Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Từ duyên Kiều đến duyên Phật
Nguyễn Du không những là một thi hào lớn của Việt Nam mà còn là nhà Phật học uyên bác. Ông từng viết trong bài thơ “Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài” lúc đi sứ sang Tàu vào triều Nguyễn, đầu thế kỷ 19 rằng, “Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,” (Tôi đọc Kinh Kim Cương cả ngàn lần). Tất nhiên, không phải vì một câu thơ đó mà vội cho rằng Nguyễn Du là người thâm hiểu Phật Pháp. Trong hàng ngàn áng thơ văn bằng chữ Nôm và chữ Hán của ông bàng bạc tinh hoa Phật Pháp, đặc biệt nhất là trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh và Truyện Kiều. Riêng trong Truyện Kiều chuyên chở nhiều giáo nghiã thâm sâu của Phật Pháp mà nổi bật nhất là tư tưởng “duyên,” hay “duyên sinh,” “duyên khởi.” Thật vậy, Truyện Kiều với 3254 câu thơ lục bát, đã có tới 47 chữ “duyên,” được mô tả trong nhiều trạng huống đa dạng, từ mối tương quan, tương duyên trong tình cảm cá nhân, đến gia đình, bằng hữu, con người, xã hội, nhiên tính, thời tính, lý tính và đạo lý.
Mở đầu là cơ duyên Kiều thăm mộ Đạm Tiên trong Tiết Thanh Minh, để rồi nàng cảm thương thân phận bẽ bàng của người xưa và mường tượng biết đâu chẳng là thân phận mai sau của chính nàng.
“Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên ấy là mình với ta.
Đã không duyên trước chăng mà,
Thì chi chút ước gọi là duyên sau.”
Rổi đến duyên Kiều gặp Kim Trọng trong ngày đi tảo mộ Thanh Minh, khiến nàng khi hồi tưởng lại gây phút sơ ngộ ấy cũng phải xao xuyến cõi lòng và băn khoăn tự vấn.
“Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?”
Sau đó là nhiều duyên nghiệp bất hạnh chập chùng xảy ra, với chuyện gia đình gặp nạn đưa đẩy Kiều vào thế cùng phải bán mình để trả hiếu cho cha. Từ đó mở ra quãng đời mười lăm năm đoạn trường trong chốn lầu xanh hay nơi trường đời gian nguy hiểm ác.
“Làm cho sống đọa thác đầy,
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!”
Sự bi thống khốc liệt đến nỗi cuối cùng nàng phải liều mình dưới sông Tiền Đường để mong rửa sạch oan khiên. May nhờ duy- ên được vãi Giác Duyên cứu và giải nghiệp cho nàng.
“Sư rằng: Song chẳng hề chi,
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.
Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm,
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!
Hại một người cứu muôn người,
Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.
Thửa công đức ấy ai bằng?
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!
Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.”
Nhờ đạo lý “duyên” hay “duyên khởi” của nhà Phật mà thi hào Nguyễn Du đã xây dựng một kết cục có hậu cho Truyện Kiều với phần xuất hiện của nhân vật bà vãi Giác Duyên để giải nghiệp cho Kiều.
Nhưng duyên hay duyên khởi là gì?
Duyên là chữ Hán Việt, dùng để dịch nghĩa chữ Phạn (Sanskrit) pratitya hay chữ Pali paticca, có nghĩa là gặp nhau, tùy thuộc vào nhau, nương nhau, gắn bó nhau.
Duyên khởi cũng là chữ Hán Việt, dùng để dịch nghĩa chữ Phạn pratityasamutpada, hay chữ Pali paticcasamuppada. Trong chữ pratityasamutpada có hai chữ: pratiya (duyên, có nghĩa là gặp nhau, tuỳ thuộc vào nhau, dựa vào nhau; và chữ samutpada (khởi, có nghĩa là đứng dậy, đứng lên, khởi lên, sinh ra, có mặt. Gồm chung hai chữ duyên khởi thì có nghiã là nương nhau, tuỳ thuộc vào nhau, dựa vào nhau mà đứng dậy, mà sinh ra, mà có mặt, hiện hữu. Duyên cũng được hiểu như là điều kiện ắt có để hình thành một sự vật, một sự kiện gì đó cho nên, khi dịch chữ duyên, hay duyên khởi sang tiếng Anh, người ta dùng chữ dependent origina- tion, dependent arising, hay conditioned arising.
Nguyên tắc để hiểu rõ về duyên khởi đã được đức Phật dạy trong Kinh A Hàm rằng, “Cái này có cho nên, cái kia có. Cái này không, cho nên, cái kia không. Cái này sinh cho nên, cái kia sinh. Cái này diệt cho nên, cái kia diệt.”
