Thích Nữ Trí Hải: Nguồn mạch tâm linh

BA THỜl CHUYỂN PHÁP

 

Kính lễ Thích ca mâu ni Thế tôn
Nay con đem tâm phàm phu suy diễn thánh pháp
Là nhờ những bậc tiền bối đã khai triển Pháp này
Xin Ngài gia bị cho tâm phàm chuyển thành thánh trí

Buổi nói chuyện hôm nay sẽ xoay quanh ba điểm trụ chốt là Dục thoát trí, Bồ đề tâm và Chánh kiến, tương đương trọng tâm của ba thời Phật chuyển Pháp luân Tứ đế. Thông thường, ta nói tứ đế là pháp tu Thanh văn, 12 nhân duyên là pháp tu của Duyên giác, và lục độ vạn hạnh là pháp tu của Bồ tát. Nhưng xét lại, thì 12 nhân duyên thuận quán là Khổ và Tập đế, nhân quả trong vòng lưu chuyển: nghịch quán là Diệt đế và Đạo đế nhân quả xuất thế gian, 12 nhân duyên như vậy chỉ là diễn rộng lý tứ đế, còn lục độ vạn hạnh chính là Đạo đế trong tứ đế. Tứ diệu đế do đó là giáo lý bao trùm tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Muốn thoát ly những khổ vặt vãnh trong đời sống thường ngày, muốn sống một đời thoải mái an lạc, muốn hưởng hạnh phúc dài lâu trong các cõi trời cõi người, muốn đạt giải thoát như những bậc thánh thanh văn Duyên giác, hay muốn đạt giác ngộ Vô thượng Bồ đề như Phật, đều không thể ra ngoài tứ diệu đế.

Đức Phật đã giảng Tứ diệu đế ba lần, gọi là tam chuyển Pháp luân, mỗi lần độ một hạng người khác nhau từ cạn đến sâu. Trọng tâm của lần chuyển Pháp đầu tiên là chỉ rõ đâu là Khổ thật sự, gọi là Thị chuyển. Có biết đúng về khổ mới mong diệt khổ bằng cách diệt cái nhân thực sự của khổ để được an lạc lâu dài. Cũng như trong việc trị bệnh, cần định rõ căn bệnh (khổ) để tìm nguyên nhân thật của nó (tập). Có biết đúng nguyên nhân gây bệnh mới mong chữa khỏi bệnh (diệt) bằng phương pháp trị liệu đúng cách (đạo) để diệt tận gốc mầm bệnh. Nếu chẩn bệnh không đúng (không thấy đâu là Khổ thật sự) rồi chỉ cho những liều thuốc để dứt triệu chứng như gặp nhức đầu cho ngay thuốc giảm đau, sốt cao cho uống thuốc hạ nhiệt, thì chẳng những không chữa được bệnh mà còn khỏa lấp những dấu hiệu báo nguy cần thiết của cơ thể, và làm cho bệnh thêm trầm trọng.

Ngược lại, nếu biết đúng bệnh, tìm ra nguyên nhân bệnh, thì có thể chữa bệnh dễ dàng bằng cách diệt trừ tận gốc những nguyên nhân gây bệnh. (Cái kiểu trị bệnh bằng cách dứt trừ triệu chứng là cách làm thông thường của chúng ta từ thân bệnh đến tâm bệnh. Thân bệnh có các loại thuốc giảm đau an thần. Tâm bệnh thì giảm đau bằng đủ loại giải trí từ hạ liệt tới thanh cao, bằng cách sưu tập thêm tài sản, kiến thức… để tô bồi bản ngã, rốt cục khổ càng trầm trọng khó gỡ, vì triệu chứng đã bị khuất lấp. Ví dụ, người ta muốn làm ngơ, khuất lấp những triệu chứng già chết bằng cách đi đến các mỹ viện sửa lại bộ mặt, nhuộm tóc, nhổ răng, lột da, xẻ cằm, chống mũi… nhưng rốt cuộc già vẫn già, bệnh vẫn bệnh, chết vẫn chết).

