Thích Nguyên Tạng: Ước nguyện Phật Việt dang dở

Như thường lệ, mỗi sáng sớm thức dậy công phu khuya xong, tôi mở máy để cập nhật tài liệu cho trang nhà Quảng Đức, sáng nay vừa mở máy thì nhận được email thông báo khẩn của TT Nguyên Đạt gởi đi từ Houston, Texas báo tin “TT Hạnh Tuấn qua đời vì tại nạn xe ở Chicago” và có cho số phone của Thầy Thông Viên để hỏi thăm chi tiết. Tôi liền gọi điện thoại viễn liên cho Thầy Thông Viên, Thầy ấy nghe phone và cho biết đang trên đường về lại Chùa Trúc Lâm từ địa điểm Thầy Hạnh Tuấn bị nạn. ĐĐ Thông Viên xác nhận tin buồn đó là sự thật. Tiếp đó Cư Sĩ Tâm Huy (Việt Báo Cali) gởi bản tin đầu tiên về sự ra đi bất ngờ của Thầy Hạnh Tuấn vì tai nạn nổ đường ống gas chứ không phải là tai nạn xe cộ. Một lần nữa để xác tín mọi thông tin trước khi online vào trang nhà Quảng Đức, tôi đã gọi phone cho ba vị khác, đó là TT Từ Lực (Trụ Trì Chùa Phổ Từ San Jose), anh Minh Trí (Chùa Quang Minh, Chicago) và anh Trí Bảo (Chùa Trúc Lâm, Chicago), tất cả đều đau buồn xác định một cách chắc chắn về tin viên tịch của Thầy Hạnh Tuấn và đang tất bật chuẩn bị mọi thứ cho tang lễ của Thầy diễn ra tại Chùa Trúc Lâm Chicago.

Tin buồn này tiếp đó đã được trang nhà Quảng Đức loan tải và gởi đi khắp thế giới, khiến cho tất cả mọi người đều bàng hoàng sửng sốt về sự ra đi vĩnh viễn của Thầy Hạnh Tuấn, vì Thầy là một bậc Tăng tài của Giáo hội Hoa Kỳ cũng như Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh; Thầy là một vị Sa môn tài đức, khiêm hạ, hòa ái mà xả bỏ nhục thân quá sớm để Giáo Hội mất đi một Thích tử kế thừa mạng mạch, tục diệm truyền đăng, nhất là hàng Phật tử Chùa Trúc Lâm Chicago mất đi một vị Thầy đức độ khả kính.

Không biết có phải vì sự ra đi đột ngột của Thầy Hạnh Tuấn làm cho độc giả tò mò hay không, nhưng có thể nói trang Tưởng niệm Tang lễ của Thầy Hạnh Tuấn trên trang nhà Quảng Đức là một trong những trang có số lượng người xem kỷ lục, tính đến ngày Cung tống kim quan của Thầy Hạnh Tuấn đến nơi trà tỳ đã có hơn 20.000 người vào xem. Kính mời xem trang Tưởng niệm Thầy Hạnh Tuấn ở đây: http://quangduc.com/a57179/ht-thich-hanh-tuan-1956-2015, đến hôm nay, ngày 17-11-2015, đã có hơn 27.000 người xem.

