Thích Hạnh Tuấn: Trại sinh Huyền Trang học và làm theo hạnh nguyện của Pháp Sư Huyền Trang
Lời Thầy: Nhân dịp Trại Huấn Luyện Huyền Trang IV sắp được tổ chức vào những ngày 15, 16, 17 và 18 tháng 09 năm 2011, tại Chùa Việt Nam, Houston, Texas. Thầy rất hoan hỷ “tìm lại” được bài viết đã bị thất lạc mà Thầy đã viết cho Trại Huấn Luyện Huyền Trang II cách đây đã 15 năm, được tổ chức tại Chùa Viên Giác, Oklahoma City, Oklahoma vào năm 1995. Nay Thầy muốn dùng diễn đàn nầy để trao gởi “Tình Lam” của Thầy qua bài viết đặc biệt nầy. Bài viết có ‘nhuận đính’ chút ít so với bài viết lần đầu vào năm 1995. Thầy hy vọng rằng tất cả quý Anh Chị của trại sinh Huyền Trang IV tìm được nhiều ý nghĩa rất bổ ích cho mình qua bài viết. Rất trân trọng với niềm tin yêu của Thầy gởi đến tổ chức Gia Đình Phật Tử!
I. Danh Tiếng của Pháp Sư Huyền Trang
Trong Phật giáo, Pháp Sư Huyền Trang đã và đang được nhiều người tôn kính như một bậc vĩ nhân, chính vì Ngài là một tăng sĩ toàn diện từ tư tưởng đến hành động, từ tư cách đến tác phong. Trong phần mở đầu của tác phẩm, “Huyền Trang, Nhà Chiêm Bái và Học Giả”, tác giả[1] đã ca ngợi công đức của Pháp Sư Huyền Trang như sau:
“Ngài Huyền Trang đã đến và đã đi. Nhiều thế kỷ đã trôi qua từ khi dáng điệu uy nghi của Ngài tô điểm cho cảnh trời Ấn Độ và Trung Hoa, và từ chiếc bóng đơn độc của Ngài dấn thân trên những nẽo đường chưa từng có dấu chân người, những con đường nối liền hai cường quốc Hoa Ấn. Dấu vết thời gian hình như không làm sao hao mòn kỷ niệm của Ngài; và định luật vô thường như đã không chịu in dấu tang thương trên danh tiếng vĩ đại của nhà chiêm bái kỳ diệu của thời gian quá khứ xa xưa…”
Ngài đã được mọi người tôn kính và xưng tụng với nhiều danh hiệu khác nhau. Người ta gọi Ngài là Nhà Chiêm Bái, Nhà Học Giả, Nhà Dịch Thuật, Nhà Trước Tác, Nhà Thần Bí và Nhà Hùng Biện. Con người vĩ đại và đa diện nầy của Pháp Sư Huyền Trang đã được khởi đi bằng một cuộc chiêm bái Bốn Thánh Tích của Phật tại Ấn Độ đầy ly kỳ và thần diệu. Trong giới hạn và mục đích của bài viết nầy, chúng ta hãy nhìn Pháp Sư qua khía cạnh của một Nhà Chiêm Bái để cùng nhau “Học và Làm Theo Hạnh Nguyện của Ngài”.
