Thích Nhật Trí: Tăng Già Việt Nam trong bối cảnh thời đại hiện nay
Trong cuốn Yết Ma Yếu Chỉ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ viết: “Tăng Già, cộng đồng đệ tử xuất gia của Phật, trong ý nghĩa mà đức Phật thiết lập, phải là mảnh đất tốt cho sự tăng trưởng của thiện pháp, là nền tảng cho tất cả mọi tiến bộ tâm linh, tức là những phát triển của nhận thức chân chính về sự thật của đời sống. Vì chỉ có nhận thức bằng trí tuệ vô lậu ấy mới có thể giải thoát những đau khổ của con người. Chính vì thế mà Tăng Già được đặt vào trong hàng Tam Bảo, là nơi nương tựa an ổn cho thế gian. Do vậy, sự tồn tại của Tăng Già có nghĩa là sự tồn tại của Phật Pháp; tất nhiên phải tồn tại trong ý nghĩa chân chính mà đức Phật thiết lập.”[1]
Trong đoạn văn trên, Hòa Thượng Thích Trí Thủ nhấn mạnh rằng: “… sự tồn tại của Tăng Già có nghĩa là sự tồn tại của Phật Pháp;…”. Và Hòa Thượng cũng đã không quên xác định rõ: “… tất nhiên phải tồn tại trong ý nghĩa chân chính mà đức Phật thiết lập.” “Ý nghĩa chân chính” đó như Hòa Thượng đã giải thích ở trên là “mảnh đất tốt cho sự tăng trưởng của thiện pháp, là nền tảng cho tất cả mọi tiến bộ tâm linh, tức là những phát triển của nhận thức chân chính về sự thật của đời sống.” Yếu tố này thẩm định ý nghĩa và phẩm chất đặc thù của Tăng Già Đạo Phật mà không một tập thể tăng già[2] nào khác có thể so sánh được. “Nhận thức chân chính về sự thật của đời sống” là trí tuệ liễu đạt bản chất của đời sống, bản thể của các pháp. Có trí tuệ mới có thể nhận thức được sự thật. Có trí tuệ mới có khả năng soi chiếu vào bản chất tối tăm của vô minh. Có trí tuệ mới có thể diệt tận được căn nguyên của mọi khổ não là tham, sân, si, v.v… Có trí tuệ mới có thể làm cho các thiện pháp tăng trưởng và thành đạt sự tiến bộ tâm linh. Đây chính là ý nghĩa của điều mà các bậc cổ đức đã nói: “Duy tuệ thị nghiệp.” Như vậy, ý nghĩa đích thực của Tăng Già Đạo Phật chính là một cộng đồng đệ tử xuất gia của đức Phật sống hòa hợp với sự khai triển của trí tuệ trong việc tự độ và độ tha. Tăng Già Đạo Phật là biểu tượng của nền đạo đức thực chứng giác ngộ và giải thoát cho tự thân và cho tha nhân đã được đức Phật một đời tận tụy giáo hóa.
