Nguyên Giác Phan Tấn Hải: Ghi chú về Định, Huệ và Giải Thoát
Bài này được viết để hồi hướng các thiện hạnh có được để nguyện xin bình an và giải thoát cho tất cả đồng bào nơi quê nhà, vá cho chúng sanh khắp ba cõi sáu đường. Trong bài là một số ghi chú trong khi đọc Kinh luận, không nhất thiết theo một thứ tự nào. Các đề tài phần lớn ít được nhắc tới, nhưng đa dạng, có thể là quan tâm của nhiều người, từ thắc mắc rằng có khi nào Đức Phật đã dạy về ăn chay, cho tới câu hỏi có cần tu đầy đủ tứ thiền bát định hay không, và vân vân. Nơi đây sẽ tránh các lý luận phức tạp, chủ yếu ghi các lời dạy thực dụng từ Kinh luận để tu tập. Bản thân người viết không có thẩm quyền nào, do vậy phần lớn sẽ là trích dẫn Kinh luận.
Phải quán sát liên tục: sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết, sẽ ly biệt, sẽ đi theo nghiệp
Đức Phật dạy trong Kinh AN 5.57 rằng tất cả, dù xuất gia hay tại gia, dù nam hay nữ, đều phải thường xuyên quán sát: Mình sẽ già, mọi người sẽ già; Mình sẽ bệnh, mọi người sẽ bệnh; Mình sẽ chết, mọi người sẽ chết; Tất cả những gì thân thương rồi sẽ biến mất; Nghiệp thiện ác mình làm sẽ cuốn trôi mình đi. Có thể ghi nhớ lời vắn tắt là: sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết, sẽ ly biệt, sẽ đi theo nghiệp. Đức Phật nói, hễ quán sát liên tục như thế cũng sẽ giải thoát. Tức là, niệm vô thường, niệm khổ thường xuyên như thế, sẽ tới lúc giải thoát. Kinh AN 5.57 bản dịch Thầy Minh Châu, viết:
“Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.”[1]
Đắc tứ thiền bát định vẫn có thể bị chệch hướng
Trong Trung Bộ, Kinh MN 113, bản dịch của Thầy Minh Châu, ghi rằng Chân nhân pháp là đúng hướng, phi Chân nhân pháp là chệch hướng. Người phi Chân nhân có thể thành tựu cả tứ thiền bát định (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, định Không vô biên xứ, định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ, định Phi tưởng phi phi tưởng xứ) nhưng đều có thể chệch hướng. Chỉ tới Diệt thọ tưởng định, lậu hoặc mới diệt trừ, được tâm vô sở trụ, vào chỗ vô tâm (tỉnh thức, nhưng không nghĩ tới bất kỳ vật gì, việc gì) mới xong (nên nhắc: theo Huệ Năng, Trần Nhân Tông, và Kinh Bahiya, vào vô tâm thực ra có thể đi thẳng, không cần tuần tự qua tứ thiền bát định). Kinh MN 113, trích như sau:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có người phi Chân nhân pháp diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhứt tâm … Thiền thứ ba … chứng và trú Thiền thứ tư. Người ấy suy nghĩ như sau: “Ta chứng đắc định Thiền thứ tư, còn các Tỷ-kheo này không chứng đắc định Thiền thứ tư”. Người ấy vì chứng đắc định Thiền thứ tư ấy nên khen mình chê người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là phi Chân nhân pháp.
Và người Chân nhân, này các Tỷ-kheo, suy nghĩ như sau: “Ðịnh Thiền thứ tư, tánh là vô tham ái. Thế Tôn đã nói như vậy. Những ai nghĩ thế này, thế khác, thời tự tánh liền đổi khác”. Người ấy sau khi lấy vô tham ái làm chánh yếu, không khen mình chê người vì chứng đắc định Thiền thứ tư. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Chân nhân pháp.
… (tương tự với định Không vô biên xứ, định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ, định Phi tưởng phi phi tưởng xứ)…
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người Chân nhân sau khi vượt lên Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị này được đoạn trừ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này không nghĩ mình là bất cứ vật gì, không nghĩ đến bất cứ chỗ nào, không nghĩ đến bất cứ vì sự việc gì.”[2]
Có cả định và huệ vẫn có thể chệch hướng, bị gọi là ác tri thức
Trong Tăng Nhất A Hàm, Kinh EA 17.9, có trường hợp bị gọi là ác tri thức, dù đã có định và tuệ. Bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, trích như sau:
“Lại nữa, người ác tri thức lại tự nghĩ: ‘Ta thành tựu tam-muội, các Tỳ-kheo khác không có tam-muội, tâm ý thác loạn không nhất định.’ Người ấy ỷ vào tam-muội này thường tự cống cao chê bai người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức.
“Lại nữa, người ác tri thức lại tự nghĩ: ‘Ta trí tuệ bậc nhất. Ở đây các Tỳ-kheo khác không có trí tuệ.’ Người ấy ỷ vào trí tuệ này mà tự cống cao hủy báng người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức.”[3]
Tương tự, Kinh MA 85, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, cho biết đắc tứ thiền bát định vẫn có thể là phi pháp, trích:
“Lại nữa, hoặc có người được Nhị, Tam, Tứ thiền; được Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì được phi tưởng phi phi tưởng xứ nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân.”[4]
Có thần thông, thấy kiếp trước, đắc tứ thiền, vẫn có thể chệch hướng
Trong Trường Bộ, Kinh DN 1, bản dịch của Thầy Minh Châu, cho biết có vị đắc thần thông, nhớ kiếp trước, đắc tứ thiền, đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn, chấp trước sự tối thượng hiện tại Niết Bàn, thế là chệch hướng. Kinh DN 1 trích như sau:
“…Sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ đến đời sống quá khứ ấy, nhưng không nhớ xa hơn đời sống ấy.
Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng hiện tại Niết bàn. Vì cớ sao? Vì ở đây tâm thọ lạc nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy xả lạc và xả khổ, diệt trừ hỷ và ưu về trước, đạt đến và an trú vào đệ tứ thiền. Thiền này không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn”. Như vậy có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình.
Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước sự tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Này các Tỷ-kheo, nếu có những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp sự tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình, những vị này sẽ chấp cả năm luận chấp trên, hay một trong năm luận chấp trên, ngoài ra không còn một luận chấp nào khác nữa…
…Cũng như vậy này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào, luận bàn về quá khứ tối sơ, hay luận bàn về tương lai, hay luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác, tất cả những vị này đều bị bao phủ trong lưới của sáu mươi hai luận chấp này; dầu có nhảy vọt lên, những vị này vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây.”[5]
Tâm trụ không loạn, không động, chánh định, nhất tâm vẫn có thể chỉ là thế tục
Trong Tạp A Hàm, Kinh SA 785, ngay cả đắc chánh định có khi chỉ là pháp thế tục. Ngay cả khi đạt chánh định tới chỗ “Tâm trụ không loạn, không động, nhiếp thọ, tĩnh chỉ, chánh định, nhất tâm” cũng có thể chỉ là thiện pháp thế gian, chưa thể giải thoát. Pháp chánh định bậc thánh là tư duy Tứ Diệu Đế (tư duy Khổ, Tập, Diệt, Đạo), không thủ trước, để chuyển hướng thoát khổ. Bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, trích:
“Thế nào là chánh định? Chánh định có hai: Có chánh định thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện; có chánh định thuộc xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh định thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành? Tâm trụ không loạn, không động, nhiếp thọ, tĩnh chỉ, chánh định, nhất tâm. Đó gọi là chánh định thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành.
“Thế nào là chánh định thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo; tâm pháp tương ưng với tư duy vô lậu, an trụ không loạn không tán, nhiếp thọ, tĩnh chỉ, chánh định, nhất tâm. Đó gọi là chánh định thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.”[6]
Có thể từ sơ thiền, quán vô thường để giải thoát
Trong Kinh AN 9.36, bản dịch của Thầy Minh Châu, có lời Đức Phật dạy rằng có trường hợp chỉ cần an trú sơ thiền là đủ để giải thoát. Kinh này nói rằng khi vào sơ thiền, quán các pháp ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường, khổ, rỗng không, vô ngã, đoạn diệt tham ái, vào Niết Bàn. Tức là, tu thiền chỉ, rồi tới thiền quán. Tức là, có định trước, rồi tới huệ. Trường hợp chưa được, thì cũng được hóa sanh (hiểu là vào cõi tịnh độ của thánh quả Bất Lai) và nơi cõi trời này sẽ chứng Niết Bàn. Kinh AN 9.36 trích như sau:
“Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên gì, được nói đến như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục… chứng và trú sơ Thiền. Vị ấy, ở đây đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc, nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.”[7]
Từ chánh định có 11 cửa bất tử, với sơ thiền là một cửa bất tử
Trong Kinh AN 11.16, ngài Ananda được gia chủ Dasama vấn pháp. Câu hỏi là có một pháp nào để giải thoát tâm chưa được giải thoát, để đoạn tận lậu hoặc, và vào Niết Bàn. Ngài Ananda trả lời rằng chỉ cần vào sơ thiền, quán vô thường, đoạn tận lậu hoặc, là nhập Niết Bàn. Tức là, tu thiền chỉ, rồi tới thiền quán. Tức là, có định trước, rồi tới huệ. Nếu chưa vào Niết Bàn được, có thể hóa sanh (tức là, đắc quả Bất Lai) rồi từ cõi này nhập Niết Bàn. Như thế là đủ. Hoặc trường hợp, tương tự, với nhị thiền, với tam thiền, với tứ thiền. Hoặc là, tuần tự với Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) rồi ly tham sân si để vào Niết Bàn. Hoặc là, tuần tự với các định vô sắc để vào Niết Bàn. Khi nghe dạy như thế, tức là có 11 cửa để vào, trong đó, cửa đơn giản nhất là từ sơ thiền.
Sau khi nghe ngài Ananda nói đầy đủ 11 cửa bất tử, gia chủ Dasama mới thưa, hỏi một cửa vào bất tử, lại được dạy tới mười một cửa bất tử: “Thưa Tôn giả Ananda, ví như một người tìm một cái cửa vào chỗ chôn cất, trong một lúc, tìm ra được mười một cái cửa. Cũng vậy, thưa Tôn giả, trong khi đi tìm một cửa bất tử, trong một lúc, con tìm ra mười một cái cửa bất tử. Ví như, thưa Tôn giả, trong một ngôi nhà chỉ có một cái cửa, và nhà ấy bị cháy, người ấy chỉ có thể ra bằng một cửa để có thể được an toàn cho mình. Cũng vậy, thưa Tôn giả, với mười một cửa bất tử này, con có thể tạo được sự an toàn cho con với chỉ một cửa bất tử.”[8]
Bản dịch của Thầy Minh Châu, trong kinh AN 11.16, nơi vấn đáp về từ sơ thiền vào Niết Bàn như sau:
“— Nhưng thưa Tôn giả Ananda, một pháp ấy là gì, được Thế Tôn, bậc đã biết, bậc đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác khéo thuyết, chính ở nơi đây, Tỷ-kheo trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sẽ giải thoát tâm chưa được giải thoát, hay sẽ đưa đến chấm dứt các lậu hoặc chưa được đoạn tận, hay đạt được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt được?
— Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy quán sát như sau: “Thiền thứ nhất này thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm”. Phàm cái gì thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm, vị ấy quán tri: “Cái gì là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy an trú ở đấy, đạt được sự đoạn diệt các lậu hoặc. Nếu không đạt được sự đoạn diệt các lậu hoặc, với tham ái ấy đối với Pháp, với hoan hỷ ấy đối với Pháp, với sự đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui thế giới ấy nữa. Này Gia chủ, đây là một pháp này, được Thế Tôn, bậc đã biết, bậc đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác… vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt được.”[9]
Tương tự, trong Kinh MN 52, Đức Phật nói rõ rằng có thể từ sơ thiền, quán vô thường để trừ lậu hoặc. Nếu chưa trừ sạch, sẽ vào hóa sanh (đắc quả A na hàm, hay Bất Lai) từ đây nhập Niết Bàn. Bản dịch Kinh MN 52 của Thầy Minh Châu, trích lời dạy của ngài Ananda:
“Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy suy tư và được biết: “Sơ Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.”[10]
Từ sơ thiền, quán sát pháp ấn (vô thường, khổ, không, vô ngã) rồi vào Niết Bàn
Đức Phật dạy trong Kinh MN 64, rằng học nhân có thể nhờ giữ giới, ly tham dục, ly bất thiện pháp và vào được sơ thiền. Từ sơ thiền quán sát vô thường, quán khổ như bệnh, như cục bướu, như mũi tên bắn trúng, như bệnh rồi quán không, quán vô ngã. Khi tâm không còn bị ràng buộc bởi sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì hướng tâm về bất tử giới (tức Niết Bàn), rồi nhập Niết Bàn. Tức là, tu thiền chỉ, rồi tới thiền quán. Tức là, có định trước, rồi tới huệ. Kinh MN 64, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo do viễn ly các sanh y (Upadhiviveka), do đoạn trừ các bất thiện pháp, do làm cho an tịnh thân thô ác hành một cách toàn diện, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.
Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu) và nghĩ rằng: “Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, thời do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa.”[11]
Từ sơ thiền, quán sát thọ, nhận ra vô thường, vào Niết Bàn
Trong Trung A Hàm, Kinh MA 205, Đức Phật dạy rằng có thể vào tứ thiền bát định, từ đó quán thọ, nhận ra vô thường, đắc lậu tận và vào Niết Bàn. Nhưng Đức Phật nói rõ rằng, không cần phải đi hết chặng đường của định, mà ngay từ sơ thiền là có thể quán thọ, nhận ra vô thường, đắc lậu tận và vào Niết Bàn. Không cần mất thêm thì giờ vào nhị thiền, vân vân. Tức là, tu thiền chỉ, vào sơ thiền, rồi tới thiền quán. Tức là, có định trước, rồi tới huệ. Kinh MA 205 bàn dịch Thầy Tuệ Sỹ, trích:
“Người ấy bèn ở bên này thu lượm cỏ cây buộc lại làm thành chiếc bè, rồi bình an bơi sang bờ bên kia. Cũng vậy, này A-nan, Tỳ-kheo phan duyên vào sự yểm ly, y trên sự yểm ly, an trụ nơi yểm ly, do làm an tịnh thân ác, do tâm nhập ly định, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó, tất chứng đắc lậu tận.”[12]
Ly dục, ly bất thiện, đắc sơ thiền, ngộ pháp ấn, vào Niết Bàn
Kinh SA 864 có nhan đề là Sơ Thiền. Kinh này thuần nói về sơ thiền, từ đây quán các pháp ấn (khổ, vô thường, không, vô ngã), đoạn tận ái dục, vào Niết Bàn. Tức là, tu thiền chỉ, rồi tới thiền quán. Tức là, có định trước, rồi tới huệ. Ngộ các pháp ấn còn hiểu là quán Tứ Thánh Đế, tức là nhìn thấy 4 sự thực của pháp. Kinh SA 864 không nói tới các tầng thiền khác, nghĩa là Đức Phật có ý nói tới sơ thiền là đủ để quán pháp ấn, đoạn tận lậu hoặc là vào Niết Bàn. Trong nhiều kinh đã nói, cách vào sơ thiền có thể là bằng cách: ly dục, ly bất thiện pháp, giữ hạnh viễn ly – nghĩa là chủ yếu bằng giới. Toàn văn Kinh SA 864, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng như sau:
“KINH 864. SƠ THIỀN
Tôi nghe như vầy. Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Nếu Tỳ-kheo, với hành, hoặc hình, hay tướng, ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán có hỷ lạc do viễn ly sanh, chứng và an trụ Sơ thiền; vị ấy không nhớ nghĩ hành như vậy, hình như vậy, tướng như vậy. Nhưng đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vị ấy tư duy như là bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã. Đối với những pháp này mà sanh tâm nhàm chán, sợ hãi, phòng hộ. Do nhàm chán, xa lìa, phòng hộ, bằng cửa cam lộ mà tự làm lợi ích cho mình. Đây là tịch tĩnh, đây là thắng diệu, tức là xả ly tất cả hữu dư, ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn.” Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.”[13]
Thế nào để biết là đã vào sơ thiền?
Có cách nào để biết là đã vào được sơ thiền? Đức Phật nói trong nhiều kinh rằng, vào sơ thiền (và các tầng thiền khác) sẽ thấy an lạc vô cùng tận. Trong sơ thiền, niềm vui hỷ lạc tràn ngập toàn thân y hệt như người tắm và xoa bột tắm trên toàn thân. Chỗ này nên ghi nhận rằng, không nhất thiết phải ngồi mới vào được sơ thiền. Trong nhiều kinh thường nói là ly dục, ly bất thiện pháp, tâm giữ hạnh viễn ly, sẽ tới một lúc vào sơ thiền. Trạng thái sơ thiền cảm nhận trên cơ thể được Đức Phật giải thích trong Kinh AN 5.28 như sau, qua bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Ví như, này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho dung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.“[14]
Trong đoạn kinh vừa dẫn có chữ “tầm” và “tứ” – tầm là niệm hướng vào, niệm hướng về; tứ là niệm dán vào, niệm trụ vào. Thí dụ, như khi niệm hơi thở: tầm là hướng tâm theo hơi thở vào, theo hơi thở ra; tứ là dán tâm vào hơi thở, không để tâm nghĩ tới chuyện khác, không để chệch ra khỏi hơi thở. Sơ thiền cũng có thể đạt trong khi đi kinh hành, đi bộ.
Cần ly tham để vào sơ thiền
Trong các kinh dẫn trên, hầu hết nói rằng ly dục, ly bất thiện pháp, giữ hạnh viễn ly sẽ dẫn tới sơ thiền và cao hơn. Trong Kinh AN 5.256, Đức Phật nói rằng điều kiện chứng đạt và an trú sơ thiền là phải đoạn tận tâm tham. Bản dịch của Thầy Minh Châu viết như sau:
“Do không đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng đạt và an trú sơ Thiền. Thế nào là năm? Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, xan tham pháp. Do không đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng đạt và an trú sơ Thiền. Do đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng đạt và an trú sơ Thiền. Thế nào là năm? Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, xan tham pháp. Do đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng đạt và an trú sơ Thiền.”[15]
Cần có giới mới giải thoát
Nhiều Kinh ghi lời Đức Phật dạy rằng phải có giới, mới có thể giải thoát. Đặc biệt, một số kinh nói rằng giữ giới nghiêm nhặt, tất nhiên sẽ giải thoát, không cần khởi tâm ước muốn gì nữa. Trong Kinh MA 43, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, nói về năng lực trì giới dẫn tới giải thoát như sau:
“Này A-nan, đấy là nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định. Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia.”[16]
Trong Tăng Chi Bộ, một nhóm Kinh nói về năng lực giới sẽ tự động dẫn tới giải thoát là từ Kinh AN 10.1 tới Kinh AN 10.5. Phần tiếng Anh ghi tóm lược về nhóm kinh này là:
Kinh AN 10.1 (The purpose of ethics, leading step by step to liberation.). AN 10.2 (There’s no need to make a wish to get enlightened; it happens naturally when the conditions are there.). AN 10.3 (The Buddha teaches how, like a tree that grows due to its leaves, liberation follows when ethics is present.) Kinh AN 10.4 (Sāriputta teaches how, like a tree that grows due to its leaves, liberation follows when ethics is present.). Kinh AN 10.5 (Ānanda teaches how, like a tree that grows due to its leaves, liberation follows when ethics is present.)
Dịch là: Kinh AN 10.1 (Mục đích của giới, dẫn từng bước tới giải thoát.) Kinh AN 10.2 (Không cần khởi tâm ước muốn giải thoát; giải thoát xảy ra tự nhiên khi các duyên sẵn đủ.) Kinh AN 10.3 (Đức Phật dạy về cách, y hệt một cây mọc lá, khi giới có mặt thì giải thoát theo sau.) Kinh AN 10.4 (Ngài Xá Lợi Phất dạy về cách, y hệt một cây mọc lá, khi giới có mặt thì giải thoát theo sau.). Kinh AN 10.5 (Ngài Ananda dạy về cách, y hệt một cây mọc lá, khi giới có mặt thì giải thoát theo sau.)[17]
Đi đứng nằm ngồi vẫn trong định
Trong khi chúng ta chỉ cần sơ thiền, hay chỉ cần ở mức cận định, Đức Phật cho biết rằng các tư thế đi đứng nằm ngồi không ảnh hưởng gì khi tâm đã vào định (nhiều luận sư giải thích khác nhau, nhưng không nên là chỗ bận tâm cho người tu). Trong Kinh AN 3.63, Đức Phật kể:
“Ở tại đấy, Ta lượm cỏ hay lá chất thành một đống, rồi ta ngồi kiết già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, ly dục, ly pháp bất thiện, Ta chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Làm cho chỉ tịnh tầm và tứ, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Ðoạn lạc và đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ trước, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ lạc, xả niệm thanh tịnh.
Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu ta đi kinh hành, thời trong lúc ấy, chỗ kinh hành của Ta thuộc chư Thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu ta đứng, thời trong lúc ấy, chỗ đứng của Ta thuộc chư Thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu ta ngồi, thời trong lúc ấy, chỗ ngồi của ta thuộc Chư Thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu ta nằm, thời trong lúc ấy giường cao và giường lớn của Ta thuộc chư Thiên.”[18]
Một điển hình là trường hợp ngài Bhagu (Trưởng Lão Tăng Kệ Thag 4.2) đắc quả giải thoát ngay khi đang đi kinh hành. Do vậy, định nên tu tập trong mọi trường hợp, không nhất thiết là ngồi. Trong nhiều Kinh (như AN 3.63, EA 21.6), Đức Phật khuyến tấn phải chú tâm cảnh giác cả khi kinh hành (đi bộ) và cả khi nằm. Trong Kinh AN 3.16 Đức Phật nói lời khuyên như sau:
“Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh giữa, nằm xuống như con sư tử về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng thức dậy, ban đêm trong canh cuối, sau khi thức dậy trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác.”[19]
Trong chỉ nên có quán, và ngược lại
Nên ghi nhận rằng trong nhiều kinh ghi trên, khi nói rằng tập định (chỉ) thực ra đã hàm ý phải có sẵn huệ (quán). Như trường hợp vào sơ thiền, tức là ở mức định tâm này, nếu không có “tầm” (hướng tâm tới, thí dụ, như tới hơi thở, hay tới tâm từ) và nếu không có “tứ” (dán tâm vào, để khỏi chệch sang mục tiêu khác) thì sẽ không an trụ sơ thiền được. Tầm và tứ cũng là chức năng của quán. Nếu chỉ ngừng ở định, sẽ không giải thoát được. Tận cùng phải là quán các pháp ấn, tức là chú trọng vào tuệ quán vô thường, vô ngã. Tuy rằng định và huệ nên tu tập hàng ngày để tăng thượng tâm, mỗi ngày mỗi đi thêm một bước, nhưng không nên chấp các phẩm chất này là cái gì ở ngoài tâm để mài giũa, vì tất cả những gì mài giũa đều là hữu lậu, hữu vi, có sinh thì sẽ diệt. Cũng không nên chấp là ở trong tâm, vì bản tâm vốn là Không, là ly ngôn thuyết. Chức năng đoạn tận lậu hoặc (để giải thoát), là pháp vô vi. Không gọi là có sẵn (do tự nhiên) cũng không gọi là mài giũa (do nhân duyên). Nơi đây, chúng ta chỉ chú tâm vào tính thực dụng, sẽ không bận tâm về lý luận. Trong Thiền Tông Trung Hoa thường nhắc là định huệ phải song song, quân bình: “Lặng lặng, tỉnh tỉnh; tỉnh tỉnh, lặng lặng.”
Trong Kinh AN 4.170, ngài Ananda nói rằng các vị A La Hán hoặc là đạt đủ 4 chi phần, hoặc là một trong 4 chi phần sau, trích bản dịch của Thầy Minh Châu:
. hoặc chỉ trước, rồi quán sau, rồi con đường được sanh khởi;
. hoặc quán trước, rồi chỉ sau, rồi con đường được sanh khởi;
. hoặc tu tập cả hai chỉ quán gắn liền với nhau, rồi con đường được sanh khởi;
. hoặc “Tỷ-kheo với các dao động đối với các pháp được hoàn toàn dứt sạch. Này các Hiền giả, đây là thời khi tâm của vị ấy an trú, an tọa, nhất tâm, định tĩnh. Với vị ấy, con đường sanh khởi.” (Bản dịch Thanissaro: Then there is the case where a monk’s mind has its restlessness concerning the Dhamma [Comm: the corruptions of insight] well under control. There comes a time when his mind grows steady inwardly, settles down, and becomes unified & concentrated. In him the path is born.) Như thế, Luận Thư nói trường hợp thứ 4 này là tuệ quán hỗn loạn, rồi tới lúc lắng xuống.[20]
Như thế, chúng ta có thể thử tập cả chỉ và quán, rồi ngay cả khi tán tâm cũng chớ lo sợ, cứ kiên nhẫn, sẽ tới lúc tự nghiệm ra cách thích hợp cho mình. Thế nào là biết tu đúng? Đó là khi tham sân si mỏng dần đi từng ngày.