Theo duyên khởi, trên thế gian này, không có một vật, một sự kiện gì, từ vật chất đến tinh thần, sinh ra, tồn tại và diệt đi mà không có mối tương quan, tương duyên, hay gặp nhau, tùy thuộc vào nhau của nhiều điều kiện, nhiều yếu tố, nhiều duyên. Điều đó cũng có nghĩa là không một vật gì, một sự kiện gì sinh ra và tồn tại độc lập duy nhất một mình nó.
Chẳng hạn, lấy chuyện Kiều gặp Kim Trọng lần đầu làm thí dụ để minh giải về chữ duyên nhà Phật. Trước hết, điều kiện tối thiểu là phải có hai người, Kiều và Kim Trọng, thì cuộc gặp gỡ mới xảy ra được. Hai người, Kiều và Kim Trọng, chính là hai yếu tố, hai cái duyên, hai điều kiện để hình thành nên cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Kiều và Kim Trọng. Còn nữa, trong trường hợp này, còn mấy duyên khác nữa, như nhờ Kiều đi tảo mộ vào dịp Thanh Minh, và nhờ Kiều nấn ná ở lại nơi mộ Đạm Tiên nên mới kịp lúc Kim Trong đi qua đó. Không có những duyên, yếu tố, điều kiện này thì không có cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Kim Trọng. Đó là chỉ mới nêu ra một vài duyên để làm thí dụ điển hình cho dễ hiểu.
Trong những duyên, điều kiện để có sự gặp gỡ giữa Kiều và Kim Trọng, không một duyên nào quan trọng hơn duyên nào cả. Tất cả đều đóng vai trò ngang nhau. Tất cả đều tuỳ thuộc, đều dựa vào nhau mà có sự kiện gặp gỡ đó. Sẽ không có cuộc gặp gỡ này nếu Kiều không đi tảo mộ, và nếu Kim Trọng không đến đó, hoặc là nếu Kiều bỏ đi ngay sau khi thăm mộ Đạm Tiên thì cho dù Kim Trọng có đến cũng chẳng gặp. Từ thực tế này cho thấy rằng mọi duyên hình thành một pháp đều quan trọng như nhau, không có duyên nào chính và duyên nào phụ, cho nên, trong duyên khởi không có nhân chính, không có chủ thể tối cao, không có chủ thể sáng tạo tuyệt đối.
Nhưng, chữ duyên có phải chỉ giới hạn tới đó? Hay một cách trực tiếp hơn, có phải trong cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Kim Trọng chỉ có chừng ấy duyên?
Câu hỏi trên dẫn chúng ta bước sâu hơn vào thế giới thậm thâm vi diệu của duyên khởi, đó là pháp giới trùng trùng duyên khởi.
Trong cuộc gặp lần đầu giữa Kiều và Kim Trọng thì cả hai đều là duyên, điều kiện hình thành sự gặp mặt. Nhưng, sự có mặt của Kiều và Kim Trọng trên thế gian này tất nhiên cũng phải cần có nhiều duyên khác nữa, như duyên ông, bà, cha, mẹ, duyên gia đình, xã hội, duyên quốc gia dân tộc, v.v… Rồi trong mỗi duyên hình thành sự có mặt của Kiều và Kim Trọng cũng hàm ngụ nhiều duyên cho sự có mặt của chính chúng nữa. Ngay cả sự hiện hữu của một cái bàn, cái ghế, một cây kim, ngọn cỏ, hay một hạt bụi nhỏ như vi trần cũng đều do nhiều duyên, nhiều điều kiện hợp lại mà thành. Cứ thế, từ duyên này tương quan, tương duyên với duyên kia, từ duyên cá nhân, duyên gia đình, đến duyên quốc gia, xã hội, và rộng ra nữa là pháp giới vũ trụ. Nếu có thể nối kết tất cả duyên đó lại với nhau chúng ta có một màng lưới chằng chịt bao la vô tận, bao trùm khắp ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, cũng như phổ biến khắp cõi không gian vô biên. Đó chính là ý nghĩa của pháp giới trùng trùng duyên khởi.
Như thế, xét cho cùng, tự thân của tất cả mọi sự vật, mọi sự kiện đều chỉ là sự tụ hợp nhất thời của các duyên, các yếu tố mà chính nó thì chẳng là gì cả. Nó chỉ là cái tên gọi để phân biệt giữa sự tập hợp này với sự tập hợp khác. Nó là giả danh, không thật. Do đó, nó hoàn toàn không có chủ thể tự tồn, không có thực thể, không có tự tính. Các pháp là không (nhất thiết pháp không. Ngược lại, chính các pháp không có tự tính cố định cho nên, chúng mới đến với nhau, gặp nhau, hòa hợp vào nhau để thành một pháp khác. Nếu duyên hay pháp là định tánh, không thể thay đổi thì chúng không thể kết hợp lại nhau để hình thành pháp khác, duyên khác. Chính điều này, mà Bồ Tát Long Thọ viết trong Trung Luận (Mūlamadhyamakakārikā rằng, “Do không có tự tánh mà các pháp được hình thành,” (Dĩ hữu không nghĩa cố nhất thiết pháp đắc thành.
