Thị Nghĩa Trần Trung Đạo: “Ngoại”
Trong cuộc đời đầy biến cố tôi đã trải qua, có nhiều điều đáng quên và nhiều điều đáng nhớ, nhiều điều rủi ro và nhiều điều may mắn. Theo thời gian và tuổi tác những điều đáng quên lần lượt được quên đi và còn lại là những điều đáng nhớ. Mọi vết thương trên thân thể hay trong tâm hồn cuối cùng cũng lành lặn và những điều may mắn là những làn gió mát vẫn thổi qua cánh đồng.
Một trong những điều vừa may mắn và vừa đáng nhớ nhất trong đời tôi là ba năm ở Đại Học Vạn Hạnh (ĐHVH). Tôi không chỉ học mà còn “sống” ở đó. “Sống” trong từng dòng chữ, từng trang sách, từng bước chân, từng lời nói, từng khuôn mặt, từng quan điểm của các bậc thầy, của từng người bạn và của chính tôi thay đổi mỗi ngày. Tôi không sinh hoạt ồn ào ngoài lớp nhưng trong lớp tôi là một sinh viên hay hỏi, hay thắc mắc nên các thầy thường nhớ mặt.
Tôi lớn nhanh so với thời còn ở trong chùa Viên Giác, Hội An nhờ kho tàng tri thức Vạn Hạnh. Sự trưởng thành của một người không tính bằng những lần sinh nhật mà bằng nhận thức. Nếu không có kho tàng tri thức ở ĐHVH có thể cho đến bây giờ tôi vẫn lang thang như câu chuyện chàng trai lang thang đi tìm chân lý.
Người tôi thường nghĩ về nhất ở ĐHVH là Hòa thượng Viện Trưởng Thích Minh Châu, “Ngoại” kính yêu của chúng tôi.
Sách viết về “Ngoại” rất nhiều. Những đóng góp của “Ngoại” trong các lãnh vực sáng tác và dịch thuật được nhiều người biết và tổng hợp khá đầy đủ. Nhưng điều ít biết là cách “Ngoại” điều hành một ngôi trường đại học mang đậm nét văn hóa Việt Nam và văn hóa Phật Giáo giữa một đất nước chiến tranh và tàn phá.
Nhiều người thường nghĩ ĐHVH là một đại học Phật Giáo. Đành rằng đó là đại học do GHPGVNTN lập ra và có một khoa gọi là Phật Khoa. Tuy nhiên, ĐHVH không chỉ nhằm đào tạo nên những tăng sĩ, những Phật Tử mà là cánh cửa, nơi những con người, từ mọi lối, mọi ngã, mọi niềm tin tôn giáo, đứng nhìn ra chân trời trí tuệ mênh mông.
Một đặc điểm về đại học Vạn Hạnh ít người để ý đó là tính đa nguyên. Không có một ngôi trường đại học nào mang đậm tính đa nguyên như Đại học Vạn Hạnh. Thầy Khoa Trưởng của chúng tôi là Giáo sư Tôn Thất Thiện, sau đó là Giáo sư Bùi Tường Huân, dạy chúng tôi môn lịch sử kinh tế thế giới. Thầy dạy sử là Giáo sư Hoàng Ngọc Thành. Thầy dạy chính trị học quốc nội là Giáo sư Trần Văn Tuyên. Thầy dạy Luật Hiến Pháp là Giáo sư Vũ Quốc Thông. Thầy dạy văn minh sử là Giáo sư Trần Ngọc Ninh. Thầy dạy Pháp Văn là Giáo sư Tôn Thất Hanh. Nhiều giáo sư nổi tiếng khác dạy các môn khác.
Phía trên lầu là Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn với các bậc thầy mà tên tuổi của họ đã là huyền thoại ngay khi còn sống trong một thời Việt Nam trước 1975. Chúng tôi dù không ghi danh lớp vẫn được phép đến ngồi nghe các thầy giảng. Các buổi thỉnh giảng chuyên đề được tổ chức rất thường xuyên. Giáo sư Vũ Quốc Thúc giảng về “Kinh tế Hậu Chiến”. Giáo sư Doãn Quốc Sỹ giảng về “Tiểu Thuyết Việt Nam”. Nhạc sĩ Phạm Duy trình bày “Dân Ca Việt Nam”. Giáo sư Trần Văn Khê giảng về “Âm Nhạc Việt”. Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục giảng về “Thuyết Tri Hành Hợp Nhất của Vương Dương Minh”. Giáo sư Hòa thượng Thích Thuyền Ấn so sánh “Câu Chuyện Dòng Sông và Kẻ Xa Lạ” v.v..
