Thích Nhật Tựu: Giá trị lịch sử những công trình nghiên cứu của HT Thích Nguyên Chứng, hiệu Tuệ Sỹ

Phật giáo Việt Nam trong thời cận đại có nhiều bậc Trưởng thượng thông tuệ, trong số đó phải kể đến hai bậc thức giả uyên bác, Cố Hoà thượng Thích Nguyên Chứng, hiệu Tuệ Sỹ và Giáo sư Tiến sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Giáo sư Triết học Phạm Công Thiện đã nhận xét: “Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ là hai vị Thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất của Việt nam hiện nay.” Ông khẳng định về sự tuyên bố của mình rằng: Tôi muốn nói về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát với tất cả thận trọng và suy nghĩ chín chắn cặn kẽ, và tôi xin chịu mọi trách nhiệm về cái nhìn khác thường của tôi đối với nhị vị.” Tương tự như Triết gia Phạm Công Thiện, Đức Hoà thượng Huyền Không – Mãn Giác (1929 – 2006) nói: “Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát là hai khuôn mặt trí thức lớn, là thành phần tinh ba của Phật Giáo Việt Nam ngày nay.” Suốt mấy mươi năm qua những gì mà hai bậc hiền giả này cống hiến cho Phật giáo và cho hồn thiêng sông núi nước Việt thì quả thật những lời khen tặng này hoàn toàn thích đáng.

Ngài Trí Siêu Lê Mạnh Thát là bậc quảng học đa văn, am hiểu giáo điển kim cổ, thông thạo nhiều ngôn ngữ, trước tác mấy chục quyển sách, mỗi tác phẩm là một công trình nghiên cứu thâm sâu mang tính khoa học và hàn lâm học thuật. Còn Ngài Tuệ Sỹ là bậc uyên thâm Tam tạng, đã dành trọn cuộc đời của mình để phiên dịch thánh điển, đó là một sự nghiệp kế thừa giáo Pháp như lời dạy của đức Thế Tôn trong Majjhima Nikāya 3: Dhammadāyāda Sutta, “Này Bhikkhus, hãy là người thừa tự chánh Pháp của ta – Bhikkhus, be my heirs in Dhamma.” Tinh thần ấy đã có kể từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, chư vị Tổ sư bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp của mình bằng việc phiên dịch thánh điển Phật giáo viết bằng cổ ngữ Sanskrit sang quốc ngữ để cho quần chúng dễ dàng tiếp cận. Thiền sư Khương Tăng Hội (? – 280) vị sơ tổ thiền tông Phật giáo Việt Nam đã bắt đầu phiên dịch và chú giải kinh An ban thủ ý và Lục độ tập kinh cho người dân Giao chỉ thời bấy giờ biết về giáo lý Phật đà. Trải qua chiều dài lịch sử xuyên suốt mấy chục thế kỷ qua, các vị Đại sư trên mảnh đất hình chữ S vẫn duy trì phương thức hoằng pháp thông qua việc phiên dịch thánh điển để cho mọi tầng lớp trong xã hội có cơ duyên tiếp xúc với đạo Phật.

Hậu bán nửa thế kỷ hai mươi, Viện Tăng thống có quyết định chỉ đạo việc phiên dịch Tam tạng thuộc văn hệ Pāli và Hán văn do Đại lão Hoà thượng Trí Quang (1923 – 2019), đương kim Chánh thư ký Viện Tăng thống ban hành vào năm 2508 (1965). Tám năm sau đó 2516 (1973) có những cuộc họp chính thức của Hội đồng phiên dịch Tam tạng tại Đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn. Từ đó đến nay, đã có nhiều bản kinh dịch sang quốc ngữ do chư vị Đại sư phiên dịch từ văn hệ Pāli và Hán tạng. Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc được nguồn văn học Nikāya của hệ Pāli do Đại sư Minh Châu (1918 – 2012) dịch sang Việt Ngữ. Các nhà phiên dịch Hán tạng có Đại sư Trí Tịnh (1917 – 2014), Đại sư Trí Quang, và Đại sư Tuệ Sỹ. So sánh số lượng các tác phẩm phiên dịch sang chữ Việt của Ngài Tuệ Sỹ với Đại sư Trí Quang và Trí Tịnh thì không chênh lệch lắm, nhưng đứng về phương diện học thuật thì Ngài Tuệ Sỹ là bậc Thầy uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, người vừa mới đi về cõi bất sanh vào lúc 16:00 PM ngày 24 tháng 11 năm 2023, hưởng thọ 80 tuổi.

