9, các học giả người Anh dùng chữ “Hinduism” để chỉ nhóm tôn giáo có truyền thống dựa vào các bộ sách Veda. Có 3 vị thần chính: Brahma là Đấng Sáng Tạo vũ trụ, Vishnu là thần giữ gìn vũ trụ, và Shiva là thần phá hoại vũ trụ.
Nhà thơ nổi tiếng nhất Ấn Độ là Rabindranath Tagore (1861-1941), thắng Giải Nobel Văn Học năm 1913. Tagore được nhiều bình luận gia gọi là nhà thơ vĩ đại nhất mà Ấn Độ từng có được. Trong bài thơ nhan đề “Unending Love” (Tình yêu bất tận) của Tagore, chữ “you” cũng đa nghĩa như cách của các nhà huyền học thần bí. Được dịch như sau.
Tình yêu bất tận
Tôi như dường đã yêu em trong vô lượng hình thể, vô lượng thời gian
trong đời này sang đời kia, thời này sang thời kia, vĩnh viễn.
Trái tim tôi bị mê hoặc, đã làm và rồi làm lại chuỗi dây chuyền các ca khúc
mà em giữ như món quà, mang vòng quanh cổ em trong nhiều hình thể
trong đời này sang đời kia, thời này sang thời kia, vĩnh viễn.
Bất cứ khi nào tôi nghe các chuyện xưa về tình yêu, nỗi đau xưa cổ của nó
chuyện xưa cổ của nó về xa nhau hay bên nhau.
Khi tôi nhìn sâu vào quá khứ, tận cùng rồi em hiện ra
giữa vùng ánh sáng cột đèn bằng ánh sao xuyên bóng đêm thời gian:
em trở thành hình ảnh của những gì được nhớ vĩnh viễn.
Em và tôi đã trôi nơi đây trên dòng sông mang từ nguồn suối
Nơi trái tim thời gian, tình yêu chúng ta cho nhau.
Chúng ta đã đùa chơi bên nhiều triệu tình nhân, đã chia sẻ cùng
nỗi ngọt ngào mắc cỡ khi gặp nhau, cùng những giọt lệ buồn khi chia tay
Tình yêu xưa nhưng trong khuôn dạng cứ mới hoài và mới nữa vĩnh viễn.
Hôm nay được chất đầy để nơi chân em, nó đã thấy ngừng lại nơi em
Tình yêu của tất cả những ngày cả trong quá khứ và vĩnh cửu:
Niềm vui phổ quát, nỗi buồn phổ quát, đời sống phổ quát.
Ký ức của tất cả những mối tình hòa nhập với tình yêu này của chúng ta —
Và các ca khúc của tất cả các nhà thơ trong quá khứ và vĩnh cửu.
[thơ Tagore]
Phật Giáo: Từ khổ đau tới giải thoát
Phật Giáo là một tôn giáo độc đáo: nói rằng không có Đấng Sáng Tạo nào trên đời này. Người sáng lập Phật Giáo cũng độc đáo: Đức Phật là vị giáo chủ duy nhất đã làm thơ và làm tới hàng chục ngàn bài thơ. Quan điểm Phật Giáo nhìn về đại dịch COVID-19 rất nhẹ nhàng: nó chỉ là một trận dịch trong vô lượng đợt sóng thần của nhân loại, nơi bị cuốn vào chu kỳ bất tận của sinh lão bệnh tử.
Trong khi các tôn giáo khác nói rằng dịch bệnh là ý Trời, Phật Giáo nói rằng không có Trời nào đâu và rằng tất cả là do nghiệp. Nhưng khi hỏi tận cùng của chuỗi nhân duyên, như trường hợp nhà sư Mālunkyaputta thắc mắc với nhiều câu hỏi, Đức Phật từ chối trả lời, chỉ nói rằng Ngài là bậc Y Vương, giúp nhổ mũi tên tẩm thuốc độc và chữa trị vết thương, chứ không bận tâm kể ra chuyện mũi tên từ đâu bắn tới.
