Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn: Sau giấc Trường Sơn

Một ngày mùa Thu (16-9-2023) Trần Trung Đạo từ Boston gọi báo tin về sức khỏe của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ ở Việt Nam đang ở vào tình trạng mong manh nhất từ trước tới nay. Dù câu chuyện trao đổi trên điện thoại liên quan thời sự và Phật sự, nhưng mối quan tâm đậm nét vẫn là Thầy Tuệ Sỹ (TTS). Ở chặng tuổi đời 80, tuổi đạo 70, thời gian dù chỉ là bóng câu qua cửa sổ, là chỗ dựa rất tương đối và chủ quan để làm phương tiện đo lường độ lớn, tầm cao và chiều sâu của một nhân vật; nhưng cũng ít nhiều có độ bám trong một khung cảnh lịch sử như Việt Nam qua bao thăng trầm biến động. Trong đó, đạo Phật Việt Nam đã đồng hành với đất nước và dân tộc dù thế sự có thăng trầm đến mức độ nào.

Đề tài chính là việc thực hiện cấp tốc một Kỷ Yếu đặc biệt về Thầy Tuệ Sỹ với ước mong Thầy sẽ có dịp đọc qua giữa lúc Thu sang với những cơn gió heo may vô thường đang thấp thỏm đánh thức giấc mơ Trường Sơn…

Viết về Thầy Tuệ Sỹ thật khó bởi mộng mà rất thực, hàn lâm mà chân quê, uyên bác như rừng thẳm mà nhẹ nhàng như giấc mơ trong quán trọ bên đường. Kiến thức và tác phẩm của Thầy có thể chất đầy giá sách trong tàng kinh các; nhưng thơ Thầy trong vắt và miên man phong trần như hồn… du thủ. Người lạ yêu thơ lần đầu đọc thơ Tuệ Sỹ sẽ đắm đuối trong một xứ thơ trùng điệp và phiêu hốt của một gã làm thơ lãng tử đa tình và không hề hay biết thi nhân là một tu sĩ vì không có một câu chữ nào làm dáng mẫn tuệ bằng những danh từ Phật học thời thượng.

Kẻ viết đôi dòng nầy cũng đã gặp khó một lần tương tự khi anh Văn Công Tuấn từ Đức báo cho biết là Thầy Tuệ Sỹ đang chuẩn bị in tác phẩm đậm tính hàn lâm biên khảo, đó là cuốn Tổng Quan Về Nghiệp. Thầy muốn có nhận định của ba người ở ba nơi là Đỗ Hồng Ngọc (Việt Nam), Cao Huy Thuần (Pháp) và Trần Kiêm Đoàn (Mỹ) để in vào phần nhận định đầu sách. Tuy với thời gian và số câu chữ giới hạn, người viết cũng làm xong chút việc được giao nhưng đọc lại sau khi sách đã phát hành bỗng thấy mình viết lách “mô phạm” khô khan quá đối với một tác giả với kho chữ nghĩa trùng trùng duyên… dáng như Thầy Tuệ Sỹ!

Lần nầy lòng dặn lòng là phải viết ra một ý tứ gì đó cho thật tươi mát. Ngôn ngữ mang nhiều cảm xúc trực tiếp và nguồn tình cảm đầy biểu tượng nhất là thi ca, là những vần thơ. Nếu cần yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu hơn 3 nghìn năm trước thì có Kinh Thi. Ôm thơ theo trăng để vào cõi vĩnh hằng có Lý Bạch; và dám trầm mình xuống sông Mịch La vì không can gián nổi quân vương thì có Khuất Nguyên từ hơn 2 nghìn năm trước; và bất chấp thân mình treo trên án tử để bày tỏ cho được tấm lòng bất thối chuyển của mình vì quý Đạo, thương Đời thì có Tuệ Sỹ thời nay.