Cuối xuân 2023, Hội đồng phiên dịch Tam tạng của Viện Tăng thống do Đức Hoà thượng Tuệ Sỹ làm chủ tịch đã ra mắt Thanh văn tạng gồm 29 quyển.

Kinh bộ: Kinh trường A-hàm (2 quyển) + 1 Tổng lục; Kinh trung A-hàm (4 quyển) + 1 Tổng lục; Kinh tạp A-hàm (3 quyển) + 1 Tổng lục; Kinh tăng nhất A-hàm (3 quyển) + 1 Tổng lục.

Luật bộ: Luật Tứ phần (4 quyển) + 1 Tổng lục; Luật Tứ phần Tăng giới bổn – Yết-ma – Bách nhất yết-ma – Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da sự.

Luận bộ: A-tỳ-đạt-ma Câu-xá Luận (3 quyển); A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận; A-tỳ-đạt-ma Pháp uẩn túc luận; Kinh Hiền ngu; Lục Độ tập kinh.

Trong 29 tập do Hội đồng hoằng pháp xuất bản 2023 thì có 27 quyển do Đức Hoà thượng Tuệ Sỹ dịch, chú, và biên soạn. Thật ra số lượng các trước tác và dịch phẩm của Ngài còn nhiều hơn nữa, nhưng một số chưa đưa vào Đại tạng vì nằm ngoài chủ đề Thanh văn tạng, có thể sẽ đưa vào Bồ tát tạng và Kim cang tạng (Mật tạng) trong tương lai. Trong số khoảng trên dưới 50 tác phẩm của Ngài, quyển sách nào đều mang giá trị về nội dung tư tưởng cũng như hàn lâm học thuật. Ngài dày công nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu khác nhau, làm cho người đọc rất hứng thú, đặc biệt đối với những ai muốn đi sâu vào lĩnh vực học thuật.

Như một thiên mệnh, cuộc đời Ngài Tuệ Sỹ thị hiện ở cõi đời để làm công việc phiên dịch kinh điển, Ngài đã dành trọn cuộc đời của mình cho công việc này từ khi ở Hải đức – Nha Trang, Đại học Vạn Hạnh, Quảng hương Già lam, hay bất cứ ở đâu Ngài cũng làm công việc phiên dịch rất cần mẫn. Chính vì sự kiên định ấy đã hình thành nên những công trình học thuật chuẩn mực cho Đại tạng kinh Việt Nam. Trong sự giới hạn của bài viết, xin được khái lược qua những công trình phiên dịch công phu, thái độ làm việc nghiêm túc mang tính hàn lâm học thuật của Ngài Tuệ Sỹ liên quan đến kinh luật luận để hàng hậu bối học hỏi và tiếp nối sự nghiệp của Người.

Kinh Tạng

Ngài Tuệ Sỹ đã tiếp xúc với kinh tạng (sūtra-piṭaka) ngay khi mới cửa đạo. Cuốn kinh Pháp hoa bằng chữ Hán là hành trang từ Lào sang cố đô Huế. Nhưng bản dịch Duy-ma-cật sở thuyếtHuyền thoại Duy-ma-cật của Ngài thật sự truyền cảm hứng cho rất nhiều người khi tiếp xúc với Kinh tạng Phật giáo Đại thừa. Một bản dịch có sự đối chiếu bản Sanskrit và các bản Hán trong Đại chánh tạng Hán ngữ. Như trong phẩm đầu “Phật quốc” của bản kinh nêu tư tưởng chủ đạo là “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh 淨佛國土, 成就眾生”, tác giả đã chú thích sanskrit của câu này: “buddhakṣetra-pariśuddhi, sattva-paripāka, sự thanh tịnh của quốc độ Phật và sự thuần thục của chúng sanh.”