Đức Bổn sư chúng ta, lúc còn là thái tử sống trong lầu son gác tía, đã thấy đâu là cái khổ chân thực, căn để của con người: đó là già, bệnh và chết, mà không ai tránh thoát từ bậc vua chúa cho đến kẻ cùng đinh. Vì cảm thụ một cách sâu xa nỗi khổ sinh tử của mình, của những người thân và của tất cả chúng sinh, Ngài đã từ bỏ cung điện ra đi tìm phương thoát khổ: đó là Dục thoát trí.

Thông thường, con người chỉ mong mỏi thoát ly khi gặp cảnh khổ thực sự như cha mẹ chết (thân suy) làm ăn thua lỗ (tài suy), sức khỏe yếu kém, nhiều bệnh, không thể sống ở đời (bệnh suy). Hoặc sau một thời gian hưởng thủ cuộc sống vật chất đã chán chê, đến tuổi già mới cảm thấy cô độc khốn khổ cần một nơi nương náu (lão suy). Ngược lại, thái tử đã ra đi trong lúc tuổi còn thanh xuân tóc đen nhánh, sức sống rạt rào, giai đoạn tươi đẹp nhất của một đời người, chính vì ngài đã thấy rõ cái khổ căn để già, bệnh và chết đang chực sẵn bên cạnh mọi đời sống, mọi lứa tuổi. Nhờ thấy rõ như thế, Ngài đã từ bỏ ba kiêu mạn ngăn cản sự tu tập là kiêu mạn về tuổi trẻ (tưởng mình trẻ mãi), kiêu mạn về sức khỏe (tường mình không bao giờ bệnh), và kiêu mạn về sự sống (tưởng mình sống lâu). Chính ba kiêu mạn ấy đã khiến người ta đắm say cuộc đời và không chán hưởng thụ các dục lạc. Thái tử trái lại, đã lợi dụng chính tuổi trẻ, sức khỏe và sự sống của mình để lập chí nguyện vĩ đại, vào rừng tu tập đủ mọi thứ khổ hạnh trong sáu năm ròng. Thời gian ấy là thời gian ngài đi tìm nguyên nhân của khổ để diệt trừ nguyên nhân ấy. Lúc đầu Ngài theo học các nhà khổ hạnh ngoại đạo. Đối với họ, cần phải hành thân hoại thể càng nhiều càng tốt, vì thân xác này chính là nguồn gốc mọi tội lỗi đau khổ đến với con người. Thái tử đã theo lối thực hành của họ,và còn vượt xa hơn họ về khả năng chịu đựng của thân xác. Nhưng đến khi thấy rõ khổ hạnh chỉ làm mỏi mòn thân xác mà không đem lại trí tuệ, không nhờ đấy mà thấy được nguyên nhân Khổ, thì Ngài đã can đảm từ bỏ khổ hạnh. Đối với Ngài, khổ hạnh chỉ là phương tiện để đạt đến trí tuệ. Khi thấy phương tiện ấy không đúng và không cần thiết, thì Ngài không ngần ngại vứt bỏ để tìm phương tiện khác. Trong khi tu tập, không thiếu gì những nhà khổ hạnh xem khổ hạnh tự nó đã là cứu cánh, họ biến năng lực chịu đựng của mình thành một sở đắc để khoa trương, để thu thập tín đồ. Khổ hạnh của họ khi ấy trở thành một chướng ngại cho giải thoát mà Phật gọi là giới cấm thủ: ôm giữ những khổ hạnh không cần thiết, không đưa đến đâu.

