Thích Nguyên Hiền: Đứng giữa Đại học Nalanda tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Minh Châu

Cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng Thích Minh Châu đã quá nổi tiếng và được nhiều người viết lại, thậm chí đã dựng thành phim. Ở đây chúng tôi chỉ xin được tưởng niệm Hòa thượng từ một không gian khác, một góc độ khác, góc độ nhìn một du học tăng Việt Nam tại một học viện lừng danh thế giới ngày xưa giữa đống hoang tàn đổ nát ngày nay, cũng như vai trò đặc biệt của Hòa thượng đối với Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Chúng tôi đến Nalanda vào một buổi chiều nắng gắt, cái nắng chói chang như muốn nung cho chín thêm những viên gạch vô tri nhưng mang nhiều ngấn tích thời gian và lịch sử giữa cái hoang liêu của một viện đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới ngày xưa. Chẳng mấy ai biết đâu là những viên gạch của 2.000 năm trước, đâu là gạch mới được xây lên. Quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau, chồng chất lên nhau. Thời kỳ vàng son của những Đại luận sư nổi tiếng như Long Thọ, Thánh Thiên, Vô Trước, Thế Thân, rồi Pháp Hiển, Huyền Tráng, Nghĩa Tịnh cho đến thuở Nalanda đẫm máu và bị san bằng khi quân Hồi giáo đến đây, và giữa cái hoang tàn đổ nát hôm nay, để tưởng niệm Hòa thượng Minh Châu, người từng lưu học tại Đại học Nalanda mới, trở thành giáo sư của viện và giữ chức Hội trưởng Hội Phật giáo Nalanda. Đó là không gian tưởng niệm mang nhiều ý nghĩa.

Đọc lại Đường về xứ Phật của ba vị Hòa thượng Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi cùng ngài Pasadika, nghĩ đến những ngày tháng chư vị tu học tại đây mà trong tâm dậy lên nhiều cảm xúc đặc biệt, khi bối cảnh giao lưu văn hóa trong thời hiện đại trở thành những dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia.

Trong Đường về xứ Phật, Hòa thượng Minh Châu từng viết: “Nếu Lâm-tì-ni là thánh địa, bởi Đức Phật giáng sanh ở đó thì Nalanda là đất thiêng đã chứng kiến sự xuất hiện của hai vị đệ tử Ngài là Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên (…). Nếu Bồ-đề Đạo tràng là nơi Đức Phật viên thành Chánh pháp thì Nalanda là đất thiêng đã truyền chiếu ánh sáng ấy đến với vô số người ở khắp nơi trên thế giới. Nếu Lộc Uyển là thánh địa, bởi ở đó Đức Phật đã chuyển pháp luân lần đầu tiên thì Nalanda là đất thiêng đã hoằng truyền Chánh pháp, trong một thời gian dài hơn ngàn năm. Nếu Câu-thi-na là thánh địa, bởi ở đó Đức Phật đã nhập Niết-bàn thì Nalanda là đất thiêng đã chứng kiến sự viên tịch của Tôn giả Xá-lợi-phất. Hơn nữa, Đức Phật chưa bao giờ trở lại nhiều lần để thăm Lâm-tì-ni, Bồ-đề Đạo tràng, Lộc Uyển và Câu-thi-na, sau khi Ngài giáng sanh, đắc đạo, chuyển Pháp luân và nhập Niết-bàn, nhưng Ngài viếng thăm Nalanda rất nhiều lần”.

Những dòng chữ trên của chư vị Hòa thượng tiền bối đã khẳng định giá trị trường đại học này về mặt tôn giáo. Còn về mặt lịch sử cũng như giá trị học thuật, dù trải qua những thăng trầm đáng kể, Nalanda nghiễm nhiên trở thành một địa chỉ quan trọng để một du học tăng đặc biệt như Hòa thượng Thích Minh Châu đã chọn để đến học và hành đạo tại đây.