Quyển Thắng man giảng luận cũng là một quyển sách quý nói về Thắng Man phu nhân phát khởi chí nguyện đại thừa đi vào đời hoá độ quần sanh. Nhưng công trình giá trị bậc nhất mà Đại sư Tuệ Sỹ cống hiến trong lĩnh vực kinh tạng là bốn bộ A-hàm (Āgama / 阿含) gồm Trường A-hàm (Dīrgha Āgama / 長阿含經) tương đương văn hệ pāli tạng nikāya là Trường bộ (Dīgha Nikāya/Long Discourses of the Buddha); Trung A-hàm (Madhyama Āgama / 中阿含經) tương đương Trung bộ (Majjhima Nikāya/Middle Length Discourses of the Buddha); Tạp A-hàm (Saṃyukta Āgama / 雜阿含經) tương đương Tương ưng bộ (Saṃyutta Nikāya/ Connected Discourses of the Buddha), và Tăng nhất A-hàm (Ekottarika Āgama / 增壹阿含經) tương đương Tăng chi bộ (Aṅguttara Nikāya/Numerical Discourses of the Buddha).

Bốn bộ A-hàm này đã được tái bản nhiều lần, tài liệu giáo trình dùng cho các trường Phật học từ sơ đẳng cho đến cao học và đại học ở trong nước và hải ngoại. Chúng ta biết rằng kinh Āgama hay Nikāya là một thể loại văn học khá mới lạ đối với nhiều mọi người, và ngay cả giới Phật tử cũng có khi bối rối với những đoạn kinh lập đi lập lại rất dễ nhàm chán. Từ đó chúng ta tưởng tượng rằng công việc phiên dịch sang Việt ngữ sẽ gặp khó khăn gấp bội phần. Thế nhưng Ngài Tuệ Sỹ đã kiên định với công việc ấy từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác… và suốt nhiều năm như thế Ngài đã âm thầm dưới bóng đèn bên bàn phím để hoàn thành cho đọc giả Việt Nam ngày nay thưởng lãm giáo lý của đức Thích Tôn qua bốn bộ Āgama quý giá này.

Ngài đã cẩn mật chú thích từng chữ, chỉ rõ nguồn gốc từ ấy tương đương với văn hệ khác nằm ở đâu, các dịch giả Hán dịch như thế nào, để cho đọc giả tiện việc đối chiếu khi cần. Như trong bản Trung A-hàm, kinh Thiện pháp, “biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người”, dịch giả chú thích: “Tri pháp, tri nghĩa, tri thời, tri tiết, tri chúng, tri nhân thắng như 知法知義知時知莭知眾知人勝如”, và đã dẫn đoạn kinh trên tương đương trong văn hệ pāli, dhammaññū ca hoti atthaññū ca attaññū ca mattaññū ca kālaññū ca parisaññū ca puggalaparoparaññū ca (Aṅguttara Nikāya. iv. 113). Hay có những danh từ Phật học chuyên môn, Ngài cũng cần mẫn chú thích cho người đọc rõ, như ở kinh Thành dụ, “Bảy thiện pháp và bốn tăng thượng tâm七善法四增上心”, pāli: sattasaḍhammā (bảy pháp vi diệu), và catu-jhāna-abhicetasikā (bốn Thiền tăng thượng tâm). Mỗi trang đều có nhiều cước chú đối chiếu các nguồn văn bản pāli hoặc sanskrit và mỗi bài kinh thành nhiều chú thích, từ đó bản dịch của Ngài đã trở nên giá trị. Giá trị vì sự nghiêm túc cẩn trọng của dịch giả, giá trị vì sự kiên trì nhẫn nại, và giá trị vì sự tinh thông tam tạng thánh giáo.