Tăng Già Việt Nam cũng đã truyền thừa một cách trọn vẹn phẩm đức cao thượng ấy suốt từ lúc khởi nguyên đến nay, như Hòa Thượng Thích Trí Quang đã viết trong cuốn Tăng Già Việt Nam: “Dòng máu của Tăng Già Việt Nam là dòng máu của Đức Phật, là Chánh Pháp của Ngài… Dòng máu ấy đã lọc sạch những chất tham lam, tàn bạo và si mê, nên nó không truyền xuống cho người sau sự thù hận, sự chém giết, sự độc tài, sự tàn bạo. Dòng máu ấy không sinh hạ ra những kẻ cách biệt muôn loài, tự cho mình là cha là chúa. Dòng máu của Tăng Già Việt Nam là dòng máu trí tuệ, sáng suốt, dòng máu đại hùng, đại lực, dòng máu từ bi hỷ xả, dòng máu tinh tấn, dõng mãnh, dòng máu ấy đủ tất cả, không thiếu một đức tốt di truyền nào. Con đẻ của dòng máu ấy là những anh hùng vị tha, lợi tha, và giác tha, cứu khổ và giải thoát cho muôn loài. Dòng máu ấy làm cho Tăng Già thành bậc tai mắt của người và trời, làm kiểu mẫu cho tam giới. Dòng máu ấy đào tạo Tăng Già thành những vị giác tha, những Đức Phật. Dòng máu ấy là dòng máu chánh giác cao cả của Đức Phật vậy.”[3]
Ngoài yếu tính của trí tuệ thực chứng được biểu thị qua hai khía cạnh tự độ và độ tha như là tính nhất quán của bản thể Tăng Già trên phương diện phẩm đức và lý tưởng, tính nhất quán của bản thể Tăng Già còn được hiển thị trong hành hoạt qua mối tương quan giữa thành viên với thành viên trong tập thể Tăng Già cũng như giữa thành viên của tập thể Tăng Già và tập thể Tăng Già với cộng đồng xã hội. Ở hình thái thứ hai của tính nhất quán của bản thể Tăng Già trong hành hoạt này thường rất dễ dẫn đến những dị biệt và tha hóa, nhất là trong bối cảnh xã hội thoáng mở, duy lý, khoa học kỹ thuật và nghiêng nặng về mặt vật chất của thời đại hiện nay.
Sinh hoạt của nhân loại hiện nay hầu như khắp mọi nơi trên thế giới đều bị ảnh hưởng một cách sâu nặng những tác động của khoa kỹ tin học hiện đại qua các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet. Lúc nào, ngày nào, con người trên mặt đất này cũng có thể nghe thấy, đọc thấy, nhìn thấy những hình ảnh, những bản tin, những sự kiện xảy ra ở khắp mọi nơi: từ một làng quê hẻo lánh của xứ Ethiopia ở Phi châu đến đường phố phồn hoa náo nhiệt của New York, Hoa Kỳ. Rồi những hình ảnh, tin tức về sự bạo hành, về tình dục, về chiến tranh, v.v… Trong thế giới tin học truyền thông ấy ngày càng có nhiều phương thức xảo diệu để tạo hình, để gây ấn tượng, để phóng đại, để lôi cuốn người xem, người đọc, khiến cho con người đôi khi dễ dàng chấp nhận cái giả hơn là tin vào cái thật. Từ đó, thế giới tư duy, tâm thức và cảm tính của con người không tránh khỏi bị thay đổi theo chiều hướng đáng quan ngại.
Tập thể Tăng Già Việt Nam tại hải ngoại hầu hết đều là những Tăng sĩ đã từng trải qua quá trình giáo dục nội và ngoại điển đầy đủ theo truyền thống của nền giáo dục Tăng Già Việt Nam trong đất nước Việt Nam trước khi sang định cư tại các quốc gia ở hải ngoại. Chính vì vậy, nhu cầu giáo dục đào tạo Tăng Già tại hải ngoại từ bấy lâu nay đã rất ít được quan tâm và thực hiện đúng mức. Dĩ nhiên tại hải ngoại không phải là không có những khóa tu học dành cho Tăng Ni, nhưng tầm mức của sự giáo dục đào tạo ấy hoặc là chỉ giới hạn trong một ngôi chùa, một tự viện giữa Thầy và trò, hoặc là chỉ giới hạn trong một khu vực địa dư nào đó cho một số Tăng Ni nào đó mới xuất gia ở nước ngoài, với thời gian tu học rất ngắn ngủi, khoảng vài ba tuần lễ, mỗi lần tổ chức. Cũng có một số Tăng Ni tiếp tục theo đuổi con đường học vấn sau khi định cư tại hải ngoại, nhưng tại các đại học thế gian và theo học các chương trình phổ thông ngoài đời. Phần lớn Tăng Ni thành đạt con đường giáo dục ở hải ngoại đều do nỗ lực và hy sinh cá nhân, mà hiếm khi có được sự hỗ trợ đầy đủ từ tập thể Tăng Già. Khi một thành viên của Tăng Già được đào luyện trong môi trường văn hóa giáo dục thế gian mang các đặc tính duy lý, khoa học thực dụng, hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ kiến thức thế tục, mức sống trọng vật chất, và đo lường sự thành đạt của đời người bằng những học vị, những chức vụ, những cấp bậc lương bổng, những tài sản vật chất có được, thì điều đó có tạo ra những di chứng nào trong tư duy, nhận thức và cảm quan dẫn đến sự xung đột, có thể nổi bật có thể vi tế, với lý tưởng, hành hoạt và mục đích tối hậu mà vị đó đang theo đuổi? Trong hiện trạng vừa nêu trên, cộng đồng Tăng Già Việt Nam có thể làm được gì, cần làm điều gì để hỗ trợ cho thành viên của mình vừa thích ứng thành công với hoàn cảnh mới vừa làm tròn vai trò và sứ mệnh của một Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam?
