Thích Hạnh Bình: Giáo dục là một trong những vấn đề quan tâm của HT Thích Huyền Quang

Kính bạch Giác Linh Hòa Thượng, hôm nay là ngày cung tiễn kim quan của Ngài nhập bảo tháp. Con từ ngàn vạn dặm xa xôi, đốt nén tâm hương hướng về Nguyên Thiều, xin đê đầu đảnh lễ trước linh đài, xin Ngài thùy từ mẫn nạp. Kể từ hôm nay hình bóng từ hòa uy nghi của Hòa Thượng không còn ở nhân thế, đồi núi Nguyên Thiều vốn tịch mịch nay lại tịch mịch hơn, dẫu biết rằng thân ngũ uẩn có sinh thì có diệt, nhưng lòng sao vẫn không khỏi xót xa bùi ngùi. Sự ra đi của Ngài không những chỉ là sự mất mát lớn cho Phật Giáo Việt Nam, ngay cả chúng con hàng Tăng Ni Phật tử cũng mất đi một vị thầy khả kính. Kể từ đây dù cho thân tứ đại trả về cát bụi, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Ngài vẫn lưu mãi trong lòng nhân thế, lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng theo đó thêm dòng son sử.

Nếu có ai nhìn cuộc đời và sự nghiệp của HT Thích Huyền Quang với bất kỳ địa vị nào trong cuộc đời và xã hội, với tôi Ngài vẫn đứng ở vị trí một vị Tăng hơn là những vị trí khác, nếu có đi chăng nữa cũng chỉ là phương tiện.

Xin thuật lại một vài câu chuyện mà chính tôi được hầu chuyện cùng Ngài, để chúng ta cùng suy gẫm, từ đó rút ra bài học, làm hành trang cho đời mình, trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh.

Tác giả và HT Thích Huyền Quang

Nếu tôi nhớ không lầm vào khoảng thời gian năm 1991 hay 1992 gì đó, khi Ngài còn ở chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi, tôi cùng TT Thái Siêu, thầy Tịnh Trí, Pháp Quang (lúc đó chưa xuất gia, hiện nay ở chùa Tịnh Luật, Texas) đến thăm sức khỏe Hòa Thượng. Trưa hôm ấy Ngài mua bún đãi chúng tôi, trong lúc ăn Ngài nói: “…tuy GHPGVN chưa làm được gì, nhưng tôi nghe có ông thầy nào ở thành phố chạy chọt xin chính quyền lãnh được mấy chục bộ “Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh” từ Đài Loan gởi về, thật là việc làm hữu ích… ít ra cũng có người làm được như vậy…”. Thượng tọa Thái Siêu vừa ăn vừa chỉ qua tôi thưa: “Bạch Hòa Thượng cái ông thầy mà lãnh Đại Tạng kinh đó hiện ở đây, chính là ông Hạnh Bình này”. Hòa Thượng tay cầm rổ bún, quay qua hỏi tôi: “Thầy ở đâu? Đệ tử của ai?…Vậy tôi thưởng công đức lãnh kinh của thầy”. Miệng nói tay Ngài gắp bún bỏ vào tô của tôi. Ăn bún với nước tương cùng rau muống chẻ mà thật ngon, ngon nhất là chính mình được Hòa Thượng khen thưởng. Thử nghĩ xem: Tại sao Ngài không chú ý việc gì mà chú ý đến mấy bộ “Đại Tạng Kinh”?

Có lẽ cũng chính lần gặp ấy mà sau đó một năm, tôi nhận được một thư tay của Hòa Thượng viết do cô ĐN trao lại, với nội dung giao cho tôi trách nhiệm tìm những thầy cô đang theo học ở Học Viện, có đạo hạnh và học hành tốt, trợ giúp ít tiền để mua sách vở học tập. Đặc biệt, trong thư Ngài dặn không nên có thái độ phân biệt, miễn thầy cô nào hiếu học và có đạo hạnh tốt là đủ rồi. Vào khoảng năm 1998 hay 1999, chính tôi lại được đọc một thư do Hòa Thượng viết (bằng chữ Việt) cho Thượng tọa Quảng Tâm ở Taiwan, với nội dung xin Thượng tọa giúp cho Tu Viện xây dựng Tàng Kinh Các (Thư Viện) để cho tăng ni học tập nghiên cứu hơn là xây dựng chánh điện. Năm 2006, khi tôi về Tu viện Nguyên Thiều đảnh lễ hầu thăm sức khỏe Hòa Thượng, trong câu chuyện, Ngài luôn nhắc nhở tôi: “Học xong nhớ trở về, Phật giáo Việt Nam mình cần người lắm, nhất là người biết chữ Hán, đọc và dịch được Đại Tạng Kinh…”. Ngài đề cập nhiều lần về vấn đề giáo dục. Ngài đã nói: “Tôi nghe nói thầy Thát mở được trường Đại học tôi cũng mừng. Ở đây tôi cũng định mở lớp Cao đẳng Phật học, nhằm đào tạo tăng ni phiên dịch kinh điển…”. Ngài nói thêm: “Thời gian qua, tôi đọc Đại Tạng Kinh, trong ấy lời Phật dạy rất hay, tôi thấy đoạn nào hay đã làm dấu, sau này thầy về nhớ dịch ra…”. Hai giờ đồng hồ qua thật mau, câu chuyện giáo dục đào tạo Ngài vẫn nói chưa hết, tôi sợ Ngài mệt, cho nên phải đảnh lễ xin từ giã Ngài.

