Thích Tâm Nhãn: Phật thuyết kinh Ma-ha Ca-diếp độ bà lão nghèo
Dẫn nhập:
Tôi có người bạn thân tại gia, thân mẫu bạn ấy tuổi đời gần tám mươi, nhưng nhìn dáng vẻ của bác thấy rất nhẹ nhàng và thảnh thơi, hỏi ra lại biết bác còn đi buôn bán. Mặt hàng không gì giá trị lắm, vài chục cau tươi, ít lọn trầu xanh, vôi, bánh thuốc rê, giấy quyến… Trông nhịp sống có vẻ đơn điệu ấy, vậy mà bác thấy mình hạnh phúc, hạnh phúc không vì thu nhập cao mà vì, bác tự khắc sâu trong lòng một câu “thánh triết” cho riêng mình: “Nếu bán được 10 đồng thì giữ 5 đồng, còn 5 đồng bố thí cho người cùng khổ.”
Xin giới thiệu đến quí Phật tử kỳ này, kinh Bà lão nghèo bố thí được sanh thiên, hay nói, kinh Ngài Ma-ha Ca-diếp độ bà lão nghèo (Phật thuyết Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu kinh 佛說摩訶迦葉度貧母經 ‘Sūtra on Mahākāśyapa’s saving a poor mother’) 1 quyển, ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Guṇabhadra, 394-468) người nước Vu-điền (Ku-stana, nay là huyện Hòa-điền ‘Khotan’ tỉnh Tân Cương, Trung Quốc) dịch thời Lưu Tống – A.D. 420-479, Đại Chánh 14, số hiệu 497, trang 761.
Toát yếu nội dung kinh:
Một thuở nọ, đức Phật ở tại nước Xá-vệ thuyết pháp cho vua, quan, nhân dân, chúng Tỳ-kheo, Bồ-tát đại sĩ, trời, rồng, quỉ thần… nghe.
Bấy giờ, ngài Ma-ha Ca-diếp một mình đến thành Vương Xá giáo hóa. Ngài thường đem phước điền đến cho chúng sinh. Ngài không khất thực nhà giàu chỉ khất thực nhà nghèo. Trước khi đi khất thực, Ngài hay nhập định xem gieo phước cho người nghèo nào? Ngài biết trong thành Vương Xá có một bà lão, vì kiếp trước không tạo phước lành nên kiếp này phải chịu nghèo khổ, đơn côi, sống qua ngày tại đống rác dơ bẩn, Ngài nghĩ: “Nếu ta không độ bà lão thì bà lão mãi mãi mất phước”.
Sáng hôm ấy, có người tớ gái một vị trưởng giả mang nước cơm hôi đi đổ, bà lão liền đến xin. Ngài Ca-diếp đến chỗ bà lão nói: “Hãy cho tôi một ít thức ăn sẽ được phước lớn”. Bà lão ngạc nhiên: “Ở nước này tôi là người nghèo nhất, ăn uống bữa đói bữa no; áo quần không đủ che thân, lấy gì bố thí cho tôn giả?” Ngài Ca-diếp bảo: “Thưa bà! Tôi đến đây là muốn giúp đỡ người nghèo. Nếu bà có tâm bố thí tức không còn là người nghèo khổ… Người đời tham tiếc tiền của không muốn thí, đời sau chịu nghèo khổ. Phải tin tội phước, đúng chớ không sai!”
Bà lão ngần ngại hỏi:
– Tôn giả có vui lòng nhận ít nước cơm hôi này không?
– Lành thay! Lành thay!
Ngài Ca-diếp nhận sự cúng dường rồi chú nguyện cho bà lão được phước báo an lành. Ngài liền uống bát nước cơm trước mặt bà lão, để bà khỏi ngờ vực Ngài mang nơi khác đổ. Lòng bà lão hân hoan vui mừng.
Ngài Ca-diếp lại hỏi:
– Lão bà muốn ước nguyện gì không? Làm người giàu có ở thế gian, hay làm Chuyển luân thánh vương, hay Tứ thiên vương, Đế-thích[1]… tất sẽ được như điều mong muốn.
– Con nguyện đem một chút phước nhỏ này mà được sanh thiên.
Ngài Ca-diếp bỗng nhiên biến mất. Trong ngày ấy, bà lão cũng lâm chung, được sanh về cõi trời Đao-lợi thứ hai[2], oai đức rực rỡ, chấn động trời đất. Trời Đế-thích giật mình kinh sợ, dùng thiên nhãn quán chiếu, biết Thiên nữ có phước báo ấy là do duyên tiền kiếp cúng dường ngài Ca-diếp.
Trời Đế-thích nghĩ, ta phải có cách gì xuống cõi Diêm-phù-đề[3] gặp ngài Ca-diếp để tạo phước!? Đế-thích liền cùng Thiên hậu đem thức ăn ngon bỏ vào bình nhỏ, giáng hạ xuống thành Vương Xá, làm căn nhà nhỏ tồi tàn bên lề đường, hóa thành hai vợ chồng già nghèo nàn bần cùng, làm nghề dệt chiếu. Ngài Ma-ha Ca-diếp trên đường khất thực trở về, thấy người nghèo khổ đứng lại khất thực.
Ông lão nói:
– Tôi quá nghèo không có thứ gì cả, cho như thế nào đây?
Ngài Ca-diếp chú nguyện hồi lâu không đi.
Thấy thế ông lão lại nói:
– Vợ chồng tôi vừa mới xin được một ít thức ăn, nghe nói, Hiền giả là bậc nhân từ đức độ, chỉ khất thực nhà bần cùng, muốn gieo phước lành cho người nghèo. Chúng tôi xin bố thí cho Hiền giả để được phước.
Ngài Ca-diếp đưa bát nhận rồi chú nguyện cho thí chủ. Mùi hương thức ăn ở thiên giới chẳng phải thức ăn thế gian, hương thơm bay khắp thành Vương Xá. Ngài Ca-diếp nghi ngờ liền nhập định biết Đế-thích biến hóa. Trong lúc Ngài tọa thiền nhập định, vợ chồng ông lão hóa lại thân Đế-thích, bay thẳng lên hư không vô cùng vui mừng.
Phật bảo A-nan:
Bà lão bần cùng kia, tất cả thế gian không ai sánh bằng, bố thí tuy ít nhưng phước báo được nhiều. Vì khổ nạn cho nên khởi tâm chí thành được phước vô lượng. Như Đế-thích trên thiên giới, hưởng quả báo sung sướng đến thế mà còn từ bỏ ngôi vị tôn quí, giáng hạ gieo trồng phước lành, được phước báo khó lường.
Vì vậy Như Lai nói bố thí là đệ nhất. Người được như vậy hiếm lắm. Ông phải tuyên thuyết rộng rãi lời nói chơn thật này của Như Lai.
Phật thuyết kinh Ma-ha Ca-diếp độ bà lão nghèo.
Lời kết:
Đức Phật quán thấy người nghèo ở làng Alavi đến lúc chứng ngộ, nhưng anh ta đói bụng, đức Phật bảo dân làng cho anh ta ăn. Ăn rồi, đức Phật thuyết pháp, anh nghe liền chứng quả Dự lưu tại chỗ. Phật dạy “Không có bệnh gì khó chịu bằng bệnh đói” (kinh Pháp cú 203).
Đói khổ và nghèo nàn dễ khiến con người xa cách đời sống tâm linh, dù thời đức Phật còn tại thế hay xã hội hiện đại bây giờ; đó cũng chính là nỗi bận tâm lớn nhất trong suốt cuộc đời Phật. Với tình thương vô hạn, đạo Phật luôn đến với họ, không đợi họ đến với mình, cho nên tâm nguyện ngài Ca-diếp chỉ khất thực nhà nghèo, không khất thực nhà giàu. Tuy nhìn có vẻ nhẫn tâm, ép họ cho mình vật thực độ nhật của họ, nhưng kỳ thật hạnh nguyện ấy là cứu họ, giúp họ phá trừ tâm tham lam keo kiết, giải phóng khỏi sự nghèo khổ của kiếp sau.
Sau khi cúng dường cho ngài Ca-diếp, bà lão không ước muốn điều gì, chỉ mong được sanh thiên. Vì sanh thiên (sanh lên trời) là tín ngưỡng khá phổ biến của người Ấn Độ thời xưa, cho rằng người nào làm thiện đều được sanh thiên, hưởng được thú vui tột cùng, thoát khỏi luân hồi. Về sau tư tưởng này du nhập vào Phật giáo, có một số kinh điển đều nói đến thuyết sanh thiên.
Bà lão nghèo thí chút nước cơm hôi, trời Đế-thích cúng ít thức ăn thiên giới, lại được phước báo thật khó lường… Ở đây, ý kinh không cân đong, so tính phẩm vật bố thí mà muốn nói đến một tấm lòng chân thật cúng dường và tâm bố thí ly nhiễm. Đồng thời Phật cũng dạy rõ trong kinh Phước điền (Trung A-hàm q.30), bậc Hữu học (dưới A-la-hán), Vô học (chứng A-la-hán) trong đời, đáng được tôn kính; các Ngài tu chánh thân, miệng, ý cũng chánh hạnh, là ruộng tốt cho tại gia, cúng dường được phước lớn.
Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân – số 53, tr.51, 2008]
[1] Trời Đế-thích 帝釋天: Skt. Śakra Devānām-indra, hay gọi Thiên chủ, Thiên nhãn… Theo các kinh luận nói, trời Đế-thích vốn là người Bà-la-môn ở nước Ma-già-đà, nhờ phước đức bố thí mà sanh lên cõi trời Đao-lợi, làm chủ tầng trời ba mươi ba.
[2] Trời Đao-lợi 忉利天: Skt. Trāyastriṃśa, dịch là cõi trời Ba mươi ba, là tầng trời thứ 2 trong 6 cõi trời Dục giới.
[3] Diêm-phù-đề 閻浮提: Skt. Jambu- dvīpa, Diêm-phù (Jambu) là tên một loại cây sinh ở Ấn Độ, hạt có thể dùng làm thuốc. Đề (dvīpa), dịch là châu. Châu Diêm-phù vốn chỉ riêng Ấn Độ, về sau thì chỉ chung cho thế giới nhân gian.