Nhớ lần đầu gặp Thầy Tuệ Sỹ trước hiên chùa Từ Đàm Huế, tôi còn mường tượng ra hình ảnh “chú Tuệ Sỹ” mặc chiếc áo dài nâu có vá một miếng nhỏ trên vạt áo trước. Dáng Chú nhỏ nhắn đứng khuất trong đám đông người nhưng ôn Châu Lâm vẫn tìm gặp và khen: “Giỏi lắm, thông minh lắm!” Đôi mắt Chú sống động và to như tỏa sáng cả khuôn mặt gầy gò. Ngày ấy, Chú chỉ mới là một học tăng xuất sắc nhưng phải chờ đến khi vào Nam, tiếp cận với thế giới học thuật của Phật giáo ở các chùa viện và đại học Vạn Hạnh mới phát huy hết khả năng uyên bác và tài hoa sáng tạo về triết học, Phật học cùng văn chương qua nhiều ngôn ngữ. Chú hơn tôi 3 tuổi và tôi chỉ được gặp Chú một lần trực tiếp từ thời trung học, hơn 60 năm trước cho đến hôm nay. Thế nhưng sự vươn lên tri thức dũng mãnh của Chú làm cho thế hệ của chúng tôi phải lặng mình suy gẫm. Cái “tri thức dũng mãnh” của Chú là dám tìm sinh lộ cho đạo và đời bằng tri thức thiên phú đã đành nhưng đáng giá nhất là mạng sống, bất chấp cái án tử hình. Sự dấn thân đáng quý nhất dành cho đời, cho đạo với cả tâm trong và tuệ giác; bằng vô úy thí chấp nhận sự vắt kiệt tinh anh của chính bản thân mình để tưới tẩm cho màu hoa đạo và hương vị tâm linh. Một cuộc hành trình đi tìm lẽ sống như chàng Tất Đạt ngày xưa hiến hoa gấm riêng mình cho hạnh phúc của tha nhân.

Thế hệ Chiến tranh Việt Nam (Những người sinh trong khoảng sinh từ 1930 đến 1960) là một “thế hệ mất hướng” mà ở phương Tây gọi là một “Thế hệ Biến mất” (Lost Generation). Biến mất đối với tâm lý phương Tây là mất đi điệu sống bình thường như nổi loạn, đi lính phục vụ chiến tranh, học hành dang dở, từ chiến trường thương tật trở về hay đối mặt sau cuộc chiến là định kiến, chủ nghĩa, cực đoan… Sự biến mất đau xót nhất là mất hết nghĩa khí, niềm tự hào và ý nghĩa sống của thiên chức nhân sinh mà chỉ còn thân phận làm người. Ý nghĩa mất hướng đối với Việt Nam mà không có một nước châu Á nào gặp phải là cuộc hội ngộ trong chia ly từ đất sống đến tư tưởng, ý thức hệ.

Thực tại mất hướng thì còn chăng là những giấc mơ… trong thơ!

Cả sơn hà đại địa nầy đều chỉ đáng là phù vân quên lãng khi còn một giấc mơ. Có chăng một Giấc Mơ Trường Sơn mà Thầy Tuệ Sỹ [DT1] đang mơ:

Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều

Đặc biệt là bên cạnh hơn 60 tác phẩm biên khảo và dịch thuật, một tập thơ duy nhất của Thầy Tuệ Sỹ được xuất bản là Giấc Mơ Trường Sơn cũng đủ đưa Thầy vào hàng thi sĩ tài danh trên chiếu hoa cạp điều của nền Thi Ca Việt Nam.

Loanh quanh đại dương rồi cũng trở về sông lạch. Sống muôn năm rồi cũng trở lại canh tàn. Nhắc đến thơ là nhắc đến những niềm vui, nỗi buồn; những số phận vinh quang và cay đắng của thơ. Những quả đời chín mọng của một thuở làm thơ tình và những trái rụng khô khan của một thời làm thơ điếu như có niềm vui trong nỗi buồn, thanh xuân trong tàn úa và nụ cười trong chớp mắt…

