Nguyên Giác: Vì sao Phật giáo suy giảm?

Câu hỏi “Vì Sao Phật Giáo Suy Giảm?” khởi lên trong khi tôi đọc bài viết nhan đề “Why Actor Michael O’Keefe Renounced His Buddhist Vows” (Tại sao diễn viên Michael O’Keefe từ bỏ lời nguyện Phật giáo của mình?) trên tạp chí Tricycle ngày 22/5/2024. Bởi vì, tôi nghĩ, rất hy hữu để có một Phật tử như Michael O’Keefe, một trí thức Hoa Kỳ tài năng, viết tiểu thuyết, soạn kịch, làm thơ, đóng phim cả trên màn ảnh lớn và TV đều xuất sắc. Để nói cho rõ, anh chỉ rời bộ áo Thiền sư, nhưng không thấy anh nói chuyện rời Phật Giáo. Sau khi đọc bản tin trên, tôi tìm đọc bài viết giải thích chi tiết nhan đề “The Lost Robe” (Bộ Y Đánh Mất) trong ấn bản Mùa Xuân 2024 của Tricycle.

Michael O’Keefe (M.O.) đã mặc áo Thiền sư của dòng tu Zen Peacemaker Order tại Hoa Kỳ khoảng 30 năm, sau 4 năm quy y và thọ giới nơi đây, một dòng thuộc tông Tào Động Nhật Bản và chấp nhận tu sĩ có vợ. Chính xác, M.O. thọ giới 16 Bồ tát của dòng này năm 1994, năm anh 39 tuổi. Trong lễ thọ giới đó, hiện diện có trong buổi lễ có người thân phụ nghiêm khắc của anh là một giáo sư của một đại học Công Giáo (St. Thomas University) và mẹ của anh. Anh kể lại:

Năm 1994, tôi được phong chức tu sĩ trong Hội Zen Peacemaker Order, một tổ chức hành động xã hội mới được Thiền sư Bernie Glassman và vợ ông, Jishu Holmes, thành lập. Đó là một nghi lễ mạnh mẽ đối với tôi. Cả hai bố mẹ tôi đều tham dự, cũng như vợ tôi lúc đó, ca sĩ Bonnie Raitt, mẹ và bố dượng của cô, và một số người bạn thân của tôi. Sau khi đầu tôi được cạo trọc và chiếc y dài được choàng vào thân tôi, Bernie và ba người kế nhiệm của ông vòng quanh tôi ba lần, cúi đầu và hát lên “Phật trở thành Phật, và Phật cúi đầu trước Phật.

Bernie Glassman là người kế nhiệm đầu tiên của Taizan Maezumi, người sáng lập Trung tâm Zen Center of Los Angeles (ZCLA) và một trong những người tiên phong trong việc giới thiệu thực hành Phật giáo cho sinh viên phương Tây. Bernie là người kế thừa cao cấp nhất của Maezumi Roshi (Lão sư Maezumi). Sinh ra và lớn lên ở Brooklyn, Bernie hoàn thành bằng tiến sĩ toán học tại UCLA, sau đó làm việc trong ngành hàng không vũ trụ. Anh bắt đầu luyện tập Zen từ sách và trở thành học trò của Maezumi hồi năm 1965. Bernie là học trò cao nhất và là cánh tay phải của Maezumi từ đầu.

M.O. kể về một nỗi buồn, khi biết rằng Maezumi không giữ giới được. M.O. viết: “Khóa thiền thất ở Bắc California cuối cùng lại là lần cuối cùng tôi gặp Maezumi Roshi. Trong chuyến đi đến Nhật Bản, ông đột ngột qua đời. Chúng tôi được biết rằng, khi thăm gia đình, anh trai của ông tìm thấy ông nằm trên giường, đã qua đời vì nguyên nhân tự nhiên trong đêm.”