Đại luận sư Long Thọ (Nagarjuna), sống vào thế kỷ thứ II được xem là đã từng theo học tại Nalanda và trở thành viện trưởng của viện đại học này. Vào thế kỷ thứ VII, Đường Tăng Huyền Trang đã đến đây tu học dưới sự chỉ dạy của Viện trưởng Silabhadra (Giới Hiền). Huyền Trang đã từng tả Nalanda như sau: “Số Tăng sĩ đông đến vài ngàn, đều là những bậc tài năng xuất chúng. Những bậc này phần nhiều là những vị kỳ tài, danh tiếng vang đến cả những nước ở ngoài. Ðức hạnh của những vị này hoàn toàn thanh tịnh, không thể chê trách gì. Họ theo giới luật một cách chơn thành. Quy luật của tu viện rất nghiêm khắc và tất cả Tăng sĩ đều bắt buộc phải tuân theo. Cả nước Ấn Ðộ đều kính phục và tuân theo những lời chỉ dạy của những vị này. Cả ngày họ không có đủ thì giờ để hỏi và trả lời những câu hỏi có ý nghĩa sâu xa. Từ sáng cho đến tối, các vị này đều luôn luôn biện luận. Già và trẻ đều giúp đỡ lẫn nhau. Những ai không thể biện luận về kinh điển đều không được kính trọng và phải lẩn tránh vì xấu hổ. Những nhà học giả từ các thành thị khác, muốn mau có danh tiếng trong các cuộc biện luận đều đến Nalanda rất đông, để được giải đáp những điểm mình còn nghi ngờ, và vì vậy danh tiếng của những vị ở Nalanda được lan truyền rất rộng. Cũng vì vậy mà có nhiều người muốn có danh của Nalanda để được người ta kính trọng.

Các người ở các giới khác muốn dự các cuộc biện luận phải bị người giữ cửa hỏi vài câu khúc mắc, nhiều người không trả lời được phải trở về. Phải học giỏi cả tân và cựu kinh điển mới được thâu nhận. Những sinh viên lạ mặt phải tỏ sự biệt tài của mình trong những cuộc biện luận gắt gao, và số người bị hỏng so với những vị trúng tuyển độ 7, 8 phần 10”. Những ghi chép của Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực ký nói trên đã khẳng định giá trị của một trường đại học ngày xưa. Nhưng tất cả đã không còn gì do chính sự kỳ thị, tàn ác của con người. Trước đây đã từng có một du học tăng Việt Nam sang Ấn Độ cầu pháp và trở thành một dịch giả nổi tiếng, có khả năng sử dụng tiếng Sanskrit một cách thông thạo, đó là Đại Thừa Đăng (Pradipa) và theo Lê Mạnh Thát, đó chính là ngài Đại Thừa Quang hay Phổ Quang, người phụ trách bút thọ trong 7, 8 phần toàn bộ sách dịch của Huyền Trang trong dịch trường nổi tiếng này. Tuy nhiên, cùng với một số du học tăng Việt Nam trong phong trào Tây du cầu pháp vào thế kỷ thứ VII, VIII và IX, Đại Thừa Đăng cũng nằm trong cái ách “An Nam đô hộ phủ” của nhà Đường. Những gì được xem là nét son của chư vị đã bị “mẫu quốc” quy hết về cho họ. Tinh thần tự lập tự cường của dân tộc vẫn luôn luôn được thắp sáng, nhưng để tạo một sự khác biệt mang tính lịch sử phải đợi đến mười thế kỷ sau. Tất nhiên việc Tây du cầu pháp trong thời cận và hiện đại không cần phải lặn lội băng rừng vượt biển như các nhà du hành Ấn Độ ngày xưa, nhưng dù bằng đường hàng không, việc xuất dương cầu pháp của Hòa thượng Minh Châu và chư vị đồng liêu là một bước ngoặt lớn tạo tiền đề cho Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Đứng giữa Đại học Nalanda ngày xưa, chúng tôi nhận ra sự khác biệt của những tư tưởng chủ đạo có thể dẫn đến sự khác biệt của những hiện vật xung quanh. Với cái danh tiếng ngàn năm vang bóng của Nalanda, nếu không phải nằm trong hệ tín ngưỡng Hindu thâm căn cố đế, thì dù cho Hồi giáo có san bằng Nalanda thành bình địa thì không lâu sau đó nó có thể được khôi phục trở lại. Nhưng Chính phủ Ấn Độ đã nhận ra điều này quá trễ. Nếu không nhờ lòng nhiệt thành của các nhà khảo cổ Tây phương thì đến nay Nalanda vẫn còn chìm trong quên lãng. Ngày 19 tháng 11 năm 1951, Đại học Nalanda mới được thành lập dưới sự đề xướng của Đại đức Kassapa… Tổng thống Dr. Rajendra Prasad, Phó Tổng thống Dr. S. Radhak – Risham và Thủ tướng Nehru đều có đến tham dự. Trong bài diễn văn của Tổng thống R. Prasad đọc trong buổi lễ đặt đá có nói: “Muốn làm sống lại cái quá khứ sáng chói của Nalanda, một trung tâm học vấn của thế giới, Chánh phủ Bihar phải xây dựng Nalanda mới để giúp các học giả đi sâu vào ngôn ngữ Pāli và Sanskrit, văn chương và triết học Phật giáo. Chúng tôi hết sức tán thành sáng kiến cao đẹp ấy. Tên Nalanda đã ghi những dòng chữ vàng trong quyển lịch sử của đất nước chúng ta; không những nó đã làm nẩy nở rất nhiều bông hoa tư tưởng ở tại quốc nội, mà đã là trung tâm từ đó nền giáo dục tốt đẹp đã truyền rộng ra các nước trên thế giới”.