Việc dịch thánh điển không phải là để tính mỗi năm được mấy quyển rồi chất đầy trong tủ kính, mà điều quan trọng là giúp cho người đọc tiếp cận lãnh hội được những gì qua văn bản dịch phẩm từ gốc độ hành trì đến phương diện học thuật khảo cứu. Những bản kinh mà Ngài Tuệ Sỹ dịch và chú, đặc biệt bản dịch quốc ngữ bốn bộ Āgama văn phong mạch lạc trong sáng và tính chuyên môn học thuật rất cao. Sở dĩ bản dịch của Ngài hoàn mỹ như thế ngoài sự tinh thông am hiểu đối chiếu nhiều cổ ngữ, Ngài đã nghiền ngẫm từng câu từng chữ của bản kinh vô cùng công phu kỹ lưỡng. Câu kinh nào có liên hệ đến Pāli hay Sanskrit hay Tạng văn thì Ngài đều chú thích trích dẫn đoạn văn ấy ở phần cước chú để đọc giả biết thêm vì tính hệ trong văn bản. Đọc các bản kinh của Ngài, chúng ta thấy sự cẩn trọng trong văn phong dịch, việc chọn từng từ từng chữ trong hành văn Việt ngữ, hiệu đính ngữ pháp ở những đoạn kinh Hán văn bị lỗi trong quá trình biên tập. Vì vậy, một dịch giả Phật học đâu phải đơn thuần là chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà còn đòi hỏi sự am hiểu tư tưởng Phật học. Nên trong lời nói đầu của công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, Ngài nhấn mạnh: “Người phiên dịch A-hàm và Tứ phần nếu không nhờ đối chiếu với các Nikāya và Vinaya-Pāḷi sẽ phạm phải rất nhiều sai lạc trong các bản dịch Việt. Vì vậy, trong trình độ nghiên cứu Phật học hiện tại trên thế giới, một học giả Phật giáo cần phải được trang bị các cổ ngữ chuyển tải Thánh điển, cụ thể là Sanskrit, Pāli, Hán và Tạng, trong trình độ nhất định.” Về phương diện chuyên môn và thái độ cẩn trọng của một nhà nghiên cứu, Ngài Tuệ Sỹ xứng danh là một nhà dịch kinh chuẩn mực của Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay.

Luật Tạng

Ngài Tuệ Sỹ là một trong những vị thông hiểu về Luật tạng (vinaya-piṭaka). Bộ Tứ phần luật (四分律/Vinaya of the Four Categories) thuộc Pháp tạng bộ (法藏部/Dharmaguptaka-vinaya/the Dharmagupta school) được Ngài cẩn trọng hiếu đính và chú thích rất công phu cho Tăng Ni có tài liệu để tu học và nghiên cứu. Ngày nay, các đại giới đàn của Phật giáo Việt Nam đều căn cứ trên Pháp tạng bộ, tức thọ trì và nghiên cứu bộ Tứ phần. Các buổi Bố tát tụng giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni đều dự vào Tứ phần. Nên bộ chú giải này đã trở thành giáo khoa thư của môn Giới luật học Phật giáo ở các trường Phật học khắp cả mọi miền đất nước. Ngoài ra, Ngài Tuệ Sỹ đã bỏ nhiều năm tháng để nhuận văn, đối chiếu, chú thích, hiệu đính lại những bộ luật mà chư tôn trưởng thượng Luật sư biên dịch trước đây, như Ngũ phần luật, Tứ phần hiệp chú, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ, … Ngài còn trước tác một số tác phẩm về Luật tạng như Du-già bồ-tát giới, Yết-ma yếu chỉ, Pháp diệt tránh, …

Rất nhiều mùa Kiết hạ an cư tại Quảng Hương Già Lam – Sài Gòn, Ngài đã ân cần giảng dạy giới bổn Tứ phần cho học Tăng học Ni trong suốt ba tháng. Số người đến học rất đông không có chỗ ngồi. Tuy đó là lớp học không có bằng cấp, một trường gia giáo Thầy truyền trao cho trò, nhưng số lượng Tăng Ni tới học đông đảo vì sự am hiểu tường tận về giới bổn prātimokṣa của Ngài. Hơn thế nữa, học chúng đến thụ hưởng bởi một bậc Thầy giới hạnh thanh cao đạo phong sáng ngời.