Nhưng tin về cái chết tự nhiên đó không chính xác, tới 4 năm sau, M.O. mới biết sự thật. M.O. viết: “Chỉ vào năm 1999, bốn năm sau khi Roshi qua đời, khi tôi đang sống tại ZCLA, tôi mới biết sự thật về cái chết của ông. Sau một đêm uống rượu với anh trai, ông trượt vào bồn tắm furo, ngất xỉu và chết đuối. Tin tức này được truyền đến tôi giữa một kỳ tu, và nó làm tan nát trái tim tôi. Trong bốn mươi chín ngày sau đó, tôi đã cúng hương, hoa và, thay vì nước, tôi để rượu vodka tại một bàn thờ riêng tôi dành cho ông trong căn hộ nhỏ của Trung tâm Thiền của tôi.”

Michael O’Keefe trả lời phỏng vấn của đài KCAL9 về vở kịch đoạt giải Pulitzer “Sweat,” được trình diễn tại Mark Taper Forum tháng 9/2018

Chúng ta có thể hiểu được cảm xúc của Michael O’Keefe khi biết sự thật rằng vị Thiền sư Nhật Bản Maezumi đưa dòng Thiền Tào Động vào Hoa Kỳ lại là một kẻ nghiện rượu và chết vì rượu. Nghe rất đời thường, mà cũng chẳng thơ mộng như Lý Bạch. Có biết là bao nhiêu các vị sư đã từng phạm giới này, hay giới kia, và rồi đã, đang và sẽ có những Phật tử lặng lẽ ngưng đi chùa?

Một trường hợp khác, chúng ta cũng có thể nhớ: Lạt ma Chogyam Trungpa, người đã giúp truyền bá Phật giáo Tây Tạng vào Hoa Kỳ trong những năm 1970s, đã thiết lập một dòng tu lớn ở Colorado, lại là một người nghiện rượu, bản tính hung bạo, và rồi ông qua đời vào năm 1987 do bệnh liên quan đến rượu.

Theo bản báo cáo từ cuộc nghiên cứu Pew Research phổ biến vào tháng 4/2015, cho thấy một viễn ảnh bi quan là Phật Giáo sẽ suy giảm tín đồ. Bản báo cáo có nhan đề “The Future Of World Religions: Population Growth Projections, 2010-2050” (Tương lai của các tôn giáo trên thế giới: Dự đoán tăng trưởng tín đồ, 2010-2050) đưa ra viễn ảnh như sau.

Số lượng Phật tử trên khắp thế giới dự kiến ​​sẽ tăng trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2030, tăng từ 488 triệu người lên khoảng 511 triệu. Tuy nhiên, dân số Phật giáo toàn cầu được dự đoán sẽ giảm sau năm 2030, xuống còn 486 triệu Phật tử vào năm 2050, khoảng bằng mức của năm 2010.

Trong cùng thời kỳ, dân số thế giới dự kiến ​​sẽ tăng đáng kể. Kết quả là tỷ lệ dân số thế giới theo đạo Phật được dự báo sẽ giảm từ khoảng 7% trong năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2050.

Tốc độ tăng trưởng dân số thế giới hàng năm dự kiến ​​sẽ giảm dần trong các thập niên tới, giảm từ 1,1% trong giai đoạn 2010-2015 xuống còn 0,4% trong giai đoạn 2045-2050. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của Phật tử cũng được dự đoán sẽ giảm. Tốc độ tăng trưởng của Phật giáo là 0,5% trong giai đoạn 2010-2015. Sau năm 2030, tốc độ tăng trưởng dân số Phật giáo toàn cầu được dự báo sẽ rơi vào vùng âm, kết thúc với tốc độ tăng trưởng âm vào năm 2045-2050 là âm 0,4%. Điều này thể hiện sự suy giảm dự kiến ​​về số lượng Phật tử sau năm 2030.”