Ngôi chủ là thức, hai sứ giả là chỉ và quán
Chúng ta thường nghe Kinh Đại Thừa nói rằng ba cõi là tâm, vạn pháp là thức. Tâm thì không ai dò được, nhưng hiển lộ của tâm là thức thì chúng ta lúc nào cũng thấy thức là chủ ngôi thành, vì thấy nghe hay biết gì cũng là thức. Do vậy, thức có công năng dẫn chúng ta tới Niết Bàn hay địa ngục. Ngôi chủ thành đó phải nương vào 2 sứ giả, theo Kinh SN 35.245. Hai sứ giả đó là chỉ và quán. Kinh này nói, ông vua (thức) nhận ra lời như thật ngữ (Niết Bàn) là qua đôi cánh chỉ và quán. Kinh này, qua bản dịch Thầy Minh Châu, trích:
“…hai người sứ giả cấp tốc đi đến, và nói với người giữ cửa thành: “Này Bạn, vị chủ thành trì này ở đâu?” Người giữ cửa thành ấy nói: “Thưa các Tôn giả, vị ấy đang ngồi giữa ngã tư đường”. Rồi hai người sứ giả ấy cấp tốc tuyên bố lời như thật ngữ cho vị chủ ngôi thành, rồi tiếp tục theo con đường họ đến.
Này Tỷ-kheo, Ta nói ví dụ để giải thích ý nghĩa, và đây là ý nghĩa: Ngôi thành, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân do bốn đại chủng tạo thành này, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, tiêu mòn, tiêu hao, hủy hoại, hủy diệt. Sáu cửa, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Người giữ cửa, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với niệm. Hai vị sứ giả cấp tốc, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với chỉ và quán. Người chủ ngôi thành là đồng nghĩa với thức. Ở giữa tại ngã tư đường là đồng nghĩa với bốn đại chủng: địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới. Lời như thật ngữ, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Niết-bàn. Theo con đường họ đến là đồng nghĩa với con đường Thánh đạo Tám ngành. Như chánh tri kiến… chánh định.”[21]
Trường hợp không cần đắc định, chỉ cần Tuệ giải thoát
Có nhiều trường hợp, không cần đắc định cũng có thể giải thoát. Chủ yếu là nhờ Tuệ giải thoát, tức là thấu triệt pháp ấn “vô thường, khổ, vô ngã” trong tất những gì thấy nghe hay biết. Nhiều kinh nêu trên đầu bài này, nói rằng chỉ cần vào sơ thiền rồi nên đi tắt, hướng tâm quán vô thường là giải thoát. Tới đây, Kinh SN 12.70 cho biết nhiều trường hợp không cần đắc sơ thiền (tầng đầu của định sắc giới, trong tứ thiền), mà vẫn có thể giải thoát.
Kinh SN 12.70 kể rằng Ngài Susima thắc mắc thấy Đức Phật công nhận nhiều vị sư đã đắc quả A La Hán, nên mới hỏi các vị thánh này, và được quý vị đáp rằng, quý ngài không đắc thần túc thông, không đắc thiên nhĩ thông, không đắc tha tâm thông, không nhớ về kiếp trước, không đắc thiên nhãn, không đắc định Sắc giới, không đắc định Vô sắc giới… nhưng thật sự các vị đều đã là bậc A la hán, đã vào Niết Bàn dư y, và đã vượt khỏi ba cõi sáu đường. Câu trả lời của các vị này cho Tỳ kheo Susima là: “Thưa Hiền giả Susīma, chúng tôi chứng được tuệ giải thoát.”[22]
Ngài Susima mới hỏi trực tiếp Đức Phật rằng tuệ giải thoát là gì. Đức Phật trả lời: “…trước hết là trí về pháp trú, sau là trí về Niết-bàn.” (theo bản dịch Kinh SN 12.70 của Thầy Minh Châu). Kế tiếp, Đức Phật giải thích thêm cho ngài Susima, rằng pháp trú là thấu triệt pháp ấn “vô thường, khổ, vô ngã” trong tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và đó là tuệ giải thoát. Lúc đó là ly tham, vì không gì còn dính nữa được. Đức Phật nơi kinh này dạy quán vô thường, vô ngã. Kinh không nói rõ, nhưng có thể hiểu đây là phương pháp quán bằng tuệ khô, tức càn huệ (dry insight meditation – vipassanā without jhana).
Quán niệm vô thường là tối thắng
Như các kinh dẫn trên, trong tận cùng rồi phải quán vô thường để vào Niết Bàn. Quán tưởng vô thường được Đức Phật trong Kinh SA 270 khen ngợi như là đi như dấu chân voi, như biển đón nhận vô lượng sông, như mặt trời xua mọi tối tăm, và là tối thắng. Kinh SA 270, bản dịch hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng viết về cách quán niệm vô thường:
“Tỳ-kheo, làm thế nào để tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh? Nếu Tỳ-kheo ở chỗ đồng trống hay ở trong rừng cây, mà khéo tư duy chân chánh, quán sát sắc là vô thường; thọ, tưởng, hành, thức vô thường; tư duy như thế thì dứt hết tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh. Vì sao? Vì nếu người nào tu tập được tưởng vô thường, thì có thể tu tập được tưởng vô ngã. Thánh đệ tử an trú ở tưởng vô ngã, tâm lìa ngã mạn, tùy thuận chứng đắc Niết-bàn.”[23]
Có nghĩa là, phải thấy vô thường chảy xiết nơi tất cả những cái được thấy, được nghe… được cảm thọ, được thức tri, có nghĩa là thấy cả nội xứ và ngoại xứ đều vô thường.
Vô thường: như hạt đậu lơ lửng, chảy xiết nơi đầu mũi kim
Có một cách quán vô thường, cho thấy tất cả các pháp trong thực tướng chỉ là một khoảnh khắc chảy xiết của tâm. Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) trong bài thơ “Guhatthaka-suttaniddeso: Upon the Tip of a Needle” ghi trong Luận thư Niddesa, mô tả rằng tất cả các pháp chảy xiết qua các khoảnh khắc thời gian, y như điểm tiếp giáp của một hạt đậu rất nhỏ đặt lơ lửng trên đầu một mũi kim. Nội dung bài thơ của ngài Xá Lợi Phất, nơi đây sẽ viết như văn xuôi cho dễ đọc, do Nguyên Giác dịch theo bản tiếng Anh của Andrew Olendzki như sau:
“Đời sống, thọ mạng, niềm vui, nỗi đau đều buộc chung vào một khoảnh khắc của tâm, một khoảnh khắc nhanh chóng trôi đi. Ngay cả các vị phi nhơn sống lâu tới 84 ngàn tỷ năm cũng không sống được 2 khoảnh khắc nào trong tâm y hệt nhau. Cái ngưng lại nơi người đã chết hay cho người còn đứng nơi đây đều là cùng các uẩn, khi biến đi là vĩnh viễn không nối lại được. Các trạng thái đang biến mất bây giờ và các trạng thái sẽ biến mất trong các ngày tương lai đều có đặc tướng y hệt như các đặc tướng đã biến mất trước đây. Khi không tạo tác gì nữa, sẽ không có sinh ra; chỉ với hiện tại này, chúng ta đang sống. Khi đã nắm được nghĩa tối thượng, thế giới chết ngay khi tâm ngưng lại. Không cất giữ gì được những gì đã biến mất, không để gì được cho tương lai. Những người đã sinh ra trong đời này đang đứng y hệt như hạt đậu rất nhỏ trên đầu mũi kim. Sự biến mất của tất cả các trạng thái này đã không hề được hoan nghênh, mặc dù hiện tượng khoảnh khắc tan rã như thế đã có từ thời ban sơ. Từ nơi chưa được nhìn thấy, các trạng thái này hiện ra và biến đi, được nhìn thấy chỉ khi chúng đang trôi đi vào quá khứ. Y hệt tia chớp trên bầu trời: tất cả các pháp khởi lên và rồi biến hẳn đi.”[24]
Trong đoạn văn trên, ngay dòng đầu đã cho thấy tất cả những gì chúng ta tiếp cận đều buộc vào 1 khoảnh khắc của tâm. Nghĩa là, ngoài tâm sẽ không có thế giới nào hiển lộ. Các Thiền sư thường nói là không hề có một cái gì “là một vật” vì bất kỳ cái gì cũng luôn luôn là “một tiến trình chảy xiết.” Có sư cũng nói, tất cả chỉ là một niệm. Có sư nói, lìa thức ra sẽ không hề có một cái gì được gọi là thế giới. Lý luận Thiền Tông [để giải thích, quảng bá] là dựa vào Duy Thức, ban đầu là Kinh Lăng Già do ngài Bồ Đề Đạt Ma đưa vào Trung Hoa, nhưng các pháp tu thực dụng phần đông là dựa vào nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời trong các năm đầu Đức Phật thuyết pháp. Ảnh hưởng Thiền Tông lớn nhất tại Nhật Bản là từ ngài Đạo Nguyên (1200–1253), vị tổ sư Thiền Tào Động (Soto Zen), một dòng Thiền hiện nay có nhiều chi nhánh tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia. Theo ngài Đạo Nguyên, Toàn thể cái đang là chính là Phật Tánh (“Whole-being is the Buddha-nature”); do vậy, núi, sông, cát, đá… cũng là hiển lộ của Phật Tánh. Và do vậy, theo ngài, Phật Tánh chính là cái không vô cùng tận (vast emptiness), cái thế giới đang hình thành (the world of becoming), và vô thường tự thân chính là Phật Tánh (impermanence is in itself Buddha-nature). Lý luận này chỉ có thể hiểu được khi nhận ra cả ba thời (quá, hiện, vị lai) đều bất khả đắc, và nhận ra cái toàn thể đang chảy xiết chỉ là hiển lộ của thức. Và như Đức Phật nói cái “tất cả” chính là 12 xứ, như sau.
Tất cả: mắt và cái được thấy, tai và cái được nghe (tương tự với mũi, lưỡi, thân, ý)
Tất cả trên thế giới này là gì? Đó chỉ là 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và những gì được (tâm) nhận biết qua 6 căn. Không có gì ra ngoài những tương tác đó. Nghĩa là, ngoài tương tác của tâm thì không có pháp nào khác. Chỉ có Đức Phật mới thấy được cái bên ngoài, cái vượt qua của “cái tất cả” đó, nếu có. Kinh SN 35.23, bản dịch Thầy Minh Châu viết:
“Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả.
Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi từ bỏ tất cả này, ta sẽ tuyên bố (một) tất cả khác”, thời lời nói người ấy chỉ là khoa ngôn. Và bị hỏi, người ấy không thể chứng minh gì. Và hơn nữa, người ấy có thể rơi vào ách nạn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, như vậy ra ngoài giới vức (avisaya) của người ấy!”[25]
Chỉ là 2 bó cỏ lau danh-sắc và thức dựa nhau
Tất cả những cái gọi là “tôi, ta, mình, người, anh, chị, ông, bà” thực ra không có gì là thực, được kinh nói rằng đó chỉ là bó lau danh-sắc và bó lau thức dựa vào nhau. Danh-sắc hiểu gọn là thân-tâm, nhưng nên hiểu là 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) kết hợp để thấy tánh vô ngã trong mỗi người. Nghĩa là không hề có ai hết, không nam, không nữ, không già, không trẻ… chỉ là 2 bó cỏ lau thôi, theo Kinh SN 12.67 bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“—Vậy này Hiền giả, tôi sẽ nêu một ví dụ. Nhờ có ví dụ, người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói. Ví như hai bó lau dựa vào nhau mà đứng. Cũng vậy, này Hiền giả, do duyên danh sắc, thức sanh khởi. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi. Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi… (như trên)… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này Hiền giả, nếu một bó lau được kéo qua một bên, bó lau kia liền rơi xuống. Nếu bó lau kia được kéo qua một bên, bó lau này được rơi xuống. Cũng vậy, này Hiền giả, do danh sắc diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt… (như trên)… như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.”[26]
Kinh tương đương bên Tạng A Hàm là Kinh SA 288, không nói 2 bó lau, mà nói là 3 bó lau, nhưng cũng cùng ý (danh-sắc không lìa nhau được vì là 5 uẩn). Trích bản dịch của 2 Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, như sau:
“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đáp: Nay tôi sẽ nói thí dụ, nếu là người trí thì nhờ thí dụ sẽ hiểu được. Thí như ba cây lau được dựng lên nơi đất trống, nhờ nương tựa vào nhau mà có thể đứng vững; nếu lấy ra một cây thì hai cây kia cũng không đứng được; nếu lấy đi hai cây thì một cây cũng không đứng vững, vì chúng phải nương vào nhau mới có thể đứng được. Thức duyên danh sắc lại cũng như vậy, phải nương tựa lẫn nhau mới sanh trưởng được.”[27]
Cả hai Kinh SN 12.67 và Kinh SA 288 đều cho thấy vị trí quan trọng của thức: thức duyên danh sắc, nương tựa lẫn nhau mới sanh trưởng được. Cách so sánh này rất tiện dụng. Vì khi chúng ta đi vào đời, sẽ không thấy có ta hay người, nữ hay nam, già hay trẻ… mà chỉ thấy các bó cỏ lau dựa vào nhau, lung linh, rất tội nghiệp, không gì là thực, và chỉ có từ bi khởi dậy. Và trong tương tác, sẽ thấy tham sân si từ từ vắng lặng. Tất cả các pháp đều là hiển lộ của thức. Ngay cả khi nói thế gian này là Không hay là Có, hay là vừa Không vừa Có, hay là không Không cũng không Có (tứ cú), thì tất cả cũng là từ bóng dáng của thức hiển lộ, mà chấp vào là hỏng (vì thức là duyên hợp, là hữu vi pháp), cũng y hệt như ngồi trong rạp để xem phim hiển lộ [từ thức chiếu] lên màn ảnh.