Khi thân xác đã kiệt sức mà Ngài vẫn không tìm thấy đâu là chân lý thoát khổ, thái tử mới vỡ lẽ rằng thân không phải là nguồn tội, không phải là chánh phạm gây ra tội lỗi nhiễm ô, mà chỉ là tòng phạm, hay đúng hơn, chỉ là dụng cụ dùng để gây nên tội lỗi đưa đến sinh tử luân hồi. Chẳng những thân xác không phải là chánh phạm, mà nó còn là một cỗ xe tốt để đưa ta đến an lạc giải thoát nếu biết sử dụng đúng. Bởi thế, không có lý gì để phá vỡ dụng cụ ấy. Thái tử bèn ăn uống trở lại để phục hồi sức khỏe và sau 49 ngày nhập định, thiền quán, ngài đã tìm ra móc xích 12 nhân duyên gây nên sự lưu chuyển của chúng sinh trong vòng sinh tử luân hồi. Sau này, khi thuyết pháp, ngài thường dạy các đệ tử rằng thân vốn không tội hoàn cảnh bên ngoài cũng vô can, nhưng khi tâm đam mê chấp thủ có mặt thì thân và cảnh ngoài như bị cột chung lại với nhau không thể rời. Ví như một cái ách buộc hai con bò đen trắng lại với nhau, bò đen không phải là cái trói buộc bò trắng, bò trắng cũng không phải là cái trói buộc bò đen, nhưng cả hai đều bị ràng chung bởi cái ách. Thân như con bò trắng, cảnh như con bò đen, hai thứ vốn không can dự nhau, nhưng khi tâm tham ái có mặt, thì tâm này trở thành cái ách khổ trói buộc thân vào với cảnh. Người vô tâm với sắc đẹp tiếng hay thì dù có thấy sắc nghe tiếng cũng không sao. Như vậy, tội là do tâm, không phải do thân. “Khi bò không chịu kéo xe thì nên đánh cái xe hay đánh con bò?” Phật đã hỏ một đệ tử để chỉ cho thấy chính cái tâm tham ái chấp thủ mới là nguyên nhân, nguồn gốc của đau khổ. Đây gọi là Tập đế.

Khi thiền định dưới cội bồ đề, thái tử đã quán sát như sau: Thật sự thân này bị cái khổ già chết đang nung nấu. Do đâu có già chết? Chính vì thân này có sinh ra. Do đâu mà có thân này sinh ra: Chính do cái khuynh hướng muốn có mặt trên đời, muốn hiện hữu (hữu). Do đâu có khuynh hướng ấy? Do sự bám víu (thủ) và ái luyến bản ngã (ái). Trong Đạo đức kinh, Lão tử cũng nói: “Ta có tai nạn lớn, do có ra thân xác này. Nếu không có thân, thì đâu có tai họa. Nhưng muốn không thân, thì cần phải vô tâm”. Như thế, Lão tử cũng công nhận tâm là nguồn gốc mọi tai họa của thân. Và vì thân không phải là nguyên nhân chính yếu gây tai họa, cho nên trừng phạt thân xác hay diệt nó đi bằng cách tự sát chẳng hạn, chưa phải là cách giải quyết ổn thỏa, khi tâm (ái và thủ) chưa diệt.

Làm thế nào để diệt ái và thủ? Phải nhìn kỹ lại để thấy rõ những đối tượng làm cho ta ái thủ, và chính cái ta chủ tể sự ái thủ, đều vô thường, duyên sinh, và do vô thường, duyên sinh nên không thực chất, trống rỗng như bọt nước, như tiếng vang, như vật mượn, như ảo tượng nắng quáng đèn lòa. Thấy được thực chất trống rỗng của mọi sự thì hết chấp thủ, tức là giải thoát. Lấy ví dụ một người đang si mê một người khác. Trong khi si mê, người ấy chỉ thấy toàn nét đẹp và sự dễ mến nơi người kia, mà không thấy những vẻ xấu và lỗi lầm của họ. Người ấy đau khổ tưởng chừng có thể chết được nếu không được sống chung với kẻ ấy. Nhưng khi tâm si mê ấy thay đổi, và đối tượng si mê cũng đổi thay, thì người kia mới thấy rõ những tật xấu, những nét khó ưa nơi người nọ và thoát khỏi sự bám víu. Lòng ái luyến đối với tự ngã của mình cũng thế, hoàn toàn vô căn cứ, vì tự ngã luôn luôn thay đổi, từ thân đến tâm. Thân như cái phòng trọ, tâm như người khách ở trọ, không có gì trường cửu. Thấy được như thế sẽ lìa được lòng cố chấp ái luyến đối với tự ngã.