Mười năm sau khi Nalanda-mới được thành lập, Hòa thượng Thích Minh Châu, một du học tăng Việt Nam đã đến thọ giáo tại đây. Hòa thượng Thích Minh Châu là người từng đỗ đầu một kỳ thi M.A và là người đầu tiên đỗ bằng tiến sĩ của Nalanda-mới. Luận án tiến sĩ Phật học của Hòa thượng là So sánh Trung Bộ kinh chữ Pāli với Trung A-hàm chữ Hán (The Chinese Madhyama Àgama and The Pāli Majjhima Nikāya). Sự so sánh mở ra cái nhìn mới đầy khách quan về hai hệ thống kinh điển mà đối với Trung Hoa, mãi đến Ấn Thuận mới bắt đầu có sự so sánh đối chiếu, trong khi nơi ngài Ấn Thuận vẫn còn ít nhiều thiên kiến về Hán tạng. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, chính ngài Viện trưởng Moohejree, một học giả nổi tiếng Sanskrit và Luận lý học, đã đề xuất Chính phủ Ấn Độ mời Hòa thượng Minh Châu dạy về môn Pāli và Phật học tại đại học này. Thực ra, đó không chỉ là niềm tự hào của chúng tôi khi đứng giữa Nalanda, về một người Việt Nam đã nổi tiếng tại cái nôi học thuật này, mà chính là sự đóng góp lớn lao của Hòa thượng Minh Châu đối với Phật giáo Việt Nam.

Có thể nói, gần 2.000 năm Phật giáo Bắc truyền, người Trung Hoa không hề biết có một hệ kinh điển song song với bốn bộ A-hàm của họ là Nikāya, vốn là Phật pháp căn bản (Basic Budhisme), họ vẫn luôn xem A-hàm chỉ là Nguyên thủy (Primitic Budhisme), là Tiểu thừa với hàm ý thấp kém (xem Duy thức học thám nguyên của Ấn Thuận). Trái lại, các nước Phật giáo Nam truyền lại không biết gì đến Phật giáo Đại thừa (Mahayana) và họ còn xem kinh điển Bắc truyền như một thứ tà đạo. Khi chúng tôi đến thăm một ngôi chùa lớn ở thủ đô Colombo của Tích Lan, nhìn chiếc áo nâu lạ lẫm của tôi, các vị sư trẻ Theravada hỏi tôi về phái hệ. Sau khi biết tôi là người Việt Nam thuộc truyền thống Mahayana, họ đã khoát tay lịch sự đầy vẻ xã giao mà nói rằng: “Không sao không sao, mình đều là Phật tử cả”, làm như ngoài họ thì tất cả những người khác đều là ngoại đạo vậy. Nói thế để thấy rằng, Phật giáo Việt Nam hiện đại là một nền Phật giáo đặc biệt nhất thế giới khi dung hòa cả hai hệ thống kinh điển Nam tạng và Bắc tạng, và tất cả công lớn ấy đều xuất phát từ Hòa thượng Minh Châu.