II. Nguyên Nhân Cuộc Chiêm Bái
Trong lịch sử truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Hoa, chúng ta có thể tìm thấy nhiều cuộc chiêm bái cũng không kém phần lý thú trước cuộc chiêm bái bốn thánh tích của Đức Phật mà Pháp Sư Huyền Trang đã thực hiện. Tất cả đều phát nguồn từ sự vâng theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Kinh Đại Niết Bàn ghi lại sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi Ngài nhập diệt (niết bàn) như sau:
Trước khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, ngài A Nan, vị hầu cận thân tín của Phật đã xin Phật chỉ dạy nhiều điều sau chót rất vô cùng quan trọng có liên quan đến đời sống của Tăng già và Cư sĩ. Trong số những điều dạy quan trọng nầy có điều Ngài dạy về việc chiêm bái Phật tích, “Nầy A Nan! Trong khi Thế Tôn còn tại thế, các con có rất nhiều cơ hội để gần gủi, tiếp kiến, hầu cận Thế Tôn. Các con đã được trực tiếp tắm gội ơn mưa pháp với đức Thế Tôn. Sau khi Thế Tôn diệt độ, các con sẽ không còn có cơ hội để thân cận Thế Tôn. Như thế không có nghĩa là các con sẽ hoàn toàn không còn nơi nương tựa để được lợi lạc. Ngoài việc lấy giáo pháp của Ta làm Thầy, các con hãy chiêm ngưỡng và tôn kính bốn thánh tích của Thế Tôn. Nếu các con làm đúng theo như lời dạy nầy, các con cũng có được lợi ích như khi Thế Tôn còn đương tại thế. Bốn Thánh Tích ấy là: 1) Nơi Đức Phật đản sanh ở vườn Lâm Tỳ Ni, 2) Nơi Như Lai chứng ngộ đạo quả vô thượng bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, 3) Nơi Như Lai chuyển pháp luân vô thượng, thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, 4) Nơi Như Lai diệt độ tại rừng cây Ta La. Nếu như có đệ tử xuất gia hay tại gia nào trong khi chiêm bái Bốn Thánh Tích nầy mà từ trần với tâm hoan hỷ thì vị đệ tử ầy sau khi mạng chung sẽ sanh lên cõi trời, cảnh giới của chư Thiên.
Lời dạy nầy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn đã được truyền đi khắp cõi Diêm Phù Đề kể từ khi đấng Thế Tôn vào cõi niết bàn tịch tỉnh. Từ những ngày tháng đầu sau khi đức Phật nhập diệt cho đến những tháng ngày mà nhân loại trên đà phát triển tột bực của văn minh khoa học kỷ thuật, hàng triệu người con Phật, không phân biệt tại gia hay xuất gia, ngày đêm đổ xô về đất Phật để chiêm bái và đảnh lễ Bốn Thánh Tích nầy. Nếu họ may mắn sống tại Phật quốc hay những nước lân cận thì việc đi về chiêm bái Bốn Thánh Tích không phải mất nhiều thì giờ, và họ không phải đối đầu với những chướng ngại. Có những nhà chiêm bái Phật tích ở các nước cách xa xôi phải cần cả tháng; có nhiều vị phải mất cả năm mời đi đến đất Phật bằng đường bộ.
III. Lòng Ngưỡng Mộ và Ý Chí Sắt Đá
Việc đi về đất Phật để tỏ bày lòng tôn kính và chiêm bái Bốn Thánh Tích đã và đang trở thành một công trình mà mỗi đệ tử của Đức Phật trong đời mình ít nhất phải một lần thực hiện. Trong lịch sử của việc chiêm bái Bốn Thánh Tích vì phương tiện đi lại khó khăn, núi non hiểm trở, đã có nhiều hành giả phải lùi bước trước những gian lao thử thách. Cũng đã có nhiều hành giả phải bỏ mạng trên đường về đất Phật chính vì họ không muốn lùi bước. Một trong những hành giả về đất Phật đã quyết đi đến tận nơi dù phải trải qua nhiều gian nguy thử thách đó là Pháp sư Huyền Trang. Sinh mạng của Ngài có lúc dường như phải treo trên đầu ngọn kiếm vì sự sân hận và si mê của bọn kiếp dọc đường. Ngài đã chiến thắng mọi gian nguy trở lực trên đường về đất Phật để hoàn thành được hoài bảo và ước vọng của mình.
Trong những nhà chiêm bái Phật tích, Pháp Sư Huyền Trang là một nhà chiêm bái độc nhất đã để lại tên tuổi của mình một cách sáng ngời. Nét độc đáo nầy của Ngài không những chỉ làm cho chính bản thân Ngài trở nên kỳ bí, mà còn để lại cho hậu thế một công trình vô cùng tuyệt hảo. Cuộc chiêm bái của Ngài được xem như cao cả hơn những cuộc chiêm bái khác chính vì Pháp Sư không những chỉ về đất Phật để chiêm bái Bốn Thánh Tích theo như lời dạy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, mà Ngài còn lên đường về đất Phật vì sự khan hiếm kinh điển thời bấy giờ tại Trung Quốc và vì sự khao khác nghiên cứu học hỏi tận gốc kinh điển.
