Nguyên Siêu: Giáo dục tinh thần tự chủ, phụng sự tha nhân, không hận thù

Kinh Hòa hợp cường thịnh 2 (Trung bộ kinh, tập III)

Con đường Giáo pháp rộng mở, cho những ai đến để thấy; thấy rồi tin; và tin rồi để tu. Tu cho chính mình nhằm thu hoạch, gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Nơi đây, đức Thế Tôn phương tiện nói Giáo pháp như thế này; nơi kia đức Thế Tôn phương tiện nói như thế kia. Nhưng dù thế này, hay thế kia không ngoài mục đích giáo hóa, hướng dẫn tất cả mọi căn cơ, trình độ con người sớm quay về nơi thánh thiện, xây dựng một đời sống giữa mình với người có sự liên hệ tốt, có sự tương quan chặt chẽ, tình nghĩa trong ý thức tự tồn, phát triển đời sống tu tập.

Kinh Hòa Hợp Cường Thịnh 2, chúng ta thấy đức Thế Tôn giáo dục toàn diện tư cách con người, phải đánh thức chính mình hãy thức dậy ngay bây giờ để thấy một cách chân thực; thấy cái gì đang xảy ra nơi tâm, nơi ý, nơi thức của mình, để ngăn ngừa, phòng hộ. Đi vào kinh văn:

“… rồi đức Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bình bát đi vào Kosambi để khất thực. Sau khi khất thực ở Kosambi ăn xong, trên con đường đi khất thực về, sau khi dọn dẹp chỗ ngồi, cất y bát, đức Thế Tôn đứng và nói bài kệ như vậy:

“Giữa quần chúng la ó
Không ai nghĩ mình ngu,
Giữa Tăng chúng phân ly
Không ai nghĩ hướng thượng.”

Bốn câu kệ này đức Thế Tôn dạy: sống giữa đời, trong xã hội, mình nói năng, làm việc lung tung. Nói năng không kiềm chế. Nói năng vô độ lượng, nói năng buông thả, nói năng thả giàn… mà chẳng biết mình nói đúng hay sai. Có những hạng người chỉ nói cho mình. Chỉ biết cho mình mà không biết đến người khác, chỉ cho mình là đúng còn người khác là sai. Hạng người này đầu óc có lẽ hơi lệch lạc, mất hướng, cho nên không ai nghĩ mình ngu.Đây là một cái bịnh mà trong xã hội người không thiếu. Còn trong đời sống của chúng Tăng thì sao? Giữa Tăng chúng phân ly, có ai nghĩ hướng thượng.Chúng Tăng bị phân hóa, bản thể của Tăng bị lu mờ, suy giảm mà chẳng có ai nghĩ tới, thấy được để mà chấn chỉnh, dung hợp cho tốt đẹp. Chẳng có ai làm Thầy mô phạm, mà dạy bảo, sách tấn để hướng thân lập mệnh trên tiến trình tu chứng. Chẳng có ai nghĩ đến con đường hướng thượng là thanh cao, là siêu thoát.

“Thất niệm kẻ trí nói
Ba hoa trăm thứ chuyện
Miệng há nói thả giàn
Dẫn đi đâu ai biết?”

Người Trí thấy được sự thất niệm mà thầm nghĩ: người mà nói ba hoa trăm thứ chuyện; người mà há miệng ra thì nói thả giàn, thương thay người ấy biết đi về đâu. Không kiềm chế được sự nói của mình. Nói không biết suy nghĩ kỹ lưỡng; nói một cách ngang tàng, bất kính, vô phép… thì hậu quả của sự nói này ai biết người ấy đi về đâu? Đi về đọa xứ; đi đến khổ đau… ly tan và đơn độc, chẳng ai dám gần gũi với mình, chẳng ai chơi với mình; làm bạn thân thiện chắc hẳn không có, vì miệng lưỡi rắn rít nào ai dám đến gần sợ bị phun nọc độc.

“Nó mắng tôi đánh tôi!
Nó hại tôi, cướp tôi!
Ai ôm oán hận này
Hận thù không thể nguôi.”

Người không có lượng thứ, khoan dung và buông xả, thì dù chỉ một lời nói, một cái nhìn cũng khó mà quên. Ghim gút, trói buộc, chấp nê lâu ngày trở thành thù hận. Đức Phật dạy chúng ta cần phải biết xả bỏ, không chấp thủ. Có xả bỏ, không chấp thủ thì tâm mình mới an lạc, nhẹ nhàng, tự tại; dính mắc, câu thúc bởi sự hẹp hòi của lòng mình, thì hận thù không thể nguôivà như thế đời này hận thù, đời sau thù hận, cả hai đời hận thù triền miên, sợi dây xích trói chặt hận thù để phải sống và chết với cái hận thù ấy. Ai đã học lời Phật dạy thì không ôm hận thù. Ai đã tu theo Phật pháp thì hận thù xin được nguôi ngoai, nhẹ nhàng và hỷ xả. Đây là cái hiểu biết của bậc hiền trí.

