Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Cội tùng ngả bóng

Chốn Tòng Lâm Phật Giáo Việt Nam vừa chứng kiến cảnh trạng bi thiết vì một cội tùng cửu thập tuế đã ngả bóng về Tây: Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN, nhập niết bàn!

Một vị cao tăng nhập niết bàn, tất không phải là điều bi lụy, bởi rằng Ngài là bậc đến có nơi, về có chốn, đến thế gian vì nguyện lực từ bi cứu tế, không vì nghiệp lực chuyển sinh. Nhưng, bi thiết là cảm trạng của nhân sinh trong cõi vô thường, nhìn có không qua hình tướng sinh diệt. Âu đó cũng là lẽ thường, lẽ thường trong cõi mộng!

Suốt trên sáu mươi năm qua, trong vận hành hưng suy của Phật Giáo Việt Nam, hình bóng Ngài luôn luôn ánh hiện. Từ phong trào chấn hưng của Phật Giáo Việt Nam trước và sau thập niên 1940, rồi cuộc chiến chống thực dân Pháp trước hiệp định Genève 1954 đến cuộc vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo dưới chế độ đệ nhất Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm; từ ngày thành lập GHPGVNTN đầu năm 1964 đến cuộc vận động cho nền hòa bình đích thực của dân tộc trong cảnh nồi da xáo thịt của cuộc chiến Quốc Cộng trước năm 1975, và cuộc vận động kiên trì để bảo vệ tuyền thống hai ngàn năm Phật Giáo Việt Nam không bị các thế lực chính trị và chủ nghĩa khống chế, trong đó có sự phục hoạt quyền sinh hoạt bình thường của GHPGVNTN trên ba thập niên qua, lúc nào Ngài cũng có mặt.

Trong tâm thức của người viết vẫn còn đó hình ảnh không bao giờ phai nhạt, vì đó là lần đầu tiên người viết được phước duyên nhìn thấy Ngài bằng xương bằng thịt, trong Đại Giới Đàn Phước Huệ Hải Đức Nha Trang năm 1973 tại Chùa Long Sơn, Tĩnh Hội Phật Giáo Khánh Hòa. Lần đó, vào một buổi tối, khi người viết đang đứng trước Chánh Điện Chùa Long Sơn, chợt nghe có tiếng nói với nhau giữa những người đang đứng gần rằng, Thượng Tọa Thích Huyền Quang và Thượng Tọa Thích Thiện Minh đang từ ngoài cổng Tam Quan đi vào Chùa Long Sơn. Đã nghe oai đức hai Ngài từ lâu, cho nên khi nghe nói như vậy, người viết vội vã đi ra trước sân Chùa để nhìn tận mặt cho biết. Đứng môt bên sân Chùa, nhìn thật kỹ hình ảnh hai vị Thượng Tọa đang khoan thai vừa đi vừa trò chuyên hướng vào Chánh Điện. Cả hai vị đều mặc áo hậu vàng. Một vị cao lớn đeo kính màu và chống gậy, một vị thấp hơn bước từng bước thong thả đi vào. Vị cao lớn đeo kính màu và chống gậy là Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh còn vị kia chính là Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang vừa thị tịch. Hai Ngài trông có vẻ rất tương đắc nhau.

Điều này đã được chứng thực gần mười năm sau đó. Tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn, những năm 1980, 1981, Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã được mời đến giảng dạy cho lớp học của chư Tăng, Ni tại đây. Thỉnh thoảng trong những thời giảng dạy, Hòa Thượng đã kể cho Tăng, Ni nghe về những thao thức đối với dân tộc, Giáo Hội và Phật Giáo Việt Nam mà Ngài cùng Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh đồng chia xẻ, quan tâm và nỗ lực thực hiện. Mỗi lần như thế, Ngài đều bày tỏ một cảm tình đặc biệt và mối quan hệ thân thiết giữa Ngài với Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh. Trong số nhiều câu chuyện mà Ngài đã kể, người viết còn nhớ đến chuyện Ngài và Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh thường hay lên sân thượng Chùa Ấn Quang nằm hóng mát, ngắm trăng và tâm sự. Kể đến đó, Ngài dừng lại, nghẹn ngào không nói được, im lặng giây lâu rồi mới tiếp tục câu chuyện.

