Thích Nữ Thanh Trì dịch: Giới thiệu Đại Tạng Kinh

Lược trích:
Mochiyuki Shinkō 望月信亨 佛教大辭典

Có ý nghĩa là Thánh điển bao hàm các tạng như Tam tạng.

Cũng gọi là Nhất Thiết Kinh 一切經, hay là Nhất Đại Tạng Kinh 一大藏經, Tạng Kinh 藏經, Đại Tạng 大藏 三藏聖教, hay Tam Tạng Thánh Giáo, tức là nói đến tổng tập những điển tịch Phật giáo lấy tam tạng Kinh Luật Luận làm trung tâm. Có những ví dụ như trong Tịnh Trụ Tử Kính Trọng Chánh Pháp môn 淨住子敬重正法門 của Nam Tề Tiêu Tử Lương 萧子良 (được trích dẫn trong Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành Thần Dị Điển 古今図書集成神異典 quyển 66) có nói “kính lễ nhất thiết chúng kinh điển của Thần Châu Đại Quốc”. Trong Chu Kinh Tạng Nguyện Văn 周経蔵願文 của Vương Bao 王褒 (được trích dẫn trong Quảng Hoằng Minh Tập quyển 22) có nói “phụng tạo tất cả kinh tạng, hết thảy từ những giáo lý về sanh diệt cho đến những giáo thuyết về Nê-hoàn”; trong Thiên Thai Trí Giả Đại Sư Biệt truyện thời Tuỳ có nói “Đại tạng kinh 15 tạng”; trong hiệp chú của Tam Chủng Tất Địa Phá Địa Ngục Chuyển Nghiệp Chướng Xuất Tam Giới Bí Mật Đà La Ni Pháp do Thiện Vô Uý 善無畏 dịch đời Đường có nói “Tạng kinh là Nhất Thiết Kinh”.

Vốn dĩ gọi là Pháp tạng (dharma-kośa), Pháp uẩn (dharma-skandha), Đại pháp tạng, Pháp bảo tạng, Đại pháp bảo tạng, Đại pháp khố tạng v.v…, trong thời đại ban đầu phân loại thành 9 bộ loại kinh (navāṅga-sāsana) hay 12 bộ loại kinh (dvādaśāṅga-buddha-vacana), và sau đó, những pháp được Phật nói được biên thành bốn A-hàm, hay năm bộ loại v.v…, đặt tên là kinh tạng (sūtra-piṭaka), biên tập những thứ liên quan đến giới nghi của chư đệ tử lại và đặt tên là luật tạng (vinaya-piṭaka), những luận thư liên quan đến những soạn thuật của các luận sư thì gọi là luận tạng (abhidharma-piṭaka), gộp chung gọi đó là tam tạng (tri-piṭaka).

Trong Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 1 có nói

Hỏi: Tam tạng là gì? Đáp: Tỳ-ni tạng (Vinaya-piṭaka), Tu-đa-la tạng (Suttanta-piṭaka), A-tỳ-đàm tạng (Abhidhamma-piṭaka). Đây gọi là tam tạng (ti-piṭaka).

Hỏi: Tỳ-ni tạng là gì? Đáp:  2 Ba-la-đề mộc-xoa (pātimokkha), 23 (22) kiền-đà (kiền-độ) (khandhaka), ba-lợi-bà-la (parivāra); đây gọi là Tỳ-ni tạng.

Hỏi. Tu-đa-la la tạng à gì?  Đáp: Đầu tiên là kinh Phạm Võng kinh (Brahmajāla-sutta), và tất cả 34 tu-đa-la đều được đưa vào trong Trường A-hàm/Trường Bộ Kinh (Dīgha-nikāya).

“Đầu tiên là Mâu-la-ba-lị-da/Căn bổn pháp môn kinh (Mūlapariyāyasutta), và tất cả 252 (152) tu-đa-la đều được đưa vào trong Trung Bộ Kinh (Majjhima-nikāya).