Giữa năm 2007, tôi lại về thăm Hòa Thượng, lúc này Ngài đã khá yếu, Ngài hỏi tôi: “Chuyện học đã xong chưa? Khi nào về nước? Nhớ về Nguyên Thiều nhen, tôi sẽ cung cấp đầy đủ phương tiện cho thầy làm việc, không sợ thiếu tiền thiếu bạc, chỉ thiếu người làm việc mà thôi…”. Mặc dù Ngài muốn nói chuyện nhiều hơn nữa, nhưng thấy sức khỏe của Ngài hơi yếu, cho nên tôi đành xin giã từ.

Một tuần trước khi Ngài viên tịch, tôi có về thăm Ngài lần cuối. Ngài đang nằm tại phòng hồi sức tại bệnh viện Quy Nhơn. Khi ấy sức khỏe Ngài rất yếu nhưng tinh thần của Ngài vẫn tỉnh táo. Tôi lưu lại Tu Viện Nguyên Thiều thêm mấy ngày sau đó và rồi trở về lại Taiwan, để đi hết đoạn đường học hành còn lại.

Qua những lần gặp gỡ và những hầu chuyện Ngài, tôi có thử thống kê và đưa ra một số vấn đề: Trong suốt thời gian có thể nói gần 20 năm, lần nào tôi gặp Ngài, câu chuyện của Ngài cũng vẫn xoáy vào một chủ đề. Ngài không đề cập vấn đề gì khác ngoài những chuyện: Phiên dịch Đại Tạng Kinh, mở đại học, xây Phật học viện, học bổng cho tăng ni học tập, mời gọi người cộng tác. Vì sao như vậy? Phải chăng đây là tư tưởng chính của Ngài? Phải chăng đây là tư tưởng mà Ngài muốn xây dựng cho GHPGVNTN, ít nhất dưới thời của Ngài lãnh đạo? Dưới đây tôi xin phân tích về những vấn đề quan tâm của Ngài.

1. Phiên dịch Đại Tạng Kinh 

Nếu như trong “Kinh Đại Niết Bàn” đức Phật dạy chúng đệ tử về pháp “Tứ y’ rằng: “Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa” (CBETA, T12, no. 374, p. 401, b28-29), thì ở đây chúng ta thấy vấn đề

Ngài quan tâm tâm đến phiên dịch bộ Đại Tạng Kinh ra tiếng Việt là hợp lý, vì nó là điểm tựa là mục đích cho mọi người xuất gia cũng như tại gia hướng đến, cho dù là người nào, nước nào, Tông phái nào, ngay cả Giáo hội nào, nếu như không dựa vào Pháp mà dựa vào quan điểm cá nhân của

người nào thì có thể gặp phải nguy hiểm. Nếu như Đại Tạng Kinh được dịch sang tiếng Việt, mọi người ai cũng đọc được, y theo đó mà hành, ắt hẳn sự nguy hiểm sẽ ít hơn. Đây chính là lý do tại sao Ngài quan tâm nhắc đi nhắc lại việc phiên dịch bộ Đại Tạng Kinh.

2. Thành lập cơ sở giáo dục 

Đề cập đến sự pháp triển cho tổ chức hay quốc gia nào trước tiên người ta luôn đề cập đến nền tảng và hệ thống giáo dục. Một người mà không được giáo dục sẽ là người hư trong xã hội, một đoàn thể tổ chức mà không có giáo dục thì tổ chức đó lụn bại, một quốc gia không xem trọng việc giáo dục thì quốc gia ấy có nền kinh tế ì ạch, kém phát triển, ngay cả vấn đề chính trị cũng không ổn định và bền vững. Sự thiết yếu về giáo dục đối với xã hội đã là như thế, huống là Phật giáo với chủ trương lấy tuệ giác làm sự nghiệp. Hình thức giáo dục của Phật giáo là Phật học viện, chuyên giảng dạy những vấn đề Phật học. Đại học cũng là một nhu cầu thực tế cho Phật giáo ngày nay, nhất là Phật giáo Việt Nam. Chỉ có Đại học mới đủ tư cách quan hệ quốc tế, giao lưu trong lãnh vực chuyên môn. Có Đại học hay tối thiểu có Phật học viện mới làm chủ được việc đào tạo người chuyên môn, đảm đương trọng trách Giáo hội. Đây chính là lý do tại sao Ngài quan tâm đến vấn đề giáo dục, mở Phật học viện.