Nói đến Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, người viết nghĩ ngay đến mấy đức tính ưu việt đã làm cho Ngài trở thành một vị cao tăng thạc đức trong chốn thiền môn, một nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn của Giáo Hội, một vị tăng sĩ dung dị nhưng khí tiết cao vời xả thân phục vụ cho đạo pháp, một người dân Việt tận hiến đời mình cho dân tộc.

Phật Giáo Việt Nam nói chung và GHPGVNTN nói riêng sau ngày thành lập vào đầu năm 1964, đã thật sự bước vào một khúc quanh mới trong lịch sử không những của Phật Giáo mà còn của cả dân tộc. Khúc quanh ấy đánh dấu sự dấn thân sâu xa và tích cực hơn bao giờ hết, ít nhất là khoảng năm ba thế kỷ trở lại đây, của Phật Giáo trong công cuộc hoằng dương chánh pháp cứu khổ sinh dân và góp phần xây dựng đất nước. Động lực cho sự dấn thân đó chính là các nhà lãnh đạo Phật Giáo, mà trong đó Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang là một trong những người đóng vai trò chính yếu, đã nhìn thấy từ bài học của quá khứ xa và gần cũng như tiên liệu được một viễn tượng mà Phật Giáo sẽ đi tới trong tương lai. Đối với quá khứ xa và gần, sự thụ động đã làm cho Phật Giáo đánh mất cơ hội để thực hiện sứ mệnh hoằng pháp, cứu khổ và trùng hưng Phật Giáo, đồng thời một cách nào đó để cho đất nước lâm vào thảm trạng bị ngoại bang thao túng, bị các thế lực chính trị và chủ nghĩa gây bao nhiêu đổ nát. Đối với viễn cảnh tương lai, nếu Phật Giáo còn tiếp tục thụ động trong công cuộc chuyển vận bánh xe chánh pháp và góp phần xây dựng đất nước thì sẽ đưa Phật Giáo Việt Nam vào tình trạng suy vong, sẽ không thể bảo vệ được truyền thống văn hóa và đạo đức tâm linh cao đẹp, không làm cho đất nước thăng tiến và phú cường.

Chiêm nghiệm bài học của quá khứ và nhìn về tương lai của Phật Giáo và dân tộc như vậy, Cố Đại Lão Hòa Thượng trong vai trò Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, suốt từ 1964 đến 1974, đã không ngừng đóng góp tích cực và hữu hiệu trong công cuộc xây dựng vá phát triển Phật Giáo cũng như đất nước. Trong bối cảnh nhiễu nhương của thời cuộc bấy giờ, Ngài đã cùng với Hội Đồng Lưỡng Viện lèo lái con thuyền Giáo Hội vượt lên trên mọi chi phối và tác động một chiều từ các thế lực chính trị bên ngoài cũng như sự giao động bên trong. Giáo Hội, dù mặt hình thức là một cơ cấu tổ chức mang sắc thái xã hội thế sự, nhưng bên trong nội thể đích thị là một tập thể những người con Phật lấy chí nguyện ‘thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh’ làm tiêu đích. Điều đó có nghĩa là Giáo Hội dù làm bất cứ công tác Phật sự nào cũng không thể đi ra ngoài bản nguyện tự giác và giác tha, lấy việc hoằng dương chánh pháp, cứu độ nhân sinh làm phương tiện để đưa mình và người đến đích giác ngộ và giải thoát. Hạnh nguyện đã như vậy thì Giáo Hội không thể để cho mình bị rơi vào vòng hệ lụy của tâm phân biệt, thế lưỡng phân đối kháng của nhị nguyên phàm tình. Giáo Hội phải đứng trên tất cả, tất cả mọi thế lực thế gian. Đó chính là con đường trung đạo mà đức Phật đã thể hiện trong cuộc đời giáo hóa của Ngài.

