Thích Nguyên Tạng: Hơi thở, đường dẫn đến chánh niệm

Trưa Chủ Nhật ngày 30/1/2022, chúng con hàng đệ tử xuất gia và tại gia thuộc Tu Viện Quảng Đức, thành phố Melbourne, Úc Châu, đã trang nghiêm chí thành tổ chức lễ Tưởng Niệm Sư Ông Làng Mai, ngõ hầu đáp đền phần nào công ơn giáo dưỡng của Người đối với Đạo Tràng Quảng Đức chúng con.

Thầy Viện Chủ Thích Tâm Phương từng có duyên tháp tùng cùng Sư Ông trong chuyến hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ vào năm 1988, cũng trong dịp này, Ngài được Sư ông giao trách nhiệm cạo tóc cho Sư Cô Chân Không trên Linh Thứu Sơn, sau khi đã được Sư Ông làm lễ sái tịnh thế phát xuất gia. Những năm sau đó, Thầy Viện Chủ cũng có nhiều dịp theo thọ Pháp với Sư Ông ở Làng Mai Pháp Quốc và Thái Lan. Đặc biệt cuối cùng Thầy Viện Chủ cũng lại có duyên được về Tổ Đình Từ Hiếu dự lễ tang và phụng tống Kim quan của Sư Ông đến nơi trà tỳ.

Bản thân con, dù chưa có duyên gặp Sư Ông, nhưng đã thọ ơn và học hỏi rất nhiều qua những kinh sách của Sư Ông. Trong buổi giảng cho lớp bậc Lực 1 Gia đình Phật tử VN Hải Ngoại trên Google Meet online ngày Chủ nhật 13/12/2020, con có thưa rõ một điều mà ai cũng thừa nhận, là tất cả thế hệ Tăng Ni và Phật tử VN từ thập niên 50 trở đi, đều thọ ơn giáo dưỡng trực tiếp hoặc gián tiếp từ Sư Ông Làng Mai.

“Ân giáo dưỡng khai mầm tuệ giác
Nghĩa Tôn sư thắp sáng đạo mầu”.

Rõ ràng Sư Ông là một người có công đặt nền móng cho nền giáo dục PGVN qua Đại Học Vạn Hạnh, làm chủ bút Nguyệt san Phật giáo Việt Nam và Tuần san Hải Triều Âm, mở nhà in Lá Bối, thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Dòng tu Tiếp Hiện và tổ chức Phật Giáo Dấn Thân. Sư Ông là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia, một nhà hoạt động hòa bình, nhưng quan trọng nhất Sư Ông là một nhà Phật học lỗi lạc, để lại phía sau mình 120 tác phẩm giá trị, hàng ngàn bài pháp thoại cùng những bài kệ sám tụng niệm mỗi ngày do Sư Ông biên soạn, đã ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tầng lớp Tăng Ni và Phật tử VN.

Riêng con tâm đắc nhất là các bộ sách: Để Hiểu Đạo Phật, Hoa Sen Trong Biển Lửa, Đạo Phật Hiện Đại Hóa, Nẻo Về Của Ý, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Đường Xưa Mây Trắng, Trái Tim Mặt Trời, Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức, Thi Kệ Thực Tập Chánh Niệm, Nghi Thức Nhật Tụng Thiền Môn 2000, đặc biệt nhất là Kinh Quán Niệm Hơi Thở, do chính Sư Ông Làng Mai khám phá và dịch từ Kinh tạng Pali: “Anapanasati Sutta”, và “Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm” (dịch từ Hán Tạng).

Sư Ông tuyên bố “đã tìm ra kho báu giác ngộ” sau khi dịch xong bản Kinh này, gồm 16 phép quán chánh niệm theo hơi thở mà Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết tại Tịnh Xá Kỳ Viên Cấp Cô Độc. Kinh này cũng tìm thấy trong Trung Bộ Kinh số 118 (Majjhima Nikàya) và các Kinh số 815, 803 và 810 của bộ Tạp A Hàm, 99 Tạng Kinh Đại Chánh).

