Thích Nguyên Hồng: Giáo dục học

IV.
CÁC QUỐC GIA ĐIỂN HÌNH CHO NỀN VĂN MINH
TÂY PHƯƠNG

 

Người Hi-lạp ứng dụng những nguyên tắc về phát triển và tiến bộ để tái tổ chức giáo dục mà họ xem như là vấn đề căn bản của văn hóa của họ. Có ba đường nét chính tiêu biểu cho nền giáo dục cổ Hi-lạp như sau:

a) Giáo dục dưới ảnh hưởng của Homer (Homeric education)

Đây là nền giáo dục đã có từ thời tiền sử cho đến 776 trước kỷ nguyên Tây lịch và là tư tưởng cộng thông của Hi- lạp phản ảnh cái ý muốn xác nhận giá trị cá nhân. Lý tưởng giáo dục này là tạo dựng hai hình ảnh của con người: con người của trí tuệ (The man of wisdom), thí dụ trong Odysseus và con người của hành động (The man of action), thí dụ trong Achilles. Tất cả tính chất cần thiết cho đời sống cộng đồng đều được dạy. Chương trình tập trung vào sự huấn luyện quân sự, kỹ nghệ và văn hóa. Ngoài ra cũng có những khoản mục tiêu khiển dành cho thì giờ nhàn rỗi như âm nhạc và kể truyện. Đơn vị căn bản của giáo dục là gia đình và bộ tộc. Phương pháp giáo dục là mô phỏng và tham gia.

b) Giáo dục Sparta (Spartan education)

Thời kỳ Spartan kéo dài suốt lịch sử cổ Hi-lạp. Đây là thời kỳ giáo dục chú trọng vào “con người của hành động” cho nên chương trình đặt nặng về huấn luyện thể dục và quân sự mặc dầu vẫn có các môn đạo đức, công dân, xã hội. Nhà nước kiểm soát các cơ sở giáo dục. Con trai, con gái được dạy dỗ tại gia cho đến 7 tuổi. Sau đó trẻ em được đưa đến huấn luyện thể dục và quân sự ở các trại lính, 15 tuổi thì được luyện tập binh nghiệp ở mặt trận, và 20 tuổi thì nhập ngũ cho đến 30 tuổi. Tính cách hoạt động đi đôi với kỷ luật nghiêm khắc và tàn bạo là phương pháp của giáo dục Sparta.

c) Giáo dục Athens (Athenian education)

Nền giáo dục này đặt nặng vào sự phát triển cá nhân của con người toàn diện. Chương trình huấn luyện chú trọng vào công dân giáo dục, đạo đức, sức mạnh trí tuệ và sự điều hòa của thân thể. Không có giáo dục nghề nghiệp và tề gia nội trợ, vì phần việc này đã có bọn nô lệ đảm đương. Trẻ con được tập đọc, tập viết, làm tính và âm nhạc. Chúng cũng được bắt đầu tập thể thao, thể dục và huấn luyện quân sự. Mô phỏng, cạnh tranh, tham dự là những phương pháp giáo dục của thời kỳ này.

1. NỀN GIÁO DỤC LA-MÃ

Người ta ghi nhận rằng tiến trình giáo dục của nền giáo dục La-mã cũng tương tự như của Hi-lạp. Người La-mã chủ trương xây dựng quốc gia họ bằng binh lực. Chủ nghĩa công lợi (Utilitarianism) được coi như là chủ nghĩa lãnh đạo cái tham vọng giáo dục của người La-mã. Sau đây là vài nét tóm tắt các biến đổi của nền giáo dục từ Tiền La-mã đến Hậu La- mã:

TIỀN LA-MÃ:

– Mục tiêu: Xây dựng một quân quốc; người công dân có bổn phận; công lợi chủ nghĩa.

– Luyện tập: Thể dục, công dân, chức nghiệp, gia đình, đạo đức, tôn giáo.

– Chương trình: Truyền thuyết, dân dao, luật pháp, nghi lễ tôn giáo, tài quân sự và thương mãi.

– Cơ sơ giáo dục: Gia đình, trại lính, diễn đàn, nông trại, hiệu buôn.

– Phương pháp: Trực tiếp mô phỏng; phương pháp ký lục; ký ức; kỷ luật khắt khe.

HẬU LA-MÃ:

– Mục tiêu: Phát triển trí tuệ để xây dựng quốc gia, đào tạo những nhà hùng biện.

– Luyện tập: Giáo dục trí truệ, tinh thần công dân, khả năng luận thuyết.

– Chương trình: Đọc, viết, tính toán, địa lý, sử ký, khoa học tự nhiên, thần thoại, văn phạm, tu từ học, âm nhạc.