“Đầu tiên là Ô-già-đa-la-a-bà-đà-na/Độ bộc lưu kinh (Oghataraṇasuttaṃ), và tất cả 7762 tu-đa-la đều được đưa vào trong Tăng-thuật-đa/Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta-nikāya).

“Đầu là Chiết-đa-ba-lị-da-đà-na tu-đa-la (Cittapariyādāna), và tất cả 9557 tu-đa-la đều được đưa vào trong Ương-quật-đa-la/Tương Ưng Bộ Kinh (Aṅguttara-nikāya).

“[Tiểu tụng/Khaddaka-pātha], Pháp cú (Dhamma-pada), Dụ (Apadāna), U-đà-na (Udāna), Y-đế-phật-đa-già/Như thị thuyết (Itivuttaka), Ni-ba-đa (Sutta-nipāta), Tỳ-ma-na/Thiên cung sự (Vimāna-vatthu), Tỷ-đa/Ngạ quỷ sự (Peta-vatthu), Thế-la & Thế-thế-lị-già-đa/Trưởng lão kệ & Trưởng lão ni kệ (There-Therī-gāthā), Bổn sanh (Jātaka), Ni-thế-bà/Nghĩa thích (Niddesa), Ba-trí-tham-tỳ-đà/Vô ngại giải (Patisambhidā), Phật chủng tánh kinh/Phật sử (Buddha-vaṃsa).

“Nhã dụng tạng/Sở hành tạng (Cariyā-piṭaka), chia thành 14 phần (bản Pāli thêm tiểu tụng vào thành 15 phần, và Dụ được xếp ở sau Ba-trí-tham-tỳ-đà), tất cả đều được đưa vào trong Khuất-đà-ca/Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka-nikāya).

“Đây được gọi là Tu-đa-la tạng.”

Hỏi: A-tỳ-đàm tạng là gì? Đáp: là Pháp tăng già/Pháp tụ luận (Dhamma-saṅgani), Tỳ-băng-già/Phân biệt luận (Vibhaṅga), Đà-suất-ca-tha/Giới thuyết luận (Dhātukathā), Da-ma-ca/Song luận (Yamaka), Bát-xoa/Phát thú luận (Paṭṭhāna), Bức-già-la-bân-na-để? Nhân thi thiết luận (Puggala-paññatti), Ca-tha-bạt-thâu? Luận sự (Kathāvatthu). Đây là A-tỳ-đàm tạng”.

Trên đây là Tam tạng Thánh giáo được lưu truyền ở Nam phương Tích Lan v.v…

Mặt khác, Đại Trí Độ Luận quyển 100 nói:

“Tam tạng chính thức có 30 vạn kệ, tổng cộng 960 vạn lời. Ma-ha-diễn (Mahāyāna) thì rất nhiều, vô lượng vô hạn. Trong đó, như phẩm Bát-nhã-ba-la-mật có hai vạn hai ngàn kệ, phẩm Đại Bát-nhã có 10 vạn kệ.

“Nơi các Long Vương, A-tu-la, chư thiên cung có nghìn ức vạn kệ v.v… (lược giữa)”

“Lại có Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Kinh 10 vạn kệ, Chư Phật Bổn Khởi Kinh, Bảo Vân Kinh, Đại Vân Kinh, Pháp Vân Kinh, mỗi kinh 10 vạn kệ. Có những kinh lớn như Pháp Hoa Kinh, Hoa Thủ Kinh, Đại Bi Kinh, Phương Tiện kinh, Long Vương Vấn Kinh, A-tu-la Vương Vấn kinh v.v… Các kinh lớn này nhiều vô lượng vô biên, như châu báu trong biển cả.

“Vì sao phải đưa vào trong Tam tạng? Vật nhỏ thì có thể ở trong vật lớn, nhưng vật lớn thì không thể ở trong vật nhỏ. (Lược giữa)”

“Những điều được đức Phật nói bằng văn tự ngôn ngữ chia thành hai loại. Tam tạng là pháp Thanh văn; Ma-ha-diễn (Mahāyāna) là pháp Đại thừa. Và hơn nữa, khi Phật còn tại thế thì không có tên gọi là Tam tạng, chỉ có Tỳ-kheo trì tu-đa-la (Sūtrāntadhara-bhikṣu), Tỳ-kheo trì tỳ-ni (Vinayadhara-bhikṣu), tỳ-kheo trì ma-đa-la-ca (Matadhara-bhikṣu).

