Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Phật Giáo trong thế giới nhạc Pop

Có một sự kiện rất lý thú là trong Kinh Phật kể chuyện một hôm, lúc Đức Phật còn tại thế, các nhạc thần Càn Thát Bà (Gandharva) đã đến chỗ Đức Phật và tấu nhạc để cúng dường Ngài và Đại Chúng. Nhạc của những nhạc thần này hay và sống động đến độ nhiều vị đệ tử của đức Phật cũng bị lôi cuốn và đứng dậy nhảy múa theo tiếng nhạc dù chỉ là giây lát. Sự việc này cho thấy rằng từ thời Đức Phật vào thế kỷ thứ 6 trước tây lịch âm nhạc đã xuất hiện trong các pháp hội, các sinh hoạt của thất chúng đệ tử Phật.

Càn Thát Bà là một trong 8 bộ chúng — Trời (Deva), Rắn (Naga – mà người Trung Hoa gọi là Rồng – Long), Dạ Xoa (Yakṣa), Càn Thát Bà (Gandharva), A Tu La (Asura), Ca Lâu Na (Garuda), Khẩn Na La (Kinnara), Ma Hầu La Già (Mahoraga) —  hộ trì Phật Pháp đã được nói đến rất nhiều trong các kinh điển Phật Giáo. Càn Thát Bà là những vị nhạc thần trên cung trời của Đế Thích (Indra). Đế Thích là thiên chủ của Tam Thập Tam Thiên hay Trời Đao Lợi (Trāyastriṃśa) ở Dục Giới Thiên.

Tuy nhiên, truyền thống Phật Giáo xưa nay chỉ xem nhạc như là phương tiện phụ trợ trong các lễ nghi tôn giáo, tức là ở mức nhạc lễ mà không phải là nhạc để thưởng thức giải trí, bởi vì âm nhạc dễ làm cho người nghe giao động tâm và rơi vào trạng thái tham đắm, là sợi dây trói buộc con đường giải thoát.

Có điều đặc biệt nơi Phật Giáo mà các nhà nghệ thuật xưa nay rất thích thú là tinh thần khai phóng và sáng tạo của tâm thức giải thoát, tự do trong đạo Phật mà họ xem như là chất liệu hữu ích vô song giúp các nghệ nhân thăng hoa đời mình đến đỉnh cao nghệ thuật. Đặc biệt khi Phật Giáo phổ cập đến thế giới Tây Phương trong khoảng hơn một thế kỷ rưỡi nay, giới văn nghệ sĩ, mà trong đó có các ca nhạc sĩ pop đã xem như là nguồn sáng tạo quý giá đối với họ để phát triển âm nhạc.

Trong phần tổng luận của tác phẩm “Essays in Zen Buddhism” của Suzuki do Trúc Thiên dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Thiền Luận,” Suzuki viết về cốt tủy của Thiền như sau:

“Thiền, cốt yếu nhất, là nghệ thuật chiếu kiến vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát. Đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống uống ngụm nước đầu nguồn, Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sinh linh hữu hạn, luôn luôn quằn dưới ách khổ lụy trong thế gian này. Ta có thể nói Thiền khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mỗi người chúng ta, nguồn năng lực ấy, trong hoàn cảnh thường, bị co rút lại, và vặn tréo đi, đến không vùng thoát đâu được.

“Thật vậy, thân thể ta có thể ví như một cục “pin” điện, trong ấy tiềm phục một năng lực huyền bí. Khi nguồn nội lực ấy không được vận dụng đúng cách thì, hoặc bị mốc meo mà mai một, hoặc nghịch biến mà phát loạn. Nên đó là chủ đích của Thiền, nhằm cứu ta hoặc khỏi khùng điên, hoặc khỏi tàn phế. Tôi muốn nói tự do là vậy, mở thông tất cả nguồn kích động đầy sáng tạo và từ hòa ấp ủ trong con tim chúng ta.”

Chính nguồn năng lực mà Suzuki nói đến là nguồn mạch sáng tạo mà các văn nghệ sĩ muốn khai phá để giúp họ thăng hoa trên con đường nghệ thuật. Đây cũng là lý do dễ hiểu tại sao Phật Giáo lại có ảnh hưởng đối với văn học nghệ thuật mà trong đó nhạc pop là một bộ phận.