Có thể nói Ngài Tuệ Sỹ là một trong những vị Luật sư thật thụ của Phật giáo Việt Nam am hiểu tường tận về các pháp yết-ma trong sinh hoạt của cộng đồng Tăng già, truyền giới và thọ giới, bố tát và thuyết giới, an cư tự tứ, ca-thi-na, v.v… sau khi các tập sách về thánh giới và yết-ma được xuất bản, chư vị Tôn túc trưởng thượng quan tâm đến sự trường tồn của Phật giáo nhiệt tình đón nhận rất nồng hậu, vì thánh giới là rường cột của ngôi nhà Chánh pháp, nếu đoàn thể tăng già nào còn thực tập thánh giới trong sinh hoạt thì tăng đoàn ấy hưng thịnh và giáo pháp trường tồn. Do vậy, những công trình của Ngài đã trực tiếp và gián tiếp đóng góp cho việc sinh hoạt đời sống Tăng lữ vốn đang bị sức mẻ trong xã hội đương đại.

Luận tạng

Luận tạng hay A-tỳ-đàm tạng (abhidharma-piṭaka) là những luận thư do các Luận sư biên soạn dựa trên tư tưởng Tam tạng để giảng giải rõ nghĩa hơn, nhưng trong truyền thống Theravāda cho rằng các bộ luận thư do đức Phật tuyên thuyết. Trong Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, quyển một nói: A-tỳ-đàm tạng là gì? Đáp: A-tỳ-đàm tạng là Pháp tụ luận (Dhamma-saṅgani), Phân biệt luận (Vibhaṅga), Giới luận (Dhātu-kathā), Song luận (Yamaka), Phát thú luận (Paṭṭhāna), Thi thiết luận (Puggala-paññatti), Luận sự (Kathā-vatthu). Đây gọi là A-tỳ-đàm tạng.”

Về những công trình của Luận tạng, Ngài Tuệ Sỹ đã phiên dịch và chú thích các bộ luận quan trọng, như Thành duy thức luận (成唯識論), A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận (Abhidharmakośabhāṣya/ 阿毘達磨俱舍論) (3 quyển); A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận (Sangītipariyāyapāda/ 阿毘達磨集異門足論) tương đương với văn hệ pāli là Pháp tụ luận (Dhammasaṅgaṇī / 法聚論/ Enumeration of Phenomena), và A-tỳ-đạt-ma Pháp uẩn túc luận (Dharmaskandha/ 阿毘達磨法蘊足論) tương đương Phân biệt luận (Vibhanga/分別論/Book of Analysis).

Văn học Abhidharma chứa đựng kho tàng triết học và tâm lý học rất thâm sâu, là một bộ phận giáo lý quan trọng cho người bắt đầu việc tu học và nghiên cứu Phật học cũng như từng bước đi vào con đường chứng ngộ giải thoát. Tuy nhiên, nếu không có người minh sư hướng dẫn thì khó mà lãnh ngộ được giáo lý trong hệ thống luận tạng. Ở các nước Phật giáo theo truyền thống Theravāda có những trường Phật học có phân khoa về Abhidharma, hay các nước theo truyền thống Phật giáo Đại thừa thì chuyên dạy về Du-già hành tông, tức chuyên khoa nghiên cứu về Duy thức học. Tại Việt Nam có khá nhiều bậc Thầy giỏi về Abhidharma hay Duy thức học, nhưng một trong những vì sao sáng trong lĩnh vực nghiên cứu về luận tạng, đó là Đại sư Tuệ Sỹ. Minh chứng là Ngài đã dịch và chú thích những luận thư đã xuất bản rất giá trị.

