Thích Phước An: Quê hương, ngôi chùa và thiên nhiên trong cõi thơ của Trần Nhân Tông

I.

Quê hương là gì?

Một bữa nọ về thăm quê của Tổ phụ, Trần Nhân Tông đã leo lên ngọn đồi cao sau làng. Ta có thể đoán chắc như vậy, vì phải đứng trên cao, thì Trần Nhân Tông mới thấy toàn thể cảnh vật buổi chiều tà nơi phủ Thiên Trường. Như bài thơ mà ông đã làm sau đây:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lý quy ngưu tận
Bạch lộ song song phi hạ điên.
(Thiên trường vãn vọng)

Thôn trước, thôn sau đều mờ mờ như khói phủ
Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có, nửa như không
Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết
Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng.

Dù đó chỉ là buổi chiều tà trên làng Tức Mặc của phủ Thiên Trường, nơi chôn nhau cắt rốn của Tổ tiên Trần Nhân Tông. Nhưng với chúng ta, là người Việt Nam, mà hầu hết cuộc đời đều gắn chặt với miếng ruộng, mảnh vườn, thì bốn câu thơ mà Trần Nhân Tông đã tả cảnh chiều trên quê hương của ông, cũng có thể là cảnh chiều tà trên quê hương của mỗi người trong chúng ta nữa.

Nhưng vì long đong chạy theo cuộc sống nên chúng ta bị bắt buộc phải sống tha hương. Rồi đến một lúc nào đó, khi ta đã bắt đầu cảm thấy già nua, tàn tạ, khi ta cảm thấy mất mát nơi tâm hồn, thì lúc bấy giờ ta mới ngoái nhìn lại tuổi thơ: Ở đó, có con đường làng êm ả, có đàn cò trắng đứng trên cánh đồng lúa xanh, có dăm ba đứa trẻ lùa trâu về chuồng, trong bóng chiều mờ mờ khói phủ.

Thứ bóng chiều mà Trần Nhân Tông đã quan sát rất tinh tế qua câu: “Bán vô bán hữu tịch dương biên”. Tức là “Trời nhá nhem tối” hay “Trời chạng vạng” như người dân ở các miệt miền quê thuộc miền Trung vẫn thường gọi như vậy, để chỉ lúc ngày và đêm đang giao thoa với nhau.

Thật là một điều sai lầm, trong thi ca cổ điển của Việt Nam, ngay cả Nguyễn Du, một thi hào đã nhìn thấu suốt hết nỗi “đoạn trường” của kiếp nhân sinh, khiến cứ mỗi lần chúng ta đọc đến là thấy tâm hồn buốt lạnh. Vậy mà khi tả về phong cảnh thì tuyệt nhiên không thấy con trâu, con bò, con cò trắng hay cánh đồng lúa xanh đâu cả. Phải đợi đến Nguyễn Khuyến, tức là đến tận cuối thế kỷ thứ 19 thì phong cảnh và đời sống “chân lấm tay bùn” của quê hương mới xuất hiện trong thi ca. Vì sao như vậy? Có lẽ, đó là kết quả đương nhiên của lối học từ chương chăng? Hay cũng có thể là vì mặc cảm nữa, rằng sự nghèo nàn và mộc mạc đối với họ không phải là cái đứp mà thi ca họ muốn hướng đến.

Chính vì thế, mà mỗi khi tả về phong cảnh thì lúc nào cũng phải có “tuyết, nguyệt, phong, hoa” hay “hồ, đình, liễu, tạ”, những cảnh mà ta bắt gặp đầy dẫy khi đọc thi ca Trung Quốc. Mặc dù, chính họ thì đang sống và đôi chân hằng ngày vẫn lê bước trên những con đường thôn dã của Việt Nam.

Trong khi đó, thì Trần Nhân Tông được sinh ra và lớn lên giữa chốn triều đình, không sống ở thôn dã. Thế mà Trần Nhân Tông đã làm một bài thơ phong cảnh, có thể nói là hoàn toàn Việt Nam. Như vậy, ta thấy rằng tấm lòng ông mộc mạc và gần gũi với quê hương đất nước đến chừng nào.