Theo lời dạy của Sư Ông Làng Mai thì Kinh Quán Niệm Hơi Thở, được sử dụng như là một sợi dây có công năng nối kết thân tâm lại một mối. Hơi thở là một khí cụ vi diệu giúp hành giả thiết lập chánh niệm và an trú thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại, để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong ta và quanh ta. Chánh niệm giúp ta biết được những gì đang xảy ra bên trong hay ngoài thân ta.

Do đó Kinh Quán Niệm Hơi Thở có công năng hướng dẫn hành giả đạt tới khả năng nuôi dưỡng, trị liệu, chuyển hóa và cuối cùng đạt tới giác ngộ, giải thoát tự thân ngay trong kiếp sống hiện tại.

Từ lời dạy căn bản của Đức Thế Tôn trong Kinh này:

-Thở vào, tôi biết đây là hơi thở vào
-Thở ra, tôi biết đây là hơi thở ra
-Thở vào một hơi dài hoặc một hơi ngắn hành giả biết rằng hơi thở của mình dài hay ngắn
-Thở ra một hơi dài hoặc một hơi ngắn hành giả biết hơi thở của mình dài hay ngắn
-Thở vào tôi ý thức được toàn thân tôi
-Thở ra tôi biết hình hài tôi có đó.
…v.v…

Sư Ông Làng Mai đã biên soạn thành 16 bài thực tập quán niệm hơi thở qua Tứ Niệm Xứ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp theo ngôn ngữ hiện đại để giúp hành giả dễ tiếp thu và thực tập như: Nhận diện hơi thở vào / ra; Theo dõi hơi thở dài / ngắn; Nhận diện sự có mặt của toàn thân; Buông thư, làm lắng dịu toàn thân v.v…

Rồi Sư Ông viết những bài kệ để triển khai rộng hơn về cốt tủy của Kinh này để người học dễ nhớ và áp dụng:

Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giây phút đẹp tuyệt vời

Khi đi thiền hành, chúng đệ tử có thể thực tập theo bài này:

“Đã về
Đã tới
Bây giờ
Ở đây
Vững chãi
Thảnh thơi
Quay về
Nương tựa
Nay tôi đã về
Nay tôi đã tới
An trú bây giờ
An trú ở đây
Vững chãi như núi xanh
Thảnh thơi dường mây trắng
Cửa vô sinh mở rồi
Trạm nhiên và bất động”

Trưa ngày 22/1/2022 nhiều tờ báo lớn Phương Tây như Washington Post, New York Time (USA), The Guardian (Anh), Sydney Morning Herald (Úc) đều đưa tin “Thiền Sư Nhất Hạnh, người cha đẻ của Thiền Chánh Niệm (Thich Nhat Hanh: ‘Father of mindfulness’) đã an nhiên viên tịch tại Thất Lắng Nghe, Tổ đình Từ Hiếu, cố đô Huế, Việt Nam, trụ thế 96 tuổi.

Sở dĩ Sư Ông Làng Mai được người Tây Phương tôn vinh Ngài là “Cha đẻ của Chánh niệm”, chỉ vì trong gần 40 năm sống xa quê hương, Sư Ông là người tiên phong đem pháp môn Chánh niệm tỉnh thức truyền dạy cho xã hội Tây phương. Có thể nói là hàng triệu người trên thế giới đã thừa tư lợi ích từ việc thực tập theo pháp Thiền quán niệm hơi thở của Sư Ông.

Như Đức Thế Tôn ngày xưa, lời dạy của Sư Ông là đến để thấy, hiểu và thực hành chứ không phải đến để tin. Sư Ông dạy:“Mỗi hơi thở, mỗi bước đi của chúng ta có thể lấp đầy bởi bình an, hạnh phúc và sự thanh thản”. Sư Ông nhắc nhở rằng, hơi thở là người bạn quan trọng và trung thành nhất của chính mình, phải biết trân quý hơi thở, duy trì sự thực tập có mặt với hơi thở trong mỗi phút giây của đời sống. Sư Ông đã nói rõ điều này:

“Mỗi phút một viên ngọc quý
Tóm thâu đất nước trời mây
Chỉ cần một hơi thở nhẹ
Là bao phép lạ hiển bày”.

