Thích Tâm Nhãn: Duy thức trong cuộc sống
Tôi bắt đầu dạy Duy thức cho Gia đình Phật tử (GĐPT) có thể là từ năm 2002, đến năm 2012 tiếp tục tham gia giảng dạy Duy thức tại trường Trung Cấp Phật học Khánh Hòa (Việt Nam). Cùng năm này tôi theo thầy Tuệ Sỹ học tập nghiên cứu thêm về môn Duy thức, lúc này thật sự tôi mới lãnh hội được tinh túy của nó từ người thầy vĩ đại.
Thời gian còn ở bục giảng, không hiểu sao dù truyền đạt hết tâm huyết, mà tăng ni sinh và Phật tử vẫn không cảm thụ được, tôi tự hỏi lẽ nào do khả năng sư phạm của mình yếu kém? Rồi quyết định “giải nghệ”. Như thầy Tuệ Sỹ, sau khi thoát vòng lao lý, trở về ngôi cổ tự Già-lam đất Sài Gòn, mở lớp giảng dạy Duy thức, cuối cùng học trò thưa, lớp học vắng… Thầy bỏ đi, làm cuộc “thiên lý độc hành”, tương tự quá khứ “Bồ-đề Đạt-ma đi qua xứ lạ để rao truyền đạo lý tinh túy của đấng Giác ngộ; nhưng tiếng nói của Người chỉ là tiếng nói cô liêu trong sa mạc loài người và gây ra bao nhiêu ngộ nhận đối với những người đương thời. Người đương thời không thể hiểu nổi tiếng nói cao siêu của Bồ-đề Đạt-ma; vì thế, Người phải đau lòng đi vào nỗi niềm cô đơn vô hạn của kẻ thiên tài…”
Ở Việt Nam trước 75 và sau 75, có nhiều tác giả Phật giáo viết, soạn, dịch sách Duy thức nhưng chỉ có 3 tác phẩm Thành duy thức luận của thầy Tuệ Sỹ dịch; Thắng pháp tập yếu luận, tỳ-kheo Thích Minh Châu dịch; Thực tại hiện tiền, sư Viên Minh soạn; là đủ tiêu chuẩn nghiên cứu. Và theo tôi tại Việt Nam hiện nay, hệ Phật giáo Bắc tông có thầy Tuệ Sỹ, hệ Phật giáo Nam truyền có sư Viên Minh là hai vị am tường nhất về bộ môn này.
Như chúng ta đã biết, đầu tiên giáo lý nguyên thủy phát triển về “nghiệp cảm duyên khởi”, là quy cho cuộc sống giàu, nghèo, thọ, yểu… đều do nghiệp tạo tác tích lũy mà ra. Đến tông Duy thức (Pháp tướng tông) ra đời, phát triển giải nghĩa rõ hơn thành “A-lại-da duyên khởi”, tức Duy thức duyên khởi; nghĩa là nghiệp tạo thiện hoặc bất thiện đều được lưu giữ trong thức và mọi thứ cũng từ hệ quả của thức mà ra.
Sáng tổ của tông phái này là Vô Trước (410-500) người Ấn, thành lập một tông phái thực hành quán tưởng gọi là Du-già tông (Yogācāra), ông là anh ruột của Thế Thân (420-500). Đến đời Thế Thân nỗ lực tập thành các quan điểm triết học của tông Du-già thành phái Duy thức (Vijnaptimātra), đặt sự hiện hữu của tất cả ngoại giới đều ở nơi thức.
Tại Việt Nam hiện nay, không có người truyền thừa tông phái này, người học hỏi tìm hiểu bị mai một tiêu trầm. Có thể cả lý thuyết lẫn thực hành của bộ môn này khó nên không có người học, hoặc họ cho rằng không thực tế, mặc dầu cuộc sống hằng ngày của chúng ta luôn “đối đầu”, hay “đụng chạm” thường xuyên với học thuyết Duy thức. Ví dụ trong kinh Bát-nhã, Phật tử theo Phật giáo Bắc tông ai cũng thuộc lòng, lúc tụng đọc có những câu: “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”… Nhưng có bao nhiêu người hiểu ngũ uẩn? Và nếu chúng ta không học Duy thức sẽ không hiểu năm uẩn hoạt động thế nào?
Hoặc một ví dụ khác. Bên phương Tây, ý thức tham gia giao thông, xe ô-tô nhường đường cho người đi bộ trở thành một “văn hóa đẹp”. Bên Việt Nam, trong trường lái đều dạy các tài-xế như thế, và lúc thi lấy bằng lái, ai vi phạm sẽ bị trừ điểm rất nặng. Nhưng đến khi ra đường chạy, ở Việt Nam tôi không thấy có “văn hóa” này. Nếu thói quen như vậy tiếp diễn từ đời này qua đời nọ, Duy thức gọi là câu sanh ngã chấp, phân biệt ngã chấp, tập khí ngã chấp. Đến thế kỷ thứ 19, Phân tâm học phát triển, người ta gọi đó là “ý thức tập thể”, “di truyền tâm thể”, “vô thức tập thể” (collective unconsciousness).
Nhân có một Phật tử chưa hiểu rõ về năm uẩn, nhất là sự hoạt động của sắc uẩn. Nhắn tin vấn đạo, tôi thấy không thể thông qua vài tin nhắn mà có thể nói hết giáo nghĩa này. Cho nên xem đây là nhân duyên thù thắng để vận dụng những kiến thức đã học với thầy tôi, trình bày lại cho mọi người cùng học; học để hiểu thấu lý đạo, chứ không mong cầu thành quả vị Thánh. Đây là bài Khai từ cho những bài viết về Duy thức sắp tới. Chúng tôi sẽ cố gắng lựa chọn, giảng giải những thuật ngữ Duy thức gần gũi nhất trong cuộc sống chúng ta.
Ngày 11 tháng 11, Nhâm dần
Tâm Nhãn