“Nó mắng tôi đánh tôi!
Nó hại tôi, cướp tôi!
Không ôm oán hận này
Hận thù sẽ tự nguôi.”

Hạnh phúc cho ai không ôm oán hận này. Ôm oán hận chỉ là chuốc lấy tai họa. Vì oán hận mà ăn không ngon, ngủ không được, tâm bị sầu muộn. Nhưng tâm lý con người không dễ gì buông bỏ oán hận;không dễ gì dập tắt được oán hận.Chính vì vậy mà cứ mãi triền miên oán thù truyền kiếp. Nhưng đức Thế Tôn đã dạy phương pháp có khả năng dập tắt hận thù:

“Hận thù diệt hận thù
Không đời nào diệt được
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.”

Từ bi là nước cam lồ có khả năng dập tắt lửa hận thù, vì tự tánh của Từ Bi là ban vui cứu khổ.

“Người khác không hiểu biết
Ở đây ta bị diệt
Những ai hiểu điều này
Nhờ vậy, tranh luận tiêu.
Kẻ chủ xướng hại mạng
Cướp bò, ngựa, tài sản,
Kẻ cưỡng đoạt quốc độ
Chúng còn biết đoàn kết
Sao các người không vậy?
Nếu được bạn hiền trí
Đồng hành, khéo an trú,
Đã thắng mọn hiểm nạn
Sống hoan hỷ chánh niệm
Nếu không bạn hiền trí
Như vua bỏ quốc độ
Cô độc như voi rừng
Tốt hơn sống một mình
Không bạn bè kẻ ngu
Cô độc không làm ác
Nhàn hạ như voi rừng.”

Đây là con đường giáo dục làm chủ lấy mình; không bị ngoại cảnh chi phối; không bị người khác dụ dỗ kéo lôi, dù phải sống một mình, chịu cô độc, không bạn bè chứ không giao du kết bạn cùng kẻ ác, đức Thế Tôn dạy như thế. Vì kết bạn với kẻ ác đã chẳng có lợi gì mà lại còn thêm cái ác chất chồng; cái xấu xa luôn kề cận, chẳng ích gì cho công việc tu tập. Như voi sống một mình trong rừng, thênh thang với cảnh trí núi đồi, không phiền không nhiệt; không bị quấy rầy bởi đàn voi con, dẫm nát cỏ non, quậy đục nước uống. Hãy xây dựng cho mình một đời sống tu tập nhàn tịnh, tập buông bỏ cái tôi. Tập ly tham; diệt sân; ly si… để không bị quá ư hãm nịch trong các phạm trù trần cấu. Hãy tập bềnh bồng như mây; một đời bớt trói buộc, lụy phiền. Hãy tập thênh thang như không gian, nhẹ nhàng như gió chiều trên cánh đồng làng êm ả. Người tu tập phải gắng là bảo trữ một tâm hồn như thế, nếu không thì sẽ cô phụ lời giảng dạy giáo pháp của đức Thế Tôn bao đời vì chúng ta, giáo pháp luôn tuôn chảy, luôn ngát hương, luôn tỏa ngát ý vị giải thoát và giác ngộ. Giáo pháp luôn hiện có nơi đây, có trong mỗi người, có trong mọi thời, mọi xứ. Có trong tôi; có trong anh; có trong em; có trong tất cả mọi người. Giáo pháp có để giáo dục, để hướng dẫn con người tiến đến phương trời cao rộng, thênh thang, vô cùng tận… Giáo pháp để cho cha được no ấm, để cho mẹ được giàu có, để cho con người trên mặt đất được bình an. Trong kinh Pháp Luật là Thầy, đức Thế Tôn đã dạy: “Này Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng bậc Đạo Sư không còn nữa; chúng ta không có Đạo Sư. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật Như Lai đã giảng dạy, và trình bày, sau khi Như Lai diệt độ, chính Pháp và Luật này sẽ là Đạo Sư của các ngươi.” (Trường Bộ Kinh, Tập III, trang 154)

“Này các Thầy Tỳ Kheo, nay Như Lai khuyên dạy các ngươi; các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn tu tập giáo pháp, chớ có buông lung, thời gian chóng qua, đạo nghiệp chưa thành.(Trường Bộ Kinh, Tập III, trang 156)

Kinh Không Hận Thù để chúng ta học lần cuối:

“Không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý, chúng sống với nhau không hận thù. Nhưng với hận thù, với đả thương, với thù nghịch, với ác ý, chúng sống với nhau trong hận thù.” (Trường Bộ Kinh, Tập III, trang 276)

Lời Phật dạy đã cho chúng ta một cái nhìn thẩm thấu, quán triệt một đời sống người nhiều mong manh và thoáng chốc, không có gì chắc thật, vậy hãy cho nhau bằng tấm lòng thân thương, quí kính, để cùng sống có nhau trong ngàn vạn kiếp người.

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button