Trâu bùn qua sông: Buông bỏ thân tâm
Một vị thầy lớn của Thiền Tào Động Nhật Bản (Soto Zen) là Đạo Nguyên (Dogen) trong thế kỷ 13 đã tóm tắt Thiền pháp này là: “Buông bỏ thân và tâm” và rồi tận cùng là buông bỏ cả cái tâm thức buông bỏ đó. Ngắn gọn, công thức trong tiếng Anh là “Dropping off body and mind” – buông bỏ thân và tâm cũng có nghĩa buông bỏ tận cùng thế giới này, buông cả 12 xứ, buông cả mắt tai mũi lưỡi thân ý và toàn bộ 2 bó lau danh-sắc và thức. Tiếng Nhật là: shinjin datsuraku.
Trong Kinh SN 35.24, Đức Phật cũng nói như thế. Nói chính xác như thế. Nghĩa là, ngài Dogen dùng nguyên bản kinh này. Tương tự, Thiền Tông Trung Hoa dùng hình ảnh “trâu bùn qua sông” để chỉ rằng chỉ có một cách qua sông là buông hoàn toàn để không còn một pháp nào dính vào tâm nữa. Trong Kinh SN 35.24, Thầy Minh Châu dịch là “đoạn tận tất cả” thì bản dịch Bodhi dịch là “abandoning all” (buông bỏ tất cả) và bản dịch Sujato dịch là “giving up the all” (rời bỏ tất cả).
Kinh SN 35.24 bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:
“Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về pháp đưa đến đoạn tận tất cả. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp đưa đến đoạn tận tất cả? Mắt, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tận. Các sắc cần phải đoạn tận. Nhãn thức cần phải đoạn tận. Nhãn xúc cần phải đoạn tận. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận. Tai … Mũi … Lưỡi cần phải đoạn tận. Các vị cần phải đoạn tận. Thiệt thức cần phải đoạn tận, thiệt xúc cần phải đoạn tận. Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến đoạn tận tất cả.”[28]
Buông bỏ tất cả cũng có nghĩa là “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” của Kinh Kim Cang. Kinh Na Tiên Tỳ Kheo cũng nói rằng một người, tức một danh-sắc ngũ uẩn, cũng y hệt như cỗ xe, ráp lại là trục xe, bánh xe, căm xe, vân vân; thực sự không chỉ ra đâu là xe, không chỉ ra đâu là ngã, nghĩa là không là cái gì hết, chỉ do duyên hợp mà thành. Trong Vô Môn Quan, công án số 8 ghi chuyện ngài Hề Trọng làm bánh xe với 100 nan xe, câu hỏi là “nếu bỏ cả 2 đầu xe và trục đi thì sẽ còn gì” — nghĩa là, y hệt như tiếng đàn là do duyên hợp, có chẻ cây đàn ra cũng không tìm được. Nghĩa là, khi chúng ta gọi là xe, thì đó chỉ là ảnh hiện phóng chiếu từ tâm; nghĩa là, khi chúng ta gọi đó là tiếng đàn (nghĩa là, khác với tiếng chim kêu, tiếng gió thổi) thì đó cũng chính là tâm. Nhiều đại sư Đại Thừa về sau nhấn mạnh ý nghĩa ba cõi không lìa tâm, vạn pháp không lìa thức cũng từ cội nguồn lý duyên khởi.
Hơi thở chiếu sáng cả thế gian
Hơi thở khi được khéo tu tập, sẽ tới một lúc chiếu sáng cả thế giới này trong mọi phương hướng. Có nghĩa là, vũ trụ này tối hay sáng là tương liên tới tâm của hành giả. Trưởng Lão Tăng Kệ Thag 10.3 nói rằng niệm hơi thở rồi sẽ tới lúc tâm hành giả rực sáng khắp vũ trụ. Bản dịch của Thầy Indacanda viết:
“Niệm hơi thở vào hơi thở ra của vị nào được tròn đủ, khéo được tu tập, được tích lũy theo thứ lớp giống như điều đã được thuyết giảng bởi đức Phật, vị ấy chiếu sáng thế gian này, tựa như mặt trăng được thoát khỏi đám mây. Thật vậy, tâm của tôi trong trắng, không hạn lượng, đã được khéo tu tập, đã được thấu triệt, và đã được nắm chắc, nó chiếu sáng tất cả các phương.”[29]
Trong Kinh SN 54.1, Đức Phật dạy pháp thở qua 16 chặng. Bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:
[Trích} Thở vô dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra dài”.
Thở vô ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô ngắn”. Thở ra ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra ngắn”.
“Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. [hết trích][30]
Có thể rút ngắn cho dễ nhớ, tỉnh thức nhận biết trong mọi thời của: “[Hơi thở] dài, ngắn, toàn thân, an tịnh, mừng vui, an lạc, nhận biết tâm, tâm hân hoan, tâm định tĩnh, tâm giải thoát, thấy vô thường, thấy ly tham, thấy đoạn diệt, thấy từ bỏ.”
Khi thức không dựa vào đâu, khi thức tịch tịnh
Trong các đoạn trên, chúng ta thấy nơi đâu cũng là thức hiển lộ. Ngay cả khi ngồi tập thở, tới một lúc thức tâm cũng làm bật sáng khắp 10 phương trời, vô lượng vô biên. Nhưng cũng chính thức sẽ buộc chúng ta vào các cõi, nếu bó lau thức còn dựa vào bó lau danh sắc. Đức Phật gọi thức là hạt giống của sanh hữu.
Kinh AN 3.76 nói rằng hức là hạt giống, bản dịch của Thầy Minh Châu: “…này Ananda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ananda, hữu có mặt.”[31]
Do vậy, trên tiến trình giải thoát, thức phải ly tham, phải tịch lặng, và khi thức không nơi nương tựa (y chỉ) thì thứa sẽ ngừng tăng trưởng, thức sẽ không hành hoạt, thức sẽ giải thoát, và lúc đó là bó lau thức rơi rụng. Đức Phât dạy trong Kinh SN 22.55, bản dịch Thầy Minh Châu như sau:
“Này Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không hiện hữu. Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới… Này Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với tưởng giới… Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với hành giới… Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thức giới, do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không hiện hữu. Không có chỗ y chỉ như vậy thức không tăng trưởng, không có hành động, được giải thoát; do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên được tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự mình cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”…”[32]
Đức Phật nói rõ hơn về thức diệt tận (không có nghĩa là trở thành hư vô) thì là danh sắc diệt tận, và như thế là Niết Bàn. Kinh DN 11 do Thầy Minh Châu dịch, như sau:
“Này Tỷ-kheo, câu hỏi phải nói như sau: “Chỗ nào mà địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, dài ngắn, tế, thô, tịnh, bất tịnh không có chân đứng? Chỗ nào cả danh và sắc tiêu diệt hoàn toàn?” và đây là câu trả lời cho câu hỏi này:
“Thức là không thể thấy, vô biên, biến thông hết thảy xứ. Ở đây, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại không có chân đứng. Ở đây, cũng vậy dài, ngắn, tế, thô, tịnh và bất tịnh. Ở đây danh và sắc tiêu diệt hoàn toàn. Khi thức diệt, ở đây mọi thứ đều diệt tận”…”[33]
Nên quán niệm cách nào?
Nơi đây sẽ dịch theo bản Anh văn của ngài Bhikkhu Ānandajoti về cách quán niệm được ghi trong “The Book of Analysis” (Sách Phân Tích) thuộc Bộ Luận Thư Của Theravada (Systematic Treatises of the Theravāda School). Nơi đây trích từ phẩm hướng dẫn các cách Tứ Niệm Xứ. Cú pháp dịch sẽ theo sát bản Anh văn, kể cả các dấu mở ngoặc và đóng ngoặc. Như sau:
“Quán niệm. Nơi đây, thế nào là quán niệm? Đó là trí tuệ, là biết, là khảo sát, là khảo sát thâm sâu, khảo sát về (bản tánh của) các pháp, là nhận biết, là biện biệt, là thấy tách biệt, là học thâm sâu, là khéo léo, là tinh vi, là làm sáng rõ, là nghĩ chín chắn, là suy xét, là hơi thở, là trí thức, là hướng dẫn, là tuệ sáng, là biết rõ ràng, là khảo sát, là trí tuệ, là Tuệ Căn, là Tuệ Lực, là gươm tuệ, là chiều cao trí tuệ, là ánh sáng tuệ, là tia sáng tuệ, là ngọn lửa tuệ, là kho tàng trí tuệ, là không si, là khảo sát về (bản tánh của) các pháp, Chánh Kiến: đây gọi là quán niệm.” (Bản Anh văn: ‘Contemplating.’ Herein, what is contemplation? That which is wisdom, knowing, investigation, deep investigation, investigation of (the nature of) things, discernment, discrimination, differentiation, erudition, skilfulness, subtlety, clarification, thoughtfulness, consideration, breadth, intelligence, guidance, insight, full awareness, examination, wisdom, the Faculty of Wisdom, the Strength of Wisdom, the sword of wisdom, height of wisdom, light of wisdom, lustre of wisdom, flame of wisdom, treasure of wisdom, non-delusion, investigation of (the nature of) things, Right View: this is called ‘contemplation.’)[34]
Với cách quán niệm như vừa dẫn (nơi đây, trong thân thọ tâm pháp, chúng ta chỉ nói về Niệm Tâm), Luận Thư dạy 2 cách Niệm Tâm có khác với Kinh, đều khó hơn phương pháp trong Kinh. Sách Luận Thư này trong phần 7.1 là dẫn theo Kinh, nhưng phần 7.2 là hướng dẫn của các luận sư. Yêu cầu là phải vào sơ thiền (the first ground) rồi mới niệm tâm (trong Kinh [xem 7.1], Đức Phật không nói là phải vào sơ thiền). Dưới đây, xin trích từ 7.2.1 để dịch cách thứ nhất về Niệm Tâm theo Luận Thư (các luận sư đưa ra 2 cách). Xin dịch đoạn “how does a monk dwell contemplating (the nature of) the mind in the mind?” như sau:
“7.2.1. Và làm cách nào một vị sư an trú quán niệm (bản tánh của) tâm trong tâm? Nơi đây vị sư, bất kỳ lúc nào, thực tập định xuất thế gian, định này sẽ xuất thế, sẽ làm suy giảm (tái sinh), sẽ buông bỏ tà kiến, sẽ thành tựu sơ thiền, (nơi,) ly dục, ly bất thiện pháp, suy nghĩ tư duy (having thinking), chiêm nghiệm quán niệm (reflection), được hỷ (happiness) và lạc (rapture) từ viễn ly, vị này an trú, thành tựu sơ thiền, với khó khăn trong thực tập và từ từ đi sâu vào nhận biết, và vị này quán niệm (bản tánh của) tâm trong tâm, và vào lúc đó là tâm tỉnh thức (mindfulness), tâm hồi nhớ (recollection), Chánh Niệm, Niệm Giác Chi, nhận ra đường Đạo và những gì thuộc về đường Đạo: như thế gọi là chú tâm với niệm tỉnh thức (attending to mindfulness).”[35]
Không hề có một ai đang thấy, đang nghe, đang hay biết…
Trong rất nhiều Kinh, Đức Phật thường hỏi rằng mắt có vô thường không, tai có vô thường không. Tại sao Đức Phật thường nói mắt và tai trước? Đơn giản, vì chúng sanh trọn ngày (khi không ngủ) là sống với thấy, với nghe, với cảm thọ, với tư lường. Do vậy cần đối trị ngay với cái trước mắt và bên tai, vì mắt và tai là những đại dương mênh mông có thể nhận chìm chúng ta nhiều kiếp. Đôi khi trong đời, chúng ta thoảng nghe một tiếng hát hay một nhạc khúc, và nhiều năm sau vẫn không quên được. Đôi khi trong đời, chúng ta gặp một nhan sắc và rồi nhiều thập niên sau, chợt nghĩ tới vẫn rung động. Do vậy, đối trị thấy và nghe là cực kỳ quan trọng.
Nơi đây, xin dịch Chương 9 của sách Trung Luận (Mula madhyamaka karika) của ngài Long Thọ (Nagarjuna). Chủ yếu sẽ dựa vào 3 bản Anh văn: (1) The Root Stanzas of the Middle Way, do nhóm Padmakara Translation Group dịch (bản sách giấy, nxb Shambhala 2016, trang 31-33, không có bản online); (2) Verses from the Center, do GS Stephen Batchelor dịch (bản trực tuyến, link nơi ghi chú); (3) Nagarjuna’s Middle Way, do Mark Siderits va Shoryu Katsura dịch (bản sách giấy, nxb Wisdom Publications 2013, trang 99-107). Và cũng tham khảo bản Việt dịch của Thầy Thiện Siêu (sẽ có link trong Ghi chú).