Người Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam sống trong các quốc gia Tây phương đương nhiên phải thích ứng với môi trường văn hóa và điều kiện sinh hoạt xã hội tại đây, đó là điều không ai có thể làm khác được. Nhưng trong xã hội phương Tây nói riêng và thế giới ngày nay nói chung, có hai hình thái hiện hữu rất phổ biến, đó là sự tự do cá nhân và tính thực dụng nặng về vật chất, về tài chánh. Từ sự tự do cá nhân dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị ngã. Từ tính thực dụng nặng về vật chất, tài chánh dẫn đến sự thiếu vắng hay ít ra là lơ là đời sống tâm linh. Qua bối cảnh chung của xã hội ấy, chúng ta có thể suy nghiệm một vài trường hợp cụ thể mà có thể rất dễ xảy ra đối với một thành viên của tập thể Tăng Già Việt Nam. Để có điều kiện tương đối thuận tiện cho sứ mệnh hoằng dương Chánh Pháp tại xứ người lúc mới định cư, người Tăng Sĩ Phật Giáo Việt Nam cần phải nỗ lực kiến tạo cơ sở vật chất, là một ngôi Chùa, một Tự viện, v.v… Có cơ sở thì mới có nơi an ổn để Tăng, Ni và Phật tử tu học và hành đạo. Muốn có cơ sở, muốn bảo tồn và phát triển cơ sở thì người Tăng sĩ phải: một là tự tạo ra tiền bằng sức của chính mình như đi làm, hoặc đầu tư vào business; hai là nhờ vào sự hỗ trợ tài chánh của cộng đồng Phật tử tại địa phương. Khi đã gầy dựng được cơ sở do chính nỗ lực của mình thì cơ sở vật chất ấy nghiễm nhiên trở thành vật sở hữu của vị Tăng sĩ đó, vị Tăng sĩ đó mặc nhiên xem mình là chủ của ngôi chùa, hay tự viện đó. Sự kiện này, thực tế chỉ là, và cần phải như vậy, để gánh lấy trách nhiệm trực tiếp trong việc bảo quản cơ sở vật chất cho mục đích lợi lạc chung của cộng đồng Phật Giáo. Với đời sống tự lập thiên trọng về tự do cá nhân, là sản phẩm tất yếu của xã hội, và với cơ sở vật chất là sở hữu của mình, một thành viên của tập thể Tăng Già Việt Nam sẽ có suy nghĩ, thái độ, cách sống, cách hành xử như thế nào đối với chính tự thân và với cộng đồng Tăng Già? Mặt khác, khi cơ sở vật chất, một ngôi Chùa, một Niệm Phật Đường, v.v…, được xây dựng lên và được quản trị bởi những vị cư sĩ, một Tăng sĩ đến và trú trì ở đó để làm nhiệm vụ hoằng pháp và hướng dẫn việc tu học cho quần chúng Phật tử, thì vai trò và cách hành xử của vị Tăng sĩ đó phải như thế nào để tránh tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ của ngôi Chùa, ngôi Niệm Phật Đường như đã xảy ra từ lâu nay?
