Thích Nữ Diệu Như: Hoài niệm – Tri ân bậc Ân Sư!
Ngưỡng lạy Giác linh Thầy! Thời gian đi qua, năm tháng cũng già đi, Thầy viên tịch đã qua tuần thất thứ ba rồi. Tuy Thầy đã quảy gót về với hạnh nguyện mà Ngài đã sắp đặt. Với tâm trạng của người học trò xa xứ, khi một bậc Ân Sư viên tịch, một cảm giác… ngập cõi lòng!
“Cội tùng đỗ ngã từ nay
Rừng cây cành lá một màu chơi vơi
Thầy đi dạo cõi hư không
Chúng con nay đã mất Thầy từ đây.”
Hoài niệm với đôi dòng tri ân mộc mạc này, con xin mạo muội kính dâng lên giác linh Thầy thuỳ từ chứng giám!
Nhìn lại những công sức kỳ vĩ đầy nhiệt huyết của Ngài… lúc mình chỉ vào độ tuổi chưa phân định rõ đâu là hướng đi cho chính mình, khoảnh khắc mờ mờ ảo ảo vào khoảng thời gian ấy.
Cảm giác của những lần đặt chân đến lớp học ở Quảng Hương Già Lam, Thư Quán Hương Tích… với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, mừng có, hồi hộp có, lo sợ cũng có, được ghi số xe lưu ý đặc biệt cũng có…
Nhớ lại những chặng đường tờ báo “Tập San Pháp Luân Trao Đổi Kiến Thức Cơ Bản Phật Học” – Cố vấn – Hòa Thượng Tuệ Sỹ. Chủ Biên Thầy Viên Phương. Ban Biên tập chúng con khoảng 15 Huynh Đệ. Mỗi lần đến kỳ họp Ngài luôn khuyến tấn bằng 7 pháp Diệt Tránh nhắc nhở cho quý Huynh Đệ, để ứng dụng khi gặp chuyện bất như ý, đem ra hoá giải trong lúc làm việc.
Một lần nọ, con nấu chè hạt sen Huế đến cúng dường. Thời xong rồi, Thầy dạy. “Ba việc nấu ăn này ai làm cũng được, Phật tử làm giỏi hơn đó, các Cô lo vào việc học hành, nghiên cứu Kinh sách đi.”
Lời dạy như đinh đóng cột của bậc Thầy luôn sách tấn cho học trò phải siêng năng học tập không ngừng. Đời người chỉ có một thời, sẽ chóng trôi qua tuổi học trò, dòng thời gian đã trôi không thể quay ngược lại được.
Lại một buổi, lớp Duy Thức Luận ở Quảng Hương Già Lam vừa tan học, “Thầy kêu đem những bộ Luật Tứ Phần này về chùa cho quý cô đọc mà hành trì. Tính Thầy rất thích giúp đỡ lớp trẻ về việc học hành, và Tăng Ni sinh có tính tham cầu học hỏi. Ngài nói “sách của Thầy nhiều đó, mấy đứa con xem đọc được cuốn nào thì lấy về đọc cho hiểu, để mà tu cho đúng đường.”
Trong giai đoạn Xã hội nhiều người chưa thấu hiểu sự xuất hiện của Thầy trên cõi đời này. Lòng từ bi của Thầy luôn bao phủ cho lớp học trò từng li từng tí. Lúc nào cũng quan tâm, lúc nào cũng động viên, sách tấn.
Lại lần đến học lớp Duy Thức, chúng con dẫn hai Sư Cô bạn đến đảnh lễ Ngài trước, để được dự vào lớp học, Thầy cười rồi nói: “Đừng bảo Thống Nhất tàn lụi hết, chư Tăng ngày ấy vẫn còn đây.”
Câu nói đó, còn vang vọng theo con hơn 20 năm rồi vẫn còn in đậm đọng trong tâm trí.
Nhớ lại ký ức, của thời cắp sách đến học dưới mái chùa Quảng Hương Già Lam, buổi học Duy Thức vừa tan, được Ngài kêu cho cuốn sách. Xong, con lại thưa, “dạ bạch Thầy con nghe họ nói Thầy là thần Đồng.” Ngài nói: “Tui cũng học lắm chứ, thần đồng thần hóa gì.”
Khi đó, trên bàn làm việc của Thầy ghi trên miếng giấy post-it note màu vàng một đoạn tiếng Đức với gần 10 ngôn ngữ kèm theo dán một dọc. Ôi! Bạch Thầy, đúng là họ nói Thầy thần đồng không sai! Ngài nói, “đã học thì học một lần cho luôn, đỡ mất thời gian, đỡ tốn giấy mực.”