Trước tiên, người đối luận nói rằng có “một ai” hiện hữu trước thấy nghe (tức là, chấp có ngã), nhưng luận chủ (tức, ngài Nagarjuna) bác bỏ rằng nếu “có ai” trước thấy nghe, thì lấy gì nhận biết (tức là, thức khởi từ đâu). Rồi nêu vấn đề có “một ai” hiện hữu khi vắng thấy nghe, rồi có “(một/nhiều) ai” trong chung khắp hay riêng biệt khi thấy nghe, rồi có “một ai” duyên hợp từ tứ đại để thấy nghe, và tận cùng là ly tất cả sở kiến, lìa cả “Có ai” và “Không ai” – tức là trung luận. Nơi đây Chữ vv. (vân vân) sau chữ nghe, hiểu là: hành hoạt của mắt tai mũi lưỡi thân ý. Chữ vv. sau chữ thọ, hiểu là hành hoạt của thọ, tưởng, hành, thức. Ghi nhận rằng, ngài Candrakirti nói: “Cũng như không thể nói có rừng trước khi có tất cả các cây, tương tự, không thể nói có cái gì trước đó [ngã thể] trước khi có các căn [thấy, nghe] riêng biệt.” Bản dịch tổng hợp như sau.
(Bắt đầu dịch)
Chương 9. Quán niệm về một “chủ thể” đã có trước [thấy, nghe]
- [Người đối luận] Có người nói rằng phải có một chủ thể có trước khi có cái thấy, cái nghe, vv. và trước khi có cảm thọ, vv.
- Vì nếu không có chủ thể như thế, làm sao cái thấy, cái nghe, vv. sinh khởi? Do vậy, trước khi có thấy, có nghe, hẳn là chủ thể đã có trước đó.
- [Trả lời] Nhưng làm sao xác định được là có chủ thể nào có trước thấy, nghe vv. và trước cảm thọ vv.?
- Nếu chủ thể đó có thể hiện hữu khi vắng mặt thấy, nghe… thì hiển nhiên là thấy, nghe có thể hiển lộ mà không cần tới chủ thể đó.
- Chủ thể đó được hiển lộ bởi thấy, nghe, cảm thọ; thấy, nghe, cảm thọ được hiển lộ bởi chủ thể đó. Làm sao chủ thể đó có thể hiện hữu mà không có thấy, nghe, cảm thọ?
- [Người đối luận] Không có chủ thể nào trước khi có thấy, có nghe và các căn khác. Tự giữa những cái thấy, cái nghe khác nhau, hẳn là có những chủ thể khác nhau hiển lộ ở các thời điểm khác.
- [Trả lời] Nếu không có chủ thể nào có trước khi thấy nghe cảm thọ [chung nhau], làm sao có thể có chủ thể nào có trước khi thấy nghe cảm thọ [riêng biệt từng căn]?
- Nếu kẻ thấy cũng chính là kẻ nghe và cũng chính là kẻ cảm thọ, nếu nó hiện hữu trước khi mỗi căn hiển lộ, thì hiển nhiên vô nghĩa.
- Nếu kẻ thấy là khác với kẻ nghe, cũng là khác với kẻ cảm thọ, thì khi có kẻ thấy cũng là sẽ có kẻ nghe, và như vậy sẽ có nhiều tự ngã khác nhau hiện hữu.
- Thêm nữa, không hề có ngã [chủ thể, thực thể] nào trong tứ đại [đất, nước, gió, lửa] mà từ đó cái thấy, cái nghe, cái cảm thọ hiển lộ.
- Khi những cái chủ thể của thấy, nghe, cảm thọ vv không hề hiện hữu, thì thấy, nghe, cảm thọ cũng không hề hiện hữu.
- Do vậy, hãy buông bỏ những khái niệm “Có” và “Không có” đối với tất cả những gì được thấy, được nghe, vv. được cảm thọ, vv. trong cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. (hết dịch)[36]
Lý luận trên phá tất cả mọi chấp ngã ngay ở thấy nghe, nhưng phức tạp. Nếu không thoải mái quán niệm như thế được, có thể nhớ đơn giản rằng tất cả thấy, nghe, cảm thọ… đều là hiển lộ của thức, và thức là do duyên khởi, nên không thực, không có chủ thể hay thực thể gì, không gọi là Không (vì có thức tập khởi), nhưng cũng không gọi là Có (vì có thức biến diệt). Thức hiển lộ y hệt như bó lau dựa vào danh sắc, do vậy, trước khi có thấy nghe không hề có cái gì gọi là chủ thể, đang khi thấy nghe cũng không hề có chủ thể nào, và khi chưa thấy nghe cũng không hề có chủ thể nào. Nếu chúng ta để chấp thật, lưu luyến nơi thấy nghe, chỉ là y hệt như xem phim ảo hóa chiếu rọi lên bức màn sương khói của tâm.
Tương tự, trong Kinh SA 45, Đức Phật dạy về lý duyên khởi, không thấy có gì gọi là có ta hay không ta, và nơi đó là không bị vướng gì nữa, trích bản dịch 2 thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng: “Đa văn Thánh đệ tử đối với sáu xúc–nhập xứ này, xả bỏ vô minh mà sanh minh. Không sanh ra ý tưởng về có, ý tưởng về không, ý tưởng về vừa có vừa không, ý tưởng hơn, ý tưởng bằng, ý tưởng kém, ý tưởng ta biết, ta thấy. Khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy rồi, thì những gì do vô minh–xúc khởi lên trước kia sẽ bị diệt và cảm thọ phát sanh do minh xúc sau đó sẽ khởi lên.”[37]
Đức Phật có dạy về ăn chay không?
Đức Phật có nói về trường hợp ăn thịt dẫn tới quả xấu. Tất cả các tích truyện Pháp Cú trong bài này đều sẽ nằm trong link[38]. Bài Kệ 157 trong Kinh Pháp Cú, bản dịch của Thầy Minh Châu là:
- “Nếu biết yêu tự ngã, Phải khéo bảo vệ mình, Người trí trong ba canh, Phải luôn luôn tỉnh thức.”
Daw Mya Tin giải thích rằng ba canh nghĩa đen là ban đêm có 3 canh, nhưng Luận Thư giải thích rằng ba canh là 3 giai đoạn của đời người: thời niên thiếu, thời thanh niên, và tuổi già. Nghĩa là, Đức Phật dạy rằng trong mọi lúc trong đời, đều phải tỉnh thức để ly bất thiện pháp. Đức Phật đọc bài Kệ 157 trong khi cư ngụ ở rừng Bhesakala và kể chuyện về Hoàng Tử Bodhi (Bodhirajakumara).
Một lần, Hoàng Tử Bodhi xây một cung điện lộng lẫy. Xây xong, Hoàng Tử mời Đức Phật tới để cúng dường trai tăng. Hoàng Tử trang trí, xông hương cung điện, trải một tấm vải dài trên sàn, từ ngưỡng cửa cho tới bên trong. Vì Hoàng Tử không có con, nên thầm phát nguyện rằng nếu Hoàng Tử sẽ có con, thì Đức Phật sẽ bước lên tấm vải. Khi Đức Phật tới, Hoàng Tử Bodhi trang nghiêm cung thỉnh Đức Phật 3 lần bước vào phòng. Nhưng Đức Phật, thay vì bước tới, chỉ quay lại nhìn Ananda. Ngài Ananda hiểu ý, nên yêu cầu Hoàng Tử Bodhi gỡ tấm vải ra khỏi cửa. Rồi lúc đó, Đức Phật bước vào cung điện. Hoàng Tử mới dâng cúng thức ăn lên Đức Phật. Sau bữa ăn, Hoàng Tử hỏi Đức Phật vì sao không bước chân lên tấm vải. Đức Phật mới hỏi có phải Hoàng Tử đã phát nguyện rằng nếu Đức Phật bước lên tấm vải nơi sàn, thì Hoàng Tử sẽ có con. Hoàng Tử nói đúng thế. Đức Phật mới nói rằng Hoàng Tử và phu nhân không thể có con vì có nghiệp xấu trong quá khứ. Rồi Đức Phật kể.
Trong một kiếp quá khứ, Hoàng Tử và vợ là hai người sống sót duy nhất từ một vụ đắm tàu. Họ trôi dạt vào đảo hoang, và nơi đây phải sống bằng cách ăn trứng chim, chim con và các loại chim, mà không hề có bao giờ ân hận, sám hối. Vì lẽ đó, họ sẽ không thể có con. Nếu họ có một chút ân hận, sám hối dù là chút nào trong kiếp quá khứ đó, họ đã có thể có một con hay hai con trong kiếp hiện tiền. Đức Phật nói với Hoàng Tử, “Người nào tự yêu thương mình, hãy nên tự phòng hộ trong mọi giai đoạn trong đời, hay ít nhất, trong một giai đoạn trong đời.” Rồi Đức Phật đọc bài Kệ 157 nêu trên. Nghe xong, Bodhirajakumara đắc quả Dự Lưu.
Chúng ta có thể dẫn lời Đức Phật để kết luận rằng: (1) ăn thịt chúng sanh sẽ có quả xấu; (2) sám hối có thể xóa bỏ nghiệp dữ.
Chớ để thức có sở duyên: vô niệm, hay vô tâm
Nghĩa là, cho dù chúng ta có ngồi đọc sách với dịch kinh trọn ngày, cũng vẫn có thể là đang ở cõi Niết Bàn hữu dư, nếu thức không dính vào bất kỳ sắc thanh hương vị xúc pháp nào. Trong Kinh Kim Cang, có một câu được xem là tóm tắt ý chỉ: Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm. Nghĩa là, chớ để tâm vướng vào bất kỳ một sắc thanh hương vị xúc pháp nào hết, thì Niết Bàn diệu tâm sẽ hiện ra.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, ngài Huệ Năng dạy cho Thượng Tọa Minh rằng: hãy ngưng nghỉ các duyên, chớ sanh một niệm, đừng nghĩ thiện và cũng đừng nghĩ ác, hỏi xem khi đó, cái gì là khuôn mặt bổn lai.
Trong Kinh SN 12.38, Đức Phật dạy rằng hễ thức có an trú, là sẽ sinh tử luân hồi; hễ thức không nơi an trú (có thể hiểu là vô tâm, như chữ ngài Trần Nhân Tông dùng “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”), đó là giải thoát. Bản dịch Thầy Minh Châu trích:
“Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên không có mặt thời thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng, nên trong tương lai tái hữu không sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu không có mặt trong tương lai, nên sanh, già chết, sầu, bi, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.”[39]
Bản Anh dịch của Sujato trong Kinh SN 12.38 là, hãy kết thúc dòng tương tục của thức, rồi thức sẽ không dựng lập được, và như thế là ngưng tái sinh: “If you don’t intend or plan or have underlying tendencies, this doesn’t become a support for the continuation of consciousness. With no support, consciousness is not established. When consciousness is not established and doesn’t grow, there’s no rebirth into a new state of existence in the future. When there is no rebirth into a new state of existence in the future, future rebirth, old age, and death cease, as do sorrow, lamentation, pain, sadness, and distress. That is how this entire mass of suffering ceases.”[40]
Trong Kinh SA 359, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng là: “Nếu để cho suy lường, để cho vọng tưởng sanh khởi, để cho kia sai sử, thì thức duyên níu mà tồn tại. Vì có chỗ duyên níu cho thức trụ nên trong đời vị lai có sanh, lão, tử, ưu, bi, khổ, não và tập hợp thuần một khối khổ lớn như vậy. Nếu không suy lường, không vọng tưởng, không để cho kia sai sử thì thức không có chỗ duyên níu mà tồn tại. Vì thức không có chỗ duyên níu mà tồn tại nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai đều bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy bị diệt.”[41]
Cũng nói rất minh bạch về vô tâm, về chớ để cho thức có sở duyên, Đức Phật dạy trong Kinh Ud 1.10 (Bahiya Sutta), bản dịch Nguyên Giác:
“Thế này, Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya. Khi với ông, này Bahiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy… [nhẫn tới]… trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.”[42]
Cùng một ý vô sở trụ như thế, trong Kinh SA 926, bản dịch 2 Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng, ghi lời Đức Phật dạy:
“Như vậy, Sằn-đà, Tỳ-kheo thiền như vậy không y cứ vào đất tu thiền, không y cứ vào nước, gió, lửa, không, thức, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng mà tu thiền; không y cứ vào thế giới này, không y cứ vào thế giới khác, không phải mặt trời, mặt trăng, không phải thấy, nghe, cảm, biết, không phải đắc, không phải cầu, không phải tùy giác, không phải tùy quán mà tu thiền. Này Sằn-đà, nếu Tỳ-kheo nào tu thiền như vậy, những Thiên chủ Y-thấp-ba-la, Ba-xà-ba-đề đều cung kính, chắp tay, cúi đầu, làm lễ mà nói kệ tán thán…”[43]
Nếu chợt nhớ kiếp trước
Ngay cả đối với nhiều người đọc kinh nhiều hay tu hành uyên thâm, đôi khi vẫn bất chợt suy nghĩ không đúng giáo lý. Thí dụ, nếu chúng ta chợt nhớ ra một kiếp nào đó, và rồi nghĩ rằng trong kiếp đó, mình là thế này, là thế kia, tu thế này, học thế kia. Hay ngay cả khi nhớ hồi mình còn nhỏ, ở tỉnh này, thành kia, hay chợt nhớ tới những bạn học cũ, hay bạn tình xưa. Khi đó sẽ dễ chấp là có một cái ngã nào đó đang xoay chuyển luân hồi, hay có một ngã thể nào trong bạn này, bạn kia. Đức Phật dạy cách suy nghĩ rằng, đừng nghĩ là có một ai, mà nên nghĩ là lúc đó chợt nhớ về bóng dáng sắc uẩn nào đó, hay là nhớ tới một dúm ngũ uẩn nào đó. Thí dụ, để tránh chấp thủ, chớ nghĩ rằng có ai đang ngồi hay đứng, chỉ nên nghĩ rằng có thức uẩn này đang nhìn thấy sắc uẩn này ngồi hay đứng. Kinh SN 22.79, bản dịch của Thầy Minh Châu, ghi lời Đức Phật dạy chớ nghĩ là nhớ ai, mà hãy nghĩ là đã nhớ tới một sắc uẩn hay là một trong 5 uẩn nào đó, trích:
“Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có nhớ đến các đời sống ở các kiếp trước, tất cả họ đều nhớ đến năm thủ uẩn hay nhớ đến một trong những uẩn này.