Lần đầu tiên tôi biết Thầy Hạnh Tuấn là do HT Tuệ Sỹ và HT Đức Thắng giới thiệu qua email cuối năm 2003, quý Ngài bảo tôi liên lạc với Thầy Hạnh Tuấn và Thầy Nhật Huệ để cùng nhau làm việc và giúp xây dựng trang nhà phatviet.com. Thầy Hạnh Tuấn là học Tăng ở Quảng Hương Già Lam niên khóa 1980-1984, và luôn thủy chung với hoài bão phụng sự Đạo Pháp và Dân Tộc. HT Tuệ Sỹ được tự do vào năm 1998 và liền bắt tay vào công việc giảng dạy, viết lách và dịch thuật, trong đó nhu cầu một website để dung chứa và phổ biến Kinh sách là một điều kiện không thể thiếu. Biết được tâm nguyện này, Thầy Hạnh Tuấn cùng một số pháp hữu (cựu học Tăng Quảng Hương Già Lam) bàn thảo và gầy dựng nên nhóm Thân Hữu Già Lam với tâm nguyện hỗ trợ quý Ngài ở nhà trong công cuộc phục hoạt GH và hoằng Pháp lợi sinh. Một trong những việc trước mắt mà Thầy Hạnh Tuấn cùng Thầy Nhật Huệ (Trụ Trì Chùa Duyên Giác, San Jose, nay đã được GH Hoa Kỳ tấn phong Hòa Thượng), cũng là học Tăng ở Quảng Hương Già Lam, đã phát tâm nhận lãnh phần đóng góp chi phí để mua domain name phatviet.com để cúng dường quý Ngài, không lâu sau đó trang nhà http://www.phatviet.com đã hình thành để phổ biến Kinh sách cho đến ngày hôm nay. Trước đó, dù trong thân phận người tỵ nạn ở Hoa Kỳ nhưng khi có cơ hội hồi hương, Thầy liền trở về thăm Hòa Thượng Y Chỉ Sư của Thầy đang nằm bệnh là Ôn Đôn Hậu ở Chùa Linh Mụ Huế và Ôn Huyền Quang đang bị quản thúc tại Chùa Nghĩa Phước tỉnh Bình Định. Chính những lần thăm viếng này đã hun đúc ở Thầy những hành trang và chí nguyện để phụng sự cho Giáo Hội sau này. Theo lời kể của Đạo Hữu Trần Việt Long, Thầy Hạnh Tuấn là một trong những thành viên trong ban sơ thảo Hiến Chương thành lập GHPGVNTN Hoa Kỳ theo sau lời kêu gọi của Hòa Thượng Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu & Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang vào năm 1992. (Tiểu ban sơ thảo Hiến Chương này gồm có: TT Thiện Trì, ĐĐ Hạnh Tuấn, GS Ngô Trọng Anh, Cư Sĩ Nguyên Toàn Trần Việt Long, làm việc tại Chùa Kim Quang, Sacramento; và sau đó một tháng, Tiểu Ban Soạn Thảo Hiến Chương: TT Viên Lý, GS Trần Quang Thuận, Cư Sĩ Quảng Thành Bùi Ngọc Đường, v.v…). Xin thành tâm tán dương công đức và tinh thần hộ trì Chánh Pháp của HT Hạnh Tuấn, như là một trong những người có công lớn trong quá trình làm sống lại nền PGVN Thống Nhất ở Hải Ngoại.

Tôi có duyên theo chân Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển đến giảng pháp tại Chùa Trúc Lâm trong 2 lần, lần đầu năm 2008 và lần thứ hai năm 2011 (xem hình). Lần đầu Thầy Hạnh Tuấn ra phi trường đón phái đoàn và Thầy dành sự ưu ái cho bản thân tôi, biết tôi là trang chủ (theo cách gọi của Thầy), nên Ngài đã xếp tôi nằm nghỉ ở một phòng đặc biệt ở góc phải gần cầu thang lên Chánh điện, đặc biệt theo cách diễn tả của Thầy chỉ vì nơi đó có gắn internet modem, một phương tiện thuận lợi để giúp tôi dễ dàng cập nhật tài liệu cho trang nhà Quảng Đức.

Thầy Hạnh Tuấn là người thích tìm tòi và ứng dụng tiện ích của khoa học điện toán vào Phật Pháp, như giảng pháp bằng head projector, đặc biệt là Thầy đã sáng kiến làm photo slideshow cho hình chân dung hiển thị tự động trên màn hình vi tính, để thờ Chư Tổ Sư và Chư Hương Linh, mà sau chuyến hoằng pháp đó khi về lại Úc, tôi đã áp dụng phương cách hiện đại này cho Tu Viện Quảng Đức.