Chợt nghĩ đến dòng sinh diệt, chúng tôi có dịp nhắc đến hình thức Sinh Điếu ở Trung Hoa (生前葬), Nhật (Seizensō) và Mỹ (Living Funeral Service). Tuy mang nhiều mục đích và ý nghĩa khác nhau nhưng cùng có một hình thức tương tự là làm lễ “truy niệm” cho một nhân vật đang còn sống để hình dung hình ảnh và cảm tưởng ngày người đó thật sự qua đời. Sinh điếu tuy ít thấy ở Việt Nam nhưng cũng được giới quý tộc và nghệ sĩ thời xưa tổ chức trong bầu không khí vui vầy thân hữu qua hình thức đàn ca ngâm vịnh và xướng họa thơ văn. Giai thoại văn chương Huế còn nhắc lại lễ sinh điếu của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 – 1961) năm 75 tuổi và người viết sinh điếu thi (living eulogy poem) là nhà thơ yêu nước mà cũng trào lộng tài hoa Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1891-1968). Hai bạn hiền ngâm thơ “điếu tang” nhau trong tiếng cười rộn rã… 

Tưởng người xưa và nhớ người nay, không gì hơn là vui với tâm hồn rộng mở, kính với lòng trân quý sâu xa, trọng với tâm thái an hòa ngưỡng mộ và nhớ với niềm hướng vọng chân thành. Theo dòng thi văn điếu, trong nhiều năm qua tôi đã làm điếu thi và điếu văn cảm niệm nhiều nhân vật thời danh và người yêu kính đã vĩnh viễn ra đi như một nén hương tưởng niệm hương linh Người vừa tạ thế: Huynh trưởng Võ Đình Cường, ca sĩ Hà Thanh, Ôn Mãn Giác, cư sĩ Trần Quang Thuận, Ôn Huyền Quang, thi sĩ Kiêm Thêm, Ôn Trí Quang, Ôn Nhất Hạnh… và nhiều thân hữu vô danh hay thành danh đã để lại niềm tâm cảm sâu xa trong tôi khi nghe tin họ qua đời. Nhưng thi điếu hay văn điếu chỉ có người sống còn ở lại đọc cho nhau nghe, đối tượng của những dòng văn thơ nhắc đến mình chỉ còn mơ hồ là tro thân ngũ uẩn. Tấm thân sinh diệt vô hạn kỳ, đi cũng là về, nên khái niệm lạc tịnh trong thú vui sinh điếu tưởng cũng nên nhắc lại với đương lai và thế hệ kế thừa.

Hôm nay tôi theo bóng nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy – đã làm Sinh Điếu Thi tặng thi hữu Hương Bình Thúc Giạ Thị lúc sinh thời – để làm sinh điếu thi kính tặng Thầy Thích Tuệ Sỹ. Và biết đâu sẽ có một nụ cười nào đó khiến Thầy vui mà còn ở lại nhiều năm nữa với túi thơ chưa cạn… Sau Giấc Trường Sơn.

SINH ĐIẾU THI VIẾNG THẦY TUỆ SỸ

Nhật nguyệt vương heo may giữa mùa thu Đông – Tây,
Ngô đồng một lá rụng, trời đất cùng vào thu.
Thu là Xuân khi mỗi lá rơi đẹp như một bông hoa vừa nở…
Người ra đi mùa thu, lá đang rụng là hoa đang trổ:
“Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát,
Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn.”

Nhớ hương xưa…
Thầy đã đến và đã ra đi từ vạn cổ,
Mỗi kiếp đời là một bước uyên nguyên:
Tiểu kiếp kia mặc áo hồ cừu,
Tiểu kiếp nầy mặc áo cà sa,
Tiểu kiếp nọ mặc hoàng bào…
Muôn tiểu kiếp vạn ta bà thế giới,

Hơn bảy mươi năm trước,
Chú Thương vượt Trường Sơn tìm nẻo Đạo,
Paksé, Nam Lào, Quảng Bình, Lao Bảo…
Núi thẳm, rừng thiêng, truông dữ, mặc đèo cao:
Vĩnh quyết, nhất tâm, thắng duyên nương mình Phật đạo.

Thắng duyên một thuở, Huế trầm lắng, đơn sơ,
Mà được xem là kinh đô Phật giáo.
Bởi mái chùa và viện chủ là… Ôn:
“Ôn” là Ông mà cũng là ôn nhu, ôn hòa, ôn nhã, ôn hậu, ôn tồn…
Nên đã nhận và đặt pháp danh sa di 7 tuổi đời là Tuệ Sỹ.