Thế nào là năm? Này các Tỷ-kheo, có người nhớ rằng: “Trong quá khứ, thân ta như thế này”. Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến sắc. Hay có người nhớ rằng: “Trong quá khứ, ta có cảm thọ như thế này”. Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến thọ. Hay có người nhớ rằng: “Trong quá khứ ta có tưởng … có các hành … có thức như thế này”. Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến thức.
Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là sắc? Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc. Bị thay đổi bởi cái gì? Bị thay đổi bởi lạnh, bị thay đổi bởi nóng, bị thay đổi bởi đói, bị thay đổi bởi khát, bị thay đổi bởi sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng và rắn. Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc.“[44]
Đối với tranh biện về pháp môn, tông phái
Chúng ta dễ gặp những cuộc tranh luận về bộ phái trong nhà Phật. Rồi những cuộc tranh biện về Thiền Tông, về Tịnh Độ, về Nam Tông, về Bắc Tông. Tự khen pháp của mình, chê pháp người khác, theo kinh dạy là không nên. Đôi khi tranh biện dẫn tới xích mích, phiền não. Nhưng chúng ta hiếm khi nghĩ rằng, hễ dạy ly tham sân si là được. Đức Phật ngày xưa đã dạy như thế, lấy tiêu chuẩn lìa tham sân si là định mức.
Trong Kinh AN 3.72, có một cư sĩ của giáo si ngoại đạo Ājīvaka tới gặp ngài Ananda. Vị đó hỏi ngài Ananda, rằng “Thưa Tôn giả Ananda, pháp của những ai được khéo thuyết? Những ai khéo hành trì ở đời? Những ai khéo vượt qua ở đời?” Ngôn ngữ có vẻ như muốn tranh biện, vì có lúc vị kia nói với ngài Ananda: “Ở đây sẽ không có tự khen pháp của mình, không có chê trách pháp của người khác, chỉ có thuyết pháp trong giới xứ, chỉ nói đến mục đích mà không đề cập đến tự ngã.”
Ngài Ananda trả lời bằng nhiều câu hỏi, để cho vị gia chủ kia phải công nhận rằng, trích bản dịch của Thầy Minh Châu: “…ai thuyết pháp để đoạn tận tham, thuyết pháp để đoạn tận sân, thuyết pháp để đoạn tận si, pháp ấy được khéo thuyết… những ai thực hành đoạn tham, thực hành đoạn sân, thực hành đoạn si, những vị ấy khéo thực hành ở đời… những ai đã đoạn tận tham, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Những ai đã đoạn tận sân… Những ai đã đoạn tận si, đã cắt đứt từ gốc rễ… làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Những vị ấy khéo vượt qua ở đời...”[45]
Những cuộc tranh luận giữa quý ngài đã có từ thời Đức Phật. Như trong Kinh MN 59 và Kinh SN 36.19 cùng kể về một sự kiện: người thợ mộc Pancakanga (Ngũ Phần) gặp Tôn giả Udāyi (Ưu đà di), câu chuyện dẫn tới thắc mắc, người thợ mộc được Đức Phật dạy là có hai thọ (lạc thọ, khổ thọ) trong khi ngài Udāyi được Đức Phật dạy là có ba thọ (lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ). Thế là tranh biện: ngài Udāyi nói Đức Phật chỉ dạy 3 thọ mà không dạy 2 thọ, và người thợ mộc nói rằng Đức Phật chỉ dạy 2 thọ mà không dạy 3 thọ. Hai vị tranh biện nhau không xong. Ngài Ananda nghe được, mới tới hỏi Đức Phật.
Đức Phật trả lời ngài Ananda rằng có nhiều pháp môn để dạy, theo Kinh SN 36.19, bản dịch Thầy Minh Châu:
“Có hai thọ, này Ānanda, theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có ba thọ theo pháp giải thích của Ta. Cũng có năm thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có sáu thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 16 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 108 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Như vậy, này Ānanda, là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn.
Này Ānanda, dầu cho như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn, này Ānanda, những ai không chịu chấp nhận, không chịu tán đồng, không chịu tùy hỷ lời khéo nói, khéo thuyết với nhau; đối với những người ấy sẽ xảy đến như sau: Họ sẽ sống đấu tranh nhau, hủy báng nhau, tranh luận nhau với những khí giới miệng lưỡi. Như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn. Này Ānanda, dầu cho như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn, những ai chịu chấp nhận, chịu tán đồng, chịu tùy hỷ lời khéo nói, khéo thuyết với nhau; đối với những người ấy, sẽ xảy đến như sau: Họ sẽ sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có tranh luận nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt từ ái.”[46]
Đối với những bậc thầy nhìn thấy pháp môn Tịnh Độ là một phương tiện để ly tham sân si, tất nhiên sẽ không còn tranh biện gì nữa cho mệt. Do vậy, ngài Trần Nhân Tông, trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, đã viết, trích:
“Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương;
Dừng hết tham sân, mới lảu lòng màu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.”
Như mộng, như huyễn, như bọt sóng, như ảo ảnh
Tất cả Kinh Đại Thừa đều dạy rằng các pháp hữu vi thực sự chỉ là giấc mơ, là huyễn ảo. Và như thế, ngay cả Khổ Đế cũng chỉ là giấc mộng đêm qua, theo các luận sư Đại Thừa. Tư tưởng này là để phá chấp thật, và để chỉ ra thực tướng Đức Phật cũng từng nói tới. Có thể dẫn ra lời dạy của ngài Xá Lợi Pháp qua bài thơ “Trên đầu mũi kim” (Upon the Tip of a Needle), rằng khi tất cả các pháp chảy xiết trong vô thường và liên tục chỉ là một khoảnh khắc của tâm, thì trước mắt mình chỉ là những chùm xanh đỏ trắng vàng, vậy mà hóa thành núi xanh, mây trắng, nhà cửa, sông hồ hiện ra trước mắt, thì chỉ là tâm mình đang nhìn cái phóng chiếu của tâm mình. Để dễ hình dung, có thể nói về âm thanh, khi nghe 1 ca khúc: nếu từng âm thanh chỉ là 1 khoảnh khắc của tâm, thì chúng ta có thể chỉ nghe xô đẩy cả khối hỗn độn tiếng ồn, không thể nhận ra đây là ca khúc này là quan họ, ca khúc kia là vọng cổ, cũng không thể nhận ra tiếng chim kêu ngoài sân chen bất ngờ vào ca khúc từ TV. Khi nhận ra, rằng đó là ca khúc, đó là tiếng chim, thì tất cả các khoảnh khắc tâm, nghĩa là, theo lý luận Duy Thức, dựng lên thế giới chung quanh chúng ta là qua thức (và do duyên hợp, cũng từ nghiệp). Nghĩa là, như Kinh Hoa Nghiêm nói, tâm như họa sư. Nghĩa là, khi cõi người nhìn thấy là dòng sông để rửa tay chân, cõi ngạ quỷ sẽ nhìn thấy là địa ngục, loài thủy cư sẽ thấy là nơi an lạc.
Do vậy, quán như huyễn là một Thiền pháp hữu dụng. Kinh Kim Cang viết: “Nhất thiết hữu vi pháp / Như mộng, huyễn, bào, ảnh / Như lộ diệc như điện / Ưng tác như thị quán” (Tất cả các pháp hữu vi, đều như giấc mơ, như huyễn ảo, như bọt nước, như ảnh hiện, như sương, như tia chớp, hãy quán sát như thế).
Khi thấy tất cả các pháp chỉ là các khoảnh khắc chảy xiết trên đầu mũi kim, thì thực tướng chỉ là hoa đốm hư không, và các pháp vốn là không sanh và không diệt. Do vậy, Kinh Lăng Già, một kinh căn bản của Duy Thức và Thiền Tông, viết rằng: “Thế gian ly sanh diệt, do như hư không hoa…” (Thế gian lia cả sanh và diệt, y hệt như hoa đốm giữa hư không).
Bài Kệ 46 trong Kinh Pháp Cú, bản dịch của Thầy Minh Châu là: “46. “Biết thân như bọt nước, Ngộ thân là như huyễn, Bẻ tên hoa của ma, Vượt tầm mắt thần chết.” Tích truyện kể rằng, một nhà sư, sau khi nhận một đề mục thiền định từ Đức Phật, liền vào rừng. Ngài tận lực, nhưng không thấy tiến bộ, nên quyết định tìm gặp Đức Phật để xin chỉ dạy thêm. Trên đường đi, vị này thấy một ảo ảnh, chiếu lên từ một màng nước. Ngay lúc đó, ngài nhận ra thân ngài y hệt ảo ảnh. Quán sát thân như ảo ảnh, vị sư đi tới bờ sông Aciravati. Trong khi ngồi dưới một cội cây gần sông, vị này nhìn thấy các bọt sóng lớn tan vỡ, ngài nhận ra tánh vô thường của thân. Rồi Đức Phật hiện ra trước mắt sư, nói: “Đúng như con đã nhận ra, thân này vô thường như bọt sóng và vô ngã như một ảo ảnh.” Rồi Đức Phật đọc bài Kệ 46. Nghe xong, vị sư đắc quả A La Hán.
Bài Kệ 170 trong Kinh Pháp Cú, bản dịch của Thầy Minh Châu là: “170. “Hãy nhìn như bọt nước, Hãy nhìn như cảnh huyễn! Quán nhìn đời như vậy, Thần chết không bắt gặp.” Tích truyện kể về 500 vị sư. Một lần đó, 500 vị sư, sau khi nhận đề tài thiền định từ Đức Phật, đã vào rừng để thiền quán. Nhưng thấy không tiến bộ bao nhiêu, quý ngài mới về gặp Đức Phật để xin đề tài khác thích hợp hơn. Trên đường trở về tìm Đức Phật, nhìn thấy một ảo ảnh, họ mới chọn ảo ảnh làm đề mục. Khi vào lại tự viện, một trận bão đột khởi, mưa nặng hàt ào ạt tới, các bọt sóng hiện lên trên mặt đất và rồi tan biến. Nhìn bọt sóng, 500 vị sư quán chiếu, “Thân của chúng ta cũng mong manh hư vỡ như bọt sóng,” và nhận ra tánh vô thường của các uẩn. Đức Phật từ chánh điện đã thấy các vị sư, liền phóng hào quang và xuất hiện trước mắt các vị sư, rồi đọc bài Kệ 170.