Ở đây cần nói thêm một chút để làm rõ nghĩa con đường trung đạo của Phật Giáo. Xin đừng đem quan điểm và tầm nhìn thế gian để nhận định về con đường trung đạo của Phật Giáo. Tâm thức phân biệt của thế gian sẽ nhìn thấy con đường trung đạo là trung lập, là đứng ở giữa hai bên, đôi khi được cho là ‘ba phải’, hoặc bị bên này cho là thuộc bên kia, và ngược lại. Nhưng, con đường trung đạo của Phật Giáo không dựa trên tâm thức hữu ngã, vốn là con đẻ của vô minh là ngồn gốc của sanh tử khổ đau, cản trở sự giác ngộ và giải thoát, mà bắt nguồn từ chân tâm vô ngã. Vô ngã vì giác ngộ bản chất các pháp chỉ là giả danh, là không thực thể, là do duyên mà sinh. Vô ngã cho nên không trụ tướng. Không trụ tướng cho nên không bị dính mắc bên này hay bên kia. Không dính mắc cho nên được giải thoát ngay trong đời sống hằng ngày, trong mọi hành tác, trong mọi Phật sự, trong mọi cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế xã hội, Giáo Hội không thể tách ra khỏi mọi tương quan với xã hội, với thế giới. Chính vì vậy, Giáo Hội vẫn phải thực hành sứ mệnh của mình đối với cộng đồng dân tộc và nhân loại. Nhưng, sứ mệnh đó, tất nhiên, đứng trên mảnh đất tâm không trụ trước, trong đó hàm tàng chất liệu trí tuệ và từ bi bao dung để cảm hóa và chuyển hóa. Sứ mệnh đó được trang trải rộng lớn ra cho cộng đồng dân tộc mà không bị trói buộc trong bất cứ thế lực chính trị hay chủ nghĩa nào. Ngài đã viết trong cuốn ‘Đạo Phật Áp Dụng Vào Đời Sống Hằng Ngày’, trong Chương thứ 6, như sau:

“Phật tử nên theo đảng phái và đường lối chính trị nào? Phật tử không có óc phe phái, không làm chính trị phe phái, và biết vượt lên trên phe phái để phụng sự đất nước. Phe phái được nhận định như những phương tiện thực hiện một đường lối chính trị, nhưng lắm khi các phe phái chống đối nhau thanh toán nhau chỉ vì quyền bính. Phật tử đứng ngoài phe phái, khuyến khích sự thi đua của các phe phái trong mục đích phụng sự dân tộc.” [1]

Nguyên tắc ấy là phương thức hành xử mà chư tiền bối, lịch đại tổ sư, chư vị thiền sư, các vị lãnh đạo Phật Giáo trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam đã ứng dụng. Cố Đại Lão Hòa Thượng cũng theo phương thức truyền thống ấy mà ứng xử trong vai trò lãnh đạo GHPGVNTN. Từ đó mới thấy rằng suốt trên bốn thập niên qua, Ngài đã cùng với chư vị tôn túc trong Hội Đồng Lưỡng Viện giữ vững con thuyền Giáo Hội lướt trên đầu ngọn sóng mà đi dù trải qua bao nhiêu phong ba bão táp. Phật Giáo tự thân không là thế lực đối đầu hay chống đối bất cứ thế lực chính trị nào. Phật Giáo tự thân chì là một tập thể những người con Phật đem nguyện lực bi trí ra để phụng sự Phật pháp và góp phần giải khổ cho nhân sinh. Nhưng các thế lực chính trị cầm quyền đã luôn luôn xem Phật Giáo là thế lực chính trị khác uy hiếp quyền lực lãnh đạo đất nước của họ, nên đã không ngừng đánh phá thậm chí tiêu diệt Phật Giáo. Đó chính là sai lầm lớn nhất của các thế lực chính trị cầm quyền tại Việt Nam trong suốt trên năm mươi năm nay. Vì vậy cho nên, muốn hiểu được đường hướng và lập trường đích thực của Phật Giáo, người ta phải thấu rõ bản hoài của đức Phật, hạnh nguyện của chư Tăng, Ni và những nhà lãnh đạo Phật Giáo. Muốn được như vậy, người ta phải có kiến thức đúng đắn đối với Phật Giáo. Được như thế thì mới không gây ra bao nhiêu khủng hoảng, bao nhiêu mất mát không cần thiết, mới tạo thuận duyên cho đại khối dân tộc góp phần vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Tiếc thay, Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua đã không có cái may mắn đó!