“Tu-đa-la là tên kinh trong bốn A-hàm. Kinh trong Ma-ha-diễn cũng gọi là Tu-đa-la.

“Tu-đa-la có hai phần: thứ nhất, tu-đa-la trong bốn A-hàm; thứ hai là kinh Ma-ha-diễn được gọi là Đại tu-đa-la. Và đưa vào trong hai phần, cũng là Đại thừa và Tiểu thừa.

“Hai trăm năm mươi giới, gọi những phần như thế là tu-đa-la.

“Tỳ-ni là từ dùng trong trường hợp như khi tỳ-kheo phạm tội, Phật kết giới, tuỳ theo đó mà nên hành thế này, không nên hành thế này, nếu làm điều này thì sẽ bị tội. Lược thuyết thì có 80 bộ loại. Cũng có 2 phần, một là tỳ-ni của nước Ma-thâu-la (Mathura), có chứa cả Bổn sanh A-ba-đà-na, có 80 bộ loại, hai là tỳ-ni của nước Kế-tân (Kaśmira), đã loại trừ Bổn sanh A-ba-đà-na, chỉ giữ cái cần dùng làm thành 10 bộ loại. Có 80 bộ loại Tỳ-bà-sa giải thích.”

“Do đó biết rằng những kinh như Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa v.v… dù có trong kinh tu-đa-la nhưng vì kinh thì lớn và có những sự việc khác nhau nên nói riêng. Vì vậy không có trong tập tam tạng”. Ở đây có ý nghĩa rõ ràng là các kinh điển đại thừa như kinh Bát-nhã v.v… cũng là kinh do Phật nói nhưng vì là kinh lớn nên không được tập thành trong tam tạng.”

Việc các kinh điển A-hàm và các luật vốn đều được truyền trì nhờ khẩu tụng, thì như trong Phân Biệt Công Đức Luận quyển hai nói “Học trò các Pháp sư nước ngoài cùng truyền trì cho nhau, nhận lãnh nhờ khẩu truyền, cùng giữ gìn, không nghe việc chuyển tải thành văn.” Cao Tăng Pháp Hiển Truyện nói: “Các nước Bắc thiên trúc đều sư sư khẩu truyền, không viết thành bổn”; cứ như thế mà biết.

Tuy nhiên ngược lại, kinh điển Đại thừa thì khuyến khích thư tả (biên chép) lưu thông kinh văn, và trong kinh có rất nhiều chỗ nói đến công đức đó. Thư tả đại khái là viết vào lá bối, nhưng đôi khi cũng dùng vải thô, như trong Phật Bổn Hành Tập Kinh quyển 51 nói bút mặc đà la diệp 筆墨陀羅葉; trong Vô Tận Ý Bồ Tát Kinh (Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh quyển 30) nói, chỉ mặc 紙墨; trong Thiện Tý 善臂 Bồ Tát kinh (Đại Bảo Tích Kinh quyển 93) nói là chỉ bút mặc 紙筆墨; trong Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn Kinh quyển 4, Bảo Nữ Sở Vấn Kinh quyển 4, Phổ Diệu Kinh quyển 8, Tán Phật phẩm, cùng với Thiện Cung Kính Kinh v.v… nói là trúc bạch 竹帛; Bán-chu Tam Muội Kinh Tứ Sự phẩm nói là hảo tố 好素; Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh quyển 10, Tát-đà-bà-luân phẩm nói “dùng lá vàng thật 眞金鍱 mà viết Bát-nhã-ba-la-mật”; Du-già Sư Địa Luận quyển 75 nói là diệp chỉ 葉紙; trong Nhất Tự Kỳ Đặc Phật Đảnh Kinh quyển thượng Tiên Hành Phẩm, Bồ-đề Tràng Trang Nghiêm Đà-la-ni kinh, Thánh Ca Ni Phẫn Nộ Kim Cang Đồng Tử Thành Tựu Nghi Quy quyển trung, v.v… thì nói là hoa bì 樺皮hay quyên tố 絹素; Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh quyển 7 nêu ra những từ như hoa bì 樺皮, bối diệp 貝葉, chỉ 紙, tố bạch điệp 素白疊, và còn có nói việc viết kinh văn lên vách tường…, hay vẽ tượng Như Lai vào trong kinh v.v…; kinh Chánh Pháp Niệm Xứ quyển 46 nói, “Trên bảo bích trong tháp Phật ấy có chữ về kinh pháp”, cùng kinh này quyển 40 có nói “Khi quán sát châu 珠 ấy, bên trong có văn tự của kim thư”; trong Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn Kinh quyển 5 nói “Vẽ tượng Như Lai vào trong hộp kinh”; trong Đại Bát Niết Bản Kinh quyển 14, Phạm Võng Kinh quyển thượng v.v… có ghi về huyết thư.