Trước khi lên đường rời Trung Hoa, Pháp Sư Huyền Trang đã nỗi danh khắp nơi vì khả năng và đức độ của Ngài. Chính vì sự tài ba lỗi lạc và đức độ của Ngài, vị Vua Nhà Đường muốn giữ chân Ngài để hoằng truyền chánh pháp lợi lạc quần sanh riêng cho xư Trung Hoa. Do vậy, nhà vua đã bác bỏ lời thỉnh cầu Tây Du của Ngài. Nhà Vua đương thời ra lệnh cấm Pháp Sư đi về đất Phật không phải nhà Vua là một tín đồ của ngoại đạo có thành kiến với Phật pháp hay thù nghịch với những ai tin theo giáo lý Phật Đà. Trái lại, vì yêu mến và tôn sùng đạo Phật cũng như quý trọng Pháp Sư. Sở dỉ nhà Vua ra lệnh cấm Pháp Sư vì nghĩ rằng đường về đất Phật cam go. Pháp Sư được ví như là một viên ngọc quý nhất trong hàng Tăng sĩ của Trung Hoa thời ấy; liệu rồi trên đường chiêm bái Ngài có còn an toàn trở về hay không? Sự kiện nầy vô tình đã tạo thêm nhiều khó khăn, cản trở trên đường chiêm bái của Ngài. Thật vậy, thay vì lên đường công khai đầy cờ lộng đưa tiễn của hoàng triều thì Pháp Sư Huyền Trang phải lẫn trốn nhà Vua và lên đường một cách thầm lặng. Cuộc hành trình vốn đã khó khăn gian khổ nay lại càng trắc trở hiểm hóc hơn. Ngoài việc đối phó với lệnh cấm của nhà Vua, Pháp Sư còn phải gánh chịu bao phong ba bão tố của sa mạc nóng bức và giá lạnh của núi rừng u tịch. Hành trình Tây Du phải cần nhiều ngày tháng. Hầu hết Ngài phải đi bộ qua nhiều sa mạc hiểm trở. Có nhiều lúc Ngài phải dẫm chân đạp trên những đống xương người và phân ngựa. Đã hơn một lần Ngài đã chán nãn định lùi bước quay về Trung Hoa, nhưng rồi Ngài cảm thấy quá hổ thẹn về ý nghĩ và hành vi của mình. Nếu làm như vậy thì Ngài đã đi ngược lại lời phát nguyện ban đầu của mình.
Những khó khăn gian khổ của núi rừng hoang vu và sa mạc nắng quái đã không làm cho Ngài bỏ ý định Tây Du mà còn là những thử thách để rèn luyện ý chí sắc đá của Ngài. Người đời thường hay nói: Đa tài đa hoạn – nhiều tài thì gặp nhiều hoạn nạn thử thách. Đúng vậy, con người đa tài của Pháp Sư Huyền Trang phải đối diện với nhiều gian truân thử thách. Chính vì quá tài ba và nhiều đức độ của Ngài đã bị nhà Vua đương thời tại Trung Hoa ra lệnh cấm chỉ việc Tây Du của Ngài. Và cũng chính vì tài ba và đức độ của Ngài, thêm một lần nữa Ngài phải cứng rắn từ chối lời thỉnh cầu ở lại làm Quốc Sư cho nhà Vua của nước Cao Xương trên đường đi về đất Phật. Nhà Vua nước Cao Xương cũng chính vì quý trọng và tôn sùng Phật pháp mà muốn giữ Pháp Sư Huyền Trang như là một quốc bảo của nước mình cai trị. Vua nước Cao Xương đã thỉnh cầu ở lại nước mình hoằng dương Phật pháp để làm lợi lạc cho muôn dân. Lời thỉnh cầu chân thành của đức Vua cũng không được Pháp Sư chấp thuận. Nhà Vua bèn nghĩ ra một cách cuối cùng để giữ chân Ngài đó là lấy quyền lực của mình để hăm dọa và cấm chỉ sự tiếp tục Tây Du của Pháp Sư. Để phản đối sự ích kỷ của nhà vua, Pháp Sư Huyền Trang đã tuyệt thực suốt ba ngày và Ngài đã mạnh dạn tuyên bố: “Huyền Trang nầy ghé ngang đây chỉ vì muốn đi về đất Phật để chiêm bái Phật tích và thỉnh cầu chánh pháp. Nay gặp phải chướng ngại nầy, bệ hạ có thể giữ được da xương của bần đạo chứ thần thức của Huyền Trang nầy sẽ được giải thoát vượt khỏi tất cả chướng ngại.”
