Thích Tâm Nhãn: Tôn giả Thập Lực Ca-diếp nói lời chân thật, khiến máu nơi chân Phật dừng chảy
Dẫn nhập:
Khi Hòa thượng Đỗng Minh còn sinh tiền, có lần Hòa thượng kể: Thầy Minh Phát đi thăm một bác Phật tử bệnh nặng, thầy lại nhà, ngồi bên giường nắm tay bác ấy thầy nói: “Nếu bác có thương con cháu thì chóng khỏe, chơi với con cháu; còn nếu thấy nằm đây khổ cái thân, nhọc cho con cháu thì bác về với Phật”. Hôm sau, người nhà rối rít đến tri ân thầy, vì bác ấy đã khỏe lại. Hòa thượng kể xong, gật gù cười cười, khen thầy Minh Phát có nhiều cái hạnh kỳ lạ.
Chuyện đời lắm việc khó tin, vì vượt ngoài tư duy, nhận thức của người thường. Ngẫm chuyện nay đọc chuyện xưa, “Tôn giả Thập Lực Ca-diếp nói lời chân thật, khiến máu nơi chân Phật dừng chảy” cũng khá phần hy hữu, bất khả tư nghị. Nhưng ngôn ngữ ẩn dụ tự ngàn xưa như câu trả lời cho những việc tế toái trong sinh hoạt đời thường, mà tâm tư hữu hạn của con người đều khó biết, khó hiểu, khó tin.
Chuyện “Tôn giả Thập Lực Ca-diếp nói lời chân thật, khiến máu nơi chân Phật dừng chảy” (Thập Lực Ca-diếp dĩ thật ngôn chỉ Phật túc huyết duyên 十力迦葉以實言止佛足血緣) trong kinh Tạp bảo tạng quyển 7, trang 481a24, tạng Đại Chánh 4, số hiệu 203.
Toát yếu nội dung chuyện:
Một hôm đức Phật bị gai Ca-đà-la chích vào chân, máu chảy mãi không cầm. Ngài dùng các loại thuốc đắp lên nhưng vẫn không lành. Các vị La-hán ở trong núi Hương hái thuốc đem đến bôi vào cũng không bớt.
Khi ấy, Tôn giả Thập Lực Ca-diếp đến chỗ Phật nói như vầy:
– Nếu đức Như Lai đối với tất cả chúng sanh có tâm bình đẳng, Thế Tôn đối với La-hầu-la, Đề-bà-đạt-đa,[1] v… đều như nhau thì máu trên chân hãy cầm lại.
Ngay tức khắc máu liền cầm và vết thương cũng lành. Các Tỳ-kheo vui mừng hỏi Phật:
– Thưa Thế Tôn! Nhiều loại thuốc hay đắp lên chân Thế Tôn điều trị mà máu vẫn không cầm. Nhưng vì sao Tôn giả Ca-diếp nói lời chân thật thì máu cầm liền!?
Đức Phật bảo:
– Đâu phải chỉ có ngày hôm nay thôi, ở thời quá khứ cũng như vậy rồi. Thuở ấy, có một Bà-la-môn sanh một người con, đặt tên là Vô Hại. Một hôm, người con thưa với cha:
“Thưa cha, khi làm ruộng chớ giết hại chúng sanh”.
Người cha bảo:
“Con muốn làm tiên nhân hả! Hình thức sinh sống làm sao tránh loài trùng kiến được?”
Người con thưa:
“Con muốn đời này, đời sau đều được an lạc. Nếu cha không nghe lời con, thì con sống để làm gì!?”
Cậu ta liền đến bên suối Độc Long ngồi đó, vì muốn chết. Ở suối này có con rồng hung dữ, hễ thấy người là giết. Con của Bà-la-môn vừa thấy nó là bị chất độc tấn công khắp cơ thể, sức sống gần tàn. Bấy giờ, người cha lo buồn, không biết con đang ở đâu, cấp tốc đi tìm. Đến suối Độc Long, thấy con mình sắp chết, vội đến bên con nói rằng:
“Con ta từ xưa đến nay không có tâm giết hại, độc này phải tiêu diệt.” Vừa nói xong, khí độc liền tiêu, thân thể người con bình phục như xưa.
Người cha lúc ấy là Thập Lực Ca-diếp, còn người con chính là thân Ta. Trong thời quá khứ, vị này đã nói lời chân thật, giúp bệnh Ta tiêu trừ, thì đời này cũng dùng lời chân thật để làm lành bệnh Ta.
Lời kết:
Luận về thân Phật, sau khi đức Phật nhập diệt, thời đại bộ phái các nhà Phân biệt luận và Đại chúng bộ chủ trương thuyết thân Phật là vô lậu. A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận 44, T27n1545,[2] trang 229a17 nói: “Như Lai sinh tại thế gian, trường thời tại thế gian. Hoặc đi, hoặc đứng, Như Lai không hề bị nhiễm ô bởi pháp thế gian.” Còn Hữu bộ thì chủ trương hoàn toàn khác, cho rằng sinh thân[3] của Phật cũng là kết quả của phiền não, cho nên vẫn thuộc hữu lậu.
