Nhuận Châu điểm sách và giới thiệu: Thời hoàng kim của triết học Phật giáo Ấn Độ
THỜI HOÀNG KIM CỦA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
The Golden Age of Indian Buddhist Philosophy,
Oxford University Press, 2019, 326pp.,
Jan Westerhoff,
Nhuận Châu– Điểm sách và Giới thiệu
Cuốn sách của Jan Westerhoff là một bổ sung đầy tham vọng và kỹ lưỡng cho bộ sách Lịch sử Triết học Oxford[1]. Cuốn sách này, được viết bởi một chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực triết học Phật giáo, đóng vai trò như một phần giới thiệu nâng cao về giai đoạn phong phú của triết học, đồng thời nhắc nhở rằng lịch sử triết học không chỉ giới hạn trong lịch sử triết học phương Tây. Mặc dù cuốn sách này có thể dễ dàng tiếp cận đối với những người có nền tảng triết học, nhưng có lẽ nó phù hợp nhất cho những ai đã có ít nhất sự hiểu biết sơ bộ về các nền tảng của Phật giáo thời kỳ đầu.
Westerhoff bắt đầu với phần giới thiệu, sau đó tiếp tục với bốn chương cốt lõi về A-tỳ-đàm (Abhidharma), Trung quán tông (Madhyamaka), Du-già hành tông/Duy thức (Yogācāra) và trường phái Trần-na (Diṅnāga) – Pháp Xứng (Dharmakīrti). Cuốn sách này bao quát khoảng thời gian của thiên niên kỷ đầu sau Tây lịch (stl), thời kỳ “Hoàng kim” của triết học Phật giáo Ấn Độ, mặc dù đôi khi ông cũng thảo luận về những phát triển sau này ở Nam Á, Tây Tạng và Đông Á.
Trước khi đi sâu vào nội dung, xin lưu ý vài khía cạnh cấu trúc khiến cho tập trở nên một nguồn tham khảo hữu ích. Mục lục phân tích chi tiết của Westerhoff, sơ đồ về các trường phái và các nhà tư tưởng, và các tiêu đề chủ đề in ở lề[2] (tương tự như những cuốn sách châu Âu thế kỷ XVII-XVIII) giúp độc giả dễ dàng quay lại tham khảo sau này.
Phần giới thiệu của Westerhoff nêu bối cảnh triết học và lịch sử phát triển triết học Phật giáo Ấn Độ, tập trung vào các yếu tố như vai trò đặc biệt của tranh luận công khai ở Ấn Độ cổ đại cũng như vai trò của các văn bản thiêng liêng, chú giải và thiền định trong truyền thống Phật giáo Ấn Độ. Ông tiếp cận lịch sử triết học này bằng một phương pháp “lai” (hybrid):
Chúng tôi sẽ cấu trúc lịch sử tư tưởng Phật giáo theo trình tự lịch sử truyền thống và hợp lý là A-tỳ-đàm — Trung quán — Du-già hành tông (Duy thức) — Trần-na (Diṅnāga) — Pháp Xứng (Dharmakīrti), chú ý đến mối quan hệ hỗ tương của các trường phái, thảo luận những khó khăn khi phân biệt rõ ràng giữa các trường phái (trang 10).
Điểm độc đáo nhất trong phương pháp của Westerhoff có lẽ là mong muốn cân bằng giữa cái mà ông coi là quan điểm có phần chống lại chủ nghĩa hiện thực về quá khứ của nhiều triết gia Phật giáo và những giả định hiện thực lịch sử tự nhiên của phương Tây hiện đại. Ông đề xuất cân bằng điều này bằng cách tạm thời bỏ qua một số giả định tự nhiên chủ nghĩa mà chúng ta nắm giữ. Điều này có nghĩa là khi quan điểm về thế giới xung đột với những tuyên bố liên quan đến việc phát triển một bản tường thuật về lịch sử Phật giáo (chẳng hạn như các tuyên bố về tuổi thọ tối đa của con người, sự tồn tại khách quan của quá khứ, v.v.), chúng ta tạm thời gác lại những quan điểm này để tìm hiểu xem chúng ta có thể đi bao xa trong phân tích mà không cần dựa vào chúng. (trang 32)
Chương đầu tiên tập trung vào A-tỳ-đàm, một trường phái triết học lớn và đa dạng nhằm hệ thống hóa các giáo lý Phật giáo thời kỳ đầu. Tại đây, Westerhoff bỏ qua các phát triển Phật giáo trước đó — các bài kinh hoặc bài thuyết giảng của Đức Phật lịch sử, lớp đệ tử Thanh văn đầu tiên, giới luật xuất gia — vì vậy nếu độc giả vốn chưa quen nội dung này cần đọc kỹ phần Dẫn nhập trước khi đi sâu vào phần còn lại.