Duy Thức luận đưa ra lý luận về thức thứ 8, tức là A Lại Da thức, đóng vai bức màn để tự tâm chiếu rọi lên để làm thành phim ảnh, nhưng vì là ảnh phim, nên gọi là sanh diệt nhưng thực sự lìa sanh diệt. Trong Kinh Lăng Già, bản Việt dịch của Thầy Duy Lực, nơi Quyển Bốn, giải thích rằng, trích:
“Bảy thức trước tương tục thì có hoại, thức thứ tám lưu chú thì chẳng hoại. Nhưng thức thứ tám cùng bảy thức kia thể chẳng có khác, nên bảy thức kia sanh diệt thì thức thứ tám cũng phải theo đó hoặc sanh hoặc diệt. Vì chẳng biết cảnh trần do tự tâm hiện, vốn chưa từng sanh diệt mà chúng sanh thấy cảnh giới hư vọng, sanh tưởng chấp lấy, nên theo thứ lớp diệt rồi sanh, sanh rồi diệt, thấy hình tướng sai biệt là do ý thức nhiếp thọ, cùng Tiền Ngũ Thức tương ưng, sanh thời gian sát na chẳng trụ, gọi là Sát Na.”[47]
Buông bỏ cả ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai
Người nào lìa được thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai) là sẽ giải thoát, vì khi tâm còn dính vào bất kỳ thời gian nào, cũng có nghĩa là dính vào một ngũ uẩn nào đó. Thí dụ, lưu luyến một khuôn mặt nào đó, một bức tranh nào đó, một cuốn phim nào đó, chính là lưu luyến một sắc uẩn nào đó. Hay khi lưu luyến ý nghĩa một bài thơ (như thơ Nguyễn Du, Bùi Giáng), chỉ có nghĩa là lưu luyến một thức uẩn nào đó (hay thọ uẩn, khi đọc thơ). Do vậy, bước qua bờ bên kia là khi trực nhận ngũ uẩn chính là Không, và không dính gì vào thời gian nữa. Thiền sử kể truyện ngài Đức Sơn gặp bà già bán bánh, bế tắc khi bà cụ đưa ra câu hỏi: “Kinh Kim Cang nói quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, xin hỏi Thượng tọa điểm tâm nào?” Đức Sơn không trả lời được, mới tự thấy là tu còn mơ hồ, chưa thấu triệt tâm pháp.
Bài Kệ 348 trong Kinh Pháp Cú, bản dịch của Thầy Minh Châu là: “348. Bỏ quá, hiện, vị lai, Đến bờ kia cuộc đời, Ý giải thoát tất cả, Chớ vướng lại sanh già.” Tích truyện kể về chàng Uggasena, con trai của một trưởng giả nhưng lại say đắm một cô vũ công trong đoàn kịch nghệ lưu động. Đoàn kịch này gồm 500 vũ công và một số người làm xiếc, tới thành Rajagaha, trình diễn nơi sân cung điện của vua Bimbisara trong 7 ngày. Cô vũ nữ xinh đẹp là con gái một nghệ sĩ xiếc trong đoàn. Cô hát và múa trên một cây gậy tre dài. Uggasena say mê cô, cưới cô rồi đi theo đoàn xiếc. Vì chàng không giỏi nghề, nên chỉ làm việc mang thùng, đẩy xe, vv. Rồi Uggasena và vợ sinh một con trai. Khi hát ru con, cô vũ nữ thường hát: “Con ơi, con trai của người đẩy xe, khiêng thùng. Con ơi, con của một người vô dụng.” Uggasena nghe bài ca, biết vợ ám chỉ mình nên sầu muộn, không vui. Chàng mới xin bố vợ dạy nghề đu xiếc. Sau một năm học, Uggasena trở thành nghệ sĩ đu xiếc xuất sắc.
Rồi Uggasena trở về thành Rajagaha, quảng cáo rằng chàng sẽ biểu diễn trong 7 ngày. Vào ngày thứ 7, cây trụ dài dựng lên và Uggasena đứng trên đỉnh trụ cây. Khi bên dưới ra hiệu, chàng nhào lộn trên không 7 lần. Lúc đó, Đức Phật thấy Uggasena qua linh ảnh, biết tới lúc Uggasena sẽ đắc quả A La Hán. Đức Phật vào thành Rajagaha, chú nguyện rằng tất cả khán giả sẽ chú ý về Đức Phật thay vì xem Uggasena làm xiếc. Khi Uggasena thấy khán giả không chú ý, mới ngồi trên cây trụ, thất vọng. Đức Phật mới nói với Uggasena, “Này Uggasena, người trí đừng có tham luyến vào các uẩn, mà hãy nỗ lực để giải thoát ra khỏi vòng luân hồi.” Rồi Đức Phật đọc bài Kệ 348. Nghe xong, Uggasena, vẫn còn ngồi trên cây cột, tức khắc chứng quả A La Hán. Chàng xuống và xin vào tăng đoàn.
Xa lìa cả bờ này và bờ kia
Bờ này và bờ kia có nhiều giải thích. Bờ này là Khổ, bờ kia là Giải Thoát. Bờ này là sinh lão bệnh tử, dùng bè [Bát Chánh Đạo] qua sông để tới bờ kia là nơi không sinh, không già, không bệnh và không chết. Bờ này là tham sân si, bờ kia là lìa tham sân si. Bờ này là thiện và ác, bờ kia là thanh tịnh, là không còn nhiễm vào cả thiện và ác. Bờ này là ngã chấp, bờ kia là lìa ngã chấp. Bờ này là ba cõi sáu đường, bờ kia là Niết Bàn. Bờ này là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, bờ kia là cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái được xúc cảm, cái được tư lường.
Bài Kệ 385 trong Kinh Pháp Cú, bản dịch của Thầy Minh Châu là: “385. Không bờ này, bờ kia. Cả hai bờ không có. Lìa khổ, không trói buộc. Ta gọi Bà-la-môn.” Tích truyện của bài kệ ghi rằng, một hôm, Ma vương (Mara) giả hiện là một thanh niên, tới hỏi Đức Phật, “Thưa ngài, ngài thường nói về chữ ‘param’. Chữ đó có nghĩa gì?” Đức Phật thấy ngay Ma vương hiện ra hỏi chuyện, nên đáp: “Những chữ ‘param’ và ‘aparam’ không có gì dính tới ngươi. Chữ ‘param’ có nghĩa là ‘bờ bên kia’ có thể chỉ bâc A La Hán tới được. Và các vị A La Hán là đã xa lìa tất cả những bất toàn đạo đức.” Rồi Đức Phật đọc bài kệ trên.
Bài Kệ 385 trong Kinh Pháp Cú, bản dịch của Thầy Minh Châu là: “412. “Người sống ở đời này. Không nhiễm cả thiện ác, Không sầu, sạch không bụi. Ta gọi Bà-la-môn.” Tích truyện của bài kệ ghi lại về ngài sa di Revata. Một hôm, các vị sư nói với Đức Phật, “Revata đang được nhiều người cúng dường, Revata đang kiếm sự nổi tiếng và tài sản. Mặc dù đang sống cô tịch trong rừng, xuyên qua thần thông siêu nhiên, Revata đã xây dựng lên 500 tịnh thất cho 500 vị sư.” Đức Phật mới trả lời các sư, “Các tỳ kheo, Revata đã xa lìa tất cả tham ái; Revata đã vượt qua cả thiện và ác rồi.” Rồi Đức Phật đọc bài Kệ 385.
Các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết Bàn
Trong nhiều Kinh Đại Thừa, thường nói rằng các pháp vốn là không, vốn không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết Bàn. Trong đó, kinh tụng hàng ngày là Bát Nhã Tâm Kinh nói rõ lý đó. Tương tự, Kinh Pháp Bảo Đàn, ghi lại chuyện Lục Tổ Huệ Năng khi tới Chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết-bàn. Khi ấy có gió thổi, lá phướn động, một vị tăng nói gió động, một vị tăng nói phướn động, hai người cãi nhau không thôi. Huệ Năng tiến tới nói: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhân giả động.” Câu nói của ngài Huệ Năng là nói lên ý nghĩa ba cõi là tâm, vạn pháp là thức. Phướn là cái được thấy, cái ảnh hiện trong tâm nhân giả, tức là ảnh hiện của thức biến hiện ra trước mắt của một khối ngũ uẩn đang đứng nhìn. Nếu không phải thức biến hiện lên, thì dòng chảy xiết của vô thường chỉ cho thấy xô bồ cả chùm xanh đỏ trắng vàng vô nghĩa. Ngay khi thấy phướn bay, nhận ra tâm động, nhận ra trong và ngoài rỗng rang, nhận ra bản lai vắng bặt, nhận ra tự tánh Niết Bàn.
Có thể giải thích đơn giản bằng Luận Duy Thức. Trong tác phẩm “Living Yogacara” (Sống Duy Thức) của Tagawa Shu’Ei, bản Anh dịch của Charles Muller, nxb Wisdom Publications 2009, nơi trang 3, ghi lại bài kệ, viết theo thể thơ tanka Nhật Bản, kể chuyện bên hồ Sarusawa Pond tại tỉnh Nara. Bài thơ vài dòng về lý thức biến, viết rằng một tiếng vỗ tay bên hồ sẽ làm cho cá chép bơi tới chờ thức ăn, các chim gần đó bay lên vì sợ, và một người hầu gái sẽ mang trà ra, như sau:
Nơi tiếng vỗ của hai bàn tay
cá chép bơi tới chờ thức ăn
chim hốt hoảng bay đi, và
một người hầu gái mang trà ra —
[Bên] hồ Sarusawa.
Để làm sáng tỏ thêm ý trên, nơi đây xin trích vài đoạn trong Kinh Giải Thâm Mật. Nơi đây giải thích về vô ngã và lý duyên khởi rất minh bạch: những gì chúng ta thấy nghe hay biết đều vô tự tánh (như gió, như phướn – hiện lên, phóng chiếu từ gương tâm), những gì sinh khởi đều vô tự tánh (ảnh hiện trước mắt, tiếng gió nghe bên tai – cả cái được thấy và cái được nghe đều là vô tự tánh trong gương tâm), và Niết Bàn (cảnh giới thấy nghe của ngài Huệ Năng) trong tự tánh cũng là vô tự tánh (ngay khi chú tâm tỉnh giác, thì sát na đó là ly tham sân si, chính là thanh tịnh Niết Bàn của các pháp, của thế giới ba cõi). Kinh Giải Thâm Mật nơi đây do Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch. Nơi đây xin dẫn ra “Phẩm 5. Vô Tánh.” Nơi đây, cứ mỗi dòng trích từ bản dịch của Thầy Trí Quang, sẽ kèm theo bản Anh dịch của Thomas Cleary từ sách “Buddhist Yoga” (Duy Thức Phật Giáo), các trang 28-29. Và kèm theo là bản dịch của Nguyên Giác. Bản gốc có thể có thể xem trong link[48]. Trích chỗ Đức Phật dạy Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh như sau.
(Bản dịch của Thầy Trí Quang): Thắng Nghĩa Sinh, hãy nhận thức rằng Như lai căn cứ ba vô tánh sau đây mà mật ý nói các pháp toàn không, ấy là tướng vô tánh, sinh vô tánh, thắng nghĩa vô tánh.
(Bản Anh dịch Cleary): You should know that when I say all things have no essence, I am alluding their to three kinds of essencelessness: essencelessness of characteristics, essencelessness of birth, and ultimate essencelessness./// (Nguyên Giác dịch): Ngươi nên biết rằng, khi Như Lai nói tất cả các pháp đều vô tự tánh, Như Lai hàm ý rằng tánh của chúng là ba loại vô tự tánh: vô tự tánh của các tướng, vô tự tánh của sự sinh khởi, và vô tự tánh thắng nghĩa.
(Thầy TQ): Tướng vô tánh là thế nào, là chính biến kế chấp tánh của các pháp, tại sao, vì tánh ấy do giả danh thiết lập chứ không phải do tự tướng thiết lập, nên gọi là tướng vô tánh.
(Cleary): What is the essencelessness of characteristics of all things? It is their conceptually grasped character. Why? Because the characteristics are defined by artificial names, not by inherent definition. Therefore this is called essencelessness of characteristics./// (NG): Vô tự tánh của các tướng của tất cả các pháp là gì? Đó chính là tướng [hiển lộ lên] bị chấp giữ qua khái niệm [bởi tâm]. Tại sao? Bởi vì các tướng do giả danh dựng lập, chứ không phải có sẵn tự trong các tướng. Do vậy, đây gọi là vô tự tánh của của các tướng.
(Thầy TQ): Sinh vô tánh là thế nào, là chính y tha khởi tánh của các pháp, tại sao, vì do cái khác là duyên tố mà có chứ không phải tự nhiên mà có, nên gọi là sinh vô tánh.
(Cleary): What is the essencelessness of birth of things? It is the dependently originated character of things. Why? Because they exist dependent on the power of other conditions and do not exist of themselves. Therefore this is called essencelessness of birth. /// (NG): Vô tự tánh của sự sinh khởi các pháp là gì? Đó chính là tướng theo duyên sinh hiển lộ lên của các pháp. Tại sao? Bởi vì chúng hiển lộ dựa vào các duyên khác, và tự chúng không độc lập mà có. Do vậy, đây gọi là vô tự tánh của sự sinh khởi.
(Thầy TQ): Thắng nghĩa vô tánh là thế nào, là (một mặt), các pháp do sinh vô tánh mà nói là vô tánh, có nghĩa chính các pháp duyên sinh cũng gọi là thắng nghĩa vô tánh, tại sao, vì nơi các pháp, nếu là thanh tịnh sở duyên thì Như lai nói là thắng nghĩa vô tánh, mà y tha khởi tánh không phải thanh tịnh sở duyên nên cũng gọi là thắng nghĩa vô tánh.