Liên quan đến dụng ngữ cho Thánh điển, trong Tứ Phần Luật quyển thứ 52 có nói, “Lúc bấy giờ có tỳ-kheo tên là Dũng Mãnh 勇猛 xuất gia. (lược giữa) bạch Thế Tôn rằng, “Bạch Đại Đức, những tỳ-kheo này thuộc nhiều dòng họ xuất gia, tên gọi cũng khác, phá hoại nghĩa của kinh Phật; nguyện xin đức Thế Tôn cho phép chúng con dùng hảo ngôn luận của thế gian chandaso āropetabbaṃ để tu chỉnh kinh Phật. ” Phật nói, các ông là người si. Đó là sự huỷ hoại bằng cách đem ngôn luận của ngoại đạo vào lai tạp trong kinh Phật.”

Phật dạy: “Cho phép tùy theo ngôn ngữ, phong tục của từng nước (saka-nirutti, phương ngữ) mà giải thích đọc tụng kinh Phật.”

Đại Tỳ-bà-sa Luận quyển 79 ghi rằng: Phật thuyết bốn Thánh đế bằng Thánh ngữ, thông tục ngữ của biên quốc Nam Ấn Độ, và Miệt-lê-xa (mleccha) ngữ v.v… Theo đó thì có vẻ như vốn dĩ ngôn ngữ sử dụng không nhất thiết là cố định mà tuỳ theo ngôn âm quốc tục ở mỗi nơi mà tụng tập. Tuy nhiên, nếu xét cái hiện còn hiện nay thì, cái mang tính nguyên bản nhất ấy là hai chủng loại tiếng Phạn và tiếng Pāli. Trong đó, như được biết thì phần lớn Hán dịch và Tây Tạng dịch là từ Phạn ngữ mà phiên dịch ra. Lại nữa, hiện tại ở Ni-ba-la (尼波羅 Nepal) và Tây Tạng có cất giữ nhiều bản Phạn, bên cạnh đó, còn có nhiều phát hiện Phạn bản ở các vùng Trung Á. Trong đó, con số đã được mang về Ấn Độ, các nước Châu Âu cùng với Nhật bản đã lên đến mấy ngàn bộ loại. Nhìn vào đó thì có thể đoán biết con số Phật điển được ghi bằng tiếng Phạn là rất nhiều.

Thời đại gần đây, một phần trong đó được san hành bởi các nước bằng chữ tân thể Devanāgarī hay chữ la-mã. Còn tiếng Pāli thì được xưng là gần giống với tiếng māgadhī của thời Phật. Tương truyền Phật điển đã được ghi chép bằng ngôn ngữ ấy vào khoảng cuối thế kỷ thứ 1 Tây lịch. Hiện cùng với Tam tạng Kinh Luật Luận còn có Tạng ngoại là chú giải của Tam tạng (Aṭṭhakathā), sử truyện và tạp thư. Về sau những kinh sách này được lưu truyền ở Miến-điện, Xiêm-la (Thái), Cam-pu-chia, v.v… và được ghi chép bằng văn tự của các nước ấy. Những gì đã được xuất bản hiện tại thì có 4 chủng loại là chữ Tích Lan, chữ Miến Điện, chữ Xiêm-la và chữ La-mã.