3. Chiêu hiền đãi sĩ

Tôi đề cập điểm này, không có ý tự ám chỉ mình, chỉ mượn câu chuyện Hòa Thượng đã nhắn nhủ: khi học xong về nước phục vụ cho Phật giáo. Qua lời dạy này, tôi hiểu nó như là chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hòa Thượng. Quả thật, trong vấn đề con người – nhất là nhân sự làm việc trong tổ chức, có trình độ chuyên môn – Chiêu hiền đãi sĩ là nhân tố quan trọng, tăng nguồn năng lực để giải quyết vấn đề và tạo yếu tố tích cực cho tổ chức phát triển. Qua kinh nghiệm về sự phát triển toàn diện của nước Mỹ ta thấy chính sách chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài đặc biệt được quan tâm. Gần đây, cũng nhờ áp dụng chính sách này mà nước Singapore đã vươn lên trở thành một trong những nước ổn định và phát triển hàng đầu của Châu Á. Đây chính là lý do mà Ngài rất chú tâm đến việc chiêu hiền đãi sĩ.

4. Thái độ dung hòa không cố chấp

Nếu nhìn quá trình làm việc của Ngài kể từ sau năm 1975, chúng ta thấy về mặt hình thức có những thay đổi bất thường. Sự kiện Hòa Thượng với vị trí và tư cách của mình đích thân đi khắp 3 miền, thăm chư tôn đức lãnh đạo trong GHPGVN, chúng ta lý giải như thế nào về nghĩa cử này ngoài tấm lòng vô ngã vị tha, y nghĩa bất y ngữ, vì sự hòa hợp của Phật giáo? Phải chăng Ngài nhìn thấy nỗi nguy hiểm của sự mất hòa hợp trong Tăng già. Sự mất hòa hợp đó không có lợi gì cho hiện tình Phật giáo mà còn là dấu ấn không lấy gì đẹp đẽ của lịch sử Phật giáo Việt Nam không những ở trong nước mà ngay cả hải ngoại. Những chứng tích đó sẽ là những bằng chứng cụ thể để thế gian phê phán Phật pháp. Chúng ta có quyền đặt những nghi vấn trong vấn đề này, nhưng không thể quên rằng thực trạng của PGVNTN ở hải ngoại là một minh chứng cụ thể lý giải tại sao Ngài phải làm như thế. Hơn nữa, việc làm mang lại sự hòa hợp cho Tăng già không phải là xấu hổ, điều đáng xấu hổ là chúng ta chưa làm tốt trách nhiệm đem ánh sáng từ bi trí tuệ của Thế Tôn vào xã hội, là sự rạn nứt của Tăng già. Do vậy, hành động đích thân đi thăm các chư tôn đức của Ngài, là nghĩa cử cao đẹp trượng phu, cũng là việc nên làm và khuyến khích làm của tu sĩ Phật giáo.

Với những phân tích trên, tôi rút ra vài nhận định mang tính cá nhân về Hòa Thượng như sau: Hòa Thượng là một vị lãnh đạo xuất sắc của Phật giáo Việt Nam của thời cận đại. Chủ trương của Ngài là lấy sự hưng thịnh của Phật Pháp làm mục đích, lấy sự hòa hợp của Tăng già làm sức mạnh, đồng thời thực thi chính sách cụ thể là: phiên dịch Đại Tạng Kinh, triển khai giáo dục mở Đại học, Phật học viện, đào tạo tăng tài và trọng dụng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ.

Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại chính mình, Tông môn, và ngay cả Giáo Hội của mình. Nếu xét thấy đường hướng phù hợp với chính pháp thì chúng ta nên tiếp tục duy trì và phát triển. Ngược lại, nếu không phù hợp Phật pháp, cho dù ở Tông nào, phái nào, Giáo hội nào, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh để phù hợp với chánh pháp.

Cơ sở Tu viện Nguyên Thiều, có thể nói là nơi mà Ngài muốn thực thi kế hoạch này, trước và sau năm 1975, nơi đây như là một kỷ niệm về Ngài. Kế hoạch của Ngài không những làm lợi cho đạo mà còn làm lợi cho đời, cho quốc gia dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Nếu không gì trở ngại, những ai quan tâm ủng hộ Ngài, xin hãy cùng nhau đồng lòng chung sức thực thi con đường giáo dục, phiên dịch, nghiên cứu của Ngài. Đó chính là cách đáp đền công ơn của Ngài, và cũng là cách hay nhất cho việc duy trì và phát huy GHPGVNTN.

Trên đây chỉ là những ý kiến cá nhân không đại diện cho bất cứ ai và tổ chức nào.

Đài Bắc ngày 11 tháng 07 năm 2008 

[trích Tài liệu Tang lễ HT Thích Huyền Quang]

Hiển thị thêm
Back to top button