Trong khuôn viên Chùa Trúc Lâm, nhìn đâu cũng thấy phảng phất những nét rất riêng “Phật Việt” của Thầy. Tôi đã chụp nhiều hình để giới thiệu nét riêng này. Nhân đây xin nhắc về bệnh nghề nghiệp của tôi, khi đi đâu cũng mang theo máy để chụp hình rồi giới thiệu vào trang nhà quangduc cho độc giả bốn phương, nhất là độc giả ở quê nhà VN, thích xem cảnh trí và sinh hoạt của chùa VN ở hải ngoại. Do đó thư viện hình ảnh trang nhà quangduc rất phong phú, mà về sau này các host server đã từ chối quangduc.com vì họ không thể cung ứng nổi sức dung chứa của kho dữ liệu này.

Khi phái đoàn hoằng pháp đến Trúc Lâm Chicago, đoàn vào Chánh điện lễ Phật, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi đó là ánh hào quang của Phật tại ngôi chùa này. Vòng hào quang ở đây rất riêng do Thầy Hạnh Tuấn thiết kế, không theo kiểu hào quang truyền thống 5 màu (xanh dương đậm, vàng, đỏ, trắng, cam. Cờ PG làm theo màu của hào quang Phật) mà đó là hình ảnh của mặt trống đồng Đông Sơn & Ngọc Lũ của VN. Là người Việt, ai cũng biết, trống đồng tiêu biểu cho nền văn hóa và văn minh của người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang; trống đồng đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng của nền văn hóa dân tộc Việt. Có thể nói, hình ảnh hào quang Phật tại Chùa Trúc Lâm là độc nhất vô nhị trên thế giới, một sự phá cách ngoạn mục mà không hề sợ bị chỉ trích hay phê bình, khi Thầy mạnh dạn đưa Phật Giáo vào lòng của dân tộc Việt một cách tài tình, thật đúng như lời tôn vinh của thi sĩ Vũ Hoàng Chương rằng “Trang sử Việt cũng là trang sử Phật”. Phật giáo và dòng sử Việt luôn chan hòa với nhau như nước với sữa, như răng với môi, như bóng với hình một cách bất khả phân ly. Chính vì thẩm thấu điều này mà Thầy Hạnh Tuấn đã cố gắng vận dụng hết những gì có thể trong khả năng của Thầy để chuyển hiện những ước mơ Phật Việt kia đi vào trong đời sống và hành hoạt của Thầy.

Sau lưng Phật tượng này, thay vì vẽ cảnh cây Bồ Đề ở Bodhgaya như thường thấy, Thầy Hạnh Tuấn đã cho vẽ hình ảnh của một bầu trời xanh và mây trắng với ước mơ Phật Việt của Thầy bay cao, bay xa vào phương trời hải ngoại.

Hành trình Phật Việt của Thầy Hạnh Tuấn cũng thể hiện rõ nét ở Tổ Đường Chùa Trúc Lâm qua phong cách thờ phượng của Thầy. Thầy không thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma (470-543) theo truyền thống mà lại tôn thờ Sơ Tổ Trúc Lâm (1258-1308, đạo hiệu của Vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia), người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm trên núi Yên Tử, mở ra một trào lưu tu học Phật tại VN vào triều đại nhà Trần.

Một nét riêng Phật Việt khác của Thầy Hạnh Tuấn là tôn thờ và phổ biến tôn tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Pho tượng này đang tôn trí tại Chánh Điện Chùa Trúc Lâm từ 2007 là phục chế theo mẫu của pho tượng Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt, một di sản, một bảo vật đang được bảo tồn tại Chùa Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Đây là một kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của nền PGVN mà chúng ta nên theo gương của Thầy Hạnh Tuấn để phổ biến và làm lớn mạnh. Thầy Hạnh Tuấn cho điêu khắc pho tượng lớn để thờ tại Chùa và còn làm thêm một số tượng nhỏ để cúng dường chư Tôn Đức và Phật tử đem về chiêm bái để hãnh diện và tự hào về nền Phật Việt.