Lời tuyên bố trên đây đã làm thay đổi sự quý trọng đầy ích kỷ của nhà Vua nước Cao Xương đối với Pháp Sư Huyền Trang. Chúng ta đều đồng ý với nhau rằng việc hoằng dương chánh pháp cho dân nước Cao Xương hay bất cứ một đất nước nào trên thế giới là tâm nguyện và sứ mạng cao cả của Pháp Sư Huyền Trang. Thế nhưng, Ngài không thể dừng chân ở lại đất Cao Xương để hoằng pháp trong khi Ngài chưa hoàn thành ý nguyện về đất Phật để chiêm bái Phật tích, nghiên cứu Phật lý và sưu tầm kinh điển. Với tâm nguyện và ý chí sắt đá, Pháp Sư Huyền Trang đã vượt thắng mọi trở lực trên đường Tây Du. Cuối cùng, Ngài đã thực sự đặt chân đến đất Phật sau nhiều năm dài gian khổ. Pháp Sư đã chiêm bái Bốn Thánh Tích trước khi đi sâu vào việc nghiên cứu kinh điển.
IV. Trại Sinh Huyền Trang với Pháp Sư Huyền Trang
Khác với trại sinh trong các trại huấn luyện Lộc Uyển và A Dục, những trại sinh được huấn luyện để tập sự và chính thức bước vào nghề làm Huynh Trưởng, trại sinh Huyền Trang sau khi trúng cách sẽ được tổ chức Gia Đình Phật Tử bổ nhiệm với chức vụ Liên Đoàn Trưởng của một đơn vị. Như vậy, khi nhận lãnh chức vụ nầy, Anh Chị bắt đầu đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tổ chức nói chung và cho đơn vị của mình nói riêng. Các Anh Chị sẽ là những người lãnh đạo của đơn vị, đưa đường chỉ lối cho hàng trăm đoàn sinh. Các Anh Chị sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự thịnh suy của đơn vị mình. Chắc chắn các Anh Chị con nhớ, khi vừa trúng cách trại sinh của trại huấn luyện A Dục, trước khi bước vào nghề làm Trưởng, các Anh Chị đã hơn một lần phát nguyện tự dấn thân phục vụ. Và, các Anh Chị đã phát nguyện trước sự chứng minh của Tam Bảo là sẳn sàng hy sinh cho lý tưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử.
Chắc Quý Anh Chị đã không quên – trong buổi Lễ Phát Nguyện khi tham dự Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ Cấp Lộc Uyển, Cấp I A Dục và cả khi Thọ Cấp Tập, Quý Anh Chị đã từng đọc tụng lời phát nguyện của Ngài A Nan được trích ra từ bài tựa Kinh Thủ Lăng Nghiêm, như sau:
…Cúi lạy Đấng Cha Lành của muôn loài hãy thương xót mà chứng minh cho lời thề của con. Con nguyện làm kẻ tiền phong đi vào đời nhiều khổ đau hệ lụy nầy để tuyên dương và làm vẽ vang cho Phật pháp. Nếu còn có một chúng sanh nào chưa thành Phật, con xin thề chẳng bao giờ an nhàn nơi cảnh giới an vui tịnh lạc niêt bàn của riêng con…(Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh. Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập. Như nhất chúng sanh vị thành Phật. Chung bất ư thử thủ nê hoàn…)
Lời thệ nguyện trên đây không khác gì lời thệ nguyện của Pháp Sư Huyền Trang khi Ngài bi sự ngăn cản của vua nước Cao Xương không cho Ngài lên đường về đất Phật. Lời thề của Pháp Sư Huyền Trang có khác đôi chút so với lời thệ nguyện của Ngài A Nan trong bài tựa Kinh Thủ Lăng Nghiêm, mà các Anh Chị đã từng đọc tụng trong buổi Lễ Phát Nguyện của các Trại Huấn Luyện và Thọ Cấp trước đây; nhưng ý nghĩa và cốt tủy của hai lời thề thì chỉ có một. Giờ đây, các Anh Chị đang vinh dự mang pháp hiệu của Pháp Sư Huyền Trang làm tên trại huấn luyện của mình. Để được xứng đáng với pháp hiệu cao quý của Ngài, mỗi trại sinh chúng ta phải học hỏi và thực hành theo hạnh nguyện của Pháp Sư Huyền Trang. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta sẽ trở thành một Pháp Sư Huyền Trang ngay trong tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ của thế kỷ 21.