Sau khi giới thiệu một số xu hướng chung giữa các trường phái A-tỳ-đàm ( theo truyền thống có 18 bộ phái), Westerhoff thảo luận một số quan điểm của năm trường phái A-tỳ-đàm lớn: Đại chúng bộ (Mahāsaṃghika), Thượng toạ bộ (Theravāda), Bộ chấp ngã (bổ-đặc-già-la Pudgalavāda), Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda) ộ (Sarvāstivāda), và Kinh lượng bộ (Sautrāntika). Ví dụ, ông đề cập đến cuốn Luận sự (Kathāvatthu) của Thượng toạ bộ (Theravāda), một văn bản về tranh luận và Luận lý học; quan điểm của Bộ chấp ngã (Pudgalavāda) về phi duy giản hóa con người, đối lập với quan điểm duy giản được hầu hết các Phật tử khác ủng hộ; và quan điểm của Nhất thiết hữu bộ rằng quá khứ, hiện tại và tương lai đều tồn tại (do đó có tên bộ phái, sarva asti, nghĩa là “mọi thứ đều tồn tại”). Westerhoff cũng thảo luận về những điểm liên tục có thể có giữa A-tỳ-đàm và Đại thừa sau này, chẳng hạn như quan điểm của Đại chúng bộ về Tính không (śūnyatā) liên quan đến Trung quán, và thuyết biểu tượng của Kinh lượng bộ từ Thế Thân (Vasubandhu), có thể là một bước tiến gần hơn với quan điểm nhận thức của Du-già hành tông (yogācāra).
Các chương còn lại tập trung vào các trường phái phát sinh hoặc ít nhất bị ảnh hưởng nhiều bởi sự trỗi dậy của Đại thừa (có nghĩa là “cỗ xe lớn”), bắt đầu với Trung quán tông ở Chương 2. Tại đây, Westerhoff cung cấp một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về lịch sử Đại thừa và các văn bản thiêng liêng, đặc biệt là kinh văn Bát-nhã Ba-la-mật, nhiều bản kinh đưa ra quan điểm không thật về thực tại, ảnh hưởng đến sự phát triển của Trung quán và Du-già hành tông (yogācāra) . Westerhoff bắt đầu phần xử lý của mình về Trung quán với một phần dài về người sáng lập, Long Thụ (Nāgārjuna, khoảng thế kỷ I-II stl) và bộ luận chính, lập luận rằng các khía cạnh chủ yếu văn bản của Long Thụ được truyền cảm hứng từ những ý tưởng được tìm thấy trong các văn bản Bát-nhã Ba-la-mật: “một lời chỉ trích đối với dự án A-tỳ-đàm… học thuyết về thuyết hư ảo, và… sự chấp nhận rõ ràng về các mâu thuẫn” (trang 99). Westerhoff bao gồm các chủ đề như các lập luận của Long Thụ liên quan đến thời gian và nhân quả, sự bảo vệ của ngài đối với thuyết huyễn ảo, việc ngài chấp nhận các mâu thuẫn trong tứ cú (catuṣkoṭi) (một chủ đề đã tạo ra nhiều sự quan tâm đương đại, chẳng hạn như của Graham Priest và Jay Garfield).
Westerhoff tiếp tục với một số nhà luận giải quan trọng về Long Thụ, như Phật Hộ (Buddhapālita), Thanh Biện (Bhāviveka) và Nguyệt Xứng (Candrakīrti), mỗi người đưa ra một cách hiểu khác nhau về mục tiêu và phương pháp của Long Thụ, đặc biệt là về vấn đề liệu các triết gia Trung quán có nên đưa ra quan điểm tích cực trong bối cảnh tranh luận hay không (Thanh Biện), hoặc chỉ đơn thuần phê bình các tuyên bố của người khác (Nguyệt Xứng). Westerhoff kết thúc chương này với các luận sư thế kỷ thứ VIII stl, Liên Hoa Giới (Kamalaśīla) và Tịch Hộ (Śāntarakṣita), những luận sư tổng hợp Trung quán và Du-già hành tông (yogācāra), và một phần về sự tương tác của Trung quán với phái Chính lý (Nyāya), một trường phái ngoài Phật giáo nổi tiếng với sự bảo vệ chủ nghĩa hiện thực.