(Cleary): What is the ultimate essencelessness of things? It means that things are said to be essenceless because of the essencelessness of birth; that is to say, the fact of dependent origination is also called ultimate essencelessness. Why? I reveal the pure object of attention in things to be ultimate essencelessness. Dependency is not a pure object of attention, so I also call it ultimately essenceless. /// (NG): Vô tự tánh thắng nghĩa của các pháp là gì? Nghĩa là, các pháp được nói là vô tự tánh bởi vì sự sinh khởi đã là vô tự tánh; nghĩa là, các pháp do duyên sinh nên cũng gọi là vô tự tánh thắng nghĩa. Tại sao? Như Lai chỉ ra đối tượng thanh tịnh của sự chú tâm trong các pháp chính là vô tự tánh thắng nghĩa. Duyên sinh không phải là một đối tượng thanh tịnh của sự chú tâm, do vậy Như Lai cũng gọi đó là vô tự tánh thắng nghĩa.
(Thầy TQ): Thêm nữa, (mặt khác), viên thành thật tánh của các pháp cũng gọi là thắng nghĩa vô tánh, tại sao, tại pháp vô ngã của tất cả các pháp thì gọi là thắng nghĩa, thắng nghĩa này cũng gọi là vô tánh, vì nó mới là thắng nghĩa của các pháp và do vô tánh hiển lộ, nên (viên thành thật tánh) gọi là thắng nghĩa vô tánh. Tương tự không hoa, tướng vô tánh cũng vậy.
(Cleary): There is also the perfectly real character of things, which is also called ultimate essencelessness. Why? Because the selflessness of all things is called ultimate truth and can also be called essencelessness. This is the ultimate truth of all things and is revealed by essencelessness, so for these reasons it is called ultimate essencelessness. /// (NG): Thêm nữa, cũng có thật tánh viên mãn của các pháp, nó cũng được gọi là vô tự tánh thắng nghĩa. Tại sao? Bởi vì vô ngã của tất cả các pháp được gọi là sự thật thắng nghĩa, và cũng có thể được gọi là vô tự tánh. Đây là sự thật thắng nghĩa của tất cả các pháp và được hiển lộ ra bởi vô tự tánh, do vậy được gọi là vô tự tánh thắng nghĩa.
(Thầy TQ): Tương tự không hoa, tướng vô tánh cũng vậy. Tương tự ảo tượng (của ảo thuật), sinh vô tánh cũng vậy, thắng nghĩa vô tánh mặt thứ nhất cũng vậy. Tương tự hư không do sắc tướng vô tánh hiển lộ và phổ biến tất cả, thắng nghĩa vô tánh mặt thứ hai cũng vậy, vì do pháp vô ngã hiển lộ và phổ biến tất cả. Như lai căn cứ ba vô tánh như vậy mà mật ý nói rằng các pháp toàn không.
(Cleary): You should know that essencelessness of characteristics is like flowers in the sky. Essencelessness of birth is like illusory images, and so is ultimate essencelessness in part. Just as space is only revealed by absence of forms and yet is omnipresent, so also is one part of ultimate essencelessness, because it is revealed by the selflessness of things, and because it is omnipresent. /// (NG): Ngươi nên biết rằng, vô tự tánh của các tướng y hệt như hoa trên hư không. Vô tự tánh của sự sinh khởi y hệt như ảo ảnh, và vô tự tánh thắng nghĩa cũng thế. Cũng như hư không chỉ được hiển lộ bởi vắng mặt các sắc tướng và do vậy nó [vốn là không] bao trùm khắp pháp giới, cũng hệt như thế là vô tự tánh thắng nghĩa, bởi vì nó được hiển lộ bởi vô ngã của các pháp, và bởi vì nó [vốn là không] bao trùm khắp pháp giới.[49]
Cuối bài, xin hồi hướng tất cả các thiện hạnh có được để nguyện xin bình an và giải thoát cho tất cả đồng bào nơi quê nhà, và cho chúng sanh khắp ba cõi sáu đường.
Nguyên Giác
__________________
[1] Kinh AN 5.57: https://suttacentral.net/an5.57/vi/minh_chau
[2] Kinh MN 113: https://suttacentral.net/mn113/vi/minh_chau
[3] Kinh EA 17.9: https://suttacentral.net/ea17.9/vi/tue_sy-thang; Kinh MA 85: https://suttacentral.net/ma85/vi/tue_sy
[4] Kinh EA 17.9: https://suttacentral.net/ea17.9/vi/tue_sy-thang; Kinh MA 85: https://suttacentral.net/ma85/vi/tue_sy
[5] Kinh DN 1: https://suttacentral.net/dn1/vi/minh_chau
[6] Kinh SA 785: https://suttacentral.net/sa785/vi/tue_sy-thang
[7] Kinh AN 9.36: https://suttacentral.net/an9.36/vi/minh_chau
[8] Kinh AN 11.16: https://suttacentral.net/an11.16/vi/minh_chau; Kinh MN 52: https://suttacentral.net/mn52/vi/minh_chau
[9] Kinh AN 11.16: https://suttacentral.net/an11.16/vi/minh_chau; Kinh MN 52: https://suttacentral.net/mn52/vi/minh_chau
[10] Kinh AN 11.16: https://suttacentral.net/an11.16/vi/minh_chau; Kinh MN 52: https://suttacentral.net/mn52/vi/minh_chau
[11] Kinh MN 64: https://suttacentral.net/mn64/vi/minh_chau
[12] Kinh MA 205: https://suttacentral.net/ma205/vi/tue_sy
[13] Kinh SA 864: https://suttacentral.net/sa864/vi/tue_sy-thang
[14] Kinh AN 5.28: https://suttacentral.net/an5.28/vi/minh_chau
[15] Kinh AN 5.256: https://suttacentral.net/an5.256/vi/minh_chau
[16] Kinh MA 43: https://suttacentral.net/ma43/vi/tue_sy; Kinh AN 10.1 – AN 10.5: https://suttacentral.net/an10-anisamsavagga
[17] Kinh MA 43: https://suttacentral.net/ma43/vi/tue_sy; Kinh AN 10.1 – AN 10.5: https://suttacentral.net/an10-anisamsavagga
[18] Kinh AN 3.63: https://suttacentral.net/an3.63/vi/minh_chau; Kinh AN 3.16: https://suttacentral.net/an3.16/vi/minh_chau
[19] Kinh AN 3.63: https://suttacentral.net/an3.63/vi/minh_chau; Kinh AN 3.16: https://suttacentral.net/an3.16/vi/minh_chau
[20] Kinh AN 4.170: https://suttacentral.net/an4.170/vi/minh_chau
[21] Kinh SN 35.245: https://suttacentral.net/sn35.245/vi/minh_chau
[22] Kinh SN 12.70: https://suttacentral.net/sn12.70/vi/minh_chau
[23] Kinh SA 270: https://suttacentral.net/sa270/vi/tue_sy-thang
[24] Guhatthaka-suttaniddeso: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/nm/nm.2.04.olen.html
[25] Kinh SN 35.23: https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau
[26] Kinh SN 12.67: https://suttacentral.net/sn12.67/vi/minh_chau; Kinh SA 288: https://suttacentral.net/sa288/vi/tue_sy-thang
[27] Kinh SN 12.67: https://suttacentral.net/sn12.67/vi/minh_chau; Kinh SA 288: https://suttacentral.net/sa288/vi/tue_sy-thang
[28] Kinh SN 35.24: https://suttacentral.net/sn35.24/vi/minh_chau
[29] Thag 10.3: https://suttacentral.net/thag10.3/vi/indacanda; Kinh SN 54.1: https://suttacentral.net/sn54.1/vi/minh_chau
[30] Thag 10.3: https://suttacentral.net/thag10.3/vi/indacanda; Kinh SN 54.1: https://suttacentral.net/sn54.1/vi/minh_chau
[31] Kinh AN 3.76: https://suttacentral.net/an3.76/vi/minh_chau; Kinh SN 22.55: https://suttacentral.net/sn22.55/vi/minh_chau; Kinh DN 11: https://suttacentral.net/dn11/vi/minh_chau
[32] Kinh AN 3.76: https://suttacentral.net/an3.76/vi/minh_chau; Kinh SN 22.55: https://suttacentral.net/sn22.55/vi/minh_chau; Kinh DN 11: https://suttacentral.net/dn11/vi/minh_chau
[33] Kinh AN 3.76: https://suttacentral.net/an3.76/vi/minh_chau; Kinh SN 22.55: https://suttacentral.net/sn22.55/vi/minh_chau; Kinh DN 11: https://suttacentral.net/dn11/vi/minh_chau
[34] Quán niệm: https://suttacentral.net/vb7/en/anandajoti
[35] Quán niệm: https://suttacentral.net/vb7/en/anandajoti
[36] Stephen Batchelor, Verses from the Center: https://www.stephenbatchelor.org/index.php/en/verses-from-the-center; HT Thiện Siêu, Trung Luận: https://thuvienhoasen.org/p19a15704/pham-09-quan-ve-bon-tru; Kinh SA 45: https://suttacentral.net/sa45/vi/tue_sy-thang
[37] Stephen Batchelor, Verses from the Center: https://www.stephenbatchelor.org/index.php/en/verses-from-the-center; HT Thiện Siêu, Trung Luận: https://thuvienhoasen.org/p19a15704/pham-09-quan-ve-bon-tru; Kinh SA 45: https://suttacentral.net/sa45/vi/tue_sy-thang
[38] Kinh Pháp Cú: https://www.tipitaka.net/tipitaka/dhp/index.php
[39] Kinh SN 12.38: https://suttacentral.net/sn12.38/vi/minh_chau; Bản dịch Sujato: https://suttacentral.net/sn12.38/en/sujato; Kinh SA 359: https://suttacentral.net/sa359/vi/tue_sy-thang; Kinh Bahiya, Ud 1.10: https://thuvienhoasen.org/p26a35902/14-bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta; Kinh SA 926: https://suttacentral.net/sa926/vi/tue_sy-thang
[40] Kinh SN 12.38: https://suttacentral.net/sn12.38/vi/minh_chau; Bản dịch Sujato: https://suttacentral.net/sn12.38/en/sujato; Kinh SA 359: https://suttacentral.net/sa359/vi/tue_sy-thang; Kinh Bahiya, Ud 1.10: https://thuvienhoasen.org/p26a35902/14-bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta; Kinh SA 926: https://suttacentral.net/sa926/vi/tue_sy-thang
[41] Kinh SN 12.38: https://suttacentral.net/sn12.38/vi/minh_chau; Bản dịch Sujato: https://suttacentral.net/sn12.38/en/sujato; Kinh SA 359: https://suttacentral.net/sa359/vi/tue_sy-thang; Kinh Bahiya, Ud 1.10: https://thuvienhoasen.org/p26a35902/14-bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta; Kinh SA 926: https://suttacentral.net/sa926/vi/tue_sy-thang
[42] Kinh SN 12.38: https://suttacentral.net/sn12.38/vi/minh_chau; Bản dịch Sujato: https://suttacentral.net/sn12.38/en/sujato; Kinh SA 359: https://suttacentral.net/sa359/vi/tue_sy-thang; Kinh Bahiya, Ud 1.10: https://thuvienhoasen.org/p26a35902/14-bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta; Kinh SA 926: https://suttacentral.net/sa926/vi/tue_sy-thang
[43] Kinh SN 12.38: https://suttacentral.net/sn12.38/vi/minh_chau; Bản dịch Sujato: https://suttacentral.net/sn12.38/en/sujato; Kinh SA 359: https://suttacentral.net/sa359/vi/tue_sy-thang; Kinh Bahiya, Ud 1.10: https://thuvienhoasen.org/p26a35902/14-bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta; Kinh SA 926: https://suttacentral.net/sa926/vi/tue_sy-thang
[44] Kinh SN 22.79: https://suttacentral.net/sn22.79/vi/minh_chau
[45] Kinh AN 3.72: https://suttacentral.net/an3.72/vi/minh_chau; Kinh MN 59: https://suttacentral.net/mn59/vi/minh_chau; Kinh SN 36.19: https://suttacentral.net/sn36.19/vi/minh_chau
[46] Kinh AN 3.72: https://suttacentral.net/an3.72/vi/minh_chau; Kinh MN 59: https://suttacentral.net/mn59/vi/minh_chau; Kinh SN 36.19: https://suttacentral.net/sn36.19/vi/minh_chau
[47] Kinh Lăng Già: https://thuvienhoasen.org/p16a998/quyen-bon
[48] Kinh Giải Thâm Mật: https://thuvienhoasen.org/p16a1026/pham-nam-vo-tanh; Thomas Cleary, Buddhist Yoga, pp.28-29: https://terebess.hu/english/Buddhist-Yoga.pdf
[49] Kinh Giải Thâm Mật: https://thuvienhoasen.org/p16a1026/pham-nam-vo-tanh; Thomas Cleary, Buddhist Yoga, pp.28-29: https://terebess.hu/english/Buddhist-Yoga.pdf