Phan Tấn Hải: Tuyển tập “Cỡi Tâm Vào Cõi Lời” từ Phật học tới văn học
Nhà văn Huỳnh Kim Quang vừa mới ấn hành tuyển tập “Cỡi Tâm Vào Cõi Lời” — với hai chủ đề lớn là Phật học, và văn học nghệ thuật — tất cả là các bài viết tuyển chọn từ các năm gần đây. Tác giả đã có buổi gặp gỡ thân tình tại tòa soạn Việt Báo với một số bạn văn xem như thủ tục chúc mừng sách mới.
Tuyển tập “Cỡi Tâm Vào Cõi Lời dày 436 trang, gồm 32 bài tiểu luận, nghiên cứu, nhận định về nhiều đề tài.
Phần đầu tuyển tập là các bài có chủ đề Phật học:
– Câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, tr. 15;
– Đọc sách ‘Thiền định Phật Giáo, Khởi nguyên và ảnh hưởng’ của Hòa Thượng Tuệ Sỹ, tr. 29;
– Thiền sư Daisetsu Tettaro Suzuki, người đưa Thiền vào Mỹ, tr. 47;
– Thiền Phật Giáo phát triển trong xã hội Thiên Chúa Giáo, tr. 59.
Và kế tiếp là đề tài văn học, với những bài nghiên cứu nghiêm túc, như:
– Khái luận về Văn học Phật giáo, từ trang 69;
– Ảnh hưởng của Phật giáo đối với Văn học Mỹ, tr. 91;
– 200 Năm Nguyễn Du qua đời, đọc ‘Phân Kinh Thạch Đài’, tr. 133;
– Giới thiệu văn học của người Mỹ bản xứ, tr 145;
– Emily Dickinson, nhà thơ ẩn dật trong cõi thơ Vô ngã, tr. 159;
– Đọc bài thơ ‘Giấc mơ hoang vu về một bắt đầu mới’ của nhà thơ Lawrence Ferlinghetti vừa qua đời, tr. 173;
– Đầu thu đọc truyện ‘Chớm thu’ của nhà văn Louis Bromfield, tr. 185;
– Fyodor Dostoevsky, ‘Brothers Karamazov’ và chuyện tiền thân Đức Phật, tr. 197;
– Ernest Hemingway và nỗi cô đơn của lão ngư ông, tr. 213;
– Harriet Beecher Stowe và ‘Túp lề cú Tom’ đang cháy, tr. 225;
– Lễ Halloween đọc truyện ma ‘The Shining’ của Stephen King, tr. 239;
– Nobel Văn Chương 2019 Olga Tokarczuk, người kể chuyện tử tế, tr. 251;
– Khôi nguyên Nobel Văn chương 2020 Louise Gluck sinh ra để làm thơ, tr. 261;
– Năm mới 2021 đọc thơ tân niên của nhà thơ William Stanley Merwin, tr. 273;
– Nhà văn F. Scott Fitzgerald và cuốn tiểu thuyết lớn của Mỹ ‘The Great Gatsby’, tr. 285;
– Nhà văn Larry McMurtry, người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, vừa qua đời ở tuổi 84, tr. 301;
– Nhà văn Mỹ gốc Phi châu Alex Haley, vinh và nhục của ‘Nguồn cội’, tr. 313;
– Eric Carle và truyện tranh thiếu nhi nổi tiếng thế giới ‘The very hungry Caterpillar’ tr. 323;
– Nhà văn Beverly Cleary, người tạo ra nhiều nhân vật nổi tiếng trong văn học thiếu nhi như Henry Huggins, Ramona Quimby, tr. 333;
– Lưu Hiểu Ba và tình yêu bên trong bức tường xám, tr. 343;
– Đọc ‘909 Bài thơ 3 dòng’ của Nguyễn Hưng Quốc như vào mật thất đọc bí kíp thơ, tr. 355;
– Nhà thơ Hoa Nguyen và ‘Một ngàn lần bạn đã mất bảo vật của mình’, tr. 367;
– Cười với Milan Kundera qua ‘Cái cười & sự lãng quên’ do Trịnh Y Thư dịch, tr. 375;
– Eve Ensler, Đóa sen vươn lên từ bùng, tr. 387;
– Henry David Thoreau và phong trào bất tuând ân sự, tr. 399;
– Di sản âm nhạc của người Mỹ gốc Phi châu, tr. 411;
– Phật giáo trong thế giới nhạc Pop, tr. 423.
Tât cả các bài vừa dẫn là về văn học, nghệ thuật, âm nhạc… Nghĩa là, khi nhìn số trang sẽ thấy sách này phần lớn là về văn học nghệ thuật.