Lại lần khác con đến học lớp Luật, khi tan lớp về bổn tự, thấy một lá thư ghi… “mai đúng 8 giờ sáng có mặt tại đồn…” Lúc tới làm việc với họ, xoay qua quay lại với nội dung vì Cô đến học các lớp do Thầy Tuệ Sỹ dạy… Rồi lần thứ ba mời đến ép ký lá thư, với nội dung ‘không được đến học các lớp Thầy Tuệ Sỹ dạy.’
Chỉ vì việc đi học thôi, mà khủng bố xung quanh mình 6 người, thay phiên hỏi hoài không thôi.
Ngày khác đến học Thầy dạy: “Nếu họ mời lại thì cứ nói, muốn gì thì đến Thầy Tuệ Sỹ mà hỏi tui không biết.”
Chỉ vài lời ngắn gọn vậy thôi, như đã phủ kín sự che chở, gói trọn trách nhiệm của một bậc Thầy Vĩ Đại. Làm cho con có đủ dũng khí, như được tiếp năng lượng bình yên, đúng lúc mình đang bị khủng bố, hoảng sợ, không biết đâu là điểm tựa tinh thần cho mình bước vững trên đôi chân, để tiếp tục theo con đường lý tưởng của mình đang đi.
Câu nói trấn an, đã cứu con thoát ra khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng đó. Lúc bấy giờ con cảm thấy in như “Phẩm 23 trong kinh Pháp Hoa, như con gặp mẹ, như dân gặp vua.”
Có lẽ dòng hoài niệm viết lên triệu trang giấy này, cũng không sao tả hết được, cũng như một bậc Thầy cao quý, như đấng Cha lành thương xót đàn con đang bơ vơ trong lúc khủng hoảng, như hạnh nguyện cứu độ của Ngài cũng không bao giờ cùng tận.
Trọn cuộc đời của Ngài tận tụy đến giây phút cuối cùng. Gần cuối tháng 10 năm 2023, con đến thăm, nhìn tinh thần Ngài đầy năng lượng như một bậc Bồ Tát. Lúc đó, Ngài đang thở oxy mà vẫn còn đọc sách làm việc, ai nhìn vô in như không có bệnh tật gì cả. Nhìn thấy vậy, nước mắt con tự nhiên tuôn trào, rưng rưng dòng lệ cứ rơi không sao kiềm chế được.
Lúc đó trên tay Thầy đang đọc cuốn sách với tựa đề “Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ”.Vỏn vẹn chỉ một cuốn của Hội Đồng Hoằng Pháp trình lên để Ngài xem qua thôi, mà Ngài cũng cho luôn. Thầy thị giả thưa, “Bạch sư Phụ! Dạ được một cuốn, sao Sư phụ cho đi hè?” Thầy cười, rồi lại hỏi, “con có bộ Thanh Văn Tạng chưa? nói quý Thầy cho đem về mà đọc, Thầy dịch và chú giải hết rồi, Hội Đồng Hoằng Pháp in ra, chắc gần cả 1000 cuốn đó. Xem lúc in ra, nhớ thỉnh cho trọn bộ, sợ in một đợt, lần sau không in nữa là không trọn bộ đó nghe.”
Lòng bi mẫn của Thầy đối với học trò không những động viên về việc tu học, cứu giúp đời, mà Ngài dạy, luôn bao dung những người chống phá mình. Lời dạy của Ngài như dòng suối thanh lương rót vào từng tâm lượng chúng sanh, Thầy dạy nhiều lắm…!
Dạ bạch Thầy! Thời gian này, con xin Thầy nên nghỉ ngơi, tịnh dưỡng một chút. Ngài đã làm quá nhiều cho chúng con và nhân loại rồi! Con xin Thầy, Thầy thương cái thân của Ngài một chút đi, dạ con xin Thầy đó! Giọng nói Ngài đầy dõng dạc “Thầy gần đi rồi.” Dạ bạch Thầy! Thầy chưa đi đâu, dạ Thầy cố lên! Ngài cười rồi nói “Thầy sẽ cố từng phút.” Ngài nói, “xem giúp Thầy mấy giờ rồi”, minh chứng Ngài tranh thủ từng giây, đến phút cuối Ngài vẫn một lòng, bất chấp mọi rào cản, dù thân đang lâm trọng bệnh, mà Ngài vẫn cố làm nốt cho xong công việc. Trái tim nhân hậu của Ngài vẫn một lòng quyết hy sinh để bảo lưu Chánh pháp, gìn giữ Đạo lý cho đến phút chuyển sang thế giới mới.
Với Thầy, sanh diệt chỉ là hoa đốm giữa hư không, đến đi nhẹ như áng mây trời. Vòng tay của Ngài ôm trọn cả thái hư. Với chúng con, cội tùng đã ngã xuống, như đàn chim ngơ ngác bơ vơ giữa trời.
Cảm ơn Thầy đã một đời tận tâm hết mình vì đàn hậu học chúng con.
Cảm ơn Thầy đã để lại cho chúng con và nhân loại một nền tảng Giáo Lý chân thật của Phật Đà.