Hiểu như vậy, mới thấy được một chút trong biển sâu trí giác, bi nguyện và hành trạng của Cố Đại Lão Hòa Thượng suốt trên sáu mươi năm qua thâm thiết, chân thành, dũng lực và cao cả đến chừng nào! Ngài đã viết trong tác phẩm ‘Đạo Phật Áp Dụng Vào Đời Sống Hằng Ngày’[2], ở Chương thứ nhất, như sau: “Mục đích của sự thực hành đạo Phật, do đó là để đạt tới nhận thức sáng tỏ về thực tại (trí), tình thương rộng lớn với mọi người và mọi loài (bi) và ý chí bền vững để thành tựu đại nguyện giúp đời (dũng). Đạo Phật không phải là một tôn giáo chuyên thờ cúng cầu xin các vị thần minh. Đạo Phật đòi hỏi người Phật tử thực hiện trí tuệ, tình thương và ý chí nơi bản thân và ngoài xã hội. Đạo Phật đại thừa trình bày những nhân vật gương mẫu của sự thực hiện đạo Phật như bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Văn Thù Sư Lợi, bồ tát Phổ Hiền, và bồ tát Địa Tạng. Đó là những người Phật tử lỗi lạc nhất, những người đang thực hiện tuệ giác đại trí, tình thương đại bi và công tác đại hạnh. Bồ tát (Bodhisattva) có nghĩa là người đang thực hiện sự nghiệp giác ngộ và độ sinh. Bồ Tát Quan Thế Âm là hình ảnh của tình thương đại bi và công tác đại hạnh, lắng tai nghe tiếng kêu thương của kẻ khổ đau mười phương mà có mặt để cứu độ (kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn). Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là hình ảnh của tuệ giác đại trí và biện tài vô ngại (kinh Duy Ma). Bồ tát Phổ Hiền và Bồ tát Địa Tạng là hình ảnh của hành động và đại nguyện để thành tựu sự nghiệp giác ngộ và cứu đời (kinh Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền và kinh Địa Tạng).”

Bằng trí tuệ sáng suốt và từ bi bao dung để làm Phật sự, Ngài quả thật đã vượt trên những cục bộ nhỏ bé của tiểu ngã phàm tình. Khởi đi từ đó, Ngài đã dũng mãnh quán xét một cách khách quan và mở rộng lòng để lắng nghe mọi ý kiến xây dựng từ tăng, ni và phật tử muốn góp phần phát triển tổ chức Giáo Hội mà Ngài đang đóng vai trò lãnh đạo. Qua đó cho thấy phẩm đức lãnh đạo cao và sâu của Ngài đến mức nào. Ngài viết trong “Đạo Phật Áp Dụng Vào Đời Sống Hằng Ngày”, ở Chương thứ 5, như sau: “Ta nên tìm hiểu cơ cấu tổ chức của Giáo Hội và đường lối của Giáo Hội để ủng hộ và để góp ý. Nếu ta nhận thấy Giáo Hội không đi con đường mà ta mong ước, ta nên tự do nói lên ý nghĩ của ta và tìm cách ảnh hưởng tới đường hướng của Giáo Hội. Một trong những điểm của đạo Phật là tinh thần tự do: Mọi người Phật tử đều có trách nhiệm, bổn phận và quyền phát biểu và hành động. Bằng cách tham dự vào giáo hội địa phương, và đứng trên cương vị Giáo Hội địa phương, mọi người Phật tử đều có thể ảnh hưởng tới đường lối của Giáo Hội Trung Ương và do đó có thể thay đổi đường lối Giáo Hội Trung Ương. Sở dĩ ta có thể làm được như vậy chính là vì đạo Phật có tinh thần dân chủ và Giáo Hội đã được tổ chức như một cơ cấu dân chủ.”[3]

Suốt ba thập niên đối diện thường trực với biết bao áp bức và bách hại cho bản thân cũng như cho tổ chức Giáo Hội mà Ngài là vị lãnh đạo tối cao, nhưng cả thế giới đều chứng kiến một cõi lòng từ bi bao dung vô lượng, trong đó không một chút hận thù, không một niệm sân si, ngay dù đối với chế độ đối xử với Ngài như một tù nhân, khi Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp kiến Ngài tại Hà Nội vào ngày 2 tháng 4 năm 2003, Ngài vẫn an nhiên tự tại, đem tâm hỷ xả mà ứng xử. Rồi sau đó, Ngài thực hiện chuyến thăm viếng tăng, ni và phật tử khắp nơi từ Bắc vào Nam với một tấm lòng chân thật, trong sáng, cởi mở và thiết tha xây dựng vì tiền đồ của Phật Giáo Việt Nam. Rất tiếc, người ta đã không nhìn thấy được chí nguyện quảng đại của bậc bồ tát!

