Thích Nhuận Châu: Giã từ cõi mộng
Giã từ cõi mộng điêu linh
Tôi về buôn bán với mình phôi pha.
(Mưa nguồn)
Cõi mộng nào chẳng chất ngất điêu linh: Ông thực sự đã giã từ cõi mộng. Còn cái điêu linh thì vẫn còn đó để cho người ta tập nhìn ngắm và học cách biết yêu. Ông đã khơi mở khả tính vô hạn của tình yêu như một thông điệp trao cho toàn cõi vĩnh hằng:
“Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng, sâu bọ cũng yêu luôn.”
(Phụng Hiến)
Trong tình yêu lớn lao vi diệu bao trùm một tinh thể nhiệm mầu này, tôi và anh Trung Dung có cảm giác như nói lời vĩnh biệt với ông, chia sẻ cái “điêu linh” phiêu hốt trùng trùng với ông từ hôm đến thăm ông tại phòng chăm sóc đặc biệt thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thật là quá xúc động. Xúc động đến sững sờ khi thấy ông nằm bọc trong lớp drap trắng xóa, đôi mắt trắng đục nhìn sững chúng tôi. Nét tinh anh ngày nào không còn nữa, chỉ còn đủ để phản chiếu lại hình ảnh lờ mờ của chúng tôi trong ấy. Còn tất cả đều lặng lờ trong tịch mịch.
“Vì con mắt một lần kia đã ngó
Giữa nhân gian bủa dựng một bầu trời
Đài vũ trụ hồn nhiên bao rạng tỏ
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi”.
(Ly Tao 2)
Tôi đọc thấy trong đôi mắt ấy muốn nói thật nhiều. Một ước nguyện vượt thoát qua mọi đối đãi buồn vui, được mất, tử sinh, một ước nguyện thể nhập trọn vẹn vào cuộc tồn sinh, trở về nơi cố quận… Ông chẳng còn gì để tiếc nuối cả, vì tất cả đều là mộng. Nhưng đôi mắt của ông và những sợi dây nylon trong veo truyền dưỡng chất, dưỡng khí từ bình serum treo ngược đầu giường, cắm vào mũi, vào thân thể ông hôm ấy vẫn để lại trong chúng tôi nỗi ngậm ngùi không nguôi:
“Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con”
(Mắt buồn-Mưa nguồn)
Còn đâu nữa một Bùi Giáng chất ngất trời tư tưởng tuyệt trần thổi vào dòng thi ca nhân loại. Còn đâu một Bùi Giáng với một biển văn chương chuyên chở lời hội thoại kéo gần lại hai dòng tư tưởng Đông-Tây. Thế mà, ông vẫn xem việc mình làm như:
“Người nằm ngủ thấy gì
Thấy rất nhiều nắng lạ.”
(B.G.)
Phải chăng đó là những hạt nắng bảy màu, làm nhức nhối võng mô những tâm hồn ngưỡng mộ thi ca đương thời?
Vậy nên ông xem mọi chuyện như đùa chơi, như lời ông thường nói với các bạn văn của ông thời ấy: “Vui thôi mà!” Cái vui ấy ông đã ban tặng cho đời mãi đến ngàn sau, không những bằng ngôn từ mà cả bằng thân xác. Những buổi chiều thăm ông bên giường bệnh, lại cảm nhận chất điêu linh ngập tràn trong đôi mắt buồn của ông, lại nhớ đến thơ ông:
“Anh cứ ngỡ đùa vui trong tí chút
Đâu có ngờ đùa mãi đến điêu linh.”
Khi ta quan niệm tất cả đều như một cuộc trở về thì rất vui. Và hơn nữa ông đã làm một cuộc trở về trong vòng tay của những người thương mến và ngưỡng mộ ông.
Những ngày nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, có hai giới đến thăm ông nhiều nhất: Giới văn nghệ và tăng sĩ Phật giáo. Các bác sĩ, y tá ở khoa cấp cứu đặc biệt đã dành cho ông nhiều ưu ái và phương tiện tốt nhất để chăm sóc cho ông. Khi xưa, ông xem mọi chuyện như đùa: “Vui thôi mà!” Nhưng khi ông nằm xuống, quanh ông lại thắm đượm tình người. Phải chăng đây là quả ngọt mà ông đã vô tình gieo hạt từ kiếp nào trong cõi nhân sinh?
“Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà.
Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân”
(Chào Nguyên Xuân – Mưa Nguồn)
Buổi sáng đưa ông ra nghĩa trang, nhìn tấm hình ông với râu tóc phiêu bồng trên chiếc xe tang màu đen, lại một cơn xúc động dâng tràn trong lòng. Người có ngỡ ngàng không khi trở về với làng phố vắng tanh trong hơi sương mát lạnh đang thì thầm trên từng đọt lá sớm mai?
“Níu vai phố rộng xin về
Với cây gió trút với hè nắng rung”
(Bỏ Hai Chân – Mưa Nguồn)
Ước gì sáng hôm đó, được đưa ông đi một vòng quanh Chợ Lớn – Sài Gòn, rồi về lại chùa Xá Lợi – Già Lam, rồi Trương Minh Giảng, Vạn Hạnh… để cho cây lá, nắng gió, bụi đường được tiễn đưa… giã từ ông về cõi trường mộng.
Trong những ngày về Sài Gòn để dự đám tang ông, tôi nhận được hai tập sách của anh Phạm Công Thiện xuất bản năm 1998: “Làm thế nào để trở thành một bậc Bồ Tát sáng rực khắp 10 phương”, và cuốn “Tinh túy trong sáng của đạo lý Phật giáo”.