Cảm ơn Thầy đã để lại cho chúng con và nhân loại kho tàng tri thức vô giá này.
Cảm ơn Thầy để lại cho chúng con và nhân loại một nền Giáo dục hòa bình.
Cảm ơn Thầy đã để lại cho thế giới những tư tưởng tuyệt diệu của Ngài.
Cảm ơn Thầy đã để lại một thông điệp, sống phải luôn yêu thương quê hương Việt Nam, yêu thương nhân loại và yêu thương cả những người chống phá mình.
Cảm ơn Thầy đã thị hiện cho Phật Giáo Việt và thế giới một bậc Xuất Trần Thượng Sỹ.
Thầy đã truyền dạy cho chúng con những đức tính Bi, Trí, Dũng. Dẫu gặp bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn dùng ánh mắt Chánh kiến để nhận định mọi hiện tượng sự vật đã sẽ và đang xảy ra, ứng dụng pháp Vô ngã, để liễu ngộ tự tánh của các pháp. Sáng suốt lựa chọn cho mình một con đường, định hướng trên bước chân của chính mình. Dù đang sống trên mảnh đất nào, hay đang bị trong hoàn cảnh nào đi nữa, cũng vẫn một lòng vì Đạo Giải thoát của Đức Thế Tôn mà chư bậc Tôn Túc, chư bậc Tôn Sư đi trước đã hy sinh trọn cuộc đời đầy gian truân, gánh chịu bao thăng trầm mọi biến đổi của xã hội, đã dày công gìn giữ kho báu Chánh Pháp truyền dạy và lưu lại cho chúng ta và nhân loại đến ngày hôm nay.
“Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm, Ngài đã làm xong, nên Ngài nhẹ gót vân du về cõi Tịnh”. Chúng con ở lại thừa hưởng những thành quả của Ngài. Nhìn lại những bộ Thanh Văn Tạng với nhiều tác phẩm của Ngài dành cho chúng con và nhân loại, trong lòng mừng mà sao tà áo lam cứ thấm lệ. “Nghĩa Ân Sư muôn kiếp khó đáp đền.”
Kho tàng tri thức quý báu, tạng Pháp bảo vô giá được nói ra từ kim khẩu của Ngài, mãi lưu lại cho hậu thế khắp năm châu bốn biển, không bao giờ mai một, ai ai cũng đều có quyền được thừa hưởng và thọ trì như nhau.
Thế hệ trưởng thành của chúng con, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng đều được tiếp nhận những lời giáo huấn và thừa hưởng qua những công trình đầy tâm huyết của Thầy, tâm hồn rộng mở khắp nơi của Ngài, tựa như bảy viên ngọc quý, tỏa sáng ba ngàn thế giới, xuyên đến tận lòng người.
Đức Phật dạy, tâm vô thường, pháp vô ngã. Một sự kiện, hay một bậc vĩ nhân nào xuất hiện đến một lúc nào đó cũng từ giả cõi đời này, rồi theo dòng thời gian mà phôi phai. Hình ảnh của Ngài, có lẽ mờ theo mọi biến đổi của xã hội và sự tiếp nối của từng thế hệ, từng con người. Với chúng con, hình ảnh và tư tưởng của Thầy, vẫn không bao giờ bất diệt. Tư tưởng và hạnh nguyện Thầy như vị Bồ tát hóa thân, dù bão táp phong ba, dù xã hội lắm người sống nghịch thiên lý nhưng với lòng đại nguyện, bi mẫn của Ngài đã thấu hiểu lòng người, dòng chảy của xã hội, mà Ngài hoá giải với một cứu cánh duy nhất đều mong đưa tất cả qua bờ Giải Thoát Giác Ngộ.
Kính lạy Giác linh Thầy! Xin Ngài tịnh dưỡng thời gian rồi sớm quay trở lại với chúng con. Chúng con nghĩ! Thầy sẽ có rất nhiều và rất nhiều Quý Thầy, Cô… với những người học trò của Thầy, sẽ nguyện mãi mãi học theo hạnh của Ngài, để cùng làm Bồ Đề Quyến Thuộc chỉ một định hướng duy nhất như trong Thông Bạch của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, Thầy ghi “Thập Phương Bạc Già Phạm, Nhất Lộ Niết-Bàn Môn.”
Dù Ngài hoá thân đến nhiều kiếp, pháp âm của Thầy vẫn mãi mãi vang vọng, mãi mãi lưu truyền như vầng thái dương, như bầu khí quyển cho chúng con và nhân loại đang sống trên trái đất này.
尊師走了, 他也未走!
先生音容宛在, 教誨在心,
尊師走了, 他也未走!
先生思想仍在,
可以指引我們前行,
因為精神永存!
Phật lịch 2567
Hoa kỳ, ngày 15 tháng 12 năm 2023
Khể thủ
Học trò của Thầy – Diệu Như cẩn bút!