Nhạc pop là gì?

David Hatch và Stephen Millward trong tác phẩm “From Blues to Rock: an Analytical History of Pop Music” [Từ Nhạc Blues Tới Nhạc Rock: Lịch Sử Phân Tích Của Nhạc Pop] được Nhà Xuất Bản Manchester University Press tại Manchester ấn hành vào năm 1987, nơi trang 1, định nghĩa nhạc pop là “thể loại âm nhạc có thể phân biệt rõ ràng với nhạc phổ thông, nhạc jazz, và nhạc dân gian.” Trong khi đó, Pete Seeger thì cho rằng nhạc pop là “nhạc chuyên môn dựa trên nhạc dân gian và âm nhạc mỹ thuật,” theo John Gilliland trong tác phẩm “Show 1 – Play A Simple Melody: Pete Seeger On The Origins Of Pop Music” được thu âm lưu giữ tại Thư Viện Đại Học North Texas. Còn nhà nghiên cứu âm nhạc David Boyle trong bài viết “Factors Influencing Pop Music Preferences of Young People” được đăng trong Tạp Chí Journal of Research in Music Education, thì nói rằng rằng nhạc pop là bất cứ loại nhạc nào mà con người đã trình diễn bằng phương tiện truyền thông đại chúng. Do đó, thuật ngữ “nhạc pop” có thể được sử dụng để mô tả một thể loại riêng biệt, được thiết kế để thu hút tất cả mọi người, thường được mô tả là “nhạc ghi đĩa dành cho thanh thiếu niên” trái ngược với nhạc rock là “nhạc thu vào album dành cho người lớn,” theo S. Frith, W. Straw, và J. Street trong tác phẩm “The Cambridge Companion to Pop and Rock” được NXB Đại Học Cambridge ấn hành.

Theo nhạc sĩ Bill Lamb trong tác phẩm “What Is Pop Music?” được ThoughtCo xuất bản năm 2018, nhạc pop được định nghĩa như là “âm nhạc kể từ khi kỹ nghệ hóa vào thập niên 1800s phù hợp nhất với thị hiếu và sở thích của giai cấp trung lưu thành thị.” Thuật ngữ “bản nhạc pop” lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1926, trong ý nghĩa một bộ phận của âm nhạc “thu hút công chúng,” theo Từ Điển Oxford English Dictionary. Theo D. Hatch và S. Millward trong tác phẩm “From Blues to Rock: an Analytical History of Pop Music,” thì nhiều sự kiện trong lịch sử ghi lại trong thập niên 1920s có thể được thấy như là sự ra đời của kỹ nghệ nhạc pop hiện đại,  gồm nhạc quê hương, nhạc blues, và nhạc vùng núi.

Theo The New Grove Dictionary of Music and Musicians, thuật ngữ “nhạc pop” bắt nguồn tại Anh Quốc vào giữa thập niên 1950s để mô tả nhạc rock and roll và các loại nhạc mới dành cho thanh thiếu niên mà nó ảnh hưởng. Theo Từ Điển Oxford Về Âm Nhạc, “ý nghĩa ban đầu của nhạc pop là các hòa nhạc lôi cuốn nhiều khán thính giả… kể từ cuối thập niên 1950s, tuy nhiên, nhạc pop đã có ý nghĩa đặc biệt của nhạc không cổ điển, thường trong hình thức các bản nhạc, được trình diễn bởi các nghệ sĩ như The Beatles, The Rolling Stones, ABBA, v.v…”

Từ khoảng năm 1967, thuật ngữ “nhạc pop” ngày càng được dùng trong ý nghĩa ngược lại với thuật ngữ nhạc rock, sự phân chia có ý nghĩa chung cho hai thuật ngữ. Trong khi nhạc rock mong muốn sự chân thực và mở rộng các khả tính của âm nhạc phổ thông, nhạc pop ngày càng thương mại, mong manh và dễ tiếp cận hơn.

Lời của các bản nhạc pop hiện đại thường tập trung vào các chủ đề đơn giản – thường là tình yêu và những mối quan hệ lãng mạn – dù cũng có các ngoại lệ đáng để ý, theo S. Frith, W. Straw, và J. Street trong tác phẩm “The Cambridge Companion to Pop and Rock” được NXB Đại Học Cambridge ấn hành.