Những nguyên bản Phạn ngữ và Pāli ngữ này đã được phiên dịch ra quốc ngữ của các nước Tây vực, hiện nay hiện còn là Hán ngữ, Túc-đặc ngữ (Sogdian/ Khang cư), Vu-điền ngữ (Khotan), Khương tư ngữ, Tây tạng ngữ, Tây Hạ ngữ, Mông Cổ ngữ, Thổ-nhĩ-cổ ngữ (Thổ Nhĩ Kỳ, Turkish) cổ đại, Mãn Châu ngữ, Triều Tiên Ngạn văn ngữ v.v…

Thời đại gần đây, các dịch bản cùng với những nguyên văn này được dịch ra nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, Pháp, Đức v.v…, và đến gần đây Nhật cũng tiến hành Quốc dịch Phật điển.

Nói chung, các bản Hán dịch, Tây Tạng dịch, Tây Hạ dịch, Mông Cổ dịch, Mãn Châu dịch đều có đầy đủ Kinh Luật Luận Đại Tiểu thừa v.v…, so với những gì được truyền ở Nam phương Tích Lan thì cả nội dung và phần lượng đều không đồng. Trong đó, Hán dịch Đại tạng kinh có nguồn gốc phiên dịch cổ nhất, và bộ loại số cũng khổng lồ, bắt đầu từ thời Hậu Hán cho đến đời nhà Nguyên (sau đó cũng có phiên dịch ra một số), với các Tam tạng của các nước Ấn Độ, Tây Vực cùng với Trung Hoa v.v…. đều có liên quan với những gì đã được phiên dịch ra từ tiếng Phạn, tiếng Pāli và Hồ ngữ.

Ban đầu thì các nơi chỉ tự mình biên chép và truyền trì, nhưng đến Đạo An 道安 (Tl. 338-385 Phù Tần 苻秦) thì các kinh dịch từ trước đã được sưu tâp, chỉnh lý và phân loại chúng, trước tiên biên soạn Kinh lục cho chúng. Không bao lâu sau các sư như Tăng Hựu 僧祐(445—518, Bảo Xướng 寶唱 cũng soạn Kinh lục, tăng bổ thêm, và đến một lúc, ghi chép toàn bộ loại kinh đã được dịch, an trí vào trong cung thất hay các chùa lớn, thời Bắc Tề (550-577) ở Từ Châu 磁州 Hưởng Đường sơn 響堂山 đã khắc Nhất thiết kinh lên đá, làm tăng dần ý niệm tôn trọng Pháp bảo.

Đến thời Tuỳ Đường thì sự nghiệp dịch kinh đã hưng thạnh, cùng với đó Kinh lục cũng lần lượt được biên tập chế tác, không chỉ là phân loại chỉnh lý các kinh luật luận đại tiểu thừa v.v… mà còn sắp xếp những thứ đơn dịch, trùng dịch, biệt sinh, nghi ngờ, nguỵ vọng v.v… cho đến những sao tập, truyền ký, trước thuật được soạn thuật ở Trung Hoa cũng được nhập tạng.