Với cõi lòng an tịnh, dù đang ở trong nhà tù, Ngài vẫn tinh cần đọc tụng Tam Tạng Kinh Điển trong suốt mười mấy năm trời để thâm nhập và chiêm nghiệm tất cả tinh ba của giáo pháp Phật Đà. Cũng chính trong thời gian bị cấm cố tại Quảng Ngãi, Ngài đã soạn bộ ‘Pháp Sự Khoa Nghi’ dành cho các thời khóa nghi lễ trong thiền môn. Qua bộ ‘Pháp Sự Khoa Nghi’ này chúng ta mới thấy được sự thâm sâu, uyên bác của kiến văn và nét tài hoa điêu luyện về văn học ở nơi Ngài. Đặc biệt, trong phần Nhơn Duyên Thành Tựu xưng tán công hạnh chư tổ và chư vị cao tăng Phật Giáo Việt Nam xưa và nay, Ngài đã để lại những áng văn thấm đượm thiền vị thanh cao. Xin đơn cử một trường hợp cụ thể về các bài vịnh khai diên và xưng tụng mà Ngài đã sáng tác để truy tán Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Phúc Hộ, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Luật Viện Tăng Thống GHPGVNTN, phương trượng tổ đình Từ Quang, Đá Trắng, Phú Yên. Trong đó có đoạn như sau:

“Trông về Đá Trắng thấy mây bay,
Nhớ Tổ Diệu Nghiêm mở chốn này
Đuốc tuệ bập bùng bao thế kỷ,
Đèn thiền le lói suốt xưa nay.
Bảy đời tâm ấn nhơn gian biết
Một mảnh y truyền thiên hạ hay
Cội vững, cành xanh, hoa kết trái
Từ Quang muôn thuở rạng danh Thầy.
Nhớ lại năm nào cũng độ này
Tôn sư quảy dép trở về Tây.
Rồi từ đó:
Ba đường tăm tối thôi qua lại,
Sáu cõi trầm luân hết đó đây.
Đá Trắng cúi đầu ghi đức Tổ,
Cây xanh rủ bóng nhớ ơn Thầy
Từ Quang phương trượng xin minh chứng
Đốt nén hương lòng gửi gió mây.
Cung duy:
Phú Yên, sắc tứ Từ Quang tự, Phúc Hộ Đại lão Hòa thượng giác linh tác đại chứng minh!”[4]

Trong bài xưng tụng khác bằng Hán văn, Ngài viết:

“Phú Yên sơn xuyên,
Chung linh dục túy
Đại sư Thị Chí
Thử xứ xuất sanh.
Kỳ nhơn thủy thanh
Kỳ tâm thu nguyệt,
Xiển minh tiền liệt,
Tiếp dẫn hậu côn,
Lương đống sơn môn,
Kỷ cương hải chúng,
Nhơn gian ứng cúng
Thiên hạ hóa duyên,
Thánh chủng, phước điền,
Truyền đăng tục diệm
Từ Châu quảng phiếm,
Pháp giá viễn du,
Giới pháp thân tu,
Giáo quyền chưởng ốc.
Kế thừa Thích tộc,
Truyền bá thiền tông,
Phước Sơn lão tòng,
Từ Quang cổ thụ,
Y truyền pháp phú,
Nghiệp tạ công thành,
Phật quốc nhất sanh
Ta bà vĩnh biệt.
Đạo tình tha thiết,
Thành kính cúng dường
Bỉ văn nhất chương,
Tôn vinh sổ cú
Đài tiền khể thủ,
Đường thượng cảm thông.
Đinh Mão trọng đông, nhị ngũ tam nhứt, nhứt cửu bát nhất. Đồng tôn Sa môn Huyền Quang bái tụng.”[5]