Nhìn lại quá trình lịch sử trên 60 năm xây dựng và phát triển tổ chức, chúng ta thấy đã có nhiều trại sinh Huyền Trang vì sự sống còn của tổ chức mà đã lên đường làm việc. Các bậc huynh trưởng tiền bối đã hi hiến đời mình cho tổ chức một cách đầy hùng tráng. Họ đã xem nhẹ cái chết tợ lông hồng chỉ vì mục đích tối thượng là đề cao đề cao danh dự và màu cờ sắc áo của tổ chức. Một lần phát nguyện là một lần dứt khoát đi tới không bao giờ chịu lùi bước trước những khó khăn thử thách trên đường phụng sự tổ chức như Pháp Sư Huyền Trang đã từng dõng dạc đi tới để đạt cho kỳ được ước vọng của mình. Nếu một mai có một trở lực nào đó khiến cho chúng ta phải lùi bước trên đường phụng sự lý tưởng hoặc chúng ta phải tạm thời lìa khỏi tổ chức vì một lý do nào đó thì chúng ta hãy nhớ lại lời thệ nguyện của mình cũng như nhớ lại lời nguyện của Pháp Sư Huyền Trang. Các Anh Chị hãy thầm tưởng niệm hoặc đọc lớn lên rằng:…Ai đó hoặc một thế lực nào đó có thể cướp đoạt lấy thân xác nầy, chứ tâm nguyện phục vụ tổ chức của Trại sinh Huyền Trang nầy không thể nào bị cướp đoạt…Hãy noi gương Đào Thị Yến Phi, Quách Thị Trang, Nhất Chi Mai, Trần Đại Thức và Viên Lạc Phạm Gia Bình…Các Anh Chị ấy đã hy sinh để chúng ta còn được sống. Chúng ta không phải hy sinh như các Anh Chị ấy nhưng chúng ta phải chuẩn bị đối đầu với nhiều trở lực sẽ xảy ra có thể làm cho chúng ta mất mạng trên đường phục vụ Tổ Chức.
Ngày xưa Pháp Sư Huyền Trang vâng lời Phật dạy đã trải qua nhiều chông gai thử thách lên đường Tây Du về đất Phật để chiêm bái Phật tích và nghiên cứu học hỏi kinh điển. Ngày nay trại sinh Huyền Trang sẽ không phải đối đầu với núi rừng hiểm trở của sa mạc khô cháy cùng sự cuồng si của bọn cướp đường. Nếu Anh Chị muốn về đất Phật để chiêm bái Thánh tích, các Anh Chị chỉ cần một chuyến bay không quá 20 tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay với đầy đủ tiện nghi vật chất. Về đất Phật chiêm bái Phật tích là việc vô cùng quan trọng của một trại sinh Huyền Trang sẽ phải thực hiện ít nhất một lần trong đời của nghề làm Huynh Trưởng trước khi nhắm mắt lìa đời. Trong khi quý Anh Chị chờ đợi một cơ hội tốt đẹp về đất Phật để chiêm bái Thánh tích Tứ Động Tâm, chúng ta hãy về với đơn vị của mình để chiêm ngưỡng, cung kính, lễ lạy và phục vụ bốn đoàn trong đơn vị: Oanh Vũ Nam, Oanh Vũ Nữ, Thanh Thiếu Nam, Thanh Thiếu Nữ. Các Anh Chị hãy trang trọng cung kính đảnh lễ từng đoàn sinh trong bốn đoàn của đơn vị mình đang sinh hoạt như là chiêm bái Thánh tích Tứ Động Tâm.
Ngày xưa, Pháp Sư Huyền Trang về Ấn Độ chiêm bái Thánh tích Phật Đản sanh nơi vườn Lâm Tỳ Ni tại vương thành Ca Tỳ La Vệ để tận mắt nhìn thấy hình Phật đản sinh điêu khắc trên đá. Ở đó, ngài hình dung lại được hình ảnh đầy thương yêu của Hoàng hậu Ma Gia khi hạ sanh Thái Tử Tất Đạt Đa. Và cũng ở đó, có muôn ngàn hoa thơm cỏ lạ, có nhạc trời và muôn chim đang ca hát chào đón cùng với tiên A Tư Đà xem tướng Thái Tử.