Đức Phật dạy về ba pháp ấn của đời sống: Khổ, Vô Thường, Vô Ngã. Chính trong thời kỳ dịch bệnh, các pháp ấn này được nhận diện rõ ràng. Sinh ra đời là khổ, bệnh là khổ, đại dịch là khổ. Vô Thường cũng được nhìn thấy rõ ràng nơi thân người và nơi các chuyển biến xã hội. Tuần trước còn khỏe mạnh, nhiễm bệnh xong là nằm gục ở bệnh viện nhiều ngày, may thì thoát chết, rủi thì từ trần. Kinh tế đang tưng bừng du khách ở Nha Trang, Đà Nẵng… thế rồi dịch bệnh bùng nổ ở Vũ Hán, bỗng chống bãi biển Nha Trang và Đà Nẵng vắng hoe, nhiều khách sạn, nhà trọ, tiệm ăn đóng cửa thê thảm. Pháp ấn Vô Ngã cũng thấy rõ: không ai chủ động được thân và tâm của họ, thân này chúng ta chia sẻ với hàng triệu hay hàng tỷ vi trùng và vi khuẩn, thế rồi khi coronavirus tới, thân này bị nó chiếm đoạt dễ dàng, may ra thì bác sĩ giành lại được thân này cho khỏi bị Cô Vy bắt đi.
Ghi nhận, Đức Phật cũng là giáo chủ duy nhất trên thế giới làm thơ. Ngay vào thời điểm Thành Đạo, Đức Phật làm bài thơ, về sau được ghi vào 2 bài kệ trong Kinh Pháp Cú. Chữ “nhà” trong thơ này là chỉ “thân và tâm.” Hai bài kệ này như sau:
153. “Lang thang bao kiếp sống / Ta tìm nhưng chẳng gặp, / Người xây dựng nhà này,/ Khổ thay, phải tái sanh.”
154. “Ôi! Người làm nhà kia / Nay ta đã thấy ngươi!/ Ngươi không làm nhà nữa./ Đòn tay ngươi bị gẫy,/ Kèo cột ngươi bị tan / Tâm ta đạt tịch diệt, / Tham ái thảy tiêu vong.” (Bản dịch HT Thich Minh Châu)
Đối với người đã giải thoát, tất cả bệnh hay đại dịch đều trở nên vô nghĩa, vì so với “già và chết” thì đại dịch cũng chỉ là một trận nước lũ, cũng không phải là cái gì ghê gớm.
Ngài Bhalliya có bài kệ trong sách Trưởng Lão với ký số Thag 1.7, bài thơ sẽ viết xuôi như sau:
“Tựa như dòng nước lũ mạnh mẽ cuốn trôi chiếc cầu bằng cây sậy vô cùng yếu ớt, vị nào xua tan đạo binh của Thần Chết, có sự chiến thắng, có sự kinh sợ đã được xa lìa, vị ấy đã được huấn luyện, vì thế đã được hoàn toàn giải thoát, có nội tâm ổn định.” Đại đức trưởng lão Bhalliya đã nói lời kệ như thế.
(Thag 1.7 — Bản Việt dịch của Bhikkhu Indacanda)
Khổ đau cõi trần là vô lượng. Sử Phật Giáo kể lại, rằng nhiều phụ nữ từ khổ đau vì có con nhỏ từ trần đã quyết định xuất gia, tu học tìm đường giải thoát. Như trường hợp bà Ubbiri thương khóc vì đứa con gái sơ sinh chết. Đức Phật đã chỉ cho thiếu phụ này thấy nơi nghĩa trang bà an táng xác con bà, rằng cũng chính vùng đất nghĩa trang đó, bà đã an táng nhiều ngàn đứa con mà bà sinh ra trong nhiều kiếp trước. Nỗi đau đớn cùng cực trong tâm, cùng với vô lượng công đức nhiều đời có sẵn, bà Ubbiri sau khi nghe bài pháp ngắn của Đức Phật đã ngay tức khắc từ một bà mẹ thương tâm đã chứng liền thánh quả A La Hán. Khi bà nhìn thấy vô lượng khổ đau của kiếp người mà bà vừa giải thoát xong, vị Thánh Ubbiri làm một bài thơ, đoạn đầu là lời Đức Phật dạy, hai đoạn sau là thơ của bà Ubbiri:
“Bà khóc lóc ở trong rừng rằng: Ôi Jīvā con ơi! Này bà Ubbirī, hãy trấn tĩnh bản thân. Tất cả tám mươi bốn ngàn cô gái đã được thiêu đốt ở nơi hỏa táng này đều có tên Jīvā, bà buồn rầu cho cô nào trong số đó?”
Quả thật, Ngài đã rút ra mũi tên khó nhìn thấy đã được cắm vào trái tim, là việc khi tôi bị sầu muộn chế ngự, Ngài đã xua đi nỗi sầu muộn về người con gái cho tôi.