Có lẽ vì tính đơn giản mà các ca nhạc sĩ pop dễ bắt gặp với tinh thần buông xả vô chấp của Thiền Phật Giáo.

Ảnh hưởng của Phật Giáo lên nhạc Pop

Các nghệ sĩ nhạc pop đã và đang phối hợp nhiều chủ đề Phật Giáo, như sống trong từng khoảnh khắc và đau khổ được tạo ra bởi lòng tham và dục vọng kể từ khi nhạc pop ra đời, theo www.lionsroar.com cho biết.

Tuy nhiên, một số ngôi sao nhạc pop đã đưa sự gắn bó của họ với Phật Giáo lên các cấp độ mới. Laurie Anderson và phu quân của bà là Lou Reed phản ảnh giáo pháp mà họ nghiên cứu trong tác phẩm về sau này của họ, và nhà thơ/ca sĩ Leonard Cohen đã thực hành Thiền nghiêm túc vào những năm chín mươi.

Hỏi một người nào đó về Phật Giáo và âm nhạc hiện đại thì bạn hầu như chắc chắn sẽ nghe nói về bản nhạc nổi tiếng năm 1992 của k. d. Lang (Kathryn Dawn Lang), với lời bản “Constant Craving” [Khao Khát Không Thôi] nói về luân hồi. Ngay cả các Phật tử không biết Lang là một hành giả tinh tấn cũng có mối tương quan.

“Tôi nghĩ Phật Pháp đã là một phần của tôi, trong đời này, kể từ trước khi tôi tìm ra vị thầy của mình,” theo Lang cho biết. “Khi tôi gặp Lạt Ma Gyatso Rinpoche, tôi tức thì cảm thấy có sự tương quan và mộ đạo, và rồi đã cống hiến 10 năm sau đó, cho đến khi thầy viên tịch. Tôi vẫn tiếp tục hiến dâng “cuộc đời” của tôi cho Phật Pháp.”

Nói đến ảnh hưởng của Phật Giáo đối với âm nhạc mà không nói đến Adam Yauch của the Beastie Boys là thiếu sót. Trong những năm 80s, The Beastie Boys nổi tiếng nhờ sức mạnh của các nhạc phẩm của nhóm nay “(You Gotta) Fight for Your Right (To Party)” và “Brass Monkey.” Tuy nhiên, vào những năm 90s, âm nhạc của nhóm nhạc rap này hướng về tâm linh với các bản nhạc như “Shambala” và “Boddhisattva Vow” [Bồ Tác Nguyện]. “Khi tôi phát triển tâm tỉnh thức tôi tán dương chư Phật vì các Ngài tỏa sáng,” theo nhạc sĩ rap Yauch viết trong nhạc phẩm sau này. “Kính trọng Ngài Tịch Thiên và tất cả những vị khác/những vị đã mang giáo pháp tới cho các anh chị em.” Yauch đã mời chư tăng từ Tây Tạng thực hiện chuyến đi Lollapalooza. Ông đã thành lập Quỹ Milarepa Fund, một tổ chức ủng hộ cho sự độc lập của Tây Tạng. Khi Yauch qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 47, người phát ngôn cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trích thuật lời Ngài nói rằng, “Adam đã giúp chúng tôi nâng cao ý thức về hoàn cảnh của người Tây Tạng bằng việc tổ chức các buổi hòa nhạc tự do cho Tây Tạng và ông ấy sẽ được Đức Đạt Lai Lạt Ma người dân Tây Tạng nhớ đến.”

Nhạc sĩ Leonard Norman Cohen tại McLaren Vale, Nam Úc, vào tháng 1 năm 2009. (nguồn: www.en.wikipedia.org)

Trong thế giới âm nhạc, câu chuyện xảy ra như thế này: Ở tuổi trung niên, sau cuộc đời rượu, đàn bà và chữ nghĩa, Leonard Cohen đã từ bỏ âm nhạc và trở thành một tu sĩ Phật Giáo. Sự thật phong phú hơn một chút. Vào những năm 70s, Cohen bắt đầu đến Trung Tâm Thiền Mount Baldy Zen Center. Sau khi nghiên cứu Thiền Tông nhiều năm, Cohen đi xuất gia vào những năm 90s, với tên Jikan có nghĩa là “sự im lặng thánh thiện.” Tuy nhiên, Cohen đã trở lại với công chúng sau thời gian sống ẩn dật, được cảm hứng bởi thời gian ông ở tại trung tâm Thiền. Chủ đề Thiền cũng xuất hiện trong thơ của Cohen, đặc biệt trong cuốn sách của ông “Book of Longing.”