Sau khi du học về nước, Hòa thượng đã dịch toàn bộ kinh tạng Pāli sang Việt ngữ, trong đó có: Trường Bộ, Trung Bộ, Tiểu Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và nhiều kinh điển khác. Trong các Học viện Phật giáo Việt Nam ngày nay, Tăng Ni sinh được học cả hai hệ thống kinh điển. Hai hệ thống bổ sung cho nhau. Chính hình ảnh Đức Phật lịch sử cùng những bài kinh gần gũi đã làm nền cho hình ảnh một Đức Phật pháp thân và những tư tưởng khai phóng tuyệt vời của kinh điển Bắc tạng. Nhờ đó, một tu sĩ Phật giáo Việt Nam có thể đi ra nước ngoài và tiếp nhận, dung hòa được văn hóa Phật giáo các nước một cách dễ dàng, không trở ngại. Sau Hòa thượng Minh Châu và các vị Hòa thượng đồng liêu như Hòa thượng Thiện Châu, Hòa thượng Huyền Vi, có Hòa thượng Chơn Thiện cũng sang học tại Ấn Độ. Với ảnh hưởng vị tiền bối của mình, Hòa thượng Chơn Thiện đã viết Phật học khái luận bằng cái nhìn dung hòa cả hai hệ thống kinh điển, tạo nên một ánh nhìn tham chiếu khá đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Sau Hòa thượng Chơn Thiện là đông đảo Tăng Ni sinh Việt Nam du học Ấn Độ, cũng như bủa khắp các nước Phật giáo Nam Bắc truyền, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng đến Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan. Sự đa dạng và dung hòa của Phật giáo Việt Nam sau này là điều hiển nhiên mà ngọn cờ đầu chính là Hòa thượng Thích Minh Châu.

Cách đây đúng 10 năm, người viết bài này có dịp đến ở lại tại Đại học Nalanda-mới ba ngày hai đêm. Lúc ấy có một vị Tăng Theravada người Việt Nam đang học tại đây, đó là Đại đức Thích Trí Quảng. Có hai sư cô Bắc tông Việt Nam ở đây nữa, nhưng hình như quý sư cô thuê phòng ở ngoài nên tôi không nhớ rõ pháp danh. Chính quý sư cô là người nấu cơm chay đem vào phòng của sư Trí Quảng để tiếp khách tăng Việt Nam. Trong các cuộc hàn huyên với sư Trí Quảng, nội cái chuyện chay mặn không thôi mà tôi đã không thông nổi, thì làm sao nói chuyện dung hòa đối với tư tưởng và kinh điển Nam tạng, Bắc tạng. Càng về sau, mình mới thấy cái ấu trĩ của mình khi nói chuyện với sư Trí Quảng, và càng thấy khâm phục các bậc tiền bối như Hòa thượng Minh Châu, vốn xuất thân từ Phật giáo Đại thừa truyền thống của Việt Nam sang Nalanda tu học và trở thành giáo sư tại học viện này, sau đó về nước, chỉ có chiếc y trên mình là khác với Phật giáo Việt Nam – thực ra đó mới là y phục truyền thống – còn tất cả hình ảnh của Hòa thượng là một vị danh tăng làm rạng rỡ Phật giáo Việt Nam thông qua Đại học đường Vạn Hạnh.

Đại học Vạn Hạnh được thành lập vào năm 1964, chỉ trong vòng hơn mười năm, Vạn Hạnh đã trở thành viện đại học nổi tiếng, quy tụ rất nhiều những trí thức thượng thặng miền Nam trước 1975. Tạp chí Tư Tưởng thuộc Tu thư Vạn Hạnh đã trở thành một tạp chí giá trị và có uy tín nhất từ trước đến nay mà hiện tại vẫn còn nhiều người tìm đọc. Dưới sự chủ trì của Hòa thượng Minh Châu, Đại học Vạn Hạnh trở thành bước đột phá của giáo dục PGVN, song song với hệ thống tư thục Bồ Đề, giáo dục PGVN đã tách riêng khỏi giáo dục công lập và trở lại đóng góp cho giáo dục nước nhà rất nhiều thành phần ưu tú cũng như tư tưởng ưu việt của Phật giáo giữa một quốc gia nhỏ bé trước sự bành trướng phương Bắc, mà vẫn tự lập tự cường và ngẩng cao đầu về phương diện học thuật rất riêng của nó.

Nếu xem kinh điển của PGVN hiện tại đã được phiên dịch gồm hai phần Nam tạng và Bắc tạng, thì có thể nói không ngoa rằng Hòa thượng Minh Châu đã gánh hết một nửa bồ chữ của kinh điển PGVN. Tất nhiên đó là nói theo hệ kinh điển chứ không nói theo số lượng. Có thể có rất nhiều người không đồng quan điểm khi nhìn Hòa thượng dưới góc độ chính trị hay phái biệt. Nhưng dưới góc nhìn văn hóa giáo dục, hình ảnh Hòa thượng là một bậc Thầy lớn của tất cả Tăng, tín đồ Phật tử Việt Nam.

Đi một vòng quanh đất nước Ấn Độ, có rất nhiều nơi người ta không biết đến người Việt Nam. Nhưng khi phái đoàn chúng tôi đến Nalanda, vừa xuống xe, các hàng quán hai bên liền mở đĩa các Phật tích bằng tiếng Việt, tiếng Việt vang vang khắp hai bên đường trong một buổi chiều đất khách làm chúng tôi rất vui. Ngay cả các tác phẩm thủ công mỹ nghệ được bày bán ở đây cũng có cái gì đó rất Việt Nam, rất Đông Nam Á, đặc biệt là các túi xách bằng vải lụa hay các đồ vật, từ hoa văn họa tiết đến kiểu dáng đều rất Việt Nam. Chi tiết đó tuy nhỏ nhưng rất ấn tượng đối với người viết bài này.

Đứng giữa Huyền Trang Kỷ niệm đường, cách Nalanda cũ một cái hồ rất rộng, nước trong xanh và mát rượi, chúng tôi đảnh lễ pho tượng của ngài Huyền Trang. Đây là một kiến trúc do Chính phủ Ấn Độ xây dựng để tưởng niệm công ơn của Đường Tăng đã đóng góp rất lớn cho việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa Ấn Độ vào thế kỷ thứ VII. Chúng ta không thể dựng tượng Hòa thượng Minh Châu nơi này, nhưng trong một không gian tưởng niệm đặc biệt tại Nalanda, công đức của Hòa thượng Minh Châu đã dựng hình trong tâm khảm hàng Phật tử Việt Nam trên đất Ấn. Hòa thượng Thích Minh Cảnh đã nói với chúng tôi: “Nếu chưa đến Nalanda, người ta sẽ chưa thấy hết được cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng Minh Châu”. Trong niềm cảm kích đó, chúng tôi đã đảnh lễ trước tượng của ngài Huyền Trang như đảnh lễ một vị đại diện cho các nhà chiêm bái Ấn Độ từ xưa đến nay, trong đó có hình ảnh của vị Trưởng lão Việt Nam có dáng người thấp bé với chiếc y vàng bá nạp chéo vai, có hàng lông mày trắng muốt phủ xuống hai mi mắt, nụ cười đôn hậu, hiền hòa, nhưng cuộc đời và sự nghiệp còn phải nói đến rất nhiều và lưu mãi đến ngàn sau.

Hiển thị thêm
Back to top button