Thích Pháp Quang: Hoài niệm về nhị vị Ân sư trong cuộc đời tôi
Tinh thần tôn sư trọng đao tự bao giờ đã thấm sâu vào nếp sống, cách nghĩ của người dân Việt chúng ta. Dù đó là vị Thầy dạy chữ, hay vị Thầy dạy nghề, nơi nào cũng thế, thời nào cũng vậy, vị trí của người Thầy rất được tôn kính. Cổ đức đã từng nói: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
Trong đạo, nghĩa tình Thầy trò vốn dĩ vô vàn thiêng liêng quý trọng, lại càng được đặt nặng hơn, càng trân quý hơn. Ai đó đã mượn đôi vần thơ miêu tả về nghĩa vụ cao cả của vị Thầy thật xúc động: “Có một nghề bụi phấn bám đầy tay Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất Có một nghề không trồng cây vào đất Mà mang lại cho Đời đầy trái ngọt hoa tươi”!
Vâng, trong đạo, vị Thầy Bổn Sư, vị Thầy Y Chỉ của một tu sĩ vô vàn, vô vàn quan trọng. Đấy là những vị ân sư. Nghĩa ân cao ngút ngàn, nghĩa tình nặng tợ non. Hình bóng Thầy trong lòng người đệ tử sánh bằng bóng dáng người cha một đời hy sinh không toan tính lo cho con khôn lớn; sánh bằng hình ảnh mẹ hiền tần tảo một đời chắt chiu, chịu thương, chịu khó chăm sóc con yêu. Bóng hình của vị Thầy, đôi khi còn được ví như bóng dáng của người lái đò. Luôn tận tụy, âm thầm sáng trưa, xuân thu mấy độ, mưa nắng mấy mùa, vẫn bền lòng đưa tiễn, tiếp độ cho bao lớp học trò qua sông, đến được bến bờ tri thức. Thầy là người đã chắp cánh tương lai cho biết bao thế hệ đệ tử. Thầy, người lái đò luôn nặng tình với bến sông con nước, vẫn đưa đò mặc cho bão giông, nước cuốn của cuộc đời. Thầy, vẫn miệt mài với bút nghiêng, giá sách, kinh điển. Cho dù chông gai, cho dù chướng ngại, Thầy vẫn tận tụy truyền đạt giáo điển, giới luật, nhắc nhủ qua lời khuyên, thể hiện qua thân giáo. Trên bước đường tu học của đệ tử, nhất là kẻ sơ cơ như con, chắc chắn chông gai, chướng ngại, chướng duyên dẫy đầy, nhưng đâu đó người học trò vẫn ấm lòng khi cảm nhận, bất kỳ ở nơi nao, vẫn luôn có bóng Thầy dõi theo. Thầy, người đã hy sinh cả một đời vì sự nghiệp tiếp độ đào tạo thế hệ kế tiếp, người đã đem cả sở tu, sở học của mình để truyền trao cho đệ tử với mong muốn hàng hậu học có được trí tuệ và đạo hạnh trên con đường tìm về nẻo giác.
Nhớ hôm nào, một buổi trưa hè tháng 6, ngày được Thầy nâng lưỡi dao, cạo bỏ đi mái tóc xanh đã nửa đời xuôi ngược dòng đời. Ngày ấy, theo từng lọn tóc xanh đang rơi rụng dần. Tâm cang rúng động. Toàn thân rúng động. Tinh thần phấn chấn. Tấc dạ bồi hồi. Nước mắt và nước mắt. Nước mắt như mưa. Nước mắt rơi vì sự hạnh phúc. Nước mắt rơi vì niềm mơ ước ấp ủ đã từ bao năm tháng trước đó, hôm ấy mới chính thức thành hiện thực. Hôm ấy mới chính thức được bước vào con đường thực tập mỗi ngày bước chân hướng về phương trời cao rộng. Một trời hạnh phúc, một trời yêu thương.
Kính lạy Thầy. Ngôn ngữ nào đây, văn tự nào đây của cuộc đời, con không có đủ để diễn tả, để viết lên hết được cái cảm giác hạnh phúc tuyệt trần giây phút ngày ấy.
Rồi theo từng năm tháng, lời Ôn dạy phải học Luật, lời Ôn giảng những câu kệ chữ hán trong luật tiểu, càng thấm thía nhiều khi đọc lên các bài kệ của ngày xuất gia. Năm tháng thực tập cuộc đời mới, cố gắng nhìn đời thực sự vô thường, và thực tập không sống với đời vô thường trôi nổi ấy. Mỗi lần, sau này nghe lại những bài kệ được cất lên trong các đạo tràng trong ngày có các vị phát tâm xuất gia, lời kệ vẫn tuyệt trần, vi diệu và thấm thía làm sao!
Thế trừ tu phát Đương nguyện chúng sanh
Viễn ly phiền não Cứu cánh tịch diệt
Hoặc:
Thiện tai đại trượng phu,
Năng liễu thế vô thường,
Khí tục thủ Nê-hoàn,
Công đức nan tư nghị.
Hủy hình thủ khí tiết,
Cát ái từ sở thân,
Xuất gia hoằng Phật đạo,
Thệ độ nhất thiết nhân.