Như thế cái khổ sinh tử có thể giải quyết tận gốc bằng cách giải quyết cái tâm thám ái, và sở dĩ có tham ái là do lối nhìn sai lạc xem mọi sự là thực có, bản ngã là thực có. Lối nhìn sai lạc đó gọi là vô minh.

Lần chuyển Pháp Tứ đế đầu tiên do vậy, đặt trọng tâm ở Khổ đế và Tập đế. Nói về Khổ, cũng có mức độ cạn sâu. Mới đầu ta tưởng như già, bệnh, chết là khổ, vì Phật đã do thấy già bệnh chết mà tìm cách thoát ly tìm phương cứu khổ. Nhưng sau sáu năm khổ hạnh. Ngài đã tìm ra cái khổ vô hình vô tướng nhưng sâu sắc hơn nhiều, đó là vô minh, cái vô minh làm cho ta bám víu, ái luyến thân xác, muốn có mặt mãi mãi trên đời, muốn sống hoài không chết, trẻ mãi không già. Thật vậy, vì có vô minh, mới có sầu bi khổ ưu não trước cảnh già chết, mất mát người thân, gặp gỡ kẻ thù. Nếu không có vô minh, thì sanh già bệnh chết chỉ như bốn mùa luân chuyển trong thiên nhiên, vô thường là sự thường. Không có sự phân biệt của vô minh, thì thân thù bình đẳng, thấy mọi cảnh thuận nghịch đều có mặt trái của nó, như vậy còn đâu là đau khổ? (Ví dụ, biết tu thì gặp danh lợi vẫn tự tri, tiết dục nên không xảy ra tai họa, gặp nghịch cảnh thì sử dụng nó để rèn luyện thân tâm. Không biết tu, thì nghịch cảnh làm cho ta khốn đốn, mà thuận cảnh lại càng hiểm nguy hơn).

Trọng tâm của Tập đế do vậy là vô minh căn bản đưa đến ái và thủ, từ ái thủ tạo đủ thứ nghiệp hữu lậu nuôi dưỡng vô minh cho thêm béo mập ngày càng khó thoát, gọi là nhuận sanh vô minh. Nguyên nhân của khổ hóa ra nằm ngay trong tâm, không phải ở ngoài. Khi khám phá ra điều này, Phật đã hoan hỉ thốt lên, “ta đã tìm ra kẻ làm nhà, từ nay nó không còn làm nhà được nữa”, ám chỉ chính cái tâm tạo ra thân xác, vậy muốn chấm dứt sinh tử luân hồi, thì phải nhắm ngay tâm mà hạ thủ. Như thế là Ngài đã tìm ra một lối thoát Khổ, vì đã tìm ra nguyên nhân của khổ, và tuyên bố rằng khổ ấy có thể chấm dứt bằng cách chấm dứt cái nhân gây khổ ở ngay trong ta, chứ không do một tác nhân nào bên ngoài như thần linh hay thượng đế, cũng không phải do hên xui may rủi như câu trong truyện Kiều:

“Bắt phong trần, phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Sự quan trọng của khám phá này là nó đánh tan quan niệm sai lầm cho rằng đạo Phật bi quan yếm thế vì nói đời là khổ, và khổ là do cái nghiệp nó bắt phải ghiền thứ nọ thứ kia cho tới chết, không dứt ra được dù biết có hại. Nhưng do đâu mà có nghiệp, nếu không phải do tâm? Một đứa trẻ sơ sinh không thể nghiện rượu ngay, ghiền thuốc ghiền trà ngay, có khuynh hướng trộm cắp ngay, mà do tâm yếu đuối, thiếu giáo dục tốt, khi gặp hoàn cảnh, những thói xấu ấy mới phát sinh và tăng trưởng. Tu là chuyển những thói quen xấu thường gọi là “cái nghiệp” ấy chứ không phải khuất thân theo nó. (Thực ra, nghiệp là chỉ chung cho tất cả hành động có ý thức lúc đầu, và dần dần trở thành thói quen máy móc. Như vậy nghiệp có thể lành hay dữ, và có thể thay đổi nhờ ý chí muốn chuyển nghiệp nơi ta). Nếu thói quen đã ăn quá sâu gốc rễ, thì cần thời gian dài lâu để gột tẩy do vậy mà có danh từ a tăng kỳ kiếp. Khi một bác sĩ bảo con bệnh rằng, “bệnh anh chắc chắn chết, vì khoa học chưa tìm ra con vi trùng gây bệnh” thì quả là ác độc, chẳng thà đừng nói, cứ để cho con bệnh sống trong hy vọng còn hơn. Nhưng Đức Phật thì không thế. Ngài đã tìm ra nguyên nhân khổ, và tuyên bố có thể diệt nguyên nhân ấy, vì nó tùy thuộc nơi chính ta. Do lời tuyên bố này, ta có thể nói đạo Phật là đạo dành lại cho con người toàn quyền tự do tự chủ, và khi đã tự do tự chủ, thì ta phải can đảm nhận lấy trách nhiệm về cuộc tử sinh của mình, chứ không được đổ thừa cho bất cứ một ai, kể cả cái nghiệp, giống như kiểu các bợm nhậu thường nói: Tại rượu nó làm say tôi, chứ tôi đâu có muốn rượu!

Khi Thái tử tìm đến ngọn ngành của vô minh, ngài đã đạt Niết bàn ngay tại chỗ, giác ngộ, thành Phật. Với lòng đại bi thúc đẩy, Ngài tìm cách giúp đỡ chúng sinh đang bị ngụp lặn trong biển trầm luân do ái thủ gây nên. Với Phật nhãn, Ngài lấy làm lạ lùng khi thấy tất cả chúng sinh đều đầy đủ Phật tính, nghĩa là khả năng giác ngộ như Ngài, song lại cam chịu khổ đau một cách oan uổng chỉ vì cái thấy điên đảo: vô thường thấy thường, khổ thấy vui, vô ngã thấy có ngã, bất tịnh thấy tịnh. Chính lòng thương rộng lớn đã thúc đẩy Ngài từ bỏ sự an lạc của Niết bàn để ra đi lang thang hành đạo, giáo hóa mọi người suốt 49 năm, chỉ cho chúng sinh thấy đâu là nguồn gốc khổ chân thực, đâu là con đường đúng phải theo để giải thoát thực sự.

Bồ đề tâm do vậy là trọng tâm của sự thuyết pháp tứ đế lần thứ hai. Thật vậy, thấy khổ, thấy nguyên nhân khổ để diệt khổ bằng cách trừ nhân, thế là giải thoát, đạt niết bàn, giải quyết xong việc sinh tử của riêng mình. Nhưng như vậy, hành giả chỉ mới đạt một thứ niết bàn còn hạn hẹp vì còn có biên giới ngăn cách với sinh tử. Cần phải đi xa hơn để thấy rằng sinh tử và niết bàn vốn không hai, chúng sinh vốn là Phật, phiền não vốn là bồ đề. Nhờ thấy như vậy, Phật đã không từ bỏ chúng sinh sau khi đạt giác ngộ, mà sẵn sàng ra giáo hóa khi nghe Phạm thiên cầu thỉnh:

“Hỡi đấng Biến nhãn không sầu muộn,
hỡi bậc anh hùng, hãy đứng lên!
Hỡi bậc chiến thắng chiến trường,
vị trưởng đoàn lữ khách,
đấng thoát ly nợ nần!
Xin Ngài hãy du hành khắp thế gian,
mở cửa niết bàn bất tử
cho chúng sinh được nghe Pháp
mà Ngài, Bậc thánh vô uế,
đã chân chánh giác ngộ.
Chúng sinh nhờ nghe Pháp của Ngài
sẽ được thâm hiểu diệu nghĩa.”