Có lẽ lời dạy của Sư Ông Làng Mai về hơi thở được mọi người trân quý và xem trọng nhiều hơn, sau khi một tai nạn hy hữu xảy ra cho đội bóng thiếu niên gồm 12 bé trai (tuổi từ 11 đến 16) và huấn luyện viên 25 tuổi suýt chết trong hang động ở Thái Lan vì nước ngập và thiếu oxy, cả quốc gia phải cầu nguyện và chạy đua với thời gian để cứu hộ các em.

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 23 tháng 6 năm 2018, một nhóm 12 cậu bé từ một đội bóng đá, cùng với huấn luyện viên của họ vào tham quan và bị mắc kẹt trong hang  động Tham Luang Nang Non ở tỉnh Chiang Rai của Thái Lan, sau khi mưa lớn làm ngập một phần hang động. Họ đã được báo cáo mất tích sau một vài giờ, và các hoạt động tìm kiếm đã được bắt đầu ngay lập tức. Mặc dù đồ đạc được tìm thấy đã xác nhận rằng nhóm có khả năng ở trong hang, nhưng những nỗ lực để xác định vị trí của họ bị cản trở bởi mực nước dâng cao, không thể vào bên trong hang và không thể liên lạc với họ trong hơn một tuần. Nỗ lực cứu hộ mở rộng thành một hoạt động lớn do chính phủ Thái, trong bối cảnh truyền thông đưa tin dày đặc và sự quan tâm của công chúng Thái Lan. Sau khi cố gắng vượt qua các lối hẹp và nước bùn, các thợ lặn phát hiện ra những người mất tích, tất cả đều sống trên một tảng đá cao ở vị trí cách miệng hang động khoảng 4 km theo đường chim bay, lúc đó là ngày 2 tháng 7, hơn chín ngày sau khi họ mất tích. Để rời khỏi hang động, họ có thể cần phải học cách lặn hoặc chờ vài tháng để lũ lụt rút đi. Hơn 1.800 người đã tham gia vào hoạt động cứu hộ, bao gồm lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Thái Lan cũng như các đội và tình nguyện viên đến từ Anh Quốc, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Úc, Hoa Kỳ, Nhật, Nga, Phần Lan, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Ukraina, Israel, Ấn Độ, Séc, Canada, Philippines. Một cựu sĩ quan hải quân Thái Lan 38 tuổi thuộc lực lượng thợ lặn cứu hộ đã tử vong lúc 1 giờ sáng ngày 6/7/2018 vì thiếu dưỡng khí. Cuối cùng hoạt động giải cứu chính thức từ 8 tháng 7 năm 2018, chia làm 3 đợt trong 3 ngày liên tiếp. mỗi đợt có khoảng 90 đến hơn 100 nhân viên cứu hộ Thái Lan và quốc tế tham gia, trong đó bao gồm 18 hay 19 thợ lặn chính (phần lớn của nước ngoài) có nhiệm vụ trực tiếp đưa các em ra ngoài. Đến ngày 10 tháng 7 năm 2018, toàn bộ 13 thành viên của đội bóng nhí Thái Lan đã được giải cứu thành công.