Độc giả có thể vào nhà sách: https://www.barnesandnoble.com/ tìm sách “Cỡi tâm vào cõi lời”
Trong bài nhan đề “Đọc sách “Thiền Định Phật Giáo, Khởi nguyên và Ảnh hưởng” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ” nơi trang 44 của “Cỡi Tâm Vào Cõi Lời” nhà văn Huỳnh Kim Quang đã trang trọng ghi như sau:
“Nói tóm lại, đọc xong cuốn “Thiền Định Phật Giáo” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lòng tôi tràn đầy niềm hoan hỷ, giống như một người vừa đọc xong cuốn cẩm nang hướng dẫn phương hướng lộ trình và cách thức để đi đến mục tiêu nơi chốn mà lâu nay người đó muốn đi nhưng chưa đủ tự tin về đường đi nước bước để đến đó.
Cuốn “Thiền Định Phật Giáo” không phải chỉ là cuốn sách nói về vấn đề thiền định trong Phật Giáo không thôi, mà còn là cuốn sách đề cập một cách bác lãm nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử và vai trò quan trọng của thiền định hay tư duy góp phần vào việc phát triển nền văn minh nhân loại.
Đây là cuốn sách cần có để đọc đối với những ai muốn có sự hiểu biết và thực hành chân xác thiền định Phật Giáo.” (ngưng trích)
*
Trong bài “Giới Thiệu Văn Học Của Người Mỹ Bản Xứ” nhà văn Huỳnh Kim Quang ghi nhận, trích nơi trang 147 như sau:
“Văn học truyền khẩu của người Mỹ Da Đỏ ở Bình Nguyên gồm các cách diễn đạt văn học từ các nền văn hóa khác biệt như bộ lạc Blackfeet ở miền bắc Montana là từ bộ lạc Kiowa ở Bình Nguyên Miền Nam. Cho đến nay, các tự truyện bao gồm phần lớn những tài liệu văn học bằng chữ viết. Trong thời gian cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20, các nhà học thuật hầu hết là các nhà nhân chủng học và các sử gia đã đưa ra ý tưởng rằng lời khai hay các câu chuyện về cuộc đời của người Bản Xứ cần được bảo vệ. Nhiều người tin rằng những người Mỹ Bản Xứ đã biến mất cùng với các ngôn ngữ và lịch sử của họ. Nhiều nỗ lực lớn cần được thực hiện để bảo vệ lịch sử văn hóa và các nền văn học thành văn. Trong khi nhiều người Mỹ Bản Xứ đã viết các tự truyện của họ trong thời kỳ này, càng có nhiều câu chuyện về cuộc đời của họ được ghi lại như là những tự truyện “như đã kể” bởi các nhà nhân chủng học, các nhà dân tộc học. Các câu chuyện cuộc đời người Da Đỏ Plains, đặc biệt những câu chuyện của những chiến sĩ và tù trưởng, rất phong phú đến mức chúng đã trở thành một thể loại của chính nó.” (ngưng trích)
*
Trong bài nhan đề “Nhà Thơ Hoa Nguyen và ‘Một Ngàn Lần Bạn Đã Mất Bảo Vật Của Mình’” nhà văn Huỳnh Kim Quang ghi nhận về nhà thơ họ Nguyen, trích như sau, nơi trang 369-370:
“Nhà thơ Hoa Nguyen sinh vào năm 1967 tại tỉnh Vĩnh Long, Miền Nam Việt Nam, theo www.en.wikipedia.org cho biết.
Nhà thơ Hoa Nguyen là con gái của một phụ nữ Việt Nam. Cha ruột của cô là một người Mỹ đã bỏ gia đình trước khi Nguyen sinh ra đời. Nguyen lớn lên tại vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và đã học về thơ tại Trường New College of California ở thành phố San Francisco. Cô đã sang định cư ở Canada vào năm 2011 và hiện đang sống tại thành phố Toronto thuộc tỉnh bang Ontario của Canada.
Cùng với phu quân Dale Smith, Nguyen đã biên tập 10 số của Tạp Chí Skanky Possum Magazine, và với tờ tạp chí này, đã xuất bản nhiều sách và sách nhỏ gọn bởi các tác giả Kristin Prevallet, Tom Clark, Frank O’Hara, và nhiều người khác. Họ cùng nhau tổ chức các buổi đọc sách được thực hiện bởi Pierre Joris, Linh Dinh (một nhà thơ Mỹ gốc Việt), Susan Briante, Joshua Marie Wilkinson, Kate Greenstreet, Laynie Browne, Anselm Berrigan, và nhiều người khác. Kể từ năm 1998, cô đã hướng dẫn một lớp viết văn trên mạng và trực tiếp tập trung vào các tác phẩm của những nhà thơ như Alice Notley, Eileen Myles, Joanne Kyger, Philip Whalen, Charles Olson, Emily Dickinson, và Gertrude Stein. Hiện nay cô dạy về thơ tại Đại Học Ryerson ở Toronto, chương trình MFA cư dân thấp của Miami, và Trường Nghệ Thuật Milton Avery School tại Đại Học Bard College.