Chương 3 tập trung vào Du-già hành tông (yogācāra). Westerhoff phân bổ lịch sử trường phái này qua năm giai đoạn, từ khởi đầu trong các văn bản Đại thừa (giai đoạn 1), Di-lặc (Maitreya, giai đoạn 2), thông qua sự bảo vệ hệ thống của những người sáng lập là Vô Trước (Asaṅga, giai đoạn 3), Thế Thân (Vasubandhu, giai đoạn 4) vào thế kỷ thứ IV hoặc thứ V stl, và kết thúc với sự phát triển của Du-già hành tông (yogācāra) ở Ấn Độ sau này (giai đoạn 5).
Sau đó, Westerhoff tiếp tục diễn giải nhiều luận điểm của Duy Thức tông, bao gồm việc Pháp Xứng (Dharmakīrti) bảo vệ thuyết luân hồi chống lại trường phái duy vật Cārvāka, cuộc tranh luận giữa Pháp Xứng (Dharmakīrti) và Bảo Xứng (Ratnakīrti) về sự tồn tại của các tâm khác, và lập luận của Thế Thân (Vasubandhu) và Bảo Xứng (Ratnakīrti) ủng hộ thuyết sát-na (momentariness) triệt để. Westerhoff tiếp tục xử lý các thuật ngữ quan trọng của Du-già hành tông (yogācāra) như “chỉ có thức” (cittamātra, 唯識), tàng thức (ālayavijñāna, 阿賴耶識), tam tính (tri-svabhāva, 三性), tự giác (svasaṃvedana, 自覺), tam chuyển pháp luân (three turnings of the wheel of doctrine, 三轉法輪), và Như Lai tạng (tathāgatagarbha, 如來藏, khái niệm rằng tất cả chúng sinh đều có khả tính thành Phật). Đây đều là các phần chi tiết; chẳng hạn, phần về “duy thức” bao gồm một cái nhìn tổng quan thú vị về thảo luận học thuật liệu điều này có làm cho Duy thức tông trở thành một dạng của chủ nghĩa duy tâm siêu hình hay không (trang 176-179). Westerhoff kết thúc chương này với một số thảo luận về bối cảnh văn bản và thiền định của Duy Thức tông cũng như mối quan hệ của nó với các trường phái Phật giáo khác, ít nhất là một trường phái ngoài Phật giáo, Phệ-đàn-đa (Vedānta), với sự tương đồng đáng ngạc nhiên thông qua nhân vật Gauḍapāda (khoảng thế kỷ thứ VI stl).
Chương 4 đề cập đến trường phái Trần-na (Diṅnāga) và Pháp Xứng (Dharmakīrti ), hai triết gia sống vào khoảng thế kỷ VI và VII stl, có ảnh hưởng lớn đến cả triết học Phật giáo, ngoài Phật giáo Ấn Độ và xa hơn nữa. Westerhoff bắt đầu với cái nhìn tổng quan về các chi tiết tiểu sử có sẵn, ghi nhận sự chuyển hướng của Trần-na (Diṅnāga) sang tập trung vào nhận thức luận và Luận lý học , cùng với những diễn giải mở rộng của Pháp Xứng (Dharmakīrti) về lý thuyết này. Westerhoff cho rằng sự chuyển hướng này trong nhận thức luận xuất phát từ bối cảnh trong đó các luận sư Phật giáo ngày càng tham gia vào cuộc trao đổi triết học với đối phương ngoài Phật giáo.