Trong thọ trì tu tập hằng ngày, Thầy Hạnh Tuấn áp dụng pháp tu “Phật Việt” Thiền Tịnh song hành, đặc biệt Thầy chủ trương Việt hóa nghi thức tụng niệm,Thầy đã tham khảo và tuyển chọn các bài Kinh thích hợp từ quyển Nghi Thức Tụng Niệm của cố HT Thiện Thanh và Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn của Thiền Sư Nhất Hạnh để biên soạn quyển Nghi Thức Tụng Niệm cho Chùa Trúc Lâm Chicago. Trong phái đoàn hoằng Pháp, HT Như Điển hay cử Thầy Hạnh Tuấn làm chủ lễ khi Thầy có mặt trong thời Kinh, vì Thầy có giọng xướng-tụng ấm áp, thiền vị và thanh thoát mà ai nghe cũng cảm nhận được năng lượng an lạc, từ bi và trí tuệ của Đức Phật từ hơn 2000 năm trước vọng về. Bản thân tôi thích nhất là bài kệ xướng đảnh lễ Tam Bảo của Thầy khi vào đầu thời Kinh:
Sen quý nở đài giác ngộ
Hào quang chiếu rạng mười phương
Trí huệ vượt tầm pháp giới
Từ bi thấm nhuận non sông
Vừa thấy dung nhan Điều Ngự
Trăm ngàn phiền não sạch không
Hướng về tán dương công đức
Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.

Khi phái đoàn ở Chùa Trúc Lâm,Thầy Hạnh Tuấn có chép tặng tôi một USB đầy đủ tất cả những file mp3 do Thầy tụng kinh để phổ biến vào trang nhà Quảng Đức, xin quý độc giả bookmark trang tác giả HT Thích Hạnh Tuấn để nghe khi có thời gian: http://quangduc.com/author/post/588/1/ht-thich-hanh-tuan.

ht-hanh-tuan-tt-nguyen-tang-dd-nhu-tinhTừ trái qua: TT Nguyên Tạng, HT Thích Hạnh Tuấn & ĐĐ Như Tịnh, hình chụp

Hoài bão Phật Việt của Thầy Hạnh Tuấn không ngừng ở Trúc Lâm, Chicago mà năm 2012, bởi những thôi thúc của từ giới trẻ không chỉ tại Chicago mà cả vùng Trung Tây Hoa Kỳ cho các cuộc trại huấn luyện, tu học của GĐPT. Thầy cùng một số huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Trúc Lâm ra ngoại ô Chicago tìm khu đất khả dĩ có thể thực hiện trại huấn luyện hàng năm. Khu đất được bao bọc bởi hàng rào cây xanh, riêng biệt với hàng xóm, có dốc đồi thoai thoải, phong cảnh trông rất đẹp mắt. Lẽ dĩ nhiên, để tránh nắng mưa, vệ sinh, ngủ nghỉ là nhu cầu cần thiết phải nghĩ tới. Thầy Hạnh Tuấn cùng các huynh trưởng mua khung sườn nhà kho tiền chế từ Home Deport. Sau khi dựng lên khung sườn nhà rồi, Thầy cho làm vách tường, lót trần nhà, tráng nền xi-măng, cài đặt hệ thống điện, nước; tiếp đó trang trí bên trong Thiền đường cũng như phân bố khu vực nhà bếp và nhà vệ sinh, tất cả được ngăn nắp đâu vào đấy và đưa vào sinh hoạt trong một thời gian ngắn sau đó. Ngôi Thiền đường này với sức chứa khoảng 300 người và Thầy đặt tên là Tinh Xá Trúc Lâm như ngôi Tinh Xá thời Phật còn tại thế dưới chân núi Linh Thứu bên Ấn Độ. Khi mua thì các huynh trưởng đứng tên, một tháng sau, khu đất này hợp thức hóa, miễn thuế và là tài sản chung của Chùa Trúc Lâm.

Thầy Hạnh Tuấn tích cực với ước mơ Phật Việt của Thầy, do vì Chùa Trúc Lâm dưới phố Chicago không có bãi đậu xe và diện tích sân chùa không đủ rộng để tổ chức các khóa trại tu học. Hơn nữa, Chùa Trúc Lâm Chicago tọa lạc trong khu dân cư đông đúc nên bất tiện cho các khóa lễ ngoài trời khi cần và tiếng ồn ào của loa phóng thanh gây phiền phức cho người láng giềng.