Cô đã thuyết trình và giảng dạy tại nhiều trường cao đẳng, đại học, và các tổ chức cổ võ việc học chữ gồm Đại Học Princeton, Viện Chautauqua Institute, Đại Học Brown, Đại Học St. Mary’s College of California, và Trung Tâm Nghệ Thuật Banff.
Thơ của cô đã được phổ biến trong nhiều tạp chí và các tuyển tập thơ…”(ngưng trích)
*
Trong bài viết nhan đề “Nhà Văn Mỹ Gốc Phi Châu Alex Haley, Vinh Và Nhục Của ‘Nguồn Cội’” nhà văn Huỳnh Kim Quang ghi nhận về một dòng văn học ít được độc giả Việt chú ý, trích nơi trang 318-319 như sau:
“Năm 1976 Haley xuất bản cuốn “Roots: The Saga of an American Family” [Nguồn Cội: Câu Chuyện Của Một Gia Đình Người Mỹ], là cuốn tiểu thuyết dựa vào lịch sử của gia đình ông, trở lui lại những ngày nô lệ. Cuốn sách đã bắt đầu với câu chuyện của Kunta Kinte, người bị bắt cóc tại Gambia vào năm 1767 và được chở tới Tỉnh Maryland để bị bán làm nô lệ. Haley tự nhận mình là hậu duệ đời thứ bảy của Kunta Kinte, và ông đã mất 12 năm nghiên cứu, đi lại khắp thế giới và viết. Ông đã đến ngôi làng của Juffure, nơi Kunta Kinte trưởng thành và lắng nghe sử gia bộ lạc kể câu chuyện về việc bắt cóc Kinte, theo Linda T. Wynn trong tác phẩm “Alex Haley, (1921–1992)” trong Thư Viện của Trường Đại Học Tiểu Bang Tennessee. Haley cũng đã tìm tòi các hồ sơ về chiếc tàu, The Lord Ligonier, mà ông cho biết đã chở tiền nhân của ông tới Châu Mỹ.
Haley viết rằng khoảnh khắc xúc động nhất của cuộc đời ông đã xảy ra vào ngày 29 tháng 9 năm 1967, khi ông đứng tại một mảnh đất ở Annapolis, Maryland, nơi tổ tiên của ông đã đến đây từ Phi Châu trong chuỗi dài đúng 200 năm trước đó. Một đài tưởng niệm mô tả Haley đang đọc truyện cho những trẻ em tập trung dưới chân ông kể từ đó đã được xây dựng tại trung tâm thành phố Annapolis.
Cuốn sách “Nguồn Cội” đã được ấn hành bằng 37 thứ tiếng. Haley đã thắng Giải Pulitzer cho tác phẩm này vào năm 1977. Cùng năm này, cuốn “Nguồn Cội” đã được mô phỏng như là tập phim truyền hình có cùng tên bởi Đài ABC. Loạt phim truyền hình này đã đạt tới số người xem kỷ lục 130 triệu người. “Nguồn Cội” đã nhấn mạnh rằng người Mỹ da đen có lịch sử lâu dài và không phải tất cả lịch sử đó nhất thiết bị mất, như nhiều người đã tin như vậy.” (ngưng trích)
Có quá nhiều điều để đọc trong tuyển tập của Huỳnh Kim Quang. Như dường nhà văn họ Huỳnh là một thư viện biết đi. Tuyển tập “Cỡi Tâm Vào Cõi Lời” có quá nhiều điều nên đọc.
*
Huỳnh Kim Quang tự giới thiệu sách này nơi trang 12 và 13 trích như sau: “Khi tâm tịch lặng thì cõi lời cũng tịch nhiên giải thoát vậy. Tập sách này gồm những bài viết trong nhiều năm của tác giả đã được đăng trên các báo, các trang mạng, đa phần là trên Việt Báo. Các bài viết trong tập sách này đề cập đến các đề tài về Phật Giáo, Thiền Phật Giáo, văn học Phật Giáo, văn học người Mỹ Bản Xứ, các nhà văn nhà thơ ở Mỹ và một số ở các nước khác, âm nhạc Mỹ, Phật Giáo và âm nhạc, các bài giới thiệu sách, một số nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng rộng khắp thế giới. (…) Nói chung, đa phần các bài viết trong tập sách này giới thiệu đến độc giả một số nhà văn nhà thơ ngoại quốc và Việt Nam trong khuôn khổ của một bài báo hơn là một bài khảo luận hay nghiên cứu chuyên đề. Cũng vậy, các bài viết về Thiền và văn học Phật Giáo cũng nằm trong phạm vi giới thiệu một cách khái lược hơn là bài chuyên khảo công phu.” (ngưng trích)
Độc giả có thể tìm mua tuyển tập.
Xin chúc mừng nhà văn Huỳnh Kim Quang ấn hành sách mới.