Chương 4 này đề cập đến các chủ đề lớn trong nhận thức luận (chẳng hạn như luận điểm của Trần-na (Diṅnāga) cho rằng có hai công cụ nhận thức: trực giác và suy luận), suy luận (bao gồm các sáng tạo trong Luận lý học của Trần-na (Diṅnāga), mặc dù không nhất thiết là Luận lý học hình thức như chúng ta biết ngày nay), siêu hình học (bao gồm các lập luận của Pháp Xứng ủng hộ thuyết sát-na và chống lại thuyết sáng tạo), ngôn ngữ (bao gồm lý thuyết trọng yếu về apoha [khiển trừ], một phương pháp tài tình để hiểu ngôn ngữ trong khi vẫn duy trì chủ nghĩa duy danh Phật giáo), kinh điển, mà Westerhoff lập luận rằng không chỉ là một sự kêu gọi mù quáng tới quyền lực, và “nhận thức thiền định,” mà ông lập luận rằng không phải là “một loại siêu năng lực nhận thức” (trang 248). Phần cuối chương này đề cập đến vấn đề làm thế nào để phân loại trường phái Trần-na (Diṅnāga) và Pháp Xứng (Dharmakīrti) so với mối quan hệ phái nầy với các trường phái Phật giáo khác, mối quan hệ của trường phái này với trường phái ngoài Phật giáo Di-man-sai (Mīmāṃsaka) (một sự kết hợp thú vị giữa chủ nghĩa hiện thực thông thường và nghi thức Phệ-đà [Veda]), sự kết thúc của triết học Phật giáo ở Ấn Độ. Trong phần cuối này, Westerhoff thảo luận về hai triết gia đời sau, Tịch Thiên (Śāntideva) (khoảng thế kỷVIII stl), người có tác phẩm vừa thú vị về mặt triết học vừa có thể cho chúng ta biết thêm về bối cảnh sinh hoạt của tăng sinh tại trường Đại học Phật giáo nổi tiếng Nālandā; và A-đề-sa (Atiśa) (khoảng thế kỷ XI stl), người đã du hành đến Tây Tạng, cho thấy “mối liên hệ của văn hóa học thuật Phật giáo Ấn Độ với thế giới bên ngoài tiểu lục địa Ấn Độ” (trang 280-281).
Tác phẩm của Westerhoff là một thành tựu ấn tượng. Danh mục mở rộng các chủ đề nêu ra trong nhận định này chưa phải là danh mục toàn diện. Có ba điểm xin độc giả lưu ý.
Thứ nhất, như đã đề cập trước đó, đây không phải là văn bản tốt nhất cho những ai mới làm quen với triết học Phật giáo. Westerhoff hầu như không dành thời gian cho Phật giáo thời kỳ đầu, sự thật mà độc giả có thể cảm thấy, là nhấn mạnh quá nhiều vào Đại thừa, gây thiệt thòi cho Phật giáo thời kỳ đầu. Có lẽ đây không phải là vấn đề lớn, vì tác phẩm này không trình bày bao quát giai đoạn trước đó.
Thứ hai, Westerhoff có xu hướng diễn giải các lập luận bằng phương pháp chuyên môn của chính ông hơn là trích dẫn trực tiếp (trong bản dịch). Độc giả nuốn tìm kiếm các tác phẩm văn bản chi tiết hơn có thể sẽ thất vọng, mặc dù Westerhoff có trích dẫn rộng rãi về các tác phẩm như vậy.
Cuối cùng, lịch sử mà Westerhoff trình bày không hoàn toàn trung lập về các vấn đề học thuật. Điều này không phải là thiếu sót. Người đọc mong đợi một học giả có kinh nghiệm như Westerhoff sẽ hình thành quan điểm riêng về đối tượng nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, những độc giả mới trong lĩnh vực triết học Phật giáo nên lưu ý rằng cuốn sách này được viết trong khuôn khổ cụ thể chịu ảnh hưởng bởi các tác phẩm trước đây của Westerhoff. Ví dụ, việc ông kiên trì yêu cầu độc giả tạm gác lại chủ nghĩa hiện thực lịch sử có thể khiến một số độc giả thấy kỳ lạ, những người có thể tự hỏi tại sao điều này lại cần thiết hoặc liệu một số mức độ tạm gác lại đã được giả định khi người ta đọc triết học lịch sử, nhưng động thái này sẽ hợp lý hơn nếu độc giả biết đến các cuộc thảo luận mở rộng của Westerhoff về chủ nghĩa chống hiện thực trong triết học Phật giáo ở những nơi khác. Tương tự, việc Westerhoff bảo vệ các cách giải thích chống hiện thực về Trung quán tông trong các tác phẩm trước đây có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận trung lập hơn của ông, và sự ưu ái rõ ràng đối với các cách đọc duy tâm của một số văn bản Du-già hành tông (yogācāra) có thể quyết định sự hiểu biết của ông về trường phái này nói chung. Để rõ ràng, Westerhoff không né tránh các khuynh hướng của mình (xem, chẳng hạn, sự bảo vệ rõ ràng của ông đối với cách hiểu huật ngữ duy tâm về Du-già hành tông (yogācāra) trong trang 176-179), nhưng độc giả nên chú ý đến những nơi mà Westerhoff nêu rõ lập trường của mình để tự rút ra kết luận riêng.