Một lần khác, cũng tại quê nhà, Trần Nhân Tông đi dạo một mình trên con đường đất có nhiều bùn lầy. Cơn mưa vừa tạnh, đã xóa sạch những đám bùn nhơ. Trước mắt Trần Nhân Tông hiện ra những màu sắc linh hoạt vô cùng:

“Lục ám hồng bi bội tịch liêu
Tễ vân thôn vũ thổ hoa tiêu”

Màu xanh thẫm, màu đỏ thưa, cảnh thêm vắng vẻ
Mây quang, mưa tạnh, ngấn bùn đất cũng mất sạch

Trần Nhân Tông vừa đi vừa ngước nhìn ngôi chùa Phổ Minh rêu phủ, thì lòng chợt u hoài vì nhớ đến vua cha:

Phổ Minh phong cảnh hồn như tạc
Phảng phất canh trường nhập mộng nhiên

Phong cảnh chùa Phổ Minh vẫn như trước,
Phảng phất trong chiêm bao hình dánh vua cha
Như trông tường thấy bóng, ăn canh thấy hình…

Tại sao nhìn ngôi chùa mà lại nhớ đến vua cha? Phải nhìn những gì có liên hệ đến sinh hoạt của vua cha khi còn sanh tiền, như nơi làm việc của vua cha, lăng mộ của vua cha, nơi vua cha thường đi dạo như vườn ngự uyển thì nhớ vua cha mới hợp lý chứ? Có lẽ, đây là lần đầu tiên ngôi chùa và hình bóng người cha lại xuất hiện cùng một lúc trong cõi thơ của Việt Nam vậy.

Vì dường như, với Trần Nhân Tông, thì ngôi chùa, người cha, hay quê cha đất tổ cũng chỉ là một mà thôi?

Còn một biến cố này nữa, vào năm Mậu Thân, tức là năm 1308, chị của Trần Nhân Tông bị bệnh nặng. Thiên Thụy công chúa muốn thấy mặt em mình trước khi nhắm mắt, bèn sai người nhà lên Yên Tử báo tin. Trần Nhân Tông liền chống gậy xuống núi. Theo sách Thánh Đăng ngữ lục, thì Trần Nhân Tông bắt đầu rời núi từ mồng 3 nhưng đến mồng 10 mới đến kinh đô Thăng Long. Sau khi thăm và dặn dò chị xong, đến ngày rằm Trần Nhân Tông lại chống gậy về núi trở lại.

Trên đường trở về, Trần Nhân Tông ghé và nghỉ lại trong một ngôi chùa cổ ở làng Hương Cổ Châu. Sáng hôm sau, trước khi tiếp tục lên đường, Trần Nhân Tông đã ghi lại bốn câu thơ này trên vách tường của chùa:

Thế số nhất sách mạt
Thời tình lưỡng hải ngân
Ma cung hồn quản thậm
Phật quốc bất thắng xuân
(Đề cổ Châu Hương thôn tự)

Số đời hoàn toàn mờ mịt
Tình người đổi thay qua đôi mắt
Khi cung ma bị quản chặt
Thì cõi Phật tràn ngập màu xuân.

Có những bài thơ, ta đọc mà không cần biết làm ở đâu và trong hoàn cảnh nào, nhưng đọc vẫn cứ thấy hay. Nhưng ngược lại, có những bài thơ mà ta phải biết lý do và hoàn cảnh khi tác giả làm, thì đọc mới thấy hay được. Đây là trường hợp bài “Đề cổ Châu Hương thôn tự” này chẳng hạn.

Đứng trước cái chết sắp xảy ra cho chị mình, Trần Nhân Tông không giữ được sự xúc động về số phận bi thảm của kiếp người.

Nhưng kiếp người càng đen tối bao nhiêu, thì ông lại càng tin tưởng mãnh liệt vào con đường đi lên đầy chông chênh mà ông đang đi bấy nhiêu. Vì, như Trần Nhân Tông đã viết:

Phật Quốc bất thắng xuân

Vì cõi Phật thì tràn ngập màu xuân

Và trên đỉnh cao của núi Yên Tử ấy, chắc Trần Nhân Tông đã tìm thấy một mùa xuân vĩnh cửu?

Nhưng bài thơ độc đáo ở chỗ, khi đọc lên ta thấy nỗi dằn vặt khôn nguôi của Trần Nhân Tông về thân phận bi thảm của kiếp người.