Bản dịch Thành duy thức luận có thể nói là một quyển sách gối đầu giường cho những người nghiên cứu về Duy thức học. Nếu trước đây giới học Phật tiếp xúc với các bản dịch Thành duy thức luận do chư vị Tôn túc dịch trực tiếp từ bản Hán văn của Ngài Tam tạng pháp sư Huyền Tráng, thì bản dịch của Ngài Tuệ Sỹ có đối chiếu bản Sanskrit và các bản dị biệt Hán ngữ. Trong luận bản ở bài kệ đầu tiên nói về ngã và pháp, Ngài đã chú thích: “ātma-dharma-upacāra, cận hành như là ngã và pháp; giả thuyết, giả lập, giả thi thiết, giả thác, hay ngoại hiện, như là ngã và pháp. Hán: giả thuyết ngã pháp 假說我法. Thuật ký (tr.238a18): giả có hai, vô thể tùy tình giả: tự thể không tồn tại nhưng được khái niệm tùy theo sự tưởng tượng; hữu thể thi thiết giả, khái niệm cưỡng gán trên tự thể thể tồn tại.” Và các bộ luận khác Ngài Tuệ Sỹ cũng cẩn trọng chú thích đối chiếu như thế.

Về Luận tạng trong Thanh văn tạng còn thiếu ít nhất là năm bộ nữa, gồm A-tỳ-đạt-ma Giới thân túc luận (Prajñapatipāda / 阿毘達磨界身足論) tương đương văn hệ Pāli là Giới luận (Dhātukathā / 界論 / Discourse on Elements); Thí thiết luận (Dhātukāyapād / 施設論) tương đương Nhân thi thiết luận (Puggalapaññatti / 人施設論 / Concepts of Individuals), A-tỳ-đạt-ma Thức thân túc luận (Vijñāṇpāda / 阿毘達磨識身足論) tương đương Sự luận (Kathāvatthu/事論/Points of Controversy); A-tỳ-đạt-ma Phẩm loại túc luận (Prakaraṇapāda / 阿毘達磨品類足論) tương đương Song luận (Yamaka / 雙論 / Book of Pairs); A-tỳ-đạt-ma Phát trí luận (Jñāṇaprasthāna / 阿毘達磨發智論) tương đương Phát thú luận (Paṭṭhāna / 發趣論 / Book of Conditional Relations). Hy vọng các luận thư này sẽ được xuất bản trong tương lai gần.

Điều thú vị trong các bản bản dịch của Ngài Tuệ Sỹ đã mở rộng những cái nhìn phóng thoáng về ngữ nghĩa của thánh điển, đồng thời chỉ ra các nghĩa tương đương của văn hệ Pāli hay Sanskrit. Không có sự trọng khinh giáo nghĩa giữa Theravāda hay Mahāyāna.

Giá trị lịch sử

Những công trình nghiên cứu dịch thuật của Ngài Tuệ Sỹ vừa đưa vào Thanh văn tạng của Đại tạng kinh Việt Nam có thể được xem là sự chuẩn mực của hàn lâm học thuật, bởi (1) các bản dịch này đã được Ngài dày công biên tập, đối chiếu, cước chú rất kỹ lưỡng, đặc biệt có sự tham chiếu truyền bản Sanskrit, Pāli và Tạng văn; (2) những bản dịch này đều căn cứ từ Đại tạng kinh Hán ngữ được hình thành vào năm 1922 dưới triều Đại chánh (Taisho) thứ 11, với sự đóng góp tinh hoa trí tuệ hơn một trăm nhà học giả nghiên cứu Phật học hàng đầu tại Nhật Bổn; (3) các công trình này đã được chủ trì và kiểm duyệt trực tiếp của hai vị học giả thâm uyên Phật học bậc nhất của Phật giáo Việt Nam đương thời là Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.