Từ Tề Lương trở về sau, có phong trào sao tập những yếu chỉ của các kinh, nhóm Lương Bảo Xướng có Kinh Luật Dị Tướng 50 quyển, Lương Giản Văn Đế 梁簡文帝 (503-551) lệnh cho học sĩ soạn Pháp Bảo Tập 200 quyển (cũng gọi là Pháp Bảo Liên Bích), nhóm Đàm Hiển 曇顕 Hậu Nguỵ 後魏 có Chúng Kinh Yếu Tập 20 quyển (còn gọi là Chu Chúng Kinh Yếu Tập), Lương 梁Ngu Hiếu Kính 虞孝敬 có Nội Điển Bác Yếu 30 quyển , Lương Hiền Minh 賢明có Chân Ngôn Yếu Tập 10 quyển (những thông tin trên đây có ghi trong Tứ Thư Pháp Kinh Lục quyển thứ 6, Ngạn Tông Lục 彦琮録 quyển thứ 3 v.v…), nhóm Lương Tăng Mân 僧旻 có Chúng Kinh Yếu Sao 88 quyển, Nghĩa Lâm 80 quyển, Lương Tịnh Ái 淨藹 có Tam Bảo Tập 11 quyển (3 sách trên đây có ghi trong Lịch Đại Tam Bảo Ký quyển thứ 11), có Pháp Uyển Kinh 189 quyển không rõ tác giả (được ghi trong Xuất Tam Tạng Ký Tập quyển 5), cùng với đó, Đường Đạo Thế 道世 có Chư Kinh Yếu Tập 20 quyển, cùng tác giả còn có Pháp Uyển Châu Lâm 100 quyển, nhóm Đường Huyền Tắc 玄則 có Thiền Lâm Sao Ký 30 quyển (được ghi trong Pháp Uyển Châu Lâm thứ 100), Minh Trần Thật 陳實 có Đại Tạng Nhất Lãm Tập 10 quyển, v.v… Ngoài ra, nhóm Ngạn Tông còn có Nội Điển Văn Hội Tập vài quyển (được ghi trong Tục Cao Tăng Truyện quyển thứ 2), Lạc Tử Nghĩa 駱子義 có Kinh Luận Toán Yếu 10 quyển (được ghi trong Cựu Đường Thư Kinh Tịch Chí quyển 27), Mộng Trừng 夢徴 có Nội Điển Biên Yếu 10 quyển, Chư Kinh Đề Yếu không rõ tác giả (hai sách trên đây được ghi trong Tống Sử Nghệ Văn Chí  宋史藝文志quyển thứ 158), Cảnh Long 景隆 có Đại Tạng Yếu Lược 5 quyển (được ghi trong Minh Sử Nghệ Văn Chí quyển thứ 74), v.v… nhìn vào những tiêu đề ấy cũng thấy, có lẽ đó là những biên trước cùng loại với trên.

Và từ Tuỳ Đường trở đi, có phong trào phụ thêm âm nghĩa vào những câu chữ nan giải cùng với Phạn ngữ trong tạng kinh, Tùy Trí Khiên 智騫 có Chúng Kinh Âm vài quyển (được ghi trong Tục Cao Tăng Truyện quyển thứ 30), Đường Huyền Ứng 玄応 có Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa 25 quyển, Đường Huệ Lâm 慧琳 có Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa 100 quyển, Liêu 遼 Hy Lân希麟 có Tục Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa 10 quyển, Hậu Tấn Khả Hồng có Tân Tập Tạng Kinh Âm Nghĩa Tuỳ Hàm Lục 新集蔵経音義随函録 30 quyển, Tống Xứ Quan 宋 處觀 có Thiệu Hưng Trùng Điêu Đại Tạng Âm 紹興重雕大蔵音3 quyển v.v…