Đêm ấy, trong một ngôi chùa cổ ở làng Hương Cổ Châu, ta có thể đoán chắc rằng, cả đêm Trần Nhân Tông đã không chợp mắt được, vì ông đã bị đôi mắt của người chị mình ám ảnh. Trong đôi mắt ấy, hiện ra những mảnh đời: những năm tháng làm vua trong triều, cơ nghiệp nhà Trần, dù đang hồi hưng thịnh đấy, nhưng cuộc đời thì đầy dâu biển, chắc chắn một ngày nào đó không xa, rồi cũng sẽ như đôi mắt của chị mình, đôi mắt như đang luyến tiếc cả những năm tháng huy hoàng xưa, rồi cũng từ từ khép lại vĩnh viễn mà thôi.

Thì ra, ngôi chùa với Trần Nhân Tông, không chỉ là nơi ông trở về để an thân lập mệnh, mà cũng còn là nơi chốn để ông tâm sự về những nỗi dằn vặt và khổ đau của chính đời mình.

II.

Nếu ai đã từng đọc Thiền (Zen) và thi ca Nhật Bản, chắc khó quên được hai nhà thơ Tây Hành (Saigyo) và Ba Tiêu (Bashô).

Lịch sử thi ca Nhật Bản gọi họ là hai nhà thơ lãng tử, vì cả hai đều bỏ trọn cả đời để đi lang thang khắp mọi nẻo đường, nhất là những nẻo đường thôn dã của nước Nhật.

Họ đã đi tận đến những nơi xa xôi, đến tận những chân trời mênh mông bát ngát để lắng nghe niềm im lặng của cỏ nội hoa đồng.

Tây Hành và Trần Nhân Tông của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng.

Tây Hành đã từ bỏ chức quan dưới triều Kiếm Thương (Kamakura). Và Trần Nhân Tông thì từ bỏ ngôi báu của nước Đại Việt. Như vậy là, cả hai cùng từ bỏ giai cấp quý tộc của mình để đi tu, và cả hai đều say mê Phật giáo Thiền Tông.

Ở Nhật Bản, chân dung của Tây Hành trong chiếc áo du tăng, đứng ngóng ngọn núi Phú Sộ phủ đầy tuyết trắng được trưng bày khắp nơi như niềm hãnh diện của dân tộc Nhật.

Nhưng rất buồn là ở Việt Nam, hầu như chỉ biết Trần Nhân Tông như một nhà anh hùng dân tộc hay vị sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chứ ít ai biết Trần Nhân Tông như một thi sộ lãng du. Sách Tam Tổ Thực Lục có ghi: “Điều ngự (tức Trần Nhân Tông) đã đi khắp mọi nẻo đường thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ và thực hành giáo lý Thập Thiện”.

Dĩ nhiên trong tư cách một Thiền sư, mà lại là người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thì sứ mạng chính là hoằng dương chánh pháp, khai mở yếu chỉ của Thiền tông. Nhưng khi bước chân của Trần Nhân Tông đã lang thang đây đó, thì cái đứp của thiên nhiên cũng đã quyến rũ tâm hồn ông rất nhiều. Mặc dù, đang gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề, nhưng khi đứng trước cái đứp của thiên nhiên, thì Trần Nhân Tông như muốn bỏ hết mọi hệ lụy của cuộc đời, để được đắm mình trọn vứn vào cái đứp hồn nhiên của thiên nhiên. Bởi vậy, ông gần như muốn đưa ra một điều kiện cho những ai muốn cùng ông thưởng thức cái đứp của thiên nhiên. Ví dụ, khi đứng trước một mùa xuân như thế này:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
(Xuân cảnh)

Trong khóm hoa dương liễu rậm, chim hót chậm rãi
Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay.

Thì điều kiện của Trần Nhân Tông đưa ra như sau:

Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi

Khách đến chơi không hỏi việc đời
Mà nên cùng tựa lan can ngắm màu xanh mờ mịt ở chân trời.

Chuyện đời, với Trần Nhân Tông là chuyện gì?

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tầm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề hiểu hựu xuân tàn

Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm
Lòng lợi danh lạnh theo trận mưa đêm
Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch
Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn.

Thị phi, thành bại, vinh nhục cùng bao nhiêu chuyện đời lô nhô lố nhố khác cũng ra đi cùng với trận mưa đêm qua. Cuối cùng, chẳng còn lại gì cả, chỉ còn một chút “núi non tịch mịch” đọng lại trong hồn Thiền Sư thi sộ mà thôi.