Hôm nay, tôi đây, có mũi tên đã được rút ra, không còn cơn đói, đã chứng Niết Bàn. Tôi đi đến nương nhờ đức Phật bậc Hiền Trí, Giáo Pháp, và Hội Chúng.’”
Trưởng lão ni Ubbirī đã nói những lời kệ như thế.
(Thig 51-53 — Bản Việt dịch của Bhikkhu Indacanda)
Một trường hợp đau đớn cũng đã xảy ra cho thiếu phụ giai cấp thượng lưu Patacara: bà chứng kiến cái chết của toàn bộ gia đình, chồng bà và hai đứa con nhỏ, ba mẹ và và anh/em bà trong nhiều sự kiện tai họa xảy tới dồn dập trong vài ngày. Nỗi đau khổ làm cho bà mất trí, lang thang. Gặp Đức Phật trong làng, được Đức Phật dạy về lý vô thường, bà Patacara tức khắc chứng quả Dự Lưu và được nhận vào Ni đoàn. Một thời gian sau, một hôm bà tưới nước rửa bàn chân và nhìn thấy dòng nước chảy xuống — tâm bà ngay lúc đó đột nhiên lìa chấp thủ, được hoàn toàn giải thoát. Thánh Ni Patacara để lại bài kệ như sau:
“Trong khi cày thửa ruộng với những cái cày, trong khi gieo những hạt giống ở đất, trong khi nuôi dưỡng các con và vợ, những người thanh niên tìm kiếm tài sản.
Được đầy đủ giới, là người thực hành lời dạy của bậc Đạo Sư, không biếng nhác, không loạn động, tại sao tôi không chứng đắc Niết Bàn?
Sau khi rửa hai bàn chân, tôi chú ý ở những chỗ nước (đã được đổ xuống), và tôi đã nhìn thấy nước rửa chân từ đất cao đi đến chỗ thấp.
Do đó, tôi đã khiến tâm được định, tựa như (người xa phu điều khiển) con ngựa hiền thiện thuần chủng. Sau đó, tôi đã cầm lấy cây đèn rồi đi vào trú xá.
Sau khi xem xét chỗ nằm, tôi đã ngồi xuống chiếc giường nhỏ. Sau đó, tôi cầm lấy cây kim khều cái tim đèn. Sự giải thoát của tâm đã xảy ra, tựa như sự lụi tàn của cây đèn.”
Trưởng lão ni Paṭācārā đã nói những lời kệ như thế.”
(Thig 112-116 — — Bản Việt dịch của Bhikkhu Indacanda)
Từ khổ đau tới giải thoát… cũng là trường hợp của thiếu phụ Kisa Gotami. Bà ẵm xác đứa con sơ sinh đi lang thang, hỏi xin thuốc cứu mạng con. Đức Phật nói rằng bà hãy đi xin vài hạt cải trong bất kỳ gia đình nào mà chưa từng có ai chết. Hạt cải là món ăn thường dùng trong bếp các gia đình Ấn Độ, thế nhưng tất cả các ngôi nhà trong ngôi làng mà bà tìm thuốc lại từng có người chết. Bà nhận ra sự thật: hễ có sanh là có diệt. Lúc đó bà chứng quả Dự lưu. Và đọc lên mấy dòng thơ:
Không có luật nào trong làng thế này, không cả luật thành phố
Không có luật nào trong gia tộc này, hay trong gia tộc kia
Cho toàn thể thế giới — và cho cả chư thiên cõi trời
Đây là luật: Tất cả đều vô thường.
Đặc biệt, một bản kinh Phật được nhiều quốc gia Phật Giáo Nam Tông trân trọng như Hộ Kinh để tự bảo vệ là Kinh Từ Bi (Metta Sutta). Bản dịch của Thầy Nhất Hạnh trích như sau:
“Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.
Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.“
Nghĩa là, dưới mắt Phật Giáo, chuyện đại dịch thực ra nhẹ nhàng. Đâu có bằng các nỗi thống khổ trong đời. Và từ khi nhận ra các sự thật về khổ, con đường giải thoát sẽ hiện ra với Bát Chánh Đạo.
Lời cuối bài, xin thành kính cầu nguyện cho dịch bệnh sớm tiêu trừ, và xin gửi lời chúc an lành tới tất cả độc giả.