Sự cầu thỉnh của Phạm thiên chỉ là một duyên cớ để cho Phật thực hiện bồ đề tâm sẵn có, chứ không phải là nguyên nhân chính khiến ngài ra thuyết pháp độ sanh. Nếu không phát Bồ đề tâm ra giáo hóa, thì dù Phạm thiên cầu thỉnh, Ngài cũng cứ nhập niết bàn cho khỏe, như các bậc La hán thường nhập diệt bảy ngày sau khi chứng đạo và thốt lời tuyên bố: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, saụ đời này không còn đời nào nữa”. Bồ đề tâm như vậy là đại trí cọng với đại bi, là tâm tự giác thánh trí và phát đại nguyện giáo hóa kẻ khác cho đạt giác ngộ như mình.

Trọng tâm lần thuyết tứ đế sau rốt là chánh kiến: thấy đúng. Thấy đúng có nghĩa là thấy rõ mọi sự, từ pháp phàm như năm uẩn sáu căn cho chí pháp thánh như niết bàn giải thoát, đều không thực chất, đều là giả danh, tạm gọi. Tất cả đều “phi”: phi sắc phi không, phi hữu phi vô. Nhờ thấy tuổi trẻ, vinh hoa phú quý không thực, thái tử mới từ bỏ được những thứ ấy vào lúc thanh xuân. Nhờ thấy khổ hạnh không thực, vô ích, ngài đã từ bỏ khổ hạnh. Nhờ thấy niết bàn không thực, ngài đã từ bỏ niết bàn để đạt đến niết bàn tuyệt đối không còn biên giới ngăn cách với sinh tử như niết bàn thanh văn duyên giác. Niết bàn của Phật được gọi là niết bàn vô trụ xứ: ở ngay trong dòng sinh diệt mà Ngài vẫn luôn luôn tịch diệt niết bàn, vì Ngài đã đạt đến chỗ Trung đạo thấy chúng sinh và Phật không hai. Lìa chúng sinh thì cũng không có Phật. Không có học trò, thì danh từ ông thầy cũng không có. Không có phiền não, lấy đâu để chứng bồ đề. Bởi thế, tu hành không phải là dẹp chúng sinh để tìm ông Phật, dẹp bóng tối để tìm ánh sáng, mà chính là chuyển mê thành ngộ, chuyển phiền não thành bồ đề, chuyển chúng sinh thành Phật, bằng cách thắp lên ánh sáng trí tuệ hay chánh kiến. Như khi đưa ngọn đèn vào nhà tối thì bóng tối tức khắc chuyển thành ánh sáng. Tổ Huệ Năng nói: “Nhà phiền não tối tăm, thường nên sanh tuệ nhật”. (Trong cái nhà đầy phiền não tối tăm này, tức là thân tâm chúng ta, hãy thường phát sinh mặt trời trí tuệ).

Tóm lại, tu theo giáo lý tứ đế, ta có ba kết quả tùy mức độ cạn sâu: ít nhất cũng sống được một đời an lạc hạnh phúc ngay trong hiện tại, tu cao hơn chứng từ quả Dự lưu trở lên thì khỏi sa đọa vào ba đường ác địa ngục ngạ quỷ súc sinh, và cao hơn nữa thì thoát ly sinh tử luân hồi, thành bậc A la hán lậu tận. Nếu phát bồ đề tâm thì còn thành Bồ tát, Phật. Nhưng tất cả các tầng bực tu hành ấy đều cần chánh kiến, nghĩa là thấy rõ thực chất của mọi sự từ phàm đến thánh đều là giả danh, vô tự tính. Và chánh kiến chính là mối đầu của con đường tám chánh thuộc Đạo đế trong tứ diệu đế vậy.

Previous page 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15Next page
Hiển thị thêm
Back to top button