Ngày nay, trại sinh Huyền Trang lấy tất cả đoàn sinh trong đoàn Oanh Vũ Nam như là thánh địa Đản Sinh để chiêm bái và phục vụ. Nếu các Anh Chị cần phải để dành đủ tiền bạc, thì giờ và công sức để về đất Phật chiêm bái thánh tích thứ nhất nầy, thì ngay tại đơn vị của mình chúng ta cũng có thánh tích để chiêm bái đó là hàng trăm các em Oanh Vũ Nam thật dễ thương kháu khỉnh và tươi mát giống như Thái Tử Tất Đạt Đa vừa mới đản sinh vậy. Về đến vườn Lâm Tỳ Ni các Anh Chị chỉ thấy hoặc hình dung được duy nhất một hình ảnh kháu khỉnh của chú bé mang tên Tất Đạt Đa. Còn về vườn Lam của tổ chức, của đơn vị, các Anh Chị sẽ thấy tận mắt mà không phải hình dung hay tưởng tượng hàng trăm đoàn sinh thuộc ngành Oanh Vũ Nam cũng kháu khỉnh, rất dễ thương không khác gì chú bé Tất Đạt Đa của trên 2,600 năm về trước.
Lại nữa, ngày xưa Pháp Sư Huyền Trang đã phải ngậm ngùi rơi lệ thở than vì đã không có được phước duyên để tận mắt nhìn thấy ánh hào quang sáng ngời của Đức Thế Tôn khi ngài chứng thành đạo quả. Pháp Sư cũng không có được cái hân hạnh như nàng Tu Xà Đề để dâng cúng cháo sữa cho Phật trước khi Ngài chứng thành đạo quả. Pháp Sư Huyền Trang phải thân hành đơn độc đi về Bồ Đề Đạo Tràng để lễ lạy dưới gốc cầy Bồ Đề nơi Phật thành đạo.
Ngày nay, các Anh Chị chưa có đầy đủ phước duyên như Pháp Sư Huyền Trang để được chiêm bái gốc cây Bồ Đề, thì các Anh Chị hãy để dành thì giờ, tiền bạc và tâm lực của mình săn sóc hàng trăm đoàn sinh trong đoàn Oanh Vũ Nữ của Gia Đình Phật Tử như là Phật tích thứ hai mà Pháp Sư Huyền Trang đã từng chiêm bái. Khi các Anh Chị vổ về chăm sóc các em trong đoàn Oanh Vũ Nữ và nhìn thấy các em của mình đang nhảy múa hát ca tươi cười rạng rở bên màu cờ sắc áo, dưới chân của đấng Cha Lành, các Anh Chị sẽ thấy lại được toàn diện cái thế giới mầu nhiệm, an lạc giải thoát mà Đức Phật đã chứng ngộ dưới gốc cây Bồ Đề. Nếu các Anh Chị đã từng trì tụng Kinh Đại Bát Niết Bàn thì các Anh Chị sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi chúng ta ví dụ tâm hồn của Đức Phật giống như tâm hồn của các em Oanh Vũ Nữ thơ ngây đang tập tễnh đến chùa lễ Phật, tụng kinh. Ở trong tổ chức Gia Đình Phật Tử, về lại để chăm sóc và vổ về đoàn Oanh Vũ Nữ, các Anh Chị chẳng những hình dung được một nàng Tu Xà Đề đang dâng cúng cháo sữa cho Phật trước khi Ngài thành đạo mà còn thấy hàng trăm Oanh Vũ Nữ là những nàng Tu Xà Đề sẽ dâng cúng cháo sữa cho hàng trăm đức Phật sắp thành đạo trong tương lai.
Còn nữa, ngày xưa Pháp Sư Huyền Trang đã vì muốn thân hành đảnh lễ tôn nhan của đức Phật cùng năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển, nơi Ngài thuyết pháp lần đầu tiên.
