Thích Nguyên Hồng: Giáo dục học
GIÁO DỤC HỌC
Tác giả: THÍCH NGUYÊN HỒNG
Phân Khoa Giáo Dục | Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản, 1965
Tài liệu học tập dành riêng cho Sinh viên Phân khoa Giáo dục
Lotus Media ấn tống, PL 2565 | DL 2021
MỤC LỤC
VẤN ĐỀ TỔNG QUÁT
SƠ LƯỢC VỀ NỀN GIÁO DỤC THỜI CỔ
SỰ DI CHUYỂN TỪ GIÁO DỤC ĐÔNG PHƯƠNG SANG TÂY PHƯƠNG
CÁC QUỐC GIA ĐIỂN HÌNH CHO NỀN VĂN MINH TÂY PHƯƠNG
TIẾN TRÌNH LIÊN TỤC CỦA TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC TÂY PHƯƠNG
VẤN ĐỀ GIÁO DỤC CỦA CÁC QUỐC GIA HẬU TIẾN
MỤC ĐÍCH CỦA GIÁO DỤC VÀ SỰ HÌNH THÀNH MẪU NGƯỜI LÝ TƯỞNG
THỬ TÌM HÌNH ẢNH MẪU NGƯỜI CHO VIỆT-NAM VÀ ĐỀ NGHỊ PHƯƠNG THỨC HÌNH THÀNH
PHỤ LỤC 1
PHỤ LỤC 2
GIÁO DỤC SỨC KHỎE VÀ SỰ LÀNH MẠNH
GIÁO DỤC TÌNH CẢM
SÁCH THAM KHẢO
I.
VẤN ĐỀ TỔNG QUÁT
1. THỬ TÌM MỘT Ý NGHĨA CHO GIÁO DỤC
Giáo dục là gì? Giáo dục có từ hồi nào và bao giờ thì chấm dứt?
Chúng ta không ai là không hấp thụ một nền giáo dục hoặc ít ra một hình thức giáo dục. Tuy nhiên chúng ta không khỏi lúng túng trước những câu hỏi trên vì khó có thể trả lời một cách trôi chảy, vắn tắt và trọn vẹn ý nghĩa.
Chúng ta hãy xem chim mẹ tập chim con chuyền cành, khỉ mẹ tập khỉ con lội qua con suối và gà mẹ trình diễn cách tìm kiếm thức ăn bên đống rác trước mặt đàn con. Rồi chim biết bay, khỉ biết lội và đàn gà đã biết mưu sinh không còn phải theo mẹ. Đó là lối giáo dục của loài động vật. Và như thế chúng ta có thể nói giáo dục đã hiện hữu rất sớm sủa từ khi có những động vật thượng đẳng xuất hiện trên trái đất. Lối giáo dục thô sơ này chỉ là sự truyền tiếp kinh nghiệm cho thế hệ sau qua bản năng sinh tồn mà chính loài người cũng bắt đầu từ đó. Có điều là loài vật không có khả năng truyền đạt bằng ngôn ngữ và không có óc sáng tạo nên ngàn muôn năm lối giáo dục của chúng vẫn không thay đổi. Trái lại loài người cũng khởi đầu giáo dục qua bản năng sinh tồn nhưng dần dần tiến đến ý thức giáo dục. Rồi từ đó loài người đã tiến rất nhanh và rất phong phú về quan niệm giáo dục, phương pháp giáo dục. Họ biết nhận định đối tượng của giáo dục và thấy được mục đích giáo dục mà họ hướng đến. Và vì thế giáo dục thời cổ đã không còn giống thời hiện đại, nó cũng không còn giống nhau ở Đông phương và Tây phương, ở xã hội này và xã hội khác, khiến chúng ta khó tìm được một định nghĩa ngắn gọn cho hai chữ giáo dục. Khi đặt câu hỏi “giáo dục là gì?” W.O. Lester Smith, giáo sư Đại học Luân Đôn, chủ tịch Hội nghiên cứu giáo dục Anh quốc đã nói:
“Khi nghĩ về giáo dục chúng ta không được quên rằng giáo dục có tính cách thành trưởng của một cơ thể sinh động. Trong khi có những tùy thuộc thường xuyên nó vẫn liên tục thay đổi tự thích ứng với những nhu cầu mới và hoàn cảnh mới”. (When thinking about education we must not forget that it has the growing quality of a living organism. While it has permanent attributes, it is constantly changing, adapting ifself to new demands and new circumstances)[1]. Giáo dục do đó không phải chỉ thay đổi theo thời gian mà còn thay đổi theo hoàn cảnh nữa. Nó mang ý nghĩa và quan niệm khác nhau theo mỗi hoàn cảnh xã hội và ngay cả trong cùng một quốc gia nó cũng đòi hỏi một ý nghĩa một quan niệm khác nhau cho vùng nông thôn và đô thị kỹ nghệ. Nếu cứ khư khư muốn giản lược ý nghĩa giáo dục vào một danh từ hoặc bảo giáo dục là thế này, là thế khác theo chủ quan của mình, điều đó ắt không phải thái độ của nhà giáo dục. Disraeli đã có lần bảo rằng ông rất ghét những định nghĩa. Ông cho rằng trong việc nghiên cứu giáo dục những định nghĩa ấy không khác những tên đầy tớ tốt nhưng là những ông chủ xấu. Vì sao vậy? Vì nó phục vụ trung thành cho một quan điểm chủ quan và do đó giết chết ý tưởng, sáng kiến về những quan niệm rộng rãi và phương cách thích nghi trong tiến trình sinh hoạt của loài người trên mặt đất.
2. DANH TỪ GIÁO DỤC TRONG QUAN NIỆM SƠ KHỞI CỦA ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG
Theo danh từ chữ Hán thì giáo nghĩa là dạy. Chữ giáo chỉ sự rèn luyện về đường tinh thần nhằm phát triển trí thức và huấn luyện tình cảm đạo đức. Dục nghĩa là nuôi tức săn sóc về mặt thể chất. Vậy giáo dục là một sự đào luyện con người về cả ba phương diện trí thuệ, tình cảm và thể chất.
Về phía Tây phương, danh từ Education vốn phát xuất từ chữ Educare của tiếng Latin. Chữ E có nghĩa là out và chữ ducare có nghĩa là to lead. Động từ Educare là dắt dẫn, hướng dẫn để làm phát khởi ra những khả năng tiềm tại. Sự dắt dẫn này nhằm đưa con người từ không biết đến biết, từ xấu đến tốt, từ thấp kém đến đầy đủ tốt đẹp v.v… Danh từ Education xuất hiện ở Pháp từ đầu thế kỷ 16 nhưng đến giữa thế kỷ 17 Hàn Lâm Viện Pháp mới định nghĩa lần đầu tiên như sau: “Giáo dục là sự săn sóc dạy dỗ trẻ em hoặc về phương diện trí tuệ hoặc về phương diện thể chất”. (Le soin qu’on prend de l’instruction des enfants, soit en ce qui regarde les exercices de l’esprit, soit en ce qui regarde les exercices du corps). Như vậy lúc đầu chữ Education đồng nghĩa với chữ Instruction, nghĩa là giảng dạy hay nói cách khác là sự truyền thụ kiến thức làm cho nảy nở thêm lên ví như vun trồng loài cây hay tập luyện loài vật vậy.
Như thế ta thấy rằng trong quan niệm sơ khởi về giáo dục, Đông phương cũng như Tây phương đều giống nhau ở chỗ lấy con người làm đối tượng và nhằm phát triển ba phương diện trí tuệ, tình cảm và thể chất.
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU HOẶC THẢO LUẬN
- Nên định nghĩa giáo dục hay nên tìm hiểu ý nghĩa giáo dục?
- Những định nghĩa giáo dục sẽ là những tên đầy tớ tốt nhưng là những ông chủ xấu. Tại sao người ta có thể bảo như vậy?
- Giáo dục bắt đầu từ lúc nào và bao giờ thì chấm dứt?
- Những đồng điểm và dị điểm giữa hai quan niệm sơ khởi của giáo dục Đông phương và Tây phương?
___________
[1] W. O. Lester Smith, Education, Penguin books, 1694, p.7.