Nhìn về tương lai, theo nghiên cứu Pew ghi trên, thấy rõ rằng số lượng Phật tử trong tương lai sẽ suy giảm kể từ năm 2030. Bạn đừng nghĩ rằng thời điểm này là xa vời. Năm nay là 2024 rồi. Bạn cũng có thể nhìn lại trong xóm, trong khu phố của bạn xem, hẳn là có rất nhiều Phật tử không còn tới chùa nữa. Nơi đây, người viết không muốn bàn chuyện Việt Nam, vì hơi nhạy cảm, chỉ bàn chuyện quốc tế thôi. Thậm chí, có những nghiên cứu đưa ra những chuyện bất ngờ, rằng Phật giáo cũng đã và đang suy giảm tại Thái Lan, nơi có khoảng 92% dân số theo Đạo Phật.

Bài viết của Murray Hunter, nhan đề “The Decline Of Buddhism In Thailand – Analysis” (Sự Suy Giảm của Phật Giáo tại Thái Lan – Bản phân tích) đăng ngày 25/10/2022 trên tạp chí Eurasia Review. Bài này cũng đăng ở báo Asia Sentinel ngày 25/10/2022.

Bài viết cho biết, đối với du khách, Thái Lan là quốc gia có đức tin Phật giáo mạnh nhất, với 92% người Thái chính thức là Phật tử. Phật giáo là quốc giáo: Vua phải là Phật tử, với các nghi lễ Phật giáo được kết hợp trong các nghi lễ hoàng gia giữa một số kiến trúc tôn giáo đẹp nhất thế giới, bản sắc dân tộc Thái Lan hòa trộn với bản sắc Phật giáo. Các hoa văn Phật giáo trang trí trên các tòa nhà chính phủ. Nam thanh niên được kỳ vọng sẽ dành ba tháng  xuất gia ngắn hạn. Mỗi buổi sáng, các vị sư đi khất thực khắp các đường phố và người dân Thái hai bên đường quỳ cúng dường.

Thực tế, bài báo cho biết: “Khi tới thăm hầu hết 40.000 ngôi chùa của Thái Lan, hay còn gọi là wats (chùa, tự viện, tịnh xá), nằm rải rác trên các vùng nông thôn ngoài khu vực du lịch sẽ thấy thường là trống vắng, nhiều nơi hiện chỉ có một hoặc hai tăng sĩ. Một số ngôi chùa nhỏ không có một vị tu sĩ nào ở đó. Wats ở khu vực ngoại ô và làng quê hiện nay thường phục vụ cho việc tang lễ là hoạt động chính, trong khi các kiến trúc khác trong khuôn viên đã bị hư hỏng do thiếu sử dụng.”

Có một lý do chung nhất cho các chùa Châu Á: từ nhiều thế kỷ trước, chùa là trung tâm xã hội của cộng đồng, nơi mà các gia đình, làng xóm tụ tập cho các sự kiện giáo dục, học giáo lý, lễ hội, giải trí, vui buồn hiếu hỷ… Thời nay, xã hội phức tạp hơn, cung cấp nhiều nơi hơn cho các sự kiện cần thiết. Thậm chí, các mạng xã hội lại là nơi thu hút sự tập trung mới: các ngôi chùa trên mạng Facebook, Youtube… phong phú hơn, tiện lợi hơn. Ngay cả chuyên ngành của chùa là dạy Chánh pháp cũng đã cung cấp trên mạng, do vậy các ngôi chùa gạch cát xi măng tất nhiên là vắng bớt.

Bài báo viết rằng nhiều hoạt động trong các chùa Thái Lan đã giảm đáng kể. Số lượng thanh niên vào tu ngắn hạn đã giảm. Xã hội phức tạp hơn, thanh niên không còn nhiều thì giờ, do vậy, nhiều nghi lễ thanh niên vào tu truyền thống bây giờ nhiều chùa cho ngắn tới “từ một đến 15 ngày, thay vì ba tháng truyền thống. Nhiều người chỉ ở lại dưới 24 giờ.” Từ một xã hội nông dân của nhiều thế kỷ trước, tới bây giờ là xã hội công nghiệp… tất nhiên thì giờ của giới trẻ không còn gắn liền bao nhiêu với các chùa.