Các thầy chúng tôi phần đông cũng là tác giả và đại diện cho nhiều khuynh hướng tư tưởng triết học, văn hóa, xã hội và chính trị có khi đồng thuận và cũng có lúc đối lập nhau. Tuy nhiên trong lớp học chưa bao giờ các thầy dùng quan điểm chính trị hay tôn giáo riêng để áp đặt chúng tôi phải học, phải đi theo. Các thầy luôn để sinh viên tự học hỏi, đối chiếu, nhận thức và chọn lựa. “Duy Tuệ Thị Nghiệp” là vậy. Ánh sáng từ vũ trụ nhưng “thấy” là khả năng riêng của mỗi người. Ngày tôi mới vào trường, tác phẩm đầu tiên của “Ngoại” tôi được đọc là “tự thắp đuốc lên mà đi” trích từ Phật ngôn và tôi đã đi như thế qua những nắng cùng mưa.
Đại Học Vạn Hạnh từ khi ra đời đến khi đóng cửa chỉ vỏn vẹn chín năm nhưng để lại một vết son đậm đà và sâu sắc không chỉ trong lịch sử tư tưởng Phật Giáo mà cả lịch sử tư tưởng dân tộc hôm nay và trong nhiều năm nữa. Bộ Tư Tưởng của Đại Học Vạn Hạnh một trăm năm nữa vẫn còn rất mới. Như một kiến trúc sư sau những chuyến đi xa, học hỏi những công trình lớn trở về và nhận ra mọi kiến trúc tân kỳ đều tùy thuộc vào nền móng. Tập san Tư Tưởng góp phần đắp thêm nền móng Việt.
Một số thầy, cô và khá đông sinh viên vẫn còn có mặt, nhưng khi nhắc đến ĐHVH nhiều người có cảm tưởng như nhắc một về một thời huy hoàng xa xôi không phải mấy chục năm mà cả mấy trăm năm trong lịch sử dân tộc và sẽ khó có cơ hội làm sống lại. Mà thật vậy. Trong không gian nhỏ hẹp bên hẻm 220 Trương Minh Giảng có những con người sống vượt qua thời đại họ. Họ bình thường đến mức khó tin nhưng là những nhân tài hiếm có của đất nước một thời.
Văn hóa như một chiếc thuyền, các bậc thầy chúng tôi Thích Trí Tịnh, Thích Quảng Độ, Thích Thuyền Ấn, Thích Mãn Giác, Thích Tuệ Sỹ, Thích Nữ Trí Hải, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Đăng Thục, Phạm Công Thiện, Ngô Trọng Anh, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Viết Khánh, Doãn Quốc Sỹ, Phạm Lệ Hương, Dương Thiệu Tống, Vũ Khắc Khoan v.v… không hẹn mà gặp nhau để cố chèo con thuyền qua cơn bão tranh chấp của các luồng văn hóa ngoại lai.
Bên ngoài khói lửa mịt mù mà bên trong thời gian lại quá ngắn nhưng những hạt mầm xanh hy vọng cũng đã được gieo trồng như các tổ đã từng gieo trồng Phật chất trên mảnh đất của Hùng Vương gần hai mươi thế kỷ trước hay các tổ Phước Huệ, Vĩnh Nghiêm, Giác Tiên, Khánh Hòa, Khánh Anh v.v… đã gieo trong phong trào chấn hưng Phật Giáo đầu thế kỷ 20.
Có dịp tôi sẽ trở lại với đề tài này, hôm nay chỉ để nhớ “Ngoại” nhân dịp 10 năm “Ngoại” đi xa.
Tôi không biết, và chắc cũng không ai biết chính xác, anh hay chị nào là người đầu tiên dùng danh từ “Ông Ngoại” để gọi Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng VĐH Vạn Hạnh. Nhưng chúng tôi, những cựu sinh viên Vạn Hạnh, khi còn ngồi dưới mái trường hay đã đi xa mỗi khi nghĩ về hòa thượng đều nghĩ ngay tới từ “Ngoại” kính yêu.
Một ngày cuối năm 1972 tôi đến đảnh lễ “Ngoại” và trình “Ngoại” văn thư của Ban Trị Sự GHPGVNTN Tỉnh Quảng Nam. Văn thư do sư phụ tôi Hòa Thượng Thích Long Trí ký thay mặt cho Hòa Thượng Chánh Đại Diện Thích Trí Giác. Nội dung thỉnh cầu Hòa Thượng Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh giúp đỡ tôi trong thời gian học ở Vạn Hạnh, trong đó xin cấp cho tôi học bổng toàn phần và các học bổng khác.