Giống như Leonard Cohen, hành trình đến với Phật Giáo của “Nữ Hoàng Nhạc Rock ‘n’ Roll,” Tina Turner đã bắt đầu trong những năm 70s và đi sâu hơn từ đó. Không ngạc nhiên, phần nhiều mối tương quan của huyền thoại R&B với Phật  Giáo qua âm thanh – đặc biệt, tụng “Nam-myoho-renge-kyo” (Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh), sự tu tập chính của Phật Giáo Nhật Liên Tông và Hội Phật Giáo của Turuner là Soka Gakkai International. Khi được hỏi về cách nó làm cho cuộc đời khó khăn trở thành tốt đẹp hơn, Turner trả lời rằng, “Tôi cảm nhận an lạc với chính mình, hạnh phúc hơn tôi đã có từ trước tới giờ, và nó không đến từ vật chất. Thực hành việc tụng Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh thật lâu đã đưa tôi vào một khung cảnh tâm thức khác, để ngay cả khi tôi không thực hành một ngày hay một tuần, tôi vẫn cảm nhận hạnh phúc. Nhưng tôi thực hành. Việc tụng niệm làm cho bạn dễ chịu bởi vì nó loại bỏ những thái độ tinh thần không thoải mái.”

Nhạc sĩ Tina Turner đang tụng “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.” (nguồn: www.lionsroar.com)

Trải qua nhiều hình thức âm nhạc – từ nhạc thính phòng cổ điển tới nhạc disco rồi nhạc đồng quê và tới nhạc pop – Arthur Russell coi thường sự phân loại, nhưng một sợi dây liên tục xuyên qua nhạc phẩm của ông ấy có thể là sự thực hành Phật Giáo của  Russell. Russell đã nghiên cứu Kim Cang Thừa Phật Giáo theo sự hướng dẫn của Yuko Nonomura. Rod Meade Sperry đã nói chuyện với Steve Knutson của Audika Record về cuốn album “Iowa Dream” của Arthur Russell sau khi qua đời trên Podcast của Lion’s Roar.

Một nghệ sĩ khác lấy cảm hứng từ Phật Pháp là RZA (Robert Fitzgerald Diggs) của nhóm nhạc rap huyền thoại, Wu-Tang Clan. Từ bản phát hành có tính bước ngoặt của nhóm Enter the Wu-Tang (36 Chambers) tới các bản nhạc phim của ông ấy (Kill Bill, Ghost Dog), sự sáng tạo của RZA có vẻ vô hạn. “Khi tôi ở Trung Quốc tôi đã xem tất cả các vị Phật khác nhau này,” RZA phản ảnh khi ông nói với Lion’s Roar. “Tôi thấy một vị Phật bự. Tôi thấy vị Phật đứng phổ biến. Tôi thấy vị Phật khóc. Tôi thấy vị Phật say. Và nó đánh động tôi như một khai thị rằng những vị Phật này là những phương tiện khác nhau để đạt tới giác ngộ.”

Các nghệ sĩ nhạc pop khác nữa như Boy George, Courtney Love, Belinda Carlisle, và Duncan Sheik, cũng như nữ ca sĩ Phoebe Snow, cũng đã thực hành Phật Giáo Nhật Liên Tông. Nhạc sĩ Devendra Banhart thực hành Phật Giáo Tây Tạng. Kaia Fischer của ban nhạc Rainer Maria cũng là một Phật tử của Phật Giáo Tây Tạng.

Cả một thế hệ mới của các nghệ sĩ nhạc pop đang quay về Phật Giáo. Các nhạc sĩ rap trình diễn dưới biệt danh “không có gì, không ở đâu” đã nói với tạp chí Fader vào năm 2018 rằng, “Trong Phật Giáo, Pháp là quà tặng của bạn mà bạn có thể tặng cho thế giới – các năng khiếu và tài năng độc đáo của bạn. Âm nhạc và việc viết nhạc là Pháp của tôi.” Còn nữa, Earl Sweatshirt phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây để trở lại với Phật Giáo Nhật Liên Tông sau khi trải qua những năm vị thành niên không thực hành. Vào năm 2017, Bustle đã giới thiệu Nitty Scott, một rapper Phật tử kỳ lạ tạo ra nhiều làn sóng trong làng hip hop. Vào thời gian cô thu âm album thứ hai của cô, cô đã khám phá Thiền Phật Giáo. Cô nói rằng, “Sự thực tập [Thiền] đem bình an tới cho tôi.”