Để tiếp tục cuộc lãng du của đời mình, vào năm 1301, Trần Nhân Tông quyết định đi Chiêm Thành, không phải đi trong tư cách một vị Thái Thượng Hoàng của nước Đại Việt, mà ông đã ra đi như một du tăng, vì lúc bấy giờ ông đã đi tu rồi.

Khởi hành từ mùng 3 nhưng mãi đến tháng 11 năm đó Trần Nhân Tông mới về lại Thăng Long.

Không còn hồ nghi gì nữa, chắc chắn Trần Nhân Tông đã mang thông điệp hoà bình của Phật Giáo Đại Việt đến cho Chế Mân, vua của nước Chiêm Thành, trong cuộc gặp gỡ giữa hai người tại kinh đô Đồ Bàn.

Và cũng nhân cơ hội này, để tạo tình hữu nghị lâu dài cho hai nước, nên Trần Nhân Tông đã hứa gả con gái mình, tức Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. Ta có thể xem đây như là một hy sinh lớn lao, vì Trần Nhân Tông đã đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên quyền lợi gia đình.

Nhưng điều mà ta muốn nói ở đây là: Trần Nhân Tông đã ra đi như một thi nhân, một thi nhân rất khát khao đến những miền đất xa lạ.

Con đường thiên lý từ Thăng Long đến Đồ Bàn (Bình Định ngày nay) biết bao là kỳ hoa dị thảo trên bước chân của thi nhân. Thiên nhiên lúc ấy vẫn còn hoang sơ. Sở dĩ ta gọi là hoang sơ vì con người thời ấy chưa hề có ý nghộ chinh phục thiên nhiên.

Và con người sẽ trơ trọi biết bao, nếu con người bị ly cách khỏi thiên nhiên!

Ta có thể tạm kết luận một cách thơ mộng rằng, Trần Nhân Tông là thi nhân đầu tiên của nước ta, đã nhìn được dãy Trường Sơn chạy dọc theo miền Trung bấy giờ.

Có lẽ, từ thưở con người mới biết làm thơ, thì núi non đã là nơi gợi hứng vô tận cho hồn thơ của họ rồi, nhất là các thi sộ của Đông phương.

Chẳng hạn, Tây Hành và Ba Tiêu luôn luôn đứng ngóng đỉnh núi Phú Sộ của Nhật Bản phủ đầy tuyết trắng, Tô Đông Pha của Trung Quốc vẫn ôm giấc mộng khám phá cho được chân diện mục của núi Lô Sơn khuất sau những tảng mây mù, và Nguyễn Du của Việt Nam vẫn thường rong chơi trên chín ngọn Hồng Lĩnh.

Có lẽ, vì núi cao và đầy hiểm hóc, nên núi non vẫn luôn luôn là biểu tượng cho những kẻ đi tìm tuyệt đối.

Mà thi nhân, chẳng phải là kẻ đi tìm tuyệt đối đó sao?

Với Trần Nhân Tông cũng thế, trong bài phú bằng tiếng nôm, bài “Cư trần lạc đạo“, ông viết:

Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sộ tiêu dao
Chiền vắng am thanh, chỉn thật đạo nhân du hí..

Trần Nhân Tông mất ngày 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308). Vậy mà tháng 9 năm đó, ông đã cùng với đệ tử là Bảo Sát đi dạo khắp các núi nằm trong dãy Yên Tử, thì ta biết lòng của Trần Nhân Tông yêu núi non biết chừng nào! Và đây là bài thơ ông đã làm khi đứng trên đỉnh núi cao:

Địa tịch đài du cổ
Thời lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm
(Đăng bảo đài sơn)

Cảnh vắng đài thêm cổ
Xuân sang mầu chửa hồng
Xa gần mây núi hợp
Rợp bóng nẻo hoa lồng.
Vạn sự nước xuôi nước
Trăm năm lòng ngỏ lòng
Tựa hiên nâng sáo thổi
Trăng sáng đầy cõi tâm

(Nguyễn Lang dịch)

Có cái gì thôi thúc trong lòng muốn nói thành lời, nhưng ngôn ngữ không diễn đạt được, nên Trần Nhân Tông đành:

Bách niên tâm ngữ tâm
Trăm năm lòng ngỏ lòng.

