Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Tìm hiểu thêm về GHPGVNTN qua Bản Công Bố của HĐGPTƯ

(bài thuyết trình tại Hội Nghị Thường Niên lần thứ nhất,
nhiệm kỳ XI của Ban Hướng Dẫn GĐPTVN tại Hoa Kỳ, ngày 10 tháng 12 năm 2022)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

Kính thưa quý Anh Chị Em Huynh Trưởng GĐPTVN tại Hoa Kỳ,
Kính thưa Hội Nghị,

Ngày 1 tháng 9 năm 2022, Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương (HĐGPTƯ) của GHPGVNTN đã phổ biến bản Công Bố trình bày về việc vận động và hình thành HĐGPTƯ, cũng như lập trường và đường hướng nhất quán của GHPGVNTN từ trước tới nay. Trong bản Công Bố cũng đã đề cập đến các buổi lễ phát nguyện và suy tôn HĐGPTƯ, và suy cử Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ vào chức vụ Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN tại Chùa Phật Ân, tỉnh Đồng Nai, ngày 21 tháng 8 năm 2022, và buổi lễ chính thức trao truyền Di chúc, ấn tín và khai ấn tại Chùa Từ Hiếu, Sài Gòn, vào ngày 22 tháng 8 năm 2022.

Sự kiện này là bước ngoặt lớn đánh dấu trang sử mới trong công cuộc phục hoạt GHPGVNTN tại quốc nội. Để thâm nhập sâu vào nội dung bản Công Bố của HĐGPTƯ, và qua đó tìm hiểu thêm về lập trường và hướng đi của GHPGVNTN trong bối cảnh của thế giới, đất nước và Phật Giáo Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ lần lược tìm hiểu và phân tích các điểm chính trong bản Công Bố như sau:

I/ Xác Định Lập Trường Của GHPGVNTN

Khởi đầu bản Công Bố của HĐGPTƯ là trích đoạn Lời Mở Đầu của Hiến Chương GHPGVNTN khẳng định GHPGVNTN được lập ra “để phục vụ nhân loại và dân tộc” trong tinh thần hòa bình của Giáo lý Đức Phật:

“Công bố lý tưởng hòa bình của Giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Nam Tông và Bắc Tông tại Việt nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.”

Bản Công Bố đã xác định lập trường, vị thế và định hướng của GHPGVNTN cũng như các thành viên trong hàng giáo phẩm của GH như sau:

“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào; duy chỉ một định hướng duy nhất: Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn; một cứu cánh duy nhất là giải thoát.

“Các thành viên trong hàng giáo phẩm không là thành viên của bất cứ tổ chức, đoàn thể thế tục nào. Cộng đồng đệ tử Phật duy nhất là cộng đồng Bốn Chúng, được thiết lập bởi Đức Thích Tôn bằng Pháp và Luật thiện thuyết.”

           Ở đây, xin tóm tắt các điểm chính như sau:

1- GHPGVNTN không phải là hiệp hội thế tục, và các thành viên trong hàng giáo phẩm của GH này không tham gia vào các tổ chức thế tục, không đặt mình dưới sự chỉ đạo của thế quyền và không làm công cụ để bảo vệ bất cứ xu hướng chính trị và tổ chức thế tục nào.

2- GHPGVNTN không hành đạo và hoằng đạo theo bất cứ ý thức hệ nào.

3- Cộng đồng tứ chúng đệ tử Phật chỉ dựa vào Pháp và Luật do Đức Phật dạy.

4- Định hướng duy nhất của GHPGVNTN là hướng đến mục đích tối hậu mà Đức Phật đã chứng đắt đó là Niết-bàn và giải thoát khổ đau.

II/ Thực Trạng Của Phật Giáo Việt Nam

Bản Công Bố trình bày khái quát về thực trạng mà người Phật tử Việt Nam đang đối diện với hiện tình thế giới, Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam. Bản Công Bố viết như sau:

“Cộng đồng bốn chúng đệ tử Phật, trong hiện tại, hành đạo và hoằng đạo giữa các cộng đồng dân tộc trong một thế giới đang bị bao phủ trong hận thù, nghi kỵ, điên đảo tranh chấp quyền lực, danh vọng, lợi dưỡng. Trong một thế giới đảo điên, với sự phổ biến chóng mặt của các phương tiện truyền thông toàn cầu; xoay vần giữa những nhiễu loạn thông tin, trí ngu đồng đẳng, thực giả khó phân, chánh kiến tà kiến không phân biệt, Phật thuyết, ma thuyết đồng giá.  Và, trong một đất nước trải qua 20 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, dù được biện minh hay lý giải bằng bất cứ lý luận gì: vì một xã hội tiến bộ được định hướng theo ý thức hệ gì, duy tâm, duy vật hay duy linh các thứ, thì thực tế không thể phủ nhận đối với ai còn đủ lương tri để nhìn lại lịch sử dân tộc, hòa bình và thống nhất đã đẩy dân tộc dấn sâu vào hận thù, nghi kỵ kéo dài trên nửa thế kỷ vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu. Trong một thế giới như vậy, một đất nước như vậy, chúng đệ tử Phật, trực tiếp hoặc gián tiếp, có ý thức hay không ý thức, dễ bị cuốn hút trong vòng xoáy của danh vọng và lợi dưỡng, đã minh giải những giá trị chân thật được tác thành bởi Minh và Hành xuất thế bằng những giá trị thế tục; từ nơi đó khoét sâu và làm vỡ cộng đồng hòa hiệp mà đức Thích Tôn đã thiết lập bằng Pháp và Luật thiện thuyết.”

Trong đoạn trích trên của bản Công Bố có các điểm chính như sau:

1- Hiện tình thế giới mà người Phật tử đang đối diện là một thế giới bị bao phủ bởi “hận thù, nghi kỵ, điên đảo tranh chấp quyền lực, danh vọng, lợi dưỡng.” Và đảo điên vì “sự phổ biến chóng mặt của các phương tiện truyền thông toàn cầu;” “những nhiễu loạn thông tin, trí ngu đồng đẳng, thực giả khó phân, chánh kiến tà kiến không phân biệt, Phật thuyết, ma thuyết đồng giá.”

2- Hiện tình của đất nước Việt Nam thì “hòa bình và thống nhất đã đẩy dân tộc dấn sâu vào hận thù, nghi kỵ kéo dài trên nửa thế kỷ vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu.”

3- Hiện tình của người Phật tử Việt Nam vì chịu ảnh hưởng bởi hai thực trạng nói trên nên đã “trực tiếp hoặc gián tiếp, có ý thức hay không ý thức, dễ bị cuốn hút trong vòng xoáy của danh vọng và lợi dưỡng, đã minh giải những giá trị chân thật được tác thành bởi Minh và Hành xuất thế bằng những giá trị thế tục; từ nơi đó khoét sâu và làm vỡ cộng đồng hòa hiệp mà đức Thích Tôn đã thiết lập bằng Pháp và Luật thiện thuyết.”

III/ Tái Dựng Lại Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương

Bản Công Bố cho biết căn nguyên tái dựng lại Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương như sau:

“Tự thể bị tổn thương, cùng với tác động ngoại tại bởi những thông tin nhiễu loạn, sự phân hóa nội bộ càng lúc càng trầm trọng, cho đến lúc, vô khả nại hà, đức Đệ ngũ Tăng thống đã ban hành quyết định lịch sử: giải thể toàn bộ nhân sự và đình chỉ mọi hoạt động Viện Hóa Đạo, đồng thời với Di chúc quyết định Ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống cho HT. Thích Tuệ Sỹ “đứng đầu vào vị trí của Viện Tăng Thống bảo đảm tiếp tục sứ mệnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong tương lai”… “Bất cứ lúc nào, khi hội đủ điều kiện thuận duyên HT. Thích Tuệ Sỹ thay mặt Viện Tăng Thống triệu tập đại hội bất thường để bầu cử nhân sự mới cho tất cả chức vụ trong Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.”

“Phụng hành Di chúc Ủy thác, cùng với các tâm thư của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ gởi bốn chúng đệ tử, trong những ngày tháng cuối cùng, với ước nguyện Tăng-già hòa hiệp thanh tịnh, là sở y để chúng đệ tử hành Đạo và hoằng dương Chánh Pháp.

“Bản thể thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già không thể y cứ trên một thực thể trống rỗng. Đức Thích Tôn, đấng Đại Trí, đã thấy rõ sâu sắc nguyên nhân phát sinh, quá trình phát triển, và hậu quả của những mâu thuẫn, tranh luận và tranh chấp khả dĩ xảy ra giữa các chúng đệ tử, từ những mâu thuẫn về kiến giải sai biệt trong giáo nghĩa Pháp và Luật mà đức Thế Tôn đã thi thiết, cho đến những bất hòa, xung đột trong sinh hoạt thường nhật. Để dập tắt nguyên nhân và hậu quả dẫn đến bản thể Tăng-già bị vỡ, đức Thích Tôn đã thi thiết bảy nguyên tắc diệt tránh. Trong trường hợp phân hóa đạt đến cực điểm, Tăng áp dụng nguyên tắc Tì-ni “Như thảo phú địa.” Vận dụng nguyên tắc này trong bối cảnh hiện tại, y chỉ trên đạo lý “sư tư tương thừa, chủng tánh bất đoạn”, chư Tôn đức nguyên thành viên Viện Hóa Đạo được thỉnh cử từ Đại hội Nguyên Thiều, đã đồng thuận lập Ban Vận Động Hòa Hiệp Tăng Già, với nhiệm vụ tham vấn, thỉnh vấn, đề nghị thỉnh cử Chư Tôn Trưởng Lão, Hòa Thượng, đăng lâm pháp tịch Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, để hướng đến suy tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, cơ quan lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, sở y cho tất cả mọi sinh hoạt hành đạo và hoằng đạo của bốn chúng đệ tử.”

Xin tóm tắt mấy điểm chính trong các trích đoạn trên như sau:

1- Bản Công Bố viết rằng: “Tự thể bị tổn thương, cùng với tác động ngoại tại bởi những thông tin nhiễu loạn, sự phân hóa nội bộ càng lúc càng trầm trọng,…” Điều này cho thấy có 2 yếu tố tạo nên sự phân hóa trầm trọng nhất của GHPGVNTN kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đến mức tận cùng gần như “hủy diệt.” Đó là các chướng duyên từ bên ngoài và bên trong của GHPGVNTN gây ra mà cụ thể và tiêu biểu là các sự kiện: – Giáo Chỉ số 2 ngày 29 tháng 11 năm 2005 loại bỏ một số vị giáo phẩm trong Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo; – Giáo Chỉ số 9 ngày 8 tháng 9 năm 2007 và Hướng Dẫn Thi Hành Giáo Chỉ Số 9 ngày 25 tháng 9 năm 2007 kết án âm mưu tiêu diệt GHPGVNTN và loại bỏ các GHTN tại 4 châu lục, gồm Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu và Úc Châu; – Giáo Chỉ số 10 ngày 9 tháng 12 năm 2013 giải nhiệm chức vụ Viện Trưởng VHĐ của HT Thích Viên Định và chức vụ Chủ Tịch VPII-VHĐ của HT Thích Viên Lý; cùng nhiều Quyết Định, Tâm Thư khác cho đến ngày 17 tháng 11 năm 2018 lúc Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ từ Miền Bắc vào Sài Gòn trú ở Chùa Từ Hiếu.

2- Vì sự phân hóa trầm trọng như thế, cho nên Đại Lão HT Thích Quảng Độ ra Tâm Thư số 15 ngày 26 tháng 3 năm 2019, nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử. Trong đó Ngài viết rằng: “Tôi, Sa-môn Thích Quảng Độ, trong cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, tự nhận trách nhiệm lịch sử này trước uy đức của Lịch đại Tổ Sư, và cũng trong trách nhiệm lịch sử này, với ý hướng kịp thời ngăn chặn bánh xe phân hóa không lao xuống vực thẳm ô nhiễm hủy diệt, tôi đã quyết định, bằng Quyết định số 12/TT/VTT/QD, Phật lịch 2562, Saigon ngày 19 tháng 10 âm lịch Mậu tuất (tức 25/11/2018), đình chỉ mọi hoạt động của Giáo hội, để Tăng-già có thời gian thể hiện bản thể thanh tịnh và hòa hợp, làm nơi quy ngưỡng vững chắc cho bốn chúng hòa hợp đồng tu, hòa hợp hành đạo và hóa đạo, phụng sự Dân tộc và Đạo pháp, trong lý tưởng phụng sự hòa bình dân tộc và nhân loại.”

3- Không còn cách nào khác hơn để cứu nguy GHPGVNTN, Đại Lão HT Thích Quảng Độ ra Quyết Định số 12 ngày 25 tháng 11 năm 2018 giải tán tất cả nhân sự và chức vụ trong Viện Hóa Đạo. Từ đó chỉ còn một mình Đại Lão HT Thích Quảng Độ điều hành Viện Tăng Thống.

4- Đến ngày 12 tháng 5 năm 2019, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, lúc đó đã về tịnh dưỡng tại Chùa Từ Hiếu, Quận 8, Sài Gòn, ra Giáo Chỉ số 19 cung thỉnh Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đăng lâm pháp tịch vào hàng Trưởng Lão Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống.”

5- Ngày 24 tháng 5 năm 2019, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ ra Quyết Định Số 14 “ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống” cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.

6- Ngày 7 tháng 4 năm 2020, tức là ngày 15 tháng 3 năm Canh Tý, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã cung kính phụng thừa sự ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống.

7- Để ngăn chận nguy cơ bản thể Tăng già bị phá vỡ vì sự phân hóa đạt đến cực điểm, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, người được Đức Đệ Ngũ Tăng Thống ủy thác trọng trách điều hành Viện Tăng Thống, đã cùng chư Tôn Đức nguyên thành viên Viện Hóa Đạo được thỉnh cử trong Đại Hội Nguyên Thiều năm 2003 đã vận dụng nguyên tắc tỳ-ni “Như thảo phú địa,” mà Đức Phật đã dạy trong Thất Diệt Tránh để giải quyết các tranh chấp đưa đến phân hóa trầm trọng trong cộng đồng Tăng, để tái dựng lại Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN.

Quá trình vận động để tái dựng lại HĐGPTƯ của Ban Vận Động Hòa Hiệp Tăng-già và những diễn biến đưa tới sự tái dựng lại Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và thỉnh cử Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lên ngôi vị Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống đã diễn ra như bản Công Bố cho biết như sau:

1- “Ngày 17 tháng 7 năm 2022 – Phật lịch 2566, HT. Thích Đức Thắng, Trưởng Ban Vận Động Hòa Hiệp Tăng-già, gởi văn thư Bạch trình Phật sự lên Chư vị nguyên thành viên Viện Hóa Đạo được thỉnh cử từ Đại hội Nguyên Thiều về kết quả tham vấn, thỉnh vấn, đề nghị thỉnh cử Chư Tôn Trưởng Lão, Hòa Thượng, đăng lâm pháp tịch Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, và Chư vị đã đồng thanh chuẩn thuận đề nghị danh hiệu chư Tôn đức được cung thỉnh đăng lâm pháp tịch Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương.

2- “Ngày 21 tháng 8 năm 2022, Phật lịch 2566, buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, đồng thời suy cử Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, được cử hành tại Chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

3- “Ngày 22 tháng 8 năm 2022, Phật lịch 2566, buổi lễ chính thức trao truyền Di chúc, ấn tín, và khai ấn, được cử hành tại Tổ đường Từ Hiếu, quận 8 TP. Hồ Chí Minh.”

IV/ Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương

Bản Công Bố đã nói đến bản thể, định hướng, cơ cấu và hành hoạt của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương như sau:

Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương thể hiện bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng-già, làm sở y cho bốn chúng đệ tử hành Đạo và hóa Đạo, tác Như Lai Sứ, hành Như Lai sự.

“Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Lịch đại Tổ Sư, kế thừa và phát huy lý tưởng phụng sự Dân tộc và nhân loại như đã được minh định bởi Hiến Chương của Giáo Hội, vì một đất nước thanh bình an lạc, vì một truyền thống nhân ái bao dung, vì một xã hội đạo đức tôn trọng phẩm giá của con người, tôn trọng các quyền tự do bình đẳng giữa người và người.

“Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, trong hiện tình của Giáo Hội, là y xứ từ đó hướng đến kiện toàn các cơ cấu Hội Đồng Lưỡng Viện của Giáo Hội vốn đã giải thể theo Quyết Định số 12/TT/VTT/QĐ, Phật lịch 2562, Saigon ngày 25/11/2018 bởi Đức Đệ Ngũ Tăng Thống.

“Cho đến khi Hội Đồng Lưỡng Viện được suy tôn, các quy định của Hiến chương Giáo hội, trong Chương thứ tư, về Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, tạm thời áp dụng tùy duyên, y chỉ Pháp và Luật mà Đức Thích Tôn đã thi thiết.

“Viện Tăng Thống được điều hành bởi một vị Chánh Thư Ký, thừa uy đức ủy nhiệm của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương.

“Cơ cấu lâm thời của Hội Đồng Viện Tăng Thống gồm hai Hội đồng, mệnh danh là Pháp Tòa Hoằng Pháp và Pháp Tòa Hoằng Giới, đứng đầu bởi một vị Thượng Thủ, điều hành bởi một vị Điển Tòa.

“Pháp Tòa Hoằng Pháp hướng dẫn nội dung và các phương tiện thuyết giáo y chỉ nguyên tắc Khế lý và Khế cơ.

“Pháp Tòa Hoằng Giới y chỉ Tì-ni tạng duy trì kỷ cương và cương lĩnh của Tăng-già, giáo giới và xiển minh ý chỉ Phật chế Tì-ni tạng, hành sự chất trực, nhu nhuyễn;  hoằng dương giới đức và truyền thụ giới phẩm cho bốn chúng đệ tử, gồm xuất gia và tại gia.

“Chư Tôn Trưởng Lão, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, cùng bốn chúng đệ tử, bằng Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hành, cùng hòa hợp như nước với sữa, cùng hòa hợp đồng tu, vì cứu cánh của chính mình, vì sự hưng suy của Đạo Pháp và Dân Tộc, vì sự tăng ích và an lạc của nhiều người, của mọi loài chúng sanh.”

Theo đó, chúng ta có thể tóm lược những điểm chính như sau:

1- HĐGPTƯ tiếp tục thể hiện “bản thể thanh tịnh và hòa hợp của Tăng-già” để làm chỗ nương tựa cho bốn chúng đệ tử Phật hành đạo và hóa đạo;

2- Kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của Lịch đại Tổ sư;

3- Kế thừa và phát huy lý tưởng phụng sự dân tộc và nhân loại của GHPGVNTN;

4- Để góp phần xây dựng một đất nước thanh bình an lạc;

5- Để tiếp tục phát huy một truyền thống nhân ái bao dung;

6- Và một xã hội đạo đức tôn trọng phẩm giá của con người, tôn trọng các quyền tự do, bình đẳng giữa người và người;

7- HĐGPTƯ sẽ kiện toàn cơ cấu của Hội Đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo);

8- HĐGPTƯ tạm thời áp dụng tùy duyên Hiến Chương của GHPGVNTN, y chỉ Pháp và Luật do Đức Phật đã dạy, cho đến khi Hội Đồng Lưỡng Viện được suy tôn;

9- Lâm thời, Hội Đồng Viện Tăng Thống gồm 2 Hội Đồng: Pháp Tòa Hoằng Pháp và Pháp Tòa Hoằng Giới, đứng đầu mỗi Pháp Tòa là một vị Thượng Thủ và điều hành bởi một vị Điển Tòa;

10- Viện Tăng Thống được điều hành bởi vị Chánh Thư Ký do HĐGPTƯ ủy nhiệm;

11- Chư tôn Trưởng Lão HĐGPTƯ và bốn chúng đệ tử Phật đều nương vào Bồ-đề Nguyện và Bồ-đề Hành để thi thiết các Phật sự, tức là thực hiện mục tiêu “thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sinh.”

V/ Kết Luận

Để đúc kết phần thuyết trình này, xin nêu ra mấy điều đáng tâm niệm như sau:

1- Việc tái dựng lại HĐGPTƯ là bước đầu để đi đến việc kiện toàn cơ cấu của Hội Đồng Lưỡng Viện, gồm Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

2- HĐGPTƯ minh định rất rõ ràng và không thể nhầm lẫn về lập trường và hướng đi của GHPGVNTN trong hiện tại và tương lai:

– Đó là lập trường “phụng sự dân tộc và nhân loại” trong tinh thần hòa bình của Giáo lý Đức Phật; là lập trường không tham gia chính trị, không làm công cụ hay phục vụ cho bất cứ chủ nghĩa hay ý thức hệ chính trị, hoặc cho bất cứ tổ chức thế tục nào.

– Đó là hướng đi thừa tiếp sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh của Lịch đại Tổ sư và của GHPGVNTN truyền thống, là hướng đi nhắm tới mục đích tối thượng của người con Phật: thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sinh.

– Hay nói cụ thể đó là lập trường và hướng đi thuần nhất Đạo Pháp và Dân Tộc với bề dày của một tôn giáo có mặt trên đất nước này hơn hai ngàn năm lịch sử.

3- HĐGPTƯ cũng khẳng định sự tái phục hoạt của GHPGVNTN là để góp phần xây dựng “một đất nước thanh bình an lạc,” là để phát huy “một truyền thống nhân ái bao dung, và một xã hội đạo đức tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng các quyền tự do, bình đẳng giữa người và người.” Cần thấy rõ đây là nỗ lực bằng thiện chí để góp phần xây dựng đất nước, chứ không phải để “chống đối hay phản động.”

4-Từ những điểm quan trọng vừa được nêu trên, cho thấy rằng sự phục hoạt GHPGVNTN là tối cần thiết, và cũng là nhân tố quan trọng cho giải pháp khả thi đối với thực trạng của một thế giới còn bất an, của một đất nước mà nhân tâm còn ly tán, và của Phật Giáo Việt Nam ngày càng bị thế tục hóa bởi các thế lực thế tục và chính trị.

5-GHPGVNTN có thể cống hiến cho dân tộc và đất nước Việt Nam các giải pháp khả thi để dựng lại những gì bị xô ngã, kiến tạo lại những gì bị phá vỡ bằng con đường Đạo pháp và Dân tộc thuần nhất mà Phật Giáo Việt Nam đã cống hiến trong suốt trên hai ngàn năm có mặt tại đất nước này.

Điều cần phân biệt rõ ràng đâu là thực thể dân tộc tồn tại muôn đời và đâu là cơ chế chính trị cai trị đất nước trong nhất thời theo chủ thuyết, chủ nghĩa, đảng phái riêng của họ. Lập trường phụng sự Dân tộc của GHPGVNTN là đứng về phía đại khối dân tộc, chứ không phải đi theo hay làm công cụ cho cơ chế chính trị cai trị đất nước.

Con đường Đạo pháp mà GHPGVNTN có thể cống hiến cho nhân loại và dân tộc là con đường hoằng dương Chánh Pháp góp phần giải thoát khổ đau cho con người và chúng sinh, là con đường góp phần nâng cao trình độ dân trí thông qua công tác giáo dục và đào tạo, là con đường góp phần duy trì và phát huy giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống của Dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn và kính chào quý Anh Chị Em Huynh Trưởng GĐPT.

Tu Viện Đại Bi, Garden Grove, California, Hoa Kỳ
Thuyết trình viên: Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

Hiển thị thêm
Back to top button