Đại dịch COVID-19 lại làm tăng tốc độ suy giảm của Phật giáo Thái Lan. Trong đại dịch Covid-19, nhiều chùa đã đóng cửa với công chúng và tiếp tục cách ly. Không ai được ra vào, trong một số trường hợp kéo dài đến hai năm. Tuy nhiên, sau đại dịch, số người tới chùa cũng không thể tăng trở lại như thời trước đại dịch.

Tác giả Murray Hunter kể rằng: “Tôi đã nói chuyện với một số vị sư trong vài tháng qua khi các chùa đã mở cửa trở lại. Ajarn (Tăng sĩ) Sun, một vị sư có chùa ở khu nghỉ dưỡng ven biển phía nam Krabi, cho biết những người cao tuổi thường xuyên đến chùa của ông đã chần chừ đối với việc quay trở lại để ngồi thiền và học pháp, vì sợ dịch bệnh.”

Bài báo ghi lời nhà sư Ajarn Wan, từ Chumphon, một tỉnh miền quê trên Vịnh Thái Lan, đã nói rằng những người trở lại chùa sau đại dịch thường là những người tìm kiếm phước lành để thay đổi số phận của mình. Người khác tới chùa nhờ các nhà sư giúp trong việc cầu tìm đối tác hôn nhân, hoặc nhờ giải quyết một vấn đề nào đó. Họ thăm viếng ngắn, tìm sự giúp đỡ, cúng dường và rời đi. Chùa Wat Chedi ở tỉnh Nakhon Si Thammarat, cách Bangkok gần 800 km về phía nam, đông đúc vào cuối tuần và ngày lễ, đặc biệt là với các gia đình muốn “tìm thêm thành viên cho gia đình hoặc phước lành cho doanh nghiệp của họ.” Nghĩa là, xin cầu phước vì hôn nhân, hoặc xin Phật cho có con.

Thêm nữa bài báo nói nan đề là các chùa khó thu hút thế hệ trẻ hơn. Bài báo viết: “Tuy nhiên, là thế hệ trẻ đang rõ ràng tránh xa. Nhóm dân số này đang bỏ rơi Phật giáo. Ajarn Akae từ Surat Thani nói rằng giới trẻ có những sở thích khác, hấp dẫn hơn. Ngay cả khi họ đến, họ sớm cảm thấy chán chường và chỉ dừng lại và rời đi. Ajarn Akae nói rằng rất khó để dạy những người có khả năng tập trung ngắn. Giới trẻ dường như nghiện ứng dụng điện thoại, Akae nói – mặc dù họ có mặt trong chùa, sự chú ý và tinh thần của họ lại ở xa. Họ không quan tâm đến việc học Pháp. Một lý do chính là sự chính thống hóa của Phật giáo dưới chính phủ hiện tại, với sự tham nhũng, say sưa rượu chè, buôn ma túy, scandal tình dục và sự giàu có tích tụ bởi một số vị sư lừa đảo đã làm mất lòng tin của giới trẻ. Truyền thông báo chí viết về những vị sư gây scandal cũng không giúp tăng uy tín của Giáo Hội Phật giáo, hội đồng tối cao.”

Bài báo viết nhiều ngôi chùa trở thành viện dưỡng lão, khi các cụ già được con cháu gửi vào: “Những ngôi chùa ngày nay đang trở thành nơi các cụ bị đưa vào như đổ rác. Nhiều người được đưa đến chùa bởi con cái và sau đó hoặc ít khi được thăm hoặc bị bỏ rơi. Nhiều ngôi chùa đầy người mắc bệnh sa sút trí tuệ hoặc Alzheimer, không ai chăm sóc cho họ. Thái Lan sẽ sớm đối diện tình hình một số chùa có thể bị hoàn toàn bỏ hoang, các vị sư cho biết. Chính phủ không thể làm gì nhiều, vì nhiều chùa được thành lập thông qua các quỹ gia đình, và do đó trên đất tư. Tình trạng hư hỏng chung của các công trình có thể thấy rõ. Các chùa nhỏ với ít tiền cúng dường không thể làm gì để sửa chữa chúng. Điều này khó khăn cho các vị sư, nhiều trong số họ cũng đã cao tuổi để duy trì những chùa này, được xây dựng trên hai hoặc ba hecta hoặc hơn.”