Lại nhiều kinh điển dẫn chứng đức Phật có quyền năng siêu nhiên, hiện hóa thần thông, như kinh Đại bản, Trường A-hàm 1, T01n01, trang 1b15: “Thật kì diệu hy hữu, đấng Vô Thượng Tôn, có thần thông thấu đến chỗ xa… biết rõ vô số quá khứ đức Phật”; kinh Đại Kiên Cố Bà-la-môn duyên khởi 1, T01n08, trang 208c11: “Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, xuất hiện thế gian, đầy đủ thần thông…”, v.v… Và chuyện đức Phật lâm bệnh không phải hiếm thấy trong các kinh, như kinh Du hành, Trường A-hàm 1, T01n01, trang 15a17: “Trong lúc an cư, thân Phật nhuốm bệnh, khắp cả mình đều đau nhức…”; kinh Phật bát-nê-hoàn quyển hạ, T01n05, trang 168a17: “… từ nước Hoa Thị đến nước Cưu-di-na-kiệt, trên đường đi, đức Phật lâm bệnh…”, v.v…
Nếu chấp nhận cả hai hình ảnh, một bên là đức Phật có quyền lực siêu nhiên, một bên là một con người bình thường như bao con người khác, cũng bệnh hoạn, cũng đau yếu… như vậy “là mâu thuẫn lớn nhất đối với những người tin Phật. Nhìn từ góc cạnh triết lý, đó là mâu thuẫn giữa thế giới siêu việt và nhận thức thường nghiệm. Thành ra, để hóa giải mâu thuẫn cực kỳ này, các nhà Phật học đề nghị đặt nhận thức chân lý trên hai bình diện, tương đối và tuyệt đối.” Cho nên, ở đây người chép kinh đứng trên bình diện tương đối, viết về đức Phật rất gần gũi với mọi người trong đời thường, cũng bị gai chích vào chân, máu chảy không dừng… Sau đó, Tôn giả Thập Lực Ca-diếp nói lời chân thật với Phật “Nếu đức Như Lai đối với tất cả chúng sanh có tâm bình đẳng…”, thì máu liền cầm lại; hoặc người Bà-la-môn nói với đứa con “Con ta từ xưa đến nay không có tâm giết hại, độc này phải tiêu diệt”… phải chăng đây chính là năng lực của sự chú nguyện mà chúng ta thường thấy trong văn tạng Pāli:
Tiểu phẩm (Culla-vagga) II, Luật tạng 4, Nam truyền tạng 4, trang 148 ghi: Có vị Tỳ-kheo bị rắn cắn chết; các Tỳ-kheo thưa với Phật… Phật dạy các Tỳ-kheo hãy rải tâm từ đến bốn loài rắn chúa (bằng một bài kệ) để bảo vệ bản thân: “Tôi có từ tâm với Tỳ-lâu-la (Virūpakkha), tôi có từ tâm với Y-la-mạn (Erāpatha)… tôi có từ tâm với loài không chân, hai chân… đừng hại tôi… Xin các sinh linh hãy tránh xa. Tôi đảnh lễ đức Thế Tôn.”
Kinh Ương-quật-ma-la (Angulimāla sutta), Trung bộ kinh 2 (Majjhima-nikāya): kinh kể về tướng cướp Angulimāla sau khi xuất gia theo Phật thành A-la-hán. Một hôm, đi vào thành Sāvatthī (Xá-vệ) khất thực, thấy một người phụ nữ đang sinh rất đau đớn và nguy kịch, ông thương tâm trở về bạch Phật. Phật dạy: Hãy đến chỗ người phụ nữ ấy nói rằng: “Này chị, từ khi tôi tái sinh trong Thánh đạo, tôi chưa hề tước đoạt sinh mạng của một sinh vật nào; bằng sự thật này, mong chị sinh nở an lành!”
Qua ý kinh cho chúng ta thấy được, năng lực ngôn ngữ có thể chuyển hóa được hoàn cảnh, đối tượng, môi trường xung quanh. Khi người chú nguyện nhờ vào sức niệm, định và lòng từ bi, họ đem thân tâm về một mối, ý chí giao cảm với Tha lực, bắt đầu chế tác một nghiệp báo mới, tác động đến nghiệp lực của đối tượng được cầu nguyện; sự thiết lập được cảm thông giữa người chú nguyện và Tha lực, thì sự cảm thông đó vượt khỏi ranh giới thời gian và không gian, chỉ trong một sát-na có thể làm thay đổi được nghiệp cảm của người kia. “Như vật thấy và vật bị thấy, theo định luật tia tới và tia phản chiếu trong quang học, chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Góc tới thay đổi, thì góc phản chiếu đổi theo liền lập tức.” Đồng thời theo thuyết vô thường và luật nhân quả của Phật giáo, nếu tâm thay đổi thì số phận thay đổi, tâm tốt đời sống tốt. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục viện dẫn sẽ khó tránh khỏi mâu thuẫn biện chứng; vì đức Phật lại nói, “sự thăng trầm hay đọa lạc của một chúng sanh tùy theo hành vi mà nó đã làm, chứ không phải vì bất cứ lời cầu nguyện nào” (Samyutta. iii, tr. 311). Do đó, “kho tàng Phật pháp phải được nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau, mâu thuẫn và đối nghịch, để từ đó mỗi cá nhân tự chứng nghiệm ý nghĩa chân thật của Phật pháp.”
Kết lại, nội dung kinh chuyện giới thiệu trên vẫn là văn chuyện mang sắc thái truyện cổ dân gian Ấn, mà người “thủ vai” là đức Phật, trong nhiều kiếp luôn hành hạnh Bồ-tát cứu độ chúng sinh.
[1] Đề-bà-đạt-đa: Skt=Pl. Devadatta, là con vua Hộc-phạn, chú của Phật (có thuyết nói là con vua Cam Lộ Phạn, Bạch Phạn hay con của trưởng giả Thiện Giác). Sau một thời gian xuất gia theo Phật, ông có tâm kiêu mạn, rồi dẫn 500 đồ chúng thoát ly Tăng đoàn, phá hòa hợp Tăng, ám hại Phật.
[2] Tạng Đại Chánh 27, số hiệu 1545.
[3] Sinh thân 生身: cũng gọi là nhục thân; chỉ cho thân Phật đầu thai nơi cha mẹ mà sinh ra.