Và trên đỉnh núi cao chót vót ấy, có lẽ ông đã thoáng thấy “thiên thu vĩnh cửu” đang khẽ động trong lòng:

Minh nguyệt mãn hung khâm
Trăng sáng đầy cõi tâm.

Và còn gì nữa trong cõi thơ ấy?

Còn mùa thu. Nhưng mùa thu ở đây không phải là mùa thu của “rừng phong đã thu nhuộm màu quan san” hay mùa thu của “Dặm xa lữ thứ” đượm màu biệt ly sầu thảm, mà ta đã từng thấy qua nhiều thời đại thi ca. Mùa thu ở đây hoàn toàn khác.

Đây là mùa thu của những kẻ đi tìm kiếm con đường để vượt qua khỏi giới hạn của sự sống và chết, vì đó là cội nguồn của khổ đau:

Lão dung ảnh lý tăng quan bế
Đệ nhất thiền thanh thu tứ trương

Dưới bóng đa già, vị sư đang đóng cửa chùa
Một tiếng ve sầu, tứ thu man mác.

Dù thời gian có đang đi nhanh qua mái đầu bạc trắng, nhưng họ vẫn như “trơ gan cùng tuế nguyệt”:

Tục đa biến thái vân trường cẩu
Tùng bất tri niên tăng bạch đầu

Thói đời nhiều thay đổi
Như mây trắng hóa chó xanh
Cây tùng chẳng biết đến năm tháng
Nhà sư đầu đã bạc.

Cây tùng và nhà sư đầu bạc.

Ta có thể xem đây là hai hình ảnh mà Trần Nhân Tông đã muốn gởi đến cho những người đang kiên trì đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống vậy.

III.

Nhưng khi thi nhân đã trở thành Thiền sư, thì cách nhìn về thiên nhiên, và nhất là về cuộc đời cũng hoàn toàn đổi khác. Như bài thơ sau đây của Trần Nhân Tông:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung
Như kim khám phá đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng
(Xuân Vãn)

Niên thiếu chưa từng hiểu sắc không
Xuân sang hoa sắc vướng tơ lòng
Diện mục xuân nay từng khám phá
Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng.
(Nguyễn Lang dịch)

Khi đọc bài thơ này, sẽ có nhiều người nghộ là tâm hồn của các Thiền sư đã nguội lạnh rồi, không còn biết rung động với bao nỗi vui buồn của nhân thế nữa, thì làm sao các Thiền sư có thể xuống núi để cứu khổ cho cuộc đời.

Để tránh ngộ nhận này, ta có thể lấy câu:

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Của Thiền sư Vạn Hạnh đời Lý, mà giải thích câu:

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng

Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng…

Của Thiền sư Trần Nhân Tông đời Trần.

Như vậy “Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng” không phải là không còn thiết tha với cuộc đời, mà phải hiểu là các Thiền sư không còn sợ hãi mọi thịnh suy, hưng phế, thành bại mà con người vẫn thường nơm nớp lo sợ.

Chính tinh thần không sợ hãi (vô bố úy) này của Phật giáo, mà Trần Nhân Tông đã hai lần lãnh đạo toàn dân đánh tan đạo quân xâm lược của đế quốc Nguyên Mông đến xâm lược nước ta, trong khi từ Đông sang Tây vào thời bấy giờ đang nằm trong cơn sốt Thát Đát (Tartar).

Để rồi cuối cùng, Trần Nhân Tông đã cùng với dân tộc hát lên bài ca chiến thắng:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng
(Trần Trọng Kim dịch)

Nhưng khi đã thành công rồi thì rút lui về lại núi rừng, để tìm lại niềm vui muôn thuở:

Cảnh tịch an cư tại tâm
Lương phong xuy đệ nhập tùng âm
Thiền sàng thọ hạ nhất kinh quyển
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn kim

Cảnh lặng, sống yên, lòng tự tại
Gió mát thổi đến dưới bóng cây tùng
Giường thiền dưới gốc cây, kinh một quyển
Hai chữ thanh nhàn quý hơn vạn nén vàng

Đã gần tám thế kỷ trôi qua, thế mà những người con của quê hương đất nước vẫn tiếp tục ngóng vọng về dãy núi Yên Tử ấy, như để tìm lại vết chân của người.

Phải chăng người là biểu tượng cho sự trở về của dân tộc?

Hiển thị thêm
Back to top button