Pháp Sư Huyền Trang khi cuối đầu đảnh lễ thánh tích nầy đã tự than thân trách phận rằng mình vốn vô phước thiếu duyên đã không là một trong năm anh em họ Kiều để được lần đầu tiên lắng nghe pháp âm của Phật. Ngài tự hỏi rằng trong những kiếp quá khứ xa xăm mình đã tạo ra nghiệp xấu gì để phải sanh ra trong thời kỳ quá cách xa thời Phật còn tại thế. Pháp Sư Huyền Trang cũng đã thành khẩn cầu xin rằng khi nào Bồ Tát Di Lặc thành Phật hãy cho mình được làm kẻ đầu tiên nghe Phật Di Lặc thuyết pháp. Nếu không được cái vinh dự nầy thì ít ra cũng làm được một đệ tử xuất gia trong Pháp Hội Long Hoa.
Ngày nay, trại sinh Huyền Trang không phải không có đủ thì giờ và phương tiện về vườn Lộc Uyển để tận tay sờ mó những hình tượng được chạm trổ trên đá về hình ảnh Đức Phật thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, mà các Anh Chị đang để dành thì giờ và tâm lực cũng như tiền bạc để săn sóc hàng trăm đoàn sinh trong đoàn Thanh Thiếu Nam của đơn vị mình. Các Anh Chị đang đóng vai trò vô cùng quan trọng là đang hướng dẫn cho đoàn sinh của mình trở về với chánh pháp như đức Phật đang chuyển hóa tâm thức mê mời của Ca Diếp, A Nan, Ác Bệ, Thập Lực và Bạc Đề. Ngày xưa, tại vườn Nai, đức Phật lần đầu tiên chỉ thuyết pháp cho năm anh em họ Kiều. Ngày nay, khi về với đơn vị, các Anh Chị không những chỉ có năm đoàn sinh trong ngành Thanh Thiếu Nam như là năm anh em họ Kiều mà còn có hàng trăm tâm hồn đang cần được săn sóc và chuyển hóa của các Anh Chị. Các Anh Chị hãy lên đường về với đoàn Thanh Thiếu Nam như về với thánh tích thứ ba, nơi đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, để học theo đức Phật giảng bài pháp Tứ Diệu Đế cho hàng trăm đoàn sinh trong ngành Thanh mà các em có thể đang rơi vào hố thẳm của khổ đau trụy lạc.
Và, cũng chính ngày xưa Pháp Sư Huyền Trang dù phải gánh chịu muôn ngàn sương gió của núi rừng và sa mạc, Pháp Sư Huyền Trang đã bất chấp mọi hiểm nguy kể cả đến mạng sống của mình để thân hành đến được rừng Ta La Song Thọ để lắng lòng nghe lại pháp âm cuối cùng của đấng Cha Lành trước khi Ngài vào cõi niết bàn tịch tỉnh, để lắng lòng nghe lại muôn ngày điệu nhạc của Chư Thiên đang hòa tấu để tiển đưa Ngài vào thế giới bất sanh bất diệt. Pháp Sư cũng đã khóc và tự than thân trách phận là đã không có nhiều phước duyên để sinh ra trong thời kỳ mà Phật còn tại thế để tận hưởng suối pháp mầu vi diệu được tuôn chảy từ kim khẩu của đấng Thế Tôn. Pháp Sư Huyền Trang cũng đã từng mơ ước, dù chỉ một lần ngắn ngủi sau cùng diện kiến đức Phật như Thầy Tu Bạt Đà La trước khi Ngài vĩnh viễn ra đi.
Ngày nay, trại sinh Huyền Trang chỉ vì lời thệ nguyện của mình lên đường làm kẻ tiên phong vào đời, vào tổ chức Gia Đình Phật Tử nên chưa có thì giờ và cơ hội theo dấu chân của Pháp Sư Huyền Trang về rừng Ta La Song Thọ để núp bóng mát của đấng Cha Lành. Cuộc hành hương Chiêm Bái Phật Tích mang đầy ý nghĩa cao đẹp mà hôm nay Anh Chị có thể thực hiện được ngay tại đơn vị của mình đó là tìm hiểu, chia xẻ và nuôi dưỡng thế hệ Thanh Thiếu Nam, Nữ của các Anh Chị lớn lên, trưởng thành mang đầy mầu sắc Phật giáo. Rồi mai đây khi nhìn hình ảnh của những Thanh Thiếu Nam, Nữ ấy với dáng dấp hiền thục dịu dàng nhưng lại chứa đầy một ý chí kiên cường, một tâm hồn trong sáng, một nghị lực vững vàng. Và, mỗi một lời nói, mỗi một điệu ca múa của các em sẽ mang đầy tính chất thiên thần như những bài đạo ca bất tận mà Chư Thiên đã tấu lên để cúng dường ngày đức Thế Tôn đi vào cõi vô tung bất diệt tại rừng Ta La Song Thọ.