Một lần nữa, không nên coi những điểm trên là những lời chỉ trích dứt khoát. Chúng không làm giảm giá trị của sự xử lý kỹ lưỡng và toàn diện của Westerhoff về chương hấp dẫn này trong lịch sử triết học. Trong phần kết luận của mình, Westerhoff khuyến nghị “làm triết học với các văn bản cổ đại” (trang 284). Những độc giả muốn làm một số triết học cùng với những tác phẩm vĩ đại nhất của Thời kỳ Hoàng kim của triết học Phật giáo Ấn Độ sẽ làm tốt nếu tiếp nhận cuốn sách này.
[1] E: Oxford History of Philosophy, là tập hợp các công trình học thuật nổi tiếng, do Nhà xuất bản Đại học Oxford phát hành, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện và chi tiết về lịch sử triết học. Bộ sách này bao gồm các tác phẩm tập trung vào những thời kỳ quan trọng và những nhà tư tưởng chủ yếu trong lịch sử triết học, với nhiều tác giả là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực triết học.
[2] Trong ấn bản dịch Việt, chúng tôi in đầu mỗi tiểu đoạn, chữ nghiêng.
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ
Jan Christoph Westerhoff là triết gia và nhà Đông phương học người Đức có mối quan tâm đặc biệt đến siêu hình học và triết học ngôn ngữ. Ông hiện là Giáo sư Triết học Phật giáo tại Khoa Thần học và Tôn giáo Đại học Oxford.
Ông trước đây là nghiên cứu sinh về triết học tại Đại học Thành phố New York, cộng tác viên hội thảo tại Đại học Columbia, nghiên cứu viên cấp dưới tại Cao đẳng Linacre, giảng viên cơ sở về triết học và toán học tại Đại học Oxford, giảng viên về tôn giáo đạo đức tại Đại học Oxford, thành viên của Lady Margaret Hall và cộng tác viên nghiên cứu tại SOAS.
Nghiên cứu
Ông là chuyên gia về siêu hình học và triết học Ấn Độ-Tây Tạng. Đặc biệt, nghiên cứu của ông tập trung vào triết lý của nhà tư tưởng Phật giáo Đại thừa Ấn Độ thời kỳ đầu, Long Thụ (Nāgārjuna), với những bộ luạn toàn diện như Căn bản Trung quán luận tụng (Mūlamadhyamaka-kārikā) của Long Thụ (Nāgārjuna) . Mối quan tâm nghiên cứu của ông cũng bao gồm lịch sử các ý tưởng trong thế kỷ XVI và XVII. Mối quan tâm nghiên cứu gần đây nhất của ông tập trung vào lịch sử thuyết duy ngã (Sophistism).
Tác phẩm chọn lọc
- Sự không tồn tại của thế giới thực. (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2020, 384 trang, ISBN 9780198847915 )
- Nghiền nát các hạng mục: Vaidalyaprakarana của Long Thọ. (Somerville, MA: Nhà xuất bản Trí tuệ, 2018, ISBN 9781949163001)
- Thời đại hoàng kim của triết học Phật giáo Ấn Độ. (Oxford: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2018, ISBN 9780198732662)
- Thực tế: Giới thiệu rất ngắn. (Oxford: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2011, ISBN 0199594414)
- Người giải quyết tranh chấp: Vigrahavyavartani của Nagarjuna. (Oxford: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2010)
- Mười hai ví dụ về ảo tưởng. (Oxford: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2010)
- (đồng tác giả với The Cowherds) Moonshadows: Chân lý thông thường trong triết học Phật giáo. (Oxford: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2010, ISBN 0199751439)
- Trung đạo của Long Thọ. (Oxford: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2009)
- Các phạm trù bản thể học: Bản chất và ý nghĩa của chúng (Oxford: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2005)