Tuy nhiên, vẫn có những ngôi chùa đại gia, nơi các vị sư nổi tiếng cư trú, có những dự án xây cất khổng lồ, được tài trợ bởi sự đóng góp của khách thăm hàng ngày và các nhà hảo tâm khác. Những ngôi chùa này biết rằng họ phải xây dựng các điểm thu hút du khách hàng ngày và cả thu hút các thí chủ đại gia. Mọi người thường đến với họ để nhận phước lành cho may mắn, chứ không phải vì bất kỳ sự làm giàu tinh thần nào.

Bài báo viết: “Theo lời một nhà sư, người không muốn tiết lộ danh tính của mình, một số nhà sư sử dụng tâm lý mặc cảm có tội để thu hút các khoản quyên góp lớn từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Thái Lan. Không có cơ chế nào để chia sẻ một phần tiền cúng dường này [từ các đại gia] cho các tu viện nhỏ đang cần.”

Trong tình hình đó, có một tia ánh sáng xuất hiện: đó là các trung tâm thiền trong rừng đang thu hút giới trung lưu Thái Lan. Bài báo viết: “Có một lĩnh vực phát triển trong Phật giáo Thái Lan. Các trung tâm thiền trong rừng chuyên biệt đang mọc lên như một lựa chọn khác. Thoải mái hơn so với các chùa cơ bản, tầng lớp trung lưu được hấp dẫn bởi chúng. Các nhà sư và người cư sĩ tại các cơ sở này thường giảng dạy Pháp và thiền bằng các kỹ thuật hiện đại kết nối với đệ tử của họ. Với hơn 300 trung tâm này, và với nhiều trung tâm khác sắp mở ra, chúng thường được đặt chỗ trước cho các Thiền thất cuối tuần.”

Tới đây, chúng ta nhìn thấy một số trường hợp để suy nghĩ và đối chiếu. Phật tử rời bỏ chùa vì nhiều lý do. Có khi để lui về nhà tự tu, tự học, theo hướng dẫn của Kinh sách hay theo các vị Thầy trên Internet. Có Phật tử rời bỏ chùa vì thấy nhiều nhà sư phạm giới. Thế hệ trẻ nhìn thấy chùa không gắn liền với đời sống của họ như thế hệ cha mẹ của họ. Những người dân nghèo khổ nhìn thấy ngày càng xa chùa khi các nhà sư trở thành bạn hữu của các đại gia. Nhiều thói quen đã thay đổi sau thời đại dịch. Chùa chỉ còn quan trọng với những người tin rằng chùa là nơi để cầu phước. Tuy nhiên, qua trường hợp Phật giáo Thái Lan, đã có một cách giải quyết: các trung tâm Thiền trong rừng xuất hiện để cung cấp cho người dân Thái Lan những gì mà các ngôi chùa Thái Lan không có hoặc không còn giữ được nữa.

Như vậy, các ngôi chùa muốn gắn liền với dòng sống của dân tộc, phải trở thành các trung tâm Thiền tập, phải trở thành các rừng Thiền trong thành thị, để cung cấp cho Phật tử niềm vui của Pháp, của Thiền. Lúc đó, chúng ta có thể nói rằng, không hề có cái gì gọi là thời mạt Pháp: khi tâm của bạn thất niệm, đó chính là thời mạt Pháp; và khi tâm của bạn vững vàng trong chính niệm, đó chính là khi Phật ra đời.

Nguyên Giác
California, tháng 5/2024.

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button