Lãnh đạo Giáo Hội là phương tiện quyền xảo, thuận theo thế tục đế để cảm hóa nhân sinh. Nhưng cốt cách của bậc Tăng Bảo là đạo lực sâu dày qua thân chứng. Từ đạo lực thân chứng ấy mà tùy duyên ứng hiện để hóa độ tha nhân. Bởi vậy, bậc đại sĩ đến thế gian làm Phật sự như đóa sen sanh trong chốn ao tù bùn lầy xú uế mà vẫn tỏa ngát hương thơm giới định tuệ. Phật đạo khác thế gian đạo là ở chỗ này, mà cao siêu vi diệu cũng ở nơi đây. Dù là thời Phật hay thời cách Phật mấy ngàn năm, cốt cách đó vẫn không hề biến dạng, nếu biến dạng là Phật Pháp tức thì suy vi. Đừng nói mỗi thời mỗi khác, cứ theo thời mà tùy thích đổi thay. Đúng, mỗi thời đại tâm thức và xã hội con người đều đổi khác. Nhưng, đừng quên rằng cốt lõi giác ngộ và giải thoát vốn không hai, từ Phật Oai Âm Vương cho đến muôn vạn tỉ kiếp đương lai. Vì thế cho nên, lúc đức Phật Thích Ca tuyên xướng Pháp Nhất Thừa nơi hội Pháp Hoa, đức Đa Bảo Như Lai đã thị hiện để tác chứng.

Tăng, Ni, Phật tử mười phương kính ngưỡng Ngài, không phải vì quyền cao chức trọng mà vì đạo lực siêu quần, cốt cách xuất trần thượng sĩ. Trên thế gian, nếu bảo ngôi cao là chí thượng thì còn ai sánh bằng Thánh đế Chuyển Luân Vương. Nhưng, nếu phải chọn thì Thái Tử Sĩ Đạt Đa đã chọn làm một sa môn giòng họ Thích. Có gì cao sang quyền qúy trong hình tướng một vị sa môn ba y, một bình bát khất thực từng nhà, đêm ngủ gốc cây, ngày du hóa khắp nơi, không phân biệt giàu nghèo sang hèn! Kẻ trọng danh lợi quyền tước và những nhà chính trị thế gian chắc không lấy gì hứng thú với nếp sống của bậc sa môn như vậy. Nhưng có cái mà người thế gian dù địa vị cao tột đến đâu cũng không thể làm được hơn vị sa môn. Đó là thay đổi tận gốc rễ của từng cá nhân và cộng đồng xã hội bằng cuộc cách mệnh tâm linh vô tiền khoáng hậu. Cuộc cách mệnh tâm linh ấy khởi đi và kết thúc ở một điểm nhỏ không gì nhỏ bằng: TÂM. Phải, khi nhỏ đến mức không còn chỗ để trú, thì cũng có nghĩa là không gì chẳng là tâm.

Ngót chín mươi năm thị hiện giữa đời, mà gần hết khoảng thời gian đó, Ngài đã an trú trong chốn thiền môn. Chỉ cần nghĩ đến hình ảnh của vị lão tăng, sống độc cư trong một ngôi nhà bé nhỏ ở giữa đồng ruộng mênh mông cô quạnh, đêm đêm chong ngọn đèn leo lét ngồi an nhiên đọc Đại Tạng Kinh, làm kệ tán, soạn khoa nghi, cũng đủ để hình dung sức mạnh nguồn tâm phi thường của Ngài. Vóc dáng ấy nếu không là cội tùng sừng sững giữa rừng thiền thì là gì! Ngài ra đi, cội tùng già không ngã, chỉ là bóng ngả về Tây.

Cúi đầu đảnh lễ Giác Linh Bậc Ân Sư.

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang
khấp bái.


[1] Thích Huyền Quang và Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật Áp Dụng Trong Đời Sống Hằng Ngày, Viện Hóa Đạo xuất bản lần thứ nhất năm 1973. Nguồn Thư Viện Hoa Sen – www.thuvienhoasen.org

[2] Sđd.

[3] Sđd.

[4] Thích Huyền Quang, Pháp Sự Khoa Nghi, nguồn www.phatviet.com

[5] Sđd.

Hiển thị thêm
Back to top button