Vị Tăng, Ni là trú trì của một ngôi Chùa xưa nay ngoài việc hướng dẫn quần chúng tu học Phật pháp, đáp ứng nhu cầu tâm linh và tín ngưỡng của quần chúng, còn là vị đạo sư, người cố vấn về tâm lý, về xã hội, về tình cảm, về kiến thức cho quần chúng Phật tử. Truyền thống sinh hoạt xã hội và pháp luật tại Việt Nam đối với vai trò này, có lẽ vẫn chưa phải là vấn đề quá hệ trọng và khẩn thiết để bàn đến và hiểu biết. Nhưng đối với thực trạng sinh hoạt xã hội và vai trò pháp luật hiện hành tại các nước phương Tây thì vấn đề này không những cần mà còn rất khẩn thiết để một vị Tăng Ni trong tư cách Trú Trì biết rõ và thực hiện đúng. Trong xã hội phương Tây, một xã hội trọng pháp luật, và rất bén nhạy đối với những việc có liên hệ đến pháp lý, một lời khuyên, một câu nói, một hành vi của vị lãnh đạo tinh thần (trú trì) cũng có thể dẫn đến những hệ lụy luật pháp ngoài ý muốn. Tập thể Tăng Già Việt Nam đang hành hoạt tại các nước phương Tây cần làm gì để hỗ trợ nhau trong công tác “Trú Pháp Vương Gia, Trì Như Lai Tạng”?
Với một quá trình có mặt tại hải ngoại trên một phần tư thế kỷ nay, người Tăng sĩ của Tăng Già Việt Nam đã thi thiết sứ mệnh hoằng dương chánh pháp phổ độ quần sinh như thế nào, thành tựu ra sao? Có lẽ, với khoảng thời gian trên hai mươi lăm năm đó, đã có thể nói là không ngắn quá để nhìn lại thành quả trong công tác hoằng pháp mà Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam đã thực hiện. Nhìn lại để học bài học kinh nghiệm, chứ không phải để đưa ra một nhận định mang tính phê phán. Điều rõ ràng là từ hình thức đến nội dung, Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam trong suốt một phần tư thế kỷ ấy đã xây dựng và phát huy được rất nhiều thành quả trong sứ mệnh hoằng pháp thật đáng kính phục. Chùa chiền dựng lên khắp nơi. Đạo tràng diễn ra ở mọi nơi nào có đồng hương Phật tử Việt. Truyền thống văn hóa giáo dục của Phật Giáo Việt Nam đã được bảo tồn và phát triển vững mạnh. Báo chí, sách vở, kinh điển, truyền thông, trang nhà điện toán toàn cầu có mặt khắp nơi. Quần chúng Phật tử Việt Nam có đầy đủ tiện nghi để giữ gìn và phát huy tín tâm, cũng như thăng hoa con đường tu tập Chánh Pháp. Tuy nhiên, có một điều mà có lẽ bất cứ vị Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam nào cũng thấy, cũng không thể phủ nhận, đó là: cộng đồng Tăng Già Việt Nam vẫn còn chưa mở rộng con đường hoằng pháp vào sâu trong cộng đồng người bản xứ để đem ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi bao la của đức Phật phổ nhuận trong tận tâm hồn họ. Cộng đồng Tăng Già Việt Nam đã có phương thức nào cho con đường này chưa?
Hướng về Phật Giáo Việt Nam tại quê nhà, người Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam đang sống và hành hoạt tại hải ngoại có suy tư, có cảm thức, có dự kiến, có quyết tâm, có hành trang, có phương thức gì để đóng góp? Đây không phải là vấn đề bên kia đại dương, xa ngoài chí nguyện và khả năng của người Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam! Đây là vấn đề cần được nêu ra khi chúng ta còn tự nhận mình là người Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam. Hơn ba mươi năm qua, Phật Giáo là gì trong cái xã hội Việt Nam ấy? Câu hỏi đó không hàm ý rằng hiện tại và tương lai, Phật Giáo Việt Nam đã thấy, biết và có thể tự thể hiện mình là gì. Mệnh đề “hơn ba mươi năm qua” là một mệnh đề mà hiện tại và tương lai vẫn