Một nhạc sĩ hip hop khác khám phá sự bình an và hướng dẫn trong Phật Giáo là Born I. “Tình dục, âm nhạc, và tôn giáo – những thứ này tương tác nhau không ngừng trong các nhạc phẩm của tôi,” theo rapper và cũng là nhà sản xuất nhạc cho biết. “Có một phần giáo pháp trong mọi thứ mà tôi làm.”

Nhạc sĩ Born I ngồi thiền trong lúc trình diễn. (nguồn: www.lionsroar.com) 

Born cảm thấy rằng hạnh phúc thực sự như thế là điều mà mọi người nên có, và anh cống hiến thời gian của mình trong nhiều cách, gồm việc dạy thiền cho trẻ em. Anh cũng nghĩ âm nhạc của mình có thể gây cảm hứng cho một nhóm người bị bỏ quên. “Tôi muốn tiếp cận với khán thính giả ít được tiếp cận nhất – những người đã bị từ chối như là ‘phần tử phạm tội’ hay những người bị ruồng bỏ. Tôi muốn nói với họ rằng, ‘Tôi ở đó với các bạn. Tất cả chúng ta cùng ở trong cuộc đời này’.”

Giống như Born I, Merrill Garbus của Tune-Yark dùng sự thực hành Phật Giáo của cô để giải quyết vấn đề khó khăn trong băng nhạc mới trình làng của cô, “I Can Feel You Creep Into My Private Life” [Tôi Có Thể Cảm Thấy Bạn Len Lỏi Vào Cuộc Đời Riêng Tư Của Tôi]. “Phật Giáo cống hiến lăng kính kỳ diệu này qua điều mà chúng ta có thể nhìn sự trong trắng và công bằng chủng tộc với chủ đích hướng tới lòng từ bi đối với mình và người – hướng tới sự giải thoát cho tất cả,” theo Garbus phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Lion’s Roar vào năm 2018.

Trong nhiều năm gần đây, những chủ đề Phật Giáo hay những giai thoại đặc biệt về Phật Giáo đã xuất hiện trong lời nhạc của những nhà viết nhạc được kính trọng như Cha John Misty và Nick Cave. Trong nhạc phẩm “Leaving L.A.,” Misty đã bắt gặp ma quỷ trong Phật Giáo. Trong nhạc phẩm “Hollywood,” Cave khai thác câu chuyện của Kisa muốn chế ngự sự đau khổ gây ra bởi cái chết của người con trai. “Kisa đi đến núi và hỏi Đức Phật,” theo bài hát. “Con của con bệnh, Đức Phật dạy đừng khóc / Hãy đi tới từng nhà và thu thập hột cải / Nhưng chỉ từ căn nhà mà không có ai chết.”

 Trải qua nhiều thập niên làm việc đầu tắt mặt tối, ca sĩ và cũng là nhạc sĩ Glenn Copeland cuối cùng đã tìm được sự thăng hoa thú vị trong lãnh vực nhạc pop và sử dụng âm nhạc của mình để chuyên tải trí tuệ Phật Giáo. Nhạc sĩ Phật tử Da Đen này được xem là người tiên phong của thời đại mới điện tử với cuốn album “Keyboard Fantasies” ra đời vào năm 1986 của ông. “Đối với tôi, Phật Giáo là hành động, không phải lý thuyết,” theo Copeland cho biết. “Mục tiêu của tôi là tạo ra một hoàn cảnh sống có thể mang đến và duy trì tình trạng hạnh phúc tuyệt đối, cho dù ở giữa niềm vui hay nỗi đau khổ. Cách bạn tương tác, dựa vào điều kiện cải tiến đó, là hành động. Mọi người đều có nhiệm vụ riêng của mình.”

Nhạc sĩ Laurie Anderson trong một lần trình diễn. (nguồn: www.lionsroar.com) 
Hiển thị thêm
Back to top button