Ngoài ra, trong Tân Tập Tạng Kinh Âm Nghĩa Tuỳ Hàm Lục có dẫn Tây Xuyên Hậu Đại Sư Kinh Âm 西川厚大師経音, Giang Tây Khiêm Đại Đức Kinh Âm 江西謙大徳経音, Quách Di Kinh Âm 郭迻経音, Nam Nhạc Kinh Âm 南岳経音, Nga Mi Kinh Âm v.v… trong Phật Tổ Thống Ký quyển thứ 45 ghi rằng, vào năm thứ 3 Thiên Thánh nhà Tống, Hạ Tủng 夏竦 và Duy Tịnh 惟浄 có cung tiến Tân Dịch Kinh Âm Nghĩa 70 quyển, trong Tống Sử Nghệ Văn Chí quyển thứ 158 có nêu ra Đại Tạng Kinh Âm Nghĩa 4 quyển của Mộng Trừng. Và những sách giải đề cho các Kinh của đại tạng cũng không ít, cụ thể Đường Huyền Dật 玄逸 có Đại Đường Khai Nguyên Thích Giáo Quảng Phẩm Lịch Chương 大唐開元釈教廣品歴章 30 quyển (có trong Kim Tạng), Tống Duy Bạch 惟白có Đại Tạng Kinh Võng Mục Chỉ Yếu Lục 13 quyển, Tống Vương Cổ 王古soạn và Nguyên Quản Chủ Bát 管主八tiếp tục tập thành Đại Tạng Thánh Giáo Pháp Bảo Tiêu Mục 10 quyển, Minh Tịch Hiểu 寂曉 có Đại Minh Thích Giáo Vị Mục Nghĩa Môn 大明釈教彙目義門 41 quyển (còn gọi là Pháp Tạng Tư Nam 法蔵司南), và cùng tác giả còn có Tiêu Mục 4 quyển, cùng với Minh Trí Húc 智旭 có Duyệt Tạng Tri Tân 閲蔵知津 44 quyển, Kha Nhiên 珂然 nước Nhật có Tiểu Duyệt Tạng Tri Tân 閲蔵知津 v.v… Có thể nói Duyên Sơn Tam Đại Tạng Mục Lục 縁山三大蔵目録 của Tuỳ Thiên 随天 cũng thuộc chủng loại này.

Và từ đời Tống trở đi Đại Tạng Kinh đã nhiều lần được khắc in ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản v.v… thời gian gần đây san hành Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tổng cộng gồm có 3053 bộ loại 11970 quyển. Phải nói rằng thật sự khởi sắc. Và năm Showa thứ 2 (1927) ông Kawakami Kozan 川上弧山 đã sao lục yếu văn của Đại tạng kinh, san hành ra Đại Tạng Kinh Sách Dẫn 3 quyển.

Và Tây Tạng dịch Đại Tạng kinh thì từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 17 Tây lịch, chủ yếu được phiên dịch ra từ Phạn bổn bởi chư Tăng người Ấn Độ và người Tây Tạng, sau đó còn trùng dịch những kinh điển, chú thích thư từ các dịch bổn Trung Hoa, Vu Điền, cùng với đó còn có thêm những soạn thuật của Tây Tạng. Chia thành hai nhóm lớn là Phật bộ loại (‘kaḥ ‘gyur) và Tổ bộ loại (bstan ‘gyur). Trong Phật bộ loại gồm có Luật và Kinh cùng với bộ loại Bí mật, trong Tổ bộ loại gồm có Thích kinh luận, các luận Trung Quán, Du-Già, v.v…, các truyền ký và các luận thư do Tây Tạng soạn thuật.

Đến cuối thế kỷ thứ 8, nhóm Ka-ba-dpal-brtseg đã lần đầu tiên soạn mục lục ‘Phang-thang’, ngoài ra còn có khoảng mười mấy bộ loại Kinh lục. Việc khắc in là từ đầu thế kỷ thứ 13 Tây lịch, dharma-seng-ge lần đầu tiên khắc Luật tạng, toàn tạng thì có bản Snal-thang có liên quan với việc khai khắc của nhóm mchom-ldan-ral-khri, bản Sde-dge được khắc bởi mệnh lệnh của vua Sde-dge, và bản Bắc Kinh v.v…