còn đang bỏ ngõ. Quả thật vậy, chỉ nhìn vào thực trạng hiện nay thì có thể suy nghiệm được quá khứ và dự đoán được tương lai. Thực trạng hiện nay của Phật Giáo Việt Nam là gì? Là sự bế tắc! Bế tắc khắp mọi mặt, từ cơ cấu tổ chức, đến việc hoằng pháp, văn hóa, giáo dục, v.v… Bế tắc ấy do đâu? Có người nói, do chính sách triệt phá Phật Giáo của đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam. Không sai! Cũng có người nói, do chính bản thân của cộng đồng Tăng Già Việt Nam. Cũng đúng! Xin đừng vội cho đó là thái độ ba phải. Nếu nhận định trên là “ba phải” thì giáo lý duyên sinh của đức Phật dạy cũng là “ba phải” nốt! Bởi vì, đức Phật dạy rằng các pháp do duyên mà sinh, cái này có cho nên, cái kia có; cái sinh cho nên, cái kia sinh; cái này diệt cho nên, cái kia diệt. Không một pháp nào mà sinh ra do một nguyên nhân duy nhất, hoặc là chính nó, hoặc là cái khác nó, mà là cả hai, và nhiều hơn nữa. Thực trạng bế tắc của Phật Giáo Việt Nam hiện nay là do chính sách tiêu diệt Phật Giáo của đảng và chính quyền cộng sản suốt ba thập niên qua, nhưng cũng do sự tự phân hóa, thiếu hòa hợp, không đồng tâm của cộng đồng Tăng Già Việt Nam nữa. Thực trạng này cần phải được hóa giải và không thể kéo dài thêm nữa, bởi vì nếu không thì tiềm lực vươn lên của Phật Giáo Việt Nam sẽ bị thui chột tận gốc rễ. Hóa giải bằng cách nào? Chính sách của đảng và nhà nước cộng sản làm sao chúng ta có thể thay đổi? Có thể chứ không phải không thể! Bằng chứng là nhờ công cuộc vận động của cộng đồng người Việt và cộng đồng Phật Giáo Việt Nam hải ngoại, cũng như quốc tế mà chính sách của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã thay đổi thấy rõ so với hai thập niên trước. Vì vậy, chính sách vận động ấy vẫn cứ tiếp tục và tiếp tục ở mức độ bằng hoặc mạnh hơn bấy lâu nay. Đối với cộng đồng Tăng Già Việt Nam ở trong nước thì sao? Điều chắc chắn xảy ra là, nếu cộng đồng Tăng Già Việt Nam ở hải ngoại có được sự hòa hợp, sự nhất tâm toàn diện thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn mạnh đối với cộng đồng Tăng Già Việt Nam ở trong nước. Lẽ tất nhiên không phải đơn giản rằng khi cộng đồng Tăng Già Việt Nam ở hải ngoại hòa hợp và nhất tâm thì tự động cộng đồng Tăng Già Việt Nam ở trong nước sẽ hòa hợp và nhất tâm ngay tức khắc. Yếu tố then chốt là sự hòa hợp và nhất tâm của cộng đồng Tăng Già Việt Nam tại hải ngoại, và yếu tố thứ hai là cộng đồng Tăng Già Việt Nam ở hải ngoại biết cách sử dụng sức mạnh hòa hợp và nhất tâm ấy để góp phần vào việc tạo hòa hợp và nhất tâm của cộng đồng Tăng Già Việt Nam trong nước.
Trên đây là những lời chân thật phát xuất từ những suy tư và thao thức của một Tăng sĩ là thành viên của cộng đồng Tăng Già Việt Nam đang hành đạo tại hải ngoại, mong được đóng góp sức mọn vào sự hòa hợp, nhất tâm và trọn vẹn của bản thể Tăng Già. Kính mong chư Tôn Thiền Đức từ bi chỉ giáo.
Thành tâm kính lễ cộng đồng Tăng Già Việt Nam.
Orlando Mùa Phật Ðản 2551
Tỳ kheo Thích Nhật Trí
[1] Yết Ma Yếu Chỉ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Ban Tu Thư Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang xuất bản năm 2002, trang 2 và 3.
[2] Tăng Già: Skt và Pàli: Sangha, phiên âm là Tăng Già và phổ thông dịch là chúng, chúng hội, hòa hợp chúng. Sdd., chú thích, trang 2.
[3] Tăng Già Việt Nam, Hòa Thượng Thích Trí Quang, Nhà xuất bản Phú Lâu Na, Hoa Kỳ, 2004, trang 17 và 18.