Tuệ thông thái mà phát huy danh Sỹ,
Nên uyên thâm tài trí song toàn,
Đại tạng, hàn lâm, nội điển, kinh tàng…
Hán, Phạn, Pháp, Anh, Nhật, Đức… ngữ văn,
Quán thông triệt giữa trường văn thế đạo.

Thích Tuệ Sỹ:
Tuổi đôi mươi (1964) đã tốt nghiệp đại học Phật giáo,
Tuổi thanh xuân (1970) thành giáo sư đại học do những công trình nghiên cứu uyên thâm.
Tuổi trung niên là diệu pháp danh hoa văn đàn thi phú,
Danh bất hư truyền nhiều danh tác Đông Tây kim cổ nhân văn.

Chiên đàn hương hỷ lạc,
Vườn hoa tâm thơm ngát là thơ.
Lời phiêu hốt bi hùng như sóng cả…
Giấc mơ Trường Sơn và những chân trời tuyệt lạ,
“Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng”

Lịch sử sang trang,
Sư về bên cổ tích.
Từ tâm trong thế cuộc can qua,
Sách vở văn chương một thời xa lạ,
Nhân thế trông nhau qua những cặp kính màu.
Một thân thế một tâm hồn bên góc trời miên viễn,
Không ẩn tàng mà xuất xử với năm châu.

Cửa Thiền không khép,
Nhìn cuộc bể dâu

Thời thế, thế thời, thế thái biết về đâu;
Bát Nhã xuất ly; Đại Bi nhập thế,
Cõi tâm hư thao thiết tìm cầu:
Là tu sĩ phải đương đầu,
Là thi nhân càng dậy sóng…
Là học giả tay không nghìn phương trượng,
Quyết dấn mình ngọc bối vớt nông sâu.

Nước trong không sợ bẩn tay,
Cây ngay không sợ chết đứng;
Nên đã trải qua mấy bờ sống chết,
Nắng dọi, Thu về, vĩnh kết vẫn hôm nay!

Ôn Tuệ Sỹ,
Thầy Tuệ Sỹ,
Hòa thượng Tuệ Sỹ,
Nhà thơ Tuệ Sỹ,
Học giả Tuệ Sỹ…
Nhiều tên gọi một phiến đời kẻ sĩ,
Đã trùng trùng nối tiếp bước chân qua.
Nhậm vận thịnh suy – thăng trầm thành bại,
Giữa vàng thau lẫn lộn cõi Ta Bà.

Và cứ thế phiêu linh vời vợi,
Cứ an nhiên như đã về đã tới!
Xuất thì vui hồn nhiên như ngày mới,
Xử thì hoàn không về quán niệm cõi Tây Phương.

Thầy đó…
Nằm im lặng tiếng dương cầm tịch tĩnh,
Mắt nhắm mơ hồ thư pháp rọi kinh xưa.
Có chín phẩm hoa sen như nụ cười phụ mẫu,
Sen nở thấy Phật trọn niềm vui,
Bồ tát viên dung là bạn lành.

Cuộc đời là quán trọ,
Nẻo về là thiên phương.
Nên trong Nẻo Về dặn dò giải thoát:
“Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn,
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về?”

Kính bạch Thầy:

Hôm nay, ngày mai, ít lâu hay lâu lắm về sau:
Sẽ có một ngày Thầy ra đi không về nữa;
Như đời thường hết thảy đã đi qua:
Bởi “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử…”
Không lại hoàn không nắng xế tà.

Trong diệu lý Khổ, Duyên, Không;
Tam pháp ấn Thế tôn truyền dạy:
Chúng con được cung nghinh
Và tiễn biệt Thầy.

Nam mô Quán niệm Tâm không
Niết bàn Tự tại Bồ tát.

Sacramento, Đêm Trung Thu 2023
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

Trích: Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ | Hội đồng Hoằng Pháp ấn hành tháng 10/2023


Ghi chú: Những câu chữ nghiêng và ở trong ngoặc kép là thơ của Thầy Tuệ Sỹ và cổ thi.

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button