“Ngoại” đọc lá thư và cảm động gật đầu. Từ đó tôi không phải đóng học phí. Tôi còn được cấp “học bổng làm việc” (chắc là dịch từ chữ “work study” theo phương pháp giáo dục Mỹ mà ra). Nhưng tôi không “làm việc”. Nếu tôi xin “Ngoại” chỗ ăn ở chắc “Ngoại” cũng cho nhưng thời gian đó tôi có ba má nuôi lo lắng cho tôi. Tôi không còn quá khó khăn như trước nên muốn dành hết thời gian để học và đọc sách. Tôi ở trường nhiều hơn ở nhà. Buổi trưa chúng tôi tập trung lên nhà ăn giá rất rẻ trên lầu hai. Buổi tối có khi nhà ăn đóng cửa chúng tôi mới chịu ra về.
“Ngoại” nhớ mặt tôi. Mỗi lần nhìn dáng dấp ốm o của tôi từ xa, “Ngoại” đã nhận ra và mỉm cười. “Ngoại” có nụ cười rất tươi. Khác với Đức Đạt Lai Lạt Ma cười sang sảng. “Ngoại” chúng tôi ít khi cười to tiếng, thường chỉ mỉm cười dù ngay cả lúc rất vui.
Ở Vạn Hạnh, theo sáng kiến của chú Hành Ngộ Phạm Ngọc Thứ (Phật Khoa), bạn Lê Đình Các (Khoa Học Xã Hội) và các bạn gốc Quảng Đà họp nhau thành lập nhóm sinh viên Quảng Đà. Ngày ra mắt nhóm sinh viên Quảng Đà ở Đại Học Vạn Hạnh, chúng tôi cung thỉnh “Ngọai” đến chứng minh và nhắn nhủ vài lời. Cung thỉnh “Ngoại” theo thủ tục thôi chứ chúng tôi nghĩ nhiều lắm là “Ngoại” viết vài dòng chúc mừng và nhờ một anh, một chị nào đó ghé qua đọc hay đưa cho chúng tôi đọc. Các sinh hoạt nhóm “Ngoại” thường không dự vì quá nhiều nhóm mà “Ngoại” thì quá bận.
Nhưng “Ngoại” đến và đến rất đúng giờ. Mặc dù chỉ là “nhóm” nhưng chúng tôi rất đông, ngồi chật Trung Tâm Sinh Hoạt và đều đứng bật lên vỗ tay khi “Ngoại” bước vào. Khi bạn Lê Đình Các, trưởng nhóm, giới thiệu “Ngoại” chúng tôi cùng đứng dậy chắp tay đảnh lễ. Trong đạo từ “Ngoại” không nói với tư cách viện trưởng mà nói rất nhiều về quê hương Quảng Nam “địa linh nhân kiệt” và những kỷ niệm mà “Ngoại” được nghe dù còn rất nhỏ. Niềm vui đáng nhớ nhất là “Ngoại” cũng muốn gia nhập Nhóm Sinh Viên Quảng Đà của chúng tôi như một hội viên. “Ngoại” bảo, “các anh Quảng Nam chớ tôi cũng Quảng Nam vậy. Vì tôi sinh ở Quảng Nam nên mới có tên là “Nam””. Ngày đó tôi đã biết thế danh của “Ngoại” nhưng không để ý đến nguồn gốc của thế danh. Chúng tôi rất vui, xúc động và hãnh diện khi biết điều này.
Dòng sông nào mang theo phù sa đó. Phù sa sông Thu Bồn đã bồi đắp nên bao nhiêu tâm hồn đẹp như thơ, trong đó có “Ngoại”. Thì ra, “Ngoại” đến không phải vì nhóm, vì nể bác Lê Đình Duyên, cố vấn của chúng tôi, hay vì chúng tôi mà vì một thôi thúc trong lòng. Nghệ An là quê cha, Huế là nơi “Ngoại” xuất gia, nhưng Quảng Nam là nơi “chôn nhau cắt rốn” của “Ngoại”. Một lần khác tôi có dịp đảnh lễ, “Ngoại” nhắc tôi là “Ngoại” chưa đóng tiền lệ phí hội viên. Chúng tôi cùng cười. “Ngoại” chỉ nói vui nhưng tôi biết từ trong lòng “Ngoại” tiếng quê hương đang nhẹ nhàng vọng lại. Giống như “Ngoại”, tôi rất yêu Quê Hương.