Tây Hạ dịch thì vào năm thứ nhất Tống Cảnh Hựu 景祐 (1034), vị vua đầu tiên của nước Tây Hạ là Nguyên Hạo元昊 được Đại Tạng kinh từ nhà Tống, sau đó thiết lập Phồn Hán Nhị Tự Viện蕃漢二字院, chế ra văn tự của Tây Hạ, thỉnh tăng nước Hồi Hột phiên dịch, và cuối cùng đã có đầy đủ toàn tạng. Cụ thể là trong san ký của quyển thứ 3 Thích Sa Diên Thánh Viện Bổn Đại Tông Địa Huyền Văn Bổn Luận 磧砂延聖院本大宗地玄文本論 được cất giữ ở Thiện Phước Tự Zenpukuji 善福寺có ghi rằng “Quản Chủ Bát thệ nguyện báo tứ ân và lưu thông chánh giáo, nhiều năm phát tâm ấn thí hơn 50 tạng Hán bổn Đại Tạng Kinh. (lược giữa) khâm theo Thánh chỉ, san khắc bằng chữ Hà Tây bản đại tạng kinh gồm hơn 3620 quyển, bản Hoa Nghiêm chư Kinh Hối ở Giang Nam Triết Tây đạo Hàng Châu lộ Đại Vạn Thọ Tự 江南浙西道杭州路大萬壽寺, đến năm Đại Đức thứ 6 thì hoàn bị. Quản Chủ Bát khâm theo thắng duyên này, ấn tạo ba mươi mấy tạng, và bố thí cho các tự viện ở các lộ như Ninh Hạ 寧夏, Vĩnh Xương 永昌 những kinh điển như Hoa Nghiêm Đại kinh, Lương Hoàng Bảo Sám, Hoa Nghiêm Đạo Tràng Hối Nghi mỗi thứ hơn trăm bộ loại, Diệm Khẩu Thí Thực Nghi Quy hơn ngàn bộ loại, làm cho [kinh điển] lưu thông mãi mãi”, nhờ đoạn văn này mà biết được, hiện nay có đến mấy trăm bộ loại được phát hiện là khắc bản bằng chữ Tây Hạ. Những bản này chủ yếu là lấy Hán dịch hay Tây Tạng dịch làm nguyên bản.

Mông Cổ dịch là từ đầu thế kỷ thứ 14 Tây lịch, Lạt-ma Chos-kyi ‘od-zer thuộc phái Tát-ca (sa-skya-pa) Tây Tạng cùng với các học giả Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa và Hồi Hột đã phiên dịch từ bản Tây Tạng ra, sau đó không lâu, Jam dbyangs người Tây Tạng đến và khai bản, từ thế kỷ thứ 17 còn có dịch bổ sung.

Mãn Châu dịch là đầu thế thứ 18 Tây lịch, blo-bzang chos-kyi nyi-ma lần đầu tiên phiên dịch ra phần Phật bộ loại của bản dịch Tạng Mông, sau đó phiên dịch dần dần đến đời Thanh Cao Tông thì khai bản, ngoài ra Cao Tông còn lên kế hoạch cho bản dịch Mãn Châu trong Hán Dịch Tạng Kinh, đến năm Càn Long thứ 55 thì hoàn thành. Nay bảo tồn chúng ở Nhiệt Hà熱河 v.v… Trong đây, Mông Cổ dịch Tả bản Đại tạng kinh thuộc Phụng Thiên Hoàng Tự cựu tạng, và Mãn Châu dịch San bổn Đại tạng kinh được mang về Nhật vào năm Minh Trị thứ 38, được cất giữ ở Đông Kinh Đế Quốc đại học, nhưng hơn phần nửa đã bị mất do hoả hoạn năm Taisho thứ 12.

Thông tin trên đây là từ Phật Tổ Thống Ký quyển thứ 47, Anh dịch Đại Minh Tam Tạng Thánh Giáo Mục lục, Phật giáo Thánh Điển Khái Luận 仏教聖典概論, Nghiên cứu Phật giáo Sử 仏教史の研究, Tân Phật Giáo 新佛教 12/15 (Về Đại Tạng kinh, bài viết của Tokiwa Daijō 常盤大定), Ōsaki Học Báo 大崎学報42 (Về Đại Tạng Kinh, bài viết của Takakusu Junjiro 高楠順次郎), Ryukoku Đại học luận Tùng 龍谷大学論叢 287 (Sự Thành lập và truyền bá Đại tạng kinh 大蔵経の成立と伝播, bài viết của Tokushi Yūshō 禿氏祐祥) v.v…

Hiển thị thêm
Back to top button