Con nhớ trong một bài giảng Sư Ông dạy cách trở về hơi thở để vượt qua cơn giông tố của cuộc đời. Khi cơn bão tấn công, ta đừng chú ý đến nhánh cây, đọt cây trên cao mà đưa mắt nhìn xuống thân cây và gốc cây ở dưới cùng, điều đó sẽ giúp cho ta có cảm giác an tâm hơn. Vì thân cây và gốc cây đang đứng vững nhờ rễ cây cắm sâu vào lòng đất, cây sẽ không bị cơn bão quật ngã, trái lại nếu cứ chú tâm lên đọt cây thì lo lắng sợ hãi cây sẽ gãy đổ vào bất cứ lúc nào. Con người cũng vậy, rất dễ bị những bão tố cảm xúc tấn công và hủy diệt. Về thân, gốc của thân là nằm ở huyệt Đan Điền (dưới lỗ rốn 3cm) đó là “ruộng trồng thuốc”, là nơi tàng trữ chân khí và là nguồn sống của con người, nếu thở đúng cách sẽ giúp cho sức khỏe của con người được cải tử hoàn sinh, trường sinh bất lão. Sư Ông dạy mỗi khi bị giông tố cảm xúc (tham, sân, si…) tấn công, ta đừng bám trú quanh quẩn ở vùng não bộ và trái tim, mà hãy chú tâm và đưa hơi thở xuống huyệt Đan Điền. Hãy chánh niệm tĩnh giác, ngồi thẳng kiết già, hít sâu vào bằng mũi, bụng phình lên, và thở mạnh ra bằng miệng bụng xẹp xuống, khí ở đâu thì ý ở đó. Cứ thở theo nguyên tắc “Sâu, dài, đều đặn và nhẹ nhàng”, chỉ cần hít thở khoảng 15, 20 phút thì cơn bão cảm xúc sẽ đi qua dễ dàng như chưa từng có gì xảy ra. Về tâm cũng vậy, ta hãy chú mục vào Tạng thức ẩn tàng bên dưới khi bão tố tâm lý đến, ta không cứ chạy theo ý thức và cảm thọ bên trên, hãy lập tức nắm lấy hơi thở và an trú nơi hải đảo Tam Bảo với bài Thần chú này:

Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần
Hơi thở là Pháp
Bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là Tăng
Phối hợp tinh cần
Thở vào thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang.

Lời kết:

Con rất thích câu kệ của Sư Ông Làng Mai mà con thường nhắc nhở chúng đệ tử Tu Viện Quảng Đức qua các bài pháp thoại trong thời gian cách ly dịch bệnh vừa qua:

Thất niệm là bóng đêm
Chánh niệm là ánh sáng
Đưa tỉnh thức trở về
Cho thế gian tỏ rạng.

Chúng ta luôn sống trong bóng đêm của thất niệm vọng tưởng điên đảo, phải sớm đi ra để vào vùng ánh sáng chánh niệm, muốn chánh niệm phải trở về với tỉnh thức, muốn tỉnh thức phải quay về với hơi thở. Cuối cùng hơi thở vẫn là chiếc chìa khóa vàng cho hành giả mở tung cánh cửa ngục tù vô minh, xiềng xích giam hãm chúng ta lâu nay. Đơn giản, một khi hành giả an trú vào hơi thở, theo dõi và làm chủ hơi thở, sống trong giây phút mầu nhiệm hiện tiền rõ biết. Đó là lúc tâm ta hoàn toàn rỗng lặng, vô niệm, không tán loạn, không vọng tưởng điên đảo, mà không vọng tưởng thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không còn bị nghiệp dẫn dắt đi luân hồi tái sanh, nên ngay đó ta đạt đến chỗ vô sanh, mà vô sanh là Niết bàn, giải thoát. Đây là điểm đến cuối cùng của hành giả trong đời này, và cũng là tim óc của Sư Ông Làng Mai, suốt cả một đời luôn kêu gọi mọi người hãy thở và cười:

Thức dậy thở và cười
Mỗi giây thở và cười
Mỗi phút thở và cười
Ta có nụ cười vui.

Sáng dậy thở và cười
Trưa đến thở và cười
Tối về thở và cười
Ta có một ngày vui.

Mọi người hãy thở và cười, vì đó là đường dẫn đến chánh niệm, nền móng của giác ngộ và giải thoát.

Chúng con thành kính đảnh lễ niệm ơn Sư Ông đã thị hiện và giáo hóa cho hàng đệ tử Việt Nam và thế giới gần một thế kỷ qua, nguyện cầu Giác linh Sư Ông cao đăng Phật quốc và sớm tái sanh trở lại thế giới Ta Bà để tiếp tục công cuộc hoằng Pháp lợi sanh.

Nam Mô Ma Ha Tỷ Kheo Bồ Tát Giới thượng Nhất hạ Hạnh Giác Linh Tôn Sư tác đại chứng minh.

Viết tại Tu Viện Quảng Đức ngày 30/01/2022
Thích Nguyên Tạng

Hiển thị thêm
Back to top button