“Ngoại” dạy chúng tôi một học kỳ. Môn thiền học ứng dụng. Sinh viên phải có mặt và chịu lên Thiền Viện ngồi thiền mới được điểm đậu. Dù chỉ một tín chỉ (credit) thôi nhưng phải ngồi thiền. Khác với các giảng đường 18, 19 hay thư viện rộng rãi, Thiền Viện trên lầu không rộng lắm nên vắng mặt là “Ngoại” biết liền. Tôi ít lên Thiền Viện nhưng các bạn tôi thì hay lên không phải ngồi thiền mà tán gẫu với các nhà thơ Bùi Giáng, Trần Đới v.v…
Rồi 1975 đến, chúng tôi không còn có dịp trở lại trường mãi cho đến khi không khí tạm lắng dịu, tôi mới đến đảnh lễ “Ngoại” ở khu Võ Duy Nguy. Ngày đó cơ sở Võ Duy Nguy chưa có gì thay đổi. Các chú, các anh chị làm nước tương trong dãy nhà bên trái. Vẫn còn chiếc sân rộng ra tới ngoài đường. Đất nước đang bị hạn hán. Đời sống khó khăn nhưng “Ngoại” vẫn một nụ cười mỗi khi một sinh viên cũ ghé thăm.
Một lần tôi và bạn Lê Đình Các đến đảnh lễ “Ngoại”, “Ngoại” giới thiệu với chúng tôi giáo sư Minh Chi, em trai “Ngoại”. Tôi hỏi thăm Giáo sư Minh Chi nhiều chuyện, từ Phật Giáo miền Bắc đến triết học Mác Lê. Giáo sư Minh Chi nghĩ tôi ham mê tìm hiểu nên vào phòng lấy tặng tôi tác phẩm “Phật Giáo và Chủ Nghĩa Mác”. Tập sách mỏng không phải là tác phẩm được chính thức phát hành dày khoảng 100 trang in theo kiểu quay “roneo” khổ lớn bìa màu nâu đậm. Trước 1975, tôi cũng đọc một tác phẩm “Phật Giáo và Mác-Xít”, không nhớ tên tác giả nhưng người dịch là giáo sư Trần Quang Thuận và người giới thiệu là Hòa thượng Thích Trí Quang.
Trước ngày ra đi, tôi đến đảnh lễ tạm biệt “Ngoại”. Tôi bạch với “Ngoại” là tôi sắp vượt biên. “Ngoại” không nói gì chỉ dặn tôi ở lại nghe Thầy Thích Chơn Thiện thuyết pháp về hạnh nguyện của Tôn giả Phú Lâu Na và dùng chay. Tôi ở lại nghe thuyết pháp nhưng không dùng chay. Đó là lần cuối cùng tôi đảnh lễ “Ngoại”.
Rồi tôi đi ra biển.
Bốn mươi mốt năm ở Mỹ, tôi học thêm tại một số trường đại học nhưng chỉ học vì chuyện áo cơm. Nền tảng tri thức của tôi với những khái niệm, những phạm trù, những định hướng, tinh thần dân tộc và thời đại vẫn bắt đầu từ ĐHVH. Tôi chỉ là một sinh viên khóa gần cuối chưa ra trường trong gần bốn ngàn sinh viên Vạn Hạnh. Ngoài một số bạn thân, chẳng bao nhiêu người nhớ mặt, nhớ tên. Nhưng như bầy nai đi lạc giữa rừng già chúng tôi vẫn tìm ra nhau qua tiếng hú thân quen cất lên từ nửa thế kỷ trước trong sân trường ĐHVH.
“Uống nước nhớ nguồn”, những gì tôi có hôm nay bắt nguồn từ những lời giảng của các thầy, các cô, từ những ngăn nhỏ ngồi đọc sách trong thư viện Vạn Hạnh, từ giảng đường 18, giảng đường 19, Thiền Viện, từ khay cơm của quán cơm bình dân trên lầu hai, từ ly cà phê của Vú, và quan trọng nhất từ trí tuệ, đức độ, tình thương và tầm nhìn xa vào tương lai dân tộc và Phật Giáo Việt Nam của “Ngoại”. Con cám ơn “Ngoại”.
Trần Trung Đạo
(Viết cho Tuyển Tập “Minh Châu Vạn Hạnh” nhân tưởng niệm mười năm Đại Lão Hòa Thượng Viện Trưởng VĐH Vạn Hạnh viên tịch)