Vì hoàn cảnh địa lý và tình hình đất nước ngày ấy, không đủ duyên lành để gần được Ôn mỗi ngày. Vâng lời Ôn, con ôm ba y, bình bát về lại trú xứ Đan Mạch.
Vâng lời quý Ôn lớn chỉ dạy trước hôm rời Chùa, vâng lời Quý Ôn lớn ở Âu châu, con đã được nương tựa nơi một Thầy lớn để tu học. Từ đó bên này, hội đủ duyên lành, con được sự nghiêm huấn của Sư phụ Y Chỉ. Thầy cũng đặt nặng việc tu học giới luật lên trên tất cả. Nhớ lời Ôn, nhớ lời Sư phụ Y chỉ, lòng đã quyết, nay quyết càng nỗ lực.
Trên lộ trình tu học, chính các vị Thầy của ta đã dìu dắt hướng dẫn ta phương pháp tu học để thoát khổ. Nói cách khác, chư vị đã cố gắng trao truyền cho người học trò Giới Thân Tuệ mạng bất sanh bất diệt. Chính Giới Tuệ đó đã giúp người học trò cố gắng thường xuyên trưởng dưỡng hạnh lành. Chao ôi, ân nghĩa của các vị Thầy trong đời vô vàn trọng đại xiết bao:
“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”
Với người xuất gia, quyết cố gắng từ bỏ những trói buộc của thế gian, lòng dặn lòng quyết không sống theo nếp nghĩ vô thường trôi nổi thường nhật ngày trước, và cố gắng tập dần thường xuyên tư duy về lời kệ phát nguyện hũy hình thủ khí tiết. Nguyện sống đời phạm hạnh, chí tâm cầu sự an lạc giải thoát thì phải cố gắng tập nhìn ngôi chùa mình được nương vào tu học chính là ngôi nhà, là gia đình mình. Thầy tổ chính là cha mẹ mình vậy.
Một trẻ nhỏ do hoàn cảnh nào đó, bị bỏ ra cuộc đời quá sớm, khó mà có điều kiện thành công trở thành người hữu ích cho nhân quần như một đứa bé có được nơi nương tựa, có được sự dạy dỗ, có được sự chăm sóc, nhắc nhỡ thường xuyên của các bậc cha mẹ, có môi trường anh em tốt bảo bọc, nâng đỡ chung quanh. Cũng thế, trong đạo, có được Thầy Tổ bảo bọc, chăm lo mọi sự, được sống dưới mái chùa có Thầy Tổ, có đệ huynh, được Thầy Tổ giáo dưỡng, sách tấn thường xuyên. Hạnh phúc nào bằng. Phước đức nào hơn. Những ngày đầu của đời tu, nếu phải thiếu vắng bóng dáng Thầy Tổ, chắc chắn khó lòng lắm, vất vã lắm, gian nan lắm để lớn dần lên được mà bước những bước vững chải trong đạo.
Nếu cuộc đời đã cho ta biết bao tình thương trân quý, biết bao ân nghĩa tạc thù, thì trong đạo giáo, nghĩa ân sư rất thiêng liêng. Bóng dáng đầy kính yêu của Thầy sẽ luôn tưới tẩm tâm hồn người đệ tử, tạo cho người học trò nếp sống đạo lý của một Thầy tu, đạo lý làm người, phải biết lễ nghi, phải trân trọng nghĩa ân – như giáo lý Phật Đà, bàn bạc được ghi trong kinh điển rất nhiều lần lời dạy về Tứ trọng thâm ân của Đức Thế Tôn. Đạo lý ấy sẽ chắp cánh cho kẻ hậu học vững vàng tung bay, và bay xa vào phương trời cao rộng tương lai. Quả vậy, Thầy đã vì tương lai của đàn hậu học. Thầy chính là ánh đuốc soi đường cho chúng con, những người tiếp bước còn đang chìm mình giữa bóng tối vô minh. Giữa cuộc đời đầy phong ba, mưa nắng, Thầy chính là bóng đại thụ che chở cho chúng con vậy. Tri niệm ân Thầy Tổ, xin nguyện Tam Bảo gia hộ con luôn vững chí bước trên con đường tu học chánh pháp, góp chút công sức với đời bớt chút nhọc nhằn khổ đau. Xin nguyện cố gắng tiếp nối lý tưởng của Thầy là phụng sự chúng sanh, cúng dường Chư Phật. Lời quê viết lên lúc tâm tư nhiều cảm xúc, ý tưởng mông lung, nhưng bằng với tất cả lòng thành tâm con kính lễ và kính niệm ân Cố Hòa thượng Ân Sư và con kính lễ và kính niệm ân Sư Phụ Y chỉ.
Viết vào một ngày giữa thu Tân Sửu, dưới trời Đan mạch quốc, Chùa Vạn Hạnh.
Đệ tử Thích Pháp Quang
(trụ trì chùa Vạn Hạnh Đan Mạch,
Phụ tá Tổng Vụ Trưởng Thanh Niên GHPGVNTN Âu châu)
Chủ Nhật ngày 14/11-2021
Nhằm ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch