Thị Nghĩa Trần Trung Đạo: “Gặp Phật”

Cách đây không lâu tôi ghé thăm Rockport, một thành phố du lịch nhỏ, cách Boston khoảng một giờ lái xe. Dọc hai bên đường phố hẹp là những hàng quán bán kỷ vật du lịch. Tôi đi ngang một tiệm bán hàng điêu khắc. Nhiều tượng Phật được trưng bày. Tôi dừng lại, trước khi chụp vài tấm hình, tôi đứng thẳng, nhìn các tượng Phật và chắp tay vái một vái. Du khách tấp nập và hình như có ai đó đang nhìn tôi.

Rất nhiều người nghĩ chỉ có Phật được đặt trên chánh điện nghiêm trang trầm hương nghi nghút mới là Phật, còn Phật ở các cửa tiệm, ở những phòng trưng bày nghệ thuật, viện bảo tàng thì không phải. Thật ra, hình tượng chỉ để nhắc nhở. Phật trong tâm, trong suy nghĩ có tánh thiện, trong nhận thức và vì thế Phật ở mọi nơi. Khoảnh khắc ta nghĩ đến Phật là lúc Phật hiện ra trong ta. Bất cứ nơi nào, bất cứ hoàn cảnh nào.

Tuần trước đi chùa nhân lễ Phật đản. Thầy trụ trì rất vui và bảo: “Lâu lắm con không về chùa, lát nữa con lên nói vài lời với các đạo hữu nhân ngày Phật đản”. Tôi không chuẩn bị gì nhưng nói rất dễ dàng vì đạo Phật có rất nhiều điều hay, nét đẹp để nói về. Tôi nói sở dĩ đức Phật chọn một nơi nhiều bất công, nghèo nàn như Ấn Độ để thị hiện chỉ vì tình thương của đức Phật dành cho con người.

Phật ở Ấn Độ cũng không khác gì Phật ở Rockport tấp nập chiều hôm qua.

Một lần ở Chennai, tôi hỏi người chủ tiệm món hàng nào được du khách ưa chuộng nhất, người chủ tiệm trả lời “tượng Phật”. Đức Phật là biểu tượng của tình thương và đạo Phật là đạo của tình thương. Ai lại không muốn mang về nhà một biểu tượng từ bi, bác ái và bao dung như thế dù người đó thuộc tôn giáo nào.

Trong ý nghĩa đó, đạo Phật không chỉ là đạo riêng của những người Phật tử mà là đạo chung của con người, bởi vì con người còn tồn tại đến hôm nay là nhờ có tình thương. Thế giới con người sẽ tận diệt nếu một ngày tình thương không thắng được hận thù.

Thời gian này tôi hay “gặp Phật”. Không biết có “duyên” gì đây. Mới “gặp Phật” ở Rockport tháng trước, nay lại “gặp Phật” ở Cape Cod hôm qua. Lần này tôi không lạy Phật. Phật ở Cape Cod được dùng như một loại trang sức rẻ tiền hay đểlừa bịp khách hàng. Như các bạn thấy qua hình ảnh. Một Đức Phật được đặt trước cửa một tiệm coi bói, một tượng đức Phật được đặt trong lồng kính chung với váy phụ nữ, một tượng đức Phật được dựng trên lối đi như để chào đón khách hàng, một số tượng Đức Phật bị nhốt bên trong cửa sắt của một khu vườn dường như lâu rồi không ai chăm sóc.

Buôn bán tượng Phật là một kỹ nghệ đang được thịnh hành bắt đầu từ quê hương Đức Phật. Bước xuống phi trường quốc tế New Delhi, hình ảnh đầu tiên những khách phương xa bắt gặp là bàn tay Đức Phật. Bước vào tiệm bán đồ kỷ niệm cho du khách ở nhiều nơi trên xứ Ấn, hình ảnh được trưng bày nhiều nhất cũng là Đức Phật. Khuôn mặt bao dung, nụ cười nhân hậu rất thu hút khách thập phương.

Nhưng đúng như Giảng sư Tây Tạng Dzongsar Jamyang Khyentse viết, Ấn Độ là quốc gia đã lãng quên người con yêu quý của mình: Đức Phật. Di sản của Đức Phật không phải là khuôn mặt bao dung, nụ cười nhân hậu hay ngay cả đền đài mà là những lời dạy của ngài. Rất hiếm tại Ấn Độ có nơi phát hành các kinh sách Phật giáo, phần lớn chỉ bán các tượng Phật hay giữ đền để thu tiền.

Nhìn những tượng Đức Phật, tôi thầm mơ ước, ngày nào người Mỹ nói riêng và Tây phương nói chung không còn nhìn các tượng Phật như một đồ trang trí mà cùng tìm hiểu, cùng lắng nghe những lời khuyên của Đức Phật, ngày đó nhân loại sẽ hòa bình.

(trích Đêm nghe sông Hằng hát)

Hiển thị thêm
Back to top button