Lúc Thầy thọ nạn là trong thời điểm Thầy đang bận rộn trồng cây và đổ đất làm những con đường để đi kinh hành và thiền hành trong khuôn viên rộng lớn của Trúc Lâm Tinh Xá. Thầy đã đặt một tượng Quán Thế Âm để sẵn sàng an vị tôn tượng, mặt Ngài nhìn xuống hồ Thanh Lương như dự tính. Nhìn thấy Thầy Hạnh Tuấn làm việc vất vả nhọc nhằn, nhóm Phật tử An Bằng đã tự vận động mua cúng dường Tinh Xá Trúc Lâm chiếc xe ủi Backhoe để Thầy tự lái đào lỗ trồng cây, xúc đất chỗ nầy đưa đến chỗ khác, làm cho khu đất chung quanh Tinh Xá trở nên đẹp đẽ. Hai bên đường vào Tinh Xá, Thầy trồng cây ăn trái và nhiều loại hoa, trong tương lai gần, chúng trưởng thành sẽ đẹp mắt như một danh lam thắng cảnh ở Chicago. Quả thật ước mơ Phật Việt của Thầy đang dần dần trở thành hiện thực ở cơ sở mới này. Tuy bận rộn và khoảng cách giữa Chùa Trúc Lâm và Tinh Xá Trúc Lâm mất hơn hai tiếng lái xe, nhưng Thầy Hạnh Tuấn vẫn ra vô Chicago để giảng dạy và làm Phật Sự cũng như chủ trì các phiên họp hàng tháng.

Theo lời tâm sự của Đạo hữu Tâm Bối, Chủ Bút tờ Chicago Việt Báo cũng là Phó Đại Diện Ngoại Vụ và là một trong những thành viên khai sáng Chùa Trúc Lâm (năm 1996), anh là một người sát cánh với Thầy Hạnh Tuấn trong hơn 10 năm qua tại Chicago trong công cuộc xây dựng Chùa Trúc Lâm, anh nói nếu không có Thầy Hạnh Tuấn thì không có chùa Trúc Lâm ngày nay. Bất hạnh thay, cơn vô thường đã cướp mất Thầy ấy, hàng Phật tử Chicago quá đau xót và luôn kính nhớ tiếc thương hình bóng của Thầy, một vị Thầy luôn từ ái và khiêm cung, không có tỳ vết trong con mắt của chúng đệ tử Chùa Trúc Lâm. Kỳ thật đúng như vậy, bao nhiêu sức lực, tim óc, chí nguyện và hoài bão, Thầy Hạnh Tuấn đều dồn hết cho sự ổn định và phát triển của tự viện Trúc Lâm. Với bầu nhiệt huyết thiết tha trong tâm nguyện mang nền Phật Việt để phổ độ quần sanh, nhất là lúc nào Thầy cũng yêu thương tổ chức GĐPT cũng như muốn tổ chức này thống nhất và đứng vững trong lòng của Giáo Hội để an tâm và phát triển lớn mạnh, với mục tiêu hướng dẫn và đào luyện thanh thiếu VN trở thành người Phật tử chân chính, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội trong đời sống hiện đại.

Tiếc thay mọi dự án cao đẹp về Phật Việt của Thầy đã đột ngột dừng lại ở đây, Đại Đức Thông Viên, vị kế thế trụ trì và hàng Phật tử cảm thấy lạc lõng bơ vơ, mất đi chỗ tựa nương vững chắc cho những người con Phật ở nơi này. Cầu nguyện Chư Phật gia hộ cho Thầy Tân Trụ Trì Trúc Lâm Tự cùng quý Phật tử Chùa Trúc Lâm đầy đủ dũng lực để kế thừa và gánh vác Phật sự của HT Hạnh Tuấn để lại.

Chúng con thành tâm đảnh lễ Giác linh Hòa Thượng và ngưỡng mong Hòa Thượng sớm tái sinh trở lại cõi giới này để tiếp tục công trình kiến thiết nền Phật Việt mà Ngài chưa hoàn tất.

Nam Mô A Di Đà Phật

Viết tại Tu Viện Quảng Đức 17-11-2015
TK. Thích Nguyên Tạng
tại Lễ Khánh Thành Chùa Cực Lạc Cảnh Giới, Chiangmai, Thái Lan, chủ nhật 31-10-2010

Hiển thị thêm
Back to top button