Nói đến chuyện này là vì vào những năm của thập niên 60, Phạm Công Thiện và Bùi Giáng là hai con người tiêu biểu độc đáo nhất trong nền thi ca tư tưởng Việt Nam.
Như một cặp “song trùng nhị bội” tung vút đôi cánh chim băng vào bầu trời sâu thẳm của tinh túy đạo học Đông phương. Bầu trời ấy từ đó không còn ẩn mật rêu phong bởi sự tàn phá, thao túng, hạn cuộc bởi triết lý nhị nguyên và duy lý phương Tây nữa, mà hiển bày một cách hùng tráng tuyệt vời, bay bổng lên giữa trầm uất nhân sinh, giữa xô bồ văn minh kỹ thuật, giữa biên kiến tao loạn, bởi tâm thức phân ly, vì tham lam sân hận của con người.
Bùi Giáng đã “giã từ cõi mộng” bằng thể điệu của riêng ông. Còn Phạm Công Thiện cũng đang “giã từ cõi mộng điêu linh” này bằng hùng lực muôn đời của mình. Theo tôi, đó là qua hai tập sách mà tôi đang xúc động đọc từng trang sau khi đưa Bùi Giáng ra nghĩa trang trở về.
Có thể nói: “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” và “Những bước chân trở về sự im lặng” là tác phẩm đánh dấu một bước chuyển mình của Phạm Công Thiện. Đó là kết thúc đẹp đẽ một thời kỳ ngang tàng đập phá một cách tài hoa mọi chướng ngại được dựng nên bởi những nhân danh. Ngôn ngữ của anh như có lửa, vì ước nguyện của anh quá lớn và vô cùng chính đáng phù hợp với sự thăng hoa cho tâm thức nhân loại. Và bây giờ anh đã thực sự đặt những bước chân vào một lộ trình mới, đầy hương thơm và ánh sáng. Svàha! Xin nghiêng mình kính cẩn chào mừng anh!
“Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.”
(Ngày Sinh Của Rắn – P.C.T.)
“Tinh túy trong sáng của Đạo lý Phật giáo” và “Làm thế nào để trở thành một vị Bồ-tát sáng rực khắp 10 phương” là khúc dạo đầu cho một hòa âm mới trong cuộc hòa nhập vào chân thể hồn nhiên vĩnh cửu.
Xin trích một đoạn trong chương 7 của tập “Tinh túy trong sáng của Đạo lý Phật giáo”:
“… Đời người chỉ có ý nghĩa thực sự mỗi khi mình được thường trực sống thở ngay vào trong lòng bông sen thơm trắng, lúc thành Phật thì chính mình sẽ ngồi trên cái bông sen tinh khiết ấy. Phật tử đúng nghĩa phải là người quy y Tam Bảo và không bao giờ quy y tám pháp thế gian. Phật tử đúng nghĩa xa lìa dứt khoát tám điều dao động bản thân một cách dữ dội nhất, gọi là tám cơn gió chướng:
- Vui sướng khi được khen ngợi ca tụng.
- Đau đớn khi bị mắng chửi.
- Vui sướng khi được lợi lộc tài sản.
- Đau khổ khi bị mất lợi lộc tài sản
- Vui sướng khi được nổi tiếng, khi được thành công.
- Đau khổ khi bị thất bại hay vô
- Vui sướng khi được tiện nghi thoải mái
- Đau đớn khi bị mất tiện
Nói gọn lại: danh thơm, tiếng xấu, được, mất, khen, chê, sướng, khổ. Dù tu hành trọn đời cho đến 95 tuổi, lúc chết lại bất ngờ bị một trong tám cơn gió chướng này thổi đến làm dao động tâm thức, lúc ấy vừa chết liền đọa ngay địa ngục, vì đã đánh mất Bồ- đề tâm…” (trang 33, 34)
Và một đoạn khác trong cuốn Làm thế nào để trở thành một bậc Bồ Tát sáng rực khắp 10 phương:
“… Ngôn ngữ của chư Phật và chư Bồ Tát là ngôn ngữ tự xóa mất trong từng chữ và từng tiếng để bất ngờ khi mở một thế giới vô tận và mới lạ, và chỉ khi nào cái bản ngã hạn hẹp của mình bị nghiền nát thành tro bụi thì may ra lúc ấy mới bừng sáng lên tất cả chân thực nghĩa vô lượng của Như Lai…” (trang 11)
Bùi Giáng thường nói về “Cố quận” trong thơ:
“Đất hoa khóc vĩnh biệt người
Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu.”
Và còn lấy “Lời cố quận” để đặt tên cho một tập khảo luận nữa. Phải chăng “cố quận” như là một cõi lãng đãng phiêu bồng, hé mở một cách tượng hình tương đối về chỗ ngọn nguồn đầu ghềnh cuối bãi của cõi người ta?
Cho đến bây giờ, có thể nói rằng Phạm Công Thiện, bằng cuộc trở về của anh qua hai tác phẩm ấy, mới thực sự góp phần giải mã cái ẩn mật vi diệu trong “Lời cố quận” mà Bùi Giáng đã hằng tâm ngưỡng nguyện, đã đem cho hết cả hiện hữu tồn sinh để xin nhận lấy dù chỉ một sát-na thị hiện:
“Tâm tùy thị hiện sát na
Căn do Hoàng thị đầu hoa Chiên đàn
Cội hồng ánh ngọc cưu mang
Tờ rung Hoa Tạng dư vang vô ngần.” (B.G.)
Vì cảm đến tài hoa mà có đôi dòng mạo muội. Xin chư vị niệm tình tha thứ.
Xin chào mừng cả hai cuộc “giã từ cõi mộng” của hai con người trác việt một thời.