Phật giáo Nhật Bổn đã chủ xướng biên tập và hình thành Đại tạng kinh cách đây đúng một thế kỷ. Ngày nay những nước theo Phật giáo Đại thừa và các học giả Á châu dựa trên bộ Đại tạng kinh Hán ngữ này để làm chuẩn mực trong việc học hỏi giáo lý và nghiên cứu Phật học. Không những thế, nhiều bậc nhân sỹ tri thức Tây phương đã lặn lội sang Nhật Bổn, Đài Loan, Đại Lục học Hán văn để có thể tiếp xúc với nguồn văn học tinh hoa trí tuệ của đức Phật được lưu giữ trong bộ Đại tạng Hán ngữ rồi về trở về bổn quốc truyền dạy cho học sinh sinh viên ở học đường và mọi tầng lớp trong quần chúng xã hội. Đại tạng Hán ngữ cũng đã bắt đầu dịch sang tiếng Anh, do tổ chức Bukkyō Dendō Kyōkai (BDK) được thành lập ở Berkeley, California vào năm 1978. Lễ khánh thành dự án Tam tạng tiếng Anh BDK do Mục sư Tiến sĩ Toshihide Numata (1933-2017) người Nhật Bổn đảm nhận bắt đầu dịch Kinh điển Phật giáo từ Hán ngữ sang tiếng Anh để giáo lý của Đức Phật có thể được chia sẻ tới cộng đồng xã hội phương Tây. Hiện nay tổ chức BDK này đặt văn phòng tại Moraga, California do Mục sư Tiến sĩ Yehan Numata điều hành, đã xuất bản hơn 50 tập bằng Anh ngữ gồm các bản kinh luật luận quan trọng. Dự án Numata Programs in Buddhist Studies từ lâu đã hỗ trợ và thúc đẩy những tiến bộ trong nghiên cứu Phật giáo như một môn học thuật. Qua nhiều năm, chương trình vì mục đích này đã được thiết lập ở bảy trường Đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ, gồm Harvard University, The Institute of Buddhist Studies, Smith College, University of California at Berkeley, University of California Los Angeles, University of Chicago, University of Hawaii, Princeton University. Và chín trường đại học lớn khác ở Châu Âu và Canada, gồm Hamburg University (Germany), Leiden University (Netherlands), Oxford University (England), London University (England), Vienna University (Austria), McGill University (Canada), McMaster University (Canada), University of Calgary (Canada), University of Toronto (Canada). Dự án này quy tụ những vị Giáo sư Tiến sĩ Phật học danh tiếng ở các trường Đại học Hoa kỳ.

Phật giáo Tây tạng đã hình thành Đại tạng kinh khá sớm, theo Mochizuki Shinkō 望月信亨 (1869-1948) từ thế kỷ thứ bảy họ đã bắt đầu chủ trương phiên dịch các bản văn Sanskrit sang Tạng ngữ. Vào năm 2009, Dzongsar Khyentse Rinpoche cùng chư vị Giáo sư học giả đã thành lập dự án “84000 Translating the Words of the Buddha” dịch Đại tạng kinh Tạng văn sang Anh ngữ, rất nhiều bản kinh được lưu giữ của Phật giáo Tây tạng đã và đang được xuất bản giới thiệu cho đồng cộng Tây phương. Tổ chức Fo Guang Shan 佛光山 do Đại sư Tinh Vân (1927 – 2023) cũng đã chủ xướng phiên dịch Đại tạng kinh Hán văn sang Anh ngữ.

Sơ lược một vài công trình phiên dịch Đại tạng kinh của Phật giáo các nước để minh chứng rằng, Đại tạng kinh không chỉ là một pháp bảo của riêng Phật giáo mà là một báu vật văn hoá của một quốc gia. Vì đó là một công trình biểu tượng cho tinh hoa trí tuệ, là một sự biểu tượng văn hoá của nhân văn cho tinh thần bình đẳng trong cộng đồng xã hội. Trong thư viện các tùng lâm đều có Đại tạng kinh. Các trường Đại học lớn ở Tây phương cũng đều có Đại tạng kinh đa ngôn ngữ. Thiền sư Nhất Hạnh (1926-2022) khi thành lập các trung tâm tu học đều dạy các môn sinh thỉnh Đại tạng kinh về thư viện cho học chúng tham cứu khi cần. Các nền Phật giáo của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bổn, Tây Tạng đều có phân khoa Phật học cho sinh viên nghiên cứu ở nhiều trường Đại học trên thế giới, còn Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có, lý do là còn thiếu Đại tạng kinh chữ Việt. Cho nên, Đại tạng kinh mang một sứ mệnh ý nghĩa lịch sử thiêng liêng như thế nên chư vị Trưởng thượng Phật giáo Việt Nam đã chú trọng đến việc phiên dịch thánh điển từ khá sớm. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, Ngài Tuệ Sỹ đã kiên định với đạo nghiệp phiên dịch, hiệu đính, cước chú, và đối chiếu các bản kinh, luật, và luận rất công phu, từ đó những tác phẩm của Ngài trở thành ngôi sao sáng trong giới nghiên cứu học thuật.