V. Kết Luận:
Mười lăm thế kỷ trôi qua kể từ khi Pháp Sư Huyền Trang viên tịch, hình bóng tên tuổi và hạnh nguyện của Ngài đã không những chỉ được tôn thờ và xưng tán mà còn học hỏi và thực hành bởi hàng hậu thế. Riêng cái ý chí sắt đá của Ngài trong việc đi về đất Phật để chiêm bái Bốn Thánh Tích đã là một kho tàng triết lý nhiệm mầu mà chúng ta có thể khai triển và học hỏi cả đời. Nếu chúng ta có cơ hội nghiên cứu về những khía cạnh khác của bậc vĩ nhân nầy như Pháp Sư là Nhà Học Giả, Nhà Dịch Thuật, Nhà Trước Tác, Nhà Hùng Biện và Nhà Thần Bí thì chúng ta sẽ thấy con người của Pháp Sư Huyền Trang sẽ vĩ đại hơn và đặc biệt hơn con người của Pháp Sư qua khía cạnh của một Nhà Chiêm Bái.
Pháp Sư Huyền Trang đã đến và đã đi một cách thần bí không kém vẻ ly kỳ. Hành trình đi chiêm bái Phật tích của Pháp Sư kể từ khi rời Trung Quốc cho đến khi trở về lại Thủ Đô Tràng An phải mất hết gần 17 năm dài, Ngài đã tô điểm cho đạo Phật vốn đã tươi đẹp lại thêm nhiều hương sắc. Mười lăm thế kỷ trôi qua cũng đã có hàng triệu người nối gót Ngài tô điểm cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Ngày nay và những thế kỷ tiếp theo, Trại Sinh Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp II Huyền Trang quyết không làm mai một đi danh dự của tổ chức Gia Đình Phật Tử. Chúng ta quyết ra công tô bồi cho mầu cờ sắc áo của tổ chức mỗi ngày một thêm thắm thiết như Pháp Sư Huyền Trang đã tô điểm cho ngọn cờ Phật giáo.
Trại sinh Huyền Trang quyết chí học và làm theo hạnh nguyện của Pháp Sư Huyền Trang. Chúng ta luôn luôn tâm nguyện và cầu xin một cơ hội thuận lợi để cùng nhau về đất Phật chiêm bái Thánh tích Tứ Động Tâm. Và chúng ta cũng không bao giờ quên lấy đơn vị của mình đang sinh hoạt làm đất Phật mà ở đó có bốn đoàn: Oanh Vũ Nam, Oanh Vũ Nữ, Thanh Thiếu Nam và Thanh Thiếu Nữ như là biểu tượng tuyệt vời của Bốn Thánh Tích để tinh tấn lên đường phụng sự, để hoàn thành ước nguyện của chúng ta khi phát nguyện trước Tam Bảo trong kỳ Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp II Huyền Trang nầy.
Sách Tham Khảo và Giới Thiệu
- Thích Minh Châu, Huyền Trang Nhà Chiêm Bái và Học Giả (Hsuan Tsang, The Pilgrim and Scholar), Thích Nữ Trí Hải dịch, Phật Học Viện Quốc Tế, California, Hoa Kỳ tái bản, PL 2532-1988.
- Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đại Tang Kinh Việt Nam Ap1, Trường Bộ Kinh 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành tại thành phố Sài Gòn năm
- Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 1, do Thích Trí Tịnh phiên dịch, Nhà in Sen Vàng, Sai Gòn Việt Nam ấn hành năm 1974, Chùa Khánh Anh tại Paris, Pháp, in lại không đề năm tháng xuất bản.
- Hui Li, The Life of Hsuan Tsang, The Chinese Buddhist Association, Peking, Printed in the People’s Republic of China, 1959
- Shaman Hwui Li, The Life of Hiuen Tsiang, London, Kegan Paul, Trench, Trubner & Broadway House, 1914
[1] Thích Minh Châu, Huyền Trang Nhà Chiêm Bái và Học Giả (Hsuan Tsang, The Pilgrim and Scholar), Thích Nữ Trí Hải dịch, Phật Học Viện Quốc Tế, California, Hoa Kỳ tái bản, PL 2532-1988.