– Cơ sơ giáo dục: Các loại trường theo kiểu Hi-lạp: custodes, literator, Grammaticus.

– Phương pháp: Ký ức và mô phỏng; luyện tập; phương pháp hùng biện; cá tính hóa; kỷ luật mềm dẻo.[1]

2. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA THIÊN CHÚA GIÁO

Gần 2000 năm qua Thiên Chúa giáo đã chi phối nền văn minh và văn hóa của thế giới Tây phương qua ảnh hưởng sâu xa của lý thuyết và đường lối thực hành giáo dục. Jesus dạy các môn đồ về đạo đức luân lý xã hội tôn giáo và tin tưởng vào sự cứu rỗi tất cả. Nội dung những điều dạy dỗ của Jesus là những nguyên tắc thông thường về sự liên hệ nhân đạo hơn là những qui luật và sự ứng dụng của nền giáo dục trước[2]. Thông điệp về sự cứu rỗi của Jesus được coi như là sự đem lại cho cá nhân sự hoàn thành nhân cách cao tột. Mục tiêu tối thượng này của Thiên Chúa giáo có thể lược tóm vào các điều rao giảng quan trọng dưới đây:

– Trước tiên, tôn giáo này nhìn nhận con người có một đời sống tâm linh hiện hữu ngay giữa thế giới vật chất này và cả ở thế giới khác.

– Điểm thứ hai, tôn giáo này không những chỉ rao truyền mối hi vọng về một đời sống cao cả mà còn nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều có thể thực hiện được mối hi vọng ấy.

– Điểm thứ ba, Thiên Chúa giáo kêu gọi con người hòa đồng vào cái toàn thể hơn là sự hạn hẹp về bộ tộc, gia đình, nam nữ, giai cấp, quốc giới hay chủng tộc. Cái toàn thể đó là Thượng đế.

– Điểm thứ tư, Thiên Chúa giáo làm thanh sạch những tình tự (emotions) của con người như phát triển sự cao quí, nâng đỡ sự thấp kém. Tôn giáo này không những chỉ dạy sự đồng nhất hóa vào cái toàn thể mà còn dạy cho phương pháp để đồng nhất hóa. Đó là tình yêu, tình yêu bằng hành động chứ không phải bằng danh nghĩa.

Tuy nhiên lịch sử truyền bá đạo Thiên Chúa đã cho thấy rằng tổ chức giáo dục của các trường dòng không những chỉ thất bại trong việc thực hiện mục đích cao đẹp mà thường thường còn phản lại mục đích ấy. Thông điệp tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại đôi khi bị ô nhiễm đọa lạc vào sự ganh ghét kỳ thị giáo phái, là lý do của chiến tranh bạo lực và áp bức, là sự biện minh cho một nhóm phe phái hoặc giai cấp được ưu đãi, là sự xao lảng những đòi hỏi hiện tại trong việc dọn mình cho cuộc sống đời đời và chối bỏ cái khả năng tính bình đẳng của toàn thể nhân loại (The frequently depressing history of the spread of Christianity reveals that the educative institutions established by the various sects of its adberents not only failed to realize its high purposes, but that they frequently worked against these purposes. The Christian message of love for mankind was sometimes corrupted into a hatred for dissenters; an excuse for war, violence, and coercion; justification of privileged groups or ranks; neglect of present needs in favor of exclusive preparation for eternal life; and denial of the potential equality of all humans in the spiritual life).[3]

Dù sao, nếu nói dân Hebrew và quốc gia Do-thái đã đóng cái vai trò du nhập nền văn hóa Đông phương sang Tây phương như cái cầu nối liền hai chân trời Đông và Tây thì có thể nói Thiên Chúa giáo đã phát huy giáo dục của nền văn minh đó nhất là sự đóng góp của Thiên Chúa giáo kể từ thời Phục-hưng (Renaissance) về sau mà ảnh hưởng đã bao trùm nền giáo dục Tây phương qua nhiều thời đại.

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU HOẶC THẢO LUẬN

Giáo dục Thiên Chúa giáo kêu gọi con người hòa đồng vào cái toàn thể hơn là sự hẹp hòi về bộ tộc, gia đình, nam nữ, giai cấp, quốc giới hay chủng tộc. Cái toàn thể đó, theo Thiên Chúa giáo, là Thượng đế.

__________

[1] Theo The Educator’s Encyclopedia, Prentice-Hall, 1969, tr. 13-16.
[2] Trích dịch trong The Educator’s Encyclopedia, Prentice-Hall, 1969, tr. 16.
[3] Rena Foy, The World of Education, Collier-MacMillan Limited, London, 1969, tr. 31.

Previous page 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11Next page
Hiển thị thêm
Back to top button