Mỗi chữ duyên mà thi hào Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều có thể mang ý nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh của chúng. Chúng có thể là chữ duyên trong tương quan, tương duyên gắn bó của tình yêu, hay mối tương quan, tương duyên giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và thế giới, v.v… Nhưng tất cả đều nằm trong ý nghĩa tổng thể của chữ duyên nhà Phật. Từ đó, cho thấy rằng 47 chữ duyên, đứng một mình hay đi chung với chữ khác, mà thi hào Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều đều nằm trong ý nghĩa chữ duyên, hay duyên khởi của nhà Phật; trong đó có thể nêu ra một số trường hợp, nào là, “duyên trời”, “duyên kỳ ngộ”, “trần duyên”, “nhân duyên”, “khuôn duyên”, “dây duyên”, “duyên đôi lứa”, “duyên bạn bầy,” “duyên nợ”, “tơ duyên”, “vô duyên”, “cơ duyên”, “duyên xưa”, v.v…
Do duyên hợp mà các sự vật và sự kiện trên thế gian này được hiện hữu. Do duyên ly tán mà các pháp hoại diệt. Tất cả mọi sự vật trên đời này vốn không thật. Giác ngộ được lý duyên sinh này thì vào được Phật Pháp, chuyển hóa được nghiệp lực, và giải thoát khổ đau. Giống như trường hợp ngài Xá Lợi Phất (Sariputra), vị đệ tử trí tuệ bậc nhất của đức Phật, nhờ nghe bài kệ nhân duyên của Tỳ Kheo Mã Thắng mà được giác ngộ được chân lý cứu cánh. Bài kệ rằng, “Chư pháp tùng duyên sinh, diệc phục tùng duyên diệt, ngã Phật đại sa môn, thường tác như thị thuyết,” (Các pháp sinh từ duyên, cũng từ duyên mà diệt, thầy tôi là Phật, thường dạy như thế).
Đó chính là lý do tại sao người cứu và giải nghiệp cho Kiều là một vị ni cô có pháp hiệu Giác Duyên. Giác Duyên tức là duyên giác ngộ, hay giác ngộ lý duyên sinh. Điều này có nghĩa là chỉ khi nào giác ngộ được lý duyên sinh của vạn sự vạn vật trên thế gian này thì mới có thể giải thoát được sự trói buộc của nghiệp lực từ muôn kiếp.
“Sư rằng: Nhân quả với nàng,
Lâm Truy buổi trước Tiền Đường buổi sau.
Khi nàng gieo ngọc trầm châu,
Đón nhau tôi đã gặp nhau rước về,
Cùng nhau nương cửa bồ đề,
Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa.”
Nương cửa bồ đề là nương tựa vào sự giác ngộ, là bước vào cửa giải thoát. Cần nói thêm rằng, kiếp đoạn trường của Kiều là kiếp nạn của ái nghiệp, ái duyên, là một trong mười hai vòng mắc xích trói buộc chúng sinh trong cõi luân hồi sinh tử mà nhà Phật gọi là Mười Hai Nhân Duyên. Ái nghiệp là duyên thứ 8 trong 12 nhân duyên này. Khi liễu ngộ được ái duyên cũng có nghĩa là mở được cánh cửa bước vào đường giải thoát.
Chữ duyên trong Truyện Kiều cũng đưa chúng ta đến một nhận thức quan trọng khác mà thi hào Nguyễn Du dùng để chuyển hóa thuyết định mệnh của nhà Nho và mở ra con đường sáng cho vận mệnh của Kiều.
Định mệnh của nhà Nho là quy luật siêu nhiên ngoại tại áp đặt lên thân phận con người như một thứ mệnh lệnh tối cao không thể chối bỏ, hay chuyển hóa. Với định mệnh, thân phận con người là trò chơi của con tạo, của mệnh trời.
“Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
Nhưng với duyên của nhà Phật thì tất cả mọi thứ trên đời này, từ vật chất đến tinh thần, đều không tồn tại vĩnh viễn, không thường còn, mà vô thường biến dịch không ngừng, vì do duyên hợp mà sinh rồi cũng do duyên ly tán mà hoại diệt. Chính do duyên sinh mà nghiệp lực có thể được thay đổi, được chuyển hóa.
“Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!”
Nhờ duyên khởi mà nguyên lý nghiệp lực mang sắc thái uyển chuyển và chủ động từ con người. Chính con người tạo nghiệp lành hay dữ để thọ quả báo vui hay khổ. Không một ai ngoài con người có thẩm quyền đối với vận mệnh của chính mình. Khi dụng tâm tốt thì hành nghiệp sẽ tốt lành, và ngược lại, chứ không do bất cứ ai khác làm thay cho con người. Cho nên Nguyễn Du kết luận Truyện Kiều bằng mấy câu đạo vị cao thâm:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẩn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”