Phật giáo Việt Nam trong thời cận đại có nhiều bậc Tùng lâm thạc đức thông tuệ, các Ngài rất kiên định về công trình dịch thuật, nhưng do sự giới hạn việc tra cứu đối chiếu đa ngôn ngữ, nên các công trình dịch thuật ấy vẫn bị thiếu về phương diện hàn lâm học thuật. Ngày nay, các phương tiện kỹ thuật dư thừa, sự thông hiểu ngôn ngữ không thiếu, nhưng con người thiếu sự nhẫn nại kiên định bởi chi phối “sống ảo” của xã hội. Phật giáo quốc nội thì bị chi phối bởi quyền lực địa vị theo thể chế chính trị Quân chủ. Còn Phật giáo ở Hải ngoại tuy có mặt gần nửa thế kỷ nhưng vẫn còn sơ khai, cộng đồng Phật giáo vẫn chưa ổn định về việc kiến lập đạo tràng và xây dựng cơ sở vật chất thì việc dành thời gian cho dịch thuật kinh điển thì bất khả thi. Từ đó, những công trình của Ngài Tuệ Sỹ trở nên sáng chói, vì Ngài đã kiên định với đạo nghiệp của mình đã chọn, mặc tình thế sự vật đổi sao dời, Đại sư vẫn điềm nhiên cần mẫn ngồi dưới ánh đèn cặm cụi học cổ ngữ, trao dồi kiến thức về khoa học, triết học, kỹ thuật để cống hiến cho Phật giáo qua những tác phẩm chú giải kinh luật luận mang tính lịch sử của Phật giáo Việt Nam.

Thanh văn tạng xuất bản lần đầu vẫn chưa đầy đủ, và còn thêm Bồ tát và Mật tạng, sẽ cần thời gian, có thể mười năm, nửa thế kỷ hay cả thế kỷ nữa mới hoàn thành Đại tạng kinh Việt Nam. Trong bối cảnh tang thương của xã hội mà nền đạo đức nhân văn đang bị quên lãng mai một, thì hơn bao giờ hết cần có một bộ Đại tạng kinh Việt Nam để làm chuẩn mực cho việc định hướng phát triển những giá trị chuẩn mực trong đời sống cộng đồng và nghiên cứu học thuật. Các công trình của Ngài Tuệ sỹ là nền tảng chuẩn mực hàn lâm học thuật cho Đại tạng kinh Việt Nam đã khơi dậy một niềm hy vọng vô biên trong lòng toàn thể Tăng Ni Phật tử Việt Nam là điều bất khả thuyết.

Riêng hàng hậu bối chúng con tự thấy không đủ ngôn từ nào để diễn tả lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ đối với những công nghiên cứu của Ngài Tuệ Sỹ, dù đó là “Tam tạng pháp sư Tuệ Sỹ” hay “Tuệ Sỹ Thượng nhân” hay bất cứ một danh từ nào khác cũng không thể nào diễn tả hết công đức to lớn của Ngài đã cống hiến cho công việc hoằng dương chánh pháp. Chúng con hướng về công hạnh của Ngài để học theo giới đức uy nghiêm sáng ngời nhằm nuôi dưỡng bồ đề tâm, phát nguyện đại bi làm cho giáo pháp được xương minh, như một phần nào báo đáp ơn đức của Người – Đức Ngài Tuệ Sỹ.

Ngày 